Thuật ngữ chính trị (90)

Phạm Nguyên Trường

 

289. Gulag – Trại cải tạo lao động của Liên Xô. Gulag tên gọi tắt của Tổng cục Lao động cải tạo Liên Xô (Tiếng Nga: Главное управление исправительно-трудовых лагерей и колоний), được chính thức thành lập ngày 25 tháng 4 năm 1930 và trên lý thuyết giải thể ngày 13 tháng 1 năm 1960. Gulag giam giữ đủ mọi thành phần tù nhân, từ chống đối chính trị cho đến tù nhân hình sự như trộm cắp, lừa đảo, giết người… (trong đó tù chính trị chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn phần lớn là tù hình sự), mục đích là để tù nhân tham gia lao động nhằm cải tạo bản thân và tái hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây lại thường dùng Gulag để chỉ việc những công dân bất đồng chính kiến chống chính phủ bị giam giữ cộng với lao động khổ sai, dẫn tới việc Gulag thường được hiểu ở phương Tây là một công cụ dùng để đàn áp chính trị.

Nhiều nhà bất đồng chính kiến Liên Xô viết về sự tồn tại của hệ thống trại tù Gulag ngay cả sau khi nó được chính thức loan báo đóng cửa. Trong số người này, Anatoli Marchenko (1938-1986), mà chính ông đã chết trong một trại tù Gulag, qua những bài viết của mình, ông cho thấy hệ thống nhà tù Gulag của Liên Xô đã không chấm dứt với cái chết của Joseph Stalin. Có những lời xác nhận khác của Vladimir Bukovsky, Yuri Orlov, Nathan Shcharansky, những người được thả ra từ Gulag và được phép di cư sang phương Tây, sau những áp lực quốc tế đối với nhà cầm quyền Liên Xô kéo dài nhiều năm.

Bằng việc xuất bản tác phẩm Quần đảo ngục tù, nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, đã giới thiệu thuật ngữ Gulag cho thế giới phương Tây. Cuốn sách kết nối các trại rải rác thành “một chuỗi các hòn đảo” và mô tả một hệ thống Gulag, nơi điều kiện làm việc rất cực nhọc. Một số học giả đồng tình với mô tả của Solzhenitsyn. Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, tác phẩm của Solzhenitsyn đã được truyền thông phương Tây tích cực sử dụng như một vũ khí truyên truyền chống lại Liên Xô.

Theo ước tính dựa trên dữ liệu từ các kho lưu trữ Liên Xô, đã có khoảng 1,6 triệu người chết trong suốt thời gian từ năm 1929 đến năm 1953. Nhưng một số người tin rằng đã có từ 9,5 đến 16 triệu người đã chết vì bị giam giữ trong các Gulag.

290. Gulf Cooperation Council (GCC) – Hội đồng hợp tác vùng vịnh. Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh là liên minh chính trị và kinh tế của tất cả các quốc gia Ả Rập ở Vịnh Ba Tư, với nhiều mục tiêu kinh tế và xã hội. Được thành lập ngày 25 tháng năm 1981, với tổng diện tích 2.500.000 km2, Hội đồng bao gồm các quốc gia Vùng Vịnh Ba Tư: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Thỏa thuận thống nhất kinh tế giữa các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đã được ký kết vào ngày 11 tháng 11 năm 1981 tại Abu Dhabi. Do các thiết bị khai thác dầu khí của các quốc gia vùng Vịnh dễ bị tấn công từ trên không và trên biển, sáu nước này liên kết với nhau nhằm phối hợp công tác quốc phòng thông qua lực lượng an ninh khu vực. Mục tiêu chính của GCC là liên kết kinh tế cùng với hoạch định kinh tế có phối hợp; chính sách đối ngoại chung với thế giới bên ngoài các quốc gia A-Rập, khuôn khổ thảo luận công việc trong các nước A-Rập; an ninh chung; hợp tác trong lĩnh vực giáo dục..v.v. Hội đồng đã thu được những thành tích đáng kể trong cả bốn lĩnh vực này, nhưng thành công hơn cả là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế. Thị trường chung được thành lập năm 2008.

291. Gulf War – Chiến tranh vùng Vịnh (1991). Cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông, giữa Iraq và một loạt quốc gia phương Tây và A-Rập do Mĩ dẫn đầu. Ngày 2 tháng 8 năm 1990, tiếp theo sau những lời tố cáo và đe dọa do chế độ của Saddam Hussein tung ra, Iraq mang quân xâm lược nước láng giềng Kuwait. Cuộc xâm lược đã bị cộng đồng quốc tế lên án, Hoa Kì và nhiều nước phương Tây khác triển khai quân ở Saudi Arabia (chiến dịch Lá chắn Sa mạc) và đỉnh điểm là cuộc tấn công bằng không quân (Bão táp Sa mạc) ngày 17 tháng 1 năm 1991 và cuộc tấn công của bộ binh vào ngày 24 tháng 2 năm 1991, kết quả là quân Iraq rút lui, thành phố Kuwait và khu vực xung quanh được giải phóng khỏi lực lượng chiếm đóng.

Comments are closed.