Về Thơ Trẻ Sài Gòn: Tác động của thơ Việt hải ngoại

Nguyễn Viện

Do hoàn cảnh lịch sử, sau 1975 đã có hàng triệu người Việt rời bỏ quê hương. Họ định cư phần lớn ở Úc, Pháp, Mỹ, tạo nên một cộng đồng có bản sắc văn hóa riêng biệt đồng thời với những cố gắng hội nhập vào đời sống địa phương cư trú. Trong những từ chỉ về tình trạng sống của họ, tôi đã tìm thấy chữ “tạm dung” được sử dụng khá phổ biến. “Tạm dung”, nó cho tôi biết những người Việt hải ngoại không hề muốn mất quê hương. Nó cũng bày tỏ một tâm thức quay về cố quốc. Chính vì thế mà văn học nghệ thuật Việt vẫn tồn tại và phát triển vừa như một phương tiện vừa như một cứu cánh cho nỗ lực duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt.

Người Việt vốn sính thơ, yêu thơ. Và người Việt dù sống ở đâu, cũng làm thơ. Không gian địa lý đã làm cho không gian thơ của người Việt biến thành thơ hải ngoại và thơ trong nước. Môi trường sống đã làm cho hai không gian thơ ấy có phần khác nhau và trong những điều kiện nhất định, nó cũng đã tương tác với nhau, bởi nó có cùng một quá khứ, một truyền thống và cùng hướng đến một tương lai: một nền thơ Việt không biên giới.

Trong đề tài này, tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình vào hai không gian thơ: Thơ Việt hải ngoại và Thơ trẻ Sài Gòn.

Trước hết xin xác định: Thơ Việt hải ngoại là thơ của người Việt viết bằng ngôn ngữ Việt và nó nằm trong nền văn học Việt Nam. Sự xác định này nhằm khu biệt với thơ của người Việt viết bằng ngôn ngữ khác, ngoài khuôn khổ của đề tài nghiên cứu.

Một xác định khác: Thơ trẻ Sài Gòn là thơ của những người đang sống và làm việc tại Sài Gòn, giới hạn trẻ được qui định dưới tuổi 30, tức là những người sinh sau 1975, cũng là thời điểm đánh dấu một cột mốc lịch sử có ý nghĩa trong toàn bộ quan điểm chính trị xã hội và văn hóa đối với cư dân thành phố và những người Việt hải ngoại.

Tại sao không đề cập về thơ trẻ nói chung (toàn quốc) mà chỉ nói đến thơ trẻ Sài Gòn? Lý do của sự chọn lựa này dựa trên các yếu tố sau:

– Thơ trẻ Hà Nội và các vùng miền khác ít có dấu hiệu tương tác với thơ hải ngoại. Phần khác, sau cơn lốc Vi Thùy Linh, thơ trẻ Hà Nội dường như không còn đáng kể (ít nhất trong giai đoạn hiện nay).

– Trong khi đó, thơ trẻ Sài Gòn lại đang nổi lên như một hiện tượng với tất cả tính đặc thù của nó. Hàng loạt các khuôn mặt mới đã xuất hiện làm khởi sắc sinh hoạt nghệ thuật không những chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài (trên các mạng điện tử như Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Talawas, Tienve, các tạp chí Thơ, Hợp Lưu…). Thậm chí trang văn học eVăn của báo điện tử Vnexpress còn tổ chức riêng một chuyên mục “Thơ trẻ Sài Gòn”.

– Có yếu tố của lịch sử đã tạo nên mối tương quan giữa thơ Sài Gòn và thơ hải ngoại. Sự tác động của các trào lưu từ bên ngoài như chủ nghĩa hậu hiện đại, thơ Tân hình thức ở Mỹ cũng được bộc lộ rất rõ trong thơ trẻ Sài Gòn.

KHÁI QUÁT THƠ VIỆT HẢI NGOẠI

Cùng với cuộc di tản của một bộ phận người dân các tỉnh phía Nam những năm sau 1975, văn học Sài Gòn cũng được mang theo như một tất yếu của đời sống văn hóa. Các nhà thơ Sài Gòn cũ tiếp tục việc làm thơ của mình ở hải ngoại với rất ít thay đổi, nhưng họ vẫn là một lực lượng chủ đạo như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Viên Linh, Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Thiệp, Hà Huyền Chi, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn … Có thể tạm gọi đó là nhánh thơ “Sài Gòn nối dài”, bởi tác phẩm của họ vẫn nằm trong tâm cảm và kỹ thuật của thơ trữ tình/trừu tượng miền Nam trước 1975. Một ít trong số họ cũng có ý thức cách tân như Cao Tần trong thời gian đầu cuộc sống tạm dung với khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ bình dân Nam bộ. Du Tử Lê với việc dùng các dấu gạch chéo (/) để ngắt nhịp và áp dụng phương pháp hoán vị trong từng câu thơ nhằm tạo ra một tác động mới trên người đọc, buộc họ phải tham gia vào trò chơi do tác giả bày ra. Cao Đông Khánh cũng có một ít đóng góp về cách sử dụng phương ngữ miền Nam lục tỉnh. Nguyễn Xuân Thiệp với một số kỹ thuật làm mới thể thơ tự do nhưng vẫn ôm ấp các hình tượng và không khí lãng mạn nhẹ nhàng xưa cũ. Những đóng góp này không làm cho bộ mặt thơ Sài Gòn cũ khác đi.

Về mặt nội dung đề tài, phần lớn trong số họ vẫn nằm trong tâm cảm của một người lính với những phản ứng chống lại cái chế độ đương thời ở trong nước (trước những năm 1990). Những tự sự về thân phận tạm dung trước một nền văn hóa khác, một cuộc mưu sinh khác cũng được đề cập.

Họ vẫn đóng những vai trò quan trọng trong sinh hoạt xã hội của người Việt. Họ có mặt trong các buổi đọc thơ, ra mắt sách… Tuy vẫn là một dòng thơ chủ đạo, nhưng nó đã mất vai trò tiền phong đối với các thế hệ nhà thơ trẻ.

Một sự kiện đáng quan tâm của thi ca hải ngoại là cái chết của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Cái chết ấy nói lên tất cả sự cô đơn lạc lõng của các thi sĩ Việt. Họ không thích nghi được, hoặc chối bỏ sự thích nghi với đời sống tạm dung. Nó đánh động mặt nước phẳng lặng trong tâm thức những người làm thơ. Một sự đánh động đau đớn nhưng có lẽ lại là cần thiết. Cái chết ấy cũng cho thấy rất nhiều nhà thơ không được kể tên ở đây vẫn dừng lại với Tự Lực Văn Đoàn, khá hơn là với Sài Gòn trước 1975. Mặc dù sống trong môi trường của văn hóa Mỹ, khi sáng tác họ lại trở về với tâm thức cố cựu níu giữ bản sắc dân tộc để tồn tại như niềm an ủi. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân để thơ Việt vẫn mãi mãi ầu ơ ví dầu như Nguyễn Hưng Quốc đã từng nói.

Sự chuyển động của thơ Việt hải ngoại có lẽ chỉ bắt đầu sau khi có các tạp chí Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ ở Mỹ, tạp chí Việt ở Úc cùng với sự xuất hiện của các nhà thơ mới như Chân Phương, Đỗ Kh., Khế Iêm, Nguyễn Hoàng Nam, Ngu Yên, Thường Quán, Trân Sa, Nguyễn Đăng Thường, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Lưu Hi Lạc, Lê Thị Huệ… và sau đó là Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, Thận Nhiên, Đinh Trường Chinh, Nguyễn Hoàng Tranh, Lê Nghĩa Quang Tuấn …. Họ đã tận dụng được ở cái phương tiện hiện đại là cái bàn phím computer, đưa vào thơ các ký hiệu (không phải từ) của máy vi tính. Cấu trúc và tạo nhịp cho thơ bằng những khoảng trống và vắt dòng. Nó tạo ra được cả hai hiệu ứng thị giác và thính giác.

Nhưng ngay trong thế hệ các nhà thơ mới này, họ cũng bị tách ra làm hai nhánh rất rõ nét (nhánh Tân hình thức và nhánh các nhà thơ độc lập).

Nhánh thơ Tân hình thức và cách sử dụng ngôn ngữ thông tục đời thường cùng với sự xuất hiện của Tạp Chí Thơ (1994) do Khế Iêm, Đỗ Kh. Nguyễn Hoàng Nam, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Thị Hoàng Bắc… chủ trương. Đặc biệt là sự đóng góp của Khế Iêm, Nguyễn Đăng Thường và Đỗ Kh. trong việc cổ xúy cho thơ Tân hình thức. Hai người đầu tiên là Nguyễn Hoàng Nam và Đỗ Kh. đã mang những từ ngữ dục tính và hành vi dục tính vào thơ (nó hoàn toàn khác với tính tục nhưng thơ mộng và phá chấp của Nguyễn Đức Sơn của Sài Gòn cũ).

“khúc ruột đói khổ trét đời này qua đời khác

đụ mẹ chùi hoài đít cứ dính việt nam…

… cha mẹ khổ công đem tôi qua mỹ

đụ mẹ đâu phải để tối ngày đi làm

tôi laaaaaaaaaaaaaa

sướng sướng sướng quá tôi đang sướng…”

(Nguyễn Hoàng Nam. Trích bài Baggage Y2K, Tạp chí Thơ số mùa xuân 2002, trang 133)

“Đêm Hà Nội váy chùng

Em đít ấm và tôi dương vật ngỏng”

(Đỗ Kh. Trích bài ***, 26 nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB Tân Thư, 2002, trang 145)

“Mỗi ngày

Tối nằm

Đít mềm

Và ấm

Cũng có lúc vú mát và săn…”

(Đỗ Kh. Tr1ch bài Kỷ niệm mười tám năm thành hôn, 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB Tân Thư, 2002, trang 146)

Và với bài thơ “Linda mặt ngang” đăng trên Hợp Lưu, Đỗ Kh. đã gây nên một cuộc tranh luận về thanh và tục trong văn chương trên Hợp Lưu sau đó.

Với các nhà thơ nữ như Lê Thị Thấm Vân, Trân Sa, Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị Hoàng Bắc… nữ quyền đã được thể hiện một cách khá triệt để. Họ không còn “e lệ” về tính dục và các vấn đề khác của phụ nữ.

“Tôi nằm ngoan giữa những người đàn ông

Lông lá họ cứa nứt những đường kinh con gái…”

(Lê Thị Huệ. Trich bài Hiện hữu, 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB Tân Thư, trang 118)

“tôi sẽ làm gì với những thằng đàn ông ấy

nó sẽ làm gì tôi…”

(Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Trích bài Nghinh hôn, 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB Tân Thư, 2002, trang 26)

“tiếng nước đái

nhỏ giọt

trong bồn cầu tí tách

thứ nước ấm sóng sánh vàng

hổ phách

trong người tôi tuôn ra

phải rồi

tôi là đàn bà

hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ

bây giờ

được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ…”

(Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Trích bài Ngọn cỏ, 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB Tân Thư, 2002, trang 27)

“còn tôi vẫn ngày ngày trần truồng như nhộng cái mỗi khi bước vào bồn tắm”

(Lê Thị Thấm Vân. Trích bài Tân sử tích, Tạp chí Thơ số Mùa Xuân 2003, trang 153)

Ngoài ra, vấn đề đồng tính luyến ái cũng là một đề tài chưa từng xuất hiện trong thơ Việt trước đây đã được đề cập đến trong nội dung của một số sáng tác của Lê Nghĩa Quang Tuấn và Trân Sa.

“…Em đã tới. Đã ngọt ngào nằm xuống bên tôi,

Đã âu yếm kề tay cho tôi gối…

… Một lần nữa em đã

Duỗi chiếc chân ấm áp để gác lên mình tôi.

Một lần nữa tôi lại mỉm cười

Trong tóc em thơm ngát…

… Nơi ấy không ai, ngoài chúng ta.

Không có cả ánh đèn hay bóng tối.

Em hãy hân hoan, như đã – ngày hôm qua

Ngả mềm mại xuống cùng tôi. Hãy cứ

Đan những ngón thuôn thả vào tôi – như ngày hôm qua

Hãy kéo tôi gần lại.

Và tôi sẽ cúi hôn ngực em thiết tha,

Bằng đôi môi môi rất nóng của linh hồn.”

(Trân Sa. Trích bài Của linh hồn, Tạp chí Thơ số Mùa Xuân 2002, trang 59) ­

“…hơi thở lần hơi thở

thịt da tìm thịt da

một con đò gió

một dòng sông trăng

hai thằng bạn nhỏ…

tao

mày

tao

mày

tao

mày

tao

mày

ngón tay mò mẫm

đầu môi kiếm tìm…

lồng ngực ưỡn lên

cánh vai phủ xuống

hương tình lan xa ướt đẫm sương đêm…

(Lê Nghĩa Quang Tuấn. Trích Tập thơ 025-403-888 in trên tienve.org.)

Nhánh thơ này là một phản ứng trực tiếp với sự lão hóa của nhánh thơ “1975 nối dài”. Họ xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây, cố gắng cách tân một cách cực đoan về hình thức và ngôn ngữ đời thường, thông tục, ít nhiều cũng đã tạo ra một diện mạo khác của thơ Việt và gây được ảnh hưởng với một số nhà thơ trẻ trong nước. Chủ nghĩa duy mỹ của toàn bộ nền thi ca Việt Nam đã bị họ lật đổ. Điều quan trọng ở đây là họ đã xác tín sự bình đẳng của các từ ngữ trong phạm trù văn chương (mọi từ ngữ đều là nguyên liệu được sử dụng một cách bình đẳng trong thơ, không phân biệt thanh và tục; mục đích sau cùng là nhắm đến khả năng diễn đạt và tạo hiệu ứng lên người đọc một cách có hiệu quả nhất), cũng như mọi đề tài đều có giá trị như nhau. Chủ trương thơ Tân hình thức do Khế Iêm và Tạp Chí Thơ khởi xướng, nó được cải biên từ một thể thơ của Mỹ (New Formalism). Mang tính truyện kể và đời thường, do đó nó bỏ bớt tính ẩn dụ và điển tích trong thơ cổ điển, cũng như loại bỏ những kỹ thuật tu từ truyền thống, bỏ các từ Hán Việt làm cho thơ trở thành đơn giản và mang hơi thở của một đời sống gần với hiện thực hơn.

“Bước quanh căn phòng, không có gì để

làm; đi lang thang trong khu phố, không

có gì để làm; lên thang xuống thang,

mở cửa đóng cửa, lục tìm số phôn

của người vợ đã ly dị từ lâu,

nhắc điện thoại lên, gác lại (gác lại

mọi chuyện kể cả những chuyện chưa bao

giờ làm), không có gì để làm, buồn

chán quá sức; nhưng tình trạng không có

gì để làm, tương đối còn dễ chịu…”

(Khế Iêm. Trích bài Làm, Tạp chí Thơ số Mùa Xuân 2003, trang 231)

Người chủ xướng loại thơ Việt tân hình thức này, Khế Iêm viết trên tạp chí Thơ số mùa Xuân 2003 giải thích:“Thơ không vần hay Tân hình thức Việt, dùng ngữ điệu tự nhiên của cách nói thông thường, vắt dòng và kỹ thuật lập lại”(Tân hình thức và thể thơ không vần, trang 259). “Nếu Tân hình thức Hoa Kỳ học trực tiếp từ nhạc bình dân và Pop art, không rơi vào trò chơi tu từ truyền thống, thì Tân hình thức Việt, cũng phải học ngôn ngữ của tuồng, chèo, vọng cổ, cải lương, kịch nói… là sự kết hợp đa dạng, trở về với bản chất ngôn ngữ nói tự nhiên, mang tinh thần hòa trộn mới mẻ, phá vỡ một lần nữa mọi biên giới, cả khoa học lẫn nghệ thuật” (trang 264). Rồi Khế Iêm hô hào:“Cách tốt nhất, những nhà thơ Việt cần học hỏi, rút tỉa ưu khuyết điểm, ghi nhận kinh nghiệm của thơ tiếng Anh, như những gợi ý để phát triển thơ Việt, và như thế, đã đến lúc chúng ta phải làm một chọn lựa đúng, vì thời gian không chờ ai, và cơ hội chẳng phải lúc nào cũng có”(trang 264). Nhưng rất tiếc, cũng ngay sau đó, Khế Iêm viết: “Nhịp điệu, tiết tấu (hay nhạc tính) có khả năng hóa giải luật tắc và các yếu tố mỹ học, khêu gợi tưởng tượng và cảm xúc để làm thành thơ, nếu một bài thơ, người đọc chỉ thấy trần ra các yếu tố như vắt dòng, tính truyện, chủ đề… thì mới chỉ phô ra các phương tiện, là ngón tay, chứ không phải mặt trăng” (trang 264).

Thể thơ Tân hình thức này được một số đông các nhà thơ, ngoài nước và cả trong nước (Nguyễn Đạt, Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lý Đợi, Bùi Chát…) trước đây vẫn làm thơ theo các thể thơ cổ phong, thơ lục bát, thơ bảy chữ, tám chữ , thơ tự do tham gia. Nhưng gần như thiếu vắng các sáng tác đáng ghi nhận hay gây ấn tượng có thể chứng minh được sự biểu cảm mới mẻ của nó.

Có lẽ, cái gọi là “Tân hình thức” đã dừng lại ở đó. Cảm quan văn hóa, tính triết lý của nó cũng luẩn quẩn và lại rơi vào một cái rọ hình thức khác. Thiết nghĩ, một hình thức thích hợp bao giờ nó cũng bắt đầu từ sự đòi hỏi của nội dung, chứ không phải ngược lại. Người ta không thể vì thấy cái áo dạ hội đẹp mà lại mặc nó để đi cày. Cái chúng ta cần là một cảm quan văn hóa mới.

Trước thời gian đó, ở Úc có tạp chí Tập Họp do Hoàng Ngọc Tuấn chủ biên. Góp mặt trong tạp chí này có hai người đáng kể là Thường Quán và Uyên Nguyên. Đặc biệt là Uyên Nguyên với thể thơ cắt dán (collage). Thí dụ với bài “Hai biến khúc từ mục Tử Vi Đông Phương” đăng trên Tạp chí Việt số 4 (năm 2000):

“…Người đi

về phương đông

vừa gặp

xa ngoài dự mộng

những tiền thân gãy đổ

vỡ đen…”

Tác giả (Uyên Nguyên) đã chú thích như sau: “Bài “Hai biến khúc từ mục Tử Vi Đông Phương” ở trên là hai bức collage thực hiện từ những mảnh chữ nhặt được trong mục “Tử Vi Đông Phương” trên báo Dân Việt số thứ Năm, 15/10/98, trang 73. Tác giả sử dụng hoàn toàn các chữ và số có sẵn trong các mục ấy, và không thêm bất cứ một chữ, một số nào khác để hoàn thành bài thơ này.”

Làm thơ kiểu collage hay thơ cụ thể bằng những cách sắp hình có vẻ như là một ngõ cụt. Tuy nhiên, sau này (năm 2004-2005), trên website Tiền Vệ người ta lại thấy những bài thơ của Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi (trong nước)… sử dụng những thông tin trên các báo trong nước và trên mạng làm chất liệu. Cách làm của Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi, Thận Nhiên đã đi xa hơn trên con đường thể nghiệm.

Một nhánh thơ khác bao gồm các nhà thơ trẻ hơn về tuổi tác và cũng hoạt động độc lập hơn. Họ không làm thơ theo kiểu miền Nam trước 1975, cũng không theo Tân hình thức hay thơ tục. Họ vừa duy lý vừa siêu thực. Nó là cuộc chia tay (chứ chưa phải cách tân) với các thế hệ thơ cũ. Tuy độc lập, nhưng chính họ đang tạo nên một diện mạo mới cho thơ Việt hải ngoại, đồng thời tạo nên sự tương tác với thơ trong nước. Có thể kể Phan Nhiên Hạo, Thận Nhiên, Đinh Linh, Đinh Trường Chinh, Nguyễn Hoàng Tranh … đồng thời với sự xuất hiện của tạp chí Việt (Úc) do Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn chủ biên. Trẻ hơn có Trần Minh Quân, Miên Đáng, Tôn Thất Phương … Tác phẩm của họ phần lớn không có ám ảnh của chiến tranh, nó toát ra cái hơi thở của đời sống đương đại và vì thế nó mang một tâm thức khác, chẳng phải truyền thống cũng không phải thời thượng. Thơ của họ là chính đời sống họ với một ngôn ngữ và tư duy ít nhiều Mỹ hóa.

“Tôi ngủ bảy ngày trong khách sạn với T.

khi thức dậy tôi đã là một người khác

tôi muốn kiếm tiền, tôi muốn làm một con chim trống

tôi muốn T. lặn sâu xuống thực quản tôi

nhưng cô ta bơi lượn lờ như cá

trong vòm miệng tôi đầy nước bọt…”

(Phan Nhiên Hạo. Trích bài Sau bảy ngày trong khách sạn với T., Chế tạo thi ca, NXB Văn, 2004, trang 36)

“chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người đều nhẹ dạ

tôi lật ngửa chiếc bàn

tìm thấy đứa con thất lạc đã 10 năm

nó vặn mình trên thang gác

mọi người đồng loạt vỗ tay

giữa mỗi lòng bàn tay chết bẹp một con gián…”(1)

(Thận Nhiên. Trích bài Kịch, 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB Tân Thư, 2002, trang 198)

“…Và chàng không có dương vật

Vặn vẹo lại bên tôi trên một chân RẤT NGƯỜI

Tôi cũng chẳng có âm hộ

Chúng tôi làm tình bằng miệng

Với những cái mút lưỡi

Để tạo thêm cảm khoái

Chúng tôi cạ răng vào nhau

Thượng đế ban tặng con người nhiều cảm xúc thật tuyệt vời!

Nếu thật sự có bộ thần kinh hiện hữu

Chúng tôi cũng sẽ đè ra làm tình

Những ảo giác khốn nạn!…”

(Miên Đáng. Trích bài Chân dung, Tienve.org.)

Hay sự giao thoa giữa hai ngôn ngữ Anh và Việt mà người làm thơ phải sống cùng lúc với chúng.

“I am out of my hiatus cuối tuần. Tìm đánh tám

mươi hai đường quyền Thái Cực

Đạo – useless. Rốt cuộc chỉ mang hơi thở xuống

đan điền.

Alternate between sleep and wake. Tỉnh giấc chạy thật nhanh

bất định ly

apparitions keep chasing me

chase me

bắt đi bắt đi

Lên đỉnh gọi hồn

– sai hướng –

Thì ra ma không khứ hồi bằng sương.”

(Trần Minh Quân. Bài Gọi hồn, Hợp Lưu số 76, trang 109)

Tuy thế vài người trong số họ vẫn còn mang tính siêu thực và những hình ảnh, ngôn ngữ của thơ miền Nam trước đây (Đinh Trường Chinh, Nguyễn Hoàng Tranh).

“…đoạn mở mùa xuân

nơi nguyệt đài khép lại

khoảng giữa tiếng động và sự lắng dịu

khoảnh khắc tĩnh yên mang hơi thở bầy cá heo bay khỏi mặt nước

dội lại đôi cánh vương điệp và những dặm đường trôi về cố hương

nơi tuổi thơ đuổi bắt những canh bạc bên tiếng gà gọi sao mai xao xác…”

(Nguyễn Hoàng Tranh. Trích bài Sau khi lửa đã tắt, Thở, NXB Tiền Vệ, 2003, trang 26)

“… Vẫn đêm

tôi cách em vài lóng tay

tôi cách em một cơn mưa

tôi cách em bài thơ chưa trọn chữ.

Lần cuối cùng

Tôi và em chỉ cách nhau vài hơi thở

(và một xác cá

mắc cạn).

(Đinh Trường Chinh. Trích bài Cá, 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB Tân Thư, 2002, trang 73).

Gần đây, trên website Tiền Vệ, nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt tuyên ngôn về một loại thơ mới gọi là thơ “Thực hiện”. Theo Nguyễn Tôn Hiệt: “Ta phải viết ra những bài thơ nhẩy cẫng khỏi mặt giấy, níu lấy người đọc, mời gọi họ THỰC HIỆN những gì họ đọc được trong bài thơ. Những bài thơ như thế mới có thể tác động đến và làm thay đổi cái hiện thực chung quanh ta. Tôi gọi những bài thơ như thế là những bài THƠ THỰC HIỆN”. (Tiền Vệ tháng 5.2005).

Như vậy, thi sĩ không còn phải là người làm thơ, viết thơ hiểu theo nghĩa thông thường, mà họ chỉ viết ra những văn bản hướng dẫn thực hành những hành vi thơ. Nghĩa là đề nghị một kiểu sống thơ. Trong trường hợp này, những đòi hỏi về ngôn ngữ thơ không còn cần thiết, mà vấn đề chỉ là “kịch bản” có hay hay không mà thôi.

Một ví dụ của thơ thực hiện:

“Mời một người khác phái cùng bạn thực hiện 10 điều sau đây:

1.Mỗi người tự dùng khăn bịt mắt thật kỹ, rồi đi quanh trong nhà mình, sờ vào từng vật dụng và hỏi lớn: “Cái này màu gì?”

2.Người kia sẽ trả lời bằng cách nói lên một màu do mình tưởng tượng.

3.Sau khi đã cùng nhau hỏi và đáp về màu của tất cả các vật dụng trong nhà, hai người dừng lại. Người đàn bà ngước mặt lên và nói:

Giả như một thằng mù

Không có sự thấy

Thì giữa các màu trắng, đen, đỏ, vàng…

Có khác biệt nhau chăng?

4. Người đàn ông ngước mặt lên và nói:

Nếu không có vàng

Thì đỏ từ đâu ra?

Nếu không có trắng

Hỏi đen do đâu có?

5.Mỗi người tự cởi khăn bịt mặt ra. Mở mắt chầm chậm cho đến khi thấy rõ mọi chung quanh.
6.Người đàn bà thực hiện điều A. Người đàn ông thực hiện điều B. Hai điều này diễn ra trong cùng một lúc.

A.Tự lột bỏ hết quần áo. Dùng vải đỏ khoác lên thân thể. Dán một ngôi sao vàng ở âm hộ.

B.Tự lột bỏ hết quần áo. Dùng vải vàng quấn khắp thân thể. Buộc ba sọc đỏ vào dương vật.

7.Đứng bên nhau trước tấm gương lớn, nhìn ngắm nhau và tự hỏi: “Có khác biệt gì trong bản chất của hai hình thể này?” (Bạn có thể chụp hình để sau này nhìn lại).

8.Sau đó, ngồi xuống và nhắm mắt cho đến khi cởi bỏ hết quá khứ (dù đó là một vết dao đâm sưng đầy mủ hay là một ngày tinh thần đại thắng) đồng thời không nghĩ gì về tương lai.

9.Thầm niệm trí tuệ Bát Nhã:

“Sóng không khác với nước

Nước không khác với sóng

Sóng tức là nước

Nước tức là sóng”

cho đến khi những đom đóm trong mắt chuyển hóa thành rồng bay lượn trên địa đồ nước Việt.

10.Hãy vui vì lúc đó quá khứ là con Rồng, tương lai là cháu Tiên”.

(Nguyễn Tôn Hiệt. Thực hiện phương trình. Tiền Vệ 2.6.2005)

Khái quát như trên tất nhiên là thiếu sót. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về sự chuyển biến cũng như thành tựu của thơ Việt hải ngoại khi được tiếp cận với đầy đủ tài liệu và các nhân chứng sống của một bộ phận văn học đang bị tách rời (vì chưa được nhìn nhận một cách chính thức trong hệ thống văn học của nhà nước) này trong tổng thể nền văn học Việt.

TỔNG THỂ THƠ TRẺ SÀI GÒN

Trong bài viết “Thơ Việt trên đường biến đổi” đăng trên Tạp chí Thơ số 27, Khế Iêm viết: “ Sau biến cố 30.4.1975 Việt Nam mất liên hệ với thế giới phương Tây… những nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kỳ đóng cửa (do NV nhấn mạnh), không có gì để tiếp nhận đành phải trở về với phần dịch thuật và sáng tác của miền Nam thời thập niên 1960. Nhưng thật ra, những nhà thơ trẻ chẳng phải chỉ tiếp nhận văn học miền Nam, mà họ còn sống trong không khí gần gũi với giai đoạn Nhân Văn giai phẩm, tiếp nhận luôn phong cách tu từ của những nhà thơ thập niên 1960 ở miền Bắc, vô tình làm trung gian hòa giải giữa hai dòng thơ, lạ lùng thay đều là hai dòng thơ ngoài luồng trong thời đại của họ. Thơ trẻ nằm trong hệ quả đó, tu từ là chính, quay mặt với đời sống, mang tâm thức nổi loạn, chẳng khác nào thế hệ thời thập niên 1960, dù tiêu cực hay tích cực, của cả hai miền. Và khi vai trò của họ xong thì cũng chấm dứt luôn phong trào thơ trẻ, vì làm sao đi xa được khi đã mắc vào cái bẫy của hai dòng thơ Nam Bắc, và có lẽ định mệnh đã phục sẵn trong tên gọi: thơ Trẻ”.

Đoạn nhận định trên của Khế Iêm chỉ đúng khi nó được nói một cách bao quát cho nhiều thế hệ thơ trẻ khác nhau ở trong nước, nhưng với từng thế hệ thì nó sai, bởi vì tuy chỉ trong vòng 30 năm sau 1975, thơ trẻ Việt trong nước đã có nhiều giai đoạn trẻ và mỗi giai đoạn đều có những đặc thù riêng.

Trong phạm vi bài nghiên cứu này, xin chỉ nói về thơ trẻ Sài Gòn (như đã xác định ở trên, trong độ tuổi sinh sau 1975).

Trước họ, những nhà thơ trẻ Sài Gòn trong thời kỳ đóng cửa, phần lớn trưởng thành từ các phong trào xây dựng đất nước như Thanh niên xung phong, hoặc tham gia chiến đấu trong cuộc chiến biên giới Tây Nam… Có thể kể Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Thái Dương, Lê Minh Quốc, Đoàn Vị Thượng, Bùi Chí Vinh, Thanh Nguyên, Lê Thị Kim, Phạm Thị Ngọc Liên, Trần Hữu Dũng, Trương Nam Hương… Đây là lớp nhà thơ có ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy, phong cách các nhà thơ trẻ Sài Gòn đương đại, bởi họ là những người đã từng hoặc đang làm chủ những diễn đàn chính thống của nhà nước. Do đó cũng đã có một thế hệ nhà thơ trẻ Sài Gòn đương đại khác, những người mà tôi muốn đề cập. Những người tôi không muốn đề cập thì rất đông, nhưng họ chỉ là bản sao của lớp đàn anh. Tôi nói Khế Iêm sai vì những nhà thơ chính thống này chưa bao giờ nổi loạn, ngoại trừ hai nhà thơ ngoài luồng Nguyễn Quốc Chánh và Bùi Hoằng Vị.

Ngoài lớp nhà thơ đàn anh rất yên bề gia thất này, các nhà thơ trẻ đương đại còn phải chịu một áp lực khác từ nhà trường. Tức là từ nhỏ tới lớn, từ tiểu học đến đại học, họ chỉ được học một thứ thơ gọi là thơ kháng chiến, bên cạnh dòng thơ cổ điển.

Bởi vậy, để thoát ra khỏi vòng kim cô của các loại thơ an cư lạc nghiệp, các nhà thơ trẻ phải vượt qua các bóng ma quá khứ, vượt qua nỗi sợ hãi, đi tìm một thứ ngôn ngữ khác, sống bằng một đời sống khác. Họ đã thực sự nổi loạn cả trong hành vi và tâm thức.

Mấu chốt vấn đề ở chỗ này. Từ một thế giới khép kín như Khế Iêm đã nhận định ở trên, những nhà thơ trẻ đương đại đã được uống một thứ sinh khí khác, đó là sự có mặt của Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ (Mỹ), tạp chí Việt (Úc), những tác phẩm viết về thơ của Nguyễn Hưng Quốc, đặc biệt là sự xuất hiện của mạng thông tin toàn cầu internet với các website Tienve, Talawas đã phá bung cánh cửa đóng bấy lâu. Qua đó, thơ Việt hải ngoại và thơ trong nước có dịp giao lưu hai chiều với nhau mà dấu ấn của thơ Việt hải ngoại để lại trong thơ trẻ trong nước là khá rõ. Cũng có thể mạnh dạn nói rằng, nếu không có các tạp chí và báo điện tử trên, thì không có các nhà thơ thế hệ @ như hôm nay. Những nhà thơ trẻ Sài Gòn đã tiếp nhận được cái không khí tự do trong tự sự cũng như hình thức của thơ hải ngoại. Trước hết, các tạp chí ngoài nước cũng như các báo mạng đã trở thành diễn đàn của chính họ, mà cũng những tác phẩm đó, nếu họ muốn in ở trong nước thì chỉ là ảo tưởng. Có diễn đàn, họ có tự do để thể nghiệm. Tự do để nói những điều mình nghĩ, và nói được những điều họ đang sống. Họ thoát được cái giả, cái ẩn dụ vòng vo để an toàn của lớp đàn anh. Họ cũng không mấy lệ thuộc vào biên chế công chức nhà nước để tồn tại, bởi nền kinh tế thị trường đã giải phóng cái thòng lọng làm áp lực miếng cơm manh áo của chế độ tem phiếu. Bởi thế thơ của họ là đời sống họ, nói về chính họ. Họ từ chối việc làm cái loa cho kẻ khác. Cũng bởi thế thơ của họ có chính kiến cũng như đã thể hiện cái bản năng cơ bản nhất của con người là đời sống tình dục. Chỉ hai điều này thôi đã làm thơ của họ khác với thơ của những thế hệ đi trước, chưa kể họ đã có những cố gắng làm mới hình thức biểu hiện mà dường như cái computer đã góp phần không nhỏ. Thế giới trở nên đa chiều hơn và chuyển biến nhanh hơn qua mỗi cú click của ngón tay trên bàn phím. Cuộc sống cũng được bày tỏ trực tiếp và phóng túng hơn qua cái nickname bởi một thứ ngôn ngữ tự thân và cũng tự tin hơn.

Sự xuất hiện của họ cũng cho người ta thấy có một mạch ngầm luôn chờ đợi phun trào của một dòng văn học khác với dòng chính thống. Họ không hướng đến việc gia nhập vào Hội Nhà văn như một mục tiêu, hay tìm kiếm giải thưởng của nhà nước, cũng như mưu cầu một công ăn việc làm ổn định. Phần lớn họ tự coi mình là những kẻ ngoài rìa, từ chối mọi ràng buộc.

Tiền phong của lớp nhà thơ @ Sài Gòn này, trước hết phải kể đến Nguyễn Quốc Chánh với một thái độ chính trị dứt khoát và phong cách bạo liệt trong ngôn ngữ, Trần Tiến Dũng với đặc trưng ngôn ngữ Nam bộ, nhưng ý tứ bày tỏ quan điểm (trên dưới 50 ở Sài Gòn) và Nguyễn Quang Thiều sâu sắc trong tư tưởng và duy mỹ trong hình ảnh và chữ nghĩa (ở Hà Nội); Nguyễn Hữu Hồng Minh có nhiều khát vọng tìm tòi, Phan Bá Thọ, Vương Huy cùng tài hoa nhưng Thọ thì sát sườn với đời, còn Huy thì sâu kín như một Quách Thoại của nhóm Sáng Tạo ngày xưa (trên 30 ở Sài Gòn) và Phan Huyền Thư chắt lọc ngôn ngữ kiểu “phu chữ” và có ý thức nữ quyền (ở Hà Nội); cùng lứa với họ (dưới 30) nhưng nổi tiếng sớm là Vi Thùy Linh tràn trề sinh lực sáng tạo và sống (ở Hà Nội). Đây là lớp nhà thơ đã làm cầu nối và mang tính kế thừa cho lớp nhà thơ @ Sài Gòn bước vào nền thi ca Việt Nam đương đại.

Họ là những ai?

Trên eVăn của VnExpress gần đây, một tờ báo mạng văn chương tư tưởng tương đối bạo dạn trong nước đã giới thiệu một loạt các gương mặt nhà thơ nữ trẻ một cách trân trọng, đã tạo được sự chú ý của dư luận cũng như những tranh cãi trên các website khác của giới trẻ. Có lẽ chưa bao giờ các nhà thơ nữ lại đồng loạt xuất hiện đông vui như thế. Có thể kể Thanh Xuân, Phương Lan (còn một bút danh khác là eL), Nguyễn Thúy Hằng, Lynh Bacardi, Trần Lê Sơn Ý, Khương Hà Bùi, Nguyệt Phạm, Tú Trinh, Liêu Phúc Minh, Mạc Vi, Ngô Thị Hạnh… (Tôi không kể Ly Hoàng Ly, sinh năm 1975, bởi vì Ly vẫn được tính vào lớp nhà thơ trước cùng với Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải)

Nguồn: http://damau.org/archives/13945

Comments are closed.