Lại Nguyên Ân
Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771
Nhàn thân mến,
Nhân 2 cán bộ giảng dạy trường Gorki sang giảng ở trường Nguyễn Du, anh Nguyên Ngọc đề nghị cậu Томашевский [Tomashevsky] giúp báo một số việc nhất là đưa tin, và hướng dẫn ta nên dùng các bài vở nào trên báo chí Liên Xô cho thích hợp.
Vậy ông chịu khó liên hệ với tay này, tất nhiên có khó khăn về tiếng, nhưng có lẽ cũng là một cách hay để thâm nhập sâu vào nội tình văn nghệ của họ.
Mình đã viết thư cho ông, dài lắm, nhờ ông Duy Lập cầm sang, Nhàn và Trà đã nhận được chưa? Sử có thường lên chỗ ông không?
Tôi vội nên không thể viết gì dài. Chỉ nhắc ông cái “mối” này. Đám 2 cậu sang giảng này, Phạm Vĩnh Cư đánh giá là tân tiến đấy. Họ thông tin cho ta nhiều điều về các chuyện bên trong về nepecтройка [perestroika = cải tổ] trong văn học Liên Xô. Anh em nghe được rất vui. Nhưng trong nước, trong giới nhiều chuyện lắm. Lại là thời bùng nổ thông tin. Gần đây nghe ông Đào Thế Tuấn nói tình hình nông nghiệp Trung Quốc, về chuyện ông ấy đi Trung Quốc vừa xong, thấy náo nức, nhưng cũng bực bội khi nhìn vào sự trì trệ hiện nay.
Nhưng thôi,
Chúc Nhàn, Trà, Sử khỏe vui trong dịp Tết này. Lưu ý Trà khi về Sài Gòn phải thư từ ngay cho mình
Rất thân
ÂN
Hà Nội, 5. II. 1988
Nhàn thân mến,
Nhận được thư Nhàn lúc sáng, đọc xong, mình thấy hối là đã làm cho Nhàn buồn vì cái thư trước. Có lẽ tình hình chưa đến nỗi như thế chăng? Hoặc thực chất là thế, nhưng thường ngày thì không đến nỗi thế. Sau mấy ngày chán nản, mình lại hăng lên, viết được mấy bài. (Hồi này cứ vài ngày lại xong được một bài, lúc thì bài của mình, lúc là bài phỏng vấn, tường thuật… Lắm lúc cũng tự thấy lạ. Chỉ bực một nỗi là sau một đêm thức viết, sáng ra đến cơ quan hoặc một chỗ nào đó định tìm thằng cha nào đó nói chuyện cho hả thì hầu như chẳng có, lại lủi thủi đạp xe loanh quanh, chập tối không chịu được mò sang thằng Bình thì lại phải ngồi nhìn nó nhổ râu, chán quá lại về nhà ngồi vào bàn…). Có một lô sự việc đến dồn dập tuần vừa rồi.
– Bài Phan Cự Đệ trên Văn nghệ Quân đội s. 12/87 khiến mình không chịu được, viết vài đêm xong bài trả lời, luôn thể chuẩn bị cho các sự việc tiếp theo.
– 28/I. Hội thảo chính trị – văn nghệ tại báo “Văn nghệ”, ý kiến nhiều (tôi có tường thuật trên báo), nghe xong ý kiến mình, ông Ngọc ông Khải đồng tình nhưng ông Ngọc bảo: ông nói khó hiểu bỏ mẹ! Dẫu sao thì bằng tường thuật, tôi cũng đưa được ý kiến mình lên báo. Hôm ấy Phan Cự Đệ được mời nhưng không đến, Hà Xuân Trường đến buổi chiều. Hoàng Ngọc Hiến “nổ” vào lúc ấy, nhưng nói xa xôi (ông xem trên báo). Ngô Thảo nói một cách… thế nào ấy, đến nỗi ông Khải phải bảo: thôi chết, sao cái thằng nó lại thống thiết như thế cơ chứ. Ông Vũ Đức Phúc vẫn như cũ, bảo thủ về lý lẽ nhưng bất mãn về thực tế: ông ấy bảo cho đến giờ văn học vẫn toàn nói dối.
– 29/I họp mở rộng ở Hội đồng lý luận phê bình, tôi làm tường thuật rồi, nhưng không hiểu có chỗ mà đăng dài hay không. Ông Trường, ông Đệ, Phong Lê đều có tâm trạng, muốn tự biện bạch. Ông Đệ định mời các nhà văn Tế Hanh, Bùi Hiển đi minh họa thì họ lại nói cái họ ức với phê bình, H.X. Nhị lại tự thú cái ngây thơ tưởng trong CNXH không có tha hóa! Về chiều ông Mạnh choang thẳng cánh vào Đệ; Thiếu Mai, mình… cũng góp phần. Không khí cuộc họp chuyển theo chiều hướng không lợi cho Đệ. Đức thì khôn, lập lờ, nhưng về nhận thức thấy cũ kỹ thảm hại. Hay nhất là phút chót: Ông Khải tổng kết, đá nhẹ cho Đệ một cái: “Ta phải dân chủ – ai nói cũ cứ để nói. Tôi nói thật, khi thấy bài anh Đệ trên Văn nghệ Quân đội, tôi có cái ý nghĩ nó hơi khốn nạn: chết rồi, lão này mở miệng rồi”… Rồi lão Khải cảm ơn, nói kết thúc, lại quay sang với Hà Xuân Trường: Ấy chết, cái phần này là của anh Trường… Hà Xuân Trường chắp hai tay “Vâng, xin cảm ơn các anh, xin vái các anh!”. Tôi mà nói sai tôi chết! Nhớ lại buồn cười lắm kia! Cái hay là xoay được tình thế, vì bọn họ sắp xếp rồi cơ mà. Tôi nghiệm ra: nếu mình và ông Mạnh không độc lập phát biểu thì ông Khải cũng chùn chứ; đằng này, ta giành được chủ động thì ông ấy mới ngạo nghễ được.
– Cách đây vài hôm, Ban thư ký tiếp chính thức các vị Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán. Theo gặp gỡ trước, mỗi ông đều có một đơn xin trở lại Hội. 3 người viết giản dị, chỉ có Phùng Quán hơi huênh hoang: 30 năm nay tôi có 20 tác phẩm được công bố dưới nhiều tên khác. Nhưng vào cuộc thì nghe nói suôn sẻ. Ông Trần Dần bảo: chúng tôi ở chung trong cái nạn nước. Nghe đâu ông Nguyễn Đình Thi nói một câu “sái” thế này: Bây giờ trong đổi mới, phải là những anh em chịu oan ức mới có đóng góp tốt được… Khi nghe đến chuyện hỏi han sinh kế, cần gì Hội giúp, – thì cả 4 đều nói: Khỏi lo, lâu nay chúng tôi sống được. Lê Đạt thì phây phây, đẹp hơn cả ông Khải. Phùng Quán cộng nhuận bút bây giờ là có khoảng 3 triệu… Ông Dần thì hơi ốm yếu, nhưng vui ra… Các chuyện này diễn ra trong phòng họp mà rồi bay ra phố cả. Tôi chỉ trông thấy các vị ấy lúc đi ra cửa để về. Nhưng thảm nhất là tôi gặp cảnh sau đó: Trần Dần, Phùng Quán mời các vị ra quán café thì Tế Hanh và nhất là Hoàng Trung Thông lại là hai người duy nhất cùng đi. (ông Khải, ông Thi sau đó bận về ngay). Tôi ghé qua quán mua thuốc hút, H.T.T. định kéo tôi vào, nhưng tôi thấy tởm cái lão nát rượu ấy quá nên từ chối chứ mình có lạ ông Trần Dần đâu.
– Cuộc trao giải báo Văn nghệ Quân đội sáng nay nghe nói vui vẻ, cởi mở lắm. Cô Anh Thư nhà ta cũng được giải ba, đang đi học, có 15 ngày ăn Tết, cũng có duyên với văn chương đấy chứ.
Trong giới, trong trí thức có không khí phấn khởi tự tin hơn, mặc dù tình hình kinh tế xã hội chưa bao giờ nguy như bây giờ. Còn 1/2 tháng là Tết mà các cửa hàng lương thực không có gạo bán, chưa bán hết tháng 1/88. Gạo thị trường tăng đến chóng mặt, gần 600đ/kg! Trong một buổi truyền hình, một phóng viên nhân nói vấn đề gì đó có nhận xét: lúa gạo lên ngôi, nông dân lên ngôi, đem thóc mà mua radio, tivi… thì chỉ bằng 1/2 – 1/3 trước! Mức lạm phát chắc cao lắm. Lương vẫn không thay đổi, thế mà giá sinh hoạt đã tăng gấp đôi gấp ba so với 2 tháng trước. Có lẽ Tết này sẽ không có tết, vì hôm nay 18 tháng Chạp rồi mà các cửa hàng bách hóa chưa hề có bánh mứt kẹo gì bán tết. Phố xá chưa thấy các góc chợ hoa (mọi năm vẫn họp lâm thời). Suốt hơn 1 tuần qua Hà Nội mưa, phố xá ướt lạnh và buồn. Cơ quan năm nay khó khăn, lo tết cho anh em cũng có hạn thôi. Vả chăng, quan trọng là sau Tết sống thế nào, có sống nổi không. Kho tàng trống rỗng, ngân hàng trống rỗng, nghĩ cái số ông Nguyễn Văn Linh vất vả thật, bao nhiêu kẻ làm toang hoang cửa nhà đất nước rồi ra đi, để ông ấy phải chịu cho dân chửi. Nhưng thôi, họ là người cầm quyền.
– Không có gì quan trọng để kể thêm. Lúc sáng đang đọc thư ông, khi V.Đ.B. đến, nghe tôi nói cái chuyện người ta xếp hàng 500-600m trong tuyết lạnh vào viếng Высoцкий [Vladimir Vysotsky] [1] ông ấy hơi bực mình, bảo là dân Nga vẫn hay bị “tuyên truyền”! Tôi đành thôi.
Th.B.Tân đã đăng ký với cô S.Tú (sinh 1965) và báo hỉ cho mọi người kèm một chai rượu, 2 gói thuốc lá, 1 gói lạc, 1 gói chè, gọi là khao chung cho cơ quan. Trước đó, cậu Hòa kế toán lấy vợ, trước đó nữa con trai ông Mãi (làm ở trị sự chỗ ông Hợp) lấy vợ. Cơ quan được thêm 3 cô dâu.
– Tôi sợ không dám nghe những lời sau lưng eo óc, sợ vì sẽ bực mà không làm được gì. Ví dụ, vợ mình đến thăm P.L., thì về nhà tuôn ra một lô nhận xét về mình: anh ấy đi họp nhiều nhất cơ quan, nhiều hơn cả chánh phó giám đốc, ở đâu cũng đi, thích họp lắm… anh ấy không thích làm việc của tập thể cơ quan, chỉ làm chuyên môn thôi, nên chắc khi quần chúng nhận xét sẽ khó, v.v. Chao ôi, cái việc tôi là cộng tác viên chỗ này chỗ khác, được gọi đi họp Ban văn hóa văn nghệ trung ương, làm với báo “Văn nghệ”, – hóa ra cũng chẳng ai ưa đâu… Sau mình gắt vợ: Thôi, đừng nói nữa, mỗi kiểu người một cách sống, tôi đã sống như cách của tôi. Cô không thích thì thôi, đừng làm tôi nản nữa…
Thế đấy, vẫn sống giữa rất nhiều thứ khó chịu mà quen dần, lăn xả vào làm cái mình thích làm, và chờ đợi các thứ “bao cấp” còn lại mình chưa lĩnh: chỗ ở, tấm thẻ Đảng v.v. như một thứ ân huệ phải xun xoe thì mới xong… Nhưng tôi cũng biết lỳ. Thôi.
Tạm chúc các vị Trà, Sử, Nhàn khỏe, vui, có gì mới, có thể sẽ viết thêm…
ÂN
T.B. À, ông Nhàn cố giữ các thư từ này của bọn ta nhé. Tôi cũng giữ. Sau này có thể có ích. Thay cho ghi chép mà!
Chú thích
[1] Vladimir Semyonovich Vysotsky (1938-1980), ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, diễn viên người Do Thái-Nga, những năm 1970 trở thành thần tượng của giới trẻ Xô-viết; đám tang ông có hàng chục ngàn người tham dự.
Hà Nội, chủ nhật 27 Tết (14. II. 1988)
Nhàn thân mến,
Các bạn Trà, Sử thân mến,
Mình đoán chừng sớm nhất thì cũng chỉ có thể gửi thư cho Nhàn qua các vị đi học Линститут [Linstitut = Học viện viết văn Gorki] đợt 2 nên viết thêm thư này. Lại cũng có mặc cảm “bất lịch sự” vì chả gửi được quà gì cho các bạn cả, nên đành kể chuyện làm quà vậy.
Kể ra, cơ quan lo tết cho anh em không đến nỗi nào. Tôi vẫn chưa được chia nhà, lại trải cái tết thứ ba trong căn xép 8m2 và hy vọng! Vợ tôi thì đang nản, bi quan nữa, vì cô ấy đi chụp phổi bị rám, tiêm 20 lọ kháng sinh mà chưa chuyển biến gì, chắc sau tết phải đi bệnh viện. Con cái, đứa lớn học hành chểnh mảng, mỗi tháng tốn 3-4 ngàn đồng học thêm mà chưa biết có nên cơm cháo gì không. Việc riêng thì lấn bấn, nhưng việc văn nghệ lại hăng hái mới chết chứ.
Thư trước tôi kể ông nghe chuyện khôi phục hội tịch, thì báo “Văn nghệ” 20/2 (ra trước Tết) đã đưa tin và đăng thơ Lê Đạt (1 chùm chưa đến nỗi cổ lỗ, lại có vẻ một thứ Chế Lan Viên trong giọng tình ca); tạp chí “Tác phẩm Văn học” số 4 cũng đăng thơ Trần Dần… Cách đây 2 hôm, sinh hoạt câu lạc bộ của Hội, tôi thấy các ông Dần, Quán, Đạt có mặt cả.
Nghe nói cách đây vài hôm, có cuộc gặp một số tổng biên tập với ban bí thư Trung ương chuẩn bị cho một cuộc ông Nguyễn Văn Linh gặp các tổng biên tập. Ông Đỗ Mười chuyển lời Bộ Chính trị cảm ơn bài Đêm ấy là cái đêm gì trên “Văn nghệ” số đầu năm. Nói chung “Văn nghệ” đang tăng uy tín, thế là mừng, nhưng công việc tiến tới đại hội còn nhiều việc lắm. Có vẻ như cái việc “xóa bao cấp” bây giờ mới lan sang văn nghệ, thành ra rất nhiều người cầm chịch bây giờ phải nghĩ. Phía cơ quan nhà nước bây giờ, chắc nếu “mặc kệ” văn nghệ, cho ra vỉa hè, ngoài vòng bao cấp, v.v. thì cũng sẵn sàng, vì kho rỗng, bây giờ chỉ thích “giãn” người thôi mà. Nhưng chính các cơ quan văn nghệ thì có vẻ chờn: Tổ chức văn nghệ sao đây để nó không còn do nhà nước bao cấp mà vẫn tạo thành một hệ thống hoạt động xã hội? Chả lẽ lại rũ tung ra để tự phát hình thành lại từ đầu? Bây giờ đã xuất hiện những cái gì lấp ló như các thứ “mafia” rồi, ví dụ hai lực lượng xung đột trong nhà xuất bản Văn học, không còn là “đấu đá” nữa mà là và sẽ là tranh giành, cạnh tranh, và trước mắt thì chưa có lợi cho văn chương, vì cái hàng đầu là họ chạy theo tiền, theo best-seller. (Kể ra Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, v.v. đã được lợi một phần, cũng như báo chí phải ít nhiều “câu” bằng những cái tên mới được khôi phục).
Nhưng thôi, việc này quá tầm suy tính của chúng ta.
Khi nhận được thư Nhàn, mình cũng đã qua được cái cơn phẫn chí. Cầu cho những cái cơn ấy ít trở lại. Dẫu sao, mình không thấy có gì sai khi “lên cơn” như thế, tự trong đầu thôi chứ ít nói với ai. Mình biết sẽ phải hành động với những người cụ thể, vừa sạch vừa lấm, lại hơn hẳn mình về từng trải, về tài năng. Có điều mình phải… chà, chỉ có thể nói là “mình phải là mình” thì cũng hơi nhàm nhỉ? (Mình đang muốn vừa đồng cảm ít nhiều, vừa phê phán cái khẩu hiệu đang có mùi “thời trang” ấy, vì nó có vô số sắc thái, vô số ảo tưởng kèm theo). Ngẫm ra, những người như ông Khải, ông Ngọc không phải là xoàng, ngược lại là những bản lĩnh hiếm bây giờ. Và bây giờ, trước mặt là trời quang đất quang, họ lại chưa đạt đến đích, chưa thắng hoàn toàn (cái đại hội tới là sự phấp phỏng của biết bao nhiêu kẻ!) nên bảo họ là đã nản lòng nhụt chí thì chắc là chưa phải đâu. Tạm thời còn có thể “phối hợp hành động” – nói thế cho oai thôi chứ mình cũng chỉ có thể được làm “quân” thôi, (quân chứ không phải quân sư). Họ dùng hay “thí” mình thì cũng là có lý của họ, ngay từ giờ đã phải đề phòng.
Nhàn đang viết gì, định viết gì cho 88? Nghĩ lại bài về Thời xa vắng, mình cho cái ý rất thích, có thể phát triển thành một bài dài về một phương diện “phiêu lưu tư tưởng” của văn nghệ gần đây, mà cũng là phiêu lưu của tâm lý xã hội nữa. Trước kia, cứ hành động theo sự xếp đặt của bên ngoài, của “trên” là phương án an tâm, an toàn. Nay, thấy nó đã đổ vỡ, vô nghĩa lý thì bèn quay về với tâm-niệm-khẩu-hiệu: “Hãy là mình”. Nhưng vấn đề là có thể “là mình” được không? Muốn “là mình” được thì điều kiện phải thế nào, v.v. và v.v. Thời xa vắng không chỉ là minh chứng về xu hướng muốn trở lại “là mình” (cái này quá rõ) mà còn vô tình lộ ra rằng “là mình” quá khó, ít nhất vì ở mình chưa đủ cái để có thể đứng độc lập, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm v.v. Về phương diện này, tư tưởng văn học đang đứng trước một bế tắc, không tìm ra câu trả lời.
Hoặc một phương diện khác, mình cảm thấy tư tưởng văn nghệ đang bế tắc trước những câu hỏi: lỗi do đâu? khi nó engager [can dự, dấn thân] vào những vấn đề xã hội. Khá nhiều sáng tác gần đây theo lối mà ông Nguyễn Minh Châu vạch ra: lỗi là ở người, ở phẩm chất người. Người xấu thì đem lại bất hạnh, tai họa, người tốt thì đem lại điều may, duy trì được công lý. Xem ra lời đáp cũng duy tâm và trừu tượng nhỉ! Có đúng không? Đúng một phần. Ho нe только тaк! нe только oт этoго! [No ne tolko tak, ne tolko ot etogo = Nhưng không chỉ như thế, không chỉ bởi cái đó]. Toàn bộ sáng tác ông Châu sau 75 là đối chứng quan niệm trước và nay, là lập luận về nhân bản, phê phán về nhân bản. Ông ấy tự miễn bàn đến cái gọi là “cơ chế”, tức là quan hệ thế nào đó của con người trong hoạt động xã hội, tức là phương diện xã hội của vấn đề lỗi do đâu? Ông Khải thì còn chàng màng, lập lờ hơn. Toàn bộ sáng tác sau 75 của ông ta là nghĩ về thời (nhưng lỗi là ở thời chăng, thì ông ta không dám đặt một sự khẳng định, tức là kém xác tín hơn ông Châu nhiều lắm). Khi hăng lên thì ông ta như muốn dằn mạnh tay xuống bàn: thời khác rồi, phải bỏ “đạo” theo đời, theo “dân”! (Cha và con và…). Khi u hoài và ngờ vực thì ông ta ném ra một cái mớ xáo trộn “ta – địch” (chữ cũ!) để cười xí xóa tuy ra vẻ kẻ cả: ôi, cái lũ không biết thời (Gặp gỡ cuối năm). Khi cảm thấy có lúc lỡ lời, lỡ ngạo nghễ kẻ cả, ông ta bèn “chuộc tội” bằng trầm tư suy tôn một quá khứ đẹp đẽ (Thời gian của người). Nghĩ lại, không biết ở Thời gian của người ông ta nói thật hay nói dối, mà có lẽ là cùng lúc có cả hai!
Cạnh cái hướng rõ rệt của ông Châu, cũng có anh nghĩ về phương diện cơ chế xã hội, nhưng Cù lao Tràm là tiêu biểu thì hóa ra phần ngoại đề mới có nghĩ như thế, còn cốt truyện thì nó là sơ đồ Bão biển thôi. Các phóng sự gần đây tuy có nêu “cơ chế” nhưng rất hay sa vào tố kẻ xấu, làm như họ tốt là xong hết công việc. Hầu như chưa hình thành cái luồng nghĩ khác, diễn tả khác, ví dụ toàn những người tốt mà vô bổ, bê trễ, hỏng việc…
Ôi, tôi đã “nháp” ý nghĩ của mình ra đây, chẳng đúng chỗ cho lắm. Nhưng ông nghĩ, cùng nghĩ xem, và viết theo hướng những vấn đề ấy đi, Nhàn ạ.
Kỳ này, cả Lê Minh Khuê lẫn Ý Nhi đều sang học, [1] ông có thể hỏi để biết hoạt động của Nhà xuất bản; tôi khỏi phải thông tin nội bộ. Gần đây, tôi dịch hộ ông Nam cái thư của Ibrahimov (hình như ông này sẽ sang Việt Nam sắp tới!) về danh mục đề nghị dịch hợp tác, thấy họ có vẻ “tân tiến” hơn (hay là ông Nhàn gợi ý?). Buồn một nỗi cậu V.Đ.B. lại căn cứ vào gu “thông thường” của cậu ấy hơn là cái hàm ý văn học (ví dụ những cái của Bulgakov, bộ ba viễn tưởng, hoặc Mây vàng đậu lại… cậu ấy chê, cũng như chê Koтлован [Kotlovan = Hố móng] của Платoнов [Platonov], [2] nói đúng hơn là bảo nặng nề, khó đọc…) mà cậu ấy vừa có quyết định thay Tân làm phó phòng (Tân xin thôi để làm biên tập viên bình thường trong tổ) nên tôi chưa biết ông Nam, ông Kiên sẽ nói sao. Nếu có thể, ông nên viết thư cho các anh ấy để bảo vệ cái cách chọn của họ. Tôi không rõ ông có thể thuyết phục họ in Bakhtin hay không, chứ đề cương thì tôi ký với Phạm Vĩnh Cư rồi, Cư định dịp đi Liên Xô này sẽ làm đây, ông nên thúc giục thêm khi gặp Cư.
Thôi, tạm dừng nhé. Chúc ông khỏe. Tôi không có lời riêng với Sử và Trà, xin cứ đọc thư này, xem là thư chung. Nếu Trà đã bảo vệ xong thì xin chúc mừng, chia vui. Về Sài Gòn nhớ thư từ cho mình ngay.
ÂN
Chú thích
[1] Đây là nói đợt thứ hai các nhà văn trẻ VN được Hội Nhà Văn cử sang học lớp ngắn hạn tại Trường viết văn M. Gorki ở Moskva (Linstitut, – như nói trong thư).
[2] Mấy tác giả tác phẩm Xô-viết được nhắc đến: Mikhail Afanasyevich Bulgakov (1891-1940), tác giả nhiều tiểu thuyết và kịch, nổi bật là “Nghệ nhân và Margarita”, những năm 1930-60 không được công bố tác phẩm tại LX; “Mây vàng đậu lại…” (1987) truyện vừa của Anatoly Pristavkin (1931-2008), kể về trại lưu đày dân Chechnya năm 1944, tác phẩm được trao giải Quốc gia LX 1988, được dịch ra trên 30 thứ tiếng; Kotlovan (Hố móng, viết 1930, đăng 1969 tại Anh, 1987 tại Liên Xô), truyện ngụ ngôn châm biếm, tác giả là Andrey Platonov (1899-1951), nhà văn Nga Xô-viết từng bị tù đày vì tác phẩm bị coi là vu khống chế độ, bị cấm in tác phẩm, cuối đời phải làm lao công tại trường viết văn Gorki và chết vì lao phổi.