Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (22)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

31. ÐÔNG HOÀI

Góp ý kiến về tập thơ Việt Bắc

Ðọc xong bài của Hoàng Cầm (Văn nghệ số 67), tôi không có chủ định phê bình lại bài của anh, nhưng tôi thấy cần thiết nhận xét một vài khía cạnh của bài đó.

Hoàng Cầm viết:

"Vì nhiều bài thơ (của Tố Hữu) rộng quá, tổng hợp quá, "chính trị" quá, nên nó bao quát và tất nhiên trở nên chung chung đại lược. "Ta đi tới", ta đi khắp cả và nhất định ta đi tới thống nhất đất nước. Lời đẹp, ý đúng, tình cảm bay rộng khắp nhưng không xoáy chặt vào lòng người".

Theo tôi, trong phạm vi văn học nói chung và thơ ca nói riêng, không thể có một tác phẩm hay một bài thơ nào có thể gọi được là "chính trị". Vì rằng nói tới nội dung của một bài thơ mà quên cái phần tư tưởng tính của nó đi, quên sự thúc đẩy của chủ nghĩa hiện thực đi, tôi e rằng không khéo sẽ bị rơi vào chủ nghĩa tự nhiên. Cái tư tưởng tính đó tức là lập trường chính trị của tác giả đã biến thành lập trường chính trị của con người, của sự việc ở trong tác phẩm. Có điều căn bản là khi diễn tả phải cho xác thực, đừng chụp mũ. Ðừng nghiêng về cảm tính, đừng xếch về lý tính.

Nếu trong khi sáng tác (hay phê bình cũng vậy) mà để cho cảm tính lôi cuốn, thì dễ bị lệch lạc, nông cạn, tầm thường. Và nếu để cho lý tính lôi cuốn, thì dễ bị khô khan, công thức, giả tạo. Cân bằng được hai khả năng đó, tổng hợp lại, đó là sự thành công của văn nghệ.

Có nhiều bài thơ của nhiều tác giả không có cảm xúc gì. Ðó là những câu có vần có điệu chứa đựng một cách gượng gạo một ít lý trí để tuyên truyền sống sượng. Theo tôi, thì đừng nên gọi những bài đó là "chính trị quá" mà gọi những bài đó là "lý trí quá", là "không phải thơ". Như thế đúng hơn.

Tôi nói tới ý thứ hai: "Nhiều bài thơ rộng quá, tổng hợp quá, nên nó bao quát và chung chung đại lược".

Tôi bỗng nhớ tới gần đây người ta hay nói tới "đề tài to" với "đề tài bé". Một số người thích đi tìm những đề tài bé nhưng lại nói lên một cái "ý vĩ đại". Và tới nay Hoàng Cầm lại phê bình các đề tài của Tố Hữu là rộng quá, bao quát quá, chung chung đại lược. Theo tôi, chớ nghiêng về bên nào. Hãy tìm ở những cảm xúc thực của mình mà viết. Có gì viết nấy, có to viết to, có bé viết bé. Ðừng "nặn" hoặc "đẻ" ra một cái gì mà mình không có cảm xúc. Ðề tài to, đề tài bé, được cả, miễn là nó gợi cảm, miễn là nó có giá trị văn học.

Cụ thể là nó có tác động mạnh, góp phần đắc lực vào cuộc chiến đấu chung. Trong văn học Việt Nam thiếu gì bài đề tài lớn, thí dụ như bài “Ðoạt giáo Chương Dương độ” của Trần Quang Khải, bài “Hịch tướng sỹ” của Trần Quốc Tuấn, bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi cũng "chung chung đại lược" nhưng là những tuyệt bút để lại cho đời sau.

Phê bình “Ta đi tới” Hoàng Cầm viết: "‘Ta đi tới’ ‘Hoan hô chiến sỹ Ðiện Biên’ giống như một vại nước to, đầy tràn pha loãng một mầu sữa. Loãng quá, tôi thèm một cốc dù nhỏ thôi nhưng chan chứa những chất nuôi sống tâm hồn".

Tôi không nói tới bài ‘Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên’ là bài tôi cũng cho là không hay. Còn bài ‘Ta đi tới’ mà Hoàng Cầm bảo là một vại nước loãng, thì lạ thật. Vậy nếu theo Hoàng Cầm thì cần thêm "chất" gì để cho vại nước đó đặc? Hoàng Cầm bảo "thèm một cốc dù nhỏ nhưng chan chứa những chất nuôi sống tâm hồn". Tôi thấy câu nói của Hoàng Cầm trừu tượng lắm. Theo tôi, trong thơ ca chỉ có những tình cảm lớn mới nuôi sống tâm hồn, mới làm cho người ta yêu đời, ham sống, thích chiến đấu. Chỉ có những tình cảm lớn mới làm cho người ta xông lên chiến đấu. Tôi không rõ cái "chất nuôi sống tâm hồn" của Hoàng Cầm là gì. Nhưng tin chắc không phải là những chất danh từ theo cái kiểu "bể xanh, bồ câu trắng, gió chiến thắng, mây hòa bình…".

Hoàng Cầm nói: "Theo ý tôi, giá trị thơ không phải ở chỗ đầy đủ, mạch lạc về một vấn đề chính trị".

Tôi đồng ý với Hoàng Cầm ở một phía nào đó. Nhưng theo tôi thì khác đi một chút nữa: Tư tưởng chính trị mà còn ở trạng thái lý trí thì chưa phải là thơ. Nó phải tiến lên trình độ được tình cảm hóa thật sự, nghĩa là nó biến thành những tình cảm lớn thì mới có thể thành thơ được. Ở đây tôi thấy Hoàng Cầm chưa chú ý tới một chỗ này: Hãy nắm chắc lấy sự cân bằng giữa cảm tính và lý tính để có được cái khách quan sáng suốt mà bắt lấy những chất gì là "rung động", là "tình cảm", là "tư tưởng tính" ở trong thơ, để phân biệt được với những cái gì là "lý trí", là "khô khan", là "công thức giả tạo", thì việc phê bình mới sát đúng được.

Cần phải nhận rõ rằng: Không phải là ai cũng làm được cái kiểu thơ to rộng như vậy. Phải có một tâm hồn rắn chắc, một tư tưởng vững vàng đi đôi với một lòng yêu nước, yêu nhân dân và căm thù giặc cao độ mới có thể đủ cảm xúc sản xuất được những áng thơ như thế. Còn nếu không thì nó sẽ dễ trở nên buồn cười, thơ chẳng ra thơ, lý luận cũng chẳng ra lý luận. Cho nên phê bình một bài thơ không nên đặt vấn đề: Nó không phải là thơ vì rằng nó đầy đủ mạch lạc về một vấn đề chính trị, mà chỉ nên đặt vấn đề là: Nó có tình cảm không? Nó có truyền cảm được không? Nó có thúc đẩy người ta xông lên chiến đấu không? Nghĩa là nó có phải là thơ hiện thực không? Thế thôi. Vì đặt vấn đề như Hoàng Cầm sẽ có cái nguy hiểm là do thành kiến trước mà nhận xét bài thơ sai với giá trị thực của nó đi.

Hoàng Cầm nói: "Thơ phải đi vào từng góc cạnh của tâm hồn lớp người đang xây dựng thời đại mới".

Tôi vẫn thấy Hoàng Cầm rất trừu tượng. Sáng tác thì có thể trừu tượng, nhưng phê bình phân tích một giá trị văn học, theo tôi, trừu tượng là một thiếu sót lớn. Ðồng ý với Hoàng Cầm là thơ đi vào góc cạnh của tâm hồn. Nhưng mà "lớp người đang xây dựng thời đại mới" là thế nào? Họ xây dựng bằng cái gì? Nếu không phải là họ xây dựng bằng cái trình độ giác ngộ của họ? Tóm lại đó là cái phần tư tưởng của họ, những tình cảm lớn của họ. Một bài thơ tuyệt tác nào của thời chúng ta mà lại không phải chứa đựng một vấn đề chính trị quan trọng? Có điều cách diễn đạt một vấn đề chính trị ở trong một bài thơ nó khác với cách diễn đạt một vấn đề chính trị ở trong một bài xã thuyết lý luận. [1] Nghĩa là đừng để cho một bài thơ thành những câu có vần và khô khan, mà phải diễn đạt thành những tình cảm lớn của con người mới. Nó phải thành thơ.

Hoàng Cầm nói: "Lập trường chính trị trong thơ tức là nói đúng được sự sống và xây dựng được tâm hồn của một người đang sống trong một thời đại cách mạng".

Tôi thấy Hoàng Cầm nhắc nhiều về chữ "tâm hồn" quá. Nhưng tâm hồn là cái gì? Xây dựng tâm hồn là thế nào? Tôi e rằng Hoàng Cầm quan niệm cái kiểu "tâm hồn" ở trong thơ với cái ý nghĩa duy tâm trừu tượng của nó. Theo tôi, nói đến lập trường thì phải nói đến tư tưởng. Trong địa hạt thơ ca phương pháp duy nhất để nâng cao tư tưởng chính là phương pháp cấu tạo những tình cảm lớn. [2] Và chỉ khi nào có được những tình cảm lớn ở trong người thì "tâm hồn" ta mới lâng lâng cao rộng, đẹp đẽ vô ngần. Nghĩa là tâm hồn ta mới được "xây dựng" như Hoàng Cầm đã nói.

Trong việc phê bình thơ Tố Hữu gần đây, nẩy ra cái khuynh hướng "suy diễn". Người ta suy diễn mạnh nhất là cái buồn ở trong thơ Tố Hữu. Rồi rất nhiều danh từ đã được đặt ra: buồn buồn, tủi tủi, hiu hắt, cô đơn, lạnh lẽo, ngùi ngùi, rơi rớt, xót xa… Thực ra trong thơ Tố Hữu cũng có cái buồn, cái cô đơn. Nhưng nó không đến nỗi trầm trọng một cách "suy diễn" như thế. Thậm chí có bạn, như Lê Ðạt, suy diễn bốn câu thơ Tố Hữu tả Hồ Chủ tịch (Văn nghệ 68):

Nhớ ông cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường

Nhớ người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.

Rồi nói là: "Một ông già tiên phong đạo cốt, nhàn tản đi giữa một cảnh thần tiên, thong dong một cách rất Lão Trang… Tác giả do cái thích thú chủ quan của mình đẩy lùi hình ảnh lãnh tụ vào quá khứ".

Mấy câu thơ trên đây hỏi có lột tả sự thực? Mắt Hồ Chủ tịch có sáng ngời không? Những ngày kháng chiến ở Việt Bắc, người có mặc áo nâu đeo túi vải không? Trông Người có đẹp tươi không? Có những buổi sáng tinh sương Người có đi công tác? Và tác phong cố hữu của Người có phải là ung dung bình tĩnh không? Và đồng bào Việt Bắc có mến yêu cái vẻ đẹp giản dị của Người không? Ai có thể bảo là không được? Vậy thì những điểm trên đây là một hiện tượng khách quan, Tố Hữu đã lột tả được rất nên thơ. Ở đây ta cũng cần nhớ rằng Tố Hữu đã tả Hồ Chủ tịch nhiều màu vẻ chứ không phải là một màu một vẻ này.

Vậy mà phê bình là "phong kiến quá", "rất Lão Trang", "đẩy lùi hình ảnh lãnh tụ vào quá khứ" thì quả là một kiểu suy diễn quá đáng, chụp mũ.

Sự "suy diễn" còn tiến tới mức là cố tìm một vài chữ trong một bài nào đó (chỉ một vài chữ thôi) như "mưa lun phun", "gió heo heo", "rét" để chứng minh là tình cảm của Tố Hữu cô đơn, buồn tủi. Thậm chí người ta tìm những câu tôn sùng lãnh tụ rồi suy diễn là thơ Tố Hữu tả "lãnh tụ xa rời quần chúng", cái kiểu "lãnh tụ phong kiến".

Nhưng cái tôn sùng của chúng ta đi đôi với sự thân mật, giản dị, gần gũi, mến yêu của lãnh tụ. Nó có chút gì là giống với sự thần thánh, như những tên đại phong kiến Tần Thủy Hoàng, hay phát xít Hít-le?

Theo tôi cái kiểu suy diễn thơ như thế cũng nguy hiểm không kém cái lối nhại thơ khi mà người ta không ưa một tác giả nào đó.

Một điểm quan trọng nữa mà tôi cũng cần nhấn mạnh là có những anh em như Hoàng Cầm, Lê Ðạt đã rơi vào cái quan niệm "nghệ thuật chủ nghĩa". Các bạn đó giải thích thơ ca một cách mới nghe thì là lý luận rất cao siêu, nhưng thực ra thì rất trừu tượng. Ðó là phương pháp đem những danh từ "xây dựng tâm hồn, nuôi sống tâm hồn, điệu tâm hồn…" để định nghĩa thơ ca. Các bạn đó vô tình hay cố ý đã tách rời hẳn hoặc coi nhẹ nhiệm vụ căn bản của thơ ca là phục vụ cho một nội dung chính trị cấp thiết nào đó. Như Lê Ðạt đã viết trong bài "Giai cấp tính trong thơ Tố Hữu" (Văn nghệ số 68): "Thơ Tố Hữu đứng về một phương diện nào mà nói, là thơ có ích. Tố Hữu có nhiều cố gắng phục vụ công tác chính trị… Thơ Tố Hữu nhiều chỗ là bài học chính sách tốt. Nhưng là những bài học về chính sách tốt không phải đã là hiện thực, đã công nông. Vấn đề nội dung, tôi nhắc lại, căn bản là cái điệu tâm hồn của tác giả".

Tóm lại phê bình thơ Tố Hữu và định nghĩa thơ như cái kiểu trên đây chỉ làm cho độc giả, nhất là độc giả công nông, hoang mang thêm thôi. Người ta cảm thấy rằng thơ ca là cái gì ghê gớm quá, cao siêu quá, không thể dùng nó để phục vụ cho công tác chính trị của mình được. Rốt cuộc rồi người ta sợ không dám làm thơ, mà chỉ ngồi "xem" làm thơ thôi.

Tôi cho rằng chính cái quan điểm của các bạn đó là hết sức phi hiện thực, phi công nông. Ðó là do cái quan niệm tôn sùng kỹ thuật, cái quan điểm kỹ thuật của đường lối văn nghệ cũ, chứ không phải cái quan điểm kỹ thuật của đường lối văn nghệ mới. Nó coi nhẹ phần tư tưởng tính của thơ ca, coi nhẹ cái ý thức phục vụ nhiệm vụ công tác trước khi cầm bút viết.

Chúng ta thường nhắc đi nhắc lại trơn như cháo chảy nào là vấn đề giai cấp tính, nào là vấn đề phục vụ công nông. Nhưng nếu không đem cái ý thức tư tưởng chính trị, cái ý thức đối với công tác, đối với chính sách, đối với nhiệm vụ trước mắt, nghĩa là cái ý thức của một người làm chính trị để diễn đạt thành thơ, thành nghệ thuật, để góp phần vào việc nâng cao tư tưởng và tình cảm của quần chúng, để thiết thực phục vụ công nông, thì nói phục vụ công nông chỉ là nói suông. Người ta thường nói thơ ca phải phục vụ cách mạng. Vậy mà không tuyên truyền cho đường lối chính sách cách mạng, không phục vụ cho công tác chính trị, thì nói phục vụ cách mạng cũng chỉ là nói trên giấy tờ, nói mép.

Việc đó Tố Hữu đã cố gắng làm. Có chỗ anh đã thành công, cũng có chỗ anh chưa đạt. Ðấy là điểm ta cần đi sâu, phân tích kỹ. Nhưng theo tôi, trước hết phải hoan nghênh cái đường lối đúng của anh đã. Phê bình với thái độ "coi rẻ" cái đường lối ấy, cho rằng chưa phải là thơ, thơ phải là: những cái gì "nuôi dưỡng tâm hồn", "điệu tâm hồn" kia. Tôi cho rằng cái tư tưởng nghệ thuật ấy, ngay từ xuất phát điểm đã phi công nông, phi hiện thực rồi.

Nguồn: Văn nghệ, số 70 (1.5.1955)

Comments are closed.