Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (17)

    Lại Nguyên Ân

    sưu tầm và biên soạn

    24. LÊ QUANG THÀNH (Hà Đông)

    Góp ý kiến thảo luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu

    Những ý kiến của chúng tôi xếp thành ba vấn đề:

       

  • Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?

  • Những chỗ thiếu sót của Tố Hữu

  • Tố Hữu là nhà thơ của thời đại

       

    Trong ba vấn đề trên, chúng tôi có nêu một số điểm đồng ý hay không đồng ý với các bạn Hoàng Yến, Vũ Ðức Phúc, Hoàng Cầm.

    Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?

    Trước hết qua các bài phê bình tập thơ Việt Bắc, chúng ta đã thống nhất với nhau thế nào là những tình cảm lớn của thời đại chúng ta. Ðó là tình cảm số lớn quần chúng cách mạng đông đảo (chủ yếu là công, nông, binh) đứng lên đấu tranh đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ.

    Trong 8,9 năm qua, tình cảm đó là lòng yêu nước, chí căm thù, ý chí bất khuất bất cứ trước một sức mạnh tàn bạo nào, tình thương yêu giai cấp, tình thương yêu đồng chí, tình quân dân, tình cán bộ với quần chúng, tấm lòng kính mến Ðảng, kính mến lãnh tụ, tình yêu nhân loại cần lao. Tóm lại là tình cảm cách mạng.

    Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu là tập thơ làm trong thời kỳ kháng chiến, và trong đó có một số ít bài làm sau khi hòa bình đã được lập lại. Ở đây, chúng tôi đồng ý với Hoàng Yến về cách đặt vấn đề: tập thơ Việt Bắc có nói lên được tình cảm của thời đại chúng ta không? Mà không đồng ý với Vũ Ðức Phúc cho Hoàng Yến là chủ quan, gò ý nghĩa tập thơ theo ý của mình. Vì thực tế là phần lớn các bài thơ trong tập thơ Việt Bắc làm trong kháng chiến, phản ánh những việc và tình cảm của kháng chiến.

    Ðó là điểm căn bản để đánh giá tính chất hiện thực trong tập thơ Việt Bắc.

    Ðiểm thứ hai là những tình cảm lớn đó biểu hiện như thế nào? Tình cảm đó khi thì bộc lộ, khi thì kín đáo, âm thầm, nhưng nói chung đều sâu sắc, thắm thiết.

    Hoàng Yến nói: "Một thi phẩm phản ánh được thời đại phải trào lên những dòng thơ hừng hực chiến đấu, đỏ rực căm thù, có mãnh lực động viên, kích thích hàng triệu người ra mặt trận đấu tranh". Không nhất định như thế. Chúng ta cần có những thiên anh hùng ca thật mạnh, dồn dập, lôi cuốn. Nhưng cũng cần có những bài thơ kín đáo, ý nhị, giản dị và thấm vào lòng người đọc, mà không kém phần sâu sắc. Nếu hai cách diễn đạt ấy mà đều phản ánh đúng sự thật, nói đúng nội dung và tình cảm của chúng ta, chúng ta đều hoan nghênh, và hai cách diễn đạt đều có tác dụng động viên tinh thần quần chúng. Vả lại, như đồng chí Trường Chinh nói: cuộc chiến tranh ái quốc của chúng ta là một cuộc chiến tranh toàn diện. Chúng ta không những chiến đấu ở ngay mặt trận, mà cả ở hậu phương, không cứ ở bộ đội, mà còn ở mọi ngành, không những trên mặt trận quân sự mà còn ở các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hoá, không phải chiến đấu với kẻ thù hữu hình, mà còn phải chiến đấu với kẻ thù vô hình, tức là những tư tưởng sai lầm của chúng ta nữa. Trong 8,9 năm kháng chiến cũng cần phải soát lại những giá trị cũ, phải nhìn lại xem những tình cảm lạc hậu nào đã rơi đi, và những tình cảm tiến bộ, mới mẻ nào đã xuất hiện, như quan niệm sống và chết, tình gia đình, tình mẹ con, chồng vợ, v.v…

    Dựa trên hai điểm đó, chúng ta cùng thảo luận đánh giá tính chất hiện thực trong tập thơ Việt Bắc. Ở đây khả năng và trình độ chúng tôi có hạn, chỉ xin đi vào một vài hình ảnh nổi bật nhất trong tập thơ Việt Bắc.

    Hình ảnh anh bộ đội:

    Ai cũng nhận thấy rằng Tố Hữu đã để một phần tình cảm quan trọng của mình vào anh bộ đội. Kể từ cách mạng tháng Tám thành công cho đến năm đầu kháng chiến, hình ảnh anh bộ đội chưa xuất hiện trong thơ ca, hay hiện ra một cách không đúng, không đầy đủ.

    Năm 1947, trong bài “Cá nước”, Tố Hữu cho ta thấy rõ anh bộ đội chiến đấu vô cùng gian khổ nhưng cũng vô cùng anh dũng và rất mực hiền lành:

    Tôi nhích lại gần anh

    Người bạn đường anh dũng

    Anh chiến sĩ hiền lành

    Tỳ tay trên mũi súng

    Anh bộ đội của ta chỉ là người nông dân mặc áo lính:

    Bố đi đánh giặc còn lâu

    Mẹ mày cày cấy ruộng sâu tối ngày

    Hoàng Cầm muốn hỏi Tố Hữu từ nguồn gốc sâu xa nào anh cán bộ và anh bộ đội gặp nhau mà trở nên thân thiết. Nhưng Tố Hữu chỉ cần nhìn thấy bộ đội đối với nhân dân ta là một hình ảnh vô cùng thân thiết, gặp nhau là thương yếu, quý mến nhau:

    …Anh người đâu, tôi đâu

    Gần nhau là thân thiết

    Một thoáng lặng nhìn nhau

    Mắt đã tìm hỏi chuyện

    Ðôi bộ quần áo nâu

    Ðã âm thầm thương mến

    Hình ảnh anh bộ đội ngày càng nổi bật rất rực rỡ trong bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”:

    Những đồng chí thân làm giá súng

    Ðầu bịt lỗ châu mai

    Băng mình qua núi thép gai

    Ào ào vũ bão

    Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

    Nát thân, nhắm mắt, còn ôm

    Những bàn tay xẻ núi lăn bom

    Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện

    Tố Hữu thật đã tổng kết được những nét điển hình nói lên sự anh dũng phi thường của bộ đội ta trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Tố Hữu nhìn thấy khi xông lên giết giặc, anh bộ đội dũng mãnh như hổ như báo, ý chí giải phóng Ðiện Biên vững như đá:

    … Nghe trưa nay tháng 5 mồng 7

    Trên đầu bay, thác lửa hờn căm!

    Trông bốn mặt, lũy hầm sập đổ

    Tướng quân bay lố nhố cờ hàng

    Trông, chúng ta cờ đỏ sao vàng

    Rực trời đất Ðiện Biên toàn thắng

    Nếu ta theo dõi hình ảnh anh bộ đội từ bài “Cá nước” qua các bài “Bầm ơi”, “Bắn”, “Voi”, rồi đến “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, ta sẽ thấy rõ anh đội viên thường của chúng ta ngày càng trưởng thành, tình cảm của anh ngày càng phong phú. Hình ảnh anh bộ đội lúc mới xuất hiện đã đáng yêu, thì ngày càng đẹp và càng đáng yêu hơn nữa.

    Trong bài “Bắn”, Hoàng Yến có nhận xét hình ảnh "ngon như một đĩa thịt bò tươi" xa lạ với chiến sĩ, người nông dân mặc áo lính, ít khi được thấy "đĩa thịt bò tươi". Chúng tôi thấy nhận xét như thế hơi quá đáng. Bộ đội ta chiến đấu trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian khổ, nhưng không đến nỗi không thấy thịt bò tươi bao giờ, nhất là không hiểu nổi ý "ngon như thịt bò tươi" trong thơ Tố Hữu. Không đồng ý với Hoàng Yến, Vũ Ðức Phúc phân tích: "Thực tế người ta thèm thuồng những cái gì ít khi được hưởng thụ. Chính vì ít khi anh bộ đội được ăn thịt bò tươi, anh thèm thịt, nên ví cái đồn địch như một đĩa thịt bò tươi là rất đúng", và kết luận: "Cái cảm giác đó cũng có tính chất hiện thực mới. Vì anh bộ đội hay ao ước "chất" nhất, mà "chất" nếu không là thịt lợn thì thường là thịt bò". Theo chúng tôi, phân tích như vậy sẽ đi đến nhận xét lung tung (chúng tôi xin tạm dùng chữ lung tung vì chưa tìm được chữ nào cho gọn) bất cứ một cái gì cũng cho là có tính chất hiện thực mới cả. Mà hiện thực mới của chúng ta phải là nêu cho được những người và việc điển hình trong xã hội đang đi tới.

    Cũng trong bài này, tôi đồng ý với anh Vũ Ðức Phúc là trong phút chờ đợi phát lệnh bắn, Tố Hữu đã diễn tả được căm thù phẫn nộ trước lúc bắn cháy đồn giặc. Nhưng tôi không đồng ý với chỗ anh Vũ Ðức Phúc lập luận: "Một người đã vào sinh ra tử trong bao nhiêu năm trời, nếm đủ mọi mùi tàn ác của đế quốc, một người như Tố Hữu phải đâu là người không cảm thông được nỗi căm hờn giặc, dù chỉ là nghe chuyện mà hình dung ra việc. Một người như vậy, nếu ta kết luận là "tổng kết việc trên tài liệu" thì cũng nên suy nghĩ một chút". Chúng tôi thấy lập luận như thế chưa đúng hẳn. Ai cũng biết Tố Hữu là một thi sĩ cộng sản. Nhưng không nên chỉ căn cứ vào đó mà đánh giá thơ của anh câu nào cũng đúng, cũng hay, hễ muốn nói căm thù là y như biểu lộ được căm thù. Vì như thế dễ sinh ra quá rộng rãi, hoặc thành kiến hẹp hòi đối với một tác phẩm nghệ thuật.

    Tình cảm phá đường:

    Nhận xét về bài “Phá đường” của Tố Hữu, Hoàng Yến cho rằng tình cảm trong bài thơ đó là thứ tình cảm chung chung. Anh viết: "Tôi tự hỏi như thế thì tình cảm của con người phá đường trong kháng chiến với tình cảm đắp đường trong hòa bình khác nhau ở chỗ nào?" Và: "Tinh thần và tình cảm ấy không những riêng cho công việc phá đường mà nó biểu hiện trong mọi công tác phục vụ khác, bất cứ ở đâu và lúc nào…"

    Nhưng Hoàng Yến quên một điều khá quan trọng: Hoàn cảnh phá đường khi Tố Hữu tả là ở Bắc Giang về mùa rét, trong thời kỳ đầu của giai đoạn phòng ngự, chứ không phải là tất cả mọi hoàn cảnh phá đường trong toàn quốc trong suốt hai giai đoạn phòng ngự và cầm cự. Cũng không phải là "cảnh lao động thông thường chung chung mà người ta thường bắt gặp bất kỳ ở hậu phương hay tiền tuyến, trong công tác phá hoại hay kiến thiết", mà đấy là nông dân một thôn, một xã theo lời kêu gọi của Chính phủ, đi phá đường cái quan để chặn xe cơ giới địch, chuẩn bị phá tan tấn công thu đông năm 1947 của địch lên Việt Bắc. Sở dĩ Hoàng Yến thấy lưỡi cuốc phá đường giống lưỡi cuốc đắp đường bởi vì Hoàng Yến chỉ nhìn thấy lưỡi cuốc, chỉ thấy "hì hà hì hục – lục cục lào cào" – hoặc: "anh tài thì em cũng tài,” v.v… mà không chú ý toàn bộ bài thơ, không chú ý phần đầu tả không gian, thời gian cụ thể:

    Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế

    Gió qua rừng Ðèo Khế gió sang

    Em là con gái Bắc Giang…

    Ðể nêu lên lòng yêu nước của nông dân Việt Nam, vẽ lên cảnh chuẩn bị, náo nức của một địa phương phá tan tấn công của giặc, Tố Hữu đưa ra một người phụ nữ nông thôn, với những hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cũng gác bỏ việc nhà đi phục vụ lợi ích kháng chiến. Lợi ích cá nhân, gia đình phục vụ cho lợi ích dân tộc. Người phụ nữ nông thôn đó đã đấu tranh và giải quyết được mâu thuẫn đó một cách vui vẻ, công tác với một tinh thần thi đua phấn khởi. Chúng tôi cho như thế chính là hiện thực, bởi vì đã "biểu hiện xác đáng những tính chất điển hình trong những trường hợp điển hình" (Ăng-ghen).

    Cũng trong bài này Hoàng Cầm hỏi: "Tại sao lại gió rét? Gió rét có gợi ra được cái gian nan, vất vả của việc phá đường không? Tuyệt nhiên là không?" Có chứ. Ngay anh em cán bộ chúng ta, khi Chính phủ chưa phát áo trấn thủ, nhớ lại những đêm đông rét lạnh ở chiến khu, chúng ta cảm thấy thấm thía cái rét đó lắm. Huống hồ người nông dân chưa được chia ruộng đất, đời sống còn thiếu thốn, giữa đồng rộng đêm khuya gió hút, áo quần phong phanh làm sao không gian nan,vất vả vì gió rét được.

    Hình ảnh Hồ Chủ tịch:

    Theo Hoàng Cầm, hình ảnh Hồ Chủ tịch trong thơ Tố Hữu "mới là một đôi chút bề ngoài của Hồ Chủ tịch. Còn những giờ Người ra tiền tuyến, đến bên cạnh dân công, bộ đội; Người ở nông thôn, bàn bạc, chuyện trò với các phụ lão nông dân…", Hoàng Cầm cho rằng "cách ca ngợi lãnh tụ như thế chưa phải là tình cảm toàn dân đối với Hồ Chủ tịch".

    Theo chúng tôi hiểu nếu tả lãnh tụ mà tả tỉ mỉ những khi Người làm việc này, khi làm việc khác, tả từng hành động của Người… thì không thể nào tả hết được. Mỗi một lời nói, mỗi hành động của Người đều có tác dụng giáo dục, động viên quần chúng, đều gây nên những ý nghĩ mới mẻ, tươi đẹp cho chúng ta. Nếu đi theo Người để tả đúng, tả hết những hành động của Người thì sẽ để lấp "cái gì lớn lao sau những chi tiết vụn vặt", chi bằng mang cái máy ảnh mà chụp còn hơn. Nhà văn Tôn-stôi nói: "Công việc của nghệ sĩ trong giai đoạn lịch sử này là khai thác ở trong thực tại cái gì điển hình, cái gì độc giả có thể nhìn bao trùm được, ta liên kết những sự kiện, những ý tưởng, mâu thuẫn vào một hình ảnh sinh động…" Hành động của Hồ Chủ tịch là hành động lãnh đạo, là chỉ rõ đường đi của cách mạng Việt Nam đến thắng lợi, bao trùm tất cả mọi mặt, mọi ngành… Làm thế nào nói lên được cái đó, đồng thời nói lên được tình cảm lớn lao của dân tộc ta đối với Người, và Người đối với dân tộc.

    Những câu của Tố Hữu như:

    Các anh chị, các em ơi có phải

    Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh

    Môi ta thầm kêu "Bác Hồ Chí Minh!"

    Và mỗi trận mỗi mùa thu thắng lợi

    Ðôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi

    Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ

    Trên đường dài, hai cánh đỡ ta đi…

    đã nêu được sự tin tưởng sắt đá vào lãnh tụ của chúng ta, và dưới sự lãnh đạo của Người, chúng ta đã trưởng thành mau chóng trong chiến đấu.

    Hoặc tả sự thông cảm của Hồ Chủ tịch với nhân dân:

    Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ

    Lắng từng câu, từng ý chưa thành

    Người là Cha là Bác là Anh

    Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ…

    Ðọc những câu trên, chúng ta càng cảm thấy Hồ Chủ tịch lúc nào cũng ở bên cạnh mỗi một chúng ta, lắng nghe tâm sự của chúng ta, an ủi, khuyên răn khi ta vấp ngã, chỉ đường cho chúng ta đi…

    Trong bài “Sáng tháng 5” cũng như nhiều câu thơ trong các bài thơ khác của Tố Hữu, còn nhiều đoạn ca ngợi Hồ Chủ tịch và hình ảnh Hồ Chủ tịch lúc nào cũng vĩ đại, cũng bao trùm tình cảm chúng ta và cũng đi sâu vào lòng chúng ta.

    Chúng tôi cho rằng hình ảnh lãnh tụ trong tập thơ Việt Bắc là thành công nhất.

    Hai bài thơ làm sau khi hòa bình lập lại:

    Hoàng Cầm nhận xét: "Bài ‘Ta đi tới’ giống như một vại nước to, đầy tràn, pha loãng một màu sữa. Loãng quá. Tôi thêm [6] một cốc dù nhỏ thôi, nhưng chan chứa những chất sống nuôi dưỡng tâm hồn. Theo ý tôi, giá trị thơ không phải là ở chỗ đầy đủ, mạch lạc về một vấn đề chính trị. Thơ phải đi sâu vào từng góc cạnh của tâm hồn từng lớp người đang xây dựng thời đại mới".

    Chúng tôi quan niệm khác Hoàng Cầm.

    Không nhất định "muốn nói tất cả phải đi sâu vào một khía" mà có thể tổng hợp lại thành những nét điển hình chung, tiêu biểu nhất và giá trị của thơ cũng chính là ở chỗ nói đầy đủ, mạch lạc một vấn đề chính trị. Còn vấn đề chính trị đó lớn hay nhỏ, rộng hay hẹp, nông hay sâu lại là vấn đề khác. Một bài thơ mà thiếu sót hoặc sai lầm về chính trị là bài thơ chưa đầy đủ giá trị hay hỏng, bị quần chúng phản ứng ngay. Thắng lợi hòa bình là một thắng lợi vĩ đại, là một bước ngoặt lịch sử của dân tộc ta. Sau khi hòa bình lập lại trên đất nước, toàn thể nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc, gái trai, già trẻ, đủ mọi tầng lớp, đều cảm thấy một niềm vui dạt dào, phấn khởi; chúng ta tưng bừng đón chào thắng lợi mà sau suốt 8, 9 năm chiến đấu gian khổ mới giành được. Ðúng như lời anh Xuân Diệu, bài thơ “Ta đi tới” đã diễn tả kịp thời và đúng những tình cảm lớn đó.

    Ta đi giữa ban ngày

    Trên đường cái ung dung ta bước

    Cái ung dung đi giữa ban ngày trên đường cái, chúng ta cảm thấy rất thấm thía. Ðã hết rồi, bóng dáng những chiếc máy bay giặc lồng lộn bắn phá trên đường giao thông. Ðã hết rồi những đêm trường lặn lội trên con đường dài dặc. Bây giờ ta ung dung đi giữa ban ngày. Bầu trời trong xanh của chúng ta cũng không còn bóng dáng tên giặc nào cả:

    Mây của ta, trời thắm của ta

    Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

    Nông thôn ta sau 8, 9 năm chiến tranh tàn phá, trở lại cảnh sống hòa bình, cây cối lại tốt tươi, hàng đàn trâu bò thong dong gậm cỏ ở đồng rộng thênh thang, trẻ em đi học được yên tĩnh khỏi bị máy bay giặc đe dọa hàng ngày. Bà mẹ Việt Nam, đã từng chịu nhiều đau xót chia ly tang tóc của chiến tranh, nhưng cũng là những bà mẹ anh hùng, hy sinh rất nhiều cho kháng chiến, giờ đây cũng vui mừng đón hòa bình:

    Mẹ ơi lau nước mắt

    Làng ta giặc chạy rồi

    Nửa nước ta đã hoàn toàn giải phóng. Nhưng chúng ta không bao giờ quên hiện nay nửa nước ta còn khổ cực dưới chế độ thực dân và phong kiến. Tấm lòng nhân dân ta ở miền Nam luôn luôn hướng về Hồ Chủ tịch về Trung ương, miền Bắc luôn luôn nghĩ đến miền Nam; tấm tình Nam Bắc là máu chảy ruột mềm, dù mưu ma kế quỷ đến đâu, kẻ thù cũng không bao giờ chia cắt được đất nước ta, cắt đi nửa khúc ruột của chúng ta. Ý chí thống nhất sắt đá không gì lay chuyển nổi đó đã biểu lộ trong bốn câu bình dị mà vô cùng thắm thiết:

    Dù ai nói ngả nói nghiêng

    Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

    Dù ai rào dậu ngăn sân

    Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ.

    Nội mấy câu trên, Tố Hữu đã nêu lên được khẩu hiệu đấu tranh trước mắt của toàn dân ta hiện nay: đấu tranh đòi thực hiện thống nhất đất nước. Ðồng chí Trường Chinh trong bản báo cáo về "Chủ nghĩa Mác với vấn đề văn hóa Việt Nam", có nói "Tuyên truyền cao tới một mức nào đó thì trở thành nghệ thuật. Nghệ thuật thiết thực tới một mức nào thì nghệ thuật có tính chất rõ rệt tuyên truyền… Một điều chắc chắn là nếu nhà văn nghệ đó thiết thực và trung thành với thời đại thì tác phẩm của họ, nghệ thuật càng cao, càng có ý nghĩa tuyên truyền mạnh."

    Chúng tôi xin lấy câu trên để nhận xét bài “Ta đi tới” của Tố Hữu.

    Ðến bài “Việt Bắc”. Về căn bản chúng tôi đồng ý với Xuân Trường, Xuân Diệu, bài thơ nói lên tình nghĩa mặn nồng của người cán bộ cách mạng đối với quê hương cách mạng, nơi đã dựng nên chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta. Chúng tôi xin thêm: bài “Việt Bắc” lại nói lên được tương lai của mối quan hệ tốt đẹp giữa nông thôn, thành thị, nói cách khác là tình thân yêu vững chắc đằm thắm giữa công nhân và nông dân.

    Chúng tôi hiểu chủ đề của bài thơ là như thế. Do đó chúng tôi cho rằng Hoàng Yến đi lạc chủ đề đó, là chủ đề mà thi sĩ định nói, để nêu lên một chủ đề khác là: "Cái việc từ Việt Bắc tiến về thủ đô là một sự kiện lịch sử lớn lao, đánh dấu bước thắng lợi vĩ đại của dân tộc…" và "tôi quan niệm cái việc tiến về thủ đô là cả một khí thế xuất sơn tiến về đồng bằng, cái khí thế "Nam hạ" mạnh mẽ, bừng bừng không sức gì cản nổi". Hoặc "…Chưa dựng được trong lòng ta cái Việt Bắc tôn kính, khởi điểm của cách mạng, chủ não của kháng chiến, miếng đất lịch sử đã ghi những chiến thắng lịch sử quyết định bước chuyển biến của cả một giai đoạn chiến tranh".

    Sau khi dựng lên cái khuôn như thế, Hoàng Yến lắp bài thơ “Việt Bắc” vào mà nhận xét là không đạt được, hay chỉ đạt được ở chỗ tả tình "thương người mến cảnh nồng nàn thủy chung".

    Chúng tôi cho rằng mọi người có thể có một cách đặt vấn đề, một cách nhìn các khía cạnh tình cảm khác nhau, miễn là đạt được yêu cầu chung: phản ánh được sự thật khách quan, những nét điển hình của nó và quá trình tiến lên của nó.

    Nhìn một cảnh phá đường, Hoàng Yến thấy cái khía "đau xót đào con đường thân yêu của mình", nhưng Tố Hữu lại nhìn vào khía "gian khổ, vất vả và vui lao động tập thể" của tình cảm phá đường, nhưng cả hai đều nói lên được: lòng yêu nước của người nông dân Việt Nam, ý thức chấp hành chính sách của Ðảng của nhân dân ta.

    Hoàng Yến còn tách riêng "tình thương mến nồng nàn thủy chung" với "quê hương cách mạng".

    Chúng tôi nghĩ rằng nhớ Việt Bắc chính là nhớ nơi quê hương cách mạng. Nhớ những đồng bào ở những nơi vắng vẻ nhất, vẫn một lòng nuôi cán bộ. Nhớ phong cảnh, nhưng chủ yếu là phong cảnh:

    Mình về có nhớ núi non

    Nhớ khi kháng Nhật thuở còn Việt Minh

    Mình đi mình có nhớ mình

    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

    Nhớ người, chủ yếu là nhớ những đồng bào nông dân rất nghèo khổ nhưng rất thương yêu cán bộ, bộ đội:

    Ta đi ta nhớ những ngày

    Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi

    Thương nhau chia củ sắn lùi

    Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

    Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

    Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô

    Trong bài thơ của Tố Hữu những cái nhớ "cách mạng" như thế rất nhiều, đọc lên ai cũng thông cảm, nhất là những người công tác cách mạng đã từng ở Việt Bắc. Những chiến công lịch sử kéo qua trước mắt ta: hồi Việt Minh kháng Nhật, Phủ Thông, Ðèo Giàng, sông Lô, Phố Ràng, Cao Lạng, Hòa Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên, v.v… làm ta càng thêm nhớ. Và ta thấy rõ rằng nhân dân Việt Bắc đã góp phần xứng đáng của mình vào thắng lợi cách mạng. Những hình ảnh đó gắn chặt vào lòng chúng ta. Không cần phải kể lể nhiều lời, dùng nhiều chữ cho mạnh, oai hùng, mới nói lên được những chiến công đó, lại càng không cần kể lại tỉ mỉ từng chiến công một. Cho nên, thơ Tố Hữu đặc sắc ở chỗ nói ít gợi nhiều, dùng chữ giản dị mà tả vẫn đúng.

    Việt Bắc cũng là đất nước chúng ta. Việt Bắc rồi đây cũng sẽ được vui tươi, đầm ấm trong mối tình giúp đỡ lẫn nhau giữa miền xuôi và miền ngược, giữa thành thị và nông thôn, mối tình công nông ngày càng chặt chẽ. Ðọc bài thơ “Việt Bắc” chúng ta càng yêu, càng nhớ Việt Bắc và càng muốn sao cho việc giao lưu hàng hóa giữa thành thị và nông thôn ngày thêm phát triển, để cho đời sống nhân dân lao động Việt Bắc được tươi đẹp.

    Còn như "khí thế xuất sơn, tiến về Nam hạ…" chúng tôi tìm thấy trong bài “Ta đi tới rồi”.

    Do tất cả những nhận xét trên, dựa trên chỗ chúng tôi hiểu về chủ nghĩa hiện thực đã nêu từ đầu, chúng tôi đi đến kết luận: Nói chung, tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu có tính chất hiện thực.

    Những chỗ thiếu sót của thơ Tố Hữu (tập thơ Việt Bắc):

       

  1. Thơ Tố Hữu một vài chỗ còn buồn quá. Ví như bài “Ðời đời nhớ Ông”. Nghe tin đồng chí Stalin, người bạn vĩ đại của nhân dân ta, mất, nhân dân ta không ai là không đau xót, không ai cầm được nước mắt. Ðó là một tổn thất không gì bù lại được, mọi người đều đau thương. Về mặt đó, Tố Hữu đã diễn tả rất đúng. Nhưng bài thơ không biến đau thương thành sức mạnh, và không nói lên được tuy Người đã khuất nhưng tinh thần của người vẫn còn, tư tưởng của Người vẫn đang chỉ đạo chúng ta đi. Tuy Tố Hữu có nói:

    Thương ông mẹ nguyện trong lòng

    Yêu làng yêu nước yêu chồng yêu con

    Ông dù đã khuất không còn

    Chân ông còn mãi dấu son trên đường.

    Nhưng những câu ấy còn yếu đuối quá. Mà ngay dưới bốn câu đó, lại có mấy câu cuối cùng:

    Ngàn tay trắng những băng tang

    Nối liền khúc ruột nhớ thương đời người

    Thành ra vừa gợi lên được một cái hướng đi lên, lại chìm xuống. Ðọc xong bài thơ, buồn quá. Tố Hữu chưa động viên được chúng ta chiến đấu tích cực, hăng hái hơn nữa theo lời đồng chí Stalin thường dạy chúng ta.

    Cái buồn đó còn rớt lại trong một số bài thơ khác. Tố Hữu hay dùng những hình dung từ như phân ly, không nguôi nhớ, hắt hiu, mắt buồn sắp nhắm, nhớ thương, lối cũ, rừng xưa… Ðọc những bài thơ Tố Hữu thỉnh thoảng ta lại vấp một vài câu buồn như thế. Nhân sinh quan của giai cấp tiểu tư sản còn rớt lại trong thơ Tố Hữu.

  2. Một đôi lúc trở lại cầu kỳ, khó hiểu, nhất là bài “Giữa thành phố trụi”. Sau bài “Việt Bắc” là bài rất giản dị, tha thiết dễ hiểu, đến bài “Lại về”, nhiều chỗ khó hiểu rắc rối, đọc lên có cảm tưởng không phải thơ Tố Hữu. Cách sắp xếp cũng cầu kỳ:

    Hà Nội ơi Hà Nội!

    Bao giờ

    Giữa thủ đô

    Cụ Hồ về

    Bộ đội

    Tiến vào năm cửa ô.

    v.v…

  3. Không có bài nào nói về cuộc cách mạng ruộng đất long trời lở đất ở nông thôn.

  4. Không nêu được một hình ảnh điển hình của thời đại là "anh cán bộ". Trong thời đại chúng ta, hình ảnh người cán bộ là một hình ảnh điển hình, cũng như hình ảnh anh bộ đội. Ở địch hậu, ở vùng tự do, miền xuôi, miền ngược, từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng có cán bộ. Cán bộ với quần chúng như bóng với hình. Tình cảm quần chúng đối với anh cán bộ rất thắm thiết, thân mến. Chúng ta tin rằng tất cả các cán bộ đoàn thể, chính quyền chúng ta đều mong Tố Hữu sẽ nói lên tình cảm của chúng ta, sẽ nêu lên được hình ảnh người cán bộ trong thơ của anh sau này.

     

Tố Hữu là nhà thơ của thời đại:

Những bài thơ trong tập thơ Việt Bắc đã nói lên một phần tình cảm tốt đẹp nhất của con người mới, của một thời đại mới, dưới một chế độ mới. Cụ thể là: tình yêu tổ quốc, yêu quê hương, lòng yêu lãnh tụ, yêu nhân loại cần lao và dũng cảm, lòng tin tưởng vững chắc vào thắng lợi đấu tranh. Thơ Tố Hữu là loại thơ thời sự, phục vụ quần chúng rất kịp thời, Tố Hữu có công trong việc xây dựng, hướng dẫn tình cảm cho quần chúng tiến lên theo kịp những biến cố lớn của thời đại, nhất là trong bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên” và “Ta đi tới”. Thơ Tố Hữu được đông đảo quần chúng ưa thích nhất. Riêng trong anh em cán bộ chúng tôi, anh nào yêu văn nghệ là y như có ít nhất một bài thơ Tố Hữu trong sổ tay của mình.

Do những lẽ trên, mặc dầu Tố Hữu còn nhiều thiếu sót nhưng những thiếu sót đó là chi tiết, phụ thuộc vào bộ phận, mà ưu điểm thì nhiều hơn, lớn hơn, căn bản hơn, Tố Hữu vẫn là nhà thơ của thời đại, và trong hàng ngũ các nhà thơ Việt Nam, Tố Hữu vẫn giữa vững vị trí tiền phong của mình.

Nguồn: Nhân dân, 21.4.1955; 22.4.1955

[1]“Tôi thêm”: chỗ này báo Nhân dân in sai, đúng ra là “Tôi thèm”.

Comments are closed.