Tư liệu về Nhất Linh (*)

Trương Điện Thắng

Kính gởi anh Tien Dang (Paris)
Liên quan đến ngày giỗ Nhất Linh và mộ của nhà văn, cách nay hơn 5 năm tôi đã viết một bài khi đi thăm mộ ông, rất tiếc bài báo khi đăng đã bị cắt bỏ nhiều đoạn. Sau đó tôi đã gặp vài vị lãnh đạo TP Hội An và Hội VHNT Quảng Nam bàn về cách làm sao để tôn tạo mộ ông, một nhà văn, một người đóng góp cho phát triển chữ quốc ngữ. Tất cả chỉ nhận được câu trả lời: KHÓ LẮM ANH ƠI!

Hôm nay, 7.7, nhân giỗ thứ 54 của Nhất Linh, tôi xin cung cấp trích đoạn liên quan và hình chụp chính diện tấm bia trên mộ nhà văn (Phái 2, tộc Nguyễn Tường tại Nghĩa trang Hội An)…
“…Những ngày cuối năm nay, tôi được Nguyễn Tường Quý, cháu gọi nhà văn Nhất Linh bằng ông nội chú đưa đến phần mộ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam ở nghĩa trang gia tộc Nguyễn Tường, phái 2. Tôi đốt nhang trên ngôi mộ nhỏ đơn sơ (2x 0,5m) và nghĩ về ông với tất cả niềm kính trọng chen lẫn xót xa…
Sự nghiệp của nhà văn Nhất Linh và Tự lực văn đoàn đối với chữ Quốc ngữ và văn học nước nhà giai đoạn 1930-1945 thì ai cũng biết. Nhưng trước khi trở thành nhà văn, ông từng học y khoa rồi mỹ thuật ở Hà Nội. Về hội họa, ông là sinh viên đợt đầu tiên của Trường Mỹ Thuật Đông Dương, cùng lớp với các danh họa Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ… những người được xem là lớp họa sĩ tiền phong của hội họa đương đại Việt Nam.
Một sự kiện khá bất ngờ là vào tháng 10.2010, một bức tranh của ông đã được bán với giá kỷ lục tại Hồng Kông: “Sotheby’s nhà bán đấu giá nghệ phẩm danh tiếng cho biết lần đầu tiên một bức họa của Nguyễn Tường Tam được bầy bán trên thị trường thế giới. Bức họa mang tên Cảnh Phố Chợ Đông Dương (Scène de Marché de rue Indochinois) vẽ trên vải lụa, khổ 20×36 inch, thực hiện trong khoảng năm 1926-1929, do một tư nhân bên Pháp đặt bán với giá khởi đầu 25.000-32.200 Mỹ kim…”. Trên website của Sotheby’s sau đó cho biết bức tranh đã được bán với giá 596.000 đô la Hồng Kông đô-la, tức khoảng 75.000 đô la Mỹ (Bảy mươi lăm ngàn USD), đúng là một kỷ lục của tranh Việt trên thị trường thế giới..
Nhà văn Nguyễn Tường Thiết con trai út của Nhất Linh từ Mỹ trích thông tin giới thiệu về họa sĩ Nguyễn Tường Tam của Sotheby’s: Tam không những được xem là vị lãnh đạo trên địa hạt văn học nghệ thuật, ông còn là tiểu thuyết gia mới hàng đầu… Ít người biết ông là một họa sĩ bởi lẽ trải qua bao nhiêu biến cố và thời gian không còn bao nhiêu họa phẩm của ông tồn tại. Một bức tranh với khổ khá lớn và được bảo tồn kỹ như bức tranh này, Cảnh Phố Chợ Đông Dương quả là họa phẩm cực hiếm, bởi vì không những không còn nhiều những tranh như thế tồn tại, mà còn bởi vì nó cung cấp thêm một cái nhìn quan trọng vào trong di sản của ông, một trong những người Việt Nam Mới tiền phong nổi danh.
(Modern and Contemporary Southeast Asian Painting, Hong Kong 4 October 2010, trang 116)
“Cuối năm 1923 ông đậu bằng Cao Tiểu. Nhưng vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên làm thư ký sở tài chính Hà Nội, kết duyên văn nghệ với Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, viết Nho Phong. Lấy vợ và theo ban cao đẳng. Lúc đầu, năm 1924 học thuốc được một năm thì bỏ, chuyển sang học mỹ thuật, được một năm cũng bỏ. Năm 1926 Nguyễn Tường Tam vào Nam, gặp Trần Huy Liệu, Vũ Đình Di định cùng làm báo. Nhưng vì tham dự đám tang Phan Chu Trinh, hai người này bị bắt, Nguyễn Tường Tam phải trốn sang Cao Miên, sống bằng nghề vẽ và tìm đường đi du học”… Thụy Khê trong cuốn tiểu sử Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã viết như xác quyết giai đoạn ông sáng tác bức Phố chợ Đông Dương… mà sau này Nguyễn Tường Thiết đã thừa nhận.
Nhất Linh tự kết liễu cuộc đời đúng vào ngày song thất năm 1963 (7 tháng 7) vì chống đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và được an táng tại chùa Giác Minh, quận Gò Vấp.
Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, trong cuốn sách viết về cha mình, thì sau 1975 nghĩa trang chùa Giác Minh cũng bị giải tỏa. Vợ nhà văn và người con khác của ông là Nguyễn Tường Thạch khi đó đã quyết định hỏa thiêu di cốt của cha và gửi bình tro tại chùa Kim Cương (Quận Ba, TP HCM).
Đến năm 1981, bà Nguyễn Tường Tam sang Pháp đoàn tụ với các con và qua đời ở đó. Bà được an táng tại một nghĩa trang ở Paris. Hài cốt của bà lại hỏa thiêu tại Orsay (Pháp), sau đó được hai người con là anh Việt và chị Thoa đưa về Sài Gòn vào tháng 4 – 2001. Gia đình Nguyễn Tường ở Hội An đã chung tay đưa tro hai ông bà và của người con gái lớn là Thư về quê cũ, sau một lễ cầu siêu chung tại chùa Kim Cương.
Theo Nguyễn Tường Quý: Tháng 4 năm 2001 các di cốt ông bà Nhất Linh cùng con gái Kim Thoa được đưa về nghĩa địa bên đường thủy lợi, gần bến xe Hội An. Sau đó, năm 2008 khu này bị giải tỏa, phải di chuyển lần nữa vào khu đất dòng họ mua lại trong khu mộ của tộc Nguyễn Tường (Phái 2), thuộc nghĩa trang thị xã, bên cạnh mộ cụ Nguyễn Tường Phổ là ông nội của nhà văn, cũng được dời về từ Hải Dương. Trên bia mộ nhà văn, hàng trên cùng ghi: CẨM GIÀNG
Dưới: NGUYỄN TƯỜNG MÔN ĐỆ THẬP THẾ (nghĩa: Người họ Nguyễn Tường, đời thứ 10)
Tiếp theo, hàng dọc: HIỂN KHẢO HIỆU NHẤT LINH NGUYỄN QUÂN CHI MỘ GIAI VỰC… bằng chữ Hán
(Có bạn đề nghị dịch là: HIỂN KHẢO HIỆU NHẤT LINH NGUYỄN PHỦ QUÂN CHI GIAI THÀNH.)
Bên trái là tên các con, cháu bằng quốc ngữ “phụng lập, 4.2001”.
Bên phải (chữ quốc ngữ): sinh năm 1905, mất năm 1963.
Theo lời kể của Nguyễn Tường Quý và hồi ký của bà Nguyễn Thị Thế (chị Nhất Linh), thì dù từ đời ông nội đã ra làm quan ở Hải Dương, nhưng mối quan hệ của gia đình với tộc họ tại Cẩm Phô, Hội An luôn gắn bó nhờ vào bà nội và mẹ của nhà văn. Cả hai bà đều hành nghề buôn bán cau nên thường đi về thăm viếng, có khi lên tận vùng cao Quảng Nam như Hà Nha, Tiên Phước mua cau, nhờ vậy đã giữ vững giềng mối với quê hương, mà ai cũng biết cau cũng là một đặc sản xứ Quảng lại được mua bán nhộn nhịp ở cảng thị của Hội An.
Gần đây, một bài viết trên Xuquang.com cũng xác nhận điều này: “Trong gia đình Nguyễn Tường ngoài Bắc, bà Nguyễn Tường Tam là người có liên hệ với giòng họ của chồng tại quê Quảng Nam nhiều nhất. Các giao dịch làm ăn và bạn bè của bà tại Hội An cũng nhiều và khá lâu năm, và xem ra bà có nhiều cảm tình với vùng đất này. Điều này dường như chuẩn bị cho chuyến “về quê” cuối cùng của ông và bà. Nằm ở đây ông bà đều không cảm thấy xa lạ…”
Đứng trước nơi yên nghỉ đơn sơ “sè sè nắm đất bên đường” của Nhất Linh, một nhà văn lỗi lạc từng góp phần trong quá trình phát triển chữ Quốc ngữ và văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, một họa sĩ tài danh của xứ Quảng, tôi chợt bùi ngùi cho một số phận của ông, một tài hoa bạc phận!
T.Đ.T
(Ngoài ra tôi đang giữ điếu văn của Vũ Hoàng Chương đọc nhân ngày tưởng niệm Nhất Linh sau sự kiện 1.11.1963, có dịp sẽ cung cấp cho các bạn – TĐT)

Không có mô tả ảnh.

Nguồn: FB Trương Điện Thắng

(*) Nhan đề của Văn Việt.

Comments are closed.