Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 11 (tiếp)

Nguyễn Ngọc Lanh

 

 

Nguyễn Ái Quốc và những người bạn Pháp tại Paris vào năm 1921 (ảnh baomoi.com)

Về cái tên Nguyễn Ái Quốc

Đề tài “tác giả Nguyễn Ái Quốc là ai” đã có một bài viết dài, công sức tuy nhiều, nhưng công tâm thì ít. Đây là bài Lịch Sử, nhưng người viết dùng suy luận hơi bị nhiều, để đi đến kết luận rằng Nguyễn Tất Thành là người nhận tên Nguyễn Ái Quốc nhưng không phải là tác giả những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc. Vì thế, có một bài khác cải chính lại. Nếu muốn tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, bạn đọc rất nên đọc lại cả hai bài trên. Sau đó, rồi hãy đọc tiếp nội dung dưới đây.

Năm 1911 khi lần đầu tới Pháp và làm đơn xin học trường Thuộc Địa, “nhân vật chính” của bài này vẫn ký tên là Nguyễn Tất Thành – đúng với cái tên chính thức sử dụng ở bậc tiểu học và trung học trong nước. Sau đó (1912-1913) khi ở Mỹ, rồi sang Anh (1914-1917), cái tên Thành vẫn được sử dụng (Paul Thành). Sau năm 1917 nhân vật này có đổi tên hay không là điều cần làm sáng tỏ.

– Thời điểm nào Nguyễn Tất Thành định cư ở Paris?. Một sự kiện được khẳng định, là nhân vật này vào đảng Xã Hội Pháp tháng 2 năm 1919. Không thể có chuyện vừa mới “chân ướt, chân ráo” tới Pháp đã được vào ngay một đảng lớn, có tiêu chuẩn kết nạp xác định, có ảnh hưởng chính trị và có nhiều trí thức tham gia. Như vậy, phải nghĩ rằng nhân vật đã định cư ở Pháp khá lâu trước tháng 2 – 1919. Thời đó, vào đảng Xã Hội – dù thời nay suy nghĩ đơn giản nhất – thì người xin vào đảng phải có cái tên chính thức, có địa chỉ xác định, có nghề nghiệp lương thiện… (tức là tiêu chuẩn nhân thân rõ ràng); lại phải có người giới thiệu (đứng ra đảm bảo về nhân thân và sự giác ngộ); ngoài ra, đương sự phải đủ ngôn ngữ để trả lời các câu hỏi đánh giá sự tự nguyện và có lý tưởng phù hợp (tức là đáp ứng tiêu chuẩn xứng đáng đảng viên) và sau khi được kết nạp có thể sinh hoạt trong một chi bộ (dùng tiếng Pháp). Do vậy, tư liệu cho rằng Nguyễn Tất Thành tới Pháp muộn nhất là cuối năm 1917 là tin được.

Câu hỏi là trong 5-6 năm sống ở Pháp (1917-1923), nhân vật này sử dụng tên gì?. Đây nói về cái tên hợp pháp (đăng ký với chính quyền) mà sau đó không thể tùy tiện thay đổi (như thay đổi bút danh khi viết báo). Đây cũng là cái tên để thuê nhà, hành nghề rửa ảnh, để nhận thư bưu điện và mọi liên lạc giấy tờ khác… v.v. Tiếp đó, khi cuộc sống đã tạm ổn định, đây cũng là cái tên để nhân vật này xin vào đảng Xã Hội, vào Hội Tam Điểm, đảng Cộng Sản và đăng ký ra báo Le Paria  (không thể dùng tên giả, mật danh hay bút danh mà được)… Vậy tên đó là gì? Sàng đi, lọc lại… đủ cách, chỉ còn lại cái tên Nguyễn Ái Quốc. Sẽ nói tiếp ở dưới.

Chú thích. Rất có thể, tên Nguyễn Ái Quốc có từ trước tháng 6-1919, như trên đã nói. Nhưng nó chỉ có cơ hội xuất hiện trên truyền thông (nhiều người biết tới) khi đích thân Nguyễn Ái Quốc đưa bức Thư thỉnh nguyện của dân An Nam, ký tên mình, tới Hội Nghị Hòa Bình Versailles (tháng 6-1919) và sau đó văn bản này được đăng trên mấy tờ báo. Không có bằng chứng nào về chuyện các tác giả Thư Thỉnh Nguyên bàn nhau và nhất trí rằng “chúng ta đặt ra (bịa ra) cái tên Nguyễn Ái Quốc để ký dưới bức thư này”. Với một văn bản chính trị gửi Hội Nghị Quốc Tế không thể ký bằng một cái tên “tự sáng tác ra”; mà chỉ có thể: a) mọi người cùng ký; hoặc một người ký, nhưng có ghi rõ “ký thay, ký đại diện” (cho ai, cho tập thể nào)… v.v. chứ không thể dùng tên tượng trưng, tên bịa… Ngược lại, lại có bằng chứng Nguyễn Tất Thành khi sống ở Pháp đã đổi tên là Nguyễn Ái Quốc. Đó là, bất cứ dịp nào nói chuyện (hay gửi thư) với nhân vật này, cụ Phan Chu Trinh đều xưng hô “tôi” và “anh Quốc” (sẽ nói thêm ở dưới). Nếu vậy, việc cụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục dùng cái tên “Nguyễn Ái Quốc” (của chính mình) từ sau năm 1919 là điều chẳng có gì phải bàn.

Văn bản chính trị của dân An Nam trao cho Hội Nghị Quốc Tế

Tháng 6 năm 1919, phái đoàn các nước tham dự Hội nghị Hòa bình Versailles được một người trao tận tay Thư thỉnh nguyện của dân An Nam. Bức thư sẽ vô giá trị, nếu không có ai ký. Thực tế, người ký bức thư thay mặt Hội người An Nam yêu nước, còn bức thư (như cái tên) thì nhân danh dân An Nam, do vậy không thể dùng tên giả (hoặc mật danh), và ngoài ra, người ký dưới bức thư phải kèm cả địa chỉ hẳn hoi. Thì đây, bức thư này được ký bằng cái tên Nguyễn Ái Quốc, địa chỉ là 56 rue Monsieur le Prince, là hoàn toàn đáp ứng. Thư chỉ có một chữ ký, thể hiện một cá nhân, nhân danh một Hội của người An nam. Sau đó, không có ai tranh chấp, khiếu nại; có nghĩa là người ký đã chính thức được ủy nhiệm. Sự việc tiếp theo là tháng 11-1919, Bộ Thuộc Địa gửi giấy mời tới tác giả bức thư, cũng nhằm đúng địa chỉ ghi ở cuối bức thư. Tuy Nguyễn Ái Quốc đã chuyển tới số 6 Villa des Gobelins (là nhà của cụ Phan Văn Trường, có cụ Phan Chu Trinh cùng sống), nhưng giấy mời vẫn tới tận tay – nói lên cái tên Nguyễn Ái Quốc và địa chỉ 56 rue Monsieur le Prince đều hợp pháp. Và Nguyễn Ái Quốc “bằng xương bằng thịt” đã có mặt ở Bộ Thuộc Địa, diện kiến bộ trưởng và trả lời mọi câu hỏi thẩm vấn.

– “Anh Quốc”: là cái tên gọi mà cụ Phan Chu Trinh rất quen miệng. Ba tháng sau khi trao Thư thỉnh nguyện (tức là Tháng 9 năm 1919), theo cuốn sách “Phan Châu Trinh – Cuộc đời và tác phẩm (1872 – 1926)”, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1987, thì một ông mật thám tên là Eduart đã tiếp xúc được với Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh (có mặt cụ Khánh Ký và một người nữa) – cũng ở số nhà 6 Villa des Gobelins – nghe được nội dung  hai vị này trao đổi với nhau về quan điểm chính trị; trong đó cụ Phan Chu Trinh gọi người đối thoại là “anh Quốc” (câu nguyên văn: “Anh Quốc, cho phép tôi lưu ý anh rằng anh còn rất trẻ, người ta thấy rõ anh là anh còn sôi nổi quá…”. Cách xưng hô này cho thấy hai điều: a) cách gọi “anh Quốc” được cụ Phan xưng hô rất tự nhiên, quen miệng, chứng tỏ cụ sử dụng từ lâu rồi. Nếu cái tên “Nguyễn Ái Quốc” là tên chung (thực chất là mật danh) của 3 người, thì không thể biến thành tên chính thức của một người chỉ sau ít tháng, tới mức cụ Phan dùng cách xưng hô như trên. Tư liệu loại này không thiếu. Đó là, hễ trực tiếp nói chuyện với nhau, hoặc gửi thư, cụ Phan chỉ dùng “anh Quốc”. b) đây là cách thân mật của bề trên gọi con-cháu, rất đặc trưng Việt (cụ Phan không dùng cách gọi khách sáo “anh Ái Quốc”).

– Như vậy, có thể coi rằng một tập thể đã mượn tên “Nguyễn Ái Quốc” để gửi đi một văn bản chính trị; chứ không có chuyện Nguyễn Tất Thành sau tháng 6-1919 đã “mượn” tên Nguyễn Ái Quốc (của chung 3 người) làm tên của mình. Xin nhớ rằng thời gian này 3 nhân vật liên quan vẫn thường xuyên gặp nhau, thậm chí ở chung với nhau. Nói rằng, bức thư là sản phẩm của một tập thể ba người là nói theo suy luận. Nhưng về lý, nếu không ai tranh chấp, thư đó phải là của Nguyễn Ái Quốc. Điều này cũng có nghĩa là mọi công (với hậu thế, nếu có) và mọi tội (với chính quyền Pháp, nếu có) đều đổ lên đầu con người này…

Về bức Thư thỉnh nguyện của dân An Nam

– Phải ký bằng tên thật, không thể dùng mật danh và địa chỉ giả. Khi đến hội nghị Versailles để trao thư, đương sự đã 29 tuổi, đã sống ở Pháp gần 2 năm, đã có chính kiến, đã đủ tiêu chuẩn sinh hoạt trong một đảng cánh tả (đảng Xã Hội; được 4 tháng) và sau này thuộc phái cực tả trong đảng. Bức thư “thay mặt dân An Nam” không lẽ nào lại ký bằng tên giả, tên bịa hoặc mật danh? “Nguyễn Ái Quốc” là tên một người, một cá nhân cụ thể. Các phái đoàn dự hội nghị quốc tế không thể hiểu rằng đó chỉ là “cái tên tượng trưng của nhóm người viết thư”. Không có chú thích nào dưới bức thư đã nói lên điều đó. Ngoài ra, về địa chỉ người ký, không lẽ dùng địa chỉ giả? Những câu hỏi này đã được giải đáp một phần ở trên. Tuy nhiên, hãy cứ cho rằng “đây là bức thư của một nhóm người”.

– Ai là người nêu sáng kiến gửi bức thư này? Nay chỉ có thể suy luận, và cũng nên dừng ở suy luận (để khỏi tranh luận vô ích); mặc dù tác giả Trần Dân Tiên có nói rõ:ai đề xuất (anh Ba), ai soạn thảo (ông Trường); và ý kiến của Trần Dân Tiên không phải là không có lý.

Chú thích. Sự kiện để lại đến nay chưa đủ để kết luận ai có sáng kiến “gửi thư thỉnh nguyện”; trừ tác giả Trần Dân Tiên khẳng định. Do vậy, hậu thế tha hồ suy luận (tức là đặt ra các giả thuyết) tùy theo cách nhìn chủ quan hay khách quan, yêu hay ghét, công bằng hay thiên lệch. Dưới đây, xin thử nêu một giả thuyết: Tác giả Trần Dân Tiên viết (ý): anh Ba có sáng kiến gửi một thư cho Hội Nghị Hòa Bình, nhưng “văn viết” của anh còn kém, phải nhờ cụ Phan Văn Trường viết giúp. Có thể, cụ Trường (nhân đấy) đã thêm, bớt nhiều ý, để văn bản tăng chất lượng. Tuy không viết, nhưng anh Ba đọc và hoàn toàn hiểu nội dung bức thư do cụ Trường soạn ra, để tự anh đồng ý (hay không đồng ý) với nội dung đã sửa này. Và tự tay anh ký, tự tay đem trao cho các phái đoàn. Còn cụ Trường, từ đó cho đến khi từ trần, cụ chẳng quan tâm gì đến cái việc “viết giúp” này nữa. Nhắc lại, đây chỉ là một giả thuyết. Có thể đề ra nhiều giả thuyết ngược lại, để nói rằng Nguyễn Ái Quốc trong bức đó là bút danh của nhiều tác giả (như bài này tạm công nhận). Hoặc có thể đưa ra giả thuyết khác, cực kỳ mạnh bạo, để biến Nguyễn Tất Thành “chẳng qua chỉ là đứa trẻ được người lớn sai đi đưa thư”. Xin cứ tha hồ.

Nội dung chính của bức thư là cái phần “tám điều thỉnh nguyện”, nằm ngay dưới phần mở đầu. Nó được viết dưới dạng “gạch đầu dòng”, rất đơn giản về ngữ pháp, rất dễ hiểu về ý. Và đó cũng là những mục tiêu đấu tranh đã quen thuộc từ lâu. Do vậy, nếu bưc thư có nhiều tác giả, thì mọi tác giả đều đủ trình độ góp ý và thảo luận để đi đến thống nhất về nội dung và thứ tự tám điều. Nói, vị này có vai trò quan trọng hơn vị khác cũng chỉ là suy luận của hậu thế, có thể có cơ sở nhiều hay ít. Nhưng một sự thật là, tới khi từ trần, chẳng có ai trong các bậc tiền bối còn quan tâm tranh giành chuyện “đóng góp vào bức nhiều hay ít” nữa. Đến chuyện “ai là tác giả” mà các vị còn không thèm quan tâm cơ mà!

– Đối tượng đầu tiên đọc thư tất nhiên là các phái đoàn dự hội nghị, do vậy bức thư phải viết bằng tiếng Pháp (là ngôn ngữ chính thức truyền thống, dùng trong các hội nghị quốc tế thời đó) và tiếng Anh (khi đó bắt đầu được coi là ngôn ngữ chính thức số 2), nhằm gửi cho phái đoàn Mỹ. Cụ Phan Văn Trường có vai trò duy nhất về hai ngôn ngữ này, khỏi bàn cãi. Nhưng đối tượng mà các tác giả bức thư nhằm tới còn là đồng bào người Việt – có khoảng 5% dân biết chữ Hán hoặc Quốc Ngữ và 95% mù chữ. Khỏi cần nói vai trò của cụ Phan trong việc chuyển nội dung thư sang Hán văn, nhằm vào giới trí thức cựu học. Còn việc chuyển sang Quốc Ngữ có lẽ không khó với cả 3 tác giả, nhưng chuyển sang văn vần (ca dao) để người bình dân đọc được, dễ thuộc và có thể truyền khẩu rộng rãi tới người mù chữ, hẳn chỉ có một người làm nổi. Đó là Nguyễn Ái Quốc. Rất có thể hậu thế vì mục đích nào đó sẽ dùng tiêu chuẩn thơ ca cao cấp để chê cái bài “văn vần” này chỉ là bài vè, nghe ngô nghê, chán phè.

Đây là bản “Thư thỉnh nguyện” (dịch ra tiếng Việt) ở cột bên trái; tác giả ký là Nguyễn Ái Quốc (có giả thuyết coi là đại diện 3 tác giả) và bản chuyển thành thơ: “Yêu cầu ca” (cột phải), của riêng Nguyễn Ái Quốc.

Chú thích. Văn bản Thư thỉnh nguyện của dân An Nam (nói trên) thật ra không đem lại kết quả thực tế đáng kể nào, bởi vì chính Hội Nghị Verseille cũng thất bại. Bức thư chỉ còn giá trị “tiếng vang” trong quá khứ. Tới nay, nó chỉ còn giá trị tinh thần và giá trị lịch sử, đánh dấu một sự kiện. Sau năm 1919 có lẽ các tác giả không còn quan tâm tới nó nữa. Không ai nhắc lại chuyện này. Trong số tác giả bức thư, cụ Phan Chu Trinh mất sớm (1926), còn cụ Phan Văn Trường sống tới năm 1933, cụ Nguyễn Thế Truyền (nếu là tác giả?) sống tới năm 1969… nhưng không lần nào các vị này nói về ý nghĩa và tác dụng của bức thư hoặc nhận mình là đồng tác giả. Thôi thì, cứ tạm coi tác giả bức thư là một tập thể. Khốn nỗi, nếu (giả sử) thực dân kết án người viết thư, bắt tội người đưa thư… sẽ chỉ có Nguyễn Ái Quốc (bằng xương, bằng thịt – chính là Nguyễn Tất Thành trước đây) bị rầy rà mà thôi. Các vị khác vô can.

Trình độ khi vào đảng Xã Hội và đảng Cộng Sản

– Bằng câu tự đánh giá dưới đây, cụ Nguyễn Ái Quốc đã thành thật nói lên trình độ của mình, khi cụ vào đảng Xã Hội Pháp: “Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp là vì các “quý ông, quý bà” ấy (messieurs, madames) – hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế – đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu”. Và “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái”. Như vậy, trước khi trao “thư thỉnh nguyện” Nguyễn Ái Quốc đã là chiến sĩ tranh đấu cho độc lâp, chống áp bức; đã thấy được sự cao cả của hoài bão Tự do, Bình đẳng… Nhưng cũng xin nói thật: Trình độ lý luận của cụ Nguyễn năm 29 tuổi vẫn hơi bị “lơ mơ” giữa lý tưởng của Marx, Engels (mà đảng Xã Hội Pháp theo đuổi) với lý tưởng của cách mạng tư sản Pháp. Đây là đảng khuynh tả, coi chế độ tư bản là kẻ thù, cần đánh đổ; mặc dù chế độ này đang cố thực hiện “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Rõ ràng, cụ chưa rạch ròi chuyện Ta-Địch. Nhưng đó là năm 1919, liệu những năm sau cụ có nghĩ khác?.

– Cho đến cuối năm 1920 đảng Xã Hội mở đại hội và bị phân hóa: Bộ phận “cực tả” bỏ phiếu tán thành Quốc Tế 3 (do Lenin thành lập), từ đó tách ra thành đảng Cộng Sản. Cụ Nguyễn trở thành “đảng viên sáng lập” (!) của đảng CS Pháp. Lý do, như cụ tự bộc lộ: “chỉ vì Quốc tế 3 rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa”.

Rồi trong một cuộc họp của đảng Cộng Sản, cụ nói với các đồng chí: “Tôi không hiểu bất cứ điều gì về chiến lược, thủ thuật hành động và tất cả những từ ngữ đao to búa lớn mà các ông dùng, nhưng tôi hiểu một điều rất đơn giản: Quốc tế Thứ 3 quan tâm rất nhiều tới vấn đề thuộc địa. Các đại biểu của Quốc tế Thứ 3 hứa sẽ giúp các dân tộc thuộc địa đang bị áp bức giành lại tự do và độc lập. Các thành viên của Quốc tế thứ 2 không nói một từ nào về số phận của các vùng thuộc địa“. Và trước đó, khi đọc được “Luận cương của Lênin” thì… “tôi rất cảm động, phấn khởi… Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: ‘Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta“.

Cũng từ đó, bất cứ khi nào có dịp, cụ lại nhân danh cái Luận Cương này mà đề nghị, yêu cầu – kể cả đòi hỏi – đảng Cộng sản Pháp cần quan tâm hơn nữa đến các thuộc địa. Ơ hay! Cụ đang là đảng viên CS Pháp, cụ đang sống ở Pháp, lẽ ra phải phát biểu vào mục tiêu của đảng CS Pháp mới phù hợp và xứng đáng là đảng viên của đảng này chứ? Đó chính là mục tiêu đánh đổ chế độ tư bản hiện hành, xây dựng xã hội cộng sản ở Pháp chứ. Sao cứ luẩn quẩn trong phạm vi dân tộc và quốc gia, vậy ư? Mặc! Cụ vẫn cứ nằng nặc mục tiêu của riêng cụ – bất chấp mục tiêu của đa số – khiến cuối năm 1922, đảng phải để cụ giữ chức Ủy Viên Ban Nghiên cứu Thuộc địa, phụ trách Trưởng ban Đông Dương. 

Chú thích. Cái bệnh mạn tính, rất khó chữa, của cụ Nguyễn Ái Quốc chính là “bệnh ái quốc”. Dù đã là đảng viên Cộng Sản một nước tư bản đầu đàn, mà đầu óc vẫn chỉ chứa được chủ nghĩa quốc gia, dân tộc (rất hẹp hòi). Ví dụ, khi ở Paris, cụ thường xuyên sinh hoạt Câu lạc bộ Faubourg, trong đó thảo luận đủ thứ đề tài, nhưng dù là đề tài gì, hễ mỗi khi phát biểu, cụ đều lèo lái toàn hội nghị về phía… tố cáo thực dân. Chẳng hạn, với đề tài: Thầy thuốc cứu người hay giết người phụ thuộc vào lương tâm và tài năng. Cụ nói (ý): Thầy thuốc làm hại bệnh nhân là chuyện không cố ý và hãn hữu xảy ra; nhưng thực dân Pháp đang đầu độc 20 triệu dân Đông Dương bằng rượu cồn và thuốc phiện là hoàn toàn có chủ định… Với đề tài “Phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên” (rất thời sự hồi đó), cụ nói: Dân nước tôi đang bị thực dân Pháp thôi miên để dễ bề bóc lột…

Dẫu sao, là đảng viên, cụ Ái Quốc cũng rất sớm viết một bài về chủ nghĩa Cộng Sản, đúng với trình độ và xu hướng chính trị của cụ. Đầu đề của bài là một câu hỏi: Chế độ cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng hay không? đăng ở Tạp chí tiếng Pháp La Revue Communiste, số 15, tháng 5-1921. Không ai nghi ngờ rằng đây là bài của tập thể, còn cụ chỉ là người đứng tên. Câu trả lời cho cái đầu đề này tuy vắn tắt, nhưng rất khẳng định. Đó là: “có chứ”, hoặc “được lắm chứ”. Nhưng đọc kỹ nội dung sẽ thấy cụ muốn dẫn người đọc tới đi kết luận: Muốn áp dụng chế độ cộng sản, trước hết Đông Dương và các nước thuộc địa khác cần được độc lập cái đã: tức là phải đuổi hết thực dân. Bởi vì, đuổi hết thực dân có nghĩa là làm mất cơ sở để đế quốc tồn tại. Từ đó giúp vô sản châu Âu nhanh chóng lật đổ chủ nghĩa tư bản. Tóm lại, loanh quanh một hồi, cụ nhắc nhở phong trào Cộng Sản quốc tế chớ quên Luận Cương về thuộc địa. Cái đầu đề phải có cả yếu tố Đông Dương là có lý do.

Chú thích. Trong bài, trước hết cụ đề cập Nhật Bản là nước đang trong quá trình tư  bản hóa mạnh mẽ; nhưng ở đó đã ra đời đảng tiên phong, đã thức tỉnh phong trào công nhân, đã nổ ra những cuộc đình công và biểu tình. Đầy triển vọng. Dẫu sao, cảm tưởng của người đọc là… còn lâu Nhật mới áp dụng được chế độ Cộng Sản. Với Trung Quốc, cụ hy vọng chính quyền cách mạng của Tôn Trung Sơn sẽ “vô sản hóa” để bắt tay với nước Nga công nhân… Rồi Triều Tiên, Ấn Độ. Cuối cùng, vẫn là chuyện muôn đời: Cụ tố cáo thực dân Pháp ở Đông Dương.

Thế nhưng, chủ đề của bài là châu Á áp dụng chế độ Cộng Sản bằng cách nào (?), thì cụ bảo, cách nay 5000 năm, nước Tàu đã áp dụng chế độ “tỉnh điền”; rất gần gũi với sự phân công lao động và chia phúc lợi công bằng (kiểu cộng sản). Rồi tới nhà Hạ, đã áp dụng chế độ “lao động bắt buộc”. Khổng Tử đã đề cập tới khái niệm bình đẳng về tài sản và thế giới đại đổng… Cuối cùng, muốn áp dụng chế độ cộng sản vào các nước lạc hậu châu Á, phải có các quyền tự do bão chí, du lịch, hội họp, dạy và học (nghĩa là tự do kiểu tư sản). Và khi hàng trăm triệu dân châu Á vùng lên diệt thực dân, tức là họ xóa bỏ điều kiện tồn tại của đế quốc, cũng tức là họ giúp vô sản châu Âu thuận lợi đánh đổ tư bản để tự giải phóng mình.

Ngừng hẳn viết lý luận từ sau năm 1924

Sống ở Liên Xô chỉ trên một năm (1923-1924), nhưng được đọc nhiều, giao tiếp nhiều và tham dự nhiều hội nghị quốc tế, sự hiểu biết và lý luận của cụ Nguyễn Ái Quốc tăng lên rất nhanh. Nhất là khả năng nhận định thực tiễn. Cụ tiếp tục viết cho báo Le Paria (lúc này do cụ Nguyễn Thế Truyền phụ trách), Humanite và nhiều báo khác. Nói chung, sự quan tâm số 1 vẫn là tố cáo thực dân và đấu tranh giành độc lập. Cụ còn tranh thủ mọi dịp phát biểu về chủ đề này; nhất là ở các hội nghị lớn. Riêng về lý luận cụ viết một số bài, nhưng về quan điểm thì ngày càng… xa mục tiêu của chủ nghĩa Marx, nhất là xa quan điểm đấu tranh giai cấp quyết liệt và chuyên chính vô sản mà Stalin nhét thêm vào. Nguyên nhân là cụ cứ đối chiếu lý luận cách mạng vô sản với tình hình thực tế ở nước cụ (Việt Nam). Trong các bài đó, quan trọng nhất là bài Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, cụ viết năm 1924, khi chưa dời khỏi nước Nga.

Chú thích. Nếu theo cái tên bài, đây chỉ là báo cáo, và chỉ liên quan tới tổ quốc của Việt Nam của cụ, mà không phải báo cáo về Đông Dương (như những lần viết khác). Chả là, người Pháp khi cai trị Đông Dương chia đất này thành 5 xứ, không còn tên Việt Nam nữa, chỉ còn các xứ Bắc Kỳ (Pháp gọi là Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine); hai xứ còn lại là Laos và Cambodge (Ai Lao, Cao Miên). Sáu năm sau, khi lập đảng, cụ cũng chỉ giới hạn trong phạm vi Việt Nam, nhưng rất có thể do cái bài trên (nặng ý thức quốc gia, hẹp hòi) mà Stalin coi cụ chưa phải là “chiến sĩ quốc tế”; về sau vị này bắt đổi tên đảng CS của VN thành đảng CS của cả Đông Dương. Điều này có thể phù hợp với tham vọng của các cụ Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và các cụ khác cùng chà lứa (thế hệ 4).

Cho tới nay, bài này được đảng CSVN coi là đỉnh cao, thậm chí cao nhất, về trí tuệ trong lý luận cách mạng Việt Nam và có tầm nhìn xa rộng nhất về chiến lược và thực tiễn. Nó phù hợp với thực tế Việt Nam. Nhưng đây cũng là bài lý luận về cách mạng ở phương Đông nói chung, cụ thể là ở Việt Nam. Cụ Ái Quốc cho rằng, chủ nghĩa Marx áp dụng ở đây phải phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện. OK. Chưa có gì sai. Nhưng nói rằng chủ nghĩa này phải được sửa đổi và tiếp thu “dân tộc học phương Đông” thì quả là bạo gan. Khi quan điểm chung là “thuộc địa sẽ được giải phóng sau khi cách mạng ở chính quốc thành công (lật đổ chế độ tư bản)“, thì cụ lại khẳng định rằng thuộc địa có thể giành độc lập trước, qua đó thu hẹp và thủ tiêu thế lực đế quốc, giúp cách mạng chính quốc mau thành công. Tất cả, đều trái với lý luận cách mạng vô sản theo tinh thần Stalin.

Chú Thích. Đại hội thành lập QTCS năm 1919 có ra một Tuyên Ngôn, trong đó có đoạn: “Sự giải phóng các thuộc địa chỉ có thể đạt được cùng với sự giải phóng giai cấp công nhân ở các chính quốc. Công nhân và nông dân không chỉ ở An Nam, Angiêri, Bengalia, mà cả ở Iran và Ácmênia sẽ chỉ nhận được khả năng sống độc lập khi công nhân Anh và Pháp lật đổ được Lôít Gióocgiơ Clêmăngxô giành chính quyền nhà nước về tay mình”. Hai người bị Quốc Tế CS III đưa đích danh vào Tuyên Ngôn “để được công nhân Anh và Pháp lật đổ” chính là vua Anh và thủ tướng Pháp thời đó. Chỉ riêng điều này, đủ kết luận về tính chất tả khuynh tới mức cực đoan của Quốc Tế CS III, nhất là sau khi bị Stalin lũng đoạn. Về Clêmăngxô (Clémenceau): Ông là danh nhân của nước Pháp, có công đưa nước Pháp tới chiến thắng trong Đại Chiến I, được dân Pháp suy tôn là Le Père-la-Victoire (Người cha chiến thắng). Georges Clemenceau cũng từng là thành viên của Hàn lâm viện Pháp. Năm 1919 ông tham dự Hội Nghị Hòa Bình Versaille với tư cách là thủ tường Pháp; có tiếng nói chủ chốt trong Hội Nghị này (mà Nguyễn Ái Quốc gửi Thỉnh Nguyện Thư năm đó, chỉ mong thư tới tay ông). Trước đó, năm 1905, khi mới là tiến sĩ, chủ nhiệm báo, ông đã sáng tạo ra từ “trí thức” và dũng cảm bênh vực nhà văn Zola và bị cáo (Do Thái) trong vụ án lịch sử Dreiffus (nổi tiếng về bất công).  

Sự đối xử khe khắt của quốc tế CS cũng như vị thế nguy hiểm mà cụ đang lâm vào khiến từ đấy cụ thôi hẳn viết lý luận, tìm cớ chạy khỏi thành trì cách mạng thế giới (nước Nga) và chuyển hẳn sang hoạt động thực tế. Những văn bản quan trọng nhất, căn bản nhất mà cụ vắt óc viết ra năm 1930 và 1945 đủ để hậu thế xác định tư tưởng chủ lưu của cụ là gì.

Chú thích. Rất liều, khi cụ Nguyễn dám đặt toàn những câu hỏi mang tính “xét lại” trong bài trên; ví dụ cái câu: Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại. Mác cho ta biết rằng sự tiến triển các xã hội trải qua ba giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản; và trong mỗi giai đoạn ấy, đấu tranh giai cấp có khác nhau. Nhưng… các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không? Từ nhiều thế kỷ nay, họ chẳng hưởng được thái bình hay sao để đến mức làm cho người châu Âu khinh rẻ họ (lười nhác, mê muội hàng nghìn năm, v.v.)? Và cụ kết luận: Vậy, cần xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông.

– Rất sai với lý luận cơ bản, cụ Nguyễn cho rằng cuộc đấu tranh giai cấp ở Việt nam không giống ở phương Tây. Ở đây, không có bọn tư bản. Ngay đại địa chủ cũng chỉ là cỡ “lùn tịt” so với những người cùng tên ở châu Âu. Tóm lại, đấu tranh giai cấp không có gì gay gắt, quyết liệt.

– Rất bậy, khi cụ cho rằng Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người culi biết phản đối, nó làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khoá, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1917…

– Tóm lại, dưới quan điểm chủ nghĩa Mác-Lê (cái tên này do Stalin đặt) cụ Ái Quốc không những là phần tử theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, mà bản thân còn tự thể hiện là “tên xét lại”, thậm chí “tên phản bội”, bị nghi ngờ từ năm 1924 tới cuối đời. Tiền bối của cụ là Berstein (bị Lenin gọi là “tên xét lại”), Kautsky (Lenin gọi là “tên phản bội”). Người kế tiếp của cụ ở Việt Nam là Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách,Trần Độ.

Bị đàn em và học trò phê phán nặng nề

Trong những năm 1931-1935, cụ bị các cụ thế hệ sau, như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập (lần lượt làm tổng bí thư) phê phán rất nặng nề, rất xúc phạm. Điều này không có gì khó hiểu, thậm chí rất dễ hình dung. Nguyễn Ái Quốc chỉ sống ở Nga trên 1 năm, tham gia rất nhiều hội nghị, tiếp xúc rất nhiều người, do vậy không thể đủ thời gian tìm hiểu cặn kẽ cái thứ “chủ nghĩa Mác đã được Lenin phát triển theo hướng cực đoan, cực tả”. Đã vậy, cụ lại sống ở Pháp tới 6 năm, đã “tiêm nhiễm” không khí tự do, dân chủ, đa nguyên… nên – về lý luận – cụ rất khó tiếp thu cái chủ nghĩa này. Còn về thực tế, cụ thấy Quốc Tế CS rất ít hiểu biết về xã hội châu Á. Các văn bản do cụ soạn ra (Chính Cương, Điều Lệ, sách Đường Kách Mệnh…) dù thể hiện chủ trương giành độc lập bằng bạo lực nhưng yếu tố chính trị và tổ chức rất được coi trọng – trong đó rất chú ý mở rộng đoàn kết các tầng lớp, các giai cấp… Trong khi đó, các cụ Trần Phú, Hà Huy Tập… được học rất đầy đủ và hệ thống thứ chủ nghĩa trên, lại học khi Stalin đang mở đầu cuộc đại thanh trừng, quyết liệt thực hiện đấu trang giai cấp. Họ cực ký hào hứng và xúc động tiếp thu lý luận mới, cực kỳ cách mạng. Họ dám hy sinh vì lý tưởng cao cả “giải phóng nhân loại, thế giới là một nhà”. Từ đó, họ cũng coi thường trình độ “chuyên tu, hàm thụ” của cụ Nguyễn, đồng thời cũng muốn tâng công với Stalin.   

Ví dụ, cụ Hà Huy Tập viết trên tạp chí Bônsơvích  (số 8/12-1934): “…chúng ta không được quên những tàn tích quốc gia chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc và những chỉ thị sai lầm của đồng chí ấy về những vấn đề căn bản của phong trào cách mạng tư sản dân quyền và những lý luận cơ hội của đồng chí ấy bám rễ vào đầu óc của phần đông đồng chí chúng ta, giống như những tàn tích tư sản vẫn sống dai dẳng trong đầu óc những hội viên Thanh Niên, Tân Việt và Vừng Hồng. Nguyễn Ái Quốc không hiểu được những chỉ thị của Quốc tế cộng sản; không hợp nhất được ba tổ chức cộng sản từ trên xuống dưới… Tài liệu Sách lược vắn tắt của Đảng và Điều lệ của Đảng hợp nhất (do NAQ viết ra) không theo đúng chỉ thị của Quốc tế cộng sản. Ngoài ra Nguyễn Ái Quốc còn chủ trương một sách lược cải lương và hợp tác: “trung lập tư sản và phú nông”, “liên minh với địa chủ nhỏ và vừa”, v.v. Vì những sai lầm đó, nên từ tháng Giêng đến tháng Mười năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đi theo một chiến lược có nhiều điểm trái với những chỉ thị của Quốc tế cộng sản, tuy trong thực tế đã lãnh đạo quần chúng kiên quyết đấu tranh cách mạng“. Trong một bức thư “kể tội” gửi cho tổ chức Đệ Tam Quốc tế hay về phong trào cách mạng vô sản tại Đông Dương được viết vào tháng 3 năm 1935, Nguyễn Ái Quốc bị phê phán nặng nề. Bức thư này có ghi nhận về “tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm của đảng của các đồng chí Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc”. Trong thư này có đoạn: “Những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản. Cuộc tranh đấu không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của Đảng Thanh niên là rất cần thiết (…). Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin viết một cuốn sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua”.

Thật là khó hiểu: Trò “đấu” thầy?

Điều này khó hiểu với đạo lý truyền thống của dân ta; nhưng không khó hiểu với lập trường “lợi ích giai cấp vô sản trên hết”. Hiện nay đảng CSVN vẫn coi các cụ Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập… là “học trò xuất sắc của đồng chí Nguyễn Ái Quốc“. Ví dụ, cụ Nguyễn Phú Trọng (thế hệ 6 hoặc 7) đương nhiệm Tổng Bí thư đã phát biểu trước Đại hội VII Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (ngày 29 tháng 12 năm 2014)

…Trong thế kỷ XX, chúng ta có Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, 21 tuổi ra đi tìm đường cứu nước, 35 tuổi sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, 40 tuổi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã đào tạo nên và cùng với những học trò xuất sắc của mình như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đã làm nên những chiến thắng oanh liệt, đánh đuổi giặc ngoại xâm, đưa nước ta thoát khỏi kiếp nô lệ, trở thành một nước độc lập, tự do, hoà bình và thống nhất, đang ra sức phấn đấu đi lên chủ nghĩa xã hội…

Nguồn: nghienculichsu.com

Comments are closed.