Tưởng nhớ Bửu Chỉ: Vô đề

Trịnh Công Sơn

 

Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam, nếu ở địa hạt âm nhạc tôi viết những ca khúc phản chiến và khát vọng hòa bình thì ở phía hội họa, họa sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh và hòa bình. Anh nổi tiếng vào thời ấy với những tranh nhỏ trên giấy vẽ bằng bút sắt với mực đen. Tranh anh được in trên các tạp chí nước ngoài và gây được một dư luận rộng rãi.

Trong phong trào sinh viên học sinh ở Huế gần như Bửu Chỉ và tôi luôn luôn có mặt bên nhau. Chúng tôi cùng hát với nhau trong những đêm không ngủ, những ngày xuống đường và nhiều nhất là những buổi hát nuôi dưỡng hào khí ở quán cà phê Tổng Hội.

Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng. Anh không chỉ nổi loạn với chính bản thân mình mà còn muốn phá phách những trật tự xung quanh. Đó cũng chính là tiền đề cho những cuộc dấn thân không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh thời chiến và bây giờ muốn tiếp nối con người ấy trong hội họa. Hội họa đối với Bửu Chỉ chính là đời sống và đời sống với anh cũng chính là hội họa. Ngày xưa đã thế, ngày nay còn hơn thế nữa. Nhất là trong thời gian này. Cuộc sống đã đi qua. Thời gian đã đi qua. Đi qua nhưng không đánh mất mà ngược lại đã thai nghén một cái nhìn khác sâu thẳm hơn trong tâm tưởng về một số phận không thể nào cứu rỗi được trong định mệnh mỗi một con người. Tôi có cảm giác càng ngày anh càng đi sâu hơn vào sự nghiệt ngã của một sự chọn lựa bất khả kháng của chính bản thân mình, một sự chọn lựa hình như đã được định hình từ ngày còn trẻ, những ngày mà đấu tranh và nhà tù chỉ được xem nhẹ như một sự đam mê phiêu bồng phiêu nhiên của cuộc sống.

Đừng đòi hỏi ở Bửu Chỉ những gì không thuộc về anh. Cái gì chúng ta đòi hỏi hoặc tìm kiếm ở một con người chính là cái điều mà người ấy có chứ không phải cái của ta và càng không phải của tất cả mọi người. Lại càng không phải cái mà người ấy sẽ có.

Hãy trả lại tự do cho mọi cuộc dấn thân hoặc không dấn thân. Cho mọi cái nhìn phóng khoáng hoặc trì trệ. Cho mọi trí tuệ hoặc u uất lặng thinh. Cho cuộc đời rộng mở hoặc khép lại.

Không có cuộc đấu tranh nào chấm dứt. Ở bề mặt của một số ao hồ, bể sông có thể yên tĩnh nhưng những cơn cuồng nộ ở đáy sâu vẫn sục sôi một đời sống riêng. Đó là nỗi đam mê sâu thẳm nhất của những tâm hồn muốn mãi mãi đánh thức mình, muốn mình mãi mãi là kẻ tỉnh thức để cuộc sống không còn giấc ngủ nào khác hơn là giấc ngủ của sấm sét.

Những điều tôi viết loanh quanh trên đây hình như là nói về Bửu Chỉ. Nói về một người không thể nào nói hết dù cho kẻ ấy có như là hòn sỏi, cục sạn bên đường.

Bửu Chỉ đã đi qua con đường đấu tranh hiện thực trong cuộc sống cũ và bây giờ rỗi rảnh thiền tọa đi đứng ngủ ngáy trong cuộc đời riêng để dấn thân vào một cuộc đấu tranh mới. Cuộc đấu tranh siêu thực không bờ bến, chẳng cần lập ngôn gì cả, nhưng rõ ràng biên giới cuối cùng chính là tự tại bản thân.

Nói đúng về một người là một điều rất tốt. Nhưng nói sai về một người lại có thể là một điều tốt hơn. Bởi vì cuộc đời chuyển động và cái sai hôm nay có thể là cái đúng của ngày mai hoặc ngược lại.

Bửu Chỉ nằng nặng. Hình như là rất nặng nữa. Sự nặng nhẹ trong cuộc đời này biết lấy một tình huống nào để đo lường đây.

Đo lường chỉ là cái cớ để những bức tranh mới của Bửu Chỉ nhảy cỡn trong một cuộc truy hoan mới, một cuộc truy hoan vô tận về cõi chết hoặc nhẹ hơn, vào một cõi vô thường.

T.C.S.

Nguồn: Tranh Bửu Chỉ, nhà xuất bản Trẻ và Công ty Văn Hóa Phương Nam, 2003

Comments are closed.