Thuật ngữ chính trị (95)

Phạm Nguyên Trường

 

305. House of Lords – Viện Quý tộc. Viện Quý tộc hay Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Quốc hội Anh bao gồm Quốc vương Anh, Viện Quý Tộc và Viện Thứ Dân. Viện Quý tộc hiện có 793 nghị viên. Thành viên Viện Quý tộc bao gồm hai giới đều không do dân cử là các Nghị viên Tâm linh (Quý tộc Tâm linh – Lords Spiritual) và các Nghị viên Thế tục (Quý tộc Thế tục – Lords Temporal). Giới Nghị viên Tâm linh gồm 26 giám mục cấp cao trong Giáo hội Anh. Giới Nghị viên Thế tục đa số là các quý tộc nhất đại (không có tính thừa kế) do Nhà vua bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng hoặc Ủy ban Bổ nhiệm Viện Quý tộc, số còn lại (92) người) là các quý tộc thừa kế. Trong khi Viện Thứ dân có số thành viên xác định, thì số lượng thành viên trong Viện Quý tộc lại không cố định. Viện Quý tộc Vương Quốc Anh là thượng viện duy nhất của hệ thống quốc hội lưỡng viện trên thế giới mà thành viên Thượng viện đông hơn Hạ viện. Viện Quý tộc cũng họp ở Westminster.

Viện Quý tộc xem xét kỹ lưỡng các dự luật đã được Viện Thứ dân thông qua. Viện Quý tộc thường xuyên xem xét và sửa đổi các dự luật do Viện Thứ dân đệ trình đơn. Mặc dù không thể ngăn chặn quá trình thông qua dự luật để thành luật, trừ một vài trường hợp nhất định, Viện Quý tộc nó có thể trì hoãn việc thông qua dự luật và buộc Viện Thứ dân xem xét lại quyết định của mình. Trong vai trò như thế, Viện Quý tộc hành động như cơ chế kiểm tra Viện Thứ dân. Trong khi các thành viên Viện Quý tộc cũng có thể giữ chức bộ trưởng trong chính phủ, nhưng các quan chức cấp cao, ví dụ, bộ trưởng nội các thường là thành viên Viện Thứ dân.

Cho tới năm 2009, Viện Quý Tộc giữ quyền lực về tư pháp và được coi là Tòa án chung thẩm của Anh quốc, quyết định của Thượng viện được coi là phán quyết cuối cùng cho một vụ án. Hệ thống Tư pháp đặt dưới sự lãnh đạo của các Quý tộc Phúc thẩm Thường nhiệm (hay Quý tộc Luật). Nhưng từ ngày 1 tháng 10 năm 2009, quyền tối cao tư pháp ở Anh được giao cho Tối cao Pháp viện Anh Quốc.

306. House of Representatives – Hạ viện Hoa Kì. Hạ viện Hoa Kì hay còn gọi là Viện Dân biểu Hoa Kì là một trong hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ (Congress); viện kia là Thượng viện Hoa Kì (Senate). Thành phần và quyền lực của Thượng viện và Hạ viện được thiết lập trong Điều I Hiến pháp Hoa Kì. Mỗi tiểu bang có số đại diện tại Hạ viện theo tỉ lệ dân số nhưng theo luật định mỗi tiểu bang được có ít nhất một dân biểu. Tiểu bang đông dân nhất, California, hiện thời có 53 dân biểu. Tổng số dân biểu có quyền biểu quyết hiện nay là 435 người và 6 dân biểu không có quyền biểu quyết, tổng cộng là 441 dân biểu. Mỗi dân biểu phục vụ một nhiệm kỳ hai năm. Viên chức đứng đầu Hạ viện là Chủ tịch Hạ viện, và được các thành viên của Hạ viện bầu lên.

Vì thành viên của Hạ viện (còn gọi là Dân biểu) thông thường được bầu từ các khu vực nhỏ hơn (các khu vực này có dân số trung bình khoảng 693.000 người) và thường thường đồng nhất hơn so với các khu vực bầu cử lớn hơn và phức tạp hơn của Thượng viện nên Hạ viện được xem là một viện của quốc hội thiên về đảng phái hơn. Hạ viện có quyền lực đặc biệt: quyền đưa ra các đạo luật về thu nhập, truất phế các viên chức, và bầu tổng thống nếu như đại cử tri đoàn không quyết định được ai thắng cử. Hạ viện họp ở cánh phía nam của Tòa Quốc hội Hoa Kỳ.

307. Housework – Việc nhà. Việc nhà là công việc mà những người theo phái nữ quyền coi là “việc làm” trong không gian gia đình. Việc nhà cũng đòi hỏi sức lao động và hiệu quả như bất kì công việc nào khác trong lĩnh vực công. Việc nhà thường được hiểu là một nhân tố khác của những thuộc tính “tự nhiên” của phụ nữ. Khác biệt giới và bất bình đẳng trong công việc bị làm cho trầm trọng thêm vì người ta thường đánh giá thấp công việc trong nhà.

Comments are closed.