Thuật ngữ chính trị (59)

Phạm Nguyên Trường

184. Executive privilege – Đặc quyền hành pháp. Đặc quyền hành pháp là quyền của tổng thống Mĩ và các quan chức hành pháp được giữ trong nội bộ hành pháp, không tiết lộ cho lập pháp và tòa án một số thông tin và những người liên quan đến những thông tin đó. Quyền này được áp dụng nếu việc tiết lột thông tin sẽ cản trở hoạt động của chính phủ. Cả đặc quyền hành pháp hay quyền giám sát của quốc hội đều không được thể hiện một cách tường minh trong jiến pháp Hoa Kì. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Hoa Kì phán quyết rằng mỗi đặc quyền hành pháp và quyền giám sát của quốc hội đều là hệ quả của học thuyết tam quyền phân lập, xuất phát từ quyền lực tối thượng của mỗi nhánh trong lĩnh vực hoạt động hiến định của mình.

185. Existentialism – Chủ nghĩa hiện sinh. Chủ nghĩa hiện sinh hay Thuyết hiện sinh là một hình thức truy vấn triết học, khám phá bản chất của sự tồn tại bằng cách nhấn mạnh kinh nghiệm của chủ thể con người – không chỉ đơn thuần là chủ thể tư duy, mà còn là chủ thể hành động, cảm giác, và sống. Theo quan điểm của người theo chủ nghĩa hiện sinh, xuất phát điểm của cá nhân có đặc điểm là “nỗi đau hiện sinh” (hoặc thái độ hiện sinh, nỗi sợ hãi, v.v.), hoặc cảm giác mất phương hướng, bối rối hoặc lo lắng khi đối mặt của một thế giới dường như vô nghĩa hoặc phi lý.

Thuật ngữ Chủ nghĩa hiện sinh (tiếng Pháp: L’existentialisme) được đặt ra bởi nhà triết học Công giáo người Pháp Gabriel Marcel vào giữa những năm 1940. Lúc đầu, khi Marcel sử dụng thuật ngữ này trong một hội thảo năm 1945, Jean-Paul Sartre đã không công nhận nó. Sartre sau đó đã nghĩ lại và vào ngày 29 tháng 10 năm 1945, ông công khai sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa hiện sinh trong một bài giảng ở Club Maintenant tại Paris. Bài giảng sau đó đã được xuất bản với tên Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (L’existentialisme est un humanisme), một cuốn sách ngắn đóng vài trò quan trọng trong việc phổ biến tư tưởng hiện sinh. Marcel sau đó đã từ chối chính tên gọi này để ủng hộ thuật ngữ Chủ nghĩa Socrate mới (Neo-Socratic), để vinh danh bài tiểu luận On The Concept of Irony của Kierkegaard.

Một số học giả cho rằng thuật ngữ này chỉ nên được sử dụng để chỉ phong trào văn hóa ở châu Âu trong những năm 1940 và 1950 liên quan đến tác phẩm của các triết gia Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Maurice Merleau-Ponty và Albert Camus. Các học giả khác sử dụng thuật ngữ này mở rộng tới thời của Kierkegaard, và những người khác mở rộng nó xa hơn tới tận thời của Socrates. Tuy nhiên, thuật ngữ này thường được sử dụng gắn liền với quan điểm triết học của Jean-Paul Sartre.

Chủ nghĩa hiện sinh thường được người ta liên tưởng tới một số nhà triết học châu Âu thế kỷ XIX và XX, những người cùng nhấn mạnh về chủ thể con người, mặc dù họ có những khác biệt sâu sắc về học thuyết. Nhiều người theo thuyết hiện sinh coi các triết học có tính hệ thống hoặc học thuật truyền thống – về cả phong cách và nội dung – là quá trừu tượng và xa rời kinh nghiệm cụ thể của con người. Trong khi giá trị được nhìn nhận phổ biến của tư tưởng hiện sinh là tự do, tiêu chuẩn đạo đức hàng đầu của nó là sự đích thực (authenticity). Søren Kierkegaard thường được coi là nhà triết học hiện sinh đầu tiên, mặc dù ông không sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa hiện sinh. Ông nói rằng mỗi cá nhân – không phải xã hội hay tôn giáo – hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc mang lại ý nghĩa cho đời sống và sống nó một cách say mê và chân thành, hay “xác thực”.

Chủ nghĩa hiện sinh trở nên phổ biến vào những năm sau Thế chiến II và bên cạnh triết học, nó tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác như thần học, kịch nghệ, nghệ thuật, văn học và tâm lý học.

185. Exit – Từ bỏ hoặc “bỏ phiếu bằng chân”. Các thành viên của tổ chức có thể thể hiện thái độ bất mãn của mình với lãnh đạo bằng cách ra khỏi tổ chức. Các thành viên của tổ chức có thể đe dọa “từ bỏ” nhằm gây áp lực với lãnh đạo. Khả năng, điều kiện và “kiểm soát” việc “từ bỏ” được coi là những nhân tố quan trọng của chính trị nội bộ tổ chức.

186. Exit poll – Thăm dò ngoài phòng phiếu. Thăm dò ngoài phòng phiếu là cuộc thăm dò ý kiến cử tri được thực hiện ngay sau khi họ ra khỏi các điểm bỏ phiếu. Còn cuộc thăm dò được thực hiện trước khi cử tri thực sự đã bỏ phiếu thì gọi là thăm dò trước phòng phiếu (entrance poll). Những người thăm dò ý kiến – thường là các công ty tư nhân làm việc cho các tờ báo hoặc đài truyền hình – tiến hành các cuộc thăm dò ý kiến để có được tín hiệu sớm về kết quả cuộc bầu cử, vì nhiều cuộc bầu cử có thể mất hàng giờ hoặc thậm chí hàng tháng mới có kết quả chính thức.

Các cuộc thăm dò ý kiến ngoài phòng phiếu cũng được sử dụng để thu thập dữ liệu nhân khẩu học về cử tri và tìm hiểu lý do vì sao họ đã bỏ phiếu như thế. Vì các phiếu bầu là ẩn danh, nên thăm dò ý kiến ngoài phòng phiếu là cách duy nhất để thu thập thông tin này.

Các cuộc thăm dò ý kiến ngoài phòng phiếu cũng được sử dụng để có cái nhìn bao quát về kết quả bầu cử cũng như xác định xem chiến dịch chính trị cụ thể thành công hay thất bại.

Comments are closed.