Phạm Nguyên Trường
259. General Will – Ý chí chung. Ý chí chung là khái niệm chính trị, lần đầu tiên được Jean Jacques Rousseau (1712-1778) bàn một cách chi tiết nhất trong tác phẩm Khế ước xã hội (1762), mặc dù những khái niệm tương tự đã hiện diện trong tư tưởng chính trị từ thời xa xưa. Đối với Rousseau, ý chí chung có nghĩa là quyết định chung của tất cả mọi người trong quốc gia, khi họ cố gắng cân nhắc cái gì là có ích cho toàn bộ xã hội chứ không phải điều họ muốn, như những các cá nhân riêng lẻ. Ông phân biệt ý chí chung với “ý chí của tất cả mọi người” – tập hợp những mong muốn riêng lẻ của những cá nhân lúc nào cũng nghĩ đến lợi ích của bản thân. Rousseau tin rằng, chỉ có thể bảo vệ được giá trị chính trị tối cao – tự do – khi mỗi người chỉ phải tuân theo những luật lệ do mình tạo ra và chính mình chấp nhận. Lý thuyết này của ông nói rằng, nếu xã hội được cai trị bởi ý chí chung – quan điểm chung về cái gì là tốt nhất cho tất cả mọi người – thì về cơ bản, mọi người đều tự do, vì không người nào có thể chống lại quyết định như thế, và do đó, sẽ chỉ bị buộc phải làm những việc mà anh ta tin tưởng. Do đó, đấy là xã hội tự do hoàn toàn, mà không rơi vào tình trạng vô chính phủ hoặc phải xin phép.
Rõ ràng là, nhiều điều trong lý thuyết này phụ thuộc vào thiết kế của xã hội và nhà nước, để ý chí chung- nếu có một ý chí như thế – có thể xuất hiện. Nhiều phần trong lý thuyết xã hội của Rousseau tập trung giải quyết vấn đề: Làm sao có được tổ chức như thế. Quan trọng nhất là cam kết với xã hội quy mô nhỏ, nơi tất cả các công dân đều có thể tham gia quyết định những vấn chính trị của xã hội mà họ đang sống. Sự ngưỡng mộ của Rousseau với thành bang Hy Lạp cổ đại và các xã hội tham gia đương đại, không lớn, ví dụ, Geneva, làm cho ông tin rằng có thể có những điều kiện mà lợi ích cục bộ và tư lợi chính trị có thể bị xóa bỏ, động cơ quyết định chỉ vì lợi ích công cộng có thể chiến thắng, do đó, đạt được trạng thái cai trị bằng ý chí chung. Ông nhận thức được rằng, muốn đạt được tình trạng như thế, cần nghiên cứu nhiều về mặt xã hội học, ví dụ, ủng hộ bình đẳng kinh tế, chú trọng các hoạt động tập thể và cấm các đảng phái hoặc bè phái. Mặc dù, hiện nay ít người hài lòng với sắc thái mang tính siêu hình của ý chí chung, hoặc tính khả thi của việc tổ chức các xã hội nhỏ với sự tham gia chính trị của toàn dân, ý tưởng của ông vẫn là động lực cho những người quan tâm tới chế độ dân chủ tham gia hoặc dân chủ trực tiếp. Ý chí chung, như một học thuyết, liên quan đến những vần đề tương tự, gần đây được nhiều người quan tâm hơn, ví dụ, hàng hóa công và lợi ích công cộng – hai vấn đề trong diễn ngôn chính trị thường gặp và là các chủ đề tranh luận gay gắt trong lý thuyết chính trị. Sức mạnh của khái niệm vẫn còn nguyên giá trị: Nó buộc chúng ta phải xem xét đâu là bất đồng chính trị xuất phát từ sự phân biệt một cách tùy tiện và có thể là bất bình đẳng giữa các công dân, và đâu là bất đồng xuất phát từ những khác biệt về giá trị đích thức và có nguồn gốc sâu xa.
260. Genocide – Diệt chủng. Giết nhiều người một cách cố ý, do nhà nước tổ chức và được biện hộ bằng những lời tuyên bố về khác biệt chủng tộc, tôn giáo.., ví dụ như vụ tàn sát người Do Thái ở châu Âu trong những năm 1940. Công ước ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng được Liên hiệp quốc thông quan năm 1948. Các cơ quan của Liên hiệp quốc đã công nhận rằng diệt chủng đã xảy ra ở Rwanda, ở Nam Tư cũ và ở vùng Dafur của Sudan. Năm 2002, Liên hiệp quốc đã lập ra Tòa Hình sự Quốc tế để xét xử tội diệt chủng.
261. Geopolitics – Địa chính trị. Phương pháp tiếp cận với chính trị xuất phát từ nước Đức hồi cuối thế kỉ XIX, nhấn mạnh những hạn chế mà vị trí và môi trường áp đặt lên chính sách đối ngoại của quốc gia.
Cuối những năm 1890, sĩ quan hải quân và sử gia Alfred Mahan (1840–1914) viết về tầm quan trọng của việc kiểm soát đại dương. Ông khẳng định rằng nhà nước nào kiểm soát được các tuyến đường trên biển là kiểm soát cả thế giới. Đối với Mahan, chủ quyền đối với lãnh thổ không quan trọng bằng tiếp cận và kiểm soát các tuyến đường biển . Năm 1904, nhà địa lý học người Anh, Sir Halford Mackinder (1861–1947) phản đối quan điểm này. Đối với Mackinder, nhà nước kiểm soát được “vùng trung tâm” (Heartland) lục địa Á-Âu là nhà nước có quyền lực nhất: “Người cai trị Đông Âu kiểm soát được “Vùng trung tâm” lục địa Á-Âu; người cai trị Vùng trung tâm kiểm soát được châu Âu, châu Á và châu Phi gọi là Đảo Của Thế Giới, và người cai trị Đảo Của Thế Giới kiểm soát cả thế giới”. Trong khi đó, Nicholas J. Spykman (1893-1943) khẳng định rằng khu vực vành đai (rimland) – trải dài theo hình lưỡi liềm từ châu Âu đến Đông Á, có xu hướng thống nhất trong tay một quốc gia và quốc gia kiểm soát nó có thể sẽ thống trị thế giới.
Sự xuất hiện của máy bay đã khiến một số lý thuyết gia địa chính trị hạ thấp vai trò của cả hải quân và sức mạnh trên lục địa và quay sang ủng hộ ưu thế trên không. Trong Thế chiến II, một số người thậm chí còn dự đoán rằng sự phát triển công nghệ sẽ khiến sức mạnh hải quân trở nên lỗi thời. Sự phổ biến của lý thuyết địa chính trị sụt giảm sau Thế chiến II, vì nó liên quan đến cuộc xâm lăng của Đức Quốc xã và đế quốc Nhật Bản và sự xuất hiện vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo làm giảm tầm quan trọng của các yếu tố địa lý trong cán cân chiến lược toàn cầu.