Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 24)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

14/5/1988

Bàn với Ngô Thảo lên đề cương số 1 chuyên san Văn hóa văn nghệ.

Số 1 tập trung: Văn học, sân khấu, âm nhạc.

– Phỏng vấn: Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Trọng Nhân

– Hỏi tin các hãng tin XHCN và các nước khác

– Trích các báo: – về liên hoan phim; – những bài phê bình hay: trích lại; – phê bình văn nghệ qua các báo.

– 1 bài về tập “Một thời đại mới trong văn học”.

Nguyên Ngọc, Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng.

20/4/1988

Họp ở nhà anh Trần Độ về việc chuẩn bị ra chuyên san Phê bình và dư luận.

– Đề cương: Ân và Thảo soạn, Thảo trình bày.

Ý anh Độ: – chưa hợp lý; – cân nhắc phần đầu, phần cuối

– Tư duy cũ của phê bình: Ngô Thảo soạn.

– Nhân cách nghệ sĩ (Ân soạn) – xem lại, để sau.

Văn học:Những tác phẩm có sắc thái mới (Nguyễn Đăng Mạnh)

– 2 bài về báo Văn nghệ (Nguyên Ngọc, Thiếu Mai)

Sân khấu: – Bài Xuân Trình: phải có ý kiến về những tác phẩm cụ thể đang được quan tâm.

– Mời Tào Mạt viết về Hồn Trương Ba

– Có in bài Tất Đạt không? Không nên in bài về đội ngũ.

– Chú trọng tác phẩm, ý kiến, dư luận

Chú ý: giải thích vì sao phát triển hiện tượng cổ tích? Vì sao người viết bám vào đề tài tình yêu.

– Còn ít bài có chiều sâu. Những khuynh hướng nghiêng về ước lệ.

Âm nhạc: – Bài Tô Ngọc Thanh; – Công chúng muốn gì thích gì.

Xã hội-văn nghệ: chưa nên thành chuyên mục (Nghị quyết chỉ nói nghệ thuật); – Mời người khác viết.

30/6/1988

Sơ kết 6 tháng đầu 1988 báo Văn nghệ.

THIẾU MAI: Phần lý luận phê bình:

– Ý kiến chúng tôi: 8 bài/26 số; đáng chú ý: các bài Hồ Ngọc Đại, Hồ Ngọc, Lân Dũng.

– Trả lời phỏng vấn (tiến tới đại hội nhà văn): 13 bài/26 số

– Tin Văn nghệ: 15 tin (các hội địa phương, TW, các trường ĐH các nơi)

– Lý luận: 66 bài

+ Có những bài nhận định tổng quát: Trần Độ

+ Có những bài nêu và lý giải các vấn đề lý luận: Lê Ngọc Trà

+ Nêu những vấn đề trong đời sống văn học, thể tài: Lê Ngọc Trà, Lê Chí Dũng, Võ Hồng Ngọc, Huỳnh Như Phương.

+ Những vấn đề lý luận chưa hệ thống hóa.

+ Dịch ngoài phục vụ trong nước: lý luận văn hóa, các bài về Bulgakov, về Fadeev…

– Phê bình đọc sách: hơi bị động, thiếu liên tục

– Chân dung: Quang Dũng, Nguyễn Xuân Sanh

– Dọn vườn: 2 bài xung quanh sách của Phạm Minh Hạc

– Nói chuyện ngôn ngữ: 1 bài Hoàng Tuệ

– Linh tinh: + Thư từ Moskva

+ Luyện võ cho văn

+ Từ dịch một ý thơ Hitmet

TRIỀU DƯƠNG: phần trang các nghệ thuật: là trang làm báo

– Những hiện tượng, vụ việc trong điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật

– Những sự kiện không đề cập: “Em đẹp dần trong mắt anh”, “Hồn Trương Ba…” ở Sài Gòn vẫn ăn khách. Nhạc Trần Tiến.

NGUYÊN NGỌC: – Lâu dài phải tính lại. Nhưng phần lý luận làm ta yên tâm. Phương hướng là đừng kinh viện. Cố gắng với tới các vấn đề đời sống văn hóa văn nghệ. Có định hướng: cơ sở cho những đổi mới văn học nghệ thuật, cho văn học lâu dài.

– Mảng bài lý giải sự phát triển văn học hôm nay (kể cả sáng tác phóng sự ký sự trên báo).

– Tôi lo mảng ta gọi là phê bình, nó xao lãng, lẻ tẻ, thông tin kém về bộ mặt văn học. Có thể phải có cộng tác viên chuyên về sách ra hàng tháng.

– Tôi có câu hỏi: cái gì đang cản trở văn nghệ phát triển?

– Tổ chức: chưa được tăng người. Nên có cộng tác viên chuyên về thông tin văn nghệ trên các báo, xuất bản địa phương để cho thấy bộ mặt văn nghệ hiện tại

Ban nên có dự kiến dài, ví dụ bàn tròn “Văn nghệ – hiện thực”.

8/7/1988

Tại Viện Văn học, 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Bàn tròn Văn nghệ – Hiện thực

PHONG LÊ: Thảo luận nên tạm gác 3 khía cạnh: – triết học; cách mạng chính trị – hiện thực XHCN, quan hệ tác phẩm – hiện thực.

HUỲNH VÂN: Không nên loại bỏ không thảo luận quan hệ tác phẩm – hiện thực, vấn đề tiếp nhận rất quan trọng.

HOÀNG NGỌC HIẾN: Hiện thực là gì? – nghĩa thông thường; – nghĩa triết học

Các từ ta dùng: ‘hiện thực”, “thực tại”, “thực tế” −> đồng nghĩa.

Hồ Chủ Tịch: những vấn đề mình phải giải quyết (do thực tế đặt ra)

Marx: quan điểm Feurbach: xem xét tĩnh quan, không cho thấy nhu cầu chủ thể.

Ngay trong định nghĩa hiện thực đã có vai trò chủ thể.

– Vấn đề cách nhìn hiện thực, cách nhìn mâu thuẫn xã hội quyết định các bước phát triển văn học từ sau 1945:

1945 – 75: địch/ta; 2 thế giới: “ta” −> tốt đẹp, “địch” (giặc ngoài, Việt gian…) −> ác quỷ, không tốt đẹp.

Vì vậy: viết ca ngợi “ta”.

Sau 1975: mâu thuẫn phơi ra. Những người viết ca ngợi không theo được. Có một lớp người thấy và viết được theo cách nhìn những mâu thuẫn mới nảy sinh.

– Văn học là gì?

+ bộ phận đích thực: nói những vấn đề vĩnh cửu

+ văn học ứng dụng: hướng tới cái ngoài nó (rất cao quý nếu mục đích cao quý)

Liên hệ: “nghệ thuật tạo hình” khác và đối lập “mỹ nghệ”. Cách gọi sự vật đúng tên, không hàm ý ca ngợi, đề cao hay dè bỉu.

−> chê văn học ứng dụng bất kể nó như thế nào là không nhã nhặn.

Đi vào giải quyết quan hệ văn học – hiện thực dính với hai loại văn học này, ví dụ với văn học ứng dụng thiết thực thì nó phải phân tích hiện thực trực tiếp hơn.

LÊ XUÂN VŨ: – Tán thành cách hiểu quan hệ văn học – hiện thực nhiều mặt.

“Văn hóa tranh luận” −> dân chủ −> nói thẳng ý kiến mình.

– Tán thành anh Hiến: đồng nghĩa: “thực tại” – “thực tế” – “hiện thực”, nhưng không tán thành cách chia “văn học đích thực” – “văn học ứng dụng”

Hiện thực là thống nhất bản chất và thực tồn. Nói “văn học phản ánh hiện thực” không sai lắm.

Lê Ngọc Trà (24) mới thấy một vế, thấy một nét cơ bản: khả năng nhận thức, phản ánh của con người. Quá trình phản ánh là đấu tranh để thống nhất chủ thể với khách thể, cải tạo hiện thực vì lợi ích con người. Hiểu như vậy quan niệm hiện thực có phải làm văn học nghèo đi không? Nguyễn Văn Linh chỉ nói thành tựu văn học 10 năm gần đây nghèo đi, Lê Ngọc Trà đẩy xa hơn: nghèo nàn.

Tôi cho không phải quan niệm sau về hiện thực làm cho văn nghệ nghèo đi. Đúng là có những tác phẩm nghèo đi. Có phải quan niệm làm cho nhà văn bị trói buộc hay không? Không. Không phải vì văn học phản ánh hiện thực thì làm mất cá tính sáng tạo của nhà văn.

Tôi cho rằng Lê Ngọc Trà tự mâu thuẫn: phản ánh hiện thực là thuộc tính chứ không phải nhiệm vụ; chỗ khác: là nhiệm vụ, nhưng không phải nhiệm vụ chính. Lại nói rằng Marx chưa nói vấn đề này, Lenin cũng vậy. Nhưng tôi đọc Lenin viết về Tolstoi chính là hiểu Lenin khen chất lượng phản ánh hiện thực của Tolstoi.

Chỗ khác: “Hãy để nhà văn phản ánh sự thật để cứu xã hội và cứu văn học”! Tôi không tán thành chỉ coi phản ánh hiện thực là thuộc tính.

NGUYỄN VĂN HẠNH: Ta hãy nghĩ đến những cái đúng ngay, sai thẳng, nhưng khoa học là tìm tòi liên tục. Và những người có trình độ, có bản lĩnh thì họ không nói ẩu. Ví dụ ý anh Hiến, tôi thấy đáng nghĩ.

Tôi đọc Kapitsa (25) về ý kiến khác nhau. Khi người ta nghĩ khác là nghĩ tới giải pháp khác. Không khí phương Đông: nói khác ý ông lớn, ý người có quyền là sợ. Làm sao để người ta bớt sợ.

Lý thuyết rất cao mới giải quyết được những vấn đề cụ thể. Liên Xô giờ đây muốn trở lại những nguyên tắc của Lenin, như chính sách kinh tế mới.

– Bàn lý thuyết từ nhiều góc độ khác nhau. Anh Trà viết trên lý luận phản ánh. Nhưng có thể bàn từ lý thuyết thông tin, lý thuyết chức năng.

Định nghĩa hiện thực anh Hiến nêu là định nghĩa của nhà chính trị. Nhưng về triết học thì không định nghĩa như thế. Một khái niệm có bao nhiêu là cấp độ.

Mình hay nói: văn học phản ánh hiện thực; tác phẩm văn nghệ là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Cũng nói: tinh thần phản ánh tồn tại −> văn chương phản ánh cuộc sống. Nói quan hệ văn nghệ – đời sống là chú ý tính chân thật. 2 quan hệ quan trọng: văn nghệ – đời sống, và văn nghệ – nhân dân. Có cách nói “những lời kêu gọi từ đời sống”, từ đó: “đi đến những nơi tiên tiến”…

Nhưng nói “Nói lên sự thật cuộc sống” lại là việc khác, là hàm ý trước nay ta nói hời hợt về chuyện này. Sự thật là những nhu cầu, là tiêu chí đánh giá.

– Vấn đề “miêu tả hiện thực” có lúc được đặt không chính xác. Tại sao nghệ thuật lại chọn biện pháp chính của nó là miêu tả, là dựng hình tượng, bức tranh? Tại sao nội dung nghệ thuật lại ở bức tranh, ở hình tượng? Tôi chưa hiểu vì sao? Ta thường cho ai không qua miêu tả thì không thành công lắm. Nhưng xem miêu tả hiện thực là mục đích thì không được. Mục đích là nói lên sự thật.

Đã thành một kỹ năng: nghiên cứu tác phẩm bằng cách đối chiếu thực tế. Thật ra, phải nghiên cứu đóng góp độc đáo của nghệ sĩ chứ không phải xem anh ta đưa bao nhiêu thực tế vào. Các nghiên cứu Nga và Liên Xô đưa lên vấn đề này một cách phiến diện. Ta cũng vậy. Ví dụ ta đánh giá Tắt đèn, Bước đường cùng cao hơn Sống mòn. Thật ra về nhiều mặt nghệ thuật Sống mòn cao hơn nhiều cũng như nghệ sĩ Nam Cao cao hơn nhiều.

Ở ta, căn cứ vào lời nói thì khó, phải xem trong thực tế việc làm, thao tác thường xuyên thì thấy thực chất vấn đề.

Các vấn đề đề tài, điển hình cũng vậy. Nhưng nó là sáng tạo thì không hoặc ít tính đến. Hoặc quan niệm độc tôn hóa chủ nghĩa hiện thực, cường điệu chủ nghĩa hiện thực.

Hiện thực không đồng nghĩa với nghệ thuật. Ta nghiên cứu chỉ căn cứ hiện thực, bỏ qua vai trò cá nhân, mà trong nghệ thuật: không có cá nhân thì không có nghệ thuật.

Ta nghiên cứu ít về cá nhân, nhân loại. Ngay về giai cấp, ta tuyên bố nhiều chứ nghiên cứu cũng ít. Lối nghĩ giáo điều, không từ thực tế, trích dẫn giáo điều, không khái quát từ thực tế, thực tế cả nghệ thuật nhân loại, duy ý chí, mà không tổng kết nổi thực tế của mình.

Ngay hiểu quan hệ nghệ thuật với nhân dân cũng không chính xác. Bây giờ ở Liên Xô đang đề xuất hiểu lại ý Lenin trong bài ghi của Clara Zetkin: (26) phải làm cho nhân dân nâng cao trình độ hiểu nghệ thuật, chứ không phải hạ nghệ thuật xuống mức dễ hiểu cho nhân dân. Tư tưởng này liên quan đến văn nghệ đại chúng, nếu không “văn nghệ đại chúng” sẽ hút hết công chúng.

HỒ SĨ VỊNH: – Truyện Nguyễn Huy Thiệp thách thức tự tôn dân tộc.

– Đường lối văn nghệ. Lãnh đạo: dùng quyền uy như phán truyền mệnh lệnh, áp đặt.

PHƯƠNG LỰU: Chúng ta làm không ít cái sai, đổ lỗi sai ở lý luận. Nhưng có những vấn đề nói đúng nhưng làm sai.

Có lý luận vô ngôn (qua quyền uy, thành quan niệm; trình độ dân trí chưa cao, có quan niệm dung tục trong tâm lý xã hội); và lý luận văn bản thì khác.

Khi nói quan niệm “văn nghệ là một trong những hình thái ý thức xã hội” thì phải có quan niệm “văn nghệ – vũ khí sắc bén”. Nhưng phản ánh đi đôi với ít nhất 5 cái: nhận thức, biểu hiện, thông báo, tác động…

Văn nghệ phản ánh hiện thực nhưng văn nghệ không phải là hiện thực.

Ta độc tôn phương thức hiện thực và điều này đã được nói lên. Anh Hiến nói ý cách đây 10 năm: vì nhà văn muốn chắc ăn nên viết phản ánh.

Tôi không đồng ý với bài Lê Ngọc Trà. Vấn đề nêu có giọng hơi khó chịu. Bài rất mâu thuẫn. Có những ý rất đúng: phản ánh là thuộc tính chứ không là nhiệm vụ; nhưng câu cuối: phải để nhà văn nói lên hiện thực để cứu xã hội và văn học. Anh Trà còn nói hiện tượng suy tư tưởng. Anh Trà cũng cố ý đối với các ý kiến của Marx, Engels, Lenin (trích dẫn không đúng định nghĩa chủ nghĩa hiện thực của Engels; bình luận sai; không chú thích để hiểu toàn bộ ý Marx và Engels). Trong 3 nguyên tắc của phản ánh luận (tinh thần phản ánh vật chất; vai trò chủ quan; khả năng chủ thể phản ánh khách thể), Lê Ngọc Trà mới vận dụng nguyên tắc tương quan ý thức – thực tại, không vận dụng nguyên tắc 2, 3 về vai trò chủ thể. Anh Trà dừng lại ở phản ánh luận tĩnh quan. Anh Trà da diết bàn lý luận về chủ thể nhà văn, nhưng giải thích rằng Marx, Engels, Lenin không coi phản ánh như nhiệm vụ là không đúng.

PHAN CỰ ĐỆ: Có hiện tượng trong sáng tác… thì đặt lại vấn đề chủ thể như bài Lê Ngọc Trà là cần, tuy có điểm tôi đồng tình hoặc không đồng tình, giọng có chỗ thích có chỗ không thích. Động cơ trong sáng. Luận điểm thì có cái đáng bàn lại.

R. Garaudy trong Chủ nghĩa hiện thực không bờ bến (27) có trích của…: Nghệ thuật là cái mà con người thêm vào tự nhiên.

1968 trên Tạp chí Văn học có một bài nói bức truyền thần giống hơn bức tranh, pho tượng rập khuôn giống hơn pho tượng sáng tạo, đó là dung tục, đồng nhất nghệ thuật với tự nhiên.

Quan niệm ta: lấy tự nhiên, cuộc sống làm đối tượng phản ánh, nhưng thông qua chủ thể. Không thể coi phản ánh hiện thực là thuộc tính của nghệ thuật được, vì có những nghệ thuật không hiện thực.

Anh Trà hơi tách rời việc miêu tả hiện thực với các vấn đề đặt ra, những chiêm nghiệm của tác giả. Những cái này có ở các tác giả tài năng: Lỗ Tấn, Cervantes, hiện thực rất sinh động, nhưng vấn đề rất sâu, rất cao.

Hiện nay, từ bài anh Trà, có luận điểm là: tôi viết về hiện thực là tôi chiêm nghiệm hiện thực. Nhưng lý lẽ đó chỉ đúng với người đã 60 tuổi, đã có kinh nghiệm sống. Như Nguyễn Du, được cả hai, cả hiện thực, cả tư tưởng. Tôi thấy nếu anh Trà có biện chứng hơn thì bài hay hơn.

– Vấn đề nhìn lại quá khứ. Trong quá khứ có những điều không bàn lại được. Thái độ không bằng lòng là biện chứng, nhưng phải có công bằng khi nhìn lại. Anh Trà nhìn sáng tác và phê bình khắt khe quá, có lẽ không thấy những cái khó trước kia. Nói tác phẩm hao hao giống nhau: có, cũng có thể, nhưng đã có những tài năng định hình. Quan điểm tôi: văn học chiến tranh, ta làm được là văn học lớn. Còn cái không bằng lòng thì phải làm hơn. Lại có bài nói văn học ta không đặt vấn đề phê phán nội bộ XHCN: không đúng. Văn học có nêu, có phê phán mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

(chiều thảo luận tiếp)


(24) Chỗ này muốn nhắc đến các luận điểm của Lê Ngọc Trà trong bài Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực, đăng Văn nghệ, s. 20 (14. 5. 1988)

(25) Pyotr Leonovich Kapitsa (1894-1984) nhà vật lý Nga Xô-viết, giải thưởng Nobel (1978) về vật lý. Thời perestroika, báo chí Liên Xô đăng lại bài báo ông viết hồi những năm 1930 về quyền có ý kiến riêng.

(26) Clara Zetkin (1857-1933): người Đức, nhà chính trị, nhà hoạt động phong trào cộng sản Đức và quốc tế, nhà hoạt động nữ quyền.

(27) Roger Garaudy (1913-): người Pháp, nhà văn, nhà triết học, nhà chính trị; cuốn sách D’ un réalisme sans rivages” (Về chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến, Louis Aragon viết lời giới thiệu, Plon, Paris, 1963) bị giới lý luận các nước XHCN đương thời phê phán vì trong cuốn này tác giả thể hiện quan điểm chống văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Comments are closed.