Lại Nguyên Ân
Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771
Hà Nội, 9. III. 1988
Ông Nhàn thân mến,
Vũ Đình Bình đi, vội gửi sách và thư cho ông.
Tình hình thì có nhiều chuyện, và không thuận chiều hoàn toàn. Sách in đang bị thả nổi theo giấy. Chúng ta có cơ thất nghiệp hoàn toàn. Hiện giờ giá bán sách cho phép là 1,2 đ. – 1,9 đ./1 trang 13 x 19 cm. Ta mới thử 1,1 đ. mà đã khó bán sách lắm. Nghe nói giá giấy sẽ lên tới 1,5 triệu/tấn, giá bán sẽ tới 3đ/trang tức là một cuốn 300 trang sẽ bán 900 đ!
Như thế, sách dịch sẽ đi đầu, còn lại, trừ mấy vị tiền chiến, còn tất thảy đều ngắc ngoải. Sách phê bình ta coi như tiêu ma. Sáng nay ông Nguyễn Kiên bảo tôi: có lẽ phải nghĩ sao để sách phê bình bán chạy! Ít nhất là bán được cho khu vực nhà trường. Tình hình hết sức bi đát. Bây giờ chỉ còn có thể nghĩ đến sống được, không nghĩ đến làm sáng giá cái gì. Có lẽ những cái của chúng ta in được là cuối cùng rồi chăng?
Tờ báo chắc cũng sẽ bị chi phối. Vài tháng nữa không khéo tờ “Văn nghệ” đến vài trăm đồng. Có vẻ như người ta nâng giá giấy để cắt cổ báo chí?
Dẫu vậy, bọn tôi vẫn đang hăng hái lắm. Ông đọc thì biết đấy.
Bài ông, bà Thiếu Mai đã đọc sơ sơ, bảo có thể dùng.
Mai Liên có nói một số chuyện về ông và Trà.
Mình được đọc thư Trà, thư làm mình hối hận đã nói tuột ra tất cả các nhận xét. Dẫu sao, chắc Trà hiểu mình.
Thôi, khi khác tôi viết kỹ hơn.
Bài vở nếu xong, gửi theo Bình và Anh Trúc. Cố mà đăng trước khi phải nhắm mắt bỏ tờ báo vì giấy đắt quá mà! Sách thì đã là chuyện sang trọng quá rồi. Không biết bọn tôi sẽ làm nghề gì đây khi mà ở trong nước không còn nghề làm sách nữa!
Thân mến
ÂN
T.B. – Gửi ông hai cuốn sách có một số chỗ in sai đã sửa, có thể ông còn hai cuốn nữa. Sẽ đưa Yến.
Nếu Trần Đình Sử gặp ngay thì đưa Sử một cuốn. Mấy hôm nữa mình sẽ lấy đủ sách đưa cho vợ Sử gửi cho Sử. [1]
Chú thích
[1] Đây là nói bản in cuốn “Một thời đại văn học mới” (của 5 tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo), Nxb. Văn học đưa in lần đầu tại Tp. HCM., lúc này đã có sách in gửi ra Hà Nội cho các tác giả.
Hà Nội, 14. III. 1988
Nhàn thân mến,
Tôi viết thư cho ông trong một tâm trạng buồn rầu. Có một tin sét đánh đối với bọn người có máu “liên tài” như chúng ta: Ông Nguyễn Minh Châu mà càng gần đây ta càng quý các trang viết ấy, ông ấy bị ung thư máu rồi. Không chắc còn có hy vọng gì.
Hôm sát Tết, thấy tivi đưa tin Văn nghệ quân đội trao thưởng truyện ngắn rồi phỏng vấn ông Châu, nhìn hình ông ấy trên màn ảnh thấy giật mình vì thấy thất thần, đầy tà khí trên nét mặt. Sau Tết, có hôm tôi thoáng gặp ông ấy, nhưng cả hai anh em đều mỗi người bận một việc. Mấy hôm sau bận bịu làm báo nên chẳng lai vãng gì. Bỗng nghe tin ông ấy ốm nặng, hỏi ra thì, ôi thôi… Hóa ra ông ấy nằm ốm ở nhà, sốt cao nhưng cứ tự bảo viêm họng gì đó. Bà Doanh thấy khác khác, cứ buộc ông ấy vào 108. [1] Nghe bảo cô y tá lấy máu thử vừa quệt bông lên tấm kính nhỏ để soi đã quay nhìn ông ấy sững người. Rồi thì hình như có một bác sĩ nào đó hốt hoảng gọi: Ông nào là ông Châu nhỉ, ông phải vào nằm viện ngay. Đến nỗi ông Châu phải nghi ngay: Sao cơ, tôi bị ung thư máu à?… Bà Doanh bảo: liếc vào tờ xét nghiệm, tôi rụng rời, nhưng cố nén, tôi nhẩm thuộc cả tờ giấy ấy, khi trở về, tìm mấy người bạn thạo chuyên môn để hỏi, cũng phải bịa là một người quen bị như thế, không dám nói chồng mình, ̶ thì được biết: đấy là dạng ung thư máu ở mức cấp tính giai đoạn cuối!
Tây y thì bất lực rồi, vì thay máu liên tục cũng vẫn bị phá hồng cầu. Chỉ còn Đông y. May sao báo “Nhân dân chủ nhật” đăng bài Đỗ Tất Lợi giới thiệu một ông sư ở Đồng Nai giỏi chữa ung thư. Đang định vào tận trong ấy hỏi thì lại nghe nói ông cụ ra bắc họp Hội chữ thập đỏ. Rồi thì ông cụ lại có người quen ở trạm 354, [2] thế là bà Doanh tìm mời được. Ông cụ nhận chữa, mời hai vợ chồng ông Châu vào bệnh viện của ông cụ ở Đồng Nai, sẽ nhường phòng ở, sẽ không lấy tiền thuốc, chỉ cần tự túc ăn…, và nói sẽ chữa khỏi, vài ba tháng sau sẽ khỏi, sẽ quay trở lại, viết được. Nhà chùa họ cũng trọng nhà văn lắm, ông ạ.
Tóm lại, sáng mai 15/4, ông Châu sẽ bước vào cuộc phiêu lưu đi tìm cái sống. Không biết rồi sẽ ra sao.
Tôi cảm nhận sự việc này như một sự phi lý cực độ. Như một sự mất mát mà 99% là khó tránh. Có ai đó an ủi, bảo rằng “người hiền chết sớm, người ngoan chóng già”. Ở một nền văn học, mọc ra và trở thành được như ông Châu đâu phải dễ. Vậy mà…
Tôi nghĩ lại sẽ lâu lắm ta mới có một tài năng cỡ ấy, dù với thế giới cũng là vừa phải lắm thôi. Ông Ng. Khải thì lại rẽ hướng khác.
Nguyễn Quân có một ý kiến lạ: cứ nên cho ông ấy biết. Ông là nhà văn thông minh tài giỏi, giấu ông chẳng được đâu, thôi thì để ông biết và xem ông đối mặt với cái chết ra sao, cũng là một thử thách với bản lĩnh, nhân cách.
Mấy hôm đầu nghe nói bà Doanh giấu ông ấy, về nhà thì nằm khóc, vào viện thì tươi cười và ăn mặc tươm tất cho ông ấy vui. Nhưng anh em vào đông quá, rồi ông ấy cũng biết rõ tất cả. Bà Doanh dỗ ông ấy được, ông ấy tin ông thầy chùa và đồng ý đi Đồng Nai… Tôi vào thăm ông ấy lúc đang truyền máu, phải uống thuốc ngủ để truyền, vậy mà ông ấy cũng ngóc dậy hỏi hai câu: “Này, báo Văn nghệ có ai đi Đà Nẵng dự liên hoan phim không đấy? Nghe nói thằng Khải đang thanh minh cái câu tôn giáo ở “bàn tròn” à, sao nó hèn thế?” Chiều nay, tôi vào với Nguyên Ngọc, ông ấy cũng đùa: Anh hùng đến lúc sa cơ đây! Bà Thiếu Mai chạy vào viện nhiều hơn, lúc thì nói chuyện với bà Doanh, lúc thì với ông Châu. Nghe có vẻ ông ấy rất muốn nói các chuyện cũ, vụ báo “Văn nghệ” theo lệnh ông Hà Xuân Trường tấn công (tức là thảo luận) truyện ông ấy, vụ Đại hội nhà văn khóa trước…
Bà Doanh bảo: anh Châu suy sụp đi rõ nhất là vào cái hồi thảo luận truyện của ông ấy trên “Văn nghệ”. Không ai bảo ông H.X.Trường gây ung thư cho ông Châu, nhưng quả là cái đòn ấy “cân não” thật. Bọn chính trị cứ việc thao túng, gây ức chế rồi lại “phủi tay” ra điều nhân đức. Trong khi anh nghệ sĩ như cá trong rọ, sầy vi tróc vảy cũng không thoát. Mỗi ai bước vào đời viết văn có bao giờ nghĩ rằng cái đôi vai học trò kia có lúc lại phải chịu đựng ách nặng hữu hình vô hình mà ngay anh thợ cày khỏe nhất cũng không bao giờ chịu nhiều đến thế.
Nếu ông Nguyễn Minh Châu đang có thể đi vào cõi vô cùng thì ông Nguyễn Khải đang đi vào các trò nhảm nhí của giới chức sắc. Sau khi báo “Văn nghệ” đăng lời “nói lại, nói thêm” của ông ấy, tôi có viết cho ông ấy một cái thư, lên án ông ấy vì cái trò chối lời đã nói bằng cách đổ tội ghi sai cho người ghi. Tôi hỏi thẳng: ông hèn thế, thiếu trung thực thế, chả hơn lớp “cầm quyền” đàn anh trong giới chút nào, uổng công hy vọng vào các anh!
Có hai người cầm bút đáng kể thì đang ở hai tình thế chả đáng mong chút nào. Mà chả lẽ lại quay lại rước những Tô Hoài, Chế Lan Viên lên kiệu trị vì trong Hội?
Hay là thế này: các bậc thầy già, đàn anh cứ phải tàn đi để chúng ta dám bước ra? Nhưng “chúng ta” là ai? Là N.K.Đ. hay B.V.? Toàn những kẻ nghĩ cho mình, về mình trước khi nghĩ về lợi ích văn nghệ, lợi ích thế hệ.
Hôm M.L. ghé qua Hà Nội, cứ tìm bằng được tôi đến chơi để nói chuyện. Tưởng bàn chuyện, hóa ra 99% thì giờ là hắn nói, như cái máy phát không thể dừng lại được. Đấy, một thằng thông minh, biết nhiều hiểu rộng như thế, vậy mà hầu như mất tác dụng rồi. Chính M.L. “hô” nhân cách nhiều nhất khi chê cả một lô những Th. Thảo, Ng. Duy, Ng. Thảo, nhưng nếu gặp bọn kia, cũng sẽ thấy chúng nó chê M.L. chủ yếu ở личность [lichnost’ = nhân cách]. Kỳ lạ thế. Nhưng mà vô chính phủ như vậy thì chả làm gì được. Chê tất tật, rồi quay ra khen một vài cái dở hơi, tôn C.L.V. như bậc đại tài chỉ vì Лит. Энциклопедия [Lit. Entsiklopedija = Bách khoa văn học] của Nga xếp Ch. vào mà M.L. coi là thế giới đã thừa nhận! Lạ thế chứ, lại còn cái mặc cảm địa phương không biết có từ lúc nào, – vừa vào Sài Gòn mươi năm mà đã bảo: Các ông Bắc Hà thì ghê rồi, nhưng cũng phải nhớ là ở Sài Gòn có vài thằng biết đọc biết nghĩ chứ! Cũng lạ ông ạ.
Nhưng thôi, tôi phải chấm hết thư đây, chỉ nhắm thêm:
– Bài của ông “Văn nghệ” có lẽ sẽ dùng. Ông nên gửi tiếp bài sau.
– Sách tôi mới lấy được cho mỗi ông một cuốn. Gửi theo V.Đ.Bình hai cuốn cho Nhàn và Sử. Khi nào lấy được thêm (20 cuốn bản quyền, mỗi người được 4)[3] sẽ đưa Yến. Ông có cần tặng hoặc biếu ai, cần lấy thêm, cứ nhắn tin về, bọn tôi sẽ lo. Nhuận bút thì chưa có.
– Cuốn ở Tác Phẩm Mới “Sự thật đời sống – sức mạnh của văn học” về Đại hội 8 Hội Nhà văn Liên Xô đã ra. Ông báo cho đám Nga thân Việt Nam biết.
– Nếu đọc thư tôi gửi qua Bình ông thấy thời điểm ấy là khủng hoảng. Bây giờ chưa hết, nhưng chắc không đến nỗi… giải nghệ cả lũ ta. Dẫu sao, ở ta mọi thứ đều có thể xảy ra, như ông hay nói ấy mà.
– Chắc Trà bảo vệ thành công rồi? Cho mình gửi lời chúc mừng nhé. Nhớ đầu sách định làm với Tác Phẩm Mới, có thể sẽ là do chính Nhàn biên tập chứ chả phải ai khác đâu! Đừng mặc cảm gì cả, bạn ạ.
Thôi, tạm biệt, chúc mọi sự như ý.
ÂN
Chú thích
[1] 108: Ý nói Bệnh viện trung ương Quân đội 108 ở góc đường Trần Hưng Đạo – Trần Khánh Dư, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội.
[2] “Trạm 354” tức là khu tập thể quân đội 354, nằm giữa các phố Ông Ích Khiêm, Sơn Tây, Lê Hồng Phong, chợ Ngọc Hà, Hà Nội.
[3] Chỗ này vẫn nói về sách “Một thời đại văn học mới” (của 5 tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo), Nxb. Văn học đưa in lần đầu tại Tp. HCM., lúc này đã có sách in gửi ra Hà Nội cho các tác giả.