Trump và “Brave New World”

Andrew Postman

Hiếu Tân dịch

Cha tôi đã tiên đoán Trump vào năm 1985 – ông cảnh báo: đây không phải Orwell, đây là “Brave New World” (Thế giới Mới Tươi đẹp)

Sự nổi lên của Donald Trump đã chứng tỏ lập luận của Neil Postman trong “Vui chơi đến chết” là đúng. Đây là những gì chúng ta có thế làm.

clip_image002

Chúng ta đang chú mục vào 1984. Nhưng chính là nên sợ Brave New World.

Photograph: Flickr/Urban Integration

Suốt cả năm ngoái, khi cuộc bầu cử tổng thống càng lúc càng trở nên quái đản, và đưa chúng ta đến những nơi chúng ta chưa bao giờ đến, tôi thấy một mẩu trên truyền thông nhắc đến Vui chơi đến chết, một cuốn sách do cha tôi, Neil Postman, viết đoán trước từ năm 1985, rất nhiều ý trong đó trở thành đề tài bàn luận của chúng ta ngày nay.

Trên Forbes một cộng tác viên viết rằng cuốn sách “có thể giúp giải thích điều ở nơi khác không thể giải thích.” CNN nhận xét rằng cú sốc Trump “ngược về trước chắc chẳng khiến Postman ngạc nhiên.” Trên trang ChristianPost.com, Richard D Land nghĩ về việc đọc cuốn sách cách nay ba thập niên và “cảm thấy điếng người về cái nhìn thấu đáo tiên tri của Postman vào những gì lúc đó còn là tương lai của nước Mỹ, và nay thường xuyên là một miêu tả đau đớn về hiện tại của Mỹ.” Tháng trước, một cái tít trên tờ Paste Magazine hỏi: “Phải chăng Postman đã tiên đoán được Sự Nổi lên của Trump và Tin tức Giả mạo?”

Các đồng nghiệp và học trò cũ của cha tôi, (ông đã dạy ở Đại học New York hơn 40 năm và đã mất năm 2003), lâu lâu vẫn viết email và nhắn tin qua Facbook cho tôi, sau những lần diễn trò mới nhất của Trump, tự hỏi “Liệu Neil nghĩ thế nào nhỉ?” hay rầu rĩ nhận xét “cha anh đã bóc mẽ nó.”

Luận điểm trung tâm của Vui chơi đến chết khá đơn giản: có hai cái mốc không tưởng-đen được viết bởi những nhà phê bình văn hóa lỗi lạc của Anh Thế gới Mới Tươi đẹp của Aldous Huxley và Một Chín Tám Tư của George Orwell – và người Mỹ chúng ta đã lầm khi sợ hãi và ám ảnh bởi cảnh tượng được mô tả trong quyển sau (nhà nước kiểm duyệt thông tin, hạn chế chuyển động, tiêu hao sinh lực cá nhân) hơn là quyển trước (công nghệ xoa dịu, tiêu dùng ngốn ngấu, huyễn hoặc hài lòng thường trực).

Tập trung chú ý nhầm chỗ vào Orwell là có thể hiểu được: vì nhiều thập kỉ chiến tranh lạnh đã làm cho chủ nghĩa cộng sản – hiện thân bằng Anh Lớn (Big Brother) trong Một Chín Tám Tư – thành mối đe dọa sống còn chủ yếu đối với Mỹ và với giá trị cao đẹp nhất của người Mỹ: tự do. và để kết thúc, cái năm thực đến rất nhanh khi cha tôi đang viết quyển sách của ông, bởi vậy chúng ta có hình ảnh mạnh của Orwell trong óc.

Đùng một cái, trong vòng nửa thập niên, Bức tường Berlin bị hạ. Hai năm sau Liên Xô sụp đổ. “Chúng ta cứ dán mắt vào năm 1984” cha tôi viết. “Khi năm ấy đến, lời tiên tri không ứng nghiệm, những người Mỹ say sưa ca hát ca ngợi chính mình. Những mái nhà dân chủ tự do vẫn vững. Khủng khiếp có thể diễn ra ớ đâu đó, chúng ta, ít nhất, vẫn chưa bị những cơn ác mộng Orwell ghé thăm.”

Không may, vẫn còn một cảnh tượng mà người Mỹ chúng ta phải phòng vệ, cảnh tượng mà ngay thời đó, những năm 1980 Tổng thống là một cựu diễn viên và một tay truyền thông hào nhoáng. Diễn ngôn chính trị của chúng ta (nếu bạn thích gọi thế) hết ngày này sang ngày khác rút lại thành những câu cụt lủn (soundbite[1]) (“than vãn ở đâu?” và “tôi phải trả tiền cho chiếc microphone này” thành hai thời điểm gotcha, có vẻ như chứng nhận cho sự ghê gớm của người nói.)

Đất nước ngày càng nhận nhiều thông tin “nghiêm chỉnh” không phải từ báo chí là nơi cần một mức độ thận trọng và cam kết tích cực, mà từ truyền hình. Người Mỹ xem truyền hình trung bình 20 giờ mỗi tuần. (Cha tôi nhận xét rằng tờ USA Today, khai trương 1982, có nhiều hình ảnh màu sắc nổi bật, có danh mục lướt nhanh và biểu đồ, và những câu chuyện ngắn hơn nhiều, thật sự là một tờ báo ăn theo nội dung hình thức những tin tức bài vở trên tivi)

Nhưng quan trọng không phải là việc xem tivi nhiều gây ra rắc rối. Chính khán giả là người đang bị điều kiện hóa để lấy thông tin nhanh hơn, theo cách ít bản sắc hơn, và tất nhiên, dựa trên hình ảnh. Như cha tôi đã chỉ ra, một câu văn được viết ra có một mức độ đáng tin cậy của nó, đúng hay không đúng – hay, ít nhất, chúng ta có thể thảo luận một cách có ý nghĩa về sự đúng đắn của nó. (Đó là tiền-sự thực “pre- truthiness”, tiền-nguỵ tạo -“alternative facts”.)

Còn hình ảnh? Người ta không bao giờ nói một bức hình là thật hay giả. Nó chỉ gây chú ý hay không. Chúng ta càng xem nhiều tivi – ngón tay chúng ta đặt trên remote, chúng ta càng đòi hỏi nhiều – rằng không chỉ những chương trình mua vui tiêu khiển cho chúng ta mà cả tin tức và những vấn đề khác. Tiêu hóa được. Hình ảnh hấp dẫn. Khiêu khích. Tóm lại, thích thú. Lúc nào cũng vậy. Xin lỗi, Kênh Truyền hình Cáp –Vệ tinh.

Cảnh tượng này theo đúng tinh thần tác phẩm không tưởng-đen của Huxley đã tiên báo từ năm 1931, mà cha tôi tin rằng lẽ ra chúng ta đã phải cảnh giác với nó. Ông viết:

“Điều mà Orwell sợ là những người cấm sách. Điều mà Huxley sợ là sẽ không còn lí do gì để cấm một quyển sách, vì sẽ không còn ai muốn đọc một quyển sách. Orwell sợ những người tước đoạt thông tin khỏi chúng ta. Huxley sợ những người cho chúng ta quá nhiều đến mức chúng ta tụt xuống thành thụ động và ích kỉ. Orwell sợ là sự thật sẽ bị che giấu khỏi chúng ta. Huxley sợ là sự thật sẽ bị dìm chết dưới một biển thờ ơ. Orwell sợ chúng ta sẽ trở thành một văn hóa tù hãm. Huxley sợ chúng ta sẽ trở thành một văn hóa tầm thường vô giá trị.”

1984 – năm, chứ không phải tiểu thuyết – trông rõ ràng có vẻ cổ quái. Một phần ba thế kỉ sau, chúng ta mang theo mình những màn hình dùng cho cá nhân, mọi lúc, và thay vì bảy kênh truyền hình cộng với một kiến thức lõm bõm về cáp, chúng ta thật sự có vô số lựa chọn.

Ngày nay, thời gian trung bình trước màn hình của một người lớn ở Mỹ là 74 giờ, (và vẫn còn tăng nữa). Chúng ta xem bất cứ khi nào ta muốn, không phải khi có người bảo ta, và thường xem một minh, và thường trong khi làm nhiều việc khác. Soundbite đã được thay bằng nhiều thứ khác: virality, meme, hot take, tweet. Liệu có thể tìm hiểu đến nơi đến chốn một vấn đề của đất nước một cách mạch lạc, có ý nghĩa trong một môi trường vụn mảnh, khó chú ý theo dõi như thế này không?

Được rồi, thời gian thay đổi tất cả. Công nghệ và cải tiến không đợi ai. Đạt được bằng chương trình. Nhưng một cư dân bất kì có thể tham gia như thế nào khi mà nó chỉ đòi hỏi chúng ta like hay không like một post nào đó, hoặc “kí tên” một bản thỉnh nguyện trên mạng? Người ta có thể hiểu chúng ta nghiêm túc đến đâu, hay chúng ta tự hiểu mình thế nào – khi cái quyết định thời lượng được phát sóng (airtime), cho một diễn văn vận động tranh cử chẳng hạn, và số lần/người xem, chia sẻ và thích không phải là nội dung của bài nói, mà là cách thể hiện: giọng khàn, cử chỉ có thể rất bạo lực, hay dùng những kiểu cách như trẻ con để người ta chú ý, hoặc dùng biểu hiện trên nét mặt?

Cuốn sách của cha tôi cảnh báo những gì sẽ đến, nhưng nhiều người khác đã thấy và sợ các khía cạnh của nó (xin nêu vài cái tên: Norbert Wiener, Sinclair Lewis, Marshall McLuhan, Jacques Ellul, David Foster Wallace, Sherry Turkle, Douglas Rushkoff, Naomi Klein, Edward Snowden).

Ngôn từ công cộng của chúng ta đã rơi vào tầm thường hóa đến mức sửng sốt, chúng ta vẫn dùng những từ “tranh cãi” để tả các ứng viên tổng thống của chúng ta trên sân khấu khi họ đối mặt nhau. Thật không? Ai có thể bị sốc bởi sự nổi lên của một ngôi sao truyền hình thực tế, một người đã to mồm tuyên bố khích động, nhiều tuyên bố dối trá ngoạn mục nhưng gần như tất cả chúng được làm ra cho những gì thường được gọi là “truyền hình hay”?

Ai có thể kinh hoảng khi ngôi sao cuả lĩnh vực nói trước công chúng lại tỏ ra không có kinh nghiệm, không thận trọng chỉn chu và xã giao, mà chỉ có khả năng chọc cười – dù cách chọc cười làm người ta phẫn nộ, tức phát điên lên?

Như vậy, vâng, cha tôi đã bóc mẽ. Liệu ông cũng có tiên đoán rằng nhà lãnh đạo này chọn đến một thời như thế này, khi cuối cùng chúng ta đã trở nên ham mê những công nghệ và những trò giải trí của chúng ta, mới hầu như chắc chắn có những khuynh hướng phát xít không? Tôi tin ông cũng gọi như thế.

Trong tất cả những cách (và có nhiều cách) có thể định nghĩa phát xít, có một nét cơ bản là nó không trung thành với tư tưởng về bất cứ quyền nào ngoài quyền của nó, tóm lại, nó là ý hệ tự yêu mình. Nó tạo ra huyền thoại về sự vĩnh viễn không thể bác bỏ (rất giống cái cách một hình ảnh là “thật” không thể bàn cãi), vì bản chất độc tài toàn trị không bị kiềm chế của nó.

“Truyền hình là phương tiện truyền thông tốc độ ánh sáng, loại truyền thông tập trung ở hiện tại,” cha tôi viết. “Ngữ pháp của nó, nếu có thể nói thế, không cho phép truy nhập vào quá khứ…lịch sử không thể có vai trò quan trọng nào trong chính trị hình ảnh. Vì lịch sử chỉ có giá trị cho người hiểu một cách nghiêm túc khái niệm rằng có những mẫu hình trong quá khứ có thể cung cấp cho hiện tại những truyền thống được ấp ủ nuôi dưỡng”

Cuối đoạn này, cha tôi có nhắc đến nhận xét của Czesław Miłosz, người đoạt giải Nobel văn học, trong diễn từ nhận giải năm 1980 có nói rằng thời đại này đáng chú ý vì “sự khước từ ghi nhớ”, cha tôi nhận xét Miłosz đã nhắc đến “sự kiện gây choáng váng là bây giờ có hơn một trăm cuốn sách in phủ nhận rằng cuộc thảm sát diệt chủng Holocaust đã xảy ra.”

Một lần nữa: cổ quái như thế nào.

Trong khi những tin tức ngụy tạo đã có với chúng ta từ khi có những chương trình nghị sự, và từ cả hai phía, hiện nay, nhờ có Breitbart News, Infowars và sự bất tử của những huyền thoại như ‘người ta hỏi nguồn gốc của tổng thống Obama’, chúng ta đang chứng kiến một loại chưng cất, tinh chỉnh.

“Một thế giới kiểu Orwell thì dễ nhận ra, và dễ kháng cự hơn một thế giới kiểu Huxley,” cha tôi viết. Mọi thứ trong nền tảng của chúng ta đã chuẩn bị để chúng ta biết và chống lại một nhà tù khi những cánh cổng khép lại xung quanh chúng ta… nhưng ai được chuẩn bị để vũ trang chống lại cả một biển vui chơi thích thú?”

Ước gì tôi có thể kể với bạn rằng, đối với tất cả những gì cha tôi thấy trước, cha tôi cũng đã đưa ra một giải pháp. Nhưng không. Ông thấy công việc của ông là nhận dạng một vấn đề nghiêm trọng, ít được nói đến; rồi hỏi một loạt câu hỏi quan trọng về vấn đề đó. Ông biết sẽ rất khó tìm ra câu trả lời dễ dàng cho những tai hại mà “technopoly” – công nghệ chính trị đã gây ra. Nó là một vấn đề hệ thống, nó thấm vào tâm lí của chúng ta cũng như vào văn hóa của chúng ta.

Nhưng chúng ta cần nhiều hơn là chỉ hi vọng suông. Chúng ta cần một chiến lược, hay ít nhất là một số sách lược.

Trước hết: xử lí những luận điệu sai trái như một cơ hội. Tìm thông tin càng gần nguồn càng tốt. Internet là một cơ hội tuyệt vời cho các công dân săn tin – nó có một nguồn tài liệu gốc vô cùng phong phú, có những chứng nhân đáng tin cậy v.v.– mặc dù nó cũng bị thao túng làm người ta hoag mang.

Thứ hai: Đừng chờ mong “truyền thông” làm việc đó cho bạn. Tất nhiên có vài người chuyên nghiệp đã làm việc một cách xuất sắc. Nhưng hầu hết truyền thông tồn tại để bán cho bạn một cái gì đó. Nó chỉ trung thành với khuếch trương lưu thông, buôn bán trên mạng, thu nhập từ quảng cáo. Đừng ghen tỵ với nó. Nhưng cũng đừng băn khoăn tại sao Câu chuyện X thì được mà Câu chuyện Y thì không.

Thứ ba: cho các nhà báo. Jay Rosen, một sinh viên cũ của cha tôi và là tiếng nói chủ đạo trong phong trào “báo chí công” đưa ra nhiều đề nghị hữu ích, thực tế.

Cuối cùng và quan trọng nhất, nhà trường phải có trách nhiệm làm cho học sinh nhận thức được về những môi trường thông tin của chúng ta, nhiều lúc đã trở thành môi trường tiêu khiển, nhưng có ít bằng chứng về các trường học đã được trang bị hoặc quan tâm để làm việc này. Vậy ai đó phải làm.

Chúng ta phải dạy con em chúng ta, từ tuổi rất nhỏ, biết hoài nghi, nghe một cách thận trọng, giả định rằng mọi người đang nói dối về tất cả mọi thứ. (Vâng, có thể không phải là tất cả mọi người.) Kiểm tra lại các nguồn tin. Xem xét điều gì chưa được nói. Hỏi những câu hỏi. Hiểu rằng tất cả mọi người kể chuyện đều có sự thiên vị. Tất cả các diễn đàn cũng thế.

Tất cả chúng ta đều cười – ít nhất là một số trong chúng ta – lối diễn dịch tin tức của Jon Stewart và Stephen Colbert, bởi vì mọi chuyện đã trở thành trò cười. Nếu chúng ta không muốn bị soma-hoá (chữ của Huxley) bởi công nghệ, là một cái gì đó thua kém cả những thằng ngu cười cợt, và đồng loã trong việc biến văn hoá chúng ta thành ve chai đồng nát, thì “điều đòi hỏi ở chúng ta bây giờ là một kỉ nguyên mới của trách nhiệm…giao cho chúng ta một nhiệm vụ khó khăn. Đó là cái giá và là hứa hẹn của tư cách công dân.”

Những dòng cuối cùng này không phải cha tôi viết – tổng thống mới nghỉ gần đây của chúng ta đã nói chúng trong diễn văn nhậm chức cuối cùng của ông. Ông nói đúng. Điều này sẽ khó. Nó không còn là chuyện vui chơi nữa.


[1] Cụm từ ngắn, dễ nhớ và lặp lại, các chính khách thường chèn vào bài nói của mình, phát trên tivi, báo chí.

Comments are closed.