Lại Nguyên Ân
Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771
PHẦN HAI
NHỮNG TRANG GHI CHÉP RÚT TỪ SỔ TAY
1986, 1987, 1988
20/8/1986
Tại Viện văn học, 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội.
“Tạp chí Văn học” họp cộng tác viên
HOÀNG TRINH (Viện trưởng, Tổng biên tập) nói: Đảng đã đặt vấn đề đổi mới tư duy; vậy đổi mới tư duy trong nghiên cứu và phê bình văn học là như thế nào? Phải lưu ý đến thực tiễn phát triển của đất nước và của văn học, đến tình hình thế giới.
5/9/1986
Câu lạc bộ Thơ của Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô ra mắt.
17/9/1986
Tại trụ sở Hội Nhà Văn VN, 65 Nguyễn Du, Hà Nội, phòng họp tầng 3.
Sinh hoạt Câu lạc bộ phê bình trẻ (do Ban thư ký Hội Nhà Văn tổ chức).
HÀ XUÂN TRƯỜNG (trưởng ban Lý luận phê bình của Hội Nhà văn):
Văn học và một số vấn đề mới đang đặt ra
+ Quá trình phát triển của nền văn nghệ nước ta
+ Những bài học còn ở dạng kinh nghiệm chưa được tổng kết
+ Văn học ta đang ở giai đoạn nào?
+ Trách nhiệm người làm lý luận phê bình.
Tinh thần Đảng ta: kiên quyết đổi mới, đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, nhưng cũng phải đổi mới tư duy ở các lĩnh vực khác (…) Trước thực tế mới, không thể không đổi mới. Rất may là thấy thế giới, nhất là thế giới XHCN đặt vấn đề đổi mới rất mạnh mẽ. Ví dụ Poland: đổi mới rất mạnh, vì không đổi mới thì mất CNXH.
Trong quá trình dự thảo báo cáo chính trị Đại hội 6, Đảng ta đặt vấn đề: CNXH là gì? Đ/c Trường Chinh cho là ta chưa nắm được quy luật của CNXH.
Các nước XHCN cùng suy nghĩ: phải đổi mới.
Đề ra 2 khả năng không hay:
– Máy móc lấy cái của người ấn vào mình, “lấy gậy bên ngoài đánh mình” −> có tỉnh ra, nhưng làm rối tinh lên.
– Cách nghĩ “mình là mình” −> trở lại bảo thủ, trì trệ.
Phải học tập kinh nghiệm bên ngoài, nhìn thẳng vào ta. Phải tính tới tác động của kẻ địch trong ngoài.
Để đổi mới: phải dám nhìn vào sự thật (có thể có: không dám nhìn; nhìn không thấy).
1. Quá trình hình thành nền văn học ta
(………)
– 10 năm văn học qua (75-85) có thành tựu đáng tự hào. Ta còn phải nghiên cứu văn học miền Nam 54-75, phải thấy có những cái được, nên thấy đấu tranh 2 dòng, không nên phủ định cả.
– Trên thực tế, trong văn nghệ vẫn còn gò bó. Hồi Đảng chống Nhân văn – Giai phẩm, anh Trường Chinh tại ĐH văn nghệ II có nói khuyết điểm của lãnh đạo là gò bó, biệt phái; cho đến bây giờ vẫn còn, nhất là ở các địa phương.
– Ta học văn nghệ của Liên Xô, rồi của Trung Quốc. Chúng tôi tiếp xúc với văn kiện chỉnh phong hồi 1947-48, ông Nguyễn Sơn và ông Minh Tranh đem về, dịch, in ronéo ở Việt Bắc, phát cho anh em đọc. Bài nói Văn nghệ Diên An của Mao Trạch Đông cũng ở trong số đó.
Ta có dùng những khẩu hiệu văn nghệ Diên An: “Văn nghệ phục vụ công nông binh”; “Văn nghệ phục vụ chính trị”, “bình cũ rượu mới”, “văn nghệ phản động thường bóng bẩy, như viên đạn bọc đường”… Ta có bị ảnh hưởng không? Cũng có, nhưng có mức độ. Ví dụ nói “văn nghệ phục vụ chính trị”, Lenin từng nói, “văn nghệ phục vụ công nông binh” cũng có lý của nó… Nhưng thực tế ta không thi hành như thế; cách hiểu của ta cũng khác. Nói phục vụ công nông binh mà phủ định trí thức − là Mao; hiểu phục vụ công nông binh mà khẳng định trí thức: không phải Mao.
– Ta quen ít nói đặc trưng, đặc thù văn nghệ. Trong kháng chiến không thành vấn đề, đến hòa bình thành vấn đề.
– “Trăm hoa đua nở”: khẩu hiệu của Chu Dương, ta chưa thấy âm mưu bên trong của nó, nhưng cách dịch đăng của ta khác.
Khi nghiên cứu văn học kháng chiến nên có quan điểm lịch sử.
Mấy năm qua ta có trì trệ, nhưng văn nghệ không trì trệ.
– Về Văn nghệ Liên Xô, tôi có dịch Jdanov (1) qua Pháp văn. Những vấn đề Jdanov là áp dụng cho văn học Liên Xô 1946-48. Sau này Liên Xô tổng kết lại thấy sai lầm. Liên Xô có hai lần sai: vụ đàn áp 1937; và 1946-48 trấn áp tư tưởng (Zoshchenko, Akhmatova,…),(2) ra nghị quyết lên án, nhưng không đàn áp thân thể. Những sai lầm này vào ta và ảnh hưởng khá lâu. Thời Khruschev lên, thấy vấn đề, nhưng hốt hoảng, làm rối tinh lên. ĐH 20 ĐCS LX chống sùng bái cá nhân. Ta không theo Khruschev vì có chịu ảnh hưởng Trung Quốc (ĐCS TQ. phê Khruschev là xét lại). Nhưng ở LX, ở văn nghệ sĩ trí thức có khuynh hướng đổi mới mạnh mẽ.
Theo tôi, ở ta ảnh hưởng LX mạnh hơn ảnh hưởng TQ. Ta kết hợp với cách mạng TQ. lâu, nhưng yếu tố làm nên thành công là với LX.
Hồi ra Nghị quyết 9 (1964), ta phê truyện Aitmatov, phim “Bài ca người lính”, “Khi đàn sếu bay qua”. (3) Ta phê xuất phát từ chủ quan mình; không đồng ý thì thôi, nhưng lại quy người ta là xét lại.
– Một bài học đáng chú ý là vấn đề tổ chức. Ta là trùm tư tưởng bao cấp. Cứ văn nghệ sĩ là nuôi cả, ai cũng sống. Có cái sẽ phải đúc kết. Bây giờ thành ra một sự trì trệ lớn.
2. Văn học ta đang đứng trong bối cảnh nào?
Về thời điểm, ta đang trong thời kỳ nóng bỏng: thời điểm đấu tranh gay gắt, quyết liệt. Đế quốc muốn nhân khủng hoảng để lấn tới, thống trị tiếp, bóc lột tiếp thế giới thứ ba. CNXH muốn đứng vững phải đổi mới toàn diện, trước hết là kinh tế.
– Vấn đề phát triển khoa học kỹ thuật
– Vấn đề dân chủ XHCN
– Vấn đề bình đẳng xã hội (phân phối công bằng xã hội)
Muốn đổi mới phải kiên quyết sửa sai.
Ta đang ở thời kỳ phức tạp, giải quyết bất cứ vấn đề gì cũng có hệ quả sang vấn đề khác.
Đối với văn học: vấn đề nói sự thật, vấn đề hiện thực. Văn học phản ánh sự thật ngoài dự kiến? Thế nào là sự thật? Phải thấy ta đang đứng trước một thực tế đang biến đổi từng ngày, gay gắt. L. Aragon nói: thực tế có bộ mặt giai cấp của nó…
Vấn đề phê phán và xây dựng. Có người cho văn nghệ nhiều năm qua nặng phê phán, và cho là cần phê phán lại: − không hoàn toàn chính xác. Văn học là tác động; văn học đem lại một tiếng nói không bằng lòng thực tế, nó đòi hỏi cao hơn. Văn học thời nào, ở đâu cũng thế. Phê phán là một yêu cầu, nhưng là để xây dựng theo hướng XHCN, khẳng định CNXH.
– Vấn đề đời thường, đề tài lớn và nhỏ. Cần xem xét lại một loạt vấn đề.
– “Tác phẩm phải sống lâu qua thời gian”: − nhưng phải sống bây giờ chứ! Thời gian và quần chúng công bằng lắm. Mộ của chúng ta ở trong quần chúng.
Trong hoàn cảnh này, trong việc đánh giá văn học, tính giai cấp vẫn quan trọng. “Sự thật dù cay đắng thế nào vẫn là vũ khí của chúng ta” (Jaruzensky).(4)
3. Về phê bình
Tình hình hiện nay, ý kiến khác nhau không được trao đổi, cọ xát; không vào quần chúng để thăm dò. Tay hay xin ý kiến cấp cao, nhưng cấp cao ít đọc văn học nhất.
Không khí gần đây, một số bài trong Tp. HCM có ý kiến về ý kiến của tôi,(5) chỉ mong anh em nói đúng, mong có sự bình đẳng giữa sáng tác, phê bình, và các nhà phê bình nhất trí với nhau.
27/9/1986
Tại Thư viện thông tin khoa học xã hội, 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội
HOÀNG NGỌC HIẾN nói chuyện về Đại hội nhà văn Liên Xô.(6)
– Ý kiến các nhà văn Liên Xô: cảm hứng sự thật, viết nói lên sự thật; tinh thần tự phê bình và phê bình.
– Tình hình Hội: đến Hội không bàn tác phẩm, sáng tác mà bàn quyền chức, tư tưởng xôi thịt.
– Tác phẩm đáng chú ý: “Đám cháy” của Rasputin; “Trinh thám buồn” của Astafiev, “Mỏ đá” của V. Bykov,…
– Tư tưởng glasnost (công khai).
15/10/1986
Tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội, phòng họp tầng 3.
Câu lạc bộ phê bình trẻ: Tình hình văn xuôi gần đây
– Trình bày của nhà văn Nguyễn Kiên.
– Nhà văn Chu Văn nói về tiểu thuyết Sao đổi ngôi.
– Nhà văn Hữu Mai: Về mảng văn xuôi về chiến tranh từ sau 1975.
– Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú: Tôi viết các truyện nông thôn thế nào? (về quá trình viết Hạt mùa sau).
– Nhà văn Lê Lựu nói về Thời xa vắng, trả lời các câu hỏi của các nhà phê bình: Nguyễn Văn Lưu, Hữu Đạt, Bùi Việt Thắng, Hồng Diệu; ý kiến Lại Nguyên Ân.
Hà Xuân Trường nói sau cùng, khẳng định mặt tốt của Thời xa vắng.
1/11/1986
Tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội, phòng họp tầng 3.
Câu lạc bộ phê bình trẻ: bàn tiếp về tình hình văn xuôi.
– Nhà văn Nguyễn Minh Châu nói những suy nghĩ đưa tới mảng truyện ngắn sau 1975 của mình; trả lời câu hỏi của Hà Minh Đức, Lã Nguyên,…
6/11/1986
Tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội, phòng họp tầng 3.
Câu lạc bộ phê bình trẻ. Khách thăm VN tới nói chuyện và trao đổi: bà Nicole Mozet, chuyên gia về văn học Pháp thế kỷ 19; ông Guy Rosa, chuyên gia về V.Hugo.
– Về phê bình mới,
– Về nghiên cứu ngôn ngữ học, chủ nghĩa cấu trúc,
– Về văn học féminisme
15/11/1986
Tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội, phòng họp tầng 3.
Câu lạc bộ phê bình trẻ: Về văn xuôi gần đây.
Ý kiến các nhà phê bình trẻ: Minh Hạnh, Bùi Việt Thắng, Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên, Phan Trọng Thưởng.
19/11/1986
Tại trụ sở Viện văn học, 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Hội Nhà văn (Nguyên Ngọc) họp với Viện Văn học chuẩn bị Hội nghị khoa học 70 năm văn học Xô-viết.
8/12/1986
Tọa đàm về Thời xa vắng của Lê Lựu ở trường viết văn Nguyễn Du.
Ý kiến các học viên Nguyễn Du: Lưu Ngọc Chiến, Bảo Ninh, Quốc Trung, Thùy Linh, Hồ Trung Tú, Hoàng Hữu Các, Xuân Giang. Ý kiến các nhà phê bình tới dự: Lại Nguyên Ân, Thiếu Mai, Ngọc Trai, Lê Thành Nghị, Ngô Thảo, Bùi Việt Thắng, Trần Đình Sử. Ý kiến Trần Vũ Mai (biên tập viên cuốn sách).
22/12/1986
Tại trường viết văn Nguyễn Du.
Hội thảo truyện ngắn về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (tạp chí “Văn nghệ quân đội” và trường Nguyễn Du phối hợp tổ chức).
Tham luận: Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Hữu Các (học viên), Chu Lai, Ngọc Chiến (học viên), Mai Ngữ, Bảo Minh (học viên), Xuân Thiều, Đỗ Văn Nhâm (học viên), Hải Hồ, Trần Việt Dũng (học viên), Nguyễn Minh Châu, Thu Nguyệt (học viên), Trương Vĩnh Tuấn (học viên), Nguyễn Quốc Trung (học viên), Ngô Hồng Vân (học viên), Hồng Diệu, Xuân Giang, Trung Trung Đỉnh;
Nguyên Ngọc sơ kết.
***
(1) Jdanov: tức Andrey Aleksandrovich Zhdanov (14.2.1896 – 31.8.1948), nhà hoạt động đảng và nhà nước Liên Xô những năm 1930-40; sau thế chiến II, là người phụ trách đường lối tư tưởng của ĐCS LX, chủ trương bảo vệ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn nghệ; tháng 8/1946 công bố báo cáo kết tội thơ trữ tình của A. A. Akhmatova và truyện châm biếm của M. M. Zoshchenko, là căn cứ cho nghị quyết của Đảng “Về các tạp chí Ngôi Sao và Leningrad” (1946). Ở Việt Nam, khá nhiều bài viết bài nói của Zhdanov được dịch và xuất bản: Vài quan điểm văn học nghệ thuật (ghi tên tác giả: Andrei Jdanov, người dịch Xuân Trường, Nxb. Văn nghệ, 1951).
(2) Anna Andreevna Akhmatova (1889-1966) nhà thơ Nga, LX.; Mikhail Mikhailovich Zoshchenko (1895-1958) nhà văn Nga, LX.
(3) Chinghiz Aitmatov (1928-2008) nhà văn Kyrgystan, LX. Tác phẩm của Aitmatov đầu tiên được dịch ở miền Bắc VN là Chuyện núi đồi và thảo nguyên (Cao Xuân Hạo, Nguyễn Ngọc Bằng, Bồ Xuân Tiến dịch, Nxb. Văn học, 1984), ban đầu được độc giả và giới văn học khen ngợi, nhưng khi Đảng LĐVN ra NQ. 9 thì đây lại là một trong số những tác phẩm Xô-viết bị nêu ra như những biểu hiện quan điểm xét lại (revisionism) cần phê phán, cùng với một số tác phẩm điện ảnh Xô-viết như phim “Bài ca người lính” (1959, đạo diễn Grigory Chukhrai), “Khi đàn sếu bay qua” (1957, đạo diễn Mikhail Kalatozov); văn kiện thể hiện tập trung sự phê phán này là bài của Tố Hữu “Đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, nâng cao nhiệt tình cách mạng và tính chiến đấu trong văn nghệ” (bài nói tại hội nghị Ban chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, 16/6/1964).
(4) Wojciech Witold Jaruzelski (1923-), tướng quân đội, bộ trưởng quốc phòng Ba Lan (1969-83), bí thư thứ nhất Đảng CNTN Ba Lan (1981-89), thủ tướng Cộng hòa nhân dân Ba Lan (1981-85), chủ tịch hội đồng nhà nước CHND Ba Lan (1985-89), tổng thống thứ hai CHND Ba Lan (1989), tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Ba Lan (1989-90).
(5) Chỗ này nhắc đến dư luận ở Tp.HCM. nửa đầu năm 1986 xung quanh những bài báo về “Cù lao Tràm” (1984, tiểu thuyết Nguyễn Mạnh Tuấn): Sau loạt bài thảo luận trên các báo Bắc Nam diễn ra suốt năm 1985 nhất trí đánh giá cao tác phẩm này, đầu 1986 trên tuần báo “Văn nghệ Tp.HCM.” xuất hiện những bài nêu một số nhược điểm của nó và đề xuất sự đánh giá chừng mực hơn, ví dụ: Lê Đình Kỵ (V.N. Tp.HCM., 10/1/1986), Hoàng Hà (V.N.Tp.HCM., 17/1/1986), Phùng Quý Nhâm, Nguyễn Ngọc Lượng (V.N. Tp.HCM., 20/6/1986), trong đó có những chỗ tỏ rõ thái độ không tán thành sự đề cao của ông Hà Xuân Trường đối với tác phẩm này.
(6) Đây là nói về đại hội lần thứ VIII Hội Nhà Văn Liên Xô, họp từ 24-28/6/1986 tại Moskva, gồm 543 đại biểu; trên thực tế đây là đại hội cuối cùng; sau khi Liên Xô tan rã (1991), Hội Nhà Văn LX phân rã thành nhiều tổ chức khác nhau trong không gian hậu Xô-viết.