Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 10)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

Hà Nội, 14. 4. 1988

Nhàn thân mến,

Ngày mai Hà Minh Đức, Tô Ngọc Hiến, Minh Huệ, Ma Văn Kháng đi Liên Xô. Định viết dài cho ông, kể một ít tình hình, nhưng quá bận và nhất là quá mệt. Mùa hè chưa đến, thời tiết còn lạnh nhưng cái chuyển của thời tiết lại đang diễn ra trong mình. Ông biết là tôi sợ mùa hè thế nào. Viết lách luôn tay đến khuya, hăng hái thật đấy, nhưng đặt lưng xuống giường là thấy rã rời. Mà lại là thời điểm “hội” quá nhiều thứ căng. Dò theo các luồng lạch đấu tranh tư tưởng và nhân sự trên đà tới đại hội này. Tham dự bút chiến này. Ứng phó với tình trạng sách đắt, bán ế, phải gác lại sách phê bình này. Các thủ tục, và cả cái “bộ dạng” hàng ngày nữa, vì chuyện đảng của mình đang trên đường tới đích này. Chuyện nhà cửa, ngang với một cuộc chiến tranh này (Hội có vài chục căn vừa xây, nếu xong xuôi mà tôi không đến nỗi đen đủi, thì rồi ra, tôi được ở gần ông đấy!). Thằng con năm nay thi hết 12 này. Vợ sắp phải chuyển chỗ đi làm ra ngoại thành này. Sắp bốc mộ ông bố này… Bao nhiêu thứ. Nhưng thôi. Thôi khất kể chuyện, nếu gặp H.M.Đ., ông có thể khai thác y, tất nhiên để cho hiểu thì phải “đọc khác”, nhưng ông ta đang muốn tỏ ra đổi mới lắm đấy.

Tôi rất cảm động khi nhận quà của ông do Bình chuyển tới. Bà vợ tôi gửi lời thăm và cảm ơn ông. Tôi cứ áy náy là chẳng ai chịu nhận đem đi cái gì cả, nếu không cũng phải gửi cho ông cái gì, gọi là quà thôi, nhưng họ đều sợ nặng cả, đến thằng Minh cũng đã quá tải cơ mà.

Trà sắp về phải không, nhắc nó liên hệ với mình ngay sau khi tới Sài Gòn nhé. Cũng nhắc nó sớm viết đơn vào Hội Nhà văn nữa, sách thì có rồi, quyển “Mỹ học” hồi trước [1] và các quyển lý luận của nhà xuất bản Giáo dục ấy. Chắc ông Khải sẽ đồng ý là một người giới thiệu. Còn chuyện công tác của Trà nữa. Có định ra Hà Nội không? Có sợ chiến đấu đơn độc không?

Còn Sử, tình hình ra sao? Nhân nói Sử, tôi nói luôn ông Nhàn và Trà là bà Thiếu Mai có vẻ bực vì bà ấy bảo: Các ông cũng hơi thiếu lịch sự đấy, tôi là phụ nữ, là bà già, tôi lo hầu hạ bài vở cho các ông, thì ở xa các ông ấy cũng phải hỏi han tôi vài câu chứ. Đằng này, chỉ có thư cho ông Ân… Đấy ông ạ. Tôi nghĩ cũng lạ là bà ấy viết thì yếu rồi, thế mà làm biên tập lại vững ông ạ. Chèo lái thế là giỏi, tất nhiên là có ông Ngọc. Mà bà ấy cũng hy sinh thời giờ, để hết tâm lực vào chuyện bài vở biên tập. Các đoạn hồi ức hỏi chuyện Đặng Thai Mai, bà ấy xếp lại, chạy suốt ngày vì tờ báo. Các ông nên có thư riêng, tâm lý một tí ông ạ. Ông chồng bà ấy vẫn “đánh pắc” ở Sài Gòn, có lúc lại có chuyện lình sình bồ bịch, bà ấy cũng có nỗi đau riêng. May mà hai thằng con tử tế, thằng lớn ham dịch văn học, và yêu văn học, nên bà ấy đỡ được nhiều. Với lại công việc hình như xốc bà ấy dậy. Nghe nói có lúc bà ấy đốp chát thẳng vào H.M.Đức mà Đức vẫn cười trừ…

Chuyện ông Đệ thì dài, ông bảo H.M.Đức kể cho mà nghe. L.Th. Nghị có cho bà xem một bài ký Anh Đào tiếp tục nện tôi. Nghe nói Văn nghệ quân đội sẽ đăng coi như tổng kết. [3] Tôi đoan chắc là do Đệ viết. Anh Đào là thằng Đ.A.S., đang ở Moskva đấy, không thể lập luận nổi. Nhưng xu hướng Văn nghệ quân đội trung hòa lắm, có thể nói là yếu lắm. Trong ngoài hội, bọn chống cải tổ quá nhiều. Vừa rồi lại có chỉ thị cấm báo chí đăng các bài về Stalin, Khruschev, lấy cớ là Đảng bạn chưa thông báo chính thức cho ta. Nếu thế cờ đảo ngược, bọn bảo thủ thắng cả trong chính trường lẫn trong văn nghệ, thì có lẽ tôi phải nghĩ đến tương lai ở Hỏa Lò cũng nên. Cuộc thế mà! Dẫu sao, làm gì vẫn cứ làm.

Bài “Thư Moskva” của ông sẽ đăng sớm. Còn mấy bài kia có lẽ tôi phải sơ tán sang các báo khác, vì tờ “Văn nghệ” hồi này chật chội quá, tôi cũng có vài ba bài nằm đấy, chỉ phỏng vấn là đi được, nhưng lại là ý kiến người khác, đâu phải của mình. Sông Hương hứa sẽ đăng bài Nguyễn Tuân của ông, cậu Thái Ngọc San viết thư bảo tôi thế, mà Vỹ cũng nói thế.

Thôi nhé, tôi phải đi ngủ một chút, khuya quá rồi.

Chúc ông vui và làm được nhiều. Hẹn gặp ở Đại hội nhà văn nhé.

Thân

ÂN

TB. Nhuận bút sách chưa có. Khi nào có tôi sẽ đem ngay cho Yến. Tôi đã lấy thêm 10 quyển cho mỗi người, trừ vào nhuận bút. [3] Vẫn giữ cho ông, tuy có phải góp nhau mấy cuốn để tặng chung.

Chú thích

[1] Chỗ này nhắc tới cuốn Đi tìm cái đẹp của Lê Ngọc Trà, Lâm Vinh (Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1984).

[2] Chỗ này nhắc đến cuộc tranh luận trên “Văn nghệ quân đội”, với các bài: Mấy ý kiến về đổi mới tư duy trong lý luận, phê bình văn học (Phan Cự Đê, V.N.Q.Đ., s. 12/1987); Đã nghĩ lối mới hay vẫn nghĩ lối cũ? (Lại Nguyên Ân, V.N.Q.Đ., s. 5/1988); Đổi mới tư duy trên tinh thần khoa học và cách mạng (Anh Đào, V.N.Q.Đ., s. 6/1988); Bàn về chuyện đổi mới trong văn học (Phạm Xuân Nguyên, V.N.Q.Đ., s. 7/1988).

[3] Chỗ này vẫn nói về “Một thời đại văn học mới” (của 5 tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo), Nxb. Văn học đưa in lần đầu tại Tp. HCM., 1987.

Hà Nội, 2. V. 1988

Nhàn thân mến,

Đêm mưa vắng, lại tạm gạt công việc sang một bên, ngồi viết cho Nhàn. Gửi đi cách nào, bao giờ gửi thì còn chưa biết. Nhưng chắc chả khó gì đâu, bây giờ người ta sang Liên Xô như đi chợ cơ mà.

Sẽ nói nhiều chuyện, kể linh tinh chuyện Hội hè, chuyện văn chương bên nhà. Lại có cả nhận xét về tình hình Liên Xô, lại có cả mấy lời nhắc và trách Nhàn nữa đấy. Bắt đầu nhé.

Ở ta, cuộc đổi mới nghe chừng khó và chậm chạp. Người ta không chịu đào sâu việc đổi mới từ tư duy lý luận. Và nhất là chưa có sự đổi mới về cán bộ. Trong kinh tế và sản xuất thì việc phá bao cấp hành chính là đúng, nhưng có vẻ được tiến hành vào lúc không còn đâu của cải để mà “bao cấp” nữa nên đổi mới cũng ngang như buộc phải thả nổi, lời ăn lỗ chịu nhưng anh nào cũng khôn vặt, tất cả đều đội giá thành lên, lạm phát dữ dội. Vàng đã ở giá khoảng 160 ngàn/1 chỉ, nghĩa là gấp khoảng 5 lần so với cách đây 1 năm. Nếu có chục cây vàng hoặc có ngoại tệ mạnh mà sống ở nước mình bây giờ thì thành vương giả ngay. Đám Việt kiều bây giờ xử sự như thế đấy: họ cố để được về nước sống hàng 5 – 6 tháng. Chỉ lương còm bên nước ngoài đem về đây cũng thừa sung túc, chưa nói mỗi chuyến đi về cũng là những chuyến buôn. Chắc vì thế số “Việt kiều yêu nước” sẽ tăng lên, các vị sứ quán các nước tư bản lại có lợi…

Về tinh thần, tư tưởng thì cuộc đổi mới có vẻ chậm rì rì. Lại bắt đầu xuất hiện xu hướng sợ quần chúng, sợ nhân dân, nhất là từ phía các vị lớn, quyền chức, đặc quyền đặc lợi. Hội nghị về chiến lược tư tưởng gì đó gần đây nghe nói rất căng. Một số vị công kích khá dữ vào các biểu hiện đổi mới. Đám tuyên huấn hàng tỉnh hình như sợ mất việc làm, mất chỗ đứng, sợ nghị quyết về văn hóa văn nghệ lắm. Ông Xuân Trường phản đối ông Trần Độ về quan niệm Đảng không chọn thức ăn tinh thần cho nhân dân. Ông ấy bảo: phải chọn chứ, nhân dân biết gì! (Ấy thế mà có lúc ông ấy lại cao giọng: Đảng đứng ngoài hệ thống xã hội chính trị là không ổn, vì sẽ gây độc đoán, ai trong cơ cấu ấy cũng thành độc đoán! Rõ ra một giọng mị dân nên luôn có sự trái nhau giữa các loại ý kiến). Ông Độ phát biểu: Nếu thấy phức tạp quá, hay các vị (các vị họp ở đấy, to cả) đề nghị BCT đình chỉ cái nghị quyết văn hóa văn nghệ đã công bố đi! Tất nhiên không ai dám “hưởng ứng” như thế cả!

Nghe nói khi biết tin phục hồi mấy nhà văn Nhân văn – Giai phẩm (họ bị kéo dài án từ 3 năm thành 30 năm có lẻ), thì ông Tố Hữu có bảo với ai đó: Tiếc rằng hồi ấy đã không làm triệt để, tiệt nọc!

Trong một xu thế chính trị giằng co như vậy, tất nhiên giới nhà văn càng phức tạp. Giờ đây thái độ đối với tờ “Văn nghệ” trở thành thước đo thái độ đối với sự đổi mới. Cánh già chống, tất nhiên, không lộ liễu lắm, nhưng khá nhất quán. Mình không сводить [svodit’ = quy kết] toàn bộ cánh già, nhưng phần đông là cái chắc. N.Đ.Thi hình như tự tin và quyết tâm giành thắng lợi tại đại hội tới hơn bao giờ hết. Ông Trần Độ có адресовать [adresovat’ = nhắn gửi] cho Thi một câu tại một cuộc họp các tổng thư ký các Hội, đại ý: Các đại hội lần này, Ban Văn hóa Văn nghệ không dự kiến gì hết, bầu ai là do các hội, nếu bầu tốt thì các hội được hưởng cái tốt, nếu bầu không tốt thì phải hứng chịu. Vậy là có ý bảo Thi: tôi không gạt anh, cũng không đề nghị chọn anh, anh đi mà hỏi hội viên ấy. Nghĩa là còn cơ hội cho Thi, thành thử ông ấy còn nhiều hy vọng, vì hội viên già, hội viên các địa phương “mê tín” không phải là ít. Chính Anh Đức cũng thấy cái nguy ấy nằm ngay trong cái cách đại hội toàn thể. Vì hội vẫn là hội của một bọn viên chức già có biết tí ti về văn thơ chứ đã phải thật sự là hội của các nhà văn đâu!

Đám viết trẻ thì phân hóa tợn. Ông gặp cha B.B.T. chắc thấy rõ cái kiểu mà D.T.H. gọi là “tự nguyện làm cái bóng của những tên tuổi đã hết thời”. Đ.Ch. cũng vậy, như một cái xác mà cứ đòi có chỗ đứng trong đời sống. Nó vừa được kết nạp Đảng, vây vo lắm, nó nói xấu mình rất tệ rằng mình “không bảo vệ uy tín của anh Khải!”. Số đông lớp gần 60 cỡ ông V.T.N. nhà mình thì thực ra cũng sợ đổi mới, nhưng tự vũ trang bằng “tính nghệ thuật”, “yêu cầu văn học cao” để không bằng lòng với những sáng tác đăng trên “Văn nghệ”.

Hôm gần đây ông Trần Độ có cho vời tôi, bàn chuyện lý luận. Ông ấy bảo thấy có những thứ “sợ” (sợ phủ định, sợ quá trớn, sợ bôi đen, mỵ dân) mà thực chất là sợ đổi mới. Ông ấy định lập một tạp chí Phê bình văn nghệ nhưng không muốn để ở Ban mà muốn cắm ở đâu đó, ví dụ Hội Liên hiệp (ông ấy bảo tôi và Ngô Thảo về đấy làm. Tôi thì chỉ thích cộng tác, không thích sang hẳn). Nhưng bàn với P.H.G. thì hắn có lý: không nên để ở Hội Liên hiệp, vì đấy đã là tổ chức “ma”, đang muốn nó tan đi, càng hữu danh vô thực càng tốt, nay lại cho nó vũ khí, không khéo nó lợi dụng thời cơ sống lại, quật lại mình. Nếu H.C. không ở đó (hưu) mà Ng.Đ.Thi về đó thì cũng càng nguy. Không biết ông Độ có thấy thế không. Nếu gặp ông N.V.Hạnh, ông nên nói hộ sự phân tích của bọn mình, chủ trương nên cứ để ở Ban Văn hóa Văn nghệ như tờ Thông tin của họ hiện nay… Các ban của Trung ương Đảng đều có tạp chí, sao Ban Văn hóa Văn nghệ lại không thể có? Làm lâu dần, cắt cái Thông tin đi, để là tạp chí, thành được như tờ Coв. Kyльтуpa [Sov. Kultura = Văn hóa Xô-viết] thì tuyệt nhất. Lãnh đạo dư luận bằng báo chí. Mà một đảng như Lenin làm, thì cái chính là tờ báo, chứ chưa phải là các chân rết của bộ máy hành chính quản lý.

Tôi vẫn cảm thấy khu vực phê bình đang là cái “nhọt bọc” chủ yếu của văn học hiện nay. Lực lượng phản đối đổi mới không ít, tuy rằng số hung hăng thì ít thôi. Cái chiêu bài “nguy cơ phủ nhận” là một nguy cơ xoay ngược chiều đổi mới, vì cái tinh thần đổi mới nửa vời ở ta dễ cho bọn họ ăn nói hơn là cho những tư tưởng đổi mới kiên quyết. Nhân thể, nhắc đến bài Tập sống dân chủ [1] của ông mà bọn tôi không sửa gì ấy, P.H.G. và tôi bàn nhau: chỗ ông nêu cái mưu hạ chức Tvardovsky [2] có sức cảnh tỉnh với ta. Nhưng cái chỗ đưa dư luận chê Дeти Арбата [Deti Arbata = Những đứa con phố Arbat] [3] thì có vẻ lại cấp vũ khí cho bọn chống đổi mới ở ta. Đáng lẽ phải vạch ranh giới và không được đặt ngang hàng những sáng tác chất lượng kém nhằm minh họa cho tư tưởng xã hội sai lầm với những sáng tác chất lượng nghệ thuật yếu nhưng phục vụ cho sự khôi phục chân lý cao cả; chỗ yếu kém về nghệ thuật ở cả hai cái, nếu có thể đưa nó về dạng chính luận thì sẽ là một loại chính luận xu phụ phục vụ cho sự trì trệ thoái bộ, và một loại chính luận phụng sự chân lý, phụng sự tiến bộ xã hội. Chỗ đáng tiếc của bài ấy là cái đoạn ấy đấy, ông ạ. P.H.G. nói với tôi bảo ông lưu ý: cuộc đổi mới ở ta khó, bọn chống dùng mọi biện pháp, tận dụng mọi sự rộng lượng của dân chủ, mọi sự đòi hỏi cao trong khiếu thẩm mỹ của chúng ta để đánh vào đổi mới. Vậy ta phải tỉnh, đừng cấp vũ khí, bằng cứ cho chúng.

Về tình hình Liên Xô, mình và P.H.G. có được đọc một bài của một quan sát viên Ấn Độ, phân tích tương quan trong BCT TW Đảng CS LX. để thấy hiện nay ít ra 8/13 người ủng hộ Gorbachev. Đặc biệt sự xuất hiện của A. Яковлев [A. Yakovlev] [4] thì phải, với chủ trương làm cải tổ trong khoa học xã hội và tư tưởng, bắt các khoa học phải “động”. Tay nhà báo ấy khá lọc lõi khi quan sát báo chí Xô-viết để kết luận rằng: Gorbachev đứng trước cái соц. механизм [sots. mekhnizm = cơ chế xã hội chủ nghĩa] đã được Stalin thiết lập hoàn chỉnh, chỉ bị quẹt sơ thời Xpyщев [Khruschev] và lại trở về nguyên trạng ở thời Брежнев [Brezhnev]. Vậy phải đổi tận gốc cái coц. мех. [sots. mekh. = cơ chế XHCN] đó đi, và không tránh được – cùng với các việc khác – là phải xóa hình ảnh Stalin như một tượng trưng tư tưởng nào đó. Theo tay đó, bài Федop Раскольников [Fedor Raskolnikov] ở Огонёк [bán nguyệt san Ogonyok] No 26 (1987) rất quan trọng. Những chuyện như Stalin cho một tay trung tướng tra tấn Мейерхольд [Vsevolod Meyerhold] [5] đánh gãy tay trái để phải ký bằng tay phải vào lời cung, v.v. thật ghê tởm. Tôi thấy tờ Огонёк [Ogonyok] ghê thật. Riêng các số trong năm 1987 đã nhiều thứ quá rồi, tiếc là không có đều để đọc, lại không thể đọc nhanh.

Văn học bên nhà chưa có gì ngang với cỡ một Thời xa vắng. Có cái tiểu thuyết của Xuân Cang, rất chỉnh, chín chắn và nghiêm túc về xã hội-thời sự, hơn hẳn những gì Xuân Cang viết trước đây, nhưng tiếc là không ra sớm lấy 3 năm hoặc 2 năm. Ít ra để mà “đọ” với Cù lao Tràm (đọ thì Xuân Cang hơn đứt). Nhân thể, nghe bảo Nguyễn Mạnh Tuấn có cái tiểu thuyết gì ấy, đại để là Yêu như sống, viết khác hẳn lối деловитость [delovitost’ = kể việc], trở nên ướt át, có người bảo “kiểu Mai Thảo” tuy kém hẳn. Thế mới biết tay bút ấy vừa có thể làm hàng bán cho triều đình, vừa có thể làm hàng bán cho ca lâu tửu quán. Anh hùng cái thế, sống được bằng bút giữa Sài Gòn thời buổi này kia mà.

Trong số các tay bút trẻ, người ta nói Hồ Anh Thái, nhưng cuốn gần đây có vẻ cũng xoàng, không hiểu sao các ông Xuân Thiều, Hồ Phương lại khen. Chắc vì cũng vừa tầm mong ước của họ.

À, cái cô bé mà chùm thơ tôi cầm sang cho ông đọc ấy mà, nó có một cái tiểu thuyết gọi là Tiểu thuyết số 1, ông Kim Lân thích (tôi và ông Dương Tường phải mồi chài đưa bản thảo sang “Tác phẩm văn học”) nên mới chờ sếp N.Đ.Thi ở LX. về thuyết phục đăng. Sếp này có vẻ cũng muốn tỏ vẻ nam nhi mã thượng, mời cô bé đến gặp mấy buổi chiều, cao đàm khoát luận rằng văn chương Việt Nam không có những tài năng lớn, chỉ có vài ba anh kha khá… Ông ta rủ rê cô bé về “Tác phẩm văn học”. Tiếc rằng cô bé ấy đầy vẻ hoài nghi thế giới XHCN và những người hợp thức nên chối từ luôn, nói rằng cháu không muốn gần nghệ sĩ, chỉ muốn ở xa mà quan sát thôi. (Cách đây nửa năm, chính cô bé nhờ tôi bảo ông V.T.Nam xem có thể cho nó về xuất bản ta hay không, vì nó chán giới sử lắm!). Nó lỡm ông già đấy mà. Tội nghiệp. Nghe nói định trích cho đăng vài ba chương, nó nói xin lấy lại. Sau lại bảo sẽ in cả… Khi nào ông về bọn tôi sẽ giới thiệu làm quen. Một cô bé lạ lùng. Mê làm văn học, nhưng hoài nghi những gì tầm tầm, thích nghi. Gu nó lạ và phán xét của nó nghiệt ngã lắm, cho nên nói chuyện cũng thích. Hỏi ra nó đọc hơn hẳn bọn ta về những cái các ông Trần Dần, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng… đã viết. Nó còn biết thơ của Ph. Đ., một tay thơ nghèo và có lẽ là hay nhất (dĩ nhiên không in trên báo chí) những năm 70, vì thơ mà vào tù 2 năm thì phải. Nó cho biết có kẻ từng “thuổng” thơ Ph.Đ. để lấy giải thưởng thơ… Một thứ Nguyễn Quân, ông ạ. Sản phẩm Đức chính cống mà. Nhưng mà cỡ G. Grass chứ không phải các cỡ văn sĩ Đông Đức … Và cũng đang bỏ chồng, như D.T. Hương… Mình có bảo Hương: đàn bà muốn làm vợ tốt phải dốt, ít ra là dốt hơn chồng, mới là đàn bà có hạnh phúc được. D.T. Hương hỏi thăm ông đấy.

Nhân tiện, nói để ông biết, tập thơ Văn Cao in sắp xong. Tập Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm cũng đã đưa đi in. [6] Vài tập thơ và văn xuôi của đám này có thể còn ra mắt ở Tác Phẩm Mới này. Dĩ nhiên các ông nhà ta còn khá trù trừ và muốn đi dần dần, không ồ ạt…

Hôm chủ nhật vừa rồi, con cháu ông Vũ Trọng Phụng làm lễ khánh thành phần mộ mới của ông, chuyến từ cánh đồng về vườn nhà (xã Nhân Chính, gần nhà cậu Dương Cầm, Nxb. TN ấy). Tôi có đến dự. Sang năm 1989 là 50 năm mất của ít nhất là 2 danh nhân: Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Cả hai đều ở dạng “khôi phục” cả. Không rõ giới văn và giới khoa học xã hội sẽ làm gì. Chả lẽ lại để suông?

Nghe nói bên Ủy ban KHXH cho cán bộ nghỉ tết vừa rồi đến hết quý I, ai đi đâu cũng được, lương vẫn giữ nguyên. Bây giờ cũng cho đi kiếm ăn như thế. Nạn thừa người, dôi người do phạt bớt cái “cơ chế hành chính” đang gia tăng. Không rõ khi không còn giấy để in hoặc khi in mà sách đắt quá không ai mua thì bọn ta sẽ làm gì. Tìm một thửa ruộng mà cày cuốc cũng khó kia đấy.

Thực trạng kinh tế thì bí bét, không thấy đường ra. Tưởng có một chút tự do phát ngôn cho bớt bế tắc thì đám các ông to bắt đầu run, muốn thắt lại. Đổi mới là khó lắm. Không chừng bọn ta lại phải thêm một lần rút kinh nghiệm! Nhưng quá trình thì tất phải đi tới, tin là thế.

Tập sách của 5 người bọn ta, đám Nga ông quen họ nhận xét ra sao, kể cho tôi với nhé. Sắp có nhuận bút, tôi sẽ lĩnh đem cho bà Yến, luôn thể lấy nhuận bút ở “Văn nghệ”. Bận quá, chẳng có lúc nào đến được chỗ bà ấy một lần, chỉ tạt qua Hàng Giấy gửi lại.

Phần tôi, bà vợ đã khỏe, đi làm. Thằng cu lớn nhà mình sắp thi tốt nghiệp lớp 12 mà lười như hủi. Tôi đang có ý nghĩ là con cái lười nhác là do mình làm sẵn, cung phụng sẵn cho bọn nó. Đáng lẽ phải làm khác, buộc chúng nó sớm có ý thức tự lập… Chao ôi, thấy chúng nó lớn mà lo. Tự nhìn mình thì thấy đã già. Sao những người già gấp mấy mình mà họ còn ham sống thế nhỉ?

Trở lại chuyện sách vở ở nhà xuất bản ta, bây giờ nhiều cuốn cứ làm xong rồi để đấy, chờ khả năng cải thiện tình hình. Theo ý ông Kiên, tôi đang xem lần cuối cuốn ông Phương Lựu rồi nộp duyệt xong sẽ để đấy, chưa biết bao giờ in. Chỉ có quyển Tô Hoài là có thể ra, “chen ngang” vượt lên. (Cái lão này hình như đang có liên minh với Lê Minh, rõ nhất là trong việc tổ chức kỷ niệm Nguyễn Công Hoan vừa rồi, tất cả không cần Hội Nhà văn, nói đúng ra là không cho Hội Nhà văn xía vô, toàn bộ chi phí và đảm nhận là Hội Hà Nội và Quỹ Văn hóa. Không biết cái “tuyến” ấy định làm ăn gì tại đại hội tới. L.M. không ưa cánh N.Đ.Thi – Ch.H., mà cũng không ưa N. Ngọc – Ng. Khải).

Tôi đang tính sớm 2 quyển, may ra bán được. Một là Vũ Trọng Phụng trong ký ức những người đương thời, bảo ông Khung làm, có thể cho vượt lên so với cuốn Nam Cao (lấy bài vở cũ, lúc ông ấy mất, đặt thêm hồi ức mới, xem có cái gì về Vũ Trọng Phụng in thêm vào…). Hai là một cuốn tiếp Các nhà văn Xô-viết… đại khái là giành cho các bài (ví dụ trên Ogonyok) về những người mới được phục hồi mạnh mẽ (Bulgakov, Platonov, Akhmatova, Vytsosky, v.v.) và những người trung thực chiến đấu trong thời kỳ trì trệ (Yu. Trifonov, F. Abramov, A. Bek, Dudincev, A. Rybakov, Tvardovsky…). Nếu có tài liệu thì mở ra thêm Andrey Tarkovsky, Nabokov, v.v. Mình định chú dưới nhan đề sách Những số phận văn học khác nhau. Đại khái mới nghĩ thôi. Anh Nam đồng ý về nguyên tắc. Mình định bàn thêm với P.H.Giang, P.V. Cư. Ông có ý gì hay góp cho mình, nhất là chỉ cho các tài liệu thích nhất (ví dụ bài Cмeрть героя [Smert’ geroja = Cái chết của người anh hùng] về A. A. Fadeav trên Ogonyok, mình định đưa trích lên “Văn nghệ”). Ông cũng xem Ph. V. Cư hứa sẽ làm Bakhtin trong chuyến đi, liệu đã được kha khá chưa, và luôn thể bàn với Cư ý đồ tập sách này. Tư liệu về đời, về số phận thôi, tránh dịch các bài nghiên cứu phân tích sáng tác.

Thôi, dài quá rồi. Chúc Nhàn khỏe. Nhớ về dịp Đại hội tới nhé.

ÂN

T.B. – Xuân Quỳnh gửi lời thăm Nhàn. Chuyến đi làm giám khảo festival về Quỳnh bị đổ xe, may không việc gì, nhưng hình như đau tim. Tim Quỳnh có chuyện thì phải quá, vì nghe nói Q. – V. có chuyện gì ấy mà. Thật khổ. Trông già nua phát phì ra rồi. V. nó mê những ai ai nữa hay sao ấy. Nhưng ông viết thư chớ nói gì nhé. Chuyện gì Q. – V. thì Quỳnh không nói cho ai biết đâu.

Chú thích

[1] Đây là nói tới bài tiểu luận của Vương Trí Nhàn Những cuộc tranh cãi kéo dài, hay là Tập sống dân chủ trong văn học (Văn nghệ, H., s. 16 (16. 4. 1988).

[2] Aleksandr Tvarrdovsky (1910-71) nhà thơ Nga, LX., tổng biên tập tạp chí “Thế giới mới” (Novyj Mir) những năm 1950-54, 1958-70, từng cho đăng truyện Một ngày của Ivan Denisovich của A. I. Solzhenitsyn.

[3] Những đứa con phố Arbat (tiểu thuyết, ba tập, của nhà văn Nga Xô-viết Anatoly Rybakov (1911-98), viết từ những năm 1960, công bố 1987.

[4] Aleksandr Nikolaevich Yakovlev (1923-2005), nhà chính trị và hoạt động xã hội LX., được coi là một trong những nhà tư tưởng chủ yếu của công cuộc cải tổ.

[5] Vsevolod Emilevich Meyerhold (1874-1940) đạo diễn LX., lý thuyết gia và người thực hiện sân khấu nghịch dị, bị bắt (1939) và bị xử bắn (1940); 1955 được tòa án Xô-viết tối cao minh oan.

[6] Thật ra sau đó chỉ một số bài trong tập “Về Kinh Bắc” được đưa vào tập “Mưa Thuận Thành” và in ở một nhà xuất bản khác. Còn toàn bộ tập thơ “Về Kinh Bắc” sẽ được in lần đầu vào năm 1994 tại Nxb. Văn học.

Comments are closed.