Thuật ngữ chính trị (85)

Phạm Nguyên Trường

274. Government – Chính quyền. Chính quyền là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các cơ quan có thẩm quyền trong một đơn vị nào đó – có thể là quốc gia, khu vực hay địa phương — và toàn bộ hệ thống hợp hiến. Có nhiều hình thức chính quyền khác nhau, ví dụ, dân chủ, chuyên quyền và độc tài. Aristotle có thể là người đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống và phân loại các phương pháp cai trị, và từ đó, các nhà chính trị học đã tìm cách chỉ ra những các đặc điểm khác nhau của chính quyền và chính trị.

275. Gradualism – Từng bước một. Gradualism có xuất xứ từ từ gradus – tiếng Latin có nghĩa là “bước”- là giả thuyết, lý thuyết hoặc một nguyên lý cho rằng thay đổi xuất hiện từng nước một, hoặc thay đổi cùng với thời gian, trái ngược với các bước lớn hoặc mang tính cách mạng.

Gradualism là một nhánh của phong trào xã hội chủ nghĩa, phủ nhận nhu cầu cách mạng và khẳng định rằng, sử dụng biện pháp thông thường của nền chính trị dân chủ, cùng với thời gian, có thể tạo ra những thay đổi cần thiết trong xã hội và tổ chức kinh tế (xem: Chủ nghĩa xã hội nghị viện). Do đó, gradualism là tín điều của các đảng tán thành chế độ dân chủ xã hội, và của tất cả các đảng xã hội chủ nghĩa và cộng sản sẵn sàng cạnh tranh với những người theo phái tự do và bảo thủ trong các cuộc bầu cử bình thường. Đảng Cộng sản Ý, với truyền thống dân chủ tham gia, cuối cùng, năm 1991, đã tự tổ chức lại thành Đảng dân chủ xã hội mang tính quần chúng, và đổi tên thành Đảng Dân chủ của Cánh tả – đấy có thể được coi là kết quả hợp logic của tư tưởng từng bước một của đảng này. Những người theo phái Fabian đại diện cho tiếng nói của những người trí thức theo gradualism trong Công Đảng Anh. Những cách tiếp cận như thế thường bị những người cộng sản theo phái cách mạng và cực tả coi là chủ nghĩa xét lại.

Về mặt lý thuyết, sự khác biệt xoay quanh các luận cứ về khả năng tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng những thay đổi nhỏ, bằng việc chính phủ xã hội chủ nghĩa có thể xuất hiện sau các cuộc bầu cử, chứ không giành chính quyền bằng vũ lực và xây dựng ngay lập tức nhà nước mà mọi người phải chấp nhận (xem: Chuyên chính vô sản). Với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu, gradualism đang là xu hướng tất yếu của những người muốn hướng tới chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nó vẫn có giá trị về mặt lý thuyết vì đặt ra câu hỏi về việc, xã hội có thể tự chuyển đổi một cách rõ rệt mà không cần đoạn tuyệt bằng bạo lực với quá khứ hay không. Đối với những người phản đối cách tiếp cận từng bước một, dường như rõ ràng là những người thuộc phái gradualism chùn bước trước bạo lực nhằm tạo ra những chuyển đổi nhanh chóng, vì họ bám víu vào những giá trị của xã hội đáng bị đào thải.

276. Grandfather clause – Điều khoản ông. 1. Điều khoản dành quyền bầu cử cho những người mà cha ông họ đã từng bầu cử trước năm 1867, được các bang miền Nam Hoa Kì sử dụng nhằm ngăn chặn, không có người da đen hưởng quyền bầu cử. Điều khoản này bị tuyên bố là vi hiến vào năm 1915.

2. Hiện nay cụm từ này được sử dụng để nói về điều khoản, trong đó quy tắc cũ tiếp tục áp dụng cho một số trường hợp hiện hành, trong khi quy tắc mới sẽ áp dụng cho tất cả các trường hợp trong tương lai. Ví dụ, một nhà máy điện đang làm việc được hưởng grandfather clause có thể không bị áp dụng các quy định ô nhiễm mới được ban hành, nghiêm ngặt hơn, nếu nhà máy được mở rộng thì phải áp dụng quy định mới về ô nhiễm môi trường.

Comments are closed.