Nguyễn Ngọc Lanh
Đủ điều kiện để tranh đấu ôn hòa thành công
Lẽ thường tình
Giặc đến nhà? Đánh! và đánh! Đó là lẽ thường tình. Xin nhớ: Ta đã từng đuổi Tống, quét Nguyên. Nhưng khi giặc đã chiếm nước ta? Càng phải đánh. Xin nhớ: Lê Lợi sau 10 năm đã tống khứ giặc Minh. Bởi vậy, chuyện tiếp tục phong trào Cần vương chỉ là theo lẽ thường tình của mọi người dân, huống hồ cụ Phan Bội Châu là một sĩ phu hừng hực lòng yêu nước? Tâm thức “nơm nớp lo mất nước” từ ngàn xưa truyền đến lúc đó, âu cũng là chuyện thường tình.
Có hai đặc điểm về tâm lý: a) Sợ Tàu, vì dã tâm xâm lược muôn đời không đổi; b) Nhưng vẫn phục Tàu – nơi sáng tạo đạo Nho mà cha ông ta tôn thờ. Do vậy, nhiều phen chống Tàu, nhưng chưa bao giờ Ta dám gọi Tàu là Di, Mọi, Quỷ. Chỉ có chuyện Tàu gọi Ta là “man”. Mặc dù, nền văn minh phương Tây đã vượt cả Tàu lẫn ta, nhưng khi thấy Pháp có ý đồ xâm lược, Ta vẫn gọi Chúng là Di, Mọi, Quỷ. Tầm nhìn thiển cận như vậy làm sao giữ nổi nước?.
Khi còn ít tuổi, cụ Phan đã khâm phục phong trào Cần Vương nay cụ tiếp tục con đường này cũng là lẽ thường tình. Chính do vậy, cụ Nguyễn Hàm – một nhân vật cần vương đang “nằm im chờ cơ hội” – trở thành nhân vật số 2 trong Hội Duy Tân. Chủ trương bạo động là tất nhiên và cũng rất “thường tình”. Đã Cần Vương, tất nhiên duy trì quân chủ. Đây là mâu thuẫn không thể hòa giải với cụ Phan Chu Trinh – chủ trương triệt để xóa bỏ quân chủ.
Cái nhìn thời đại
– Sáng suốt, khi cụ Phan Chu Trinh nhận ra rằng “ta không đủ sức đuổi Pháp” như ngày xưa Lê Lợi đuổi quân Minh. Thất bại suốt 30 năm của các lãnh tụ Cần Vương đã đủ rút ra bài học. Và chính cụ là người sớm nhất đã rút ra bài học.
– Nhưng sáng suốt gấp đôi, khi cụ còn nhìn ra: 1) Pháp không chỉ hơn ta về “kỹ xảo” (như thế hệ trước nhận định) mà là trình độ văn minh; 2) Mục đích xâm lược muôn thuở là nhằm khai thác; Pháp cũng vậy; nhưng rõ ràng khai thác đi kèm khai hóa. Và rõ ràng, Pháp không định ăn xổi. Khi thiết lập bộ máy cai trị, Pháp tiến hành canh tân mạnh mẽ, có hệ thống, thể hiện ý đồ trú ngụ lâu dài ở xứ này. Nói khác, cụ Phan Chu Trinh nhìn ra sự khác nhau giữa “quân xâm lược” và “bọn thực dân”. Đây là những từ ngữ phổ biến một thời, ý coi khinh, đưa vào sách giáo khoa mà nhiều khi cứ nhập nhằng hoặc đồng nhất hai khái niệm.
Sự lên tiếng đầu tiên: Mục tiêu quá to lớn
– Ngay lúc mới thành lập Hội Quang Phục, cụ Phan Bội Châu đã có kế hoạch ám sát viên Toàn Quyền Albert Saraut. Rốt cuộc chỉ giết được 2 sĩ quan cấp tá, đã nghỉ hưu. Đã sắp tan rã, nhưng Hội vẫn tiến hành ám sát Toàn Quyền Merlin (hội viên Tam Điểm); nhưng… hụt. Tóm lại, từ đầu chí cuối, cụ Phan Bội Châu – vị đại diện cho phái bạo lực – vẫn coi bất cứ “thằng Tây” nào cũng là kẻ thù. Đứa nào chức càng cao, càng nguy hiểm. Nhãn quan này đến nay vẫn thấp thoáng tồn dư mỗi khi viết Sử.
– Trong khi đó, cụ Phan Chu Trinh dùng lời lẽ thẳng thắn, nhưng tôn trọng, gửi thư cho Toàn Quyền. Lạ, là thư ghi “gửi chính phủ Pháp“. Cụ không biết chữ Tây, nhưng “toàn quyền Đông Dương” là chức gì, cụ hiểu đầy đủ qua chữ Hán. Đó là Đông Dương tổng thống toàn quyền đại thần (東洋總統全權大臣). Vậy, đây là vị đại thần có toàn quyền ở xứ Đông Dương do Tổng Thống ủy nhiệm. Tóm lại, muốn phát biểu gì với chính phủ Pháp, cứ gửi văn bản cho ông này là đúng nơi. Trong thư, cụ thóa mạ và kết tội nặng nề Nam Triều (tham nhũng, thối nát), và chất vấn: Sao chính phủ bảo hộ vẫn duy trì và dung túng bọn này? Đây chính là nguyên nhân để 2 năm sau cụ bị Nam Triều kết án tử hình cụ, sau được giảm án, đổi thành “khổ sai chung thân, vĩnh viễn không ân xá”.
– Tác dụng của bức thư này đến đâu? Thật sự, dường như nó chẳng đem lại hiệu quả gì. Làm sao đánh đổ được Nam Triều chỉ bằng một bức thư của cá nhân? Quả thật, mục tiêu này quá to lớn. Giá trị bức thư chỉ như một lời Tuyên Ngôn.
Người nhận thư là quan Toàn Quyền Beau – đảng viên Đảng Cấp Tiến, bản thân ông ta đã thực hiện nhiều cải cách cụ thể ở Đông Dương… Nhưng chuyện “phế bỏ Nam Triều” là việc nằm ngoài quyền hạn; hơn nữa, chính phủ Pháp không bao giờ chủ trương như vậy.
Dấn thân vào những mục tiêu cụ thể
Chỉ vài năm vận động, nhưng phong trào Duy Tân mà các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế gây dựng đã lan nhanh ra nhiều tỉnh miền Trung. Nay đọc lại, phong trào phát triển mạnh và toàn diện, tác động rất rõ tới dân trí, dân khí, dân sinh. Thành quả này, trước các cụ và sau các cụ chưa ai làm nổi – trừ năm 1945-46 với chủ trương “diệt giặc đói (sản xuất), diệt giặc dốt (xóa nạn mù chữ) và bài trừ hủ tục (vận động Đời Sống Mới)”.
Nhưng song song với phong trào Duy Tân còn có thêm phong trào “xin sưu, miễn thuế”, lúc đầu cũng ôn hòa, nhưng càng về sau, càng bạo động. Thời nay, sử học gọi đây là cuộc “dân biến” – để so sánh với khái niệm “binh biến” (như các cuộc binh biến Đô Lương, Thái Nguyên). Chính vì vậy, phong trào bị đàn áp nặng nề và tai họa lan sang phong trào Duy Tân. Thiệt hại rất lớn, gồm cả nhân mạng.
Trích dẫn: Cuối tháng 5 năm 1908, phong trào chống sưu thuế ở miền Trung bị dập tắt. Sau đó, nhiều người bị kết án tử hình, trong đó có: Trần Quý Cáp, Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan, Ông Ích Đường, Trịnh Khắc Lập, Nguyễn Hàng Chi… Hàng trăm người bị đày ra Côn Đảo, trong đó có: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Trần Cao Vân, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế… Hàng trăm người khác bị đày đi Lao Bảo (Quảng Trị) – hết trích. Nhờ có sự can thiệp của Hội Nhân quyền Pháp, Phan Châu Trinh được trả tự do trước thời hạn và đưa về Mỹ Tho để chịu sự quản thúc (1911). Cũng trong năm này, theo yêu cầu của cụ, cụ được nhà cầm quyền cho sang Pháp cùng với con trai là Phan Châu Dật. Đến nơi, việc đầu tiên của cụ là minh oan cho những người bị tù đầy. Cụ đưa cho Hội Nhân quyền Pháp bản điều trần, nhan đề Trung Kỳ dân biến thủy mạt ký (ghi lại đầu đuôi vụ dân biến ở Trung kỳ). Một ghi chép khác có tên là Trung Kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký (Tập ký kêu oan kể đầu đuôi vụ dân biến Trung Kỳ), gửi cho bộ Thuộc địa và toàn quyền Đông Dương. Ngoài kêu oan, các bản điều trần còn mang tính phê phán, cáo trạng. Kết quả rất tích cực khiễn cụ càng tin cách đấu tranh ôn hòa.
Có hai loại bài học được rút ra
– Phái bạo động thấy rằng muốn gây một cuộc “nổi dậy”, cứ khơi lên những bức xúc của dân nghèo, khuyến khích họ hành động “để giành lại những lợi ích vật chất bị kẻ thù chiếm đoạt”. Phần lớn các cuộc bạo động về sau đều dùng mục tiêu này. Và đều thất bại (Khởi nghĩa Trần Cao Vân, Binh biến Thái Nguyên, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khởi nghĩa Nam kỳ, Cải cách ruộng đất), nhưng được cắt nghĩa: đó là bài học cho lần nổi dậy tiếp theo; và là sự tập dượt của quần chúng…
– Cụ Phan Chu Trinh thấy bài học khác: Không thể bạo động mà không bị đàn áp; trong khi đó rất đủ cơ sở để tin rằng có thể đạt được các mục tiêu cụ thể, khả thi, bằng đấu tranh ôn hòa. Chỉ 2 năm, phong trào Duy Tân đã đưa lại những kết quả đáng khích lệ; các bản điều trần của cụ gửi chính phủ Pháp khiến nhiều nhân vật sớm thoát khỏi nhà tù…
Sốt ruột và kiên nhẫn
– Phái tả không thể kiên nhẫn trên con đường đi tới mục tiêu; do vậy đấu tranh bằng bạo lực là cách thích hợp. Phái “quá tả” và “cực tả” lại càng sốt ruột. Do vậy, cụ Phan Bội Châu thua xa cụ Lenin và cụ Stalin – hai nhà cách mạng mà trí thức yêu nước thế hệ 4 nước ta coi là các bậc thầy.
Chú thích. Cụ Phan Chu Trinh phê phán cụ Phan Bội Châu (đại ý)… dùng lời lẽ thống thiết kích động dân chúng lao vào máu lửa… Nhưng cần nói thêm rằng bản thân các lãnh tụ phái tả cũng sẵn sàng xông vào máu lửa. Họ không sợ hi sinh. Sự thành công của Lenin trong cách mạng tháng 10 Nga là nguồn cảm hứng bất tận để phái bạo lực trên thế giới tin tưởng vào cách đấu tranh của mình. Chính là do thắng lợi của cách mạng tháng 10 mà phái “sốt ruột” trong đảng Xã Hội Pháp quyết tách ra, thành lập đảng Cộng Sản Pháp. Một khi thành công, không phải các lãnh tụ phái tả không biết thương dân; ngược lại họ rất muốn kiến tạo thật nhanh (ngay trong đời họ) một xã hội tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc. Nhưng các vị thương dân theo kiểu các vị bạo chúa ban ơn, ban phúc cho ai tuân phục, lại ban cả uy và họa cho ai phản đối. Cũng do sốt ruột, họ xây dựng xã hội bằng các biện pháp quyết liệt, trái quy luật – mà người nhận ra sớm nhất là giới trí thức ôn hòa, sau đó là những dân thường có lương tri. Đây là những người ưu tú nhất bị đày đọa hoặc giết hại sớm nhất. Còn lại là đám người dân trí thấp, dân khí hèn. Thảm kịch ở Nga cho thấy quyền lực – dù ban đầu thiện chí đến đâu – nếu không được kiểm soát, sẽ tha hóa để thành độc tài.Theo cụ Phan, dân trí cao khi người dân giác ngộ các quyền chính đáng của mình (ví dụ ghi trong Hiến Pháp). Thực tế, trình độ học vấn của dân Liên Xô không thấp, nhưng họ không quan tâm tới những quyền của mình. Đó là biểu hiện dân trí thấp kém. Những người muốn sử dụng quyền thì tự thấy sợ hãi, không dám lên tiếng đòi hỏi. Đó là dân khí ươn hèn. Đủ thấy, cụ Phan Chu Trinh sáng suốt biết bao khi chủ trương khai dân trí, chấn dân khí…
– Còn cách đấu tranh của cụ Phan Chu Trinh đòi hỏi sự kiên nhẫn, có thể tốn 50 hoặc 70 năm, nhưng khi thành công thì mỗi người dân đủ trình độ thụ hưởng nền độc lập.
Quan điểm của nước Pháp đối với các thuộc địa
Khi cụ Phan Chu Trinh sang Pháp, tận mắt thấy nền chính trị tiến bộ và dân chủ của nước này, cụ càng tin tưởng con đường đã chọn. Cách mạng Pháp thành công – tới lúc đó – đã được 120 năm, thể chế ngày càng hoàn thiện. Khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái ngày càng hiện thực; trở thành một giá trị cao cả, được nhân loại ngưỡng vọng.
Chú thích. Thời nay, đã là thế kỷ 21, vẫn ít người nhận xét rằng… hầu hết người Việt khi được hấp thu đầy đủ nền giáo dục tại nước Pháp, đều trở thành trí thức tiến bộ, yêu nước, muốn đấu tranh ôn hòa để đồng bào cũng dần dần được hưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái như người dân Pháp đang được hưởng. Dù quan điểm chính trị và cách làm khác nhau – có tranh luận hoặc bất đồng, nhưng giữa họ với nhau vẫn có thể hợp tác. Ngược lại, ở nhiều mức độ, họ bị phái bạo động đả kích. Nhẹ nhất là cụ Nguyễn Ái Quốc phê phán bậc cha-chú mình: “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương” (sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch). Nặng hơn, là những văn bản của đảng CS phê phán cụ Lê Quang Liêm, Bùi Quang Chiêu (đảng Lập Hiến) là tay sai của Pháp; tệ hơn nữa, gọi các cụ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh là “việt gian”; nặng nhất là giết hại; ví dụ toàn bộ các cụ Troskists bị giết năm 1945.
– Thời cụ Phan sống ở Pháp, phái hữu chủ trương khai thác thuộc địa, nhưng không phải như sách Lịch Sử mô tả dưới dạng văn học (“một cổ hai tròng”, “bóc lột đến xương tủy”; kiếp ngựa trâu…). Nước Pháp cần tài nguyên, khoáng sản; thế thì chính quyền thuộc địa kêu gọi giới tư bản đầu tư vào hầm mỏ, kể cả đầu tư vào giao thông, thương mại, xuất nhập khẩu… Giống như ngày nay nước nghèo kêu gọi các nhà tư bản đầu tư để có ngân quỹ canh tân đất nước. Trong đó, tất cả các bên đều có lợi. Chớ nghĩ rằng cứ phái hữu là xấu.
Chú thích. Việc quy hoạch và xây dựng Hà Nội, làm cầu Long Biên, mở trường trung học và đại học, nhà Đấu Xảo… là trông vào khoản thu do đầu tư là chính. Cố nông nước ta (không ruộng) nếu dời quê, làm thuê cho chủ tư bản, thu nhập được cải thiện rõ rệt. Theo sách Kẻ Dòng của nhà văn Nguyễn Văn Toại, thì dân nghèo làng Dòng (Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ) bị chức sắc trong làng ngăn cấm đi làm “phu” (khi tư bản Pháp thầu con đường sắt Hà Nội – Lào Cai; chạy qua làng này) vì các gia đình phú nông trong làng thiếu nhân công giá rẻ. Quan Công Sứ (người Pháp) tỉnh Phú Thọ lập tức gửi công văn về làng “khiển trách”: Không được cản trở mọi người đi kiếm việc làm. Nguyên tắc chung: Chế độ tư bản ngay thuở còn hoang dã cũng ít bất công và tàn bạo hơn – nếu so với chế độ phong kiến. Marx mô tả đời sống công nhân là “cực khổ”. Không sai. Chỉ có điều họ xuất thân nông dân, khi họ thành công nhân họ bớt “cực khổ” nhiều lắm. Khẩu khí của các nhà cách mạng hoặc yêu nước theo đường lối bạo động – dù nói năng cách gì – cũng không lẫn vào đâu được.
Còn phái tả, thời gian này gồm hai trào lưu lớn: chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa xã hội. Từ 1920, chủ nghĩa xã hội tách ra nhánh cộng sản. Các ông Toàn Quyền được cử sang Đông Dương tất nhiên phải thực hiện một chính sách chung (xem ở dưới) do Bộ Thuộc Địa hoạch định. Tuy nhiên, đa số họ thuộc phái tả; do vậy – không nhiều thì ít – họ đều muốn để lại dấu ấn khai hóa. Đây là cơ sở để những người ôn hòa tìm cách tác động thích hợp.
Vai trò những hội viên Tam Điểm
Ít nhiều, cụ Phan biết tới Hội Tam Điểm, vì những từng gần gũi với cụ là hội viên của hội này: Bùi Quang Chiêu, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền… Hai ông sau đã giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào hội. Nhưng cụ không biết rằng hội viên Tam Điểm có vai trò nòng cốt trong cách mạng 1789 – cách đó trên trăm năm. Khi thành công, cuộc cách mạng này đã chấp nhận lý tưởng của Hội Tam Điểm (Tự do, Bình đẳng, Bác ái) và lấy đó làm tiêu đề cho mọi văn bản chính thức của Nhà Nước (giống như nước ta dùng Độc lập, Tự do, Hạnh Phúc trên các văn bản chính thức). Nhiều công chức cao cấp của Pháp ở Đông Dương là hội viên của hội này. Đó cũng là điều kiện thuận lợi cho phái đấu tranh ôn hòa.
Chú thích. Đây là Hội được thành lập từ trước thời Phục Hưng (thế kỷ 14), điều lệ được sửa đổi nhiều lần để ngày càng nhân bản, tiến bộ. Hội kín, chỉ kết nạp những người có học thức và tôn trọng Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Chính do vậy, dần dần hội chấp nhận kết nạp dân da đen, dân thuộc địa, chấp nhận hôn nhân đồng tính… Ngay từ khi mới thành lập, hội này đã phản đối tình trạng chính quyền (phong kiến) kết hợp với Nhà Thờ đưa đến nền thống trị tàn bạo; phản đối đưa Kinh Thánh vào chương trình Giáo Dục… Như vậy, sớm nhất, đạo Công Giáo và Hội Tam Điểm coi nhau là kẻ thù. Đến nay vẫn có những bài viếtcủa phía Công Giáo, rất công phu. cảnh báo sự nguy hiểm của Tam Điểm.Sau đó là sự kỳ thị nhau giữa hội này với chủ nghĩa CS và cuối cùng là với chủ nghĩa Phát xít.– Nhiều danh nhân thế giới là hội viên Tam Điểm: tổng thống Mỹ Washington, Thomas Jefferson, Grant, Abraham Lincoln, Franklin Roosevelt, Trumann, Lyndon B. Johnson v.v…, thủ tướng Anh Winston Churchill, tổng thống Chili Allende, các nhân vật trọng yếu trong cuộc cách mạng Pháp 1789 (đại tướng La Fayette, Mirabeau, Sieyès, toàn thể gia đình hoàng đế Nappoléon đệ I) và những nhà lãnh đạo nước Pháp (Jules Ferry, Paul Doumer, Mendès France, Gambetta v.v…), những nhà bác học (Alexandre Flemming, người phát minh ra thuốc Pénicilline; Lumière, ông tổ điện ảnh, Laplace v.v…), những nhạc sĩ (Mozart, Haydn, Louis Amstrong, Duke Ellington, Rouget de Lisle, tác giả bài quốc ca Pháp: La Marseillaise, Eugène Pottier, tác giả bài Quốc Tế Ca của các đảng Xã Hội và Cộng Sản v.v…), các văn sĩ và triết gia nổi tiếng (Montesquieu, Voltaire, Fichte, Rudyard Kipling, Mark Twain, Pouchkine, Stendhal v.v…) các phi hành gia lên cung trăng (Gordon, Cooper [1963], Aldrin, Gleen), các tài tử điện ảnh (Clark Gable, John Wayne v.v…)…– Nhiều (22/32) Toàn Quyền Đông Dương là hội viên Tam Điểm (ví dụ Paul Doumer, Merlin Varenne…), là điều kiện để phải ôn hòa đấu tranh có hiệu quả thực hiện “khai dân trí, chấn dân khí…” Cụ Hồ (sinh 1890) và cụ Varenne (sinh 1870) cùng là hội viên Tam Điểm và đảng viên Xã Hội. Sau khi rút khỏi hai tổ chức này, cụ Hồ viết bài phê phán cụ Varenne là phản bội. – Nhiều người Việt đã vào Hội Tam Điểm (Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Thế Truyền, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, vua Duy Tân, Trần Trọng Kim, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Thinh, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Huyến, Phạm Huy Lục, Trịnh Đình Thảo, Tạ Thu Thâu, Trần Quang Vinh, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Trung, Dương Văn Giáo, Lê Thước…); nay xem lại, các cụ đều có nhân cách cao cả, có “tâm” và có lòng yêu nước…
Hai loại chính sách lớn đối với thuộc địa
Chính giới Pháp cho rằng nước Pháp có sứ mệnh khai hóa thuộc địa. Phải tả và phái hữu đấu tranh để thúc đẩy hoặc làm chậm việc thực thi ý tưởng này. Một thắng lợi khi Hội Tam Điểm và đảng Xã Hội đề nghị – và được đa số chấp nhận – chấm dứt sự tìm kiếm thêm thuộc địa mới và tiến tới trao trả “tự trị” cho các thuộc địa đang có; đặt các nước này trong “khối Liên Hiệp Pháp”.
Có hai khuynh hướng khác nhau: 1) Cần đồng hóa các dân tộc thuộc địa về văn hóa và các mặt khác, để đạt được sự tiến bộ ngang với chính quốc; 2) Cần liên hiệp với dân tộc thuộc địa để cùng tiến lên (“đề huề”). Như vậy, cả hai khuynh hường đều không xuất phát từ ý đồ xấu.
Thực tế, trong quá trình thực hiện, kết luận được rút ra: Với những dân tộc quá thiểu số, quá lạc hậu, thì đồng hóa là phù hợp. Với những dân tộc lớn, đã có một nên văn hóa lâu đời, chỉ có cách liên hiệp, cùng tiến bộ.
– Một mô hình đồng hóa là Tân Đảo. Tên gọi hiện nay là Nouvelle Calédonie.
Chú Thích. Đây là một hòn đảo ở nam Thái Bình Dương, thuộc địa của Pháp từ thế kỷ 17.– Khi mới bị Pháp chiếm: Dân tộc bản địa là da đen, thưa thớt và hoang dã: chưa mặc quần áo, chưa có chữ viết, chưa có tôn giáo; kho từ vựng rất nghèo nàn; còn ăn thịt người… Đến nay, dân số cả bản địa và Âu cũng chỉ là 250.000 người.– Vài tư liệu hiện nay: Là “lãnh thổ hải ngoại” của nước Pháp. Chế độ: Tự trị (nhiều lần trưng cầu ý dân: chưa muốn độc lập). Dân bản địa chiếm 42%; người Âu 37%; người Việt 1,5%. Thế hệ lai rất đông đảo, nói lên sự bình đẳng… Tiếng nói chính thức: Pháp ngữ; Quốc ca: bài La Marseillaise (quốc ca Pháp); nhưng có cờ và huy hiệu riêng. Bình quân đất đai: 13 người/km2; GDP: 12.000 Đôla/ người… Mọi người dân đều có hộ chiếu Pháp (đi khắp thế giới).
– Với Việt Nam: Chính giới Pháp từng có ý kiến: Việt Nam chưa có chữ, phải mượn chữ Hán từ ngàn năm trước (lúc đó, chữ quốc ngữ chưa chính thức lưu hành). Ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đã trở nên có hại (ý thức hệ phong kiến). Do vậy, nên dùng chữ Pháp làm ngôn ngữ chung, thay hẳn chữ Hán… Đây chính là một trong những bước đầu của chủ trương đồng hóa.
Câu nói của cụ Phạm Quỳnh chính là trong hoàn cảnh này: “Tiếng ta còn, nước ta còn“. Và cụ là một trong 5 người có công lớn nhất “phổ biến chữ Quốc Ngữ”.
Toàn Quyền Varenne sang ta năm 1925 đã thấy chữ quốc ngữ xứng đáng có địa vị là một bản ngữ. Nhờ các hoạt động báo chí, nòng cốt là “bộ ngũ”, Varenne nhận ra: Việt Nam có một nền văn hóa rất lâu đời, có ý thức dân tộc rất cao. Ông nói: “Một người Việt dù ở Nam Kỳ hay ở Bắc Kỳ, cũng không bao giờ coi nước Pháp là quê hương của họ được”. Ông chủ trương dùng chính sách “hợp tác” và “khai phóng”.
Bộ máy cai trị thực dân
Dù Hiến pháp nước Pháp tiến bộ, dù nhiều lần phải “tả” chiếm ưu thế trong chính phủ Pháp, dù nhiều ông Toàn Quyền là đảng viên phái tả, hoặc hội viên Tam Điểm… nhưng việc đấu tranh ôn hòa vẫn không dễ dàng, thậm chí rất khó khăn. Đó là do bộ máy cai trị thực dân ở ngay trên đất Việt Nam. Xa chính quốc (sự kiểm soát lỏng lẻo), không phải dân bầu lên, không thể bị lật đổ… do vậy – theo quy luật – bộ máy này có xu hướng quan liêu hóa. Một ví dụ, tư bản Pháp muốn đầu tư khai thác thuộc địa (nhiều lợi nhuận) phải được bộ máy này cho phép (đặc quyền). Do vậy, các nhà tư bản buộc phải đưa lại nhiều đặc lợi cho các cá nhân có quyền thế trong bộ máy, khiến nó không cưỡng được sự tha hóa. Sự cấu kết của các nhóm lợi ích mạnh tới mức đủ sức tẩy chay các vị Toàn Quyền muốn cải cách, nhất là những cải cách mạnh bạo và sâu sắc; khiến lợi ích riêng của họ bị thu hẹp. Nhiều Toàn Quyền bị triệu hồi về Pháp trước thời hạn.
Có người ví, các quan Toàn Quyền như người lái xe, còn hệ thống chính quyền thuộc địa như cái xe… để các vị trổ tài quản lý. Điều này đúng “nếu” đây thật sự là cái xe tốt, tuyệt đối tuân theo sự điều khiển. Khốn nỗi, cái xe này có khả năng tẩy chay người lái.
Để đấu tranh với bộ máy này, cách hiệu quả nhất là dựa vào Luật mà chính bộ máy này phải thực hiện. Đây là cách các cụ ôn hòa vẫn làm và truyền đến nay. Các cụ có trình độ, hiểu luật, thấy rõ những luật nào bị giới cầm quyền lờ đi (không thực hiện) hoặc chần chừ, lần lữa; hoặc thực hiện cầm chừng… đều có thể lên tiếng.
Ôn hòa, phải kiên nhẫn
Cụ Phan Chu Trinh dù chưa thấy đầy đủ những cơ sở thuận lợi để đấu tranh ôn hòa, nhưng bằng trực giác của một con người sáng suốt, nhân ái, nhân bản, cụ tin tưởng rằng đây là cách làm đem lại kết quả sâu sắc nhất, bền vững nhất, lâu dài nhất.
Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, như cụ Bùi Quang Chiêu (trưởng ban lễ quốc tang Phan Chu Trinh) đã hứa: “Tây Hồ anh ơi, tôi xin thề hy sanh cho chủ nghĩa Pháp Việt đề huề“. Và nhận định: Phải can đảm mới có thể kiên nhẫn theo đuổi lý tưởng đời mình.