Tư liệu ghi chép về buổi họp kiểm điểm bài thơ NHẤT ĐỊNH THẮNG trên GIAI PHẨM MÙA XUÂN 1956

TDĐây là tư liệu do NNC Cao Việt Dũng mới đưa lên trang blog Nhị Linh, trang ấy bị lửa nên xin phép chủ nhân cho copy đưa lên đây.

Bài tường thuật này do người ký tên HỒNG CẦU thực hiện mà ta có thể tin chắc là chính NGUYỄN BÍNH. 

Theo blog Nhị Linh, bài tường thuật này đăng báo TRĂM HOA số 22, thứ bảy, 03/03/1956.

Đây là thuộc serie “Trăm Hoa” thời đầu, Nguyễn Mạnh Phác tức Trúc Đường làm Chủ nhiệm. Tờ này sẽ đóng cửa vì hết vốn (như Ng. Bính viết trong lời đầu số tục bản). Hiện tại mấy Thư viện ở Hanoi gộp lại cũng chỉ có chừng 17 số đầu, nên bài tường thuật này thuộc số những tài liệu hiếm, may mắn mới phát hiện được.

Dưới đây là dẫn giải của Cao Việt Dũng và toàn bộ bài tường thuật.

LẠI NGUYÊN ÂN 

Nguyễn Bính, Trăm Hoa và Nhân văn-Giai phẩm

Theo tôi, Nhân văn-Giai phẩm vừa phức tạp hơn thế vừa đơn giản hơn thế. Xem mọi tổng kết tương đối đáng tin về Nhân văn-Giai phẩm, gần như ta thấy đương nhiên Nguyễn Bính và tờ Trăm Hoa đứng về phía bị trừng phạt, thuộc vào số các nạn nhân của một cuộc thanh trừng văn nghệ nhuốm rất nhiều mùi chính trị. Nhưng hồi ấy phức tạp hơn thế: mối quan hệ đao phủ-nạn nhân xoay vòng vòng không cố định, Hoài Thanh vừa phê Trần Dần xong một thời gian ngắn sau đã xin lỗi, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm hay Nguyễn Hữu Đang khi trước vừa đi chỉnh huấn người khác lúc sau đã trở thành đối tượng bị chỉ trích nặng nề, bị đấu tố. Bản thân “phong trào Nhân văn-Giai phẩm” cũng có lúc lên lúc xuống, có thời điểm thắng thế chứ không bi đát từ đầu đến cuối. Mọi thứ phức tạp hơn mới thoạt nhìn qua.

Ở riêng trường hợp Nguyễn Bính và tờ Trăm Hoa: cũng như bài Trần Lê Văn phê thơ Xuân Diệu ở đây, bài dưới đây thuộc vào đoạn cuối của Trăm Hoa bộ cũ, là mảng tư liệu bất ngờ thiếu vắng trong mọi nghiên cứu về Nhân văn-Giai phẩm cho đến lúc này. Đọc bài này mới thấy rõ, vị trí của Nguyễn Bính không thể nhìn nhận đơn giản; đọc Cát bụi chân ai cũng có thể thấy Tô Hoài ám chỉ Nguyễn Bính có vai trò không hề đơn giản.

Bài tường thuật cực kỳ chi tiết cuộc họp ở Hà Nội để đánh bài “Nhất định thắng” của Trần Dần này xứng đáng được coi là một tài liệu độc đáo; bài viết đăng Trăm Hoa số 22, thứ Bảy 3-3-1956, liên tục trên bốn trang. Bài viết ký tên Hồng Cầu (gần như chắc chắn 100% là bút danh của Nguyễn Bính).

[C.V.D.]

CUỘC HỘI HỌP VĂN NGHỆ SĨ THỦ ĐÔ DO HỘI VĂN NGHỆ VIỆT NAM TRIỆU TẬP TỐI 22-2-56 ĐÃ VẠCH RA

Những sai lầm nghiêm trọng của Trần Dần trong bài thơ “Nhất định thắng” IN TRONG CUỐN “GIAI PHẨM 1956”

Cuốn “Giai phẩm 1956” do nhà xuất bản Minh-đức–Thời-đại xuất bản và phát hành dịp đầu xuân năm Bính thân, đã gây ra nhiều dư luận trong giới văn nghệ sĩ và các tầng lớp bạn đọc ở Hà-nội. Sự phản ứng của độc giả đối với bài thơ dài đề là “Nhất định thắng” của Trần-Dần in trong cuốn sách đó, đã khá rõ rệt. Mặc dầu nhà xuất bản đã tự ý thu hồi tác phẩm ấy và cáo lỗi cùng độc giả, dư luận vẫn còn bàn tán không thôi. Trước sự việc ấy, ban Thường vụ Hội Văn-nghệ Việt-nam, đã quyết định triệu tập một phiên họp các văn nghệ sĩ thủ đô vào tối thứ tư 22-2-1956 tại trụ sở Hội, để thảo luận rộng rãi về bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần, để tập thể cùng thống nhất thái độ đối với bài thơ ấy.

Nhận được giấy mời của Ban Thường vụ Hội, văn nghệ sĩ Thủ đô thấy như tấm lòng cởi mở nhẹ nhàng. Là vì từ hôm cuốn sách bắt đầu phát hành, ai đã đọc nó, nhất là đọc bài “Nhất định thắng” của Trần Dần, đều thấy một cái gì nặng nề bực bội đè lên lòng mình. Có những ý nghĩ cần phải được giãi bày, những phê phán cần phải được nói ra. Phải có những nhận định chính xác đối với bài thơ mà người ta coi như một vết đen tối mà Trần Dần đã vô tình hay hữu ý quệt lên bức tranh mùa xuân tươi đẹp, có bao mầu sắc tưng bừng phấn khởi của miền Bắc hoàn toàn giải phóng đương nỗ lực kiến thiết.

Cho nên cái không khí phòng họp thật là nhộn nhịp khác thường. Những người công tác văn nghệ gặp nhau, xiết [sic] chặt bàn tay, nở một nụ cười trách nhiệm.

Anh Nguyễn Tuân, tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt-nam, tuyên bố lý do phiên họp và giới thiệu Chủ tịch đoàn: các anh Hoài Thanh, Trần văn Cẩn, Lương ngọc Trác, thư ký đoàn: các anh Huy Phương, Vương Linh. Vì là cuộc thảo luận một bài thơ, nên một thi sĩ được giới thiệu để đề-dẫn vấn đề: hội nghị hoan nghênh anh Chế Lan Viên trong nhiệm vụ ấy.

Nhà thơ Chế Lan Viên bắt đầu trình bày nội dung bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần, kể lại một số phản ứng của độc giả khi đọc bài thơ ấy (anh bộ đội sau khi mua cuốn sách ở một hiệu sách tại Hà-nội, đọc xong bài thơ, xé cả cuốn sách vất đi; người nông dân ngoại thành tuy chưa hề biết có bài thơ ấy ra đời, nhưng khi nghe nói đến cái không khí mưa gió rã rời, cái giọng buồn nản chán chường của bài thơ, phải kêu lên: ô hay, đời sống của chúng ta vui tươi chứ sao lại bảo nó buồn thảm thế!) Theo lời đề dẫn, thì bài thơ này chỉ mới lưu hành một ít tại thủ đô, có gây ra một số dư luận và có sự phản ứng của một số bạn đọc. Nhân dân còn nhiều việc khác phải làm, những việc quan trọng hơn nhiều chưa có thì giờ đọc bài thơ ấy, nên chẳng chú ý gì đến nó cả. Nhưng riêng đối với giới văn nghệ thì bài thơ ấy cần được đem ra thảo luận để chúng ta cùng nhất trí nắm vững vấn đề, bởi vấn đề đây không nằm trong phương diện hình thức của văn nghệ mà nằm trong nội dung của bài thơ, ở đó tác giả đã đề cập đến những vấn đề quan trọng như vấn đề thất nghiệp, vấn đề di cư, vấn đề nghèo đói, vấn đề tự do tư tưởng và vấn đề then chốt hơn hết là vấn đề củng cố miền Bắc, đấu tranh cho Hiệp thương, Tổng tuyển cử Thống nhất đất nước. Tác giả (Trần-Dần) đã tuyên bố:

Chút tài mọn

             tôi làm thơ chính trị

Vậy đề dẫn viên yêu cầu hội nghị thảo luận về mọi khía cạnh của bài thơ để tìm ra cho hết lập ý của tác giả. Và để cho ý kiến của hội nghị được tập trung, chủ tịch đoàn yêu cầu Hội nghị chỉ xét đến tư tưởng của Trần Dần thể hiện trong phạm vi bài thơ “Nhất định thắng” chứ không đi sâu vào con người của tác giả. Mọi người đều có tự do phát biểu ý kiến kể cả những bạn có bài in trong tập “Giai phẩm 1956” được coi là hoàn toàn “vô sự” hoặc có ít nhiều tư tưởng sai lầm. Và kể cả những bạn nào muốn đứng ra bênh vực bài thơ ấy.

Không khí mỗi lúc một thêm phấn khởi sôi nổi. Càng đi sâu vào từng khía cạnh của bài thơ, các anh các chị càng tìm thấy những sai lầm nghiêm trọng trong tư tưởng của Trần Dần khi sáng tác bài thơ, những sai lầm không phải là ngẫu nhiên, hay do nghệ thuật non kém mà mắc phải, vì những sai lầm ấy có hệ thống, có dụng ý, được thể hiện bằng một kỹ thuật văn chương xảo trá, nham hiểm, có ác ý hẳn hoi. Những đoạn thơ từng câu thơ trích ở bài “Nhất định thắng” được đưa ra làm dẫn chứng một cách cụ thể.

Mười một giờ đêm. Hai mươi mốt bạn đã phát biểu ý kiến.

Chủ tịch đoàn tuyên bố sẽ không kéo dài cuộc thảo luận sang một đêm nữa. Chúng ta còn nhiều công tác bận rộn cần thiết khác. Quyền ưu tiên được phát biểu ý kiến lúc này dành cho những ai có ý kiến muốn bênh vực bài “Nhất định thắng”.

Mọi người cố tìm. Người ta nghĩ đến đoạn cuối bài thơ, trong đó Trần Dần có nói đến cái buổi “nắng lên đỏ phố đỏ cờ” miền Bắc “cuồn cuộn mít tinh”, ai nấy ra đường đi biểu tình “vung cờ đỏ hò hát vỡ phổi”. Song, ở ngay cái đoạn tựa hồ “vươn lên” ấy, chúng ta cũng khó tìm thấy cái ý tốt. Bài “Nhất định thắng” đã có dụng ý không tốt từ đầu, nên trong đoạn cuối “hửng nắng” này người ta cũng chỉ tìm thấy một thứ nắng giả tạo, vàng vọt, yếu đuối, theo dụng ý của tác giả.

Quyền ưu tiên lại dành cho những bạn có bài đăng trong cuốn “Giai phẩm”. Có các anh Sỹ Ngọc, Văn Cao, Lê Đạt và anh Trần thiếu Bảo, đại diện nhà xuất bản Minh-đức–Thời-đại phát biểu ý kiến.

Quá nửa đêm, sau ý kiến của các anh Nguyễn Tuân, Huy Cận, anh Hoài Thanh thay mặt Chủ tịch đoàn, căn cứ vào lời phát biểu hết sức phong phú, sác [sic] thực trong cuộc họp, đọc bản tóm tắt những ý kiến chính và tổng kết lời bình luận của Hội nghị. Những tràng vỗ tay ran phòng họp. Thế là chúng ta đã giải quyết xong một vấn đề. Ra về, lòng chúng ta nhẹ nhõm, thoải mái. Ngoài trời mưa xuân phơi phới bay. Đồng hồ chỉ gần một giờ sáng.

Dưới đây, chúng tôi xin tóm tắt những nhận xét của Hội-nghị đối với bài thơ “Nhất định thắng” của Trần-Dần.

Tóm tắt những ý kiến phê bình bài thơ Nhất định thắng

Bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần đã phạm những sai lầm nghiêm trọng như sau:

1) Nó không phản ánh đúng bộ mặt thực của miền Bắc đã hoàn toàn giải-phóng và đương tưng bừng kiến-thiết, bằng cách đưa ra những hình ảnh đơn độc, không điển-hình gì cả. Tác giả cố ý xoáy mạnh vào những hình ảnh mưa gió rã rời, những người đi Nam, người con gái thất-nghiệp, con chó mực đói kêu khan cả tiếng, vân vân… để nói xấu chế-độ chúng ta, mà không nhìn thấy rõ nguyên-nhân những khó khăn ấy là do đế-quốc và phong-kiến đã gây ra và để lại cho chế độ chúng ta, không nhìn thấy một sự thật hiển-nhiên là sau khi miền Bắc giải phóng hoàn toàn, chính phủ và nhân dân ta đã nỗ lực kiến thiết lại đất nước, hàn gắn lại những vết thương do địch để lại. Nạn thất nghiệp ngày càng giảm nhiều vì chính phủ ta không lúc nào không lo giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho nhân dân. Nhiều đồng bào đi Nam nghẹt thở dưới chế độ Mỹ-Diệm đã trở về Bắc, các quyền tự do dân chủ được bảo đảm (tư tưởng được cởi mở, phát triển, những tình cảm tốt được duy trì). Đường sắt, nhà máy, công trình thủy lợi được khôi phục lại, nông thôn tiến hành cải cách ruộng đất thắng lợi, v.v… Tất cả những sự việc lớn lao ấy, Trần Dần không nhìn thấy hoặc cố ý không nhìn thấy. Cái nhìn của Trần Dần trước sau chỉ là cái nhìn lệch lạc, cái nhìn xuống, cái nhìn thiển cận nhưng rất có ác ý (Ý kiến các anh NGUYỄN VĂN BỔNG nhà văn, NGUYỄN PHƯƠNG báo HÀ-NỘI hàng ngày, VĂN GIÁO họa sĩ.)

2) Nó không những phản ánh không đúng bộ mặt thực của miền Bắc chúng ta mà còn cố ý xuyên tạc sự thực, đặt điều ra để vu khống chế độ miền Bắc. Người đọc rất công phẫn khi đọc tới những đoạn thơ nham hiểm của Trần Dần tả cảnh thất nghiệp, đói khổ, chuyện đồng bào di cư. Trần Dần cố vẽ những “mảng” người lếch thếch ôm nhau đi trong “mưa rơi tối xầm [sic]” rồi bảo:

Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo

Thiếu Cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân

Có cả anh nam chị nữ kêu buồn

Ở đây

       khát gió, thèm mây,

Sự thật đồng bào ta dạo ấy bị cưỡng ép di cư, ra đi với một tâm trạng đau buồn, với một thái độ bất đắc dĩ. Đồng bào không hề bảo là tại thiếu cái nọ, thiếu cái kia, không than là “khát gió thèm mây” như trong bài thơ “Nhất định thắng”. Những lời Trần Dần đưa ra rất phù hợp với luận điệu của địch. Đó không phải là lời của ta, mà quyết nhiên là những lời của địch. (ý kiến chị THANH HƯƠNG).

3) Trần Dần cố ý bôi nhọ chế độ miền Bắc, gây nên trong suốt bài thơ một không khí hoang mang rã rời. Điệp khúc:

“Tôi bước đi

            không thấy phố

                         không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

                         trên mầu cờ đỏ”

Nhắc lại bốn năm lần trong suốt bài thơ, có dụng ý gây cho người đọc một tâm trạng chán chường, rã rời. Hình ảnh ấy, hoàn toàn sai lầm, vu khoát, cũng như hình ảnh lá cờ Tổ quốc của ta mà Trần Dần đã ví như một “lá cờ trừ ma” treo đầu nhà, là một súc [sic] phạm lớn đến một vật báu nhất, thiêng liêng nhất của toàn thể nhân dân. Trần Dần đã cố ý làm việc hỗn xược ấy, cũng như mọi cố ý khác trong bài thơ chỉ để gieo giắc [sic] hoài nghi:

– Chúng phá hiệp thương

                     – Liệu có hiệp thương

– Liệu có tuyển cử

– Liệu tổng hay chẳng tổng?

– Liệu đúng kỳ hay chậm vài năm?

gieo rắc hoang mang:

Ôi! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người

Người vẫn thương kinh hoảng trước tương lai

hoặc tuyên truyền ngờ vực:

Ai có LÝ và ai có LỰC?

Ai người tin? Ai kẻ ngã lòng tin?

Cuộc đấu tranh trong giai đoạn gay go quyết liệt này mà đưa ra những luận điệu như thế thì chỉ có lợi cho địch. (ý kiến anh TRÚC ĐƯỜNG báo Trăm hoa).

4) Nói đến chuyện đấu tranh cho Hiệp thương Tổng tuyển cử Thống nhất đất nước – một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng bậc nhất của toàn thể nhân dân ta – Trần Dần đã dùng những lời nói diễu [sic] cợt, phủ nhận giá trị cuộc đấu tranh chung ấy:

Tôi ước ao tất cả mọi người ta

Đòi Thống nhất phải đòi từ việc nhỏ

Việc nhỏ Trần Dần nói đây là việc gì? Là “cái ăn” “cái ngủ” “chuyện riêng tây” là “nựng con” và “tán vợ”. Địch cũng có những luận điệu tuyên truyền xấu xa và bỉ-ổi như vậy, cốt ý để làm cho người ta chỉ tha thiết lo những cái hưởng-thụ riêng lẻ của cá nhân mà lãng quên đi một nhiệm vụ quan trọng cấp-thiết của dân tộc (ý kiến một số đông văn nghệ). Cũng như khi nói đến cuộc tranh đấu của đồng bào miền-Nam chống Mỹ-Diệm thì Trần-Dần lại cố ý xuyên tạc sự thật ở trong ấy đi cũng như Trần-Dần đã bóp méo sự thật ở miền Bắc. Đồng bào miền Nam tranh đấu chống Mỹ-Diệm rất anh-dũng, bằng mọi hình thức phong phú, chứ có phải đâu chỉ là:

Những mảng thịt

Những giọt máu đào

kéo lũ lượt và thảm thê đi biểu tình ở ngoài đường phố. Có phải đâu chỉ là những “bàn tay nghều ngào” giơ lên, những “tiếng kêu vào giấc ngủ” những “tiếng khóc nổi trong cơm”… Trần Dần đã xuyên tạc khí thế đấu tranh và hành động anh dũng của đồng bào miền Nam đương hăng hái chống Mỹ Diệm. Trần Dần đã không làm nhiệm vụ của văn nghệ sĩ là nói lên sự thật, phản ánh đúng sự thật. (ý kiến anh VŨ LÂN)

5) Tư tưởng của Trần Dần là tư tưởng của một người tách xa quần chúng, lười biếng, chỉ muốn không làm mà có ăn. Không chịu được khó khăn, không khắc phục được gian khổ. Những người ấy không bao giờ nhìn cảnh vật, nhìn xã hội mà thấy được cái hướng đương lên của cảnh vật, của xã hội. Thấy những sở thích cá nhân chưa được thỏa mãn thì hằn học nhìn cuộc đời, bất mãn, oán trách vu vơ.

Tư tưởng Trần Dần đi vào cá nhân chủ nghĩa, nên cái nhìn của anh là cái nhìn trên lập trường phản nhân dân, cái nhìn của một giai cấp suy tàn, sắp tiêu diệt. (ý kiến anh VĂN GIÁO)

Và có thể nói, tư tưởng của Trần Dần biểu hiện một phần nào tư tưởng của giai cấp địa chủ đương cố chống lại cách mạng, nhất là trong đợt 5 Cải cách ruộng đất ở chiến dịch Điện-biên-phủ chống phong kiến này. (ý kiến anh NGUYỄN XUÂN HUY giáo sư).

6) Trần Dần đã từng ở trong quân đội, Trần Dần đã được giáo dục, được học hỏi há không biết rằng bản chất quân đội của chúng ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra để phục vụ quyền lợi cho nhân dân. Vậy mà Trần Dần gọi quân đội của ta là “quân vô sản” thật là láo xược. Hơn nữa, Trần Dần đem những cám dỗ vật chất hệt như luận điệu địch thường dùng để hòng gây ra cho bộ đội ta những khao khát thèm muốn vật chất (ăn, ngủ, tán vợ, nựng con) để làm sao lãng ý chí đấu tranh của bộ đội ta (ý kiến anh LƯƠNG NGỌC TRÁC bộ đội).

Trần Dần tả quân đội ta bằng những câu:

Biển súng

         rừng lê

                   bạt ngàn con mắt

Quân đội ta đi tập trận về qua…

chủ ý là để cho người đọe [sic] ngộ nhận rằng quân đội ta là một quân đội hiếu chiến. Sự thật thì toàn dân toàn quân ta đương theo đúng đường lối của chính phủ đấu tranh cho sự nghiệp Thống nhất bằng phương pháp hòa bình (ý kiến anh TRẦN CƯ bộ đội).

7) Trần Dần đã cố ý dùng những chữ lập lờ để che đậy cho bộ mặt thật xấu xa ghê tởm của đế quốc Mỹ và bè lũ Ngô đình Diệm. Những chữ “Mỹ miếc tít mù Mỹ miếc Ngô nghê) là những chữ dùng cố ý để làm lạc hướng người ta. Những chữ lập lờ thò lò hai mặt.

… bóng CHÚNG đè lên số phận từng người

CHÚNG ở đâu mà lại núp bên ta.

– Anh ạ! HỌ bảo chờ…

Ôi! xưa nay NGƯỜI vẫn thiếu tin NGƯỜI

NGƯỜI vẫn thường kinh hoảng trước tương lai.

(những chữ Người viết hoa rất mập mờ) đều có dụng ý xấu. (ý kiến nhà thơ trào phúng TÚ MỠ)

8) Bài thơ của Trần-Dần là con dao nhọn mài rất sắc đâm vào ngực chúng ta, ngoáy đi ngoáy lại mãi, trái lại khi nói đến kẻ địch là tụi Mỹ-Diệm, thì Trần-Dần đánh rất nhẹ, bằng những chữ rất mơ hồ, bằng những đòn lướt qua, như người quấn bông vào đầu gậy mà đánh (ý kiến anh ĐỖ ĐỨC DỤC). Hơn thế nữa, Trần-Dần đánh ta rất đau mà đối với địch, Trần-Dần không đánh, mặc dầu là đánh bằng cái gậy đầu bọc bông. Trần-Dần vuốt ve mơn trớn địch. Thử xem bài thơ nói về địch thế nào? Trần-Dần không vạch mặt chỉ tên địch mà gọi là Mỹ miếc, Ngô nghê. Trần-Dần nói đến ta thì thật sâu cay, mà nói đến địch thì cố tìm những hình ảnh mơ hồ, không sát, không đúng. Cả đoạn tả cuộc đấu tranh của miền Nam, Ngô-đình-Diệm sợ “xám xanh mày mặt” rồi hắn “điên cuồng”, hắn “run sợ” quỳ xin tha tội, rồi những giòng [sic] máu rỏ trúng đầu trúng mặt hắn, thật chẳng nói lên được cái gì là chế độ thối nát, độc tài, phát xít của Mỹ-Diệm. Đến đoạn cuối Trần-Dần cũng tả cái không khí phấn khởi của miền Bắc, nhưng tả thật là giả tạo thật là trống rỗng. Miền Bắc đấu tranh về mọi phương diện chứ đâu có phải chỉ có “những người thành phố, thôn quê” ùa ra phố mít tinh, biểu tình “vung cờ đỏ hát hò vỡ phổi” mặc dầu “đói no, lành rách”. Mấy khẩu hiệu Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, nêu ra ở cuối bài thơ không có tác-dụng gì chỉ gây cho người đọc một cái gì nhạt nhẽo, trừu tượng quá (ý kiến nhà thơ CÙ HUY CẬN.)

9) Chúng ta những người công tác văn-nghệ, yêu mến chế độ của ta, phải bảo vệ lấy nền văn nghệ tươi sáng của chế độ ấy do công sức chiến đấu và sản xuất của nhân dân ta tạo thành. Bảo vệ lấy nền văn nghệ ấy, tức là tự bảo vệ lấy bản thân ta. Trần-Dần đã có dụng ý không tốt. Bài thơ của Trần Dần đã “phỉ nhổ” lên cái gì cao quý nhất của ta. Đó là một mụn lở trên một cơ thể lành mạnh. Ta thấy cái dụng ý xấu ấy ngay từ ở một bài chuyện [sic] ngắn của Trần Dần in cách đây ít lâu, dưới nhan đề “Anh Cò lấm”, ký tên Trần bá Sá. (Ý kiến anh NGUYỄN TUÂN)

10) Bài thơ Trần Dần đã khéo ngụy trang để đánh lừa người đọc. Tác giả cũng giả vờ nói đến cái hay cái đẹp của miền Bắc, nhưng thâm ý chỉ cốt để người ta tưởng lầm rằng mình nói đến sự việc cả đủ hai chiều. (ý kiến một số đông văn nghệ sĩ) Không thể vin vào cớ “chống công thức” hay cớ gì để bênh vực nó, vì thơ gì thì thơ, chống công thức gì thì chống, văn nghệ cần phải phản ánh được sự thật, phục vụ được quyền lợi của nhân dân, không thoát ly được chính trị.

11) Khoan nói đến thằng địch ở miền Nam, hãy nói đến thằng địch còn sót lại ít nhiều ở trong lòng một số người chúng ta. Đó là cái phía tiêu cực, chán nản, hoài nghi của lòng người nó đương thoi thóp chết, thì bài thơ của Trần Dần có tác dụng hà thêm hơi thở cho nó sống lại. (Ý kiến anh ĐOÀN PHÚ TỨ).

12) Tôi rất hối hận đã có bài đăng trong cuốn Giai-phẩm. Mặc dầu bài của tôi được coi như “vô sự” nhưng thực ra, đăng bên cạnh bài thơ Trần Dần, nó có thể là một bức bình phong che cho bài thơ kia. Độc giả có thể tưởng lầm rằng bài thơ “Nhất định thắng” cũng là một bài thơ phản ánh đúng sự thật. (Ý kiến anh SỸ NGỌC, họa sĩ).

Ý kiến tổng kết của hội nghị

Bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần là một bài thơ làm ra với mục đích cố ý xuyên tạc sự thật để nói xấu miền Bắc, vu cáo chế độ tươi đẹp của chúng ta. Trần Dần đã dùng thứ văn chương sảo [sic] trá, nham hiểm để đạt mục đích ấy. Tư tưởng diễn đạt trong bài thơ rất phù hợp với luận điệu của địch tuyên truyền nói xấu ta. Tư tưởng ấy rõ ràng là tư tưởng phản động, tư tưởng của địch chống lại nhân dân ta, chống lại cuộc đấu tranh thống đất nước [sic] chúng ta.

HỒNG CẦU

Nguồn: https://www.facebook.com/notes/10205112877360419/

Bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần

TTO – Nhất định thắng là một trong những bài thơ dài tiểu biểu của nhà thơ Trần Dần. Nhân dịp Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành tâp thơ đẹp đẽ và đầy đặn nhất từ trước tới nay về thơ Trần Dần – “Trần Dần – Thơ”, TTO xin mời bạn đọc cùng chia sẻ những câu thơ đã một thời dậy sóng…

clip_image001Phóng to

Ký họa Trần Dần của Họa sĩ Đình Đăng

Tôi ở phố Sinh Từ
Hai người
Một gian nhà chật.
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui ?
Tổ quốc hôm nay
tuy gọi sống hòa bình
Nhưng mới chỉ là trang thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh…
Chúng ta
Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc
Vợ con đau thì rối ruột thuốc men
Khi mảng vui – khi chợt nhớ chợt quên
Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt.
Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt.
Ta biết đâu bên Mỹ miếc tít mù
Chúng còn đương bày kế hại đời ta ?

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng
máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm ?
A ! Cái lưỡi dao cùn !
Không đứt được mà đau !
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ôi cả nước ! Nếu mà lưng tê lạnh
Hãy nhìn xem: có phi vết dao ?
Không đứt được mà đau !
Lưng Tổ Quốc hôm nay rớm máu

Tôi đã sống rã rời cân não
Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam
Những cơn mưa rơi mãi tối sầm
Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng
Tôi đã trở nên người ôm giận
Tôi đem thân làm ụ cản đường đi

– Dừng lại !

– Đi đâu ?

– Làm gì ?

Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo
Thiếu cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân
Có cả anh nam chị nữ kêu buồn

– Ở đây

Khát gió, thèm mây…

Ô hay !

Trời của chúng ta gặp ngày mây rủ
Nhưng trời ta sao bỏ nó mà đi ?
Sau đám mây kia
Là cả miền Nam
Sao nỡ tưởng non bồng của Mỹ !
Tôi muốn khóc giữ từng em bé
– Bỏ tôi ư ? – Từng vạt áo – gót chân
Tôi muốn kêu lên – những tiếng cộc cằn…

– Không ! Hãy ở lại!
Mảnh đất ta hôm nay dù tối
Cũng còn hơn
Non bồng Mỹ
Triệu lần…
Mảnh đất dễ mà quên ?
Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư?
Sao chẳng nói thật thà ?

Chỉ là:
– Thiếu quả tim bộ óc !

Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi
Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Họ vẫn ra đi.
– Nhưng sao bước rã rời ?
Sao họ khóc ?
Họ có gì thất vọng ?
Đất níu chân đi,
Gió cản áo quay về
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống.
Tưởng như đây là phút cuối cùng
Trăng trối lại : – Mỗi lùm cây – Hốc đá
– Mỗi căn vườn – gốc vả – cây sung
Không nói được, chỉ còn nức nở
Trắng con ngươi nhìn lại đất trời
Nhìn cơn nắng lụi, nhìn hạt mưa sa
Nhìn con đường cũ, nhìn ngôi sao mờ
Ôi đất ấy – quên làm sao được ?
Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi
Hôm nay đây mưa gió dập vùi
– Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc…

Ai dẫn họ đi ?
Ai ?
Dẫn đi đâu ? – Mà họ khóc mãi thôi
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi
Tôi cúi xuống – Quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ
– Khổ nhiều rồi !
Họ xấu số – chớ hành thêm họ nữa
Vườn ruộng hoang sơ – cửa nhà vắng chủ
Miền Nam muôn dặm,
Non nước buồn thương
Họ đã đi nhưng trút lại tâm hồn
Ơi đất Bắc ! Hãy giữ gìn cho họ !

clip_image002Phóng to

Phố Hà Nội trong tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái

Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ

Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
– Anh ạ !
họ vẫn bảo chờ…
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư ?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã…
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi

Em ơi.
Em có biết đâu ta khổ thế này
vì sao?
Em biết đâu
Mỹ miếc, Ngô nghê gì?
Khổ thân em mưa nắng đi về lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người

Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào Thơ ?
Những tủ kính tôi dừng chân dán mũi
Các thứ hàng ế ẩm đợi người mua
Nhưng mà sách – hình như khá chạy
À quyển kia của bạn này – bạn ấy
Quyển của tôi tư lự nét đăm đăm
Nó đang mơ : – Nếu thêm cả miền Nam
Số độc giả sẽ tăng dăm bảy triệu
Tôi đã biến thành người định kiến
Tôi ước ao tất cả mọi người ta
Đòi thống nhất phải đòi từ việc nhỏ
– Từ cái ăn
cái ngủ
chuyện riêng tư
– Từ suy nghĩ
nựng con
và tán vợ.
Trời mưa mãi lây rây đường phố
Về Bắc Nam tôi chưa viết chút nào
Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió
Nhưng hôm nay
tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu ?
Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời đất ?
Sao chúng không chắp được cõi bờ ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
tôi làm thơ chính trị.

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.

Em ơi ! – Ta ở phố Sinh Từ
Em đương có chuyện gì vui hử ?
À cái tin trên báo – Ừ em ạ
Hôm nay bọn Mỹ miếc, lũ Ngô nghê
Chúng đang phải dậm chân đấm ngực !
Vượt qua đầu chúng nó,
mọi thứ hàng
Những tấn gạo vẫn vượt đi
Những tấn thư, tài liệu
Vẫn xéo qua đầu chúng, giới ranh gì ?
Ý muốn dân ta
là lực sĩ khổng lồ
Đè cổ chúng mà xóa nhòa giới tuyến
Dân ta muốn trời kia cũng chuyển
Nhưng
Trời mưa to lụt cả gian nhà:
Em tất tả che mưa cản gió
Con chó mực nghe mưa là rú
Tiếng nó lâu nay như khản em à
Thương nó nhỉ – Nó gầy – Lông xấu quá
Nó thiếu ăn – Hay là giết đi ư ?
Nó đỡ khổ – Cả em đỡ khổ.
Em thương nó – Ừ thôi chuyện đó
Nhưng hôm nay em mới nghĩ ra
Anh đã biến thành người định kiến
Mực ơi!
đừng oán chủ Mực à!…

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Tai bỗng nghe những tiếng thì thầm
Tiếng người nói xen tiếng đời ầm ã
– Chúng phá hiệp thương
– Liệu có hiệp thương
– Liệu có tuyển cử
– Liệu tổng hay chẳng tổng ?
– Liệu đúng kì hay chậm vài năm ?
Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng.
Ôi xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước Tương lai
Người quên mất Mỹ là sư tử giấy.
Người vẫn vội – Người chưa kiên nhẫn mấy
Gan người ta chưa phải đúng công nông
Người chửa có dạ lim trí sắt
Người mở to đôi mắt mà trông !
A tiếng kèn vang
quân đội anh hùng
Biển súng
rừng lê
bạt ngàn con mắt
Quân ta đi tập trận về qua
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà…
Lá cờ ấy lá cờ bách thắng
Đoàn quân kia muôn trận chẳng sờn gan

Bao tháng năm đói rét nhọc nhằn
Từ đất dấy lên
là quân vô sản
Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được chiến tranh
giữ được hòa bình
Giặc cũ chết – Lại lo giặc mới
Đoàn quân ấy kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu
Dân ta ơi ! chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có LÝ ? Và ai có LỰC ?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy
Biết nhân dân
Biết Tổ Quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
Không biết nhục
Không biết thua
Không biết sợ !

Hôm nay
Cả nước chỉ có một lời hô
THỐNG NHẤT
Chúng ta tin khẩu hiệu ta đòi
– Giả miền Nam !
Tôi ngửa mặt lên trời
Kêu một tiếng – Bỗng máu trời rơi xuống
Vài ba tia máu đỏ rớt vào tôi
Dân ta ơi !
Những tiếng ta hô
Có sức đâm trời chảy máu.
Không địch nào cưỡng nổi ý ta
Chúng ta đi – Như quả đất khổng lồ
Hiền hậu lắm – Nhưng mà đi quả quyết…
Hôm nay
Những vần thơ tôi viết
Đã giống lưỡi lê : Đâm
Giống viên đạn : Xé
Giống bão mưa : Gào
Giống tình yêu : Thắm

Tôi thường tin ở cuộc đấu tranh đây
Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu
Tôi là người vô địch của lòng tin
Sao bỗng đêm nay,
tôi cúi mặt trước đèn ?
Gian nhà vắng chuột đêm nó rúc.
Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.
Hừ ! Chúng đã biến thành tảng đá
chặn đường ta !
Em ơi thế ra
Người tin tưởng nhất như anh
vẫn có phút giây ngờ vực
Ai có lý ? Và ai có lực ?
Ai người tin ? Ai kẻ ngã lòng tin ?
Em ơi
Cuộc đấu tranh đây
cả nước
Cả hoàn cầu
Cả mỗi người đêm ngủ vẫn lo âu
Có lẫn máu, có xót thương lao lực
Anh gạch xóa trang thơ hằn nét mực
Bỗng mặt anh nhìn thấy ! lạ lùng thay !
Tảng đá chặn đường này !
Muôn triệu con người
Muôn triệu bàn tay
Bật cả máu ẩy đá lăn xuống vực !
Anh đã nghĩ: Không có đường nào khác
Đem ngã lòng ra
mà thống nhất Bắc Nam ư ?
Không không !
Đem sức gân ra !
Em ơi em !
Cái này đỏ lắm, gọi là TIM
Anh dành cho cuộc đấu tranh giành THỐNG NHẤT

Hôm nay
Trời đã thôi mưa
thôi gió
Nắng lên
đỏ phố
đỏ nhà
Đỏ mọi buồng tim lá phổi
Em ơi đếm thử bao nhiêu ngày mưa!
Bây giờ
Em khuân đồ đạc ra phơi
Em nhé đừng quên
Em khuân tất cả tim gan chúng mình
phơi nắng hết.
Em nhìn
cao tít
trời xanh
Dưới phố bao nhiêu cờ đỏ
Hôm nay em đã có việc làm
Lương ít – sống còn khó khăn!
Cũng là may…
Chính phủ muôn lo nghìn lắng
Thực có tài đuổi bão xua mưa
không thì còn khổ!
Em treo cờ đỏ đầu nhà
Lá cờ trừ ma
Xua được bóng đen chúng nó…
Đúng rồi! Đó là công sức của dân ta
lùa mây đuổi gió
Những vết thương kháng chiến đỏ lòm
Đã móm miệng, lên da lên thịt.
Tôi bỗng nhói ở nơi lồng ngực

Em ơi
Chúng đốt phố Ga-li-ê-ni
và nhiều phố khác.
Anh đã sống ở Sài – Gòn thủa trước
Cảnh miền Nam thành một góc tim anh
Chúng đốt tận đâu
mà lửa sém tim mình
Tim nó thui đen một nửa
Từ dạo ấy
mà em chẳng rõ.

– Em hãy đỡ cho anh khỏi ngã
Đứng dậy
Một lúc!
Cờ bay
đỏ phố
đỏ nhà
Màu cờ kia là thang thuốc chữa cho anh.
Em có thấy bay trên trời xanh
Hàng triệu tâm hồn?
Em ơi
Hôm nay
trời xanh
xanh đục
Nắng lên
đỏ phố
đỏ cờ…

Ta ở phố Sinh Từ
Em này
Hôm nay
đóng cửa
Cả nhà ra phố
mít tinh
Chúng ta đi
nỗi bão
biểu tình
Vung cờ đỏ
hát hò
vỡ phổi
Hỡi những người
thành phố,
thôn quê
Đói no lành rách
Người đang vui
Người sống đang buồn
Tất cả!
Ra đường!
Đi!
hàng đoàn
hàng đoàn
Đòi lấy tương lai:
HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT
ĐỘC LẬP
DÂN CHỦ
Đó là tim
là máu đời mình
Là cơm áo! Là ái tình
Nhất định thắng!

1955

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20080310/bai-tho-nhat-dinh-thang-cua-tran-dan/246626.html

Ảnh: Trần Dần (HH chụp)

Comments are closed.