Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (15)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

22. HOÀI VIỆT

Tranh luận về tập thơ Việt Bắc: Không đồng ý với Hoàng Yến và Hoàng Cầm

Theo ý tôi, bài nhận xét của Hoàng Cầm có nhiều điểm tương tự như bài của Hoàng Yến nên ở đây chỗ nào có thể nói chung được thì chúng tôi xin miễn tách riêng, còn chỗ nào cần để riêng thì chúng tôi xin ghi là của từng cá nhân một. Khi nhận xét về các bài thơ trong tập Việt Bắc hai bạn trên đã để cho độc giả chúng tôi thấy rõ thái độ xoi bói, ít xây dựng. Thái độ xoi bói, ít xây dựng đã dẫn các bạn Cầm và Yến đến chỗ bắt buộc Tố Hữu phải bóp méo sự thực khách quan và đó là một điều tôi thấy chúng ta cần tránh nhất. Lấy thí dụ khi phê bình bài “Bà bủ”, Hoàng Cầm trích bốn câu:

Nó đi đánh giặc đêm nay

Bước run, bước ngã, bước lầy bước trơn

Nhà còn ổ chuối lửa rơm,

Nó đi đánh giặc đêm hôm sưởi gì?

Và cho rằng như thế thì anh bộ đội trong ý nghĩ của bà "bé bỏng và đáng thương" quá. Tôi không thấy như Hoàng Cầm mà ngược lại tôi thấy Tố Hữu đã ghi lại rất đúng tình cảm của người mẹ có con đi đánh giặc cứu nước. Người mẹ không buồn rầu đau khổ mà người mẹ chỉ yêu thương. Tình thương đó không thể không có được. Mà cũng không thể vì thế mà bắt bà mẹ phải coi đứa con của mình to lớn, khôn ngoan, ghê gớm được. Ðứa con là đứa con, đứa con là một phần linh hồn của người mẹ. Ðứa con đi đánh giặc giữ nước làm nhiệm vụ đối với Tổ quốc, người mẹ không gàn quải nhưng không bao giờ quên con. Tình thương đó phải thấm thía sâu sắc và là tình thương đứng đắn. Nhin thấy những vật quen thuộc quanh mình, những miếng ngon, người mẹ không thể không nhớ đến việc để dành phần con. Ðó là tính chất "con người" trong thơ Tố Hữu.

Tính chất "con người" đó còn hiện rõ trong hầu hết các bài thơ Tố Hữu, hoặc đậm hoặc nhạt. Hãy đọc lại những bài “Em bé Triều Tiên”, “Ðời đời nhớ Ông”, “Việt Bắc” để chúng ta cùng nhận định cho kỹ. Trong hai bài nhận xét của Hoàng Yến và Hoàng Cầm tôi thấy các bạn không chú trọng đến điểm đó. Ðã không chú trọng, các bạn lại còn bắt Tố Hữu phải "làm như thế này như thế kia" nghĩa là làm theo ý muốn của các bạn đó. Vì vậy tư tưởng cầu toàn đã hiện rõ trong khi phẩm bình từng bài một, hay từng đoạn một. Lấy thí dụ: khi nói về bài thơ ca ngợi lãnh tụ, Hoàng Cầm cho rằng Tố Hữu đã làm cho lãnh tụ chúng ta "xa xôi và cách biệt, như một đạo sĩ đi nhàn du trong rừng". Hoàng Cầm muốn Tố Hữu phải tả cho kỳ đủ "những giờ Người ra tiền tuyến đến bên cạnh dân công, bộ đội; Người ở nông thôn bàn bạc chuyện trò với các cụ phụ lão nông dân". Hoàng Cầm cho rằng "lãnh tụ của ta không những chỉ có thế" và bắt Tố Hữu phải nói lên cho đầy đủ tình cảm của toàn dân đối với lãnh tụ. Thật là máy móc, buồn cười. Tại sao Tố Hữu lại cứ phải như Hoàng Cầm nghĩ mới được.

…Không phải chỉ riêng trong các bài ca ngợi lãnh tụ, trong bài “Phá đường”, “Giữa thành phố trụi”, “Cá nước”…, chúng ta thấy cả Hoàng Cầm, Hoàng Yến đều bắt Tố Hữu phải ghi phải nói cho thật đầy đủ. Người bộ đội, theo ý Hoàng Cầm thì vĩ đại hơn nhiều mà trong thơ của Tố Hữu nó chỉ là "hình ảnh đẹp một cách mỏng manh, mờ nhạt như dáng dấp của một người lẫn trong sương, trong một bức tranh chấm phá". Ở đây thì tôi đồng ý một điểm, đó là Tố Hữu chưa nói được anh bộ đội của chúng ta trưởng thành vĩ đại như thế nào và cũng chưa chỉ cho ta thấy rõ mối tình giai cấp ruột thịt giữa các đồng chí đội viên. Nhưng Tố Hữu đã đứng về phía bản thân để nói lên cảm tình thắm thiết của một người cán bộ đối với một người Vệ quốc, mối cảm tình đó là một thứ tình giai cấp đẹp đẽ, thấm thía.

Ngoài tư tưởng cầu toàn nói trên trong hai bài phê bình của các bạn Cầm và Yến, nhất là trong bài của Hoàng Cầm, tôi còn thấy có nhiều chữ dùng quá đáng. Hoàng Cầm cho rằng hơi thở trong tập Việt Bắc là "một hơi thở cũ kỹ, lạc hậu, những hình ảnh trong bài “Chiến sĩ Ðiện Biên” là những hình ảnh cứng nhắc, một chiều, kém sinh động, có vẻ đao to búa lớn, giống như một vại nước to, nước đầy tràn pha lẫn một mầu sữa"… Theo ý tôi, Tố Hữu là một nhà thơ hai mươi năm làm cách mạng, cái đó đã cho anh nhìn thấy kẻ thù một cách rõ rệt và đun sôi lòng căm thù trong anh. Nói rằng anh hời hợt, không gây được căm thù thì không đúng. Lại nói rằng cũ kỹ, lạc hậu thì chính tôi cũng rất thắc mắc. Vì tôi chưa thấy có một bài thơ nào – ngay cả thơ của Hoàng Cầm nữa – mới mẻ, tiến bộ hơn mà không có một cái giọng na ná như thơ Tố Hữu. Cái nhìn của Tố Hữu trong các bài thơ đều được lọc qua một nhãn quan đặc biệt. Mà cái đặc biệt nhất là thơ anh mang nặng tính chất dân tộc cách mạng chứa đựng một nhân văn chủ nghĩa cách mạng. Thơ Tố Hữu đã dạy cho chúng ta một bài học yêu nước thấm thía. Tôi xin kể ra đây một câu chuyện nhỏ. Tôi có một người bạn vừa ở Pháp về. Mười mấy năm du học ngoại quốc đã làm cho anh xa cách nhân dân, xa cách Tổ quốc; cũng vì thế anh chưa hề được đọc một tác phẩm nào viết trong cách mạng và kháng chiến. Thái độ của anh đối với chúng ta vẫn còn hoài nghi rất nặng. Nhưng anh muốn ở lại đây để nhìn tận mắt xem những điều anh đã được nghe có đúng với sự thực không? Rồi anh tìm đọc những tác phẩm của chúng ta. Cuối cùng anh ở lại, mặc dầu gia đình nhiều lần thúc giục anh ra đi. Hỏi vì sao anh ở lại? Anh trả lời chung cho tất cả các bạn hữu: – Vì tôi đã được đọc thơ Tố Hữu, vì Tố Hữu đã dạy cho tôi biết yêu đất nước của chúng ta. Tôi không thể quên được những câu sau này trong thơ Tố Hữu:

… Mây nhở nhởn bay

Hôm nay ngày đẹp lắm

Mây của ta, trời thắm của ta

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!

… Ai về nói với quê hương tha thiết

Sông Hương, bến Hát, cửa Tùng

Ai vô đó với đồng bào đồng chí

Nói với nửa Việt Nam yêu quý

Rằng: Nước ta là của chúng ta

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!

Thật là vinh dự cho Tố Hữu, thật là vinh dự cho những kẻ cầm bút chúng ta: Vinh dự vì đã có một Tố Hữu; tôi đọc ký sự Ngụy nguy, tôi thấy chỉ trong chế độ của chúng ta mới có những văn nghệ sĩ ưu tú như thế, chỉ có những người cộng sản mới có một tình yêu Tổ quốc sâu xa đến như thế, chân thành đến mực truyền cảm rung động kỳ diệu như thế!

Câu chuyện tôi kể trên đây nó cũng là ý nghĩ chung của nhiều người. Riêng tôi, tôi chỉ muốn nhấn mạnh ở một điểm: Nếu thơ Tố Hữu không có giá trị thì nó không được quảng đại quần chúng yêu chuộng say sưa như hiện nay. [1]

Và tôi còn muốn nói thêm: cái hay bù cái dở, thơ Tố Hữu nhất định còn được để lại được giữ lại rất lâu, không phải chỉ trong một thời gian là mất hết. Và nói như thế nghĩa là mặc nhiên công nhận thơ Tố Hữu có giá trị lớn.

Thật vậy, trong cách mạng và kháng chiến, chúng ta đã có rất nhiều nhà thơ. Những nhà thơ ấy so với Tố Hữu về số lượng sáng tác thì không kém hay có khi còn hơn nữa, nhưng về chất lượng thì không hơn được Tố Hữu. Tôi là một người yêu thơ thích làm thơ. Tôi đã tìm đọc rất nhiều thơ của các thi sĩ của chúng ta nhưng tôi chưa thấy ai giầu tâm hồn như Tố Hữu, chưa thấy ai điển hình được cho dân tộc chúng ta như Tố Hữu. Nếu không giầu tâm hồn thi sĩ thì không thể nhìn được đất nước nhìn cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta qua một nhỡn quan có nhiều góc cạnh đến như thế. Này là Việt Bắc thân yêu với những làng những bản, "những đồi cọ vườn chè".

Những hình ảnh tất nhiên là chưa nói đủ lên được tất cả cái vĩ đại của dân tộc chúng ta nhưng đã ghi được những nét lớn nhất của Cách mạng và Kháng chiến. Thơ Tố Hữu cho ta thấy những anh hùng mới của dân tộc, những anh hùng tập thể anh dũng và vinh quang vô cùng. Những anh hùng đó không riêng ở một cương vị nào mới xuất hiện mà có mặt ở trong tất cả mọi ngành, mọi tổ chức, mọi từng lớp xã hội. Chúng ta vinh dự vì được đứng trong một dân tộc có những anh hùng như thế. Ðó là một điểm thành công không chối cãi được của Tố Hữu.

Tuy nhiên tôi cũng có một vài nhận xét nhỏ đối với thơ Tố Hữu. Tôi muốn nói đến những khuyết điểm của thơ anh. Tôi thấy trong thơ Tố Hữu hình ảnh của các giai cấp động lực của cách mạng rất ít được nhắc đến. Tôi muốn nhìn thấy một anh công nhân trong xưởng thợ, một người nông dân ngoài đồng ruộng và ngay cả trong bộ đội nữa, nhưng tôi chưa được thỏa mãn. Trong bài “Lại về”, “Lên Tây Bắc”, thái độ của tác giả bàng quan, thụ động, thiếu tính cách thúc đẩy do đó không gây được sự đồng tình của người đọc. Nhiều đoạn thơ dài, thừa hơi như trong bài “Việt Bắc” tình cảm trải trải không cô đọng nên tác dụng cũng bớt đi nhiều.

Nếu khắc phục được một vài khuyết điểm nhỏ ở trên thì thơ Tố Hữu nhất định không phải ở trong tình trạng "đáng buồn" như Hoàng Cầm và Hoàng Yến đã phê phán.

Nguồn: Văn nghệ, số 69 (21.4.1955)

[1] Ở bản gốc câu này in nét đậm (NST).

Comments are closed.