Vài ý kiến nhỏ chung quanh vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa

Vũ Thư Hiên

(Độc Lập, Hà Nội, s. 265 (23-2-1957)

LTS – Nhân dịp Đại hội Văn nghệ, chúng tôi đăng bài sau đây của bạn Vũ Thư Hiên từ Mạc Tư Khoa gửi về, góp ý kiến về vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa, mong các bạn góp thêm nhiều ý kiến để cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề.– Đ.L.

Chẳng hiểu vì sao mà đã nảy ra tồn tại khá vững chắc một ấn tượng kỳ quặc – tội thay, nó đã trở nên gần như một định nghĩa – rằng hiện thực xã hội chủ nghĩa khác với nền hiện thực phê bình cũ ở chỗ bao giờ nó cũng thể hiện cái hướng đi lên trong tác phẩm. Và từ cái định nghĩa khập khiễng ấy, hướng đi lên ngẫu nhiên trở thành một cái mốt. Các tác phẩm rập theo khuôn mẫu ấy chỉ cần đọc phần đầu là người ta đoán được phần cuối, và những bài thơ chung một đề tài thì đọc xong người ta chẳng có thể nhớ ai là tác giả, vì lẽ đó sản xuất ra như từ ở một nhà máy. Tại sao đã có tình trạng ấy? Xin trả lời: tại cái hiểu lầm tai hại đã phổ biến kia về hiện thực xã hội chủ nghĩa, cái hiểu lầm đã trói buộc những tài năng vào vòng công thức và bắt họ đẻ ra những tác phẩm non yếu, sinh ra và chết đi, như là nó chưa hề có mặt trong cuộc đời. Thật ra bút pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa nào có buộc nghệ sĩ phải lắp vào mỗi cái đuôi tác phẩm một cái hướng đi lên. Hiện thực xã hội chủ nghĩa – theo một định nghĩa đã được nhiều người đồng ý – chỉ là bước tiến triển lịch sử mới, cao hơn của hiện thực phê bình, được sự chỉ đạo của khoa học xã hội đúng đắn nhất là duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi một nghệ sĩ biết mô tả đúng hình ảnh cụ thể của thực tại trong quá trình phát triển cách mạng của nó; mặt khác phải gắn liền với nhiệm vụ giáo dục cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động. Điều đó không có nghĩa là bắt buộc nghệ sĩ trong tác phẩm phải gắn vào một cái hướng đi lên, như có một số người đã hiểu lầm. Tôi hoàn toàn đồng ý với Huy Phương ở chỗ cái xu hướng một chiều của những tác phẩm công thức lẩn tránh phê bình, cố lắp vào một cái hướng đi lên để chứng minh rằng nó cách mạng sẽ reo rắc một tâm lý thoả mãn đến mực lười biếng, một tâm lý bưng bít và sợ hãi sự thực trong con người. Trình bày một thực tế xã hội với những con người-rất người với nhưng mâu thuẫn nội tại đang đấu tranh trong nó – dưới con mắt phân tích khách quan và khoa học của người nghệ sĩ chân chính, nêu lên những vấn đề bắt buộc con người phải suy nghĩ, phải tìm cách giải quyết đúng chả đã đủ đóng góp cho cuộc đời một cái gì không phải là nhỏ đó ư? Nhà văn lúc nào cũng lẩn quẩn với cái hướng đi lên chưa nghĩ ra đã giết chết nhiều sáng tạo độc đáo mà biết đâu cứ viết ra đã chả được xã hội trân trọng. Giá cái hướng đi lên kia chỉ hoành hành ở phần cuối của tác phẩm mà thôi thì chúng ta còn có thể vớt vát phần đầu. Đằng này xuất phát từ quan điểm phải tìm cái hướng đi lên từ lúc đặt bút sáng tác, nghệ sĩ vô tình đã rơi vào cái vũng lầy công thức và tự hạn chế tài năng của mình. Chẳng phải riêng có ở nước ta tình trạng này đã xảy ra mà ở các nước khác tình trạng này nhiều khi cũng đã ngự trị khá lâu dài. Qua các văn kiện của đại hội lần thứ hai các nhà văn Triều Tiên họp tháng 10 năm nay, ta cũng đã thấy những khuyết điểm tương tự mới được tìm ra:

… “Ở nước ta ngày nay, chủ nghĩa lạc quan của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa còn chưa được hiểu rõ. Đã tồn tại một sự lầm lẫn cho rằng cứ có một đoạn kết tốt đẹp là đã có một cái mẫu của chủ nghĩa lạc quan.

… Từ trên diễn đàn của đại hội các nhà văn lên tiếng: “Tác phẩm của chúng ta đầy những lý tưởng cao nhất đấy, trong chúng có mâu thuẫn đấy, vậy mà sao nền văn học của chúng ta đã có lúc buồn ngán đến thế?”

Và họ đã tìm câu tự trả lời:

“Nguyên nhân của những tai ương và thất bại của chúng ta về sáng tác là sự hiểu biết lầm lạc về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, chính cái đó đã ngăn cản khả năng sáng tạo của chúng ta. Các nhân vật của chúng ta nói rất nhiều mà hoạt động rất ít. Phải chăng hành động tất yếu sẽ dẫn đến sự đụng chạm với những hiện tượng phản diện của thực tại, và các nhà văn chúng ta thì đã nhắm mắt lại không dám nhìn chúng. Nhà văn chúng ta thường thường che dấu sự thật ở cuộc đời, không còn là những nhà nghệ sĩ nữa mà trở thành nhà lý luận dông dài. Mà còn có gì nguy hiểm hơn cho sự sáng tạo bằng cái lối tuyên ngôn…

… Những nhân vật phản diện và chính diện trong các tác phẩm quyết phải biểu hiện, song nhất thiết phải biểu hiện trong sự liên hệ chặt chẽ với thực tại mà không phải biểu hiện như những biểu đồ của cái tốt và cái xấu…

(Bài của nhà văn Xê-man-la)

Cho nên xuất phát điểm của công tác sáng tác không phải từ những công thức rút ra từ những quyển sách phân tích về tính giai cấp, về các giai đoạn cách mạng, phác hoạ trước một cái cốt rồi đi kiếm thêm chút ít tài liệu sống với những nhân vật nhặt nhạnh vội vàng để đút vào tác phẩm. Lối “đóng chân theo giầy” ấy tất nhiên là đưa nghệ sĩ đến chỗ thất bại thảm hại. Nếu hiện thực xã hội chủ nghĩa là một nền văn học có khuynh hướng thì không phải là nó phô diễn cái khuynh hướng chủ quan của tác giả mà là vì nó biểu hiện khuynh hướng khách quan của quá trình phát triển xã hội kia. Cho nên nhà văn muốn tránh khỏi lầm lẫn và tránh đẻ ra những tác phẩm rập khuôn thì nhất thiết phải đi vào thực tế, từ trong thực tế phát hiện ra vấn đề, say mê với nó, thu nhặt những tài liệu sống với đầy đủ những cái không thường của cuộc đời bên trong mỗi con người, rồi từ đó phân tích sắp xếp và xây dựng nhân vật, xây dựng tác phẩm. Từ trong thực tế phong phú của cuộc đời, nhà văn mới có thể phát hiện được những vấn đề có ích cho cuộc sống, giúp cho xã hội tiến thêm, bằng không chỉ có thể sản xuất ra những bản “nghị quyết, chương trình, kế hoạch diễn ca” mà thôi. Trong khi tìm tòi nghiên cứu, nhà văn sẽ gặp những hiện tượng xấu, những thói hư, còn tồn tại trong xã hội của chúng ta. Những cái đó quyết phải thể hiện. Đó chẳng phải là nói xấu chế độ mà chính là đẩy xã hội tiến lên, gạt những cái đồi bại đó ra khỏi tâm hồn con người. Lịch sử chứng tỏ rằng chỉ có những giai cấp cách mạng là thấy cái lợi trong việc nói sự thực. Nếu có gặp những khó khăn của những đầu óc bảo thủ, hẹp hòi ngăn cản thì người nghệ sĩ phải lấy chí khí của người chiến sĩ mà chống lại. Những người nghệ sĩ chân chính, phản ánh đúng đắn cuộc đời, họ nhất định tồn tại.

Chính vì hiện thực xã hội chủ nghĩa là một nền văn học hiện thực cho nên nghệ sĩ một khi đã đứng trong hàng ngũ của nó trước hết phải làm cho ngòi bút của mình hiện thực đã. Đừng lo rằng tả thực thì mình sẽ không “xã hội chủ nghĩa”. Chỉ lo sức mình chưa đủ khám phá chân tướng của sự thực mà thôi. Trong lịch sử văn học, không hiếm những “thiên tài vì chủ nghĩa hiện thực” mà đen tối về xu hướng chính trị như Ban-dắc, Gô-gôn… Ban-dắc đã từng nói thẳng: “Tôi viết dưới ánh sáng của hai chân lý vĩnh cửu: tôn giáo và chế độ quân chủ…” Nhưng thiên tài của ông đã thắng cả hai chân lý vĩnh cửu kia, nó làm cho ông viết tài đến nỗi tưởng như ông chép cả thời đại vào trong những trang sách, nó làm cho chúng ta ngày nay giở đến những quyển sách của ông còn thấy cả trước mắt một xã hội mà con người có lương tâm không thể nào không chửi rủa. Cái vĩ đại của Ban-dắc là ở chỗ đó. Cũng như Gô-gôn tưởng rằng với cuốn “Những linh hồn chết”, ông sẽ cải tổ lại nước Nga khốn khổ dưới luật nông nô tàn khốc, nhưng kết quả của cuốn sách lại trở thành một cái đạp mạnh mẽ cuối cùng bồi cho cái lâu đài mục nát xiêu vẹo của phong kiến chóng sụp đổ. Trong bức thư của nhà phê bình danh tiếng Nga Bê-lin-ski gửi cho Gô-gôn nhân đọc tập II của “Những linh hồn chết” (đoạn này Gô-gôn gượng gạo vẽ lên cái cảnh cải tạo của lũ địa chủ, và hy vọng vào bọn này đặng thay đổi nước Nga), phê bình những sai lầm của Gô-gôn, ông nói: “Tôi nghĩ rằng, chính cái đó chỉ là do ông hiểu nước Nga sâu sắc như một nhà nghệ sĩ, mà không hiểu nó như một nhà tư tưởng, mà ông đã tự đặt vai trò ấy cho mình một cách thất bại trong cuốn sách tưởng tượng của ông”. Rất tiếc là ngày nay chúng ta đã có rất nhiều nhà tư tưởng mà lại thiếu vài ba người nghệ sĩ.

Cũng cần phải nói đến một vấn đề nữa là không nên tách rời một cách máy móc và tuyệt đối giữa hiện thực phê bình và hiện thực xã hội chủ nghĩa như ban ngày và ban đêm, như ánh sáng và bóng tối. Chính hiện thực xã hội chủ nghĩa đã thừa hưởng cái gia tài vẻ vang của hiện thực cũ mà có cái lâu đài đẹp đẽ ngày nay. Hiện thực phê bình không có nghĩa là chỉ có đạp đổ. Một nhân vật của Ban-dắc, một người dân cày đã nói lớn: “Bọn tai to mặt lớn sẽ thành ra cái gì nếu chúng ta đều giầu cả? Phải có người cùng khổ cho bọn chúng chứ?” Cái triết lý tưởng là giản đơn ấy đã vẽ lên cả một bóng dáng tuy còn xa xăm của một cuộc đời dân chủ trong đó con người phải sống khác cái lối sống của chế độ đương thời… Cho nên ngày nay khi nghệ sĩ đã cởi bỏ được cái băng buộc mắt của những tư tưởng duy tâm sai lạc thì chỉ viết một tác phẩm hoàn toàn phê bình họ cũng rất “xã hội chủ nghĩa” rồi vậy. Sự gạt bỏ tất cả những cái gì thuộc về dĩ vãng, tưởng chừng như văn học chân chính chỉ xuất hiện khi có giai cấp công nhân, nhiều hay ít đều là những chướng ngại vật không nhỏ trên con đường tiến triển của văn học nghệ thuật. Chúng ta không những cần phải học tập ở nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, ở hiện thực phê bình mà cả ở những dòng văn chương khác nữa cũng cần học tập. Thật là lạ tai khi nghe thấy Trần Thanh Mại khi phê bình một bài báo của Lộng Chương nhận xét chèo cải biên Phạm Tải Ngọc Hoa đã nói những câu như thế này:… Bạn đã muốn kéo mức độ đấu tranh quyết liệt của truyện Việt Nam ta xuống những mức độ tiêu cực lãng mạn tư sản kiểu Sếch-pia hoặc Vích-to Huy-gô… (Bài của Trần Thanh Mại đăng trong báo Độc lập). Đến năm 1956 mà còn thấy những cái đánh giá sai lầm như thế đối với văn học cũ thì thật là lạ lùng. Thực ra nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa không thể phát triển trên cái trống rỗng của ý tưởng của một số người, mà chính nó cũng đã tiếp tục các truyền thống tốt đẹp của những thành tựu về văn học nghệ thuật của nhân loại trước kia. Những tác phẩm của Sếch-pia, Vích-to Huy-gô chẳng phải là những kiểu cần phải quẳng đi như những rác rưởi của xã hội cũ, mà phải học tập ở đấy như là ta đã học tập ở những nhà văn lớn của hiện thực xã hội chủ nghĩa vậy. Thật là điên mới đi quăng bỏ những thành tựu văn học nghệ thuật trong quá khứ của loài người mà nó sẽ không còn xuất hiện một lần nữa ở cuộc đời. Lê-nin, người thày cách mạng đã dạy chúng ta: “Phải nắm lấy nền văn hoá của chủ nghĩa tư bản để lại và dùng để xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Hãy tìm tòi, chăm chú và sẽ thấy cả ở trong bút pháp lãng mạn chủ nghĩa những cái nó giúp cho chúng ta phát triển nền văn học của mình. Bởi vì chính ngày nay chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh chủ nghĩa lãng mạn cách mạng và cái đó là cái không thể thiếu được trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Goóc-ki, người thầy của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đã để lại cho chúng ta không phải riêng những tác phẩm hiện thực mà còn cả những tác phẩm lãng mạn rất đẹp như: Bài ca về chim ưng, Bài ca chim hải yến, Bà lão I-dec-ghin… Trong những tác phẩm ấy có chất hiện thực nhưng lại cũng rất lãng mạn, thứ lãng mạn chiến đấu của một cuộc đời hướng về hướng về lý tưởng lớn. Và trong những tác phẩm lãng mạn của Vích-to Huy-gô, ai dám bảo rằng nó hoàn toàn không có hiện thực. Còn người cùng sống trong một xã hội, hình ảnh của họ ít hay nhiều đều có thể hiện trong các tác phẩm mà họ viết ra. Cho nên phải thận trọng trong học tập các điều hay của bất cứ một dòng văn chương nào, và chống mọi điều dở của bất cứ một hiện tượng văn học nào. Có như thế mới là có thái độ thành khẩn và khiêm tốn học tập của những con người cách mạng.

Về hình thức, chúng ta chống chủ nghĩa vụ cái đẹp, song ngày nay chúng ta phải đẩy mạnh hình thức của các tác phẩm lên cao hơn nữa. Bây giờ không phải là lúc phải tích cực chống lối “chẻ sợi tóc làm tám” mà là lúc cần chống lối sơ sài, cẩu thả trong việc sáng tác. Rất tiếc là sau khi đọc xong một tác phẩm, ngày nay chúng ta chỉ thấy những nhân vật hiện lên những bóng mờ và nhạt. Nghe nói ở Nga nhà văn Trê-khốp có đến cự Sta-ni-láp-ski, vì khi nhà soạn kịch và đạo diễn có tài này đã cho diễn viên mặc một cái quần khác mầu với cái quần của nhân vật trong truyện của Trê-khốp mà Sta-ni-láp-ski đã dựng thành kịch. Đủ hiểu những chi tiết như vậy cũng rất đáng chú ý và nó có tác dụng rất lớn trong việc làm cho người đọc hiểu thêm nhân vật. “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, nếu có ưu điểm nổi bật về nội dung thì cũng còn nhiều điều chưa được ưng ý về mặt hình thức. Nâng cao hình thức, theo ý chúng tôi, cũng là một việc cần thiết lúc này…

(Mạc Tư Khoa tháng 2-1957)

VŨ THƯ HIÊN

Độc lập, số 265 (23-2-1957)

Nguồn: FB Lại Nguyên Ân

Comments are closed.