Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 (kỳ 2)

Nhật Tiến

NHỮNG GUƠNG MẶT TIÊU BIỂU*

clip_image002

Nhà văn ĐỖ ĐỨC THU

(1909-1979)

Hình chụp trên báo Thế Giới Tự Do tập 7, số 9 năm 1957 tại trụ sở của Nhóm Bút Việt

Đỗ Đức Thu sinh ngày 28-12-1909 tại Thái Bình, nguyên quán quê ông ở làng Mộc Hạ Đình, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Ông xuất thân làm công chức Sở Khí Tượng Hà Nội. Tác phẩm đầu tay của ông tựa đề là “Ba”, được giải thưởng khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn. Về sau ông gia nhập Văn đoàn Tự Lực, viết nhiều truyện ngắn đăng trên báo Ngày Nay.

Ông cũng từng là Chủ tịch đầu tiên của Nhóm Bút Việt sau đổi thành Trung Tâm Văn Bút với nhiều nhiệm kỳ:

Ngày 17-8-1957: Ông được bầu làm Chủ tịch Ban Vận Động Nhóm Bút Việt có Cụ Vương Hồng Sển và nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn làm Phó Chủ tịch.

Ngày 19-11-1957, sau khi đã được Bộ Nội Vụ cấp giấy phép hoạt động, Ông được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp Hành Lâm Thời của Nhóm Bút Việt, hai Cụ Vương Hồng Sển và Vi Huyền Đắc làm Phó Chủ tịch.

Niên Khóa 1960-1961: Ông là Chủ tịch Ban Chấp Hành Chính thức của Văn Bút, Tchya Đái Đức Tuấn và Phạm Việt Tuyền làm Phó Chủ Tịch .

Niên khóa 1961-1962: Ông rút lui để nhà văn Nhất Linh làm Chủ tịch, có LM. Thanh Lãng và kịch tác gia Vi Huyền Đắc làm Phó Chủ tịch.

Niên Khóa 1962-1963: Đỗ Đức Thu cùng với các vị Nhất Linh Nguyễn Tường tam và Đông Hồ Lâm Tấn Phác trở thành Cố vấn của Văn Bút.

Tác phẩm của nhà văn Đỗ Đức Thu

– Vỡ lòng (tiểu thuyết) NXB Đời Nay, Hà Nội

– Bốc đồng (tiểu thuyết) NXB Nguyễn Du, Hà Nội 1942

– Nhà bên kia (tập truyện ngắn) NXB Công Lực, Hà Nội, 1943

– Đứa con (tiểu thuyết) NXB Đời Nay, Hà Nội 1943, truyện dài này trước có đăng ở tạp chí Thanh Nghị ở Hà Nội năm 1941, 1942.

Ông mất ngày 5-3-1979 tại Tân Định, Sài Gòn, thọ 70 tuổi.

*******

clip_image004

Nhà văn hóa Vương Hồng Sển

(1902-1996)

Hình chụp trên báo Thế Giới Tự Do tập 7, số 9 năm 1957 tại trụ sở của Nhóm Bút Việt

Vương Hồng Sển là một nhà văn hóa lớn và cũng là nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng. Toàn bộ tác phẩm đồ sộ của ông viết về cổ ngoạn cũng như những sưu khảo về văn hóa miền Nam đã rất được độc giả ưa chuộng và được giới sử học, khảo cổ kính trọng.

Từ năm 1957 ông cũng đã là một trong những văn nghệ sĩ lão thành đứng ra sáng lập Nhóm Bút Việt, tiền thân của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.

Theo tài liệu của tờ Thế Giới Tự Do Tập VII, số 9, năm 1957 thì vào ngày 17-8-1957 ở nhà hàng Thăng Long Sài Gòn, Ban Vận Động Nhóm Bút Việt đã được thành lập có nhà văn Đỗ Đức Thu làm Chủ tịch, Cụ Vương Hồng Sển và nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn làm Phó Chủ tịch.

Đến ngày 19-11-1957, sau khi đã được Bộ Nội Vụ cấp giấy phép hoạt động, Ban Chấp Hành Lâm Thời của Nhóm Bút Việt đã được thành lập có nhà văn Đỗ Đức Thu làm Chủ tịch, hai Cụ Vương Hồng Sển và Vi Huyền Đắc làm Phó Chủ tịch.

Như thế, chính nhờ vào uy tín của những bậc lão thành như Vương Hổng Sển mà Văn Bút có được những hỗ trợ tinh thần quý báu để mỗi ngày một phát triển hơn và tồn tại suốt gần 20 năm trong sinh hoạt văn hóa miền Nam.

Được biết trước khi mất, vì muốn các cổ vật cùng căn nhà cổ của mình (tên Vân Đường Phủ) có cơ hội phát huy tối đa các giá trị văn hóa, cụ Vương Hồng Sển đã lập di chúc truất quyền thừa kế của con trai duy nhất là Vương Hồng Bảo, rồi đem tài sản dày công sưu tập, chăm chút cả đời hiến tặng cho Nhà nước với hy vọng ngôi nhà Vân Đường Phủ sẽ là Nhà Bảo tàng Vương Hồng Sển trưng bày toàn bộ cổ ngoạn của mình.

Nhưng hỡi ơi, sau khi ông mất, Thành Phố đưa toàn bộ cổ vật của ông vào trưng bày trong một gian phòng riêng của Bảo tàng lịch sử Việt Nam ở Sài Gòn, còn sách thì đưa đến Thư viện Khoa học Xã hội.

Còn căn nhà mà Cụ Vương ước mong sẽ trở thành nhà Bảo tàng Vương Hồng Sển thì theo báo Tuổi Trẻ, nó chỉ còn là “di sản thoi thóp giữa Sài Gòn” hoặc cụ thể hơn, theo tác giả Hồng Lê trên trang Web phapluatxahoi online thì:

“20 năm kể từ ngày cụ Vương từ trần, căn nhà cổ số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật phường 14, quận Bình Thạnh, lại biến thành quán nhậu, quán ốc bình dân. Chúng tôi đã cố gắng tiếp xúc với cháu nội cụ Vương Hồng Sển – những người đang sử dụng ngôi nhà cổ, nhưng họ từ chối. Bốn bề nhà cao tầng che khuất căn nhà cổ, phía trước biển hiệu, cơm tấm, quán ốc được giương cao, bên trong bàn ghế, bếp núc giăng đầy sân.

Buổi chiều quán khá đông khách, mùi thức ăn, mùi dầu mỡ, rượu bia, tiếng hò hét xô bồ…Làm sao tưởng tượng nổi đây chính là căn nhà cụ Vương đã tìm đủ mọi cách để mua cho bằng được, rồi di dời gần như nguyên căn từ tận Nhà Bè về đến Bình Thạnh. Cụ đã chăm chút, toàn bộ vách, cột kèo bằng gỗ quý bóng loáng, đồ cổ đã từng nằm nghiêm cẩn khắp các góc nhà. Hơn nửa đời viết lách, sưu tầm cổ vật, Vương Hồng Sển đã gắn liền với chốn này, nên ông đã ưu ái gọi là “vuông nhà cổ tích”, “Vân Đường Phủ”. Và là nơi các thi nhân, học giả, các nhà nghiên cứu nổi tiếng thường xuyên ghé thăm, bàn luận cổ vật, đọc sách, ngâm thơ, thưởng trà…

Cũng chính không gian này đã khiến các tạp chí danh tiếng thế giới như Times, Newsweek… dày công bay hết nửa vòng trái đất đến tìm hiểu, giới thiệu. Càng kể về quá khứ lại càng đau lòng, không hiểu người ta đang đối xử thế nào với di tích của tiền nhân.”

Di sản vật chất thì như thế, đến những tác phẩm tinh thần của Cụ cũng thê thảm theo lời thuật của tác giả Phạm Chu Sa trên trang Web Khaiphong.org:

.

“Một lần tôi đến thăm, cụ Vương buồn bã bảo cuốn hồi ký Hơn nửa đời hư nhiều đoạn đã bị người biên tập cắt xén bỏ đi hoặc tự ý sửa mà không hề tham khảo ý kiến cụ. Ví dụ, đoạn cụ viết về Nguyễn Văn Sâm đã bị cắt bỏ. Đặc biệt cụ tâm đắc bài Ngô Quốc lão coi mắt Vương Hoàng thúc kể chuyện Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục – anh ruột Ngô Đình Diệm – mời cụ Vương đến coi mặt để đề bạt cụ nhưng thấy cụ “đầu bướu đầu bò” quá (chữ của cụ Vương) nên Ngô Đình Thục bỏ ý định tiến cử cụ cho Ngô Đình Diệm. Bài này khi in đã bị cắt xén nhiều chỗ, cụ rất buồn.

Tệ nhất là cuốn Tiếng Việt miền Nam – tựa ban đầu của cụ Vương là Tự vị tiếng nói miền Nam nhưng không biết người làm sách liên kết với nhà xuất bản tự ý đổi tựa mà không hỏi cụ một tiếng! Cụ Vương càng giận hơn khi sách in lỗi morasse đầm đìa, ví dụ con kênh dài 28 km thì in 20 km; năm 1809 thì in thành năm 1890…

“Vì vậy” cụ Vương nói giọng hờn dỗi:

“Tôi từ chối nhận cuốn sách ấy là của tôi. Con tôi sinh ra nhưng người khác khai sinh đổi tên, đổi họ tôi không nhìn nó là con tôi”!

Tôi nhớ mãi giọng cụ bực tức lẫn u uất:

“Tôi già rồi. Tiếc là có một số người làm công việc văn hóa mà làm nhiều chuyện thiếu văn hóa. Tôi biết có nhiều người lấy công trình nghiên cứu của người khác sửa thêm bớt chút đỉnh rồi đề tên mình vào…”.

(PHẠM CHU SA http://khaiphong.org )

clip_image006

Nhà văn Phạm Việt Tuyền

Tổng Thư Ký Trung Tâm Văn Bút VN

(1926-2009)

Chức vụ Tổng Thư Ký của Nhóm Bút Việt (sau đổi thành Trung Tâm Văn Bút) kể từ năm 1957 đến 1975 đã do các vị sau đây đảm trách:

1957-1960: Nhà báo Hiếu Chân Nguyễn Hoạt.

1960-1961: Luật sư kiêm dịch giả Pháp ngữ Nghiêm Xuân Việt.

1961-1975: Nhà văn, nhà báo Phạm Việt Tuyền. `

Như vậy trải 15 năm ròng rã, trong vai trò một Tổng Thư Ký, nhà văn Phạm Việt Tuyền đã gánh vác một trọng trách hết sức nặng nề là điều hợp mọi công việc của Văn Bút sao cho được tiến hành suông sẻ. Tuy nhiên chẳng riêng gì một mình ông phải đứng ra lo hết mọi chuyện mà nhờ có thiện chí đóng góp tích cực của nhiều thành viên khác nên công việc của Hội luôn luôn được tiến hành chu đáo.

Vào tháng 10-1961, trong vai trò Chủ nhiệm nhật báo Tự Do, ông đã cho mở trên báo này một trang Văn học Nghệ thuật lấy tên là “Tác giả, tác phẩm và công chúng” nhằm phổ biến những bài giới thiệu tác phẩm mới tới người đọc và hỗ trợ phong trào thưởng thức và phê bình sách do Trung Tâm Văn Bút chủ trương. Sau đây là vài đề mục đã xuất hiện trên trang báo ấy:

“Vài ý nghĩ về lối phê bình văn học” của Nguyễn văn Trung.

“Liếc qua tâm tình người đẹp của Vũ Hoàng Chương” – Phạm Việt Tuyền.

– “Hiện trạng văn nghệ” – Hoàng văn Giang.

– Nhân đọc “Người Công giáo trước thời cuộc” – Lê Thành Trị.

Đọc “Thềm Hoang của Nhật Tiến”- Vũ Hạnh

– “Sách báo Nhi đồng” – Nguyễn Duy Cần.

– Nhân đọc “Thú Chơi Sách của Vương Hồng Sển”- Nguyễn Duy Cần.

Tôi đọc thi phẩm “Nỗi Buồn” của Thế Viên– Phạm Việt Tuyền

– Nhân đọc “Gia đình giáo dục” của Hà Thúc Lãng – Nguyễn Duy Cần.

– Điểm sách “Những đêm mưa” của Linh Bảo – Vũ Hạnh.

– Điểm sách “Chị Em Hải” của Nguyễn đình Toàn – Cô Phương Thảo.

– Điểm sách “Giã từ” của Võ Phiến – Nguyễn đình Toàn.

Nhân đọc”Les Séquestrés d’Altona” của Jean Paul Sartre

Lê Thành Trị… v.v.

Năm 1969, nhà văn Phạm Việt Tuyền cho đăng bức thư của một Nghị sĩ tố cáo một ông Tổng Trưởng nên đã bị Tòa Sơ Thẩm Sài Gòn kết án ông 3 tháng tù giam và 100.000 đ. Vì lý do đó, Trung Tâm Văn Bút VN đã công bố một bản Kháng Nghị gửi Chính quyền V.N.C.H và gửi ông Chủ tịch Văn Bút Quốc Tế Arthur Miller và ông Tổng Thư Ký David Carver. Tháng 9 năm ấy, ông Phạm Việt Tuyền lại tiếp tục tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế ở Menton (Pháp quốc) trong vai trò Tổng Thư Ký của Trung Tâm Văn Bút VN.

Tác phẩm của ông gồm những cuốn: Trên Đường Phụng Sự (kịch, 1947) – Phá Lao Lung (thơ, 1956) – Nghệ Thuật Viết Văn (biên khảo, 1952) – Nghị Luận Văn Chương (biên khảo, 1953) – Nghị Luận Luân Lý Phổ Thông (1953) — Quan Điểm về Mấy Vấn Đề Văn Hóa (1959) – Phương Pháp Nghị Luận, Phân Tích và Phê Bình Văn Chương (1969) – Tôi Đọc Thơ ( phê bình, 1971) – Cửa Vào Phong Tục Việt Nam (biên khảo, 1972) – Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính với phần giới thiệu và phê bình của Phạm Việt Tuyền (1974).

Trong lãnh vực giáo dục, ông là giáo sư dạy Chứng chỉ Dự bị Ban Việt Hán ở Ðại Học Văn Khoa, Sài gòn; hay chứng chỉ Văn Chương Việt Nam, cho năm thứ nhất ở Ðại Học Văn Khoa, Huế.

Ðầu thập niên 1980, ông đi định cư tại Pháp, thành phố Strasbourg và mất ở đây ngày 16 Tháng Hai, năm 2009, hưởng thọ 73 tuổi.

Kịch tác gia

Vi Huyền Đắc

(1899-1976)

clip_image008

Một cây cổ thụ của làng thoại kịch Việt Nam là Kịch tác gia Vi Huyền Đắc vốn là Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Văn Bút rồi là Cố vấn của Hội, người mà chúng tôi thường hạy gọi là Cụ Vi. Nhà Cụ ở Ngã Năm Bình Hòa, Gia Định. Chúng tôi đã tới đó thăm từ hồi Cụ Bà còn sinh tiền. Nom Cụ Bà dáng dấp hiền hậu, ung dung đúng tác phong của một nhà giáo vì bà cũng là một cô Giáo. Khi chúng tôi tới, Cụ bà hay rút vô nhà trong để Cụ Ông nói chuyện văn nghệ với chúng tôi. Cũng như thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Kịch tác gia Vi Huyền Đắc chỉ gọi tôi bẳng tên, như “Tiến thế này… Tiến thế kia…”, rất ưu ái và thân mật. Cụ cho biết thường đi ngủ sớm, chừng 9 giờ để 5 giờ sáng dậy viết lách hay phiên dịch. Hồi đó Cụ đang dịch một truyện của Trung Quốc có tên là Anh Hùng Tay Bánh, đăng từng kỳ trên Nhật Báo Tự Do. Cụ còn nói với tôi: “Học chữ Hán đi, tôi chỉ cho. Sau vài tháng là đọc báo được”. Rồi Cụ giải thích:

– Chỉ cần nhớ mặt chữ thôi. Còn nghĩa thì mình đã hiểu gần hết rồi. Như chữ “Xuân Thu nhị kỳ” thì ai chẳng hiểu nghĩa nó là gì! Thế là đã qua được một nửa đường rồi.

Tôi nghe thấy có lý lắm, nhưng phần thì bận rộn, phần thì lười nên cứ ậm ừ cho qua. Bây giờ mới tiếc!

Hồi tôi ra tác phẩm “Người Kéo Màn” và chọn cho nó một thể loại chưa có ai nghĩ tới: “Tiểu Thuyết Kịch”. Cụ có bảo tôi:

– Dùng chữ Tiểu Thuyết Đối Thoại sát nghĩa hơn, nó diễn tả hai nhân vật trong truyện đối đáp nhau như trong một vở kịch.

Tôi ngẫm nghĩ rất lâu về lời khuyên này, nhưng đã không vâng lời Cụ. Bởi tôi cứ bướng bỉnh nghĩ rằng “Tiểu thuyết nào mà chẳng có đối thoại”. Tuy nhiên lòng tôi vẫn cảm thấy vui sướng vì đã được một đại cao thủ trong ngành Kịch quan tâm đến tác phẩm mới ra của mình.

Sau này, khi Giáo sư Nguyễn văn Trung còn đang giảng dạy ở Đại Học Văn Khoa có chất vấn tôi về chữ “Tiểu Thuyết Kịch” thì tôi đã giải thích như sau:

“Tiểu thuyết kịch được dung hòa cả ba kỹ thuật tiểu thuyết, kịch bản và phim ảnh. Ở trong tiểu thuyết kịch, kỹ thuật viết tiểu thuyết vẫn được duy trì. Người viết có thể dùng loại văn tả cảnh, tả tâm trạng, tâm lý, tả cả cái ý nghĩ của nhân vật cũng được nữa. Nhưng xen vào đó, nhiều đoạn trong tác phẩm sẽ trở nên rườm rà, mất hứng thú nếu cứ viết theo giọng văn tiểu thuyết. Để theo kịp những tình tiết sôi nổi trong truyện, tôi xen vào lề lối đối thoại ngắn và gọn của kỹ thuật viết kịch bản. Nhưng có nhiều khi, trong cùng một khoảng thời gian ngắn ngủi, có nhiều sự kiện xảy ra một lúc, ở nhiều chỗ khác nhau. Để diễn tả được trọn vẹn cái đó không gì bằng áp dụng kỹ thuật của phim ảnh. Ngòi bút của người viết không khác gì ống kính của cameraman, đưa người đọc qua một mẩu sống ở chỗ này qua một mẩu sống ở chỗ kia, và tất cả những mẩu sống ấy xoáy tròn chung quanh một thời gian nhất định, một sự việc mấu chốt mà người viết định trình bầy với độc giả.”

Không biết Kịch tác gia Vi Huyền Đắc có đọc những lời kể trên hay không, vốn đã được kịch tác gia Vũ Khắc Khoan cho in lại trên tuần báo Nghệ Thuật, số 20 ra vào tháng 2-1966, nhưng tôi không thấy Cụ nhắc lại vấn đề này nữa.

Có một điều mà ít ai nhớ hay là biết về một công trình khá công phu của Cụ Vi Huyền Đắc. Đó là đã có thời Cụ miệt mài ngồi sáng tạo ra một lối chữ viết tiếng Việt mà Cụ gọi là “Việt Tự”. Đây là một công trình mà Cụ cho là nghiêm túc, rất muốn phổ biến nên Cụ đã soạn hẳn thành sách và cho xuất bản từ năm 1929. Có điều là lối viết này na ná chữ Nho nên không xếp chữ được mà Cụ phải tự tay viết rồi thuê thợ khắc bản gỗ để mang in. Chi tiết về lối chữ này khá dài dòng, phức tạp như thể Cụ chủ trương chữ quốc ngữ phải có 72 nguyên âm như a, à, á, ả, ã, ạ, e, è, é, ẹ. ê, ề, ế, ệ ..v.v.., chỉ xin đan cử một thí dụ coi như một kỷ niệm về công trình của một bậc lão thành luôn luôn hết lòng với chữ nghĩa.

Thí dụ này lấy từ bài “ Sống và viết với Vi Huyền Đắc” của Nguyễn Ngu Í đăng trên Bách Khoa số 200 ra ngày 1-5-165: Đây là hình bìa của cuốn “Cô Đốc Minh”, do Vi Huyền Đắc trước tác, Thái Dương Văn Khố xuất bản và do Cụ Vi đã tự tay viết để đem khắc bản gỗ.

clip_image010

Đọc từ trái qua:

CÔ ĐỐC MINH

Phong trần tri cỉ

Vi Huyển Đắc trước tác

Thái Dương Văn Khố xuất bản.

Phân tích hàng chữ đầu, bên trái “CÔ ĐỐC MINH”:

clip_image012

Về lối chữ Việt viết kiểu này, nhà báo Nguyễn Ngu Í có hỏi:

– Báo chí lúc ấy và bạn bè có phê phán gì về Việt Tự của anh không?

Cụ Vi đáp:

– Có, tôi có nhớ, báo Trung Bắc Tân Văn có nói đến. Trần Trọng Kim có viết thư cho tôi, khen việc tôi làm. Nhất Linh sau đó mấy năm trách tôi bỏ công ra làm một việc vô ích, để thì giờ mà viết kịch có phải hơn không. Nếu anh ấy biết tôi đã nghĩ đến việc hỏi đặt làm máy chữ tại Đức qua người đại lý máy đánh chữ Đức hiệu Adler làm trung gian thì tác giả “Đoạn Tuyệt”sẽ còn trách tôi nhiều hơn.

Cuộc sống của Cụ Vi Huyền Đắc sau khi vào Nam cũng rất thanh bạch. Nhà thơ Nguyễn Vỹ đã viết về Cụ như sau:

“ …Cuối năm 1954, sau gần 20 năm xa cách, tôi mới gặp lại Vi Huyền Đắc ở trong một căn nhà tĩnh mịch, mà anh đặt tên là Hoàng Mai Hiên, giữa một cảnh trí nên thơ ở miệt Ngã Năm Bình Hòa, ngoại ô Gia Định. Nhà chỉ có hai vợ chồng với một u già. Bao nhiêu cơ đồ sự nghiệp ở Hải Phòng đều bỏ lại đất Bắc hết. Bao nhiêu sách quý, các bản thảo, cả những tác phẩm của anh đã xuất bản hồi tiền chiến, đều bị mất sạch. Bấy giờ chị đi dạy học ở trường Tiểu học ĐaKao, còn anh thì ở nhà dịch tiểu thuyết Tàu cho vài tờ báo, sống cuộc đời nhà văn thanh cao, yên tịnh. Trong lúc ở ngoại quốc, các nhà kịch sĩ đang đưa lên sân khấu những sáng tác phẩm vô cùng sôi nổi, thì ở nước Việt Nam một nhà kịch sĩ rất có nhiều khả năng, nghệ thuật điêu luyện tinh vi, đành xếp các vở kịch qua một bên, để dịch các tiểu thuyết Tàu cho qua ngày tháng…”

Theo tác giả Trần Tâm trên trang nhà Việt Văn Mới (http://newvietart.com/) thì sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cụ Vi Huyền Đắc ra Hà Nội sống với con trai là Giáo sư, Bác sĩ Y khoa Vi Huyền Trác. Ở đây thì Cụ bị ngã gãy xương, lại cao tuổi và bị loãng xương. Vết thương phải phẫu thuật nhưng sau một tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai thì Cụ mất vào ngày 16 tháng 8 năm 1976, thọ 77 tuổi.

Tác phẩm của Vi Huyền Đắc gồm có (theo Wikipedia):

Kịch bản sáng tác:

Uyên ương (Thái Dương văn khố xuất bản, 1927. Đã diễn 4 lần tại Nhà hát Tây Hà Nội và nhiều tỉnh trên đất Bắc)

Hoàng Mộng Điệp (Thái Dương văn khố xuất bản, 1928. Diễn lần đầu tại nhà Nhạc hội Hà Nội năm 1930)

Hai tối tân hôn (Thái Dương văn khố xuất bản, 1929)

Cô đầu Yến (Thái Dương văn khố xuất bản, 1930)

Cô đốc Minh (Thái Dương văn khố xuất bản, 1931)

Nghệ sĩ hồn (1932)

Kinh Kha (đăng báo Phong Hóa từ số 134-138 năm 1935)

Ông Ký Cóp (1937, diễn lần đầu tại Nhà hát Tây Hà Nội tối ngày 15 tháng 10 năm 1938, diễn tại Hải Phòng tối ngày 19 tháng 12 năm 1938)

Eternels Regrets (viết bằng tiếng Pháp, Thái Dương văn khố xuất bản, 1938)

Kim tiền (Đăng trên báo Ngày Nay, từ số 99 đến 107, diễn lần đầu tại Nhà hát Tây Hải Phòng năm 1938)

Giê Su, đấng cứu thế (1942)

Lệ Chi Viên (1943)

Từ Hi Thái hậu (khoảng 1954)

Thành Cát Tư Hãn (1955)

Kịch bản phóng tác văn học nước ngoài:

Cá nước chim trời (nguyên tác của Đinh Tây Lan)

Láng giềng (nguyên tác của Hoàng Tự Thôn)

Khổng Tử can đạo chích (nguyên tác của Từ Vu)

Kịch bản dịch:

Mạc Tin (bản dịch vở Martine của J.J Bernard), Đời Nay xb, Hà Nội, 1936.

Truyện dịch từ Trung Văn:

Cô gái điên (nguyên tác của Từ Vu)

Người bạn lòng(nguyên tác của Tuấn Nhân)

Gái thời loạn (nguyên tác của Vũ Văn Hoa)

Ánh đèn (nguyên tác của Từ Vu)

Trên hòn hải đảo (nguyên tác của Quách Tự Phần)

Bóng chim tăm cá (nguyên tác của Chu Xuân Đăng)

Anh hùng tay bánh (nguyên tác của Lý Phi Mông)

Ba đóa hoa (nguyên tác của Quỳnh Dao)

Tấn bi kịch trong đình viên (nguyên tác của Lâm Ngữ Đường)

Khúc ca mùa thu (nguyên tác của Lâm Ngữ Đường)

Một gia đình (nguyên tác của Từ Vu, 1957)

Người đi (nguyên tác là Marins của M. Pagnol), Tủ sách Thanh niên, 1963.

Biên khảo

Máy hơi nổ (1956)

Việt tự (1929)

Bạch hạc đình (1944)

Khóc lên tiếng cười (1945)

Vở kịch hay nhất (1955)

Nhà có Phúc (1956)…

Sau đây là mẫu quảng cáo vở kịch Ông Ký Cóp in năm 1937, diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội tối ngày 19 tháng 11 năm 1938, diễn tại Hải Phòng tối ngày 19 tháng 12 năm 1938):

clip_image014

Nội dung mẫu quảng cáo như sau:

Tại Nhà Hát Lớn Hanoi tối 19 Novembre:

Ban Nghệ Sĩ do ông Thế Lữ chỉ dẫn,

sẽ diễn ÔNG KÝ CÓP, hài kịch mới, 3 hồi của Ô. Vi Huyền Đắc.

Các Cô: SONG NGA, MINH TRÂM, THANH HƯƠNG và SONG KIM.

Các Ông: HUYỀN THANH, NG. THÂN, NG. ĐẠO, và LINH TÂM.

Và THẾ LỮ (trong vai ông Ký Cóp)

Mở đầu: Một cuộc diễn ca của một nhạc sĩ tương lai: Ông LÊ THƯƠNG

Những bài ca có giá trị (hầu hết chưa xuất bản): Tiếng Đàn Khuya, Một Ngày Xanh, Xuân Năm Xưa, Trên Sông Dương Tử, Khúc Ly Ca…v.v.

Cả một bầu trời thơ nhạc du dương sẽ gợi lên trong tiếng ca hiếm có của nhạc sĩ.

(còn tiếp)

Comments are closed.