Thuật ngữ chính trị (61)

Phạm Nguyên Trường


193. Fabianism – Hội Fabian. Hội Fabian là một tổ chức xã hội chủ nghĩa lâu đời ở Anh với mục đích là thúc đẩy những lý tưởng xã hội chủ nghĩa qua chủ trương tiệm tiến và cải tổ từng bước một. Hội Fabian, đặt theo tên một vị tướng La Mã, Quintus Fabius Maximus (280 TCN – 230 TCN một nổi tiếng vì những chiến thuật được suy nghĩ một cách thấu đáo trong quá trình chuẩn bị, tiêu hao lực lượng đối phương, lập kế hoạch tấn công một cách thận trọng để chiến thắng Hannibal (247 TCN – 183 TCN) – được một nhóm trí thức cánh tả ở Anh thành lập vào năm 1884 và cuối thế kỉ XIX, đã liên kết với những nhóm khác để thành lập Công Đảng (Labour Party). Quan điềm luôn luôn giữ thế thượng phong của Hội là ủng hộ tiến trình chính trị hòa bình để tiến lên chủ nghĩa xã hội – thông qua con đường bầu cử và hiến pháp. Hiện nay, khó phân biệt chủ nghĩa Fabian với đường lối dân chủ xã hội trong nội bộ Công Đảng, nhưng trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, quan điểm này quan trọng hơn hẳn vì nó đại diện cho quan điểm phi cách mạng về nhu cầu và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong khi các lựa chọn khác chỉ là chủ nghĩa công đoàn hoặc quân sự cực đoan. Hội này chẳng những đã đặt nền móng cho Công đảng Anh mà còn tạo được ảnh hưởng tới chính sách của một số nước sau khi thực được đế quốc Anh trao trả độc lập, ví dụ như Ấn Độ và Singapore.

Ngay từ lúc ban đầu, Hội Fabian đã lôi cuốn được nhiều nhân vật nổi tiếng thời đó, trong đó có George Bernard Shaw, H. G. Wells, Annie Besant, Graham Wallas, Charles Marson, Hubert Bland, Edith Nesbit, Sydney Olivier, Oliver Lodge, Leonard Woolf và Virginia Woolf, Ramsay MacDonald và Emmeline Pankhurst. Ngay cả Bertrand Russell cũng đã là thành viên trong một thời gian ngắn. Thành phần chính của hội Fabian là hai ông bà Sidney và Beatrice Webb. Nhiều thành viên Fabian đã tham dự vào việc thành lập Công đảng Anh vào năm 1900, và nội quy của nhóm, do Sidney Webb chấp bút, chủ yếu được lấy từ văn kiện đặt nền móng cho Hội Fabian.

Ngày nay, Hội hoạt động như là một think tank và là một trong 15 hiệp hội theo đường lối xã hội chủ nghĩa liên kết với Công đảng. Ở Úc có Hội Fabian Úc, (Australian Fabian Society), và ở Canada có hội gọi là Quỹ Douglas-Coldwell (the Douglas-Coldwell Foundation), ở Sicilia (Ý) có Hội Fabian Sicilia (Sicilian Fabian Society), ở New Zealand có Hội Fabian New Zealand (The NZ Fabian Society).

194. Faction – Bè phái/Phe phái. Bè phái chính trị là một nhóm người trong một thực thể lớn hơn, ví dụ như một chính đảng, tổ chức công đoàn hoặc một nhóm khác, hoặc đơn giản là môi trường chính trị, với mục đích chính trị cụ thể nào đó, mà một số khía cạnh có khác biệt với phần còn lại của thực thể chính trị đó. Một phe phái hoặc một chính đảng có thể bao gồm “các phe phái trong phe phái”, “các đảng trong một đảng”, đôi khi được gọi là khối (blocs) quyền lực hoặc khối (blocs) bỏ phiếu. Các thành viên của phe phái kết hợp với nhau như một biện pháp để đạt được những mục tiêu cùa mình và thúc đẩy chương trình nghị sự và quan điểm của họ trong nội bộ tổ chức. Không chỉ các chính đảng mới có phe phái; phe phái có thể và thường xuyên xuất hiện trong bất kỳ nhóm người nhắm tới mục đích chính trị nào đó.

195. Factors of production – Các yếu tố sản xuất. Trong kinh tế học, các yếu tố sản xuất, nguồn lực hoặc đầu vào là những thức được sử dụng trong quá trình sản xuất để tạo ra đầu ra – hàng hóa và dịch vụ.

Kinh tế học cổ điển phân biệt các yếu tố sản xuất được sử dụng trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ:

– Đất hay các nguồn lực tự nhiên (tài nguyên thiên nhiên) – các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, ví dụ, đất đai và khoáng chất. Chi phí cho việc sử dụng đất là địa tô.

– Sức lao động – các hoạt động của con người được sử dụng trong sản xuất. Chi phí thanh toán cho sức lao động là lương.

– Tư bản hay vốn – Các sản phẩm do con người làm ra hay công cụ sản xuất) được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm khác. Vốn bao gồm máy móc, thiết bị và nhà xưởng. Trong ý nghĩa chung, chi phí thanh toán cho vốn gọi là lãi suất.

– Doanh nhân khởi nghiệp

Các yếu tố này lần đầu tiên được hệ thống hóa trong các phân tích của Adam Smith, 1776, David Ricardo, 1817, và sau này được John Stuart Mill đóng góp như là một phần của lý thuyết chặt chẽ về sản xuất trong kinh tế chính trị học.

Trong các phân tích cổ điển, tư bản nói chung được xem như là các vật thể hữu hình như máy móc, thiết bị, nhà xưởng. Với sự nổi lên của kinh tế tri thức, các phân tích hiện đại hơn thông thường phân biệt tư bản vật lý này với các dạng khác của tư bản, ví dụi “vốn con người” (thuật ngữ kinh tế để chỉ giáo dục, kiến thức hay sự lành nghề).

Ngoài ra, một số nhà kinh tế học khi nói tới các kinh doanh còn có khái niệm khả năng tổ chức, hay đơn giản chỉ là “khả năng lãnh đạo” như là yếu tố thứ tư. Tuy nhiên, điều này dường như là một dạng của sức lao động hay “vốn con người”.

Học thuyết kinh tế cổ điển sau này đã được phát triển xa hơn nữa và vẫn giữ được tác dụng cho tới ngày nay như là nền tảng cho kinh tế vi mô.

Comments are closed.