Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (29)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

 

42. VŨ ĐÌNH LIÊN

Mối tình dân tộc trong tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu


Một trong những tình cảm lớn mà tập thơ Việt Bắc đã xây dựng là mối tình tha thiết giữa cán bộ và chiến sĩ miền xuôi với đồng vào miền núi. Mối tình ấy đã nẩy nở trong cách mạng và kháng chiến, mối tình ấy đã được Hồ Chủ tịch vun trồng, bông hoa tươi đẹp đầu tiên đã nở trên bờ sông Ðà, trong khu tự trị Thái Mèo. Tố Hữu đã nói lên cho chúng ta mối tình tha thiết ấy. Trong tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu bài thơ “Việt Bắc” là bài thơ thắm thiết nhất.
Mười lăm năm cách mạng và kháng chiến, 15 năm cùng chịu đựng gian khổ, đùm bọc lấy nhau, cùng chiến đấu cùng thắng lợi, người cán bộ cách mạng, người chiến sĩ quên làm sao được nơi quê hương thứ hai của mình, quên làm sao được đồng bào miền núi:
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên thấy Tố Hữu thiết tha với Việt Bắc. Ðiều đó là tất nhiên. Trái lại chỉ đáng ngạc nhiên là một nhà văn, một nhà thơ sau 10-15 năm sống ở Việt Bắc mà không viết được một tác phẩm nào, to hay nhỏ, về Việt Bắc.
Nhưng có người cho rằng tình thân thiết nhớ tiếc ấy của Tố Hữu có vẻ yếu đuối vì không nói, hay nói ít đến căm thù giặc, đến chiến đấu, thi sĩ chỉ nói lên những cái nhớ nhung nhỏ bé, những kỷ niệm tầm thường. Chúng tôi không quan niệm như vậy. Chính những kỷ niệm nhỏ bé thân mật ấy trong cuộc chung sống hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ với đồng bào miền núi, đã xây dựng nên mối tình thắm thiết ấy. Chính những kỷ niệm ấy làm cho nhớ từng giờ từng phút, "bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người".
Nhớ cảnh:
Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn nước lũ, những mây cùng mù
Nhớ người:
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ cảnh trong đó luôn luôn nhớ người:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đỏ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Nhưng không phải Tố Hữu không nhớ đến những cảnh chiến đấu anh dũng:
Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc những đoàn
Dấu chân nát đá, muôn tàn lửa bay
Nhìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên [1]
Nhưng trong những kỷ niệm hùng dũng ấy, Tố Hữu vẫn thấy thấm thía hơn cả mối tình đoàn kết thân ái, ruột thịt, không những giữa người với người mà giữa cả cảnh vật với người nữa:
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng
Ai đã từng ở đồng bằng, biết những trở ngại, khó khăn của đồng bằng trong khi chiến đấu với quân địch thì mới thấy rõ tác dụng của núi rừng Việt Bắc, do đó mà yêu quý núi rừng Việt Bắc, nhìn núi rừng sẽ không thấy là "âm u" mà sẽ thấy là "kín đáo", không thấy "ma thiêng nước độc" mà thấy " đất lành người tốt".
Chúng ta đều nhận thấy, qua bài thơ “Việt Bắc”, mối tình dân tộc thiết tha của Tố Hữu; nhưng có người cho rằng yêu mến nhớ thương đó của Tố Hữu không có "hướng đi lên". Trái lại tôi thấy mối tình đó là một mối tình cách mạng.
Mối tình dân tộc ấy là một mối tình cách mạng bởi vì trước hết nó đã phá được những thành kiến chia rẽ dân tộc mà thực dân, phong kiến, hàng trăm năm hàng nghìn năm, đã cố đào sâu. Ðiểm thứ hai là chế độ dân chủ nhân dân tiến tới xã hội chủ nghĩa cũng nhằm một mục đích là tranh đấu để thực hiện quyền tự do và bình đẳng, sự đoàn kết anh em giữa các dân tộc lớn nhỏ. Tố Hữu đã thấm nhuần tư tưởng đó, tư tưởng đó ăn sâu vào tình cảm, biến thành tình cảm hồn nhiên. Ðiểm thứ ba là mối tình ấy hướng về tương lai; Tố Hữu đã phác họa cả một hình ảnh tương lai của Việt Bắc:
Ngày mai về lại thôn hương
Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về
Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng
Than Phan Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời
Mái trường ngói mới đỏ tươi
Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng
Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cầy bừa đông Xuất muối đường tỉnh Thanh
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiều Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông
Áo em thêu chỉ biếc hồng
Mùa xuân ngày hội " lùng tùng" thêm tươi.
Nhưng có người đã phê bình đoạn thơ này của Tố Hữu là khô khan, không phải là thơ vì nó chỉ "phổ biến chính sách mậu dịch". Trái lại tôi thấy trong những câu thơ trên đây lòng thiết tha của Tố Hữu đối với hạnh phúc của đồng bào miền núi. Yêu quý đồng bào miền núi chính là ở chỗ biết thông cảm với những nỗi thiếu thốn của đồng bào. Ðồng bào miền núi khổ như thế nào, thiếu những gì, Tố Hữu đều biết. Ai đã được nghe đồng bào miền núi than thân: suốt đời "ăn nhạt nằm giốc" thì mới thấy việc chở muối lên miền ngược không phải chỉ là một vấn đề buôn bán mà là vấn đề bảo đảm hạnh phúc cho đồng bào miền núi, cũng như tất cả những sản phẩm khác của nông dân và công nhân miền xuôi là cần thiết để tô điểm đời sống của đồng bào miền núi; ngược lại những sản phẩm phong phú của miền núi sẽ cung cấp cho sinh hoạt của đồng bào miền xuôi thêm đầy đủ:
Mình về ta gửi về quê
Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm cho ai nhớ mình
Trâu về xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi
Sản phẩm của núi rừng Việt Bắc phong phú như vậy mà bao nhiêu năm đồng bào miền núi sống thiếu thốn cực khổ dưới ách bóc lột của phong kiến thực dân. Thơ của Tố Hữu gián tiếp nói lên được cả cái căm thù ấy. Những năm ở Việt Bắc, tôi vẫn thường suy nghĩ không hiểu sao đồng bào miền núi hay ở những cánh đồng quang đãng bên cạnh đường giao thông lớn, Tố Hữu hẳn cũng đã thông cảm với hoàn cảnh đó của đồng bào miền núi nên nghĩ đến hình ảnh tương lai:
Phố phường như nấm như măng giữa trời
Tôi thấy trong những câu thơ của Tố Hữu không phải chỉ là một bản thống kê những hàng hóa, mà cả một lòng tự hào vì những nguồn lợi tự nhiên phong phú của đất nước, vì những khả năng sáng tạo của nhân dân lao động Việt Nam, cả một niềm tin tưởng vào chế độ của chúng ta sẽ phát huy được tất cả những khả năng ấy. Tố Hữu tiếp tục cái truyền thống tốt đẹp của ca dao cũ thường vẫn ca tụng những sản phẩm của nhân dân lao động. Tôi nhớ lại những câu ca dao cổ như câu:
Ai lên Ðồng Tỉnh, Huê Cầu
Ðồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu ruộm thâm
Tôi lại nhớ lại những bài thơ Ma-i-a-cốt-xki [2] viết để giới thiệu những sản phẩm của nền kỹ nghệ Xô viết trong những kế hoạch 5 năm đầu tiên, hay trong thời kỳ phục hưng kinh tế sau nội chiến. Những bài thơ đó, cũng như những câu thơ của Tố Hữu, cũng như những câu ca dao cổ của ta, không phải bắt nguồn từ những khái niệm khô khan về kinh tế mà nó kết tinh cả một lòng yêu quý lao động, tự hào dân tộc, yêu quý đất nước, yêu quý đồng bào.
Mối tình dân tộc trong thơ của Tố Hữu không phải là một mối tình trừu tượng hay thuần lý – như có người đã bảo những bài thơ gần đây của Tố Hữu nhiều lý trí mà ít tình cảm, – trái lại mối tình ấy rất cụ thể như ta đã thấy ở trên đây, nó chứng tỏ một sự thông cảm sâu sắc giữa thi sĩ với đồng bào. Cũng vì vậy cho nên thơ của Tố Hữu mới đậm đà, thiết tha như vậy.
Nhưng có người lại phê bình bài thơ “Việt Bắc” có một giọng buồn. Tố Hữu nhớ Việt Bắc như nhớ một người tình.
Trước hết bài thơ “Việt Bắc” không phải chỉ có những đoạn mà người ta cho là "buồn", nó cũng có những đoạn hùng dũng (đánh giặc) hay tưng bừng (chiến thắng và hình ảnh tương lai). Sau nữa, phải quan niệm cho đúng thế nào là buồn. Có phải cứ "nhớ" là buồn không? Người cán bộ cách mạng và kháng chiến sau 15 năm chung sống với đồng bào Việt Bắc bây giờ trở về thủ đô, làm sao mà không nhớ được. Ngược lại đồng bào Việt Bắc làm sao mà không nhớ những anh cán bộ, bộ đội đã đem lại cho đồng bào những ngày sống vui vẻ, thân mật, đã đem lại tin tưởng và phấn khởi cho đồng bào?
Anh về cối lại vang rừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân
Anh về sáo lại ái ân
Ðêm trăng hò hẹn, trong ngần tiếng ca…
(“Lên Tây Bắc”)
Tố Hữu đã nói lên được mối tình nhớ tiếc ấy, mà không ngần ngại gì mà so sánh nó với tình yêu.
Nhớ ai như nhớ người yêu.
Nói như vậy có phải là thu hẹp mối tình dân tộc vào giới hạn của một mối tình cá nhân không? Không. Mối tình dân tộc cũng như lòng yêu tổ quốc chỉ sâu sắc khi nào có cụ thể: Yêu ai, yêu cái gì, yêu như thế nào. Cũng chính vì so sánh mối tình dân tộc đó với tình yêu, cho nên Tố Hữu đã nói lên được tất cả cái đằm thắm thiết tha của mối tình ấy. Trong cái kho tàng ca dao cũ của dân tộc ta, những câu hay nhất, thấm thía nhất cũng là những câu diễn tả tình yêu, hay mượn những lời tình tứ của trai gái để nói lên những ý nghĩ hay tình cảm cao quý khác, cũng như trong mấy câu sau này của Tố Hữu:
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm, cho ai nhớ mình.
Trong bài thơ “Việt Bắc” nhiều câu đã đạt được cái trong sáng giản dị và thấm thía của những câu ca dao hay:
Mình về có nhớ ta không
Nhìn mây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.

Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già

Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.

Những lời thơ du dương có phải là những lời thơ yếu đuối không? Sức mạnh của thơ không phải chỉ ở chỗ âm điệu hùng dũng, lời thơ mạnh mẽ, mà còn ở chỗ nội dung tình cảm cũng như hình thức câu thơ thấm thía vào trong tâm hồn, nhẹ nhàng nhưng mà lâu dài và sâu sắc. Thơ của Tố Hữu có cái du dương thấm thía ấy, chính bài thơ “Việt Bắc” nhờ đó mà có tác dụng sâu vào tâm hồn. Từ chỗ nhận thức phải đoàn kết thân ái như ruột thịt với đồng bào thiểu số, Tố Hữu đã tiến lên những tình cảm tha thiết nồng nàn, như ruột thịt máu mủ, như một đôi trai gái say mê, lưu luyến nhau.
Ðấy là bản sắc của Tố Hữu, bản sắc của Tố Hữu là tình yêu, tình yêu của một chiến sĩ cách mạng đã đi xa hơn là lý trí, đã tiến sâu vào tình cảm, đã vượt qua lý trí mà đạt tới những lời thơ tha thiết của tâm hồn. Ở Tố Hữu không phải là tình cảm đã không theo kịp lý trí mà chính là lý trí đã vươn đến tình cảm cách mạng. Tố Hữu là nhà thơ đã nói lên được sâu sắc mối tình yêu nồng nàn giữa dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, cũng như Tô Hoài là nhà văn đã làm cho chúng ta hiểu biết, gần gũi và quí mến đồng bào thiểu số hơn cả.
Mấy nghìn năm phong kiến và gần một trăm năm dưới ách thống trị của thực dân, những người con cùng một mẹ, những anh em ruột thịt đã bị chia rẽ, đã sống cực khổ, nay lại gặp nhau, vui mừng sung sướng trong đại gia đình của Tổ quốc Việt Nam, được như vậy là nhờ ơn của Hồ Chủ tịch, Ðảng và Chính phủ, nhờ có cách mạng và kháng chiến. Chúng tôi cũng cảm ơn những nhà thơ như Tố Hữu, những nhà văn như Tô Hoài và nhiều nhà thơ, nhà văn miền xuôi, miền núi khác đã làm cho chúng tôi thấy thấm thía hơn mối tình dân tộc ấy. Những nhà văn nghệ sĩ ấy góp một phần không nhỏ vào công trình xây dựng và phát huy mối tình đoàn kết thân ái và tươi đẹp giữa các dân tộc anh em chúng ta. Trong những ngày vui mừng đón chào Khu tự trị Thái Mèo, chúng tôi vui thích đọc lại tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu và nhất là đọc lại bài thơ “Việt Bắc” mà tác giả đã đặt làm nhan đề của cả tập thơ, với một ý nghĩa thật là chân thành và sâu sắc, để nói lên mối tình dân tộc thiết tha ấy.
Những con sông từ núi rừng Bắc Bộ, từ giải núi Trường Sơn đều theo một hướng chảy ra biển Ðông, nối liền miền núi và đồng bằng, tượng trưng cho mối tình bất diệt của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Mối tình ấy bất diệt như hình ảnh của Hồ Chủ tịch bất diệt trong lòng tất cả mọi người, mọi dân tộc trên đất nước chúng ta.
Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người.
Nguồn: Tổ quốc, số 12 (5.6.1955)
[1]Lưu ý: trong các đoạn thơ trích dẫn có đôi chỗ thiếu chính xác (NST).
[2]Chỗ này bản gốc phiên âm không chính xác tên riêng Maiakốpxki (NST).

Comments are closed.