Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (6)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

 

7. MINH TRANH

Tình yêu trong tập thơ Việt Bắc


L.T.S. – Chúng tôi mời bạn đọc và các bạn văn nghệ tham gia phát biểu về bài của Hoàng Yến nói riêng “Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?” (đăng kỳ trước) và về thơ Tố Hữu nói chung, để cùng nhau thảo luận, tìm tòi, học tập, giúp nhau giải quyết một số vấn đề văn nghệ. Kỳ này, chúng tôi đăng một bài của Minh Tranh [1] .
Nhân dân ta rất giàu tình cảm. Tất nhiên tình cảm ấy là tình cảm cách mạng, đẫm một lòng yêu tha thiết với tất cả những cái gì gắn với tổ quốc, với tiến bộ, với cách mạng. Tình cảm của nhân dân ta không thiếu, nó man mác, lẻ tẻ, nó tràn ra, lắng xuống, trào lên rồi lại lắng xuống trong nhiều thơ ca phong phú tám, chín năm qua. Nhưng ghi được những cái tình cảm phong phú ấy, tả ra được cho đúng, không phải bất cứ thi sĩ nào cũng làm được. Phải là một thi sĩ hiểu lòng ta nhiều lắm, gần với lòng chúng ta nhiều lắm. Tố Hữu chính là nhà thơ ấy. Tập thơ Việt Bắc đã nói lên hộ chúng ta những cái gì chúng ta vẫn cảm vẫn rung động, nói lên lòng yêu, lòng căm hờn, lòng tin tưởng của nhân dân ta.
Một số anh em chúng tôi không sành thơ hỏi nhau khi mỗi người đọc xong Việt Bắc: "Anh thấy cái gì trong thơ Tố Hữu?" Chúng tôi đồng thanh: "Lòng yêu man mác, sâu xa, đằm thắm, và trước hết là lòng yêu Tổ quốc". Tổ quốc chúng ta không phải là trừu tượng. Nó là cảnh, là người, nó đẹp vô cùng. Nó là Lưng đèo Nhe, bóng tre mát rượi; nó là cánh đồng quê tháng mười, thơm nức mùa gặt hái. Nó là:
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà rào rạt bến nước Bình Ca
Tổ quốc của chúng ta là Phú Thọ, Tuy Hòa, khu Ba, khu Bốn, là thủ đô Hà Nội, là Nam Bộ, Tiền Giang và Hậu Giang, là Ðồng Tháp Mười:“Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp.” Là: Nam Ngãi, Bình Phú, Khánh Hoà, Phan Rang, Phan Thiết, Tây Nguyên, Công Tum, Ðắc Lắc, là “Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung.”
Nhưng tổ quốc chúng ta không phải chỉ là không gian có núi cao, sông dài, có những chí lớn như biển Ðông trước mặt, tổ quốc chúng ta còn lâu dài với thời gian nữa. Nó là hàng thế kỷ, là mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây. Tố Hữu nói với chúng ta:
Của ta, trời đất, đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta.
Tiếng của của Tố Hữu ở đây sao đáng yêu quá, vì đúng quá. Trời đất Việt Nam là của chúng ta; đêm và ngày ở Việt Nam là của người Việt Nam, không phải là của kẻ nào khác và không thể là của những kẻ nào khác. Ðọc tất cả những bài thơ Tố Hữu, chúng ta càng cảm sâu hơn lòng yêu tổ quốc, yêu núi sông của ta, yêu năm tháng đêm ngày của chúng ta. Và lòng yêu ấy càng sâu thì chúng ta càng thấy cái ta là to lớn mạnh mẽ. Lòng tất cả mọi người chung lại thành một khối:
Bắc Nam liền một biển
Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một Cụ Hồ
Lòng ta chung một thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam
Sung sướng thay những ai có một lòng ta rộng lớn mênh mông như thế.
Tổ quốc chúng ta là một khối hai mươi triệu người, kết tinh lại trong một vĩ nhân: Hồ Chủ tịch. Cho nên đã yêu tổ quốc không thể không yêu Hồ Chủ tịch, và yêu Hồ Chủ tịch chính là yêu tổ quốc.
Trong cơ quan chúng tôi, có một cháu nhỏ mười sáu tháng đang học nói. Tiếng đầu tiên nó thốt ra là "Pa Hồ". Hai tiếng rời nhau nhưng nó gắn lại làm một, rồi nó nín hơi, ra sức nói lên một âm thanh đáng yêu đáo để. Rồi ngón tay xinh xinh của nó chỉ lên tấm ảnh trên tường. Người lớn chúng ta không hay hỏi nhau như thế. Nhưng giá có một người nào hỏi chúng ta: "Anh yêu ai?" thì tôi tưởng hình ảnh đầu tiên đến với chúng ta không thể nào khác hơn là "Bác Hồ". Lòng chúng ta đã ghi sâu hai tiếng “Bác Hồ” rõ ràng rành rọt hơn là các em nhỏ. Vì lòng yêu Bác của chúng ta đã từ tâm khảm biến thành lý trí. Nhưng dù đã được nâng lên lý tính, lòng yêu Bác Hồ của chúng ta vẫn không khác mấy lòng yêu của các em nhỏ. Vì Bác Hồ gần chúng ta lắm. Dù là ai đã được gặp Bác, dù là ai mới chỉ thấy Bác trong ảnh, nhưng ai cũng đều có một lòng yêu Bác như lòng yêu của thi sĩ Tố Hữu. Tố Hữu hỏi chúng ta:
Các anh chị, các em ơi, có phải
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh
Môi ta thầm kêu Bác "Hồ Chí Minh"
Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi
Ðôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi
Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ…
Chỉ riêng hình ảnh của Bác đã là một sức động viên vô tận rồi. Bác luôn luôn
Với cây chì đỏ
Chỉ đường đi từng bước từng giờ
Tố Hữu đã nói lên ý nghĩ, tâm tình của chúng ta:
Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại
Ðứng trước một cảnh đẹp, một con người vĩ đại, ta rung cảm, nhưng giá có ai hỏi: "Cảnh ấy thế nào? Người ấy thế nào?" thì nhiều anh chị em ta thường trả lời: "Tuyệt, hay lắm, vĩ đại lắm" hoặc “không thể tả được”. Hoặc đôi khi diễn tả cái đẹp, cái vĩ đại, thì thấy làm sao ấy, diễn ra không thông. Ðối với Tố Hữu, không phải như thế. Tố Hữu đã ghi lại tình cảm của mình bằng hình ảnh, bằng âm thanh mà hình ảnh, âm thanh ấy không có gì xa lạ với chúng ta, trái lại gần gũi chúng ta nhiều, khiến cho chúng ta thấy lòng Tố Hữu như lòng chúng ta vậy.
Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà.
Ðây là Bác Hồ khi còn ở Việt Bắc. Ðến nay Bác đã về thủ đô. Chúng ta thấy Bác, tuy không phải là chiếc áo nâu nữa, nhưng y phục của Bác, lời lẽ của Bác, cái nhìn của Bác vẫn đậm đà màu quê hương rất bền bỉ. Người của Bác là người của quê hương, tinh thần của Bác là tinh thần của Tổ quốc. Và có chung một Tổ quốc thì nhất định là:
Lòng ta chung một Cụ Hồ
Một tiêu chuẩn để đo tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của mỗi người là xét xem người ấy đối với lãnh tụ của cách mạng như thế nào. Chúng ta có thể nói rằng:
– Càng yêu Tổ quốc, càng yêu Hồ Chủ tịch.
Ðã yêu Bác Hồ, yêu Tổ quốc thì không thể nào không yêu anh bộ đội. Anh bộ đội của chúng ta là những người bạn hiền lành “Người lính trường chinh áo mỏng manh,” những ngày đi của anh là những ngày vắt với sương,
Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương
Ðêm mưa rình giặc tai thao thức
Mùa lại mùa qua rét nhức xương
Nhưng khi anh bộ đội về thì:
Cối lại vang rừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân
Anh về sáo lại ái ân
Ðêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca
Bác Hồ, anh bộ đội, đó là những hình ảnh luôn luôn xuất hiện trong những bài thơ của Tố Hữu có khi nổi hẳn lên, có khi thấp thoáng. Và bóng của Bác, bóng của anh bộ đội không bao giờ hút cả. Trong bài “Cá nước”, “Voi”, “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên,” chúng ta thấy anh bộ đội trước mặt chúng ta; trong bài “Bầm ơi”, “Bà mẹ Việt Bắc”, Tố Hữu hướng ta theo rõi bóng anh bộ đội. Thi sĩ Tố Hữu cũng như chúng ta, hiểu cuộc đời anh bộ đội lắm, qua mấy câu thơ:
Xa xôi đầu xóm tre xanh
Có bà ru cháu nằm khoanh lòng già
Cháu ơi cháu lớn với bà
Bố mày đi đánh giặc xa chưa về
Cám ơn thi sĩ đã nói hộ tất cả những mối tình của chúng ta đối với những
Chiến sĩ anh hùng
Ðầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm,
Mưa dầm cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không sờn
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Ðầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.
Trong những tình yêu thắm thiết trên đây, đã chất chứa sẵn một mối căm thù sâu sắc đối với những kẻ muốn chà đạp lên nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục. Người Việt Nam không thể nào khoanh tay đứng nhìn những kẻ gây ra cảnh xác nằm ngổn ngang, phố đổ nhà hoang vắng, những kẻ đã làm cho Thủ đô chúng ta cay đắng tám năm ròng, năm cửa ô rào thép. Nhân dân ta căm thù bọn chúng rất sâu sắc. Cho đến tất cả những cái gì có trên đất Việt Nam cũng căm thù. Chiến lũy, sắt gỗ giăng thành…
Di lăng, sấu gạo,
Không tiếc lá cành xanh
Vất ngang đường cản giặc
Các anh nữa, những giòng chữ sắc
Thân cây tảng đá góc phòng
"-Phá tan tấn công mùa Ðông của Pháp"
Bằng than, bằng gạch, bằng sơn
Nét muôn tay hằn vạn đại căm hờn
Căm hờn ấy càng ngày càng lớn lên. Từ Bông Lau, Ỷ La, sông Lô năm 1947, ta tiến tới Ðiện Biên Phủ năm 1954:
Nghe trưa nay, tháng 5 mồng 7
Trên đầu bay, thác lửa hờn căm!
Trông, bốn mặt, lũy hầm sập đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Ðiện Biên toàn thắng.
Không có một thác lửa căm hờn kẻ thù của Tổ quốc thì nói làm sao được đến lòng yêu Tổ quốc. Lòng yêu và lòng căm hờn đã khiến cho "anh cuốc, em cuốc, đá lở đất nhào" để phá đường chặn giặc, biến những con đường thành những nơi cảnh cáo giặc: "Thằng Tây mà cứ vẩn vơ, có hố này chờ chôn xác mày đây". Và cũng chính lòng yêu và lòng căm hờn ấy đã khiến cho bà mẹ của anh bộ đội nói với con: "Mày đi, mày lo cho khoẻ, đừng nghĩ lo gì, ở nhà có mẹ…" [2]
Lòng yêu và lòng căm thù dính liền với lòng tin tưởng tất thắng. Lòng tin của nhân dân ta từ khi có Hồ Chủ tịch, có Ðảng mỗi ngày càng vững mạnh, càng không có gì lay chuyển nổi. Ngày đầu kháng chiến, bà mẹ của anh bộ đội bảo con đi, nhìn theo con, trong lòng đã nhìn thấy ngày "nó về thắng trận". “Những thành phố trụi” của Tố Hữu cũng hát ca:
Mùa đông dài lạnh sẽ qua
Phố ta lại dựng, nhà ta lại về
Bàn tay đã nắm lời thề
Ra đi quyết phá, ngày về sẽ xây
Từ trong đổ nát hôm nay
Ngày mai đã đến từng giây từng giờ.
Anh bộ đội nâng niu khẩu đại bác, dặn dò: "Voi hăng voi nhé, trận này lập công!" Anh chị dân công khi đưa cuốc lên đã thách nhau "nhanh tay ta cuốc chôn thây quân thù". Người chiến sĩ đi ra trận dặn bà mẹ "nhớ con bầm cũng đừng buồn, giặc tan con lại về luôn với bầm". Lòng tin tưởng ấy từ đầu 1947 đã làm cho người chiến sĩ luôn luôn đi tới và làm cho cuối 1954:
Làng ta giặc chạy rồi!
Tre làng ta lại mọc
Chuối làng ta xanh chồi
Trâu ta ra bãi ra đồi
Ðồng ta lại hát hơn mười năm xưa…
Người, vật, cảnh, và tình trong thơ Tố Hữu đều đầy rẫy cái lạc quan cách mạng. [3]
Thơ Tố Hữu gần chúng ta, dễ cảm chúng ta, không những vì tình cảm của thi sĩ là tình cảm của chúng ta, mà còn vì thi sĩ đã nói lên những lời quen thuộc với chúng ta nhiều lắm. Chúng ta hãy đọc:
Ai về ai có nhớ không
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Ðiều quân chiến dịch Thu Ðông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường…
Và suốt cả những câu kế tiếp trong bài “Việt Bắc” hình như là những lời ca dao thân thuộc với ta, hình như là những câu Kiều lẩy, và có lẽ một đoạn nào đó trong Lục Vân Tiên? Nó là tất cả những phong vị dân tộc ấy trộn lại, toát ra và được nâng lên thành những cái gì mới mẻ mà trong đó ta vẫn thấy tiếp nối bao nhiêu cái cũ của ngàn xưa.
Hay là đây nữa:
Voi là voi ơi
Voi là voi quý
Voi nằm voi nghỉ
Voi nghỉ voi chơi
Voi là voi ơi
Voi ta đầu thép
Voi cong chân đẹp
Voi nghểnh voi cười
Ðọc bài này ai không nhớ lại bài "Con vỏi con voi, cái vòi đi trước". Con voi của pháo binh khác hẳn với con voi ngày xưa, nhưng nhạc điệu của bài mới phảng phất dội lại bài hát cũ của quần chúng, làm cho con voi của pháo binh càng thêm thân mật.
Chúng ta dễ thuộc thơ của Tú Mỡ vì lời Tú Mỡ thân với ta, chúng ta dễ thuộc thơ Tố Hữu vì thơ Tố Hữu đậm một hình thức dân tộc.
Ðã lâu lắm chúng ta không đề cập đến vấn đề chủ nghĩa nhân văn cách mạng. Thơ của Tố Hữu chính là biểu hiện chủ nghĩa nhân văn của chúng ta. Chủ nghĩa nhân văn là nêu cao cái tôi tiến bộ, cách mạng của mỗi con người trong cái ta của Tổ quốc. Chúng ta được đào tạo trong cùng một lý tưởng với thi sĩ Tố Hữu nên chúng ta yêu thơ Tố Hữu, và thấy thơ Tố Hữu là những lời hát của chúng ta. Với mắt nhìn của Tố Hữu, sức sống luôn luôn vươn lên, trong ngày hôm qua đã chớm nở buổi hôm nay; trong quá khứ đã sẵn có tương lai, giữa thành phố trụi đã có cảnh xây dựng lại nhà cửa, v.v… Tất cả những người yêu Tổ quốc, yêu tiến bộ, yêu hòa bình đều nghĩ như vậy. Hai vợ chồng Rô-xân-bơ (Rosenberg) ngay trong lúc bị kẻ thù của nhân loại giam cầm trong ngục tối vẫn nhìn thấy
Mai sau đời sẽ hát ca
Mai sau cây cỏ nở hoa trên mồ
Ðời ta phơi phới tự do
Hòa bình thân ái tắt lò chiến tranh
Chủ nghĩa nhân văn không có gì khác hơn là nhằm vun trồng giá trị của con người. Giá trị của con người không phải là sự tính toán ích kỷ của mỗi cá nhân; không phải là sự quanh quẩn chật hẹp, mà chính là trong cái ta rộng rãi, to lớn. Ðã có một thời các thi sĩ khi làm thơ thì đầu đề trước nhất là "tự thuật", "tự tình", rồi tự gì gì nữa. Thời ấy đã qua rồi. Chúng ta đang cùng nhau đi tới trên con đường tự do cuồn cuộn, trên con đường mà mỗi chúng ta hòa mình với Tổ quốc, với thủ đô, với Bác Hồ, với anh bộ đội… Thơ của Tố Hữu không có những cái "tự thuật" của thời xưa. Thơ của Tố Hữu có núi sông, có đêm ngày của đất nước, có những
Ngày mai xanh lại từng cây
Ngày mai lại đẹp hơn rày năm xưa…
Thơ của Tố Hữu là chủ nghĩa nhân văn cách mạng.
Nguồn:Văn nghệ, s.66 (21.3.1955)
[1]Ðây là lời tòa soạn báo Văn nghệ.
[2]Lưu ý: các câu thơ dẫn chứng có khác biệt ít nhiều so với nguyên bản tập thơ.
[3]Lưu ý: cách diễn đạt này ("đầy rẫy") của tác giả có thể gây phản cảm ở thời kỳ sau; chỗ này sưu tập giữ nguyên là do tính chất tư liệu (B.T.).

 

8. NHÂN DÂN

Tin ngắn văn nghệ


Cuộc họp thứ nhất thảo luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu tại trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam
Ðể đẩy mạnh phong trào phê bình văn nghệ, ban văn học của Hội văn nghệ Việt Nam đã tổ chức vào tối 31-3-1955 vừa qua tại trụ sở của Hội cuộc họp thứ nhất thảo luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Kỳ họp đầu tiên này mở trong một phạm vi hẹp, chủ yếu dành cho anh chị em hoạt động trong ngành thơ và một số các bạn yêu thơ, có tính chất mở đầu cho những cuộc họp rộng rãi hơn sau này để tiếp tục thảo luận về tập thơ của Tố Hữu.
Gần 60 anh chị em đến dự cuộc thảo luận đã trao đổi ý kiến về tác phẩm của Tố Hữu.
Cuộc thảo luận hướng theo ba vấn đề lớn đã được phát hiện về tập thơ Việt Bắc trong những bài phê bình đăng trên các báo văn nghệ gần đây: tính chất hiện thực, tính chất thời đại và tính chất quần chúng của thơ Tố Hữu như thế nào? Trong gần 3 tiếng đồng hồ thảo luận, các ý kiến phát biểu đã xoay quanh một vấn đề chính: chủ nghĩa hiện thực trong tập thơ Việt Bắc. Anh chị em đã sôi nổi phân tích, trình bày những điểm dẫn chứng cụ thể để tỏ rõ lập luận của mình.
Cuộc thảo luận đầu tiên nhìn chung có kết quả tốt. Anh chị em đến tham dự đã tích cực góp ý kiến. Mỗi người đã cố gắng trong việc phát huy tự do tư tưởng, thành thật phát biểu ý kiến.[1]
Nguồn: Nhân dân, 3.4.1955
[1]Tin của báo, không ký tên phóng viên.

Comments are closed.