Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 13)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

 

Hà Nội, 31. 5. 1990

Ý Nhi thân mến,

Lâu không viết thư cho Nhi, mà các việc cần trao đổi thì cứ tích lại.

Chiến dịch áp chế tư tưởng đang được triển khai. Không nghi ngờ gì nữa, người ta trở lại và muốn trở lại như trước 1986. Có tin nói là đám tướng lĩnh cùng nhau thề sẵn sàng tắm máu quần chúng nếu có bạo động. Mà cũng dễ hiểu thôi. Cũng có tin đồn có một danh sách 10 người bị cấm ra nước ngoài (D.T.Hương, Ng.H.Thiệp, P.T.Hoài, T.M.Hảo, Ng.Duy là trong danh sách này), một danh sách 50 người được đặt trong sự theo dõi (hình như có mình!). Người ta sẽ không ngại tạo cớ bắt bớ để răn đe. Mọi chuyện có thể xảy ra. S.G. đã ngột ngạt thì H.N. có thể còn ngạt thở hơn. Hôm họp hội thảo phê bình, cái tham luận của mình, 3 ông chấp hành (Nam, H.Mai, N.Ngọc) lần lượt đọc rồi quyết định không cho đọc, chỉ cho phát biểu miệng 10 phút. [1] Hội thảo, tuy vậy cũng chỉ là nơi biểu thị thái độ. Từ ĐH Nhà văn đến giờ, cái xu thế “chia đôi” là không thể khắc phục. Đám P.Lựu, B.C.Hùng, Đ.V.Khang, N.V.Lưu, H.Ziệu, L.Q.Trang, tỏ rõ trò phụ họa các ông chủ. Qua phát biểu của họ thấy có một ý đồ: đòi tách hội đồng LLPB khỏi Ban sáng tác, đòi đưa các “nhà phê bình sung sức” vào hội đồng mà thâm ý là cắt đứt sự tham gia của Ng.Ngọc vào hội đồng LLPB, rồi thay những Mạnh, Hạnh bằng một vài tay nào đó từ trên ấn về. Trò đả kích, góp ý về tổ chức và nhân sự ở LLPB là như thế (P.Lựu, H.Ziệu, B.C.Hùng đã làm căng tại hội thảo về việc này).

Đọc báo, nghe đài và các nguồn tin đồn, thấy rõ những sự thật đáng buồn. Do đó phải nghĩ lại nhiều điều.

Không có và không thể có đổi mới, bởi không thể đổi mới được. Người ta đang cố gắng không đổi mới gì cả trong khi vẫn nói đổi mới và sẽ nói nhiều hơn nữa. Bọn ta nên sớm rút lấy kết luận về ảo tưởng của mình trong mấy năm qua. Những người trên cao hiểu bài học Đông Âu là: dại dột chơi thật trò chơi đổi mới sẽ mất trắng như bỡn, cho nên họ phải thắt lại thôi. Những kẻ có ảnh hưởng nhất (chỉ tính xuống đến hàng ngũ giám đốc) đã từng địa chủ hóa, nay lại nhanh chóng tư sản hóa rồi, thế mà còn giữ nguyên được cái nhãn XHCN, CS, dại gì họ không tiếp tục sử dụng nó, đóng vai chiến sĩ tiên phong bảo vệ CNXH? Ở T.Q., Cuba, B.T.T. cũng vậy thôi.

Sẽ chẳng có đổi mới, chẳng có dân chủ gì đâu! Ta lại phải cay đắng nhắc nhau như vậy thôi. Còn về quần chúng, thật ra cũng đáng ngờ lắm. Dân ta thất học, có được xóa mù chữ thì cũng để tiếp nhận một kiểu ngu dân khác. Đặt nhiều tin tưởng vào quần chúng – như D.T.Hương ấy – thì cũng là ảo tưởng thôi. Đời chúng ta cầm chắc sẽ không được thấy đổi mới, càng không được thấy dân chủ đâu. Sự thật là thế, nếu khác được thế thì càng may. Nhưng làm sao mà khác được.

Ý thức về thời thế như thế rồi thì làm gì đây?

Bọn ta làm trong lĩnh vực văn hóa, chính đó là cái đất có thể làm được một cái gì. Không phải để thay đổi thời thế đâu. Chỉ để làm giàu văn hóa thôi.

Ý Nhi làm thơ, viết văn, anh Lộc, mình hoặc Nhàn làm nghiên cứu phê bình, làm sách vở. Quay về nghề, thâm canh trong nghề, theo mình, là định hướng cần thiết cho lúc này, nhất là với bọn ta, đời còn một quãng không lấy gì chắc là dài. Mình nghĩ viết được thế nào cho người nước ngoài hiểu được văn hóa VN – là việc còn phải phấn đấu. Đột nhiên mình nhớ hôm tiễn anh Lộc và Nhi ở ga Hàng Cỏ, Nhi có nói cho mình biết anh Lộc và Nhi định hoàn thành công trình “Từ điển về tuồng”. Cái ấy nếu đạt đến chuẩn quốc tế (về khoa học) thì đáng cho một đời lắm. Làm được cái gì cho văn học cổ điển VN – có lẽ là cái đáng làm nhất đối với anh Lộc, mình nghĩ thế. Cho H.X.Hương chẳng hạn. Mình và Nhàn bây giờ bảo nhau: Cái đoạn viết để nổi tiếng đã qua rồi, vì đã trót nổi tiếng rồi. Bây giờ là đoạn viết để chết, viết một cách không dối trá chút nào, viết trong sự “đánh cuộc” với cái chết, dù chuyện thắng chỉ là một phần nghìn, chỉ là ăn may, dẫu thế cũng chấp nhận.

Bọn mình vẫn tiếp tục bất hợp tác với tờ V.N. Nó nhơm nhếch thậm chí về văn hóa, về nghề báo, chưa nói quan điểm hay học thuật. Và nó kiên trì “thà hữu còn hơn tả”, thà mang tiếng bảo thủ còn hơn để lọt tiếng nói cấp tiến. Làm sao đăng bài ở đấy mà không lạc giọng? Nói chung, mình định rút dần khỏi diễn đàn hàng tuần để làm nghiên cứu thôi. Mất cái cảm hứng phập phồng chờ bài báo của mình ra mắt thì cũng tiếc đấy, những phải tập để quen dần, vì đã thấy là nó chẳng ích lợi gì mấy trong thời gian hiện tại và tương lai gần (tương lai thậm chí còn tối hơn trước, ít nhất vì có thêm cái ý thức rõ rệt về mức ngột ngạt của nó).

Tất nhiên mình không quên chúng ta làm nghề xuất bản. Nói “làm nghề” cho sang chứ ngay lúc vào nghề, ta có biết đâu là có lúc những viên chức biên tập như bọn ta lại phải đối mặt với một thị trường đầy tai ách như bây giờ. Về cái nghề này, mình phân biệt hai phương diện. Thứ nhất, phương diện “viên chức”, mình cho là bọn ta, lớp biên tập viên tương đối lớn tuổi này, vừa phải có nghề, lại vừa có thể giữ thế “công thần” một chút, nghĩa là không cần ngoan ngoãn, mẫn cán gì cho lắm. Đặt trong khuôn khổ nhà xuất bản ta, mình thấy các vị đầu trò không cho thấy là họ có ý định làm gì cả, không có quyết tâm hoặc làm ra tiền bằng mọi cách, hoặc là dám ra những cuốn sách quan trọng, thực đáng là sách (như cuốn Porcinomanie [2] chẳng hạn). Mấy cái đề cương của Nhi, không thấy ông K. nhắc nhở gì. Tay P. thì ít nhất cũng phá ngầm (ví dụ hôm nọ mình hỏi cái tài liệu Ng. Bính tay ấy tập hợp, tay ấy lảng, bảo đã làm với nhà khác rồi!). Vậy thì sẽ triển khai ra sao, thật không rõ ràng gì cả. Dẫu sao, sau khi bàn qua với Nhàn, mình cũng thấy serie sách “gương mặt” ấy không dễ đạt yêu cầu cao đâu. [3] Tài liệu lẻ tẻ xuất hiện trên báo thì có vẻ hay, nếu tập hợp thì sẽ thấy đơn điệu và nhiều lỗ hổng. Ở ta có ai, có cái gì được nghiên cứu chu đáo đâu. Mọi danh nhân đều như ngôi miếu hoang, sau cái biển đề và ít gạch vụn chẳng thấy còn lại gì mấy. Tất nhiên nếu làm dăm cuốn ở mức trung bình thì cũng làm được nhưng nguồn tài liệu có lẽ chủ yếu là ở Hà Nội. Bản thảo xong, đưa in Sài Gòn cũng được, phải không? Tất nhiên mình và Nhàn muốn đi S.G., đi lục tỉnh chơi lắm chứ, tạo được cớ để đi thì hay quá rồi. Tóm lại, việc này mình vẫn chờ ông K. “xuống lệnh” chứ không thể tự động. Ví dụ mình sẽ lọc lấy một cuốn “gương mặt V.T.P.” ngay để lấy cớ “Nam du”.

Phương diện thứ hai của “nghề biên tập”, mình không nghĩ đến “làm sách bán chạy” mà nghĩ đến “sách cho những người cần nâng cao văn hóa”. Mình nhớ Nhi có nhận xét về cái ngu của đám công chúng có tiền. Công chúng, và rộng ra, quần chúng (nhân dân!) ở ta là thế. (P.T.Hoài cứ nhắc mình phải nhớ câu “Bạc là dân bất nhân là lính” của chính dân gian!). Chiều cho được thị hiếu của họ, làm cho 10.000 kẻ trong bọn họ bỏ tiền mua sách thì đã khó lắm, mà nếu làm được như thế, thì vẫn cầm như vô công vô ích kia mà! Ở ta, quan chức cũng vô văn hóa như trọc phú và dân đen thôi. Định dạy họ về thẩm mỹ, về tư tưởng là ảo tưởng. Chỉ có thể hy vọng vào vài ngàn người trẻ tuổi nào đó, vài ba chục năm nữa sẽ bước vào văn học, khoa học, văn hóa. Hãy tìm cách “khai sáng” (nói cho sang!), tìm cách cung cấp tri thức tốt cho họ. Mình ưng làm sách cho đối tượng đó, thậm chí nếu đủ sức thì viết sách cho họ, nghĩ đến họ mà viết; tri âm đích thực là đấy, dù cách ta mấy thế hệ. Ngay sách dịch cũng nhằm cho hướng ấy. Ví dụ mình và Nhàn có biết những cuốn sách “khai sáng” rất tốt của giới nghiên cứu LX. viết về thời trung cổ (ví dụ Những phạm trù văn hóa trung cổ của Gurevich, các cuốn sách của Bakhtin về Dostoevsky, Rabelais, v.v.). Nếu ta hợp tác với ai đó, cơ quan nào đó chịu “lỗ vốn” vì cái vốn tri thức rất căn bản này thì đây là một bộ phận sách LLPB rất đáng làm.

Mình vừa làm xong phần của mình cho quyển “Từ điển thuật ngữ văn học” của Nxb. Giáo dục. [4] Tiếc là cách cấu tạo ban biên soạn rất “vênh” nên chưa phát huy được hết hiệu quả. Nếu ở trung tâm chỗ anh Lộc nhận lời thì mình và Sử, Trà và vài anh em nữa sẽ soạn một cuốn tương tự mang tính thuần nhất của quan niệm. Đây cũng là một cuốn có thể bổ ích cho “đối tượng chọn lọc” nêu trên.

Đấy, mình trao đổi với Nhi về mấy việc như thế. Trong mỗi chúng ta giờ đây gần như còn nguyên vẹn cái cuồng nhiệt của khát vọng đấu tranh cho dân chủ hóa. Ta không phải tiếc vì những gì từng người đã làm trong vài năm nay. Nhưng cục diện này cho thấy tiếp tục xả thân thì chỉ thành thiêu thân thôi, mà cũng ít ích lợi gì văn hóa, văn học. Bản thân mình tự thấy không đến nỗi quá nhát gan, bảo mạng, nhưng tình thế cho thấy phải phấn đấu cho dân chủ theo cách khác, cơ bản hơn, mà cũng có điều kiện để làm hơn, nếu đủ cả tâm huyết lẫn tài năng, nếu đủ cả sự dũng cảm trong cô độc của từng người lẫn sự ủng hộ và cổ vũ lẫn nhau của những người cùng phương hướng.

Tất nhiên, cái cục diện “phe phái” đã có từ ĐH, ta không thể bước qua. Phương châm của bọn mình (và cả bọn họ!) là chỉ chơi với nhau thôi, không “lẫn đàn” nữa; nhập vào “bầy đàn” của họ là điều không thể làm. Đó bây giờ là đạo đức – bảo là thành kiến cũng được! Về chỗ này, mình thấy bọn ta nên yên tâm về V.T.Nhàn! Ng.Thảo có thể là một tiếng nói nữa xác nhận điểm này. Đùa tí chút thôi, mình có biết và Nhàn không giấu những quan hệ và cách liên hệ của M.Q.L., nhưng nên yên tâm về Nhàn, thật đấy. Trong tâm trạng, Nhàn còn “điên” hơn cả mình và Ng.Thảo kia. Nói chung, điểm đáng mừng của anh em “phái vui tươi” [5] là ở nhân cách. Bây giờ cái cần bồi dưỡng ở anh em là một ý thức làm việc cho văn hóa dân tộc, làm hết sức, làm kỹ lưỡng. Thời la hét qua rồi. Để cho bọn “hằm hằm” la hét, la liếm và tỏ bày lòng trung thành trước các quan trên. Bọn họ từ chối “sám hối” thì mặc cho họ “tự hào”. Ta phải thấm, phải gánh lấy cái nhục của dân tộc nhược tiểu, thiếu văn hóa, không phải gánh trên tuyên bố mà là trong việc làm, tìm cách khắc phục. Mình tự bảo mình rằng nếu ta không viết được cái gì có thể “sống qua thời gian” được thì ta cũng phải chết như họ thôi, đáng làm giòi bọ cả thôi, hơn gì đâu. Nghĩ thế để cố gắng, chứ cãi với thời gian là khó lắm. Chẳng riêng nghệ sĩ, ngay trí thức ở ta cũng xu phụ, hèn kém lắm. Tự xưa đã thế rồi mà. Từ xưa đã ăn theo nói leo các ông chúa, các hôn quân bạo chúa, nêu cho con cháu gương xấu nhiều hơn gương tốt rồi kia mà. Tội lỗi không chỉ ở hiện tại. Đây là thuộc về những tội tổ tông. Biết để tránh, nhưng dễ đâu tránh được.

Thôi vậy, Nhi thấy khiếp chưa: đã viết đến trang thứ 6 rồi. Còn lại, mình nói một chút về “nhóm N.M.Châu”. [6] Thảo cho biết có Cty Việt Hải (Việt kiều ở Nhật?) nhận chi trả toàn bộ việc in ấn di cảo N.M.Châu. Họ nói có thể đưa tiền, ngoại tệ đấy. Nhưng Thảo nó có kinh nghiệm. Nếu trực tiếp nhận đô-la, dù để làm việc nghĩa thì cũng dễ vào tròng như chơi, người ta sẽ vu cho là nhận tiền của “XỊA” thì có cơ cả 15 tên vào tù! Vì thế, Thảo tìm ra cách: Liên hiệp XN in sẽ là trung gian, in sách theo đặt hàng của nhóm và giao sách cho chúng ta, còn thanh toán thì LH in sẽ thanh toán với Việt Hải, tức là LH in sẽ nhận được ngoại tệ, họ khoái quá rồi còn gì; thôi, như thế để cho LH được lợi, bọn ta chỉ cần in sách cho anh Châu thôi. Nếu phương án này mà xong thì phần quyên được còn có thể làm những việc khác (trợ cấp, làm giải thưởng của nhóm cho tác phẩm khá, v.v.). Không biết ở S.G. thế nào chứ ngoài này bọn họ công phá dữ lắm. Các đồng nghiệp ở 4 L.N.Đế không tiếc lời chửi bới bọn ta. Chị Doanh cũng chịu rất nhiều sức ép. Có chuyện một cô (quân nhân trong thành) đến gặp chị Doanh gièm pha (chắc theo phân công!) nói xấu nhóm, đặc biệt nói xấu 3 thành viên nữ của nhóm. Chị Doanh đã bình tĩnh và từ tốn (nhưng kiên quyết) trả lời, nói rõ thiện chí và sự trong sáng của nhóm. Tên của mình, Nhàn và Thảo là câu rủa đầu lưỡi của đám người ở nhà số 4. Thế đấy. Cho nên hầu như ai tham gia nhóm cũng gây nên những phản ứng ở trong và ngoài giới thôi. Mình được biết (và cũng đoán) trường hợp P.T.Hoài tham gia có thể gây ngạc nhiên và có thể gây phật ý cho một vài bạn trong nhóm. Bọn mình đã được chứng kiến việc H. xin tham gia một cách rất hồn nhiên và tự nguyện đến nỗi khi H. hỏi lại “Có được hay không?” thì bọn mình thấy không thể từ chối mà lại cảm thấy thanh thản. Vả chăng, dù không ở trong Hội, nhưng H. cũng có “số phận” và định hướng như anh em trong nhóm, cho nên, dù hơi đột nhiên chút ít, có lẽ các bạn trong ấy cũng nên thông cảm và chấp nhận; trong chuyện này, nếu có lỗi là ở 3 đứa mình (Ân, Nhàn, Thảo) không thông báo và hỏi trước các bạn. Qua một việc nhỏ thế này thôi, đã đo được áp lực xã hội cực lớn đối với những việc thiện, tự nguyện trong văn hóa, vì người ta bao giờ cũng đề phòng sự tập hợp tự nguyện của dân làm văn nghệ. Mình và Nhàn vẫn “phập phồng” cho số phận của nhóm mà cái hiện thực của nó là việc in mấy cuốn cho anh Châu. Hiện giờ mình đang tổ chức tập “Trang giấy trước đèn” (tiểu luận). [7] Cuối năm đưa in được thì tốt quá. Sau đó sẽ lấn dần đến các ghi chép. Trong việc này cũng tự đặt mình được trước vô số “luật” hoạt động của việc giữ gìn và khai thác di cảo.

Về các ghi chép của Ng.H.Tưởng, mình và Nhàn đã xác định được: phần trách nhiệm và người có thể đại diện gia đình là Thắng (chứ không phải Hiền). Thắng đã có sao chép thành các bản nên cũng không lo bị mất lắm đâu. Nhưng có vẻ như chừng nào bà Tưởng còn sống thì không thể in, vì bà ấy không muốn động đến tình thân của gia đình với ông Lành, ông Thi. Thôi thì ta chờ vậy.

Thôi nhé, mình xin phép dừng bút. Cho mình gửi lời thăm tới anh Lộc, cháu Giao. Năm nay Phong có về thăm nhà vào dịp hè không? Mình và Phiếu rất cảm ơn Nhi vì còn nhớ cho quà nữa, thật chu đáo quá.

Thân mến,

ÂN

Chú thích

[1] Đấy là bài nhan đề “Đổi mới điều kiện sống – là điều kiện sống của đổi mới, hay là: Về vấn đề dân chủ hóa đời sống văn hóa tư tưởng”, tham dự hội thảo đổi mới lý luận phê bình, do Hội Nhà Văn VN tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 22 – 23/5/1990; sau này tác giả đưa vào tập tiểu luận phê bình “Sống với văn học cùng thời” (Nxb. Văn học, in lần thứ nhất, H., 1997, tr. 243-255).

[2] Tên một bản thảo tiểu thuyết chưa được công bố của một nhà văn quen biết.

[3] Serie sách “gương mặt” này là những dự kiến ban đầu về một loại sách tư liệu chân dung nhà văn, sẽ được gọi là tủ sách “Thế giới văn học” của Nxb. Hội Nhà Văn, mở đầu là hai cuốn về Quang Dũng và Nguyễn Bính, in 1990.

[4] Cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” này do Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử chủ biên, in lần đầu 1992; sau lần in thứ tư (2000), Trần Đình Sử chỉnh lý, đã in thêm 2 lần nữa (in 2006, 2007).

[5] Chỗ này nương theo chữ dùng trong bài diễn ca đùa cợt của Nguyễn Duy về 2 phái tham gia Đại hội Nhà văn lần IV: … Đại hội bỗng chia ra hai phái / Phái vui tươi và phái hằm hằm…

[6] Đây là nói về “Nhóm bảo trợ di sản nhà văn Nguyễn Minh Châu” có tên 15 người tự nguyện tham gia, có Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, v.v.; trên thực tế nhóm này đã trợ giúp cho việc in sưu tập tư liệu “Nguyễn Minh Châu, con người và tác phẩm” (Tôn Phương Lan, Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn, H., 1991) và giúp gia đình nhà văn tìm lại và giữ gìn các di cảo của ông.

[7] Đây là nói về việc thúc đẩy biên soạn cuốn tiểu luận của Nguyễn Minh Châu mà L.N.Â. thực hiện với tư cách biên tập viên Nxb. Tác Phẩm Mới (và cũng với tư cách thành viên nhóm bảo trợ di sản nhà văn Nguyễn Minh Châu). Trên thực tế, cuốn “Trang giấy trước đèn” (người sưu tầm biên soạn là nhà nghiên cứu Tôn Phương Lan) về sau đưa in tại Nxb. Khoa học xã hội (in lần đầu 1994, lần thứ hai 2002).

Comments are closed.