Tiến sĩ Sinh học Hà Sĩ Phu và cái nghiệp văn chương

TS Nguyễn Thanh Giang

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
(Nguyễn Du)

Hà Sĩ Phu là một nhà khoa học tự nhiên. Ông viết luận văn tiến sĩ về vấn đề nuôi cấy mô và tế bào. Làm phó giám đốc Phân viện Sinh vật học Đà Lạt, với năng lực nghiên cứu khoa học xuất sắc, ông hoàn toàn có khả năng vươn tới đỉnh cao trong khoa học công nghệ để được vinh thân phì gia. Nhưng rồi, văn chương cứ như cái nghiệp đeo bám làm cuộc đời ông phải trải bao khổ ải, truân chuyên. Phải chăng vì cái nghiệp kiếp trước hay chỉ vì cái tâm kiếp này quá lớn? Cái tâm gánh nặng nỗi lo đời.

Cầm bút đối với Hà Sĩ Phu là nghề tay trái, nhưng cái tay trái này lại khuấy động cả "đất trời" nên ắt sinh chuyện. Ông tâm tình:

Thương người tay trái làm thơ
Hỏi rằng tay phải bây giờ để đâu"
Thưa rằng trong cuộc bể dâu
Tay phải bị trói, từ lâu liệt rồi!
Trái tay, vẽ lộn đất trời,
Cho điều phải trái trên đời được minh!

Bài "Chia tay ý thức hệ" ra đời, khiến ông bị "tông xe, giật túi", bị tù một năm vì tội đã dám cầm một bài phát biểu của ông Võ Văn Kiệt (1).
Ngoài ba bài chính luận: "Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ", "Đôi điều suy nghĩ của một công dân", "Chia tay ý thức hệ", Hà Sĩ Phu có một số bài có tính chất văn học, một số câu đối, và thư từ gửi cho bạn bè. Câu đối của Hà Sĩ Phu là đề tài được nhiều người lưu ý, sẽ nói đến sau.
Nhưng thư từ cũng sinh chuyện. Vì viết ba bức thư riêng gủi các ông Trần Độ, Hoàng Minh Chính và Lê Hồng Hà mà năm 1999 ông bị hỏi cung một tháng rưỡi rồi bị kết tội "vi phạm luật xuất bản" và bị tịch thu máy computer, cả cái máy in laser cũng bị tước.
Đến năm 2000 vì viết thư trả lời hai nhà báo người Việt ở nước ngoài mà ông bị quy tội "phản quốc". Nhưng sau 8 tháng trời hỏi cung thì người ta kết luận: chưa đến mức chịu hình sự, chỉ bị quản chế 2 năm và tịch thu một computer nữa. Viết 5 bức thư mà mất 3 giàn vi tính. Ở xã hội ta, thư từ cũng phải trả giá đắt thật!

Việc chọn ngành khoa học tự nhiên của ông là một chọn lựa thích hợp với tư duy khúc triết, chính xác đầy tính chất toán học của ông. Nhưng một nửa con người ông đã mắc duyên nợ với văn chương từ thuở thiếu thời. Cụ thân sinh ra ông dạy chữ nho cho cả bốn con trai nhưng cụ tâm đắc nhất với người thứ ba, tức Nguyễn Xuân Tụ. Mỗi bài thơ, mỗi đôi câu đối xướng họa với bạn bè của cụ, cụ vẫn chờ dịp "chú Tụ" về để đọc, để ngâm, để bình, để cha con cùng cân nhắc từng chữ, từng ý, từng câu.

Mặc dù là cán bộ nghiên cứu Công nghệ sinh học, nhưng những câu đối, bài thơ thù tạc lúc trà dư tửu hậu đã khiến cho lượng bạn bè của ông ngày càng thiên về văn chương thơ phú. Ông làm thơ, câu đối, viết văn, làm nhạc, viết báo. Nhiều câu đối được bạn bè thích thú, trích đưa vào truyện dài, truyện ngắn của mình.
Nhưng biến đổi có ý nghĩa bước ngoặt trong việc cầm bút có lẽ là cuộc gặp gỡ với nhà thơ Bùi Minh Quốc. Hội Văn nghệ Lâm Đồng thành lập năm 1988 do nhà thơ Bùi Minh Quốc làm Chủ tịch. Nguyễn Xuân Tụ là một trong những hội viên sáng lập, ở ban Văn thơ mà sau thành Chi hội Văn học, lấy hai bút danh Tú Xuân và Hà Sĩ Phu (Hà là một đại từ nghi vấn, chất vấn. Đặt tên Hà Sĩ Phu là đặt ra một dấu hỏi).

Tuy mới quen nhau trong sinh hoạt văn thơ, nhưng với con mắt của một nhà thơ, Bùi Minh Quốc chú ý ngay đến những bài thơ của Hà Sĩ Phu. Có cái gì đó không lẫn vào đâu được. Theo Bùi Minh Quốc kể lại thì tập thơ đầu tiên mà Hội Văn nghệ Lâm Đồng lúc đó dự định xuất bản là tập thơ của Hà Sĩ Phu. Tên tập thơ dự kiến là "Nước mắt cười". Nhưng rồi việc ấy chưa kịp thực hiện thì Bùi Minh Quốc đã bị mất chức Chủ tịch Hội vì chuyến đi "xuyên Việt".
Do tập thơ của Hà Sĩ Phu chưa xuất bản, bạn bè chỉ biết đến thơ ông qua một số bài ông viết tay gửi tặng bạn bè, một vài bài đăng rải rác trên báo này báo khác ở trong nước và ngoài nước, hoặc hãn hữu xuất hiện trong một tập thơ chung.

Trong những bài thơ dù viết về "Tĩnh vật" hay "Động vật" như cây cột điện, con cua, con mực, cây thông… người ta đều thấy một chiều sâu rất động, một nội hàm đầy ắp và dồn nén.
Ở Đà Lạt, đứng trước một dinh thự, nhìn thấy những cây thông bị kẽm gai xuyên ngập vào tới tủy, chỉ vì trước đây người ta đã dùng kẽm gai quấn hờ qua những cây thông để làm hàng rào tạm. Rồi thông lớn lên, càng lớn thông càng nuốt kẽm gai vào lòng, đến mức nay muốn gỡ ra cho thông cũng không được nữa. Quanh dây kẽm, thân thông xùi lên như cặp môi sưng, như ẩn ức điều gì mà không nói được. Còn chính dây kẽm là thủ phạm làm đau những cây thông thì lại được hàng thông ngày càng nâng cao mãi lên cho kẻ trộm rộng chỗ chui vào.
Nhựa vẫn lên, và thông vẫn lớn
Vẫn xếp hàng đưa dây kẽm lên cao
Cái khoảng trống sát nơi mặt đất
Cứ cao thêm cho kẻ trộm chui vào
(Trích bài Những cây thông quanh biệt thự)
Thật là một "bi kịch của sự phát triển"!

Con cua ở hang, bò ngang, bị luộc lên thì đỏ rực… xưa nay ai chẳng biết. Thế nhưng trong hai tâm trạng khác nhau, với hai cấu tứ khác nhau, Hà Sĩ Phu đã nhìn thấy hai thứ cua khác hẳn nhau:
Con cua 1
Trên đời lạ nhất chú Cua
Động va là cắp, động bò là ngang.
Luộc sôi mới đỏ mai càng
Có gạch mà chịu ở hang suốt đời.

Con cua 2
Cậu chỉ bò mà được tiếng ngang!
Có gạch thì sao cứ ở hang
Đã sang sắc đỏ là đi đứt!
Màu mỡ khoe chi cái nước… hàng!

Một loại cua của Chí Phèo nơi thôn dã, và một loại cua của thượng tầng, làm bộ khệnh khạng nhưng thực ra chỉ là bọn mãi thân cầu thực, mãi quốc cầu vinh.

Cũng như nhiều nhà nho học và làm câu đối, Hà Sĩ Phu cũng đem thú chơi chữ vào thơ. Hai bài về chuyện "nước" có thể là ví dụ. Cái nghịch cảnh ngoài trời thì mưa tầm tã, nước tràn trề, mà vòi nước trong nhà thì tắc:
Một ngày mất nước
Nước cúp, trời mưa, khách lại đông
Nước ngoài thì có, nước trong không.
Chân bết bùn nhơ không chỗ rửa,
Nước tắc, bao giờ nước mới thông
?
Và cái cảnh một giếng chung, ai cũng vục gàu khua đục mà chẳng ai nghĩ chuyện tu sửa:
Nước đục
Khuấy bừa, cặn bã vẩn lên trên
Nước đục, ai lo chuyện đánh phèn
Cứ học anh Cò, thân lại béo,
Trong đục, tìm chi bóng Khuất Nguyên
?

Vui nhất là bài thơ chơi chữ để đùa nhà thơ Xuân Sách khi nhà thơ này bị thu tập sách "Chân dung nhà văn":
Bốn mùa
Hành nghề vẽ chân dung
XUÂN Sách bị THU sách!
Người mua sách càng ĐÔNG
THU sách thành HẠ sách!

Và bài thơ tặng nhà thơ Cộng sản Bùi Minh Quốc khi ông bị khai trừ Đảng:
Cộng trừ nhân chia
Nghe tin cậu bị khai TRỪ
Tấm lòng CỘNG sản có dư vẫn bền.
Tấm lòng ví được NHÂN lên,
CHIA cho thiên hạ làm duyên bạn bầy.
Chạnh lòng nhớ thuở thơ ngây
NHÂN CHIA chưa biết, loay hoay CỘNG TRỪ!

Đùa Nguyễn Thanh Giang bằng lối thơ lòng vòng, khi ông vừa được phong Viện sĩ, vừa bị Công an Việt Nam bắt:

Viện sĩ Thanh Giang được Mỹ phong:
Mỹ phong, nhà nước lại cho còng.
Cho còng, để khóa đầu ông lại,
Ông lại thề không bẻ bút cong!

Hà Sĩ Phu thường nói với bạn bè về cái tật thích chơi chữ:
Tớ nghèo chẳng có gì chơi
Chơi dăm ba chữ cho vơi sự buồn!
Có khi ông đùa một cách rất nghiêm chỉnh. Ấy là cái năm Con Chuột (1984), khi còn ở trong một căn nhà Ổ chuột, bị chuột phá hết mọi thứ, buộc lòng ông phải viết một "kiến nghị" kính cẩn gửi lên bác Chuột chủ nhà (vì nhà ấy là nhà Ổ chuột) như sau:
Bác là Chuột, tôi là Người
Người, Chuột xưa nay vốn cách vời
Thời thế đẩy tôi chui ổ bác
Ta đành thương lượng với nhau thôi
*
Nào ta thương lượng với nhau thôi
Sát nóc trên cao bác chiếm rồi
Còn chỗ dưới sàn xin với bác
Bảo đàn con cháu bác thương tôi.
*
Đàn con cháu bác chẳng thương tôi
Có chiếc ghi-ta chúng gặm rồi
Gạo sỏi chúng còn pha cứt chuột
Sách quý gia truyền cắn tả tơi.
*
Cơm áo ừ thì chót tả tơi
Dây điện làm sao bác cắn hoài
Vẫn biết bác không cần ánh sáng
Tôi viết làm sao lúc tối trời
*
Cái ổ chung này bác đứng tên
Bạn tôi muốn đến biết đâu tìm
Muốn đổi tên chung, dùng mới tiện
Thấy bác nhe răng, biết bác phiền
*
Có phiền thì cũng chẳng phiền lâu
Hiến pháp dân tôi ghi rõ câu:
"Dân chúng có quyền có nhà ở"
Mai mốt rồi tôi cũng có lầu!
(2)

Tuy vậy, bên cạnh những câu thơ đau đời, nghiệt ngã, cũng có những câu trữ tình mượt mà. Ông mượn vẻ đẹp cảnh vật để tả vẻ đẹp thân hình:
Em gái trắng hồng nước da Đà Lạt
Nghiêng dù soi nước Xuân Hương
Đôi ngọn Lang Biên chập chờn mây mỏng
Mấy rặng quỳ xanh, tỏa sắc vàng.
(Trích bài Người đẹp bên cầu)

Mượn tình yêu đôi lứa để nói triết lý đời là bể khổ:
Hương đời còn đó chưa phai
Lệ đời thấm đã ướt vai bạn tình.
Hoa cười, cho bướm bay quanh
Biết chăng hoa cũng mong manh sắp tàn?
Hồng nhan chi mấy hồng nhan,
Anh hùng chi mấy hỡi gan anh hùng?

(Trích bài Hương đời gió thoảng)

Và một đoạn trong bài Mùa thu không trở lại:
Ôi mùa thu cũ cứ thơ ngây
Cứ thắm như tà áo vẫn bay
Cứ ngát hương cau, mềm bóng liễu
Nhưng không trở lại thế gian này!

Về hình thức thơ, đáng chú ý là lối thơ sáu câu của Hà Sĩ Phu.
Lục bát sáu câu như bài
Hạt mưa
Phải chăng đi khắp đó đây
Nên ta lại gặp được ngay chính mình
Phải chăng sống hết với tình
Nên ta lại gặp chúng sinh muôn loài
Hạt mưa mang nặng đất, trời
Mảnh thân mang cả nỗi đời vô biên!

Thất ngôn sáu câu như bài:
Hỏi cụ Ức Trai
Cháu buồn cháu gọi Ức Trai ơi,
Xin được quỳ bên, hỏi một nhời:
– Kim bang vô đạo, hà như xử
Cổ tích oan khiên diệc khả hồi
Giọt máu Linh xà sao thấm mãi,
Cháu buồn cháu gọi Ức Trai ơi!

Hình như đây là những bài thơ cần tính triết lý: Cái luận lý "Tam đoạn" chỉ cần ba nhịp, mỗi nhịp hai câu. Ba nhịp vừa đủ để khép lại một dòng luận lý, hai nhịp thì chưa chặt mà bốn nhịp thì thừa.

Khác với Văn và Thơ, Câu đối của Hà Sĩ Phu được biết đến nhiều hơn. Có lẽ vì thời nay người làm câu đối cho ra câu đối thì ít, mà câu đối Hà Sĩ Phu lại thật ấn tượng, rất thâm nho nhưng rất hiện đại, rất tân thời. Ông làm câu đối cho bạn bè, cho mình và cho thế sự.
a/ Câu đối thế sự
Dịp gợi hứng nhất để làm câu đối là những dịp Tết, mỗi Tết dính đến hai "con giáp", một con tiêu biểu cho năm cũ đang qua, một con là năm mới sắp đến.
Xin ví dụ vài câu đối Tết, mỗi câu mỗi chữ đều là một trò chơi chữ, đều ẩn dấu một gánh nặng ưu tư:
* Tết con Lợn (câu đối dán cửa hàng thịt lợn)
Tiền bạc nổi trên hai mặt thớt
Óc tim quyện dưới một dao bầu!

* Tết con Lợn (đối đáp giữa đôi anh chị bán thịt lợn)
Chân giò em vẫn nây nây, ba chỉ sỏ tai, nhưng hết ruột!
Đầu lưỡi bác như bạc nhạc, bốn chân bì mỡ, chẳng còn tim!
(3)
* Năm THÂN sang DẬU
KHỈ níu THÂN tàn, đào đến Tết!
Gà chui DẬU thủng, quất vào Xuân!
(4)
* Năm MÃO sang THÌN
Lắm việc phải làm ngay, MÈO sắp đi rồi, thôi bỏ thói làm như MÈO mửa!
Bao điều cần nói thật, RỒNG đang tới đó, nhưng tránh trò nói tựa RỒNG leo!
(5)
* Năm NGỌ sang MÙI
Hết khoe MÃ một thời, NGỌ ngoạy lắm cũng ra vành móng NGỰA!
Còn xuất DƯƠNG mấy độ, MÙI mẽ chi mà vểnh sợi râu DÊ?
(6)
* Năm SỬU sang DẦN
Tiễn bác TRÂU chớ gẩy đàn cầm, bác là bậc có sừng có sỏ!
Đón anh HỔ đừng ngay ruột ngựa, anh vốn loài dùng vuốt dùng nanh!

* Năm THÌN sang TỴ
– RỒNG hết thuở RỒNG, bác khủng LONG ngọc thể bất an, đã tăng ký lại tăng xông, tiêm thuốc MỸ cũng xuôi miền Tây trúc!
– RẮN đang mùa RẮN, rượu tam Xà âm dương lưỡng bổ, hết quốc doanh còn quốc lủi, ngâm táo Tàu để chấn khí Đông A!
(7)
* Năm BÍNH DẦN (1986)
Tết này như một ngoại lệ, câu đối của Hà Sĩ Phu rất tươi sáng:
Áo Tết non sông, thêu lấp lánh những Phả Lại, sông Đà…, trai gái Tiên Rồng, nô nức trẩy hội hoa Thế kỷ!
– Vườn Xuân tổ quốc, tỏa ngát hương với anh Tùng, anh Của…, nhân tài Nam Bắc sánh vai hòa thành quả Năm châu!
(8)

Cũng trong những dịp Tết Hà Sĩ Phu thường mời bạn bè xướng họa bằng cách ra những vế "mời đối".
Năm Khỉ có vế mời đối: "Ngộ có ngộ không, ngộ không ngộ, ngộ không là khỉ!". Vế này khó vì "Ngộ không" vừa là tên nhân vật của Tây du ký, chữ "không" cũng có nghĩa riêng, còn chữ "ngộ" thì vừa nghĩa là ta, vừa nghĩa là giác ngộ, vừa nghĩa là điên dại, vừa nghĩa là họa hoằn, may ra. Vế đối có thể hiểu thành rất nhiều nghĩa. Vế này đã có nhiều người đối, đăng đặc san Văn nghệ, trong đó có nhiều câu hay.

Năm Canh Thìn sang Kỷ Tỵ có vế mời đối: "Trời đã sang CANH, đừng vị KỶ!". Vế mời đối rất đơn giản, sáng sủa và đáng yêu. Đã có mấy chục vế ứng đối, trong đó có nhiều câu hay.
Năm GIÁP TÝ (1984) ông đùa trêu một người bạn gái, nhưng nói trệch đi là tặng tướng Võ Nguyên Giáp:
GIÁP TÝ thì GIÁP, chẳng GIÁP thì thôi, GIÁP Tý lại thôi, đừng có GIÁP!

b/ Câu đối cho bạn bè:
* Câu đối (chữ nho) tặng cụ Hoàng Minh Chính:
MINH tâm như MINH nguyệt, hà cầu Bắc đẩu bội tinh!
CHÍNH khí hựu CHÍNH danh, đích thị Nam thiên hào kiệt!
* Câu đối (chữ nho) tặng cụ Trần Độ:
Văn võ tung hoành, trung tướng phong TRẦN, thế sự song kiên song trọng đảm!
Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế Độ, hùng binh nhất trượng nhất đan tâm!
* Câu đối tặng cụ Nguyễn Hữu Đang: (9)
Dựng một Kỳ đài cho thế kỷ!
Khơi ngàn Ước vọng để mai sau!

Ai cũng hiểu chữ "Kỳ đài" đây là một "Kỳ đài" về nhân cách, và "Ước vọng" là những Ước vọng nhân văn.
* Câu đối viếng cụ Nguyễn Văn Trấn: (10)
Đánh Thực dân, ra báo công khai, Tiếng DÂN CHÚNG bao phen thù phải sợ!
Vì Dân chủ, viết văn bí mật, Người SÀI GÒN muôn thuở bạn còn yêu!
* Câu đối (chữ nho) viếng nhà thơ Phùng Quán:
Nhất QUÁN tận can trường!
Trùng PHÙNG lưu cốt cách!
(11)
* Vế xuất đối (chữ nho) mừng sinh nhật nhà thơ Bùi Minh Quốc:
MINH MINH quốc, cầm MINH quốc bất MINH, MINH nhật kê MINH, MINH quốc phục!
Ngày sinh năm ấy ông Bùi Minh Quốc đang bị quản chế lần thứ nhất. Rất khó đối, vì vế xuất đối có tới 7 chữ MINH với 5 nghĩa khác nhau, lủng củng những "minh" mà vẫn "bất minh". Vế đối này nghe nói đã có nhiều người ứng đối, chúng tôi chưa có văn bản chính xác nên đành để lại.
* Câu đối tặng Lê Chí Quang ngày ra toà, 8-11-2002:
Chí trẻ Quang minh hồ dễ nhụt?
Tâm thành Ái quốc tất không phai!

* Câu đối viếng nhà báo Vũ Huy Cương:
Một phút ra đi, thê tử không mang duyên thế tục! (Vũ Huy Cương không có vợ con)
Trăm năm là mấy, nước non chưa trắng nợ tang bồng!

* Câu đối đề tặng cuốn sách "Suy tư và Ước vọng" của Nguyễn Thanh Giang:
Đã hiên ngang một giải Suy tư, Tài nguyên ấy kết tinh từ thuở trước!
Lại khắc khoải bao niềm Ước vọng, Tâm lực này lưu trữ để mai sau!

***
Trên đây chỉ là vài ví dụ. Hà Sĩ Phu đã "phải" làm rất nhiều câu đối viếng, câu đối mừng cho những người thân, người quen. Người ta thích câu đối của ông vì các câu thường đối rất chọi, hay dùng những tên tuổi hay "điển tích" gắn liền với nhân vật của câu đối, khiến cho câu đối gắn chặt với con người ấy, câu đối ý nhị, có hồn, không thể lẫn sang ai khác được. Nhiều câu đối ông nghĩ rất nhanh, nhiều điều thú vị đã thành giai thoại, mà nội dung xin nhường lại cho một dịp khác.

c/ Câu đối cho bản thân:
Đôi khi Hà Sĩ Phu làm câu đối cho mình và gia đình.
Năm 42 tuổi, ông tự trào:
Lẻ bốn chục xuân xanh, nhìn sắc tóc mới hay mình có… BẠC!
Chẵn hai bàn tay trắng, thấy màu da đủ biết tớ ưa… VÀNG!
Lẻ
đối chẵn, bốn đối hai, xanh đối trắng, sắc đối màu, mình đối tớ, bạc đối vàng. Cứ đối chan chát. Như thế cũng đủ trào lộng rồi, chứ chưa cần nói đến sự "vênh váo" rằng mình rất nhiều vàng bạc!

Năm 47 tuổi, ông "chơi" một gam màu vừa chua lại vừa chát:
Nợ chất XÁM chưa đền mà tóc TRẮNG!
Số hoa ĐÀO toàn gặp những cơn ĐEN!
Người ta kể lại, lúc ấy ông đang rán đậu để nhắm rượu với ông Vũ Văn Thanh, mải chuyện để đậu cháy thành than, nên ông tức cảnh để kỷ niệm một "cơn đen" của mình.

Khi bị tù một năm, ngày Tết ngồi sau song sắt trại giam, ông có thể làm gì ngoài việc gửi lòng mình vào những câu đối:
Quên điều Quốc luật gài then sắt!
Để chữ Dân quyền nảy nét son!
Hoặc:
Thơ Xuân dâng hồn Nước, song sắt phải mờ!
Đối Tết rộn tình Quê, cửa lim cũng vượt!
Cái Hồn Nước, cái Tình Quê nó "vượt" qua song sắt, cửa lim, chứ sức lực Hà Sĩ Phu thì vượt đi đâu. "Son" bền hơn sắt! Cú "vượt" này ai mà ngăn được?

Những lời thiết tha nhất ông dành cho bố mẹ.
Câu đối khóc khi mai táng mẹ:
Trời dẫu sập chẳng đau bằng mất mẹ!
Đất tuy dày không cản được lòng con!
Câu đối từ trong tù (1996) gửi ra nhân ngày giỗ cha:
Nhớ giỗ Cha thắp nén hương thầm, đem chí khí quyết đền công dưỡng dục!
Yêu đất Mẹ mở con đường lớn, lấy bút nghiên mong trả nợ tang bồng!

Về phần văn, có bài Thằng Bờm, phần 1, đăng báo Văn nghệ, phần 2 đăng ở Pháp. Một số bài khác đã đăng báo Tuổi trẻ, Thanh niên. Truyện ngắn "Sấm Trạng Sần" đăng ở nước ngoài với bút danh Tạ Xích Thằng. Bài "Năm Mã nói chuyện Khuyển" gửi cho bạn bè, sau được đăng ở nhiều tờ báo hải ngoại. Tuy viết chưa nhiều, nhưng thiên hạ nhiều người đã mến, đã nhớ giọng văn của ông. Một lối văn rất tản mạn mà có chủ đề, vừa tự do vừa điển tích, vừa khiêm tốn vừa khinh bạc, mua vui mà lại gợi buồn… Đọc để chơi, mà cũng không phải để chơi!

Như trên đã nói, nghề của tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Tụ là Công nghệ Sinh học. Văn chương với Hà Sĩ Phu chỉ là cái nghiệp, là công việc tay trái. Nhưng, đây là một "tay trái" mà thiên hạ không thể bỏ qua, không thể lướt qua. Ở đời có cái làm chơi mà tai vạ thật, có cái làm chơi mà lợi ích thật. Việc đánh giá con người và tác phẩm Hà Sĩ Phu vẫn còn ở phía trước, tôi chỉ làm cái việc giới thiệu vài nét sơ bộ thôi.

Kết thúc bài viết, tôi trở lại một câu đối mà chính Hà Sĩ Phu đã tự trào lộng về cuộc đời cầm bút của mình, ông bảo với người thân khi nào ông chết đi thì cứ khấn ông bằng câu đối đó:
– TRIẾT LÝ dăm câu CƯỜI THẾ SỰ!
– VĂN CHƯƠNG mấy chữ KHÓC NHÂN TÌNH!

Hoá ra, TRIẾT LÝ nghiêm chỉnh thì để mà Cười, còn làm THƠ khôi hài thì lại để Khóc! Ông cầm bút chẳng qua là để được Cười được Khóc mà thôi!
Hà Sĩ Phu đã từng cười với cuộc đời, còn ta, đôi khi ta không thể không khóc trước những bất lương, tàn bạo người ta dành cho một nhân tài như ông.
Nhớ lại một lần, Hà Sĩ Phu ra vế đối: "Lê mác đi khó cứu Mác-Lê" và tôi đã ứng đáp "Tụ xuân lại mà làm Xuân Tụ". Đấy cũng là lời cầu chúc, mong mỏi của người viết bài này.

GHI CHÚ:
(1) Thật mỉa mai: bài phát biểu này của ông Võ Văn Kiệt đâu có nghĩa lý gì so với những bài lý luận của Hà Sĩ Phu!
(2) 20 năm đã qua rồi, ông làm gì đã có được nhà (bài này sau đó Hà Sĩ Phu có sửa đoạn cuối).
(3) Tất cả những chữ Chân giò, Nây, Ba chỉ, Sỏ, Tai, Ruột, Đầu, Lưỡi, Bạc nhạc, Chân, Bì, Mỡ, Tim đều là các loại thịt lợn.
(4) Chữ Đào, chữ Quất nếu là danh từ thì vui biết mấy, nhưng nếu là hai động từ thì cũng thật đau.
(5) Năm ấy ông Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh vấn đề Nói và Làm, mở trên báo chuyên đề "Những việc cần làm ngay".
(6) Mã và Ngọ cũng là Ngựa. Dương và Mùi cũng là Dê.
(7) Câu đối khiến ta liên tưởng đến quan hệ Việt Mỹ và Việt Trung.
(8) Giáo sư Tôn Thất Tùng, Lương Đình Của… là những trí thức tiêu biểu.
(9) Cụ Đang là trưởng ban xây dựng Kỳ đài độc lập ngày 2.9.45, sau bị khổ sở mấy chục năm vì vụ Nhân văn Giai phẩm, ngót 90 tuổi không vợ con.
(10) Tác giả cuốn Viết cho Mẹ và Quốc hội. Được công khai trong lòng địch mà phải bí mật trong lòng ta, thế mới oái oăm!
(11) Nhà thơ Phùng Quán mất vì bệnh gan. Đám tang do nhà thơ Phùng Cung làm chủ tang lễ. Câu đối này đã khắc vào bia trên mộ Phùng Quán.

Nguồn: https://vietbao.com/a1622/tien-si-sinh-hoc-ha-si-phu-va-cai-nghiep-van-chuong

Comments are closed.