Thuật ngữ chính trị (70)

Phạm Nguyên Trường


222. Force Majeure – Bất khả kháng. Bất khả kháng là cụm từ để nói rằng kết quả chính trị nào đó phụ thuộc vào việc sử dụng vũ lực chứ không dựa vào đồng thuận, thỏa hiệp hoặc tiến trình pháp lý. Ví dụ, cuộc đình công có thể được giải quyết bằng “bất khả kháng”, nếu chính phủ đưa quân đội tới nhà máy để đàn áp chứ không tìm cách đàm phán với những người bãi công. Chính phủ không có tính chính danh hay không được quần chúng ủng hộ mà chỉ dựa vào đàn áp bị gọi là cai trị bằng force majeure. Người ta cho rằng tình trạng như thế đã xảy ra ở Ba Lan sau vụ đàn áp công đoàn Đoàn kết vào tháng 12 năm 1981 và sau đó là thiết quân luật. Vụ xâm lược Kuwait, coi đấy là tỉnh thứ 19 của Iraq là ví dụ điển hình của bất khả kháng. Còn một hàm ý nữa là những người bị tác động không hề chống cự lại những dàn xếp mới này vì đơn giản là họ không thể nào chống cự được.

223. Fordism – Học thuyết Ford. Thuật ngữ này được lý thuyết gia theo trường phái Marxist, Antonio Gramsci (1891-1937) đưa ra và trở thành thịnh hành trong chính trị học vào những năm 1930. Gramsci tập trung chú ý vào kĩ thuật sản xuất của Mĩ (đặc biệt là sản xuất trên dây chuyền và tiêu chuẩn hóa sản phẩm) và quan hệ xã hội kèm theo mà Henry Ford là người tiên phong, báo hiệu một giai đoạn mới trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản. Những phương pháp quản lý sản xuất theo lối khoa học như thế đôi khi còn được gọi là Taylorism. Đầu những năm 1980, dưới ảnh hưởng của lý thuyết quản lý Marxist (Marxist regulation theory), thuật ngữ Fordism được dùng để mô tả “chế độ tích lũy”, trong đó sản xuất hàng loạt liên kết với tiêu thụ đại quy mô, công đoàn tham gia vào những cuộc đàm phán tay ba với tư bản và nhà nước, đồng thuận chính trị và xã hội được thúc đẩy bởi tiền công gia tăng và củng cố nhà nước phúc lợi, chính phủ cam kết toàn dụng lao động theo sau chính sách quản lý cầu của trường phài Keynes và thỏa thuận Bretton Woods nhằm điều tiết quan hệ kinh tế quốc tế. Việc áp dụng rộng khắp chuyên môn hóa linh hoạt, sản xuất hàng loạt từng lô nhỏ, thị trường ngách, chiến lược “đúng sản phẩm – với đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết”, và chính sách tiền tệ của các chính phủ được coi là tín hiệu của chính sách hậu Fordism trong những năm 1980.

224. Foreign aid – xem Aid.

225. Formative elections – Những cuộc bầu cử định hình. Trong tiến trình dân chủ hóa, những cuộc bầu cử đầu tiên có thể được coi là có ảnh hưởng quan trọng đối với quá trình phát triển cơ cấu chính trị, thông qua hệ thống chính trị sẽ được hình thành hoặc các thiết chế chính trị sẽ được định hình trong chính quyền vừa mới được thành lập. Nếu các cuộc bầu cử định hình được tổ chức trên bình diện địa phương hay khu vực, các đảng phái trên bình diện quốc gia phải cần thời gian dài hơn mới có thể xuất hiện, trong khi cơ cấu quyền lực khu vực có thể được củng cố. Trong các xã hội hậu thuộc địa, các đảng từng dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thường định hình diễn ngôn chính trị trong nhiều năm.

Comments are closed.