Từ nguồn sáng lạ…

Lại Nguyên Ân

Được truyền bá vào đất Việt từ bốn thế kỷ nay, Thiên Chúa giáo (cũng gọi là Cơ Đốc giáo, Ki-tô giáo) đối với phần đông cư dân Việt dẫu sao dường như vẫn là “ngoại nhập”. Song, đã có một số lượng hàng triệu giáo dân thì tất sẽ có những người trong số đó làm nghề cầm bút. Nhưng vẫn là lạ lùng nếu nghe nói có nhà văn Việt Nam nào có thể được coi là “nhà văn Thiên Chúa giáo”, bởi văn hóa của người Việt dường như xa lạ với tinh thần Thiên Chúa giáo.

Vậy mà trên đất thuộc vẫn có thể mọc những cây lạ, nở những hoa lạ, kết quả của những mùa gió lạ, những nguồn sáng lạ. Ngay trong văn học người Việt ở thế kỷ này cũng đã có thể thấy tinh thần Thiên Chúa thấm vào cảm hứng sáng tác của không ít nhà văn, mà lại là những nhà văn đặc sắc. Tạm nhắc đến ba tên tuổi lớn: Hàn Mặc Tử (1912-40), Nam Cao (1917-51), Nguyên Hồng (1918-82).

Sống những ngày cuối trong một bệnh viện của nhà thờ, chết trên tay những bà xơ nhân từ, Hàn Mặc Tử còn để lại những bài thơ trực tiếp lấy đề tài từ Thiên Chúa, và nếu gọi ông là một nhà thơ Thiên Chúa giáo thì cũng không phải không ít nhiều hợp lý.

Còn Nam Cao và Nguyên Hồng? Những hồi ức về tuổi thơ của Nguyên Hồng thế nào cũng có đoạn gắn với ngôi trường của nhà thờ ở Nam Định mang tên thánh Tô-ma. Nam Cao thì lọt lòng được rửa tội theo đúng cách thức của gia đình theo đạo, lễ cưới của ông cũng được cha đạo làm phép, và chung cục, theo người ta kể lại, ông cũng bị giặc xử bắn ngay trước một ngôi nhà thờ chúa Ki-tô. Thiếu thời, hẳn họ là những đứa trẻ ngoan đạo của những gia đình ngoan đạo, nghĩa là chăm đi lễ, năng cầu kinh. Nhưng từ lúc vào đời, rời xa xóm Đạo, ngược xuôi kiếm sống, lại giao du với đám người làm nghề tự do, khó mà tin họ còn giữ được nếp quen ngày bé. Rồi nữa, cả hai trở thành cán bộ của chính thể mới, trở thành người cộng sản… Nhưng vị tất phải chờ đến lúc đó, cả hai mới có vẻ đã “nhạt đạo”, nếu xét về bề ngoài…

Và cũng chỉ là bề ngoài. Bởi trong sáng tác của cả hai nhà văn này, ngay đến những đoạn cuối đời họ, nếu ngẫm kỹ, ta vẫn thấy dấu vết kín đáo của điều vẫn được gọi là đức tin Thiên Chúa (cố nhiên là một đức tin Thiên Chúa đã Việt hóa từ lâu trong giáo dân), nhưng đúng hơn, có thể gọi đấy là những dấu ấn của văn hóa Thiên Chúa giáo.

Trong một bài hồi ký nhan đề “Từ bình nước phép bằng đá ở nhà thờ đến làn sóng mặn ở Biển Đen”, Nguyên Hồng giãi bày hai đoạn của một nhận thức của ông về cuộc đời và văn chương. Đoạn đầu là những giọt nước phép mà cậu bé Hồng hồi nhỏ được rảy lên đầu trong các dịp lễ ở nhà thờ, đoạn sau là cảm nhận một truyện ngắn Gorki kể việc ông này tắm cho đứa con lọt lòng của một thiếu phụ đẻ rơi bên bờ Hắc Hải. Ý Nguyên Hồng muốn bảo rằng tâm hồn ông “ngay từ nhỏ” đã thoát khỏi nhà thờ, đã từ Đạo vươn ra Đời; và để rửa tội cho một con người lúc khai sinh thì cần phải tắm nó vào biển mặn của Cuộc Đời, như ông nhà văn vô sản hàng đầu là M. Gorki kia! Cố nhiên, đây chẳng qua là Nguyên Hồng đang nói “làm phép”, nói cho hợp thời, nói cho trôi, cho trót lọt cái “gốc gác Giáo dân” của mình. Bởi, nếu ông đã quên hẳn Đạo rồi thì trí nhớ không thể rành rõ đến thế, sự hồi tưởng không thể cảm động đến thế. Ông mới chỉ “chối Chúa” có một lần, cũng là cực chẳng đã, nên cũng dễ tha thứ. Nguyên Hồng trước sau không thể giấu được cái chất phác thực thà của mình. Bước vào văn học từ đám dân nghèo phiêu bạt ở các đô thị, Nguyên Hồng đã mang vào văn chương cái phần lương thiện của họ. Không chỉ cái thế giới của những mẹ La, cụ Cam, Gái Đen, ngay những Tám Bính, Năm Sài Gòn, dẫu bị cuốn vào đám “dao búa”, “anh chị”, vẫn đau đáu trông về một dịp hoàn lương, bởi luôn nghĩ rằng cuộc sống hiện thời là không phải với lương tâm, là có tội trước Đức Chúa Lời! Trong thế giới lầm than của văn xuôi Nguyên Hồng không có kẻ ác thực sự. Dường như nhà văn này tập trung hết mọi cảm tình cho cái thời mà lớp vô sản chỉ mới vừa trở thành vô sản, còn đầy niềm tin và sự chân thật, − nó có cái gì tựa như một nhân loại ở buổi sáng thế, để rồi khi đã mắc tội tổ tông, phải chịu lưu đầy, phải vác thập giá, thì vẫn không nguôi hoài nhớ thưở ban đầu. Đám người bị đánh bật khỏi các làng quê ấy dường như vừa lam lũ cơ cực vừa mong ngóng đợi chờ một ngày mai tốt đẹp, một điềm lạ. Bảo rằng Nguyên Hồng đứng hẳn về phía người nghèo, truyền đạt cái lương thiện và lạc quan của họ cũng được, nhưng bảo rằng Nguyên Hồng và đám dân nghèo theo Đạo như ông, do đã thấm đức tin Thiên Chúa mà sống và tin như thế, thì cũng vẫn cứ được.

Khí chất Nam Cao không cho phép ông hồn nhiên, càng không lạc quan như Nguyên Hồng. Cuộc đời và con người thực tại, qua văn ông, chỉ bày ra một quá trình xuống dốc, thoái hóa, suy sụp, biến tướng biến dạng. Không chỉ đổ lỗi cho hoàn cảnh để bênh lấy con người, Nam Cao và giới nhân vật tiểu trí thức của ông thường phải đi tới chỗ tự phán xét, tự phân tích những cái kém cỏi của mình, mổ xẻ tâm địa chính mình. Cái tinh thần ấy, bảo là dấu vết của Nho giáo, của các phương châm “khắc kỷ phục lễ”, “tiên trách kỷ…”. v.v… thì cũng tạm được; nhưng khó mà hình dung Nho giáo lại yêu cầu một cách gắt gao, riết róng kiểu ấy. Với Nho giáo, có lẽ chỉ cần biết giữ lễ, biết đối nhân xử thế, biết đứng đúng chỗ, đóng đúng vai. Nho giáo không cần một sự thành thực tự mổ xẻ, tự phán xét, không cần sự sám hối, bởi sám hối thật sự tức là tự giải phóng để có được cái tự do bên trong, − điều này với Nho giáo lại là quá nguy hiểm! Tận cuối những năm 1980-90 này ta vẫn còn thấy những người chỉ mang trong mình một chút dấu tích Nho giáo phổ thông thôi, họ cũng đã khó chịu và tức tối ra sao khi nghe những ai kia nói đến ý niệm “sám hối”!

Trong óc vừa lóe lên tia hy vọng, lập tức nảy tiếp một ý nghĩ thẹn thùng: Liệu có xứng đáng không? Mình đã làm gì chưa? − tinh thần này, như ở đoạn kết “Sống mòn”, ít đặc trưng cho nho sĩ, những lại khá đặc trưng cho tín đồ Thiên Chúa giáo. Điều hơi lạ là chất tín đồ tự giày vò khe khắt ở Nam Cao lại xui ta nghĩ đến Thanh giáo hoặc Chính giáo Slavian nhiều hơn là Công giáo, − tông phái Thiên Chúa phổ biến nhất ở ta. Chất tín đồ kiểu này vẫn hầu như còn nguyên vẹn ở anh cán bộ Nam Cao giữa rừng Việt Bắc những năm đầu kháng chiến. Chưa ai trong đám văn nghệ sĩ thời ấy tự phê bình gay gắt và quyết liệt như Nam Cao. Một cách tự động, tự nguyện, mình tự phê mình, trước hẳn các đợt “chỉnh phong” riết róng về sau. Quyết liệt và thành thực hơn cả so với Nguyễn Tuân, người sớm lên tiếng “giết chết thằng người cũ” trong mình, một cách khá ầm ỹ ồn ào. Cũng thành thực khác hẳn so với lối sám hối bằng tự sỉ vả và thề thốt ở Chế Lan Viên mãi về sau này. Kiểu “sám hối” và tự hành hạ mà Nam Cao áp dụng cho mình và cho các nhân vật đồng dạng đã đem vào văn học của người Việt một màu vẻ mới, một màu vẻ lạ, nếu đặt cạnh cái hời hợt nửa vời vẫn là “đại trà” cả trong cuộc đời lẫn trong văn học xứ này. Hơn thế, chính vào giai đoạn sau, chất kiên tín của một kẻ thành thực “cải tạo” trong phong cách sống và viết của Nam Cao đã sớm làm vinh dự và gây uy tín cho văn học đầu thời chính thể mới, sau tháng Tám 1945.

Đặt cạnh Nguyên Hồng và Nam Cao thì Hàn Mặc Tử là trường hợp hơn hẳn, tức là đích đáng và trọn đầy để được xem là nhà thơ Thiên Chúa giáo. Không chỉ vì đã có lúc hùng dũng tự xưng là “thi sĩ của đạo quân thánh giá”. Không chỉ vì đã có những bài thơ tôn giáo thực sự như Ave Maria! Không chỉ vì các tên thánh, các ý niệm Thiên Chúa thường hay xuất hiện trong thơ Hàn. Hơn hẳn thế, toàn bộ thơ Hàn như thấm thía và vang vọng cái thế giới của Kinh Thánh Thiên Chúa giáo. Ở đây có nỗi nhớ một quá khứ nào đó tinh sạch, thơm tho, trinh nguyên đã bị đánh mất. Ở đây có sự thăng hoa của những đam mê tội lỗi, những đau đớn bí mật. Ở đây có sự vươn tới một cõi cao xa, rực rỡ, kỳ vĩ. Người ta gặp lại ở thơ Hàn những cái mà các nhà văn hóa học gọi là những mẫu gốc (archétype) của Kinh Thánh Thiên Chúa giáo. Nói như ông Đặng Tiến, ở ba giai đoạn cấu thành thơ Hàn Mặc Tử, qua Gái quê, Đau thương, Xuân như ý, người đọc gặp lại những “chủ đề cương lĩnh” của Cựu Ước và Tân Ước: một vũ trụ ngây thơ đã đổ vỡ do tội tổ tông; những khổ hạnh của thân xác như một sự thể nghiệm của Mơ Ước và Huyền Diệu trong đợi chờ Điềm Lạ; để vươn tới một thế giới khác, sáng láng ngoài hư linh, − thế giới của Phục Sinh và Khải Huyền.

Vậy là, nếu dấu ấn Thiên Chúa giáo ở Nguyên Hồng, Nam Cao tựu trung là một quan niệm đạo đức hoặc một phong thái đạo đức, thì ở Hàn Mặc Tử, ảnh hưởng ấy chủ yếu là ở phía văn hóa huyền thoại Thiên Chúa, chứa đựng trong Kinh Thánh. Thiết tưởng, khỏi phải nhắc lại rằng, càng với thời gian, Kinh Thánh Thiên Chúa giáo (Bible) càng nổi trội ở ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa nghệ thuật. Người sáng tạo ra thế giới của Trăm năm cô đơn là García Marquez cũng không giấu diếm một sự ghen tỵ với cái thế giới mà Kinh Thánh tạo ra: nó bộc lộ một quyền năng sáng tạo mà chỉ Thượng đế mới có nổi (chính nó tự coi là “thác lời” Chúa!).

Với phần đông cư dân ở ta, việc cải giáo là một lễ thức hơn là một nguyên tắc triệt để; bằng cứ là hiếm có giáo hữu nào bỏ hẳn tục thờ cúng ông bà cha mẹ. Người Việt từ xưa vốn vậy: sự tiếp nhận, sự du nhập (cái gì đó từ ngoài) chỉ là phép cộng chứ không phải là phép loại suy. Ngôi chùa thờ Phật vẫn có thể đặt thêm bàn thờ các thần tượng tôn giáo nguyên thủy, các thần tượng (thậm chí ngẫu tượng) của từng vùng, từng địa phương có thần tích thần phả. Với văn chương của các nhà văn trong giáo hữu vừa nói đến ở đây cũng vậy. Tinh thần Thiên Chúa giáo chỉ thấm vào, thêm vào, thậm chí có thể làm nên nét trội, nhưng không loại bỏ hay cạnh tranh với các truyền thống tín ngưỡng khác, các hành trang văn hóa khác đã có.

Noël 1991
● Báo “Thể thao & Văn hóa”, 1991.

Nguồn: FB Lại Nguyên Ân

Comments are closed.