Thuật ngữ chính trị (65)

Phạm Nguyên Trường

205. Federalism – Liên bang. Liên bang (Latinh: foedus) là hình thức nhà nước bao gồm một số các thành viên có chính quyền riêng, tập hợp lại dưới một chính phủ liên bang thống nhất (chính phủ trung ương). Trong một liên bang, chủ quyền của các thành viên liên bang được pháp luật bảo hộ và không thể bị điều chỉnh bởi một quyết định đơn phương nào của chính phủ trung ương.

Hình thức chính phủ được gọi là chế độ liên bang. Hệ thống này có thể coi là đối lập với hệ thống nhất thể (unitary system). Nước Đức với mười sáu Länder là một ví dụ về liên bang. Còn nước Pháp luôn luôn là nhà nước nhất thể.

Chế độ liên bang thường được thiết lập tại những quốc gia đa sắc tộc hoặc có lãnh thổ rộng lớn. Liên bang thường được hợp nhất từ một hiệp ước ban đầu giữa các thành viên riêng lẻ. Mục đích hợp nhất là để giải quyết các vấn đề chung hoặc để có năng lực phòng thủ chung như Hoa Kì và Thụy Sĩ hoặc tạo ra một nhà nước dân tộc cho các nhóm rải rác ở các quốc gia khác nhau như Đức. Tuy nhiên, do lịch sử và dân tộc của các quốc gia rất khác nhau cho nên chế độ liên bang của một quốc gia có thể khác xa các hình mẫu trên.

Một tổ chức quốc tế của các nhà nước liên bang gọi là Diễn đàn Liên bang, có trụ sở đặt tại Ottawa, Ontario, Canada. Tổ chức này hiện gồm chín quốc gia thành viên.

206. Federalist papers – Luận cương liên bang. Luận cương liên bang là loạt 85 bài báo, dưới bút danh Publius được đăng trên các tờ báo ở thành phố New York trong giai đoạn từ ngày 2 tháng 10 năm 1787 đến ngày 6 tháng 8 năm 1788. Phần lớn trong số này là do Alexander Hamilton hoặc James Medison chấp bút, người thứ ba là John Jay cũng viết một số bài. Mục đích của những bài báo này là thúc đẩy việc thông qua bản hiến pháp Hoa Kì, được soạn thảo vảo mùa hè năm 1787. Luận cương liên bang vẫn là tác phẩm có giá trị cực kì cao, thường xuyên được các nhà luật học, học giả và các nhà bình luận trích dẫn để lí giải nhằm tìm hiểu hiến pháp Hoa Kì. Luận cương liên bang giải quyết những vấn đề quan trọng nhất trong quá trình thiết lập chính phủ dân chủ tự do trong một xã hội rộng lớn và đa dạng, trong đó có những vấn đề như bản chất của chính quyền đại diện, phân chia quyền lực, chế độ liên bang, đa nguyên và tái kiểm tư pháp. Các bài 10, 51, 70 và 78 được coi là quan trọng hơn cả.

207. Federalists (chính đảng ở Hoa Kì) – xem Democratic party và Republican party.

208. Feminism – Chủ nghĩa nữ quyền. Chủ nghĩa nữ quyền là thuật ngữ nói về phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Thuật ngữ này được sử dụng trong tiếng Anh từ những năm 1890, nhiều ngôn ngữ hoàn toàn không có từ này. Chủ nghĩa nữ quyền còn là hệ thống những lời phê phán, chĩa mũi dùi vào chế độ gia trưởng, tức là hệ thống với quyền lực của đàn ông, đàn áp phụ nữ thông qua những thiết chế xã hội, chính trị và kinh tế. Như vậy, chủ nghĩa nữ quyền, một mặt phê phán chế độ gia trưởng, còn mặt kia, là hệ tư tưởng cam kết với việc giải phóng phụ nữ, thách thức nền chính trị từng phủ nhận, không cho phụ nữ tiếp cận với chính trị và vì vậy mà không có người đại diện cho quyền lợi của mình. Hiện nay, những người theo thuyết nữ quyền chia làm nhiều phái khác nhau như nữ quyền Marxist, nữ quyền vô chính phủ, nữ quyền cấp tiến, nữ quyền tự do. Chủ nghĩa nữ quyền không chỉ là những lời phê phán hay khuếch trương các hệ tư tưởng truyền thống mà còn có những đóng góp quan trọng vào lĩnh vực lí thuyết và thực hành.

Những người theo phái nữ quyền theo đuổi những chính sách cụ thể khác nhau, từ pháp lí, trong việc đòi hỏi bình đẳng về cơ hội và chấm dứt kì thị giới trong chính sách thuê mướn nhân công và tiền công, đến những đòi hỏi thời gian chăm sóc con được trả lương, và những thiệt thòi của phụ nữ trên thị trường lao động, và cuối cùng là đòi hỏi các chính sách nâng đỡ đối với phụ nữ. Các vấn đề nữ quyền thường có các nhóm áp lực ủng hộ rất mạnh mẽ, dù đã có những đảng của phụ nữ, như ở Colombia và Iceland, đảng của phụ nữ ở Iceland thậm chí còn được tới 10% phiều bầu trong cuộc tổng tuyển cử ở nước này. Mặc dù các chính trị gia nữ giới ngày càng có vai trò nổi bật, số lượng phụ nữ trong các cơ quan lập pháp ở nhiều nước hoàn toàn không tương xứng với tỉ lệ phụ nữ. Nói chung, chủ nghĩa nữ quyền có xu hướng tả khuynh vì lí do là phong trào này tấn công điều mà họ coi là quan hệ quyền lực thâm căn cố đế. Tuy nhiên, ở đây có những vấn đề to lớn vì phân chia giới hầu như không liên quan tới phân chia giai cấp mà tư duy cánh tả hướng tới. Như một phong trào cải cách, phong trào nữ quyền đã thu được một số thành công, nhiều nước đã thông qua những đạo luật về quyền bình đẳng giới. Tư tưởng của chủ nghĩa nữ quyền cũng trở thành các môn học và đề tài nghiên cứu của giới hàn lâm và nhiều trường đại học trên thế giới.

Comments are closed.