Phạm Nguyên Trường
262. German unification – Thống nhất nước Đức. Thống nhất nước Đức hay tái thống nhất nước Đức là quá trình được khởi xướng bởi cuộc cách mạng hòa bình tại Cộng hòa Dân chủ Đức trong những năm 1989 và 1990, nhằm giải thể chế độ cộng sản và tái thống nhất với Cộng hòa Liên bang Đức vào ngày 3 tháng 10 năm 1990. Ngày 3 tháng 10 như một ngày lễ quốc gia được gọi là "Ngày thống nhất nước Đức", chấm dứt bốn thập kỷ chia cắt nước Đức do hậu quả của Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh.
Việc tái thống nhất dân tộc Đức là do mùa hè năm 1989 Hungary đã quyết định (ngày 2 tháng 5) tháo dỡ Bức màn sắt trên lãnh thổ nước này và mở cửa biên giới (23 tháng 8), khiến cho hàng ngàn người dân Đông Đức (11 tháng 9) chạy sang Tây Đức qua ngả Hungary, và Bức tường Berlin bị người dân Đông Đức phá sập vào ngày 9 tháng 11 năm đó.
Cuộc khủng hoảng chính trị sau sự kiện Hungary dẫn đến Cách mạng hòa bình và cuộc bầu cử tự do ở Cộng hoà Dân chủ Đức vào ngày 18 tháng 3 năm 1990 cũng như các cuộc thương lượng giữa Đông Đức và Tây Đức đưa đến Hiệp định thống nhất, còn các cuộc thương lượng giữa Cộng hoà Dân chủ Đức và Cộng hoà Liên bang Đức và 4 cường quốc chiếm đóng lại mang đến “Hiệp định 2 cộng 4” (Hiệp định giải quyết cuối cùng về nước Đức) trao đầy đủ chủ quyền cho nhà nước Đức thống nhất từ hai nửa nước Đức vẫn bị ràng buộc bởi một số giới hạn như một nước bị chiếm đóng do phe thắng trận Đồng minh làm chủ. Nước Đức tái thống nhất hòa bình cho nên Đức trở thành một thành viên cực kỳ quan trọng của Cộng đồng châu Âu (sau này là Liên minh châu Âu) cũng như NATO.
Hiện nay, ngày 3 tháng 10 hàng năm là ngày lễ quốc gia tại Đức (Ngày thống nhất nước Đức).
263. Gerrymandering – là thuật ngữ ám chỉ việc cố ý tạo ra các khu vực bầu cử để chắc chắn đạt được những mục đích chính trị nào đó, đây là một thực tiễn lâu đời ở Mỹ. Nó có tên như thế là do ông Elbridge Gerry – từng là đại biểu của Hội nghị Lập hiến Mĩ. Sau khi được bầu làm thống đốc bang Massachusets, năm 1812, Elbridge Gerry đã tìm cách phân chia lại khu vực bầu cử đại biểu cho cơ quan lập pháp bang nhằm giúp Đảng Cộng hoà luôn duy trì được đa số. Sau đó có người nhận thấy bản đồ khu vực bầu cử đó có hình thù như con kì nhông (salamander) thì một nhà phê bình liền nói rằng nó giống con “Gerrymander” hơn. Thuật ngữ gerrymander, bao gồm cả động từ to gerrymander, sau này đã được đưa vào từ điển của nước Mĩ.
264. Gibbard – Satterthwaite theorem – Định lý Gibbard – Satterthwaite. Định lý Gibbard – Satterthwaite hay còn gọi là Định lý lũng đoạn (manipulation theorem), trong thuyết lựa chọn công, được nhà triết học Allan Gibbard công bố năm 1973 và nhà kinh tế học Mark Satterthwaite công bố năm năm 1975, một cách độc lập với nhau.
Những nhà chính trị học tập trung chú ý vào việc làm sao thực hiện được quá trình “bầu cử mà không bị lũng đọan” – nói cách khác, làm sao ngăn chặn các nhóm cử tri, không để họ lũng đọan kết quả bằng cách nói dối về sở thích thực sự của mình và bỏ phiếu theo chiến thuật chứ không chân thành. Đó là công việc rất quan trọng, đối với cả những người ủng hộ chế độ dân chủ, tức là những người nghĩ rằng việc các nhóm lợi ích lũng đọan kết quả là rất đáng khinh, lẫn các nhà chính trị học và các chính trị gia, những người không thể biết liệu sự lựa chọn tập thể có thực sự phản ánh ý kiến cử tri trừ khi cử tri thể hiện ý kiến của họ một cách trung thực.
Tuy nhiên, định lý do Allan Gibbard và Mark Satterthwaite đưa ra, cho rằng các cuộc bầu cử dân chủ luôn luôn mở rộng cửa cho việc bỏ phiếu (tiếng Anh: Tactical voting – bỏ phiếu nhằm ngăn chặn chiến thắng của ứng cử viên mạnh hơn) xảy ra trong một cuộc bầu cử với hơn hai ứng cử viên, khi cử tri ủng hộ ứng viên khác mạnh mẽ hơn sở thích chân thành của họ để ngăn chặn một kết quả không mong muốn.