Lại Nguyên Ân
sưu tầm và biên soạn
44. TÚ MỠ
Góp ý kiến về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu
Có nhiều người bảo rằng chính trị làm khô khan con người cho nên thơ kháng chiến thiếu tính chất lãng mạn là hồn của thơ. Tập thơ Việt Bắc đã chứng tỏ rất hùng hồn rằng tưởng như vậy là sai, và thơ Tố Hữu là tiêu biểu nhất về lãng mạn Cách mạng, lãng mạn của thơ kháng chiến.
Một đặc điểm của thơ Tố Hữu là rất giàu tình cảm và một đặc điểm nữa là tình cảm ấy chính là tình cảm của nhân dân.
Người kháng chiến mừng gì hơn mừng chiến thắng. Tố Hữu đã tả cái mừng đó một cách hồn nhiên:
Trận chợ Ðồn, chợ Rã
Ta đánh giặc chạy re
Hai đứa cười ha hả
và rất tưng bừng:
Tin về về nửa đêm
Hỏa tốc, hỏa tốc
Ngựa bay lên dốc
Ðuốc cháy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn đỏ lửa.
Tố Hữu thực đã thông cảm với nhân dân khi tả cái mừng của một “Bà mẹ Việt Bắc” gặp con bộ đội về thăm nhà, vui sướng rất chất phác khi trông thấy con đã lớn lên trong kháng chiến cả về thân thể, cả về tinh thần:
Thoạt trông thấy nó
Tôi chẳng biết ai
Nó cao hơn bố
Tôi chỉ bằng vai
… Bộ nó rõ oai….
… Trước nó lam lũ
Bây giờ thấy sang…
Và bài “Ta đi tới” đã nói lên tất cả nguồn phấn khởi của quần chúng nhân dân sau khi hòa bình đã được lập lại, được "đi giữa ban ngày" bước "ung dung trên đường cái". Thật là tả đúng sự vui sướng thông thường của nhân dân. Ðiểm vào đó sự rung cảm của nhà thơ nhìn theo:
Mây nhở nhơ bay,
Hôm nay trời đẹp lắm
Mây của ta, thắm của ta... [1]
Người cách mạng giận ghét gì hơn giận ghét địch. Tố Hữu đã tả cái căm thù anh dũng của một người "lính Cụ Hồ" khi nghe bà Mé kể lại tội ác của quân cướp nước.
Mắt nó đỏ nọc
Nó cầm tay tôi.
Mẹ ơi đừng khóc
Nước độc lập rồi.
Cái căm thù ấy nổi bật trong lời của chiến sĩ Ðiện Biên Phủ quyết tâm tiêu diệt giặc, không để chúng chạy thoát.
Chúng bay chui xuống đất,
Chúng bay chạy đằng trời
Trời không của chúng bay
Ðạn ta rào lưới sắt
Ðất không của chúng bay
Ðai thép ta thắt chặt
Lời thơ thật là mạnh và rất "bộ đội".
Tố Hữu đã nói lên tất cả lòng khinh bỉ của nhân dân căm ghét lũ tay sai của địch, chỉ trong bốn câu thơ tứ tự:
Thằng châu con chó
Cúp đuôi chạy dài
Mả bố nhà nó
Nịnh Tây hết thời
Ở đây ta thấy Tố Hữu, nhà thơ trữ tình lại kiêm cả trào phúng rất chua cay.
Một nhược điểm của thơ Tố Hữu mà nhiều bạn phê bình đã nói tới, là cái rây rớt của lãng mạn tiểu tư sản còn toát ra một thứ buồn rười rượi trong một vài bài thơ.
Như bài “Giữa thành phố trụi” với những câu:
Ðông lạnh ghê người
Chiếc lá vèo rơi xuống cỏ
Tường xiêu loét đỏ
Mái gẫy sườn đen
Mảng buồng son kính vỡ rêu lên
cho ta thấy Tố Hữu còn để tâm hồn vương víu cái cảm sầu của những nhà "thơ thẩn" lối cũ, nhưng chỉ là thoảng qua chốc lát, ta lại thấy nhà thơ cách mạng nổi dậy ngay trong câu:
Bàn tay đã nắm lời thề
Ra đi quyết phá, ngày về quyết xây
Từ trong đổ nát hôm nay
Ngày mai đã đến từng giây từng giờ.
Nhà thơ cách mạng của chúng ta khác nhà thơ thường ở chỗ đó.
Trong bài “Lên Tây Bắc”, ta thấy Tố Hữu có cái xúc cảm như Bà huyện Thanh Quan với những câu:
Cỏ ngập đồng khô mờ lối cũ
Tan hoang làng cháy khói căm thù
trong đó ta thấy cái căm thù không được hừng hực, và có cái cảm xúc như Chinh phụ ngâm với những câu:
Lại những ngày đi vắt với sương
Ngô bung, xôi nhạt nước lưng bương
Ðêm mưa rình giặc tai thao thức
Mùa lại mùa qua rét nhức xương
Tôi chắc người chiến sĩ đi lên Tây Bắc đánh giặc chả ai có những xúc cảm như vậy.
Ðến bài “Bao giờ hết giặc” thì ta thấy Tố Hữu tả thực chứ không phải hiện thực. Tố Hữu đã nói đúng tâm lý một Bà Bủ tầm thường nằm ổ chuối khô, nhớ con đi bộ đội, thương con gian khổ, khiến người đọc chỉ thấy cái khổ.
Tuy trong bài thơ ấy có câu:
Càng lo, càng nghĩ, càng căm, càng thù
nhưng câu ấy không đủ vớt vát lại những cái bi đát, và cái mà ý kiến riêng tôi cho là nguy hiểm nhất là không rõ rệt Bà Bủ căm thù gì, căm thù ai.
Tình thương yêu của thơ Tố Hữu đất dào dạt. [2] Tố Hữu yêu anh bộ đội. Trong bài “Cá nước”, có người thấy tả những cử chỉ thường thường, gặp nhau chỉ trong chốc lát "chia nhau điếu thuốc lào" thì cho là hời hợt, nhưng tôi thấy cử chỉ thường thường ấy ngụ một tình thân mật rất thắm thiết. Thơ Tố Hữu tài tình và lý thú cũng ở chỗ đó.
Tố Hữu yêu chú bé liên lạc, điển hình của những cháu trung dũng của Bác Hồ. Ngay trong những nét phác tả chú bé ấy ta đã thấy yêu rồi.
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhẩy trên đường vàng.
Tấm lòng tôn kính lãnh tụ đã được tả trong bài “Sáng tháng Năm”. Tác phong giản dị của Hồ Chủ tịch chỉ tóm tắt trong ba câu thơ:
Bác ngồi Bác viết, nhà sàn đơn sơ.
Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc nhở nhơ quanh nhà.
Câu cuối này hình như trước là "Nó đi tìm thóc trên bồ công văn", sau mới đổi lại, nhưng tôi cho rằng cứ để như cũ lại hay hơn.
Và chỉ một câu này:
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh.
Môi ta thầm kêu: "Bác Hồ Chí Minh!"
đủ tả lòng nhân dân luôn luôn hướng về Hồ Chủ tịch, tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Người.
Lòng bộ đội yêu quý vũ khí đã được tả rất vui nhộn và hóm hỉnh trong bài “Voi”, khiến ta thấy khẩu đại bác thực như một người bạn chiến đấu của các chiến sĩ pháo binh.
Tình quyến luyến của những người kháng chiến đối với núi rừng Việt Bắc đã được nói lên trong bài thơ từ biệt. Tuy có vẻ ngậm ngùi như tình của đôi người yêu trước khi chia tay, nhưng rất đằm thắm, trung hậu trong những lời gắn bó, hẹn hò.
Tình quốc tế đã được nói lên trong bài “Em bé Triều Tiên” với câu:
Em bé ơi giữa súng rền
Ngày mai tươi mát hát trên đất Triều
và trong bài “Ðời đời nhớ ông” với câu:
Yêu con, yêu nước, yêu nòi,
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu.
thực là những lời thơ nồng nhiệt, tả được tình quốc tế của đại chúng.
Thơ Tố Hữu rất nhiều hình ảnh đẹp. Tuy công việc bề bộn, nhưng nhà thơ trong Tố Hữu cũng cố tranh thủ được những phút rung cảm với thiên nhiên, nên mới nẩy ra những câu tuyệt đẹp như:
Trên đồi quê trăng non mới hé
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Lá ngụy trang reo với gió đèo
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ sao tiếng sáo rừng chiều
Chầy đêm nện cối đều đều suối xa
Do đó, thơ Tố Hữu tươi sáng, lai láng hồn thơ dân tộc.
Lời thơ của Tố Hữu rất trau chuốt, nôm na như ca dao, vần phong phú, âm điệu êm dịu. Mọi tầng lớp nhân dân, quân đội, cán bộ, tuy sở thích khác nhau nhưng mỗi người đều thấy trong tập thơ Việt Bắc những bài vừa ý riêng mình để ngâm nga, học thuộc, nhớ lâu.
Riêng tôi, tôi thấy Tố Hữu đã thành công nhất trong những bài viết theo thể thơ vốn cũ, quen thuộc với đại chúng. Những bài ấy được phổ biến và truyền tụng sâu rộng hơn cả.
Trong những cuộc phê bình trước đây, các bạn đã phân tích khá nhiều về vấn đề hiện thực trong thơ Tố Hữu. Tôi cũng đồng ý là một tập thơ Việt Bắc chưa phản ảnh đầy đủ tất cả mọi mặt của cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân ta, lý do tại Tố Hữu vì hoàn cảnh công tác chưa được sống thực sát với quần chúng công nông binh. Nhưng tôi thấy tập thơ Việt Bắc đã nói lên được những nét điển hình và những khía cạnh tiêu biểu tình cảm của những người kháng chiến, và trong số nhà thơ cách mạng của chúng ta – thực ra còn hiếm hoi quá – Tố Hữu là người tiêu biểu nhất, và có thể coi là một nhà thơ lãng mạn cách mạng của thời đại.
24-5-1955
Nguồn: Văn nghệ, số 75 (20.6.1955)