Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 31): Võ Phiến

Kết quả hình ảnhVõ Phiến tên thật Đoàn Thế Nhơn (sinh 20 tháng 10 năm 1925 tại huyện Phù Mỹ, Bình Định; mất 28 tháng 9 năm 2015 tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ).. Ông là tác giả của 4 tiểu thuyết, 9 tập tuỳ bút, nhiều tập truyện ngắn, một tập thơ và nhiều tác phẩm phê bình tiểu luận. Ông còn có bút danh là Tràng Thiên.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông định cư tại Los Angeles, Hoa Kỳ.

Võ Phiến tiếp tục xây dựng nền văn học Việt Nam tại hải ngoại, xuất bản tập san Văn Học Nghệ thuật từ 1978 đến 1979, và từ 1985 đến 1986.

Tác phẩm sau 1975:

· Thư gửi bạn (Hoa Kỳ, 1976)

· Ly hương (viết với Lê Tất Điều, Hoa Kỳ, 1977)

· Nguyên vẹn (Hoa Kỳ, 1978)

· Lại thư gửi bạn (Hoa Kỳ, 1979)

· Văn học Miền Nam, tổng quan (Hoa Kỳ, 1987)

· Truyện thật ngắn (Hoa Kỳ, 1991)

· Quê (Hoa Kỳ, 1992)

· Đối thoại (Hoa Kỳ, 1993)

· Viết (Hoa Kỳ, 1993)

· Sông và Viết (Hoa Kỳ, 1996)

· Thơ thẩn (Hoa Kỳ, 1997)

· Văn học Miền Nam, truyện 1 (Hoa Kỳ, 1999)

· Văn học Miền Nam, truyện 2 (Hoa Kỳ, 1999)

· Văn học Miền Nam, truyện 3 (Hoa Kỳ, 1999)

· Văn học Miền Nam, ký (Hoa Kỳ, 1999)

· Văn học Miền Nam, tùy bút kịch (Hoa Kỳ, 1999)

· Văn học Miền Nam, thơ (Hoa Kỳ, 1999)

· Cảm nhận (Hoa Kỳ, 1999)

Tác phẩm dịch ra Anh ngữ:

– Introdution to Vietnamese Literature (Tổng quan văn học miền Nam, Võ Đình dịch, Vietnamese Language & Culture Publications, Victoria, Australia.)

– Intact (Nguyên vẹn, James Banerian dịch, Vietnamese Language & Culture, Victoria, Australia)

Văn Việt tổng hợp từ các nguồn Internet.

XONG CẢ

Trong chuyến đi Úc năm đó, tôi ghé thăm anh bạn ở Melbourne ở chơi ba hôm. Trước, Tần và tôi chơi thân; từ ngày anh ta vượt biển sang Úc, chúng tôi chưa gặp nhau. Hôm đầu tôi đến Melbourne, Tần đưa đi loanh quanh cho biết: cây cầu West Gate, khu Springvale, bờ sông Yarra, nơi anh ta thích ngồi câu lươn và câu cá hanh, ngày có đêm có, v.v. Sáng hôm thứ hai, anh chở tôi lên núi Dandenong; đường đi cây cối hai bên đẹp: tôi thích. Chủ ý của Tần là bữa ăn trên đỉnh núi. Ngồi ăn trong nhà hàng, nhìn qua tường kính, thấy bao quát Melbourne xa xa bên dưới. Ăn mấy lát bánh mì với cá hun khói, uống chút ít vang. Bên ngoài hơi lạnh, khắp trời mây một màu tro đậm. Ăn xong ra khoảnh sân nhỏ trước mặt nhà hàng, chống tay lên môtk bờ tường thấp trông xuống cái sinh hoạt của một đô thị sầm uất; tận cuối tầm mắt nhà cửa li ti san sát: cả một chốn nhốn nháo không tiếng động. Ngang trời, mấy cánh chim trắng lượn nhanh qua lại. Đầu óc thảnh thơi quá. Tôi thích luôn cả buổi sáng hôm ấy. Tuy nhiên trên đường về, vào một lúc nào đó, tôi tình cờ buột miệng kêu thèm một bữa cơm mắm. “Xa nhà hơn tuần lễ, toàn ăn thịt cá và món tàu món tây, thèm mắm dữ rồi đa”. Tần cười: “Chiều nay, cơm mắm. Có cả rau luộc.”

Tôi chợt nhớ: Tần vẫn giống tôi ở chỗ ấy, cùng thích mắm. Hồi ở Sài Gòn, cả nhà tôi đều biết chuyện ấy, thế mà xa nhau mấy năm, suýt quên. Tôi nhắc lại, cả hai đứa cười vui vẻ, thêm gần gũi.

Trước bữa ăn chiều một lúc, Tần bảo sẽ có khách. Tôi hỏi: “Thế mất bữa cơm mắm sao?” Tần khoát tay: “Không, không. Sẽ có thêm mắm. Khách mang mắm tới. Ông ấy là chủ chiếc ghe đưa tụi này vượt biên. Tình cờ rồi cùng được Úc thu nhận, cùng ở một thành phố. Thỉnh thoảng qua lại, gặp bữa thì ăn, có gì ăn nấy. Khách mà không phải khách…”

Quả nhiên ông Thất là người giản dị, dễ thân mật. Ông đến, cầm theo một thẩu mắm cơm. Ông mở bọc ni-lông, rút thẩu mắm ra đặt lên mặt bàn, hỏi:

“Ở bên Mỹ ông có món này không?”

Tôi chịu, lắc đầu. Không có được đâu. Mười mấy năm rồi, ngay từ hồi còn ở Sài Gòn cũng không hề thấy thứ mắm cơm này. Ông Thất cho biết đó là tự ông làm lấy. Tại đây có có cái chợ nhỏ của người Phi Luật Tân có bán cá cơm đông lạnh. Trông giống hệt, đồng cỡ cá cơm bên ta. Ông Thất mua cá về, lần đầu làm thí nghiệm, một bọc cá chưa đầy một pound. Lường muối đổ vào, bịt kín nắp thẩu. Mỗi ngày mở nắp thăm chừng một lần. Qua ngày thứ tư thì biết chắc chắn là thành công. Từ đó thỉnh thoảng vẫn làm mắm. Nghe nói có người Mỹ sang chơi lại thích mắm, ông bảo vừa muốn thết người đồng điệu, vừa muốn nghe chuyện sinh sống của bà con ta bên Mỹ.

À, thì ra ông Thất đã biết cả. Ông tới chơi không phải chuyện tình cờ. Ra Tần và ông Thất, họ đã nói với nhau về mình rồi.

Ông Thất bảo muốn đến nghe chuyện, nhưng thực ra trong bữa cơm ấy tôi nghe ông được nhiều hơn là ông nghe tôi. Ông không phải kẻ hay nói, nhưng câu chuyện tự dưng đưa đẩy.

Ông là người Châu Đốc, chuyến vượt biển của ông đưa đi hai mươi bảy người. Không có trẻ con, tất cả cuối cùng rồi đều đến bờ cả. Chuyện ông ấy nói, nay tôi nhớ đầu Ngô mình Sở, chỗ còn chỗ mất. Ông thuận đâu nói đấy, hỏi đâu nói đấy thôi. Có lúc ông nói về mía. Bảo ghe ông chở theo độ ba trăm cây mía. Trước là để nguỵ trang: mía xếp lên trên, phía dưới giấu giếm dầu mỡ lương thực, v.v. Cán bộ trông qua, lại có thể nghĩ là chở mía đi bán các chợ. Thế mà rồi về sau mía được việc lắm: lạc đường, ghe hư máy, mưa bão, cạn lương, hết nước uống bấy giờ không có mươi cây mía cho mỗi đầu người e mệt ngất ngư.

Từ cái cây mía vượt biển, ông Thất liên tưởng tới cây mía lãng mạn ở chợ Châu Đốc ngày nào. Ông bảo ở đây có thời cứ chiều chiều có những chiếc xe lôi chở các thiếu nữ đi lòng vòng hóng mát, chuyện trò, ngắm cảnh, và… nhai mía.

Tân và tôi cười rộ:

“Tiết thanh minh mà các nàng Kiều biết cách du Xuân kiểu này thì… thoải mái quá. Thuý Kiều Thuý Vân mỗi nàng múa một khúc côn. Nhưng lỡ gặp Kim Trọng, Kiều nép vào dưới hoa có chỗ bất tiện, vì lòi hai khúc côn ra?…

“Thường là bốn cô. Xe lôi ở Hậu Giang hồi đó có hai băng bọc nệm đối diện ngồi được bốn người. Mía bán tại chợ Châu Đốc có cái đặc biệt: róc vỏ sẵn cả cây dài, phủ vải che đậy sạch sẽ. Khách chọn lựa dễ dàng: chỗ nào bị hư, bị sâu là thấy liền. Chọn cây thật ngon thật giòn, bào dứt ra mấy đoạn, mang lên, mạnh cô nào cô nấy múa. Cuộc du hành của các nàng đêm “vui” thêm”.

Cảnh chiều Châu Đốc độc đáo quá.

Anh Tần chỉ có mắm mua: mắm mực mới trộn của Đại Hàn, mắm cá mòi đóng hộp ở Thái Lan, v.v. Không xuất sắc bằng món mắm tự chế của ông Thất. Tôi gắp một con mắm nguyên, cắn một miếng ớt tươi, còn xanh. Ông Thất bảo:

“Ông ăn ớt “giỏi” hơn chúng tôi nhiều. Nghe nói người Huế ăn cay lắm, không biết đúng không?”

Một thoáng kỷ niệm trong đầu, tôi khựng một chút rồi đáp:

“Tôi ăn ớt… đại khái cũng bằng người Huế”.

Bắt gặp ánh mắt thăm dò kín đáo của ông Thất, tôi giật mình. Có lẽ nét mặt, giọng nói tôi tiết lộ gì chăng? Đâu có gì chẳng qua một thoáng… Nhưng mỉm cười như thế có âm thầm quá chăng?

Ông Thất đã bắt lảng qua chuyện khác nhanh nhẹ, tự nhiên. Ông bảo người Thái Lan ăn cay mới khiếp. “Tụi nó ăn hàng tô ớt. Chính mắt tôi thấy tụi nó ăn cơm với cả tô ớt băm nhỏ trộn đường! Sáu đứa, một tô ớt, không phải mỗi đứa một tô. Như vậy cũng là dữ quá chứ gì nữa?”

“Tụi nó” ở đây là bọn hải tặc đã bắt ghe ông. Tôi bỏ chuyện ớt, nhảy sang chuyện hải tặc, hỏi liên tiếp mấy câu. Hải tặc giữ ghe từ xế hôm trước tới trưa hôm sau thì thả đi. Ghe có chín người phụ nữ, kẻ có chồng người không. Nhóm ngư phủ Thái Lan này, đối với nhóm tị nạn trong chuyến đi ấy tội có tội, ơn cũng có ơn. Hoàn cảnh phức tạp, khó nói được lời dứt khoát. Ghe hư máy, hết lương, nếu tụi nó bỏ qua, tất chết. Tụi nó sửa máy giúp, cho dầu nhớt, cho người ăn, lúc từ biệt còn cho cả một bao gạo và mắm muối.

Tại sao có thể? Theo ý ông Thất thì do một sự tình cờ. Thoạt tiên tụi nó tỏ ra là một lũ cướp hung ác thô bỉ và tàn bạo. Buổi chiều trên tàu có một đứa tự dưng để ý đến hai bà già Việt Nam đang ngồi niệm Phật, lần tràng hạt. Nó dừng bước, nhìn rồi đi. Lát sau, hai đứa khác tới hỏi chuyện, về tôn giáo. Tất nhiên qua loa thôi, vì ngôn ngữ bất đồng. Nhưng sau đó tụi nó thay đổi thái độ. Tên chủ ghe có vẻ là đứa tỏ ra ân hận nhất. Trước, nó tệ hết chỗ nói.

Ông Thất chỉ nói về cái ơn. Còn cái tội. Tất nhiên ông hiểu sự tò mò của tôi; nhưng ông lờ đi. Những chuyện gì xảy ra trong chuyến đi, dù ông có là chủ ghe, cũng không ai có thể coi là ông phải chịu trách nhiệm. Ông tránh nói chẳng qua vì ông là người lành. Cái lành của ông, trông qua thấy ngay. Ông lớ ngớ, lúng túng. Chỉ lỡ bước đến gần nỗi đau thương của người khác ông đã khốn khổ rồi, làm sao ông động vào nó được.

Vậy là cho qua cái tội. Ông chỉ có một câu mơ hồ: “Số phận… Kẻ may người rủi…

Số phận cả…”

Anh Tần tiếp sức, đưa câu chuyện tách ra xa thêm:

“Chỉ có hai mươi bảy người mà bây giờ tản mát khắp nơi, nhiều người chắc không bao giờ có dịp gặp lại. Anh Thất nhỉ, chứ chú Tạo chẳng hạn, dễ gì gặp chú ấy nữa!”

Tần cười. Trong thời gian ngắn ngủi ở trại tị nạn Phi Luật Tân, Tạo dính vào một mối tình địa phương. Chú ta mết nặng, cưới luôn cô ta, ở lại bên Phi.

Những người còn lại, có gia đình đi Pháp, có kẻ đi Gia Nã Đại, đi Hoa Kỳ, có người đang sống bên Đức, v.v. Tần kết thúc: “Rồi đâu vào đấy cả, cũng xong cả”. Ông Thất cười lành.

Xong cả, chúng tôi lại tản mạn, như những lúc tâm hồn thanh thản. Có người bảo dân Việt tị nạn phiêu bạt tứ phương, những vẫn còn có chỗ gặp nhau: đĩa mắm. Ngôn ngữ và y phục đổi nhanh theo địa phương, nhưng thói quen ăn uống trong nhà với nhau vẫn ít thay đổi đấy.

Ông Thất nhận xét:

“Hồi trước ở trong nước, nghe mấy người Tàu quen biết khen cá mặn, những thứ mã dẫu, xám ngà hoác là ngon, dân Quảng Đông ưa thích. Sang đây hôm nọ vào chợ Tàu, có người lại lách luỹ-xôông hoác là ngon. Tôi nghĩ thứ cá đó chắc là ở vùng đảo Luxong (Luỹ-xôông); e những người này trước khi đi sang Úc đã có thời sinh sống bên Phi Luật Tân. Tàu thì vẫn ăn hàm dỉ, nhưng gần đây tôi để ý thấy người Tàu Hương Cảng ít người nhớ cá mặn. Có lẽ dân thành phố Hương Cảng, sát mé nước, họ ăn cá tươi quen rồi, họ lại dồi dào tiền bạc, không cần muối cá để dành… Thành thử sau biến cố tháng Năm 1975, người Việt tản mát một thời gian e rồi cũng không chắc còn gặp lại nhau trước đĩa mắm. Tôi nghĩ vậy, không biết đúng không”.

Câu chuyện đã lang thang xa xôi như vậy, bất ngờ một lúc nào đó, ông Thất nghe Tần bảo tôi ở San Diego, ông hỏi:

“San Diego, gần San Jose phải không?” Rồi quay sang bảo Tần “Vợ chồng ông Phụng ở San Jose”.

Tôi hỏi vội vàng:

“Phụng… Tố Nga?”

Tần đáp:

“Đấy”.

Trong các chuyến đi xa, thỉnh thoảng tôi lại được mách cho biết địa chỉ của một số bạn bè quen biết hay bà con vẫn ở gần mình. Di cư kẻ trước người sau, không liên lạc nhau, lắm khi người này đến lập nghiệp kề bên người khác mà không hay.

Trường hợp Tố Nga thì đặc biệt.

Tố Nga với tôi, có lúc tưởng sắp nên vợ chồng. Khi ông Thất khen tôi ăn ớt giỏi, tôi khựng là vì Nga, vì chợt nghĩ tới Nga. Tố Nga là gái Huế. Hôm đó chúng tôi bốn năm đứa trai có gái có, chúng tôi ăn hủ tiếu trong tiệm. Trong cái dĩa trước mắt tôi chọn được trái ớt xanh ngon lành, căn đánh “bụp”. Tên bạn bên cạnh nhìn tôi nhai ngấu nghiến nửa trái ớt, nó ngạc nhiên, tri hô om sòm. Mấy đứa nói nọ nói kia. Tôi không chú ý, mải sung sướng vì Tố Nga. Nga bắt gặp tôi cắn ớt trước thằng bạn, tôi biết thế. Nhưng nàng không nói gì. Nàng lặng lẽ mỉm một nụ cười lặng lẽ. Như thể nàng bảo: “Khá!” Không chỉ là khen. Vừa khen vừa giễu, giễu mà âu yếm, hãnh diện về tôi. Và như thế hoàn toàn lặng lẽ, không ai biết. Chỉ có Nga biết, tôi biết. Như vậy tôi không sung sướng sao được?

Tôi không phải dân Huế. Tôi là người Quảng, Quảng Nam. Tự dưng tôi ăn cay dữ tợn, như dân Huế chính cống. Nhưng thế có gì đáng … “hãnh diện”? Tố Nga cứ hãnh diện, cứ âu yếm, như đó là lý do chính đáng là cho tôi hay ho thêm. Một người mẹ vẫn hãnh diện về đứa con bé tí của mình vì những cái không đâu như thế.

Lúc ấy tôi quen Nga chưa được một năm. Ban đầu hình như cũng không xảy ra chuyện gì đặc biệt, nhưng dần dà ngày một ngày hai cứ có những việc (vẫn không hẳn là đặc biệt) lần lượt xảy đến nhưu thế. Khi để ý tới thì đã rõ hai đứa đã yêu nhau kỹ, còn tán tỉnh gì nữa. Thành thử trước sau chưa lúc nào có sự tán tỉnh.

Câu nói của ông Thất thình lình gợi lại trong trí tôi sự việc ở quán hủ tiếu ngày xưa. Tôi xao xuyến, âm thầm.

Trở lại chuyện xưa. Giữa tôi với Tố Nga không có tán tình, cũng không có lời tuyên bố nào cả. Nhưng không phải không có sự đoan quyết, lặng lẽ mà công khai. Tôi nghĩ Nga cũng hiểu như tôi. Một lần, ngay tại nhà nàng, tôi đã nói chuyện với mọi người: có thằng nhỏ em nàng, có mẹ nàng. Một lúc tự dưng thằng nhỏ bỏ chạy đi đâu mất; mẹ nàng đứng lên xuống bếp. Tôi ngoảnh lại nhìn nàng, nàng nhìn tôi. Bốn mắt ngừng lại đối nhau. Tôi gan lì, gan lì… Nga cũng liều lĩnh, bướng bỉnh. Trời, không sao tả được. Nhiều cảm xúc diễn ra, xuất hiện, biến đổi nhanh chóng, xôn xao rộn ràng quá sức. Không thể biết được như vậy là bao. Hai giây, ba giây đồng hồ chăng? Tôi chịu hết thấu, bỏ cuộc trước khi có tiếng chân mẹ nàng trở lại.

Sau chuyến đó, tôi xao xuyến rất lâu, biết rằng chúng tôi đã đi đến giai đoạn quyết định. (Kể ra còn một lần nữa, nhưng không đáng kể. Lần thứ hai thì coi như không. Tình cờ chúng tôi lại gặp mắt, lại dừng mắt nhau. Tôi bạo dạn hơn. Tôi cố thủ. Nhưng lần này nửa chừng Tố Nga bỏ cuộc, quay đi. Tôi kiểm điểm, nhận ra nàng có lý: nàng bỏ cuộc không phải vì xúc động. Lần này xúc động ít hơn lần trước, mà sự đương đầu của tôi như là có một dụng ý nghịch ngợm. Vì thế nàng bỏ. Nàng có mỉm cười nhẹ. Vậy là hỏng. Không đáng kể).

Tuy nhiên, tôi nghĩ bụng: Tôi về Quảng Nam, rồi trở lại Sài Gòn sẽ xếp đặt việc hôn nhân cho xong. Chẳng có lý do gì để kéo dài tình trạng này ra. Lằng nhằng mất thời gian.

Tôi về Quảng Nam, ở tù một hai tháng, bệnh tình trầm trọng của mẹ tôi giữ tôi lại gần bốn tháng nữa. Tôi trở lại Sài Gòn thì Tố Nga đã có chồng.

Thật ra bảo tôi ở tù không đúng. Chẳng có tù tội gì. Người tỉnh tôi vẫn ham hoạt động chính trị. Đảng này đảng nọ, phe này phái kia, thời nào, chế độ nào thanh niên miền tôi cũng có thái độ. Thường là chống đối. Và chống đối thường là ác liệt, gay gắt, cực đoan. Trong vụ này, thực ra không có tôi, nhưng tụi bạn nhiều đứa hoạt động mạnh. Tụi nó tới lui hẹn hò tại nhà tôi đều đều. Tôi bị hiểu lầm. Nhóm ngoài Quảng đổ bể lúc nào tôi không hay. Tôi vừa về tới nhà hôm trước hôm sau bị tóm liền. Chuyện chính trị đảng phái mà, chơi toàn đòn ngầm, bí mật. Tôi bị giấu kỹ, gia đình còn không biết tìm đâu, nói gì Tố Nga.

Thằng Phụng với tôi quen nhau từ lâu. Có thể nó không biết về chuyện tình cảm giữa tôi với Nga. Lặng lẽ quá, ai mà biết? Có thấy gì đáng biết đâu? Có thể chính ngay Tố Nga khi tôi bặt tin hoàn toàn cũng có lúc đâm ra hoang mang, ngờ vực cả tôi, nghi ngờ về ý định, về tình cảm của tôi. Có thể Nga đã nghĩ bấy lâu mình hiểu lầm, suy đoán tưởng tượng sai lầm về tình ý của tôi, v.v.

Về Sài Gòn, nghe Nga có chồng, tôi không lai vãng. Chúng tôi không có dịp gặp nhau trước tháng Năm 1975. Tuy vậy thỉnh thoảng cũng có một vài lời nói, một vài mẩu tin bên này bay sang tai bên kia, ngẫu nhiên, qua trung gian bạn bè. Chẳng hạn có lần Tố Nga bảo trong thời gian tôi bặt tin ngoài Quảng, nàng đã nghe nói tôi theo cánh đấu tranh rồi lên núi rồi ra Hà Nội, lại nghe tôi bị sát tử trên đường trốn lên Trường Sơn, v.v.

Còn tôi, tôi có câu nói cay đắng, nghĩ lại xấu hổ. Trong câu chuyện, có cô bạn gái nói gì đó về cái ý “một ngày cũng nghĩa”. Khi ai nấy nói xong, tôi một mình nhận xét: “Một ngày mà “cũng” à? Một ngày là quá đấy. Ba giây đậm đà là nghĩa rồi”.

Nếu tôi bảo ba phút, chắc cả đám đã kêu tục tĩu. Nhưng ba giây,… ba giây yêu đương là thế nào? Tôi giải đáp qua quít. Rồi lặng lẽ, loáng thoáng một nét cười thầm. Vậy mà việc cũng tới tai Tố Nga. Chắc là do Hồng thuật lại. Hôm đó có mặt Hồng.

Nga nghe Hồng kể lại hồi nào tôi không biết. Mãi sau này, đến với Tố Nga mấy lần ở San Jose mới nghe nàng nhắc.

Đến với Tố Nga làm gì? Thoạt tiên tôi không có chủ đích rõ ràng. Nhưng tôi cảm thấy phải đến. Nàng lấy chồng là không gặp nhau nữa, tuy cùng ở Sài Gòn, như thế trong nhiều năm: vậy là quá đáng rồi, không giận hờn cũng hoá như hờn giận, không cay đắng cũng như cay đắng. Bây giờ đã đổi đời, bây giờ cùng trôi dạt cả, bây giờ cùng trải qua bao tai biến, biết nơi nàng ở không xa mà không đến một chút là thế nào?

Hôm ở Úc, tôi hỏi, ông Thất trao cho tôi cái địa chỉ và số điện thoại mà lúng ta lúng túng. Tôi hiểu ông định nói, rồi thấy không nói được một lời nhắn, đại khái: “Ông chuyển giùm tới vợ chồng ông Phụng: chúng tôi gởi lời thăm”. Tôi hiểu ông Thất không muốn đề cập tới việc tôi và ông đã gặp nhau, đã nói chuyện về chuyến đi, về vợ chồng ông Phụng, v.v.

Kết cuộc việc xảy ra khá đơn giản. Tôi đến tận San Jose mới gọi điện thoại, gặp Nga ở đầu dây, bảo nhân đi công việc, tới đây nghe có người bảo cho biết địa chỉ “ông bà”… Nga bặt một lúc, rồi nói:

“Mười một năm rồi đó nghe… Chừ đang ở mô?”

“Ở ngay đây”

Tôi cho biết vị trí, Nga chỉ đường đi: lên xa lộ này, bắt qua xa lộ kia, rẽ xuống đường nọ v.v…

Nga trông mỏng người, so với trước. Phần đông qua Mỹ người ta nặng nề ra, Nga thì mỏng. Nhưng ấy là nói về thân người, còn khuôn mặt thì không gầy mà chảy xuống, mỏi mệt. Nàng đã có hai cằm.

Trông thấy tôi, mắt nàng ánh lên niềm sung sướng. Vẫn như xưa, chúng tôi vẫn không giấu giếm gì nhau qua ánh mắt. Chúng tôi đơn giản, ngay thực. Có gì trong lòng là có cả ở mắt. Cho nên chúng tôi không cần trung gian ngôn ngữ. Không thấy cần phải nói năng gì.

Nàng bảo Phụng hôm ấy làm thêm giờ ở sở, sẽ về đến nhà trong vòng nửa giờ nữa, mời tôi ở lại ăn cơm. Tôi ở lại. Trong vòng nửa giờ, Tố Nga nói chuyện về gia đình. Tất nhiên không do tôi hỏi. Tôi không đề cập xa gần gì đến cuộc sống gia đình nàng trước kia ở Sài Gòn cũng như ở đây, sau cuộc vượt biển. Và nàng nói chuyện gia đình, không phải chuyện tai biến giữa biển, chuyện tình cảm ái ân, chuyện tính tình hoà hợp hay xung khắc gì ráo. Cái nàng phàn nàn với tôi là vấn đề gõ tay của Phụng. Và từ đấy về sau, nếu có đề cập tới gia đình thì cũng là chuyện gõ tay thôi.

Thoạt tiên nàng nói qua, tôi không chú ý. Kể ra, chắc ai cũng phản ứng thế thôi: Gõ tay, có gì đáng chú ý? nàng nhắc lại:

“Khó chịu lắm anh”.

Tôi vẫn lờ mờ, hỏi hờ hững:

“Vậy hả?”

Tố Nga không đáp ngay. Lát sau nàng trở lại chuyện ấy, và kêu:

“Khó chịu rứa tê”.

Tôi trông thấy qua nét mặt của Nga, thấy là cái quan trọng. Nhưng từ lúc ấy đến lúc Phụng vào nhà chúng tôi không có nhiều thì giờ. Nga lại bận tay, nên không kịp đi sâu vào vấn đề.

Phụng trông thấy tôi bình tĩnh, thản nhiên. Thoạt đầu tôi có cảm tưởng như có nét lãnh đạm: Anh ta khó chịu vì tình cờ bắt gặp chỉ có tôi và Nga trong nhà chăng?

Nhưng chuyện trò qua lại một lát, tôi nhận ra ngay là mình hiểu lầm. Phụng không quan tâm đến chuyện ấy. Và hình như anh ta không quan tâm đến chuyện gì nhiều. Tính tình như già hẳn. Hững hờ, lạnh nhạt, thỉnh thoảng xa vắng.

Sau bữa ăn, hai chúng tôi ngồi uống cà-phê, trong lúc Nga dọn bàn, rửa bát. Nga liếc mắt, tôi để ý: Phụng đang gõ tay. Nghĩa là gõ các đầu ngón tay xuống mặt bàn. Móng tay đanh lắc cắc, khi lớn khi nhỏ khi nhanh khi chậm… Đang hào hứng, chợt nhận thấy bị quan sát, Phụng ngừng tay. Một lát, lại có tiếng gõ. Trông đàng lưng, tôi biết Tố Nga đang bực dọc, biết mơ hồ.

Khi tôi ra về, Phụng đưa tôi ra ngoài đường, tận bên cửa xe. Tôi hiểu, không phải anh ta có ý ngăn cản tôi và Nga điều gì; chẳng qua Phụng hơi đãng trí.

Từ Nam Cali, lâu lâu tôi có liên lạc với gia đình Phụng-Nga qua điện thoại. Lần nào nói riêng với nhau Nga cũng nhắc:

“Anh thấy không? Gõ tay như rứa phải bình thường mô? Đồng ý không? Bực mình… Nghĩa là đối với một người ngày nào cũng phải nghe hoài nghe hoài… bực mình, sốt ruột chớ, phải không?”

Tôi bảo:

“Nga có lần nào nói cho Phụng nó biết chưa?”

“Khó… nhưng Nga cũng có nói rồi…”

“Trước, không thấy Phụng có thói quen ấy. Bắt đầu hồi nào vậy? Lâu chưa?”

“Răng biết được? Bắt đầu khi mô răng mà nhớ ra được? Cứ mỗi ngày mỗi quá. Chừng năm rưỡi nay thì Nga hết chịu nổi. Muốn phát bịnh. Cứ rứa hoài, e Nga phát bịnh.”

Dần dà rồi có lúc tôi phải nói xa xa đến những dằn nén, ẩn ức, đến chuyện bác sĩ bệnh tâm trí, v.v. Nói rụt rè, dè dặt hết sức. Hình như không đi tới đâu”.

Chừng bảy tám tháng sau, tôi lại có dịp ghé nhà Phụng-Nga. Tình cờ thôi, tôi không có ý nối lại liên hệ gì cả, thực tình là thế. Vả lại, giá “có ý” như thế cũng hỏng thôi. Giữa tôi và Nga nguội lạnh rồi. Giữa Nga và tôi, trước kia không có sự tán tỉnh nào mà tự nhiên mối tình hình thành. Rồi bây giờ không có xung đột nào, tự nhiên nó nguội dần, cũng lặng lẽ. Quan hệ giao hảo vẫn tốt. Gặp nhau vì vui êm ả. Nhắc cái nghĩa ba giây vẫn không quên. Nhưng sự tình đã rõ rồi: hết rồi. Bây giờ Tố Nga đang khốn khổ với thói gõ tay của chồng, một tai ương không gỡ nổi.

Lần ấy, tôi đến, Nga vắng nhà. Nàng đi Santa Ana thăm bà cụ nằm bệnh viện. Đi ăn tiệm với Phụng, tối ngủ với Phụng, tôi có nhiều thì giờ để ý anh ta. Có những cái ngồ ngộ. Mặt anh ta bỗng nổi mụn như mặt con trai mới lớn. Mụn đầu đen, mụn trứng cá, sưng từng cục. Có chỗ mụn bọc đỏ rần lên. Tôi mỉm cười, anh ta xoa xoa bàn tay lên má, tỏ ý “cho qua”. Tôi đùa:

“Mụn à? Kỳ vậy?”

Anh ta xoa má, cười cười bí mật.

Hôm ấy Phụng với tôi hào hứng. Chúng tôi hào hứng hơn là tôi với Nga. Phụng nói nhiều và gõ tay cũng nhiều, quên giữ ý.

À, bây giờ tôi mới biết thế nào là gõ tay. Hoặc móng tay chạm mặt bàn lắc cắc, hoặc đầu ngón tay chạm mặt bàn lộp bộp, đàng nào tiếng động cũng rất là rộn ràng. Có khua động nhịp nhàng thì có thứ âm nhạc nào đó, nhưng cái nhạc móng tay không có điệu du dương, điệu êm ả, dịu dàng, v.v. Không có đâu. Toàn những tấu khúc khẩn trương, dồn dập, náo nhiệt. Có khi còn “ác” hơn. Chẳng hạn trong trường hợp Phụng.

Crụp cụp cắc, crụp cụp cắc, crụp cụp cắc, cắc cắc.

Crắc cắc cụp, crắc cắc cụp, crắc cắc cụp. Cắc! Cụp! Cắc! Cụp! Chợt anh ta phóng lên tưng bừng:

Crắc cắc cụp cụp cụp cụp! Crụp cụp cắc cắc cắc cắc cắc. Cắc cắc crắc cắc cụp. Cụp! Cụp cụp cụp! Crắc cắc cắc cụp. Crắc cắc cắc cắc cụp cắc cụp. Cắc! Cụp! Cắc! Cụp cụp!… Cứ thế ồn ào như mưa sa gió táp, như ngựa phi, như hổ rượt từng đàn, như hỗn loạn bùng nổ tới nơi. Phụng đâu rồi? Phụng có còn là đứa bạn ngồi nói chuyện với tôi nữa không? Cái gì xảy ra vậy? Phụng mắt nó sáng lên, người nó cứng đờ; nó thoát rồi, nó thăng hoa rồi, nó đâu còn bên tôi nữa? Ối cái gì, chuyện gì vậy?

Thình lình: Crụp Crụp!

Hai tiếng dứt khoát, mạnh mẽ rồi im phắc.

Ngỡ ngàng một chút, rồi chúng tôi tiếp tục trò chuyện. Tôi lên tiếng trước, như làm mộ cử chỉ lễ độ, như vờ chối rằng mình vừa không nghe thấy gì, không để ý đến cái gì bất thường cả. Phụng ngần ngại rồi cũng bắt theo. Như một kẻ dại dột vừa lỡ… phát trung tiện giữa đám đông và được xung quanh bỏ qua. Đôi bên lúng túng, khổ sở thấy rõ. Rồi cũng qua.

Lát sau, khi câu chuyện đã trôi chảy, có bề hào hứng, thì khe khẽ lại bắt đầu lụp cụp thưa thớt. Rồi nhanh, rồi rộn ràng, tới tấp, v.v. Đại khái bắt đầu máy động một ít thắc mắc, băn khoăn, ray rứt, máy động rụt rè, thăm dò. Sự khua huống dần dần mạnh dạn, rồi hoá hùng hổ, rồi lồng lộn, thành hẳn ra cơn cuồng nộ.

Có nói, có lụp cụp, có lắc cắc. Không nói, ngồi trầm nhấm nháp cà phê, cũng lịp cụp lắc cắc liên hồi. Tôi thầm nghĩ: Gõ tay, rối ruột thật. Tố Nga có lý. Một vấn đề trầm trọng, phải kiên quyết, nếu không làm sao sống với nhau được. Sẽ nói chuyện với Nga về chuyện này…

Nói với Nga, Nga mừng húm. Mừng vì có người chia sẻ với nàng, thông cảm với nàng về cái tai nạn kỳ quặc. Nga hỏi:

“Anh đã trông thấy anh ấy gõ tay một mình chưa?”

“Gõ tay… một mình? Tôi chưa hiểu. Thì lúc nào chẳng một mình?”

Nga bật cười:

“Nói gõ một mình không phải là gõ tay xô-lô, độc tấu, không có hoà âm. Ý tôi muốn nói về cái lối gõ tay khi không có chuyện trò, không ngồi với ai cả, khi anh ấy tưởng chỉ có một mình, không ai trông thấy. Gõ một mình tức lag gõ… tự do…”

“Tức gõ không có khán thính giả?”

Nga im lặng một lúc, rồi buồn buồn:

“Thấy tội nghiệp rứa tê… Chi mà dị rứa không biết nữa.”

Tôi chưa chứng kiến. Chỉ mường tượng trong đầu cảnh gõ tay một mình, đã thấy quả có “dị”. Một mình mải miết theo đuổi các điệu lồng lộn nọ, người gõ dám bị dẫn dắt tới những điệu bộ lố lăng, dị hợm: gục gặc, lúc lắc, vung vẩy, ngất ngư… Ôi! Người Huế bảo “dị rứa tê”, tức ở trong Nam cho là kỳ cục thấy mồ, quái đản chết luôn.

Sáng tác nghệ thuật nào cũng thể hiện một phong cách. Người nghệ nhân gõ tay một mình bày ra một nhân dạng nhân hình không ra làm sao cả. Bất lợi cho mình hết sức. Vậy mà Nga chỉ nói : “Khó chịu lắm anh”. Tôi thấm thía cái nết chịu đựng âm thầm, nhẫn nại dịu hiền của Nga.

Nhưng cái hào hứng của Phụng hôm ấy không liên quan đến gõ tay. Liên quan đến chim.

Phụng bảo hồi gần đây đêm đêm nằm ngủ anh mơ thấy mình hoá ra con chim. Một con chim trống. Nói cách khác: ban ngày anh là một nhân viên của hãng hoá chất Westco, cặm cụi làm việc tám giờ ngoan ngoãn. Nhưng đêm đến, Phụng là một con chim trống, theo đuổi một con chim mái. Cứ theo những gì biểu lộ trên nét mặt anh ta, theo cái cách kể chuyện, giọng to giọng nhỏ, anh nụ cười ánh mắt anh ta, thì đây là một mối tình đầy hứng thú. Tôi hỏi:

“Đêm nào cũng vậy hả? Cứ tối đến là ông có hẹn hò?”

“Không hẳn. Không tuyệt đối đêm nào cũng gặp. Nhưng đại khái gần như thường xuyên…”

“Thường xuyên? Đêm đêm cô cậu thường xuyên rập rờn khắp rừng núi nọ núi kia? Trời ơi…”

Phụng cười hí hí. Rõ là có sự thích thú. Tôi tò mò về cái bay. Cái bay, Phụng đồng ý cũng là một thích thú. Bay ràn rạt trên các ngọn cây, trên đầu đám cây xanh ngút ngàn tràn ngập núi non, phải chịu là một thích thú, Phụng bảo thế. Riết rồi quen thói, không bay mấy đêm lại nhớ. Bỏ con chim mái qua một bên, nguyên một cái nhớ bay đã là vấn đề. Mình di chuyển bằng chân ngót nửa thế kỷ rồi, ít sao? Vậy mà chưa bao giờ mình nhớ cái đi. Khi đau ốm khi tù tội, bị buộc phải nằm dí một chỗ thì có nhớ. Là nhớ cảnh, nhớ người nọ người kia, nhớ quán cà phê, nhớ thành phố, v.v. hình như không có chuyện nhớ… đi. “Phải không? Mình không chắc chắn lắm. Cậu soát lại coi. Cậu kiểm điểm, rồi bổ túc ý kiến cho mình chỗ ấy. Nhưng về cái bay thì mình có thể nói chắc: Thích lắm. Nhớ lắm”.

Tôi không nghi ngờ. Trông bộ dạng Phụng, thấy rõ mồn một. Vả lại việc gì anh ta lại nói dối? Cái anh ta muốn khoe, cái chính, đâu phải là chuyện bay? Hễ đã làm chim tất nhiên là bay thôi, có gì đáng khoe khoang? Cái chính là mối tình, là con chim mái.

Thoạt đầu tôi vô tình, không xem là chuyện nghiêm chỉnh. Ái tình gì lại thế? Lại người với chim? Chẳng qua chơi thôi, đùa thôi. Chú ý làm gì? Thoạt đầu, trong ý tôi, cái lý thú, mới lạ là cái bay; tôi chú ý cái đó.

Sau, nói một hồi, tôi ân hận đã cầm chân Phụng vào một đề tài thứ yếu. Phụng đang nôn nao muốn vọt sang ngay đề tài chính.

Nhưng phải nhận rằng đây không phải chuyện vui mừng, sung sướng. Đây là một mối tình trắc trở. Không phải Phụng kém cỏi về phương diện nào, không phải lỗi ở anh ta. Phụng biện bạch:

“Nghĩ coi: Chim có hoàn cảnh của chim, đâ phải như người? Chim mái lớn lên không như các thiếu nữ, không là nữ sinh nhí nhảnh, trao đổi ánh mắt cụ cười rộng rãi, mê hoặc cậu nọ cậu kia, chọn lựa kỹ càng rồi mới trao duyên. Chim đâu có chim ngồi cạnh bên song sửa, chờ đợi trai lành bốn phương. Đâu có thế? Thấy không? Chim sinh ra lắm loại có đôi có lứa sẵn. Mình đơn thân độc mã ở đâu lạc loài bay đến. Mình khốn khổ ngay.”

À! Anh này. Đoạn trường. Ngoài đời khổ, trong mơ khổ. Làm người khổ. Làm kiếp chim lại khổ. Sao không chọn làm cây thông?

Nhưng coi chừng, Phụng không hẳn thấy khổ. Vắng mơ là vắng bay, nhưng rõ ràng Phung không nhớ bay bằng nhớ chim mái đâu. Và nhớ cả những nỗi truân chuyên trắc trở xung quanh cuộc rượt đuổi chim mái. Nó có chồng. Nó có phong tục riêng: Vợ chim không ở nhà lo nội trợ để chồng ngược xuôi lưng trời kiếm ăn. Chim thì vợ đâu chồng đó, Phụng chen vào khoảng nào trong cuộc sống lứa… ba? Lẽ nào anh ta thích thú hào hứng trong cảnh chầu rìa? Vài trò anh ta là thế nào?

Phụng phân giải: Đời sống ở đâu cũng có phép tắc, anh chàng không được hưởng hạnh phúc công khai. Tuy nhiên không thể gọi là thất bại. Phụng nhấn mạnh: “Không hề thất bại.”

Anh ta dần dà phân giải kỹ hơn: Nghĩa là cặp chim kia vẫn một cặp, nhưng con mái đã… san sẻ tình yêu. Mọi san sẻ như thế – ở chim cũng như ở người – mọi san sẻ tình yêu đều kín đáo, ý tứ; nhưng trong cuộc với nhau thì nhận biết ngay… “Tụi nó ở đâu, tôi ở đó, nghĩa là gần đó. Thỉnh thoảng nhìn nhau, âm thầm sung sướng”…

Tôi thắc mắc: Làm thế nào Phụng “chinh phục” được tình yêu con mái? Hót à? Chim vẫn quyến rũ chim bằng tiếng hót, Phụng biết hót hồi nào? Hót hay tới đâu?

Anh ta ngần ngừ, rồi giải thích, cách thận trọng: Không phải do hót… Có lẽ do gõ… Do mình gõ… hơi xuất sắc. Nghĩa là có cốt cách riêng… Nó để ý… Nó “chịu”.

Tôi ngạc nhiên. Như thế là thế nào? Chim gì lại chim khoái nghe cái gõ tay. Phụng nói thêm: Chim gõ kiến ấy mà. Thật ra không phải gõ kiến. Xứ mình không có loại chim ấy, các từ điển dịch đại khái vậy thôi. Tức con woodpecker. Woodpecker nó không ăn kiến, nó ăn hạt. À. không phải là gõ tay. Đây là gõ bằng mỏ. Woodpecker nó mổ vào thân cây, đục thành lỗ, có loại nhét hạt cậy vào lỗ để dành mà ăn, có loại thì lỗ khoét rộng dùng làm tổ. Phải, phải, có nhiều loại giống woodpecker, mình làm sao biết hết! Gali woodpecker, Acorn woodpecker, Hairy woodpecker, Downy woodpecker, v.v.

“Thế ông… thuộc giống nào?”

Phụng khựng lại, nhìn tôi trách móc:

“Ông thật lắm chuyện! Giống nào sao biết được? Một đêm nào đó mình nằm ngủ, tự dung bay lượn, với cái mào đỏ trên đầu. Biết vậy thôi…”

Tôi nhìn Phụng, thằng bạn từ xưa ở trường, thằng chồng của người yêu tôi, thằng Phụng đó bây giờ ngồi trước mặt tôi lốm đốm mụn đỏ, sưng vêu lỗ chỗ, tay lộp bộp gõ nhặt gõ khoan dưới mặt bàn, trông láo ngáo lơ ngơ, và thằng Phụng đó đêm đêm bay rần rật đuổi theo con tình nhân có cánh… Thằng Phụng đó đang tâm sự với tôi đầy hào hứng. Đây là một sự hí hửng buồn cười. Lố lăng… Nào, xem…

Phụng đầy hào hứng nhưng kể ríu rít một hồi, loanh quanh cũng không thêm được mấy điều cụ thể.

Tôi về nhà mấy hôm, Tố Nga gọi điện thoại nói chuyện. Nói mẹ nàng có đỡ bệnh, nhưng suy nhược lắm rồi, bảo rất tiếc hôm nọ tôi đến thăm mà nàng không gặp, bảo độ này nàng cao máu, phải uống thuốc thường xuyên, v.v. Nàng lại đề cập đến gõ tay: “Căng lắm. Căng dữ lắm anh. Chừ không mần răng chịu nổi nữa…” Tôi hỏi dò, thấy hình như nàng không hề biết việc chồng đã hoá chim.

Một thời gian sau, chừng tháng rưỡi sau, Tố Nga lại xuống Santa Ana thăm mẹ. Tôi gặp nàng, thấy nàng hốc hác. Nàng kêu: “Khẩn trương” lắm, cứ ri hoài chắc chết, cách mô chịu nổi!

Tôi thầm nghĩ: E không phải một người có vấn đề, mà là cả hai. Phụng gõ tay thế có quá đáng, bảo là bệnh hoạn cũng được. Nhưng còn Tố Nga: Nàng cũng nên tự xét mình xem có tâm lý bình thường không? Người ta gõ tay, việc gì mà mình xúc động quá vậy? Dị ứng với tiếng gõ tay như vậy, lạ lùng chứ không à? Vì nghe tiếng gõ tay mà đến nỗi sinh ra suy nhược thần kinh, mà tăng cao huyết áp, mà hốc hác võ vàng.

Trong trường hợp này hình như tiếng động không phải chỉ là tiếng động. Sự khua khuống ấy, âm thanh ấy, không đủ lớn để chấn động thần kinh. Chẳng qua chỉ đủ để khuấy động một nổi u ẩn tâm lý nào đó đã bị dìm sâu. Có vậy chăng? Chẳng hạn tiếng gõ tay tố cáo một băn khoăn đau đớn ngấm ngầm nơi người gõ, một đau đớn đã bị trấn xuống mà không chịu nằm im trong thâm tâm người gõ. Người nghe bắt được cái tố cáo vô ý thức ấy, mơ hồ đọc được tội lỗi của mình. Ngón tay như tiếng trống đập vỗ ầm ầm vào ngực, như đao búa dồn sâu vào sào huyệt ẩn trốn của tội lỗi, như mũi nhọn xoáy vào vết thương, v.v. Có vậy chăng? Có vậy thì quả kinh hoàng.

Tôi lo lắng nhìn Nga. Nga nhìn tôi, lờ mờ đọc được sự nghi ngờ của tôi. Nàng có vẻ bối rối. Đến lượt tôi lẩn trốn, tôi tạm thời tránh đề cập tới chuyện gõ tay.

Nhừng chuyện bay theo chim thì Tố Nga vẫn chưa biết gì. Phụng hào hứng kể lể với tôi, mà không hé răng với vợ. Cái đó cũng dễ hiểu.

Lần kế tiếp, tôi gặp Phụng thì tình trạng đã tệ lắm: Hai gò má anh chàng đỏ rần từng mảng. Có chỗ lở lói. Cả cái mũi cũng bị rồi. Chót mũi bị nặng: sưng to, đỏ ửng. Rõ ràng không còn liên hệ với chuyện mụn miếc của trẻ thanh niên nữa.

Tôi nghiêm nét mặt: “Bác sĩ nói thế nào?”

Phụng không trả lời thẳng. Anh lấy tay xoa qua má, rồi dừng lại ở chỗ sống mũi, rồi mân mê, bóp nhẹ chóp mũi. Nói: “Nó tấn công. Nó mổ mình dữ tợn”.

Nó? Tôi nghĩ đến con mái, ngạc nhiên. Hỏi:

“Chim à? Chim nó mổ ông à?”

Phụng điềm tĩnh hơn bao giờ hết. Anh ta tủm tỉm. Anh ta thong thả:

“Cái gì phải đến, đã đến”.

Thoạt đầu tôi chưa hiểu, dĩ nhiên. Nhưng trông cái điệu anh ta cứ bí mật, cứ tủm tỉm, rồi cũng đoán ra đại khái:

“Đồ quỷ? Chuyện gì vậy, nói nghe coi. Ông… đạp mái cả chim à?”

Câu phát biểu sổ sàng của tôi làm Phụng cụt hứng, bất bình. Anh ta khựng lại một lúc. Mãi anh ta mới kể từ từ, kể một mình, không để tôi chen vào những câu vớ vẩn:

“Hôm đó buổi sáng, trời mù, lành lạnh. Không một hơi gió nào. Khắp núi rừng, phăng phắc cả. Cây lá không lay động. Mây khắp trời cũng tuyệt không xê xích. Tự dưng nhớ những ngày âm lịch tháng Hai bên nhà. Nhớ những lần như thế mình đứng giữa cánh đồng, trên một bờ ruộng hẹp, ngẩng nhìn, ngơ ngẩn, hoặc dừng chân ở khúc quanh của một bờ suối, chợt nhìn lên khối mây khổng lồ xuất hiện sừng sững trước mặt mà sửng sốt.

Buổi sáng hôm đó, cũng một buổi sáng sững sờ như thế. Mình “đậu” bám vào một thân cây sồi già. Một khối mây thật nặng nề, màu bầm tím, nằm trên đầu núi, nằm im lặng hàng giờ.

Cũng như thường lệ, mình vẫn loanh quanh bên cạnh… nghĩa là chúng nó ở cây này thì mình tìm một cây nào gần đó. Sáng hôm ấy con trống đi đi về về. Nó bay đi kiếm ăn, một lát bay về. Con mái nó cách mình chừng năm thước tây. Thỉnh thoảng nó cũng bay đi rồi về. Về bên cạnh mình. Hai đứa ý thức là gần nhau. Ý thức thôi, không có phát biểu nào, ngoài việc lâu lâu nhìn nhau…

Núi rừng mênh mông yên lặng, mây trời yên lặng. Duy có cặp gnatcatcher cứ kêu đều đều, kêu mãi kêu mãi bên tai, làm mình sốt cả ruột. Ờ, gnatcatcher, chúng ta nhiều người vẫn gọi là con chim đớp muỗi ấy. Thực ra không phải đâu. Nó đớp những loại bọ có cánh gì đấy, không hẳn là muỗi đâu. Chim đớp muỗi, bên ta có. Nhưng bên ta, nó đớp đúng con muỗi. Muỗi sống về đêm. Bên ta, tôi thường gặp những con chim đớp muỗi đậu ở các gò, đậu sát hẳn mặt đất. Ban đêm, ta đi ngang qua gò, bước gần đến nó, nó tung lên bay. Đó mới chính thị là con chim đớp muỗi. Trông không giống con gnatcatcher bên này mấy đâu.

Hình dáng đã thế mà cái sinh hoạt hai bên cũng khác. Gnatcatcher từng cặp quấn quít nhau chặt lắm. Rừng cây thì rậm rạp, chim thì bé nhỏ. Dẫu kiếm ăn quanh quẩn gần nhau, nhưng khuất cây lá, đâu phải lúc nào cũng trông thấy nhau được. Lỡ rủi ro, chim dữ bất thần tấn công, bắt nhanh, biết đâu! Vì thế, con trống, con mái, gọi qua gọi lại liên hồi, suốt ngày không dứt. Để theo dõi, để con này biết chắc con kia vẫn còn đấy, và vẫn được an toàn.

Mây mù, trời đất im vắng sững sờ. Mình nhớ mây trời quê xưa, nhớ muốn chết luôn. Mà gnatcatcher chúng nó cứ kêu tha thiết. Bồn chồn cả người. Mình và con mái, hai đứa – chắc nó cũng như mình thôi – không thể không nôn nao. Mình nhìn nó, nó đăm đăm ngó lại. Mắt gặp mắt, dừng lại chịu đựng thật lâu. (Tôi kêu thầm trong trí: “Ba giây chăng? Chết, cái nhìn ba giây đây ròi, gì nữa?”)

Thế rồi, giữa lúc ấy một tiếng kêu ngắn phát ra trên không. Chúng tôi cùng trông lên: hai con chim ưng quấn vào nhau buông mình rơi xuống, từ từng không cao tít chúng rơi xuống… Khắp bầu trời hàng giờ không một lay động nào. Bỗng nhiên xảy đến. Cặp chim ưng cùng rơi là hình ảnh động duy nhất… Hình ảnh ấy thôi miên hết thảy mọi sinh vật có mặt. Tôi, cả hai chúng tôi nhìn sững, bàng hoàng…”

Phụng chợt để ý đến nét mặt tôi, anh ta hỏi:

“Anh không biết hả… À, không biết đâu. Khi chim ưng, giống chim ưng sói đầu biểu tượng của nước này, khi chúng nó “rớt” cả cặp giữa trời như thế là… là chúng nó đang làm tình đấy”.

“Thế à?”

Phụng tiếp tục:

“Tôi không tự giác, không biết mình làm gì, không biết mình bay lúc nào, không biết đến bên cạnh nó lúc nào. Nó không có phản ứng. Tôi sát lại, nó vẫn đứng yên. Nó cũng tê liệt vì cái xúc động bất ngờ. Rồi… rồi… rồi…”

Phụng lúng túng. Tôi nhắc:

“Rồi chuyện gì phải đến đã đến”.

Anh ta ngượng ngùng:

“Lần đầu tiên… lần duy nhất… Xong, rời nhau, chúng tôi xa nhau. Tôi bay về cây sồi của tôi”.

Phụng ngừng. Tôi có cảm tưởng câu chuyện đã được kết thúc. Nhưng một lúc, anh ta cho biết thêm: Lát sau con chim trống bay về. Mọi chuyện đã qua cả, thế mà hình như do một linh tính con trống biết rằng có điều không lành vừa xảy ra. Không khí căng thẳng khác thường. Thình lình con trống xông đến mổ cắn Phụng túi bụi…

Phụng bất giác đưa bàn tay lên xoa xoa má, lên những cục sưng đỏ, có cục lan rộng mấp mé mí mắt, xoa lên chỗ chót mũi phồng lớn… Có phải như vậy là ý Phụng muốn bảo cách gián tiếp rằng những mụt, những cục sưng, lở loét ấy, do vụ chim mổ trong giấc mơ mỗi đêm?! Ối! có phải Phụng định gợi ý như vậy không? Nếu có thế thì còn kỳ cục hơn chuyện anh ta… đạp mái chim!

Còn chuyện con chim con thú đánh đuổi đồng loại xâm phạm khu vực của nó, khu vực riêng nó đã chiếm hữu để săn mồi, để giữ mái…, chuyện đó cũng thường. Nhưng trong trường hợp này có gì đột ngột. Trước, Phụng chưa từng gặp cơn thịnh nộ dữ dội như thế. Từ đó về sau, con trống tự dưng quyết liệt. Nó mổ vào đầu, vào mặt Phụng túi bụi, hễ trông thấy, hễ bắt gặp là mổ ngay, đánh ngay. Ơ, cái mỏ con chim gõ kiến, phải biết nó mổ lủng nhà, lủng tường, lủng cả mái thiếc nhà người ta là thường. Dân cư vùng núi kêu quá trời…

Rồi thì sao? Bao nhiêu cái còn lơ lửng: tật gõ ngón tay, bệnh cao huyết áp, cuộc sống vợ chồng, má lở mũi sưng, v.v. Nhưng tôi có cần tiếp tục theo dõi và tiếp tục kể lể nữa không? Kể đến đâu thì gọi là xong.

Lẽ ra một cuộc ra đi, đến “bến bờ tự do” là xong chứ gì.

Gải sử có gặp nhiều bất trắc dọc đường thì sau đó, hỏi lại, nghe vợ nào chồng nấy, ông nào bà nấy vẫn tiếp tục cuộc sống chung, xây dựng cuộc đời mới, vậy là êm xuôi, ta có thể yên lòng bảo (như lời Tần đã bảo) là “xong cả” chứ gì?

Lại sử giả có mụn có mơ, kể lể thêm nữa, hoá ra vẽ chuyện, rắc rối quá, biết đâu cho cùng!

Tuy vậy nếu cần phải thanh toán những vấn đề đã nêu ra, cũng nên thanh toán. Và tôi xin vắn tắt.

“Cho đến bây giờ, Phụng vẫn còn gõ ngón tay, tuy có ý thức, có cố gắng hạn chế. Bất cứ khi nào, đang gõ mà bắt gặp ở Nga một chút ý khó chịu, anh ngưng tức khắc. Tương kính như tân.

“Những sưng lở trên mặt Phụng vẫn tiếp tục. Tố Nga coi nhẹ: “Rosacea. Tôi có đã hỏi, bác sĩ bảo rosacea đấy. Nhưng anh ấy có nghe đâu, có chịu đi chữa đâu”.

“Vụ woodpecker thì rồi một hôm con chim trống chết bất đắc kỳ tử. Không biết lý do. Bị chim lớn đâm? Bị tai nạn? Không biết. Chỉ biết từ đó đêm đêm Phụng sống yên lành bên cạnh con chim mái. Nhưng khổ cái, con mái đã già mất rồi. Loài chim, đời nó ngắn hơn đời người nhiều quá mà. Con mái già rồi qua đời, Phụng tự dưng mất phái tính, không phân biệt âm dương, quên hẳn thú ân ái…

Hiện giờ, anh ta trông già hẳn, già trước tuổi nhiều. Ăn mặc lùi xùi, qua quít. Trên đầu đội cái mũ kết cũ kỹ, đỏ sậm, bạc màu. Nửa như màu mũ lính Dù hồi trước, nửa hơi giống túp lông trên đầu con woodpecker. Ấy, bây giờ anh ta trông như thế, vẫn ở San Jose.

5-1995

Nguồn: sách “20 năm Văn học Việt Nam hải ngoại 1975-1995”, NXB Đại Nam, Cali 1995. Bản điện tử của Văn Việt.

Comments are closed.