Thuật ngữ chính trị (88)

Phạm Nguyên Trường

282. Green Revolution – Cách mạng xanh. Đầu những năm 1960, sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp, được các tổ chức tài trợ quốc tế ủng hộ, đã dẫn đến hiện tượng được gọi là Cách mạng Xanh. Quá trình phát triển này tập trung vào giống lai, cơ khí hóa và phòng chống sâu bệnh, coi đây là đáp án trước tình trạng lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp trong các nước thuộc Thế giới Thứ ba. Sáng kiến này đã tạo ra năng suất cao trong một loạt quốc gia. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng này đã bị những người bảo vệ môi trường và nhiều người khác phê phán vì gây ra một số thảm họa môi trường ngay tại các quốc gia thu được nhiều thành công nhất. Cơ khí hóa sản xuất nông nghiệp thu được thành công, làm thay đổi biện pháp canh tác và cơ cấu xã hội, gia tăng chia rẽ về mặt giai cấp, dịch chuyển các nhóm thiểu số và các nhóm vẫn đứng bên lề về mặt chính trị, ví dụ, phụ nữ khỏi hoạt động nông nghiệp. Hơn nữa, các loại cây trồng mới không có khả năng chống được sâu bệnh, đòi hỏi nhiều thuốc trừ sâu hơn, làm ô nhiểm môi trường nước, làm cho đất nhanh bạc màu hơn, và các nước trong Thế giới Thứ ba ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Thế giới Thứ nhất. Hơn nữa, thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp làm cho người sản xuất ngày càng phụ thuộc vào các lực lượng thị trường, không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho đa số người sản xuất.

283. Group Representation – Đại diện theo nhóm. Ý tưởng cho rằng cơ quan lập pháp phải có những người đại diện chia sẻ những đặc điểm mang tính xã hội của những nhóm người cụ thể trong xã hội, ví dụ, phụ nữ phải được đại diện bởi những người ban hành luật pháp là phụ nữ. Mặc dù có liên hệ gần gũi với lý thuyết đại diện thu nhỏ (microcosm), những người ủng hộ đại diện theo nhóm có xu hướng biện hộ cho đòi hỏi của mình vì cho rằng có sự kì thị chống lại một số nhóm người, hậu quả là những người này bị đẩy ra khỏi những cuộc thảo luận về chính sách và không có tiếng nói trong quá trình quyết định chính sách. Nhằm thúc đẩy đại diện theo nhóm, người ta đã áp dụng một loạt cơ chế, trong đó có, phân chia khu vực bầu sử sao cho nhóm thiểu số trong cả nước trở thành đa số trong khu vực bầu cử (majority-minority districting – ở Hoa Kì) và các nhóm cử tri riêng biệt (ở Vương quốc Anh). Trong những năm 1990, Công đảng ở Anh đã sử dụng hệ thống hạn nghạch (quota) để phụ nữ có thêm cơ hội được bầu vào nghị viện.

284. Groupthink – Tư duy nhóm. Tư duy nhóm là một hiện tượng tâm lý, xảy ra với một nhóm người vì mong muốn duy trì sự hài hòa và thống nhất trong nhóm nên đã dẫn đến những quyết định kém duy lý hơn so với cơ chế suy nghĩ, quyết định thông thường của từng cá nhân gộp lại.

Lòng trung thành đối với tập thể buộc người ta không đưa ra những vấn đề gây tranh cãi, hoặc tránh đưa ra nhiều phương án vì lo ngại làm trái với ý chí của tập thể, và do đó, làm phai nhạt sáng tạo cá nhân cùng những ý nghĩ độc lập và độc đáo. Cơ chế hoạt động tương tác nhóm có thể tạo ra ảo tưởng cường điệu làm cho người ta càng tin vào “sự đúng đắn” của quyết định tập thể.

Khái niệm này được nhà tâm lý học Irving Janis ở đại học Yale trình bày trong tác phẩm Nạn nhân của tư duy nhóm (Victims of Groupthink – 1972). Giáo sư Janis đã sử dụng những thất bại trong chính sách đối ngoại của Hoa Kì, trong đó có thất bại trong vụ Vịnh Con Lợn ở Cuba và leo thang chiến tranh ở Việt Nam để minh họa cho quan điểm của mình.

Comments are closed.