Vẽ địa chủ

Tô Ngọc Vân

 

Đợt hai phát động quần chúng, tôi được đi tham gia. Đi để phục vụ nông dân đấu tranh và cũng để cải tạo mình trong nhiệm vụ đó. Vốn là chuyên môn họa nhưng làm công tác người đội viên đơn thuần của đội phát động. Khi đấu tranh đã thắng, đại hội liên hoan tổ chức, tôi mới có dịp sử dụng chuyên môn chung với mấy anh em cùng nghề, vẽ tranh triển lãm, diễn lại một vài khía cạnh qua quá trình tranh đấu.

Phần tôi có làm mấy bức họa. Riêng một bức được anh em nông dân khuyến khích. Sự khuyến khích này đã chuyển vào tâm thần tôi một khí hậu phấn khởi rồn rập. Những đề tài tôi tưởng tượng sáng tác trong phát động trước đây còn chập chờn mờ mỏng, thì nay bỗng vụt lên rõ rệt, thúc bách tôi đem màu sắc đẩy nó hiện hình trên tấm họa. Sư khuyến khích lại tô thắm, thêm duyên cho cái tình giữa người họa và anh em nông dân. Lòng tin ở sức phục vụ cho chuyên môn mình thấy cường tráng lắm.

Tôi công tác tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba. Bức tranh tôi nói trên tả một cảnh đấu trường ở đấy trình bày đóng khung vào hai nhân vật: bủ cố nông đang đấu và tên địa chủ phản động gian ác Đỗ Văn Hiện cúi gầm, quỳ gục dưới mắt bủ. Cảnh này đã đập vào xúc cảm tôi cực kỳ mạnh. Thằng Hiện, tôi nhìn chỉ có phảng phất bóng dáng con người. Đầu nó cúi, cái sọ trơn trọc hung hãn, hai tai nhọn hoắt như tai ác thú, quai hàm nó rộng bạnh ra, cánh tay thả xuống dài bằng chân, đôi mắt đỏ ngầu máu. Tâm hồn thú vật của nó tiết tỏa khắp thân hình.

Mãi hôm đấu tôi mới thấy nó, nhưng thực thì tôi đã “biết” nó từ lúc nông dân được phát động, đã chứng kiến con người thú vật ấy hiện nguyên hình dần dần, mỗi lúc một rõ thêm lên, qua những đêm và ngày tố khổ của anh em bần cố. Cánh tay dài kia đã quặp chiếc búa tạ đuổi theo chị người làm bị nó định hiếp nhưng vùng chạy được, thằng Hiện ném như thế nào tôi đã rõ. Miệng nó há ra thế nào để nốc từng lít rượu, quai hàm nó bạnh ra sao để hốc từng cân thịt ăn cướp của nông dân để rồi phun ra những giọng gian ác, phản động đối với kháng chiến, anh em bần cố đã chi tiết vẽ hộ tôi cả.

Rồi nhìn cánh đồng bao la, đồi chè liên tiếp thuộc nhà nó, tôi lại nhớ đến những mưu mô mánh khóe lươn lẹo thằng Hiện đã dùng để chiếm đoạt. Rồi khi ăn khi nằm cùng anh em bần cố mà quanh năm chỉ ngày tết mới được bữa cơm không độn, tôi lại càng nhìn thấy bàn tay tàn nhẫn của nó. Hình thù thằng Hiện, nhờ vậy, nhờ sự cảm thấy một phần cùng cực của anh em mà trở thành cụ thể trong óc tôi, và đêm hôm đấu, thoạt tiên trông thấy nó, tôi sửng sốt vì nó giống một cách lạ lùng với thằng Hiện tôi tưởng tượng.

Sự thống nhất này đã giúp tôi ghi lại nhân vật địa chủ được một phần nào giống. Anh em nông dân nhận thấy thế. Mới một phần nào thôi. Đường đi đến giống hoàn toàn, diễn thằng địch hay diễn anh em nông dân cũng vậy, giống được hoàn toàn, về phần tôi thấy mình còn phải qua nhiều cố gắng gian khổ.

Câu chuyện GIỐNG là tất cả một vấn đề nó không phải công việc ghi chép hình thức bên ngoài nhân vật thôi đâu. Không thông cảm với anh em nông dân nổi thì không “truyền thần” anh em được, mà cả thằng địch cũng không thể giống nốt. Và muốn thông cảm lại phải giải quyết một dãy vấn đề do bản chất tiểu tư sản nghệ sĩ, bị văn hóa đế quốc đầu độc của mình gây ra. Vấn đề của câu chuyện GIỐNG này, tôi cũng kết luận như các bạn trước mọi vấn đề khó khăn rằng đó là một vấn đề tư tưởng.

Nhưng khó khăn gì mà chẳng vượt. Bác bảo: có tín tâm quyết tâm là tất thắng. Anh em nông dân đã truyền cho tôi một lòng tin cường tráng. Và tôi đã quyết tâm.

10-3-1954

TÔ NGỌC VÂN

Nguồn: tạp chí VĂN NGHỆ, [việt bắc] s. 3 (tháng Ba 1954)

[Rút từ Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954, tập 7: 1954, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 2005, tr. 160-161]

GHI CHÚ: Tô Ngọc Vân hy sinh ngày 17/6/1954, chừng 03 tháng sau khi đăng bài này.

Nguồn: FB Lại Nguyên Ân

Comments are closed.