Về trận đánh bị thất bại

(Diễn từ Nobel đọc ở lễ trao giải tại Viện Hàn lâm Thụy Điển ngày 7/12/2015)

Svetlana Alexievich

 

Tôi đứng tại diễn đàn này không phải một mình… Vây quanh tôi là những giọng nói, hàng trăm giọng nói, chúng luôn ở cùng tôi. Ngay từ hồi nhỏ. Tôi sống ở nông thôn. Chúng tôi, những đứa trẻ, thích chơi đùa ngoài phố, nhưng cứ chiều xuống là chúng tôi lại như bị nam châm hút về phía những chiếc ghế gỗ có những bà lão mệt mỏi ngồi tụ tập trò chuyện quanh các ngôi nhà của mình, hay “khatas” như ở quê tôi thường gọi. Trong số họ không ai còn chồng, cha, anh em, tôi không nhớ có đàn ông sau chiến tranh ở làng quê tôi – trong cuộc Thế chiến thứ hai ở Belarusia cứ bốn người Belarus thì có một người chết ở mặt trận và trong các đội du kích. Thế giới trẻ con của chúng tôi sau chiến tranh – đó là thế giới của những người phụ nữ. Điều tôi nhớ hơn cả là các phụ nữ không nói về cái chết mà nói về tình yêu. Họ kể về những cuộc chia tay người yêu trong ngày cuối cùng, về sự chờ đợi người ra trận trở về, chờ cho đến tận bây giờ. Năm tháng trôi qua, còn họ vẫn chờ: “dù anh ấy trở về có cụt hết tay chân thì tôi sẽ bế anh ấy trên tay mình”. Cụt tay… cụt chân… Dường như ngay từ hồi nhỏ tôi đã biết tình yêu là gì…

Đây là mấy giai điệu buồn trong dàn đồng ca tôi đã nghe thấy…

Giọng thứ nhất:

“Chị nghe chuyện này để làm gì? Nó buồn lắm. Tôi gặp chồng mình ngoài mặt trận. Khi đó tôi là lính tăng. Tôi đã đi đến tận Berlin. Tôi nhớ, khi cả hai đứng cạnh Reichstag [nhà Quốc hội Đức thời Hitler – ND], lúc đó chưa phải là vợ chồng, anh ấy nói với tôi: “Chúng ta cưới nhau nhé. Anh yêu em.” Nghe những lời đó tôi rất bực – suốt cuộc chiến tranh bọn tôi lăn lộn trong bùn lầy, bụi bẩn, máu me, chỉ nghe thấy những lời tục tĩu. Tôi liền nói với anh ấy: “Trước tiên anh hãy làm cho em thành một phụ nữ đã: hãy tặng hoa, hãy nói những lời âu yếm, rồi em sẽ giải ngũ và may áo cưới cho mình.” Thậm chí khi đó tôi còn muốn tát cho anh ấy một cái vì bực tức. Anh ấy cảm thấy hết mọi chuyện, một bên má anh ấy bị bỏng, và tôi thấy trên vết sẹo có những giọt nước mắt rơi. “Được rồi, em sẽ lấy anh làm chồng”. Tôi đã nói vậy đấy… nói mà không biết mình đã nói gì… Bao quanh là những đám cháy đang lụi dần, là những viên gạch vỡ nát, tóm lại, chiến tranh đang vây quanh…”

Giọng thứ hai:

“Chúng tôi sống cạnh nhà máy nguyên tử Chernobyl. Tôi làm đồ ngọt, nặn bánh. Còn chồng tôi là lính cứu hỏa. Chúng tôi vừa cưới nhau, đi đâu cũng nắm tay nhau, ngay cả khi vào cửa hàng. Hôm vụ nổ xảy ra, chồng tôi đang trực ở trạm cứu hỏa. Nghe lệnh gọi họ lao đến ngay khi vẫn mặc trên mình bộ quần áo ở nhà, vụ nổ ở nhà máy hạt nhân mà họ không được cấp trang phục chuyên dụng. Chúng tôi đã sống vậy đấy… Chị biết không… Suốt đêm họ dập đám cháy và bị nhiễm xạ với liều lượng chết người. Sáng ra máy bay chở họ tới ngay Moskva. Căn bệnh nhiễm xạ độc ác… con người chỉ sống được vài tuần… chồng tôi khỏe mạnh như một vận động viên nên chết sau cùng. Khi tôi đến, người ta bảo anh ấy nằm trong phòng cách ly, không ai được phép vào. “Nhưng tôi yêu anh ấy,” – tôi khẩn nài. “Những người lính đang chăm sóc họ. Cô tính đi đâu?” – “Tôi yêu anh ấy”. Người ta bảo tôi: “Đây không phải là người cô yêu, đây là một đối tượng đang phải khử nhiễm xạ. Cô hiểu chứ?”. Còn tôi vẫn cứ lặp lại với mình một điều: tôi yêu anh ấy, tôi yêu anh ấy… Ban đêm tôi trèo qua cầu thang cứu hỏa đến với anh ấy… Hoặc ban đêm tôi van xin những người canh gác, cho họ tiền để họ cho tôi vào. Tôi không bỏ mặc anh ấy một mình, tôi ở bên anh ấy đến tận ngày cuối cùng… Sau khi anh ấy mất… vài tháng sau tôi sinh một bé gái, nó chỉ sống được mấy ngày. Con gái tôi… chúng tôi đã chờ mong nó biết bao, vậy mà tôi đã giết nó… Nó đã cứu tôi, nó đã nhận hết chất độc phóng xạ về mình. Nó nhỏ lắm, nhỏ xíu xiu… Nhưng tôi yêu cả hai bố con. Chẳng lẽ tình yêu lại có thể giết người? Vì sao tình yêu và cái chết lại ở bên nhau? Chúng luôn luôn sát cùng nhau. Ai giải thích được cho tôi? Tôi xin quỳ gối trước mộ họ.

Giọng thứ ba:

“Lần đầu tiên tôi giết một tên Đức… Khi đó tôi mười tuổi, những người du kích mang tôi theo vào trận. Tên Đức đó bị thương nằm trên đất… Tôi được bảo phải tước khẩu súng lục của hắn, tôi bò đến gần, tên Đức cầm khẩu súng bằng hai tay chĩa vào mặt tôi. Nhưng hắn không kịp bắn trước, tôi đã kịp…

Tôi không sợ việc mình đã giết người… Và trong chiến tranh tôi không nhớ gì đến hắn. Xung quanh có nhiều người bị giết, chúng tôi sống giữa những người chết. Tôi chỉ ngạc nhiên là sau chừng ấy năm đột nhiên tôi lại mơ thấy tên Đức đó. Đây quả là chuyện bất ngờ… Giấc mơ cứ trở đi trở lại với tôi… Tôi đang bay, và hắn cản tôi. Tôi cất mình lên… Bay bay… bay bay… Hắn đuổi kịp tôi và tôi cùng hắn rơi xuống. Rơi tõm xuống một cái hố nào đó. Rồi tôi muốn đứng dậy, vươn lên… Còn hắn không cho… Vì hắn mà tôi không thể bay đi được…

Chỉ một giấc mơ ấy… Nó đã đeo đuổi tôi hàng chục năm trời.

Tôi không thể kể cho con trai mình về giấc mơ này. Khi nó còn nhỏ, tôi không kể, chỉ đọc truyện cổ tích cho nó nghe. Bây giờ nó đã lớn, tôi vẫn không thể kể…”.

Flaubert gọi mình là con người – ngòi bút, còn tôi có thể gọi mình là con người – lỗ tai. Khi tôi đi trên phố và nghe vọng đến những câu nói, tiếng kêu, tôi luôn nghĩ: biết bao cuốn tiểu thuyết đang biến mất không dấu vết trong thời gian. Trong bóng tối. Cái phần đời người hiện ra trong các câu chuyện câu trò đã không được chúng ta giữ lấy cho văn học. Chúng ta chưa biết coi trọng nó, ngạc nhiên trước nó và thích thú vì nó. Nhưng nó đã lôi cuốn tôi và biến tôi thành tù binh của nó. Tôi thích những câu chuyện kể của con người… Tôi thích giọng nói con người đơn độc. Đó là tình yêu và niềm say mê lớn nhất của tôi.

Con đường đưa tôi đến diễn đàn này kéo dài gần bốn mươi năm – từ con người đến con người, từ giọng nói đến giọng nói. Tôi không thể nói là mình lúc nào cũng đủ sức để theo con đường này – nhiều lần tôi đã bị chấn động và sợ hãi bởi con người, đã từng hân hoan và ghê tởm, đã muốn quên đi những điều nghe thấy được để quay lại thời chưa biết gì. Tôi cũng đã không phải một lần muốn khóc lên vì vui sướng khi thấy con người tốt đẹp.

Tôi sống ở một đất nước mà ngay từ nhỏ người ta đã dạy chúng tôi chết. Dạy cái chết. Người ta bảo chúng tôi rằng con người sống là để hiến dâng mình, để cháy lên, để hy sinh. Người ta dạy yêu người cầm súng. Nếu như tôi lớn lên ở một đất nước khác thì có lẽ tôi đã không thể đi qua con đường này. Cái ác là tàn nhẫn và bạn phải được phòng ngừa với nó. Nhưng chúng tôi đã lớn lên giữa các đao phủ và nạn nhân. Dù cho cha mẹ chúng tôi sống trong sợ hãi và không kể hết cho chúng tôi nghe, mà thường là không kể gì cả, nhưng chính bầu không khí cuộc sống của chúng tôi đã bị đầu độc bởi điều đó. Cái ác thường xuyên canh chừng chúng tôi.

Tôi đã viết được năm cuốn sách nhưng tôi cảm thấy tất cả đó chỉ là một cuốn mà thôi. Cuốn sách kể về lịch sử của một sự không tưởng.

Varlam Shalamov có viết: “Tôi đã tham dự một trận đánh to lớn nhưng bị thất bại vì sự đổi mới thực sự loài người”. Còn tôi khôi phục lịch sử trận đánh đó, những thắng lợi và thất bại của nó. Lịch sử của việc con người mong muốn xây dựng Vương Quốc Nhà Trời trên trần gian. Thiên Đường! Thành Phố Mặt Trời! Mà kết cục là biển máu, là hàng triệu sinh linh bị thiệt mạng. Nhưng đã có một thời không một tư tưởng chính trị nào của thế kỷ XX có thể sánh được với chủ nghĩa cộng sản (và với cách mạng Tháng Mười như biểu tượng của nó), thu hút được các trí thức phương Tây và mọi người trên thế giới mạnh mẽ và rực rỡ hơn. Raymond Aron gọi cuộc cách mạng Nga là “thuốc phiện đối với trí thức”. Nhưng tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản ít nhất cũng đã có hai nghìn năm tuổi. Ta tìm thấy nó ở Platon – trong các học thuyết về một nhà nước lý tưởng và đúng đắn, ở Aristophane – trong các mơ ước về cái thời khi “tất cả đều là của chung”… Ở Thomas More và Tommaso Campanella… Về sau là ở Saint-Simon, Fourier và Robert Owen. Nhưng có cái gì đó trong tinh thần Nga đã buộc người ta phải thử tìm cách biến những mơ ước này thành hiện thực.

Hai mươi năm trước chúng ta đã tống tiễn đế chế “đỏ” với những lời nguyền rủa và những giọt nước mắt. Hôm nay đã có thể nhìn lại lịch sử vừa qua một cách bình thản, như nhìn một kinh nghiệm lịch sử. Điều này là quan trọng, bởi vì những cuộc tranh cãi về chủ nghĩa xã hội đến nay vẫn chưa ngừng lặng. Một thế hệ mới đã lớn lên với bức tranh thế giới khác, nhưng không ít người trẻ lại đọc Marx và Lenin. Ở các thành phố Nga vẫn có những bảo tàng mới cho Stalin, những bức tượng ông ta vẫn được dựng lên.

Đế chế “đỏ” đã mất, nhưng con người “đỏ” vẫn còn. Nó vẫn kéo dài.

Cha tôi, ông vừa qua đời mới đây, đến tận cuối đời vẫn là một người cộng sản trung thành. Ông vẫn giữ tấm thẻ đảng của mình. Tôi không bao giờ nói ra được cái từ “Sovok” [từ có tính miệt thị hiện nay dùng để chỉ những người còn luyến tiếc thời xô viết, trong tiếng Nga từ này có nghĩa là “Cái xẻng hót rác” – ND] khi buộc phải dùng từ đó để gọi cha mình, “những người họ hàng”, những người quen biết. Những người bạn. Tất cả họ đều đến từ đấy – từ chủ nghĩa xã hội. Trong số họ có nhiều người lý tưởng. Nhiều người lãng mạn. Hiện nay ta có thể gọi họ một cách khác – những nhà lãng mạn của nô lệ. Những nô lệ của không tưởng. Tôi nghĩ tất cả họ có thể sống một cuộc sống khác, nhưng họ vẫn sống tiếp kiểu xô viết. Tại sao vậy? Câu trả lời cho câu hỏi này tôi đã tìm kiếm rất lâu – tôi đã đi khắp đất nước rộng lớn trước đây gọi là Liên Xô, đã ghi âm hàng nghìn cuộn băng. Từng tí, từng tí một, tôi thu thập lịch sử của chủ nghĩa xã hội từ “bên trong”, “ở nhà”. Cái nó sống trong tâm hồn con người. Tôi bị thu hút bởi khoảng không nhỏ bé đó – con người… chỉ một con người thôi. Thực ra, đấy là nơi mọi sự diễn ra.

Ngay sau chiến tranh Theodor Adorno đã viết một câu chấn động: “Sau Auschwitz mà còn làm thơ là một sự man rợ”. Người thầy của tôi, nhà văn Ales Adamovich, mà hôm nay tôi muốn nhắc tên với lòng biết ơn trân trọng, cũng cho rằng làm văn về những cơn ác mộng của thế kỷ XX là một điều kinh tởm. Cần phải đưa lại sự thật như nó vốn có. Cần có một thứ “siêu văn học”. Phải để cho nhân chứng lên tiếng. Có thể nhớ lại ở đây cả những lời của Nietzsche nói rằng không một nghệ sĩ nào chịu được hiện thực. Không thể kéo nó lên được.

Tôi luôn đau khổ trước việc sự thật không đựng được trong một con tim, một đầu óc. Nó bị vỡ vụn ra thành nhiều sự thật, nó khác nhau và vương vãi trên khắp thế giới. Dostoevsky có nói một ý rằng loài người sẽ biết về mình nhiều hơn, nhiều gấp bội, khi nó kịp ghi lại mình càng nhiều trong văn học. Tôi phải làm gì đây? Tôi thu thập đời sống thường ngày của những tình cảm, tư tưởng, lời nói. Thu thập cuộc sống của thời mình sống. Tôi quan tâm đến lịch sử của tâm hồn. Đời sống của tâm hồn. Những cái mà lịch sử lớn thường bỏ lọt, thường cao ngạo xem khinh. Tôi làm việc với lịch sử bị bỏ quên. Nhiều lần tôi đã nghe nói và bây giờ vẫn nghe thấy rằng đó không phải là văn học, đó là tư liệu. Vậy hôm nay văn học là gì? Ai trả lời được câu hỏi này? Chúng ta sống nhanh hơn trước đây. Nội dung xé rách hình thức. Bẻ gãy và thay đổi nó. Mọi thứ đều chảy tràn khỏi bờ của mình: cả âm nhạc, cả hội họa, và trong tư liệu lời lẽ bứt ra khỏi giới hạn của tư liệu. Không có ranh giới giữa thực tế và hư cấu, cái này chảy sang cái kia. Ngay cả người chứng cũng không phải là vô tư. Khi kể chuyện là con người sáng tạo, hắn đánh vật với thời gian, như nhà điêu khắc vật lộn với khối cẩm thạch. Hắn vừa là diễn viên vừa là nhà sáng tạo.

Tôi quan tâm đến con người nhỏ bé. Con người nhỏ bé to lớn, tôi những muốn nói vậy, bởi vì những nỗi đau khổ làm cho họ lớn ra. Trong các cuốn sách của tôi, họ kể lại những câu chuyện (lịch sử) nhỏ của mình và cùng với đó là câu chuyện (lịch sử) lớn. Những cái đã và đang xảy ra với chúng ta mà chưa được suy xét, cần phải được nói ra. Để bắt đầu thì hãy nói ra đã. Chúng ta sợ điều này thì sẽ không thể nào thanh toán được với quá khứ của mình. Trong tiểu thuyết Lũ người quỷ ám của Dostoevsky, Shatov nói với Stavrogin lúc bắt đầu câu chuyện của hai người: “Chúng ta là hai sinh vật gặp nhau ở cõi vô thủy vô chung… Đây là lần cuối cùng ở thế giới này. Hãy để giọng nói của anh lại và nói bằng giọng con người! Hãy nói dù chỉ một lần bằng giọng người.”

Những cuộc trò chuyện của tôi với các nhân vật của mình cũng bắt đầu kiểu như vậy. Tất nhiên, con người nói từ thời của mình, hắn không thể nói từ chỗ trống không. Nhưng để đến được tâm hồn con người thật khó, bởi nó đã bị ngập trong rác rưởi những điều cuồng xiên của thế kỷ, những thiên kiến và dối lừa. Do truyền hình và báo chí.

Tôi muốn dẫn ra đây vài trang nhật ký của mình để cho thấy thời gian đã trôi như thế nào… tư tưởng đã chết ra sao… Tôi đã lần theo dấu vết của nó thế nào…

Những năm 1980 – 1985

Mình đang viết cuốn sách về chiến tranh… Tại sao lại về chiến tranh? Bởi vì tất cả chúng ta đều là người của chiến tranh – chúng ta hoặc đã đánh nhau hoặc đang chuẩn bị vào trận. Xem xét kỹ hơn thì chúng ta đều suy nghĩ theo lối nhà binh. Trong nhà, ngoài phố. Vì thế ở chúng ta mạng người mới rẻ đến thế. Tất cả đều như trong cuộc chiến.

Mình bắt đầu từ sự hoài nghi. Lại thêm một cuốn sách về chiến tranh nữa à… Để làm gì?

Trong một chuyến đi viết báo mình gặp một phụ nữ thời chiến tranh làm cứu thương. Chị kể: một mùa đông họ băng qua hồ Ladoga, quân địch phát hiện thấy có chuyển động liền bắn vào họ. Người và ngựa ngã khụy xuống băng. Mọi việc diễn ra trong đêm, chị túm lấy một cái xác mà chị nghĩ là bị thương và kéo vào bờ. “Tôi kéo nó ướt rượi, trần trụi, quần áo chắc bị thủng rách hết rồi”, chị kể. Khi lên bờ thì mới hay là chị đã kéo một con cá tầm to bị thương. Và chị đã không kìm nổi mình thốt ra một ý nghĩ khủng khiếp: con người đau khổ thì đã đành, nhưng còn thú vật, chim cá thì chúng có tội gì mà cũng bị vạ lây? Trong một lần đi khác mình đã nghe được chuyện của một nữ cứu thương ở đại đội kị binh, chị kể trong một trận đánh chị đã kéo một tên lính Đức bị thương vào một cái hố, nhưng khi vào hố rồi mới biết hắn là lính Đức, chân hắn bị gãy, chảy máu nhiều. Đó là kẻ thù! Phải làm sao đây? Phía trên hố những người lính chúng ta đang ngã xuống! Nhưng chị vẫn băng bó cho tên Đức đó và lại bò đi tiếp. Chị lại kéo được một người lính Nga, anh ta bị ngất, đến khi tỉnh lại, anh muốn giết tên Đức, còn tên này khi hồi phục cũng cầm lấy súng và muốn giết người lính Nga. “Tôi mới vả cho cả hai người. Chân chúng tôi khi đó ngập trong máu. Máu của cả hai bên trộn vào nhau”, chị nhớ lại.

Đó là cuộc chiến tranh mà tôi chưa được biết. Cuộc chiến tranh của phụ nữ. Không phải về những anh hùng. Không phải về việc những người này giết những người kia một cách dũng cảm. Tôi nhớ lời người phụ nữ rên rỉ: “Sau trận đánh bạn bước đi trên mặt đất. Họ nằm ngổn ngang… Tất cả đều là những chàng trai trẻ trung, xinh đẹp. Họ nằm trên đất, nhìn lên bầu trời. Cả bên này bên kia đều đáng thương xót”. Chính cái “tất cả họ, cả bên này, bên kia” đó đã mách bảo cho mình là cuốn sách mới sẽ viết về điều gì. Viết rằng chiến tranh là sự giết người. Như nó còn hằn in trong tâm trí phụ nữ. Con người vừa mỉm cười, vừa hút thuốc, vậy mà rồi chẳng còn lại gì. Những người phụ nữ nói nhiều nhất là về sự biến mất, về chuyện trong chiến tranh tất cả đều bị biến thành hư vô. Cả con người, cả thời gian của con người. Đúng, chính họ đã xin ra trận ở tuổi 17-18, nhưng họ không muốn giết người. Họ sẵn sàng chết. Chết vì Tổ Quốc. Và chết vì Stalin – anh không thể xóa được những lời này ra khỏi lịch sử.

Cuốn sách hai năm không được in, nó không được in trước cải tổ. Trước thời Gorbachev. “Sau khi đọc cuốn sách của chị thì không ai muốn ra trận nữa – viên kiểm duyệt bảo tôi. – Chiến tranh trong sách của chị thật ghê rợn. Sao trong sách chị không có các anh hùng?”. Tôi không tìm kiếm các anh hùng. Tôi viết lịch sử thông qua chuyện kể của người chứng và người tham gia mà không được ai để ý đến. Chưa ai bao giờ hỏi đến họ cả. Họ nghĩ gì, chúng ta không biết họ nghĩ gì về những tư tưởng vĩ đại. Ngay sau chiến tranh con người đã kể một cuộc chiến, qua vài chục năm là một cuộc chiến khác, tất nhiên, ở hắn đã có điều thay đổi, bởi vì hắn đặt toàn bộ cuộc đời mình vào các hồi ức. Toàn bộ cái tôi của hắn. Chuyện hắn đã sống những năm tháng ấy thế nào, đã đọc gì, thấy gì, đã gặp ai. Đã tin vào gì. Cuối cùng, hắn hạnh phúc hay không hạnh phúc. Các tư liệu là những sinh linh, chúng thay đổi cùng với chúng ta…

Những tôi tuyệt đối tin rằng những cô gái như các cô gái ra trận hồi năm 1941 sẽ không bao giờ có lại nữa. Đó là thời cực đỉnh của tư tưởng “đỏ”, thậm chí cao hơn cả cuộc cách mạng và Lenin. Thắng lợi của họ đến nay vẫn che khuất cả GULAG. Tôi yêu vô cùng các cô gái này. Nhưng không thể nói với họ về Stalin, về việc sau chiến tranh những đoàn tàu chở đầy những người chiến thắng và những người dũng cảm trực tính đã chạy thẳng đến Siberia. Những người còn lại thì trở về nhà và im lặng. Một lần tôi nghe được điều này: “Chúng ta chỉ được tự do trong chiến tranh. Ở ngoài mặt trận”. Cái vốn chính của chúng ta là sự đau khổ. Không phải dầu hỏa, không phải khí đốt, mà là sự đau khổ. Đó là cái duy nhất mà chúng ta thường xuyên khai thác được. Tôi luôn đi tìm câu trả lời: vì sao những đau khổ của chúng ta không chuyển được thành tự do? Chaadayev nói đúng: nước Nga là nước không có ký ức, đó là khoảng không của sự quên toàn bộ, là ý thức trinh nguyên dành cho sự phê phán và suy tưởng.

Những cuốn sách vĩ đại nằm bẹp dưới chân…

Năm 1989

Mình đang ở Kabul. Mình không muốn viết về chiến tranh nữa. Nhưng mình lại đang có mặt tại một cuộc chiến tranh thực sự đây. Báo “Sự thật” viết: “Chúng ta đang giúp nhân dân Afghanistan anh em xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Khắp nơi là những con người thời chiến, những đồ vật thời chiến. Thời chiến.

Hôm qua họ không cho mình tham trận. “Bà hãy ở lại khách sạn. Chúng tôi sẽ trả lời bà sau.” Mình ngồi ở khách sạn và nghĩ: ngồi mà nhìn sự dũng cảm, liều mạng của người khác thì thật là vô đạo đức. Mình đã ở đây tuần thứ hai và không thể dứt được ý nghĩ rằng chiến tranh là sản phẩm của bản chất đàn ông, điều mà mình không sao hiểu nổi. Nhưng các vật dùng thường ngày của chiến tranh thì nhiều vô kể. Mình khám phá ra là vũ khí được làm rất đẹp: súng máy, mìn, xe tăng. Con người đã dồn nhiều tâm trí cho việc giết người khác ngày càng tinh xảo hơn. Cuộc tranh cãi muôn đời giữa cái thật và cái đẹp. Người ta chỉ cho mình thấy một loại mìn mới của Italia, và phản ứng rất “phụ nữ” của mình là: “Đẹp. Sao nó lại đẹp thế?”. Người ta giải thích cho mình đúng theo kiểu quân sự rằng nếu vấp phải hay giẫm phải quả mìn đó theo kiểu thế này… dưới một góc thế này… thì con người còn lại không đầy nửa xô thịt. Ở đây người ta nói sự bất thường như sự bình thường, điều đó là tất nhiên. Chiến tranh mà… Không ai phát điên trước những cảnh tượng này, ví như một người nằm trên đất, bị giết không phải bởi thiên tai, không phải bởi số phận, mà bởi một người khác.

Mình đã thấy cảnh chất hàng lên một chiếc “tuy líp đen” (tên gọi loại máy bay chở những quan tài kẽm đựng người chết về Tổ Quốc). Người chết thường được cho mặc bộ quân phục từ những năm 40 có ủng đi ngựa, nhưng đôi khi loại quân phục đó cũng không đủ. Những người lính kháo nhau: “Những người mới chết đã được đưa sang tủ lạnh. Có mùi như mùi lợn thối.” Mình sẽ viết về những chuyện này. Mình sợ ở nhà mọi người sẽ không tin mình. Báo chí nước ta chỉ viết về những hàng cây hữu nghị do các chiến sĩ xô viết trồng.

Mình nói chuyện với những cậu lính trẻ, nhiều người tình nguyện sang đây. Yêu cầu được đến. Mình nhận thấy phần lớn các cậu là xuất thân từ các gia đình trí thức – giáo viên, bác sĩ, thủ thư – tóm lại là từ những gia đình có học. Họ đều mơ ước chân thành giúp nhân dân Afghanistan xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giờ đây họ cười nhạo chính bản thân. Họ chỉ cho mình một chỗ ở sân bay, nơi xếp hàng trăm chiếc quan tài kẽm sáng lên một cách ma quái dưới ánh mặt trời. Người sĩ quan đưa mình đi không nén nổi lòng mình: “Có lẽ ở đó cũng có một cái của tôi… Họ đẩy tôi vào đấy… Vậy tôi chiến đấu ở đây vì cái gì?”. Nói rồi anh ta bỗng sợ những lời của mình: “Chị đừng ghi lại nhé”.

Đêm đêm tôi mơ thấy những người bị giết, khuôn mặt ai cũng sửng sốt: làm sao tôi lại bị giết? Chẳng lẽ tôi đã chết thật ư?

Mình đã đi cùng các nữ y tá vào bệnh viện dành cho dân thường Afghanistan, trao quà cho các trẻ em. Đồ chơi, kẹo bánh. Mình có mang theo năm con gấu bông. Bọn mình vào bệnh viện – đó là một dãy lán dài, trên giường bệnh chỉ có chăn đắp, không có nệm trải. Một phụ nữ Afghanistan bế con đi lại phía mình muốn nói điều gì đó, sau hơn chục năm ở đây ai cũng có thể nói được một ít tiếng Nga, mình đưa đồ chơi cho đứa bé, nó lấy răng ngậm. “Sao lại bằng răng?” mình ngạc nhiên. Người mẹ kéo chiếc chăn ra khỏi thân hình bé nhỏ của đứa con, để lộ một cậu bé cụt cả hai tay. “Đấy là do người Nga các chị bỏ bom”. Có ai đó đỡ lấy mình, mình khụy xuống…

Mình đã thấy những tên lửa “Grad” của chúng ta biến các làng mạc nơi đây thành cánh đồng đã cày. Mình đã đến một nghĩa trang Afghanistan dài như một ngôi làng. Đâu đó ở giữa nghĩa trang có một bà lão Afghanistan kêu khóc. Mình nhớ lại tại một ngôi làng gần Minsk khi người ta mang chiếc quan tài kẽm vào nhà, bà mẹ đã rú lên. Đó không phải là tiếng kêu của con người và cũng không phải là tiếng kêu của con thú… Nó giống như tiếng kêu khóc mà mình đã nghe thấy ở nghĩa trang tại Kabul…

Mình thú nhận là không phải ngay lập tức mình đã được giải thoát. Mình thành thật với các nhân vật của mình và họ tin tưởng mình. Mỗi chúng ta đều có con đường riêng đi đến tự do. Trước khi đến Afghanistan mình vẫn tin vào chủ nghĩa xã hội mang bộ mặt người. Từ đấy trở về mình được giải thoát khỏi mọi ảo tưởng. “Cha hãy tha thứ cho con, – mình nói khi hai cha con gặp nhau, – cha đã dạy con niềm tin vào những lý tưởng cộng sản, nhưng chỉ cần một lần nhìn thấy những học sinh xô viết mới đây còn được cha mẹ dạy dỗ (cha mẹ mình là giáo viên ở nông thôn) khi ở tại nước khác đã giết hại những người mà chúng không hề quen biết thì đủ để mọi lời cha dạy biến thành tro bụi. Chúng ta là những kẻ giết người, cha ạ, cha hiểu chứ?”. Cha đã bật khóc.

Nhiều người từ Afghanistan trở về đã thành người tự do. Nhưng mình còn có một thí dụ khác. Cũng tại Afghanistan một chàng trai đã kêu lên với mình: “Phụ nữ như chị thì hiểu gì về chiến tranh? Cứ nghĩ mọi người chết trận như trong sách báo, phim ảnh sao? Chết trong đó thì đẹp thật, còn ở chỗ tôi hôm qua một người bạn đã bị giết chết, viên đạn bay thẳng vào đầu. Anh ấy còn cố chạy thêm chục mét nữa, hai tay ôm lấy cái não của mình…”. Bảy năm sau chàng trai đó bây giờ là một doanh nhân thành đạt, thích kể chuyện Afghanistan. Anh ta gọi điện cho mình: “Chị viết các cuốn sách đó để làm gì vậy? Chúng quá ghê rợn”. Đó đã là một con người khác, không còn là chàng trai mà mình đã gặp giữa cái chết mà không muốn mình chết đi ở tuổi hai mươi…

Mình tự hỏi mình muốn viết cuốn sách thế nào về chiến tranh. Mình muốn viết về con người không bắn, không thể bắn vào người khác, người mà ngay cả ý nghĩ về chiến tranh cũng đã là sự đau khổ. Người đó ở đâu? Mình chưa gặp người đó.

Những năm 1990 – 1997

Văn học Nga hấp dẫn ở chỗ nó là nền văn học duy nhất có thể kể về kinh nghiệm độc nhất mà một đất nước rộng lớn đã từng có lúc trải qua. Mình thường được hỏi: vì sao chị cứ mãi viết về cái bi thảm thế. Bởi vì chúng ta đang sống như thế. Mặc dù giờ đây chúng ta sống ở những đất nước khác nhau, nhưng con người “đỏ” sống ở khắp nơi. Họ đến từ cuộc sống đó, với những hồi ức đó.

Rất lâu mình không muốn viết về Chernobyl. Mình không biết viết về nó thế nào, dùng phương tiện nào, tiếp cận chủ đề ra sao. Cái tên đất nước nhỏ bé của mình lọt thỏm giữa châu Âu mà trước đây hầu như thế giới không nghe biết gì, bỗng vang lên bằng mọi thứ tiếng, còn chúng ta, người Belarus, trở thành dân tộc Chernobyl. Thành những người đầu tiên chạm đến cái chưa từng biết. Bây giờ đã rõ: ngoài những thách thức của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa dân tộc và những tôn giáo mới, còn có những thách thức toàn thể, tàn bạo hơn chờ đợi chúng ta ở phía trước, dù hiện thời chúng chưa được nhìn thấy. Chỉ sau vụ Chernobyl một ít mới bắt đầu lộ ra…

Ký ức vẫn nhớ như in một tài xế taxi già bật lên tiếng rủa đau đớn khi một con chim rơi đập vào kính trước xe. “Một ngày hai ba con chim sa xuống. Vậy mà báo chí cứ viết là tình hình vẫn được kiểm soát”.

Trong các công viên thành phố người ta chất lá thành đống và mang ra ngoại ô để chôn lá ở đấy. Người ta đào những chỗ đất có vết lây nhiễm và cũng mang đi chôn – đất chôn trong đất. Người ta chôn cả củi và cỏ. Mặt ai cũng có nét ghê ghê. Một ông lão nuôi ong kể: “Sáng sớm tôi bước ra vườn thấy vắng thiếu một cái gì đấy, một âm thanh quen thuộc nào đó. Không một con ong… Không nghe thấy tiếng một con ong. Không hề có một con! Cái gì vậy? Đó là cái gì? Sang ngày thứ hai chúng cũng không bay về, rồi ngày thứ ba… Sau đó chúng tôi được thông báo là nhà máy nguyên tử có sự cố, mà nó thì ở sát đây. Nhưng một thời gian lâu chúng tôi không được hay biết gì. Bầy ong thì biết, còn chúng tôi thì không”. Thông tin về Chernobyl trên các báo rặt những từ ngữ quân sự: vụ nổ, anh hùng, người lính, sơ tán… KGB làm việc ngay tại nhà máy. Người ta truy tìm những kẻ gián điệp và phá hoại, loan đi tin đồn cho rằng sự cố là một hoạt động đã được lên kế hoạch của các cơ quan tình báo phương Tây để làm sụp đổ phe xã hội chủ nghĩa. Các thiết bị kỹ thuật quân sự được chuyên chở đến Chernobyl, những người lính được đưa đến đấy. Hệ thống đã hành động theo thói quen như trong thời chiến, nhưng người lính cầm khẩu súng tối tân trong thế giới mới này là một điều bi kịch. Tất cả những gì anh ta có thể làm, ấy là thu lấy một liều lớn chất phóng xạ vào cơ thể mình và chết khi trở về nhà.

Mình đã thấy diễn ra trước mắt con người tiền-Chernobyl bị biến thành con người Chernobyl.

Chất phóng xạ không thể nhìn thấy được, chạm tới được, nghe thấy được mùi của nó… Thế nhưng cái thế giới vừa quen vừa không quen ấy đã bao quanh chúng ta. Khi mình đi vào vùng nhiễm xạ, người ta nhanh chóng dặn dò: không được hái hoa, không được ngồi lên cỏ, không được uống nước giếng… Cái chết giấu kín khắp nơi, nhưng đó đã là một cái chết khác. Dưới những mặt nạ mới. Trong một bộ dạng lạ lẫm. Những người già đã trải qua chiến tranh lại phải thêm một lần sơ tán – họ nhìn lên trời: “Mặt trời vẫn sáng… Không có khói, có khí đốt. Không có bắn nhau. Chẳng lẽ đó lại là chiến tranh? Vậy mà lại thành người chạy nạn”.

Hàng sáng mọi người tranh nhau vồ lấy tờ báo rồi thất vọng bỏ xuống – không tìm thấy gián điệp. Không thấy viết về các kẻ thù của nhân dân. Thế giới không có gián điệp và kẻ thù của nhân dân cũng là lạ lẫm. Một cái gì mới đã bắt đầu. Chernobyl tiếp sau Afghanistan đã làm cho chúng ta thành những người tự do.

Đối với tôi thế giới đã được mở rộng. Ở tại vùng nhiễm xạ tôi không cảm thấy mình là người Belarus, người Nga, người Ucraina, mà là đại diện của một loài sinh học có thể bị hủy diệt. Hai thảm họa trùng nhau: một mang tầm xã hội – một Atlantide[1] xã hội chủ nghĩa bị chìm dưới nước, và một mang tầm vũ trụ – Chernobyl. Sự sụp đổ của đế chế làm tất cả lo âu: mọi người lo lắng cho cuộc sống thường ngày, mua gì và sống thế nào? Tin vào cái gì? Lại đứng dưới những ngọn cờ nào? Hay cần phải học sống không có một tư tưởng lớn? Cái sau thì chưa ai biết cả vì chưa khi nào phải sống như thế. Hàng trăm câu hỏi hiện ra trước con người “đỏ”, hắn phải vật lộn chúng trong cảnh đơn độc. Chưa bao giờ hắn đơn độc đến thế như trong những ngày tự do đầu tiên. Vây quanh mình là những con người đang trong cơn choáng váng. Mình lắng nghe họ…

Tôi khép lại nhật ký của mình ở đây…

Cái gì đã diễn ra với chúng tôi khi đế chế sụp đổ. Trước đây thế giới bị phân chia: đao phủ và nạn nhân – đó là GULAG, anh em và chị em – đó là chiến tranh, bầu cử – đó là công nghệ, thế giới hiện đại. Trước đây thế giới chúng tôi còn bị chia ra thành những người bị bắt và những kẻ đi bắt người, hiện nay thì phân chia thành người theo chủ nghĩa Slave và người thân phương Tây, kẻ phản bội dân tộc và người yêu nước. Lại còn chia ra những người có thể mua được mọi thứ và những người không thể mua được gì. Loại sau, tôi muốn nói, là sự thử thách nghiệt ngã nhất sau chủ nghĩa xã hội, bởi vì chỉ mới đây thôi tất cả còn là như nhau. Con người “đỏ” như thế không thể bước vào vương quốc của tự do, điều mà hắn đã mơ ước quanh cái bàn bếp nhà mình. Người ta phân chia nước Nga mà không có hắn, hắn ở lại mà chẳng có gì. Bị lăng nhục và cướp bóc. Bị công kích và nguy hiểm.

Đây là những điều tôi nghe thấy khi đi quanh nước Nga…

– Hiện đại hóa ở chúng ta chỉ có thể bằng con đường sharashkas (nhà tù dành cho các nhà khoa học) và những cuộc xử bắn.

– Người Nga dường như không muốn trở nên giàu có, thậm chí sợ giàu. Thế hắn muốn gì? Hắn bao giờ cũng chỉ muốn một điều: để người khác không giàu lên. Giàu hơn hắn.

– Nước ta không có người trung thực, mà chỉ có các vị thánh.

– Chúng ta sẽ không bao giờ thấy những thế hệ không bị đánh; người Nga không hiểu tự do, cái hắn cần là kẻ tàn bạo và cái roi.

– Hai từ tiếng Nga chủ yếu là: chiến tranh và nhà tù. Anh ăn cắp, đi dạo, bị bỏ tù… bước ra, rồi lại vào tù…

– Đời sống Nga cần độc ác, hèn hạ, trong khi tâm hồn thì bay lên, nó biết nó không thuộc về thế giới này… càng nhiều bẩn thỉu và máu me thì càng nhiều không gian cho nó…

– Không có một sức mạnh nào, một sự điên cuồng nào đủ để làm một cuộc cách mạng mới. Cả tinh thần cũng không. Người Nga đang cần một tư tưởng khiến họ sởn gai ốc.

– Cuộc sống của chúng ta đung đưa giữa nhà thổ và trại lính. Chủ nghĩa cộng sản không chết, cái xác vẫn sống.

Tôi dám mạnh dạn nói rằng chúng tôi đã bỏ mất cơ hội có được vào những năm 90. Trả lời câu hỏi: đất nước cần nên thế nào – hùng mạnh hay đáng sống, nơi mọi người được sống tử tế, người ta đã chọn vế đầu – hùng mạnh. Cho nên bây giờ lại là thời bạo lực. Người Nga đánh nhau với người Ucraina. Với những người anh em. Cha tôi là người Belarus, mẹ là người Ucraina. Nhiều người khác cũng có hoàn cảnh như vậy. Máy bay Nga đang bỏ bom Syria..

Thời hy vọng đã bị thay bằng thời sợ hãi. Thời gian quay ngược lại sau… Thời second-hand…

Bây giờ tôi không chắc là mình sẽ viết xong được lịch sử của con người “đỏ”…

Tôi có ba quê hương – miền đất Belarus của tôi, quê cha, nơi tôi sống cả cuộc đời. Ucraina, quê mẹ, nơi tôi sinh ra, và nền văn hóa Nga vĩ đại, thiếu nó thì tôi không thể hình dung nổi mình. Cả ba nơi chốn đều thân thiết với tôi. Nhưng ở thời chúng ta thật khó nói về tình yêu.

Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga.


[1] Atlantide: Tên một lục đia truyền thuyết được Platon nhắc đến trong hai đối thoại Timée rồi Critias đã bị chìm vào thời tiền sử Hy Lạp. Hiện nhiều người coi là hoàn toàn hư cấu, nhưng cũng có người cho là phản ánh một thực tế nào đó trong lịch sử trái đất xa xưa.

Comments are closed.