Vũ Ngự Chiêu
Lời dẫn: Petrus Key (sau này sửa thành Trương Vĩnh Ký) thường được ca ngợi là một học giả lớn miền Nam. Ông cũng có công quảng bá loại tiếng Việt mới, tức quốc ngữ hiện nay mà các giáo sĩ Portugal và Espania đã sáng chế vào thế kỷ XVII.
Tuy nhiên, Petrus Key cũng đóng một vai trò đáng kể trong cuộc xâm lăng Việt Nam của Pháp. Ông là một trong những thông ngôn người Việt đầu tiên đã hợp tác với Pháp, bên cạnh những giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại đã tiềm phục trong vương quốc Đại Nam từ nhiều thế kỷ). Cấp chỉ huy Pháp đầu tiên mà Petrus Key phục vụ là Hải quân Trung tá Jean Bernard Jauréguiberry, Chỉ huy trưởng Sài Gòn từ tháng 3/1859 tới tháng 4/1860, người sau này thăng tiến tới chức Bộ trưởng Hải quân & Thuộc địa. Sau đó, Petrus Key làm việc liên tục cho Soái phủ Sài Gòn và rồi chính phủ Bảo hộ Pháp tới trước ngày nhắm mắt.
Hầu hết tư liệu Pháp đều công nhận Petrus Key là một “khai quốc công thần” của nền Bảo hộ Pháp, không những tại Nam Kỳ, mà còn trong toàn cõi Đông Dương. Năm 1876, chẳng hạn, Petrus Key làm một chuyến viễn du Bắc Kỳ, cung cấp tài liệu tại chỗ cho Thống đốc Duperré mưu chiếm miền Bắc, nhưng kế hoạch này không được Paris chấp thuận. Năm 1886, “ẩn sĩ” Petrus Key ra Huế, làm trong Cơ Mật Viện để huấn luyện vua Đồng Khánh (1885-1889) biết đồng hóa quyền lợi bản thân với quyền lợi Đại Pháp–tức tách biệt Bắc Kỳ ra khỏi ảnh hưởng Huế, đổi lại, được phần nào tự trị trong các tỉnh còn lại của Trung Kỳ, từ Thanh-hóa vào Bình-thuận; và chiêu mộ các lãnh tụ Cần vương về hàng dưới chiêu bài “an phủ.” Nhờ vậy, được Tổng Trú sứ Paul Bert ân thưởng Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương, một loại huân chương cao quí mà bao công dân Pháp thèm muốn. Năm 1888, Petrus Key cũng được sử dụng vào kế hoạch điều đình với Xiêm La để sát nhập vương quốc Lào vào lãnh thổ Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.
Dưới thời Pháp thuộc, Petrus Key còn được coi như “nhà văn hóa lớn” của nền quốc ngữ mới qua một số tác phẩm “đồ sộ” của ông. Thực ra, toàn bộ công trình văn hóa của Petrus Key chẳng có gì khác hơn những bài giảng dạy tại trường Thông ngôn Pháp ở Sài Gòn, kể cả vài cuốn tự điển loại bỏ túi và hai cuốn “cổ tích” bằng Pháp ngữ mang tựa Cours d’ờhistoire annamite [Bài giảng sử An Nam] dành cho các trường ở Nam Kỳ (1875-1877). Ngoài ra, Petrus Key còn có thời gian phụ trách tờ Gia Định Báo của Soái phủ Sài Gòn, và tự chủ trương tờ Thống Loại Khóa Trình, một thứ học báo dùng làm sách giáo khoa cho các học sinh tiểu học Nam kỳ.
Dưới thời Pháp thuộc, tên Petrus [Trương Vĩnh] Ký được dùng đặt cho tên một trường Bảo hộ Pháp lớn nhất miền Nam ngay tại Sài Gòn. Sau ngày Pháp tái chiếm miền Nam, và cho tới năm 1975, trường Petrus Ký vẫn là một trường trung học công lập danh tiếng miền Nam. Để biện minh cho việc lấy tên Petrus Ký đặt tên cho ngôi trường từng đào tạo hàng chục ngàn nhân tài này, người ta vời vẽ ra hàng trăm giai thoại về sự tài giỏi, thiên tài về ngôn ngữ, v.. v… của Petrus Key, khiến khó biết chi tiết nào thực, chi tiết nào giả.
Trong dịp nghiên cứu tại Paris từ năm 1996 tới 2000, chúng tôi tìm được một số tư liệu có thể giúp đóng góp về việc tìm hiểu và tái dựng lại cuộc đời và sự nghiệp Trương Vĩnh Ký.
1. Thứ nhất, người mà chúng ta biết như Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký, Pétrus Trương Vĩnh Ký, hay Pierre J.B. Trương Vĩnh Ký hiện nay thoạt tiên chỉ xuất hiện với cái tên ngắn ngủi “Petrus Key,” hoặc “chú Ký.”
a. Có ba tài liệu giúp khẳng định Petrus Key là Trương Vĩnh Ký sau này.
(1) Tài liệu thứ nhất là thư Petrus Key gửi cho Hải Quân Trung tá Jean Bernard Jauréguiberry vào tháng 3/1859.
Đây là lá thư ra mắt của Petrus Key với Jauréguiberry và quan tướng Pháp, ca ngợi công ơn binh đội Pháp như những thiên thần được Thượng đế gửi xuống cứu giúp giáo dân Ki-tô Việt Nam. (Đã công bố trên nguyệt san Quốc Dân năm 1996, và bị trộm cắp trích đăng đó đây)
(2) Tài liệu thứ hai là danh sách phái đoàn thông ngôn của Soái phủ Pháp, dưới quyền Trung tá Henri Rieunier, được cử tháp tùng sứ đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp và rồi Espania vào tháng 7 năm 1863.
Danh sách này xếp chữ typo, với phụ chú chữ Hán ở phía tay trái, và có chữ ký chứng thực của Rieunier. Phần sắp chữ typo, chỉ đề tên “Petrus Key, Giáo sư trường Thông ngôn.” Phần chữ Hán, có thêm chi tiết: nhất đẳng thông ngôn Trương Vĩnh Ký. (Đã trích đăng trong Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & Huyền thoại, tập I (1997); & Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, tập I (1999))
(3) Tài liệu thứ ba là bản dịch thư sứ đoàn Việt gửi “Phó vương” Alexandrie, cảm tạ sự tiếp đón nồng nhiệt sứ đoàn.
Dưới bản dịch Pháp ngữ này có chữ ký Petrus Trương Vĩnh Key; và lời thị thực của Trung tá Rieunier.
(4) Mới đây, trong dịp làm việc tại Kho Lưu Trữ Quốc Gia 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được tham khảo thêm một số tài liệu về việc mua bán sách của Petrus Key trước và sau ngày ông từ trần.
(*) Triệt để cấm in lại các tài liệu nếu không được sự chấp thuận của tác giả.
TÀI LIỆU I
Tháng 3/1859, Petrus Key viết thư ra mắt Đại Nguyên Soái (Grand Chef) Pháp, van nài hạm đội Pháp hãy tấn công ngay các thành trì miền Nam để giải phóng giáo dân Ki-tô và dân tộc Việt dưới ách cai trị chuyên chế, bạc đãi giáo dân của nhà Nguyễn.
Vì lý do kỹ thuật, phóng ảnh của tài liệu lịch sử trên không được toàn vẹn (có một số từ rất khó đọc).
Luật sư Trần Thanh Hiệp tóm lược nội dung thư như sau:
Thư Petrus Key có thể chia làm 3 điểm:
1. Petrus Key đã nhân danh một người che chở, bảo vệ cho tất cả Giáo dân Ki-tô cầu cứu hạm đội Pháp như các tông đồ kêu cứu Chúa và Chúa đã gửi xuống những Samson, Moise, Joseph để cứu khổ, cứu nạn. Petrus Key đã nói những lời van nài (supplications) thật sự, của những nạn nhân bị đàn áp một sống, mười chết. Để được ứng cứu, Petrus Key đã hết lời ca ngợi hạm đội Pháp vượt qua bao khó khăn trên bước viễn chinh để đến Việt Nam, và Petrus Key rất mong sự ra tay của binh lực Pháp.
2. Để giải thích lời kêu gọi cấp cứu của mình, Petrus Key đã mô tả thảm cảnh cấm đạo, giết đạo đang diễn ra, giáo dân “như đàn cừu non giữa đám sói tham mồi,” hàng ngày tính mạng bị đe dọa, bị đặt vào thế phải lựa chọn ở khắp các ngả đường, giữa “bước qua thánh giá” hay bị chết chém. Đó là chưa kể việc còn nhiều đe dọa đối với an ninh bản thân, tính mạng của giáo dân, bị theo dõi ngày cũng như đêm, tên tuổi bị niêm yết khắp nơi, bị quan quân tróc nã, tra hỏi, xét xử, đánh đập, giam cầm. Trong vòng vây nghiệt ngã ấy, Petrus Key đã không thể liên lạc được với binh lực Pháp nên chỉ còn biết chờ đợi được giải vây.
3. Petrus Key cho người Pháp biết rằng nội bộ quan quân của triều đình rất rối ren. Quan quân rất sợ binh lực Pháp. Lính hàng ngày bỏ trốn nếu có cơ hội. Dân chúng hoang mang, oán trách quan quân gây chiến, chỉ mong có hoà bình để được sống yên ổn. Bởi vậy binh lực Pháp không nên trì hoãn nữa. “Hãy thương xót chúng tôi,” “Hãy giải phóng chúng tôi khỏi nanh vuốt kẻ thù,” đó là những lời kêu cứu của người viết thư!
Lược Dịch Thư Petrus Key
Gửi Đại Nguyên Soái Pháp
Kính gởi Đại quan (Ông chủ lớn)
Và các sĩ quan tôn kính của Đoàn Chiến Hạm Pháp Quốc,
Đáng lẽ tôi không được phép viết thư cho một người giữ chức vụ cao quý như Ngài; nhưng khi cái chết đang đe dọa từng bước chân, khi những hiểm nguy dồn dập đang vây quanh chúng tôi khắp nơi, tôi tin chắc rằng tấm lòng độ lượng của Ngài sẽ miễn thứ cho tôi được gởi đến Ngài những dòng chữ này. Tôi không dám hành động do lòng kiêu căng vô lối mà chỉ do sự dẫn giắt của ích lợi chung, và những hiểm nguy đang bao vây chúng tôi đã thúc đẩy tôi có hành động này.
Thuở xa xưa, khi các tông đồ bị bão tố dồi đẩy, đã van xin một cách tin tưởng với Thượng đế An lành “Hãy cứu chúng con, chúng con đang bị đắm chìm.” Nhưng nhu cầu khẩn thiết bất chấp các luật lệ. Mảnh giấy thô thiển này, lá thư vụng viết này sẽ trình bày rõ với Ngài hoàn cảnh thật khốn khổ của tôi; thực ra, ở đây, dọc đường đi, tôi chẳng có gì trên người, không giấy, không tài liệu, không cả nghiên mực đàng hoàng, không ngòi bút thích hợp. Nhưng tôi xin nhân danh người đại diện cho các đạo hữu Ki-tô, dâng lên Ngài những lời than van của chúng tôi; tôi xin kể cho Ngài nghe tất cả nỗi đau khổ và bạo tàn mà chúng tôi phải gánh chịu dưới ách chuyên chế của bọn quan lại, vì quí Ngài là những người báo thù cho sự Tự do cho chúng tôi, vì quí Ngài là sứ thần của Thượng Đế, trong cõi nước Chúa, đã được Chúa lựa chọn để giải cứu chúng tôi khỏi bàn tay của kẻ thù chúng ta, giống như trước đây Chúa đã sai Samson đi rửa hận cho dân tộc ông ta, hay đã sai Moise đến giải phóng dân Israel (Do Thái) khỏi lao tù Egypt (Ai Cập), hay đã phái Joseph đến giới thiệu ngôi nhà của Jacob trong những cánh đồng bình an ở Channan….
Chiêm nghiệm sự thụ mệnh Thượng Đế, nhìn lại biết bao đại dương Ngài đã vượt qua, biết bao xứ và vương quốc Ngài đã đặt chân, biết bao mối hiểm nguy, trên đất liền cũng như ngoài biển cả, để đến được với chúng tôi, chúng tôi có một niềm tin và hy vọng sẽ được Ngài bảo vệ. Hiện nay, chúng tôi giống như bầy cừu non giữa đàn chó sói đói mồi; sự chết truy đuổi không ngừng; sự khủng bố dầy phủ chốn cư ngụ; và lưỡi gươm chờ trực trước cửa. Giữa bầu không khí sợ hãi triền miên đó, giữa những nguy hiểm bất tận đó, trợ lực duy nhất của chúng tôi là hy vọng vào Ngài. Chiến dịch bài đạo ngày càng gia tăng, nơi đâu cũng có đặt Thập tự Giá dưới bước chân của chúng tôi, và [quan binh] căn cứ trên thái độ kính mến hay khinh bỉ Thập tự Giá mà nhận diện chúng tôi; những tòa án chờ đợi chúng tôi ở mọi ngả đường. Chúng tôi ngã xuống, chết vì những đòn vọt; chúng tôi bị vất vào ngục thất để chờ chết. Ngày thì phải lo việc sưu dịch nặng nhọc, ban đêm thì phải canh gác bảo vệ an ninh làng xóm, và thật ít khi có được giấc ngủ. Họ tên chúng tôi bị niêm yết trên những bản cáo thị, ngày đêm bị kiểm soát, không phút giây xao lãng. Tôi còn biết nói gì hơn…? Ngày và đêm trĩu nặng ưu tư. Lưỡi dao của đao phủ đe dọa. Trước mắt là hố thẳm, sau lưng đàn sói! Và chúng tôi kẹt giữa ngục đá và sự tử đạo dưới lưỡi dao đang dơ cao. Nhiều nhà truyền giáo đang bị giam cầm trong ngục thất và rất nhiều đạo hữu Ki-tô đang ở trong tay kẻ thù. Hôm qua, văn thư của các quan lại lưu truyền khắp các làng mạc, cho lệnh tăng cường thêm từ 10 tới 20 người cho các toán lính chịu trách nhiệm lùng bắt tín đồ của Chúa; và đã có nhiều người đang phải rên xiết dưới gông cùm trong tòa thành mà người ta mới dựng lên gần cầu Tham Lương. – Tất cả chúng tôi chắc sẽ chịu chết nếu Ngài không kịp đánh đuổi kẻ thù của chúng ta. Đây là tình trạng khốn khổ mà chúng tôi đang sống; tinh thần chúng tôi trôi nổi bấp bênh; mối sợ hãi và lo lắng làm héo mòn và tiêu tán dần con người của chúng tôi. Chẳng còn sự nghỉ ngơi thân xác! Chẳng còn được sự an bằng tinh thần! Thật đúng vậy! Bụng dạ đâu mà nhai nuốt, hay cách nào thưởng thức sự êm ái của chiếu nằm khi con người luôn luôn thấy lưỡi gươm đang treo trên đầu họ?… Phần tôi, kẻ nô bộc hèn mọn của Ngài, đang nôn nóng tìm gặp Ngài, đã buộc phải dừng lại sau khi đã đi được ba phần tư chặng đường, sau khi đã đổi ngựa và người để đi cho đến đích cuối của cuộc hành trình. Các đồn binh được dựng lên khắp mọi nơi, những cuộc khám xét thường xuyên dài theo các trục lộ mà tôi phải vượt qua, và tôi như một con cá đang lội trong một dòng sông khô cạn, chẳng còn phương tiện để tiếp tục. Tôi đã cố gắng vượt qua rừng rậm, đồng ruộng, đồi núi và bình nguyên để đến với Ngài, dù khó khăn cách nào đi nữa chẳng quản ngại, mà cũng không được. Chỉ đành biết chờ đợi các vũ khí vô địch của Ngài đến giải cứu tôi. Trên đây là những nỗi khó khăn của chúng tôi, mà theo chỗ tôi hiểu, có lẽ Ngài không phải không biết đến.
Nếu trái tim Ngài chưa khép kín sự Bác ái mà Chúa Jésus Christ đã từng rao giảng, để làm tròn sự mong đợi của Giáo hội, thì xin Ngài hãy mở rộng bàn tay cứu giúp, giương rộng cánh tay đầy quyền năng, và Ngài sẽ xứng đáng với Chúa và Giáo hội. Rất đông [quân địch] đang bao vây Ngài, nhưng Ngài sẽ chế ngự được họ không mấy khó khăn. Vì sự sợ hãi đã xâm chiếm kẻ thù của chúng ta và làm cho họ không dám đến gần.
Tôi đã thấy những đám lính đào ngũ, và đã nghe tin đồn rằng trong quân đội, từ cấp chỉ huy đến tên tiểu tốt, hầu hết đều nói rằng mặc dù có lệnh quan, họ neo thuyền giữa giòng sông để nếu cần sẽ lội thoát thân. Cả dân tộc, kể cả kẻ ngoại đạo, đang rên xiết và đòi hỏi hòa bình với những lời thảm thương. Họ nói: “Nếu vì quyền lợi vương quốc thì họ phải cho chúng ta thấy có một ông vua đem lại sự thái bình cho chúng ta, chấm dứt những công việc khổ nhọc… mà các quan lại đòi hỏi để phục vụ chiến tranh – Tại sao lại phải làm việc không công suốt ngày? Ai muốn ngồi trên ngai vàng cũng được miễn là họ làm nhẹ được gánh nặng của chúng tôi?” Xin đừng chần chừ nữa, xin mở rộng bàn tay giải phóng của Ngài để chấm dứt những nỗi cơ cực của dân tộc chúng tôi. Sự quang vinh và danh dự của Ngài đòi hỏi Ngài phải làm, những mối ưu khổ của chúng tôi cũng đòi hỏi Ngài phải làm nhiệm vụ đó. Và các thế kỷ sau sẽ nói đến chiến công của Ngài, sự tưởng nhớ Ngài sẽ không bao giờ phai, những lời tán dương về Ngài sẽ lưu truyền trong lịch sử Giáo hội, và tên Ngài sẽ được tôn vinh đời này qua đời khác, và quan trọng hơn cả là Ngài sẽ xứng đáng sống đời đời trên cõi Trời, cuộc sống hằng cửu, mà người thường khó đạt được.
Hãy thương xót chúng tôi. Hãy thương xót chúng tôi. Quí Ngài là những nhà giải phóng của chúng tôi và bàn tay của kẻ thù đã xâm phạm đến chúng tôi! Than ôi! Người đi giày biết rất rõ chiếc giày thốn đau ở chỗ nào. Chúng tôi cũng biết là “Kẻ nào ôm đồm quá nhiều thì giữ không được chặt.” Nhưng những nỗi khổ đau của chúng tôi đã khiến chúng tôi phải kêu cứu đến quyền lực của Ngài và đệ trình lên Ngài, tự đáy lòng của chúng tôi, tất cả những sự việc kể trên mong chờ sự thận trọng và minh triết của Ngài phán đoán.
Người nô bộc hèn mọn
và vô dụng.
Petrus Key
Tài Liệu II
Thư Linh mục Borelle gửi Giám Mục Lefèbvre
Ngày 24/3 [1859]
Giám Mục Tsauropolis [Lefèbvre]
Bẩm Đức Cha:
Ngày hôm kia, Cha [Nguyễn Văn] Lựu (một trong những giáo mục của chúng ta) đã chuyển cho tôi thư [Honorée] ngày 15 của Đức Cha mà ông ta cũng đã trao tận tay cho Giám mục Pernot, và Cha Lựu đã trở lại đây với hồi âm của giáo hữu của Ngài. Bởi thế, mặc dù bị cúm nhẹ, tôi tự nhủ có bổn phận viết đôi dòng. Có vẻ là chúng tôi đang bị kết án phải chôn chân chịu hành hạ ở đây [rester en putgatoire] vài tháng nữa, cho đến lúc mà tàu chiến của chúng ta có thể mang đến tự do cho chúng tôi. Nếu chỉ có chúng tôi bị khổ sở, cũng chẳng khó khăn gì để giữ gìn đạo hạnh. Nhưng những tín đồ tội nghiệp [sẽ] rơi vào tình trạng cực kỳ gian nan vì các quan viên đang nghiến xiết hàm răng chống lại tín đồ Da-tô mãnh liệt hơn bao giờ hết, và không ngừng tuyên bố rằng chúng ta là nguồn gốc của mọi thảm bại mà họ gánh chịu ở Gia Định (Sài Gòn). Có vẻ là những người vây quanh Ngài không chú tâm vừa đủ trong việc canh chừng bọn gián điệp của triều đình đang luồn lách tới sát Ngài. Trong số này có kẻ được Đại nhân ban phước và đã hôn kính nhẫn [Giám mục] của Ngài, và chúng trình diễn Ngài như một nhà Bảo hộ lớn [vĩ đại] của tất cả những kẻ đào ngũ [transfuges], dù là tín đồ Da Tô, hay ngoại đạo, bên cạnh người Pháp. Chúng đã báo cáo với các quan lại những cộng tác [dịch vụ] mà người Da tô [Xtiens] đã cống hiến cho người Pháp và các ông quan [Đại Nam] này đã thề là sẽ trả thù trên đầu tất cả dân Da tô, chẳng cần phân biệt khinh trọng. Mỗi ngày, họ đưa về các tỉnh Mỹ Tho và Long Hồ [Vĩnh Long] những biện pháp ngày càng nghiêm ngặt chống lại tín đồ Da tô và trên hết, là kiểm soát gắt gao. Chỉ cần hơi nghi ngờ thôi là họ tra tấn liền. Ngày hôm qua ông Huyện Ba Vát [Xát?] đột ngột đến xét nhà Cả Lễ và điều tra, khám xét tỉ mỉ, và trở lại cũng đột ngột như khi đến.
Tôi không hiểu quan Huyện có nghĩ rằng ông ta có thể tìm ra một giáo sĩ Âu Châu [ “Thầy Tây”] hay một đạo trường bổn quốc [giáo mục bản xứ], hay lấy cớ rằng thầy Quang đã bị buộc tội là từng qua “học bên Tây”, dù rằng họ chưa bắt giữ [Thầy Quang]
Đau khổ nhất là tất cả các tín đồ Da Tô không được phép di chuyển, dù chỉ để tìm thực phẩm cho năm nay, vì người ta đã đặt thánh giá tại các trạm kiểm soát thuế; số trạm thuế cũng đã gia tăng nhiều lần. Ngay đến những người lương thiện cũng không dám mạo hiểm đi buôn bán vì các quan đã trưng thu tất cả tàu thuyền của dân. Lúa đã chín, có thể rụng xuống gốc vì người làm mùa và người mua đều đau khổ, và chẳng thiếu gì người lương đã bày tỏ ý muốn thấy tàu Tây sớm đến đánh chiếm các tỉnh để chấm dứt cảnh lính tráng cướp bóc, tàn phá ruộng vườn, và chấm dứt mọi vấn đề [việc].
Trước đây Cả Thiện và một số người có viễn kiến [nhìn xa thấy rộng] có ý kiến rằng nếu các tầu chiến chỉ đến để chiếm các tỉnh và rồi đặt chúng ta ở đó họ cảm thấy tốt hơn là không dính líu, nhưng ngày nay họ thích chịu đựng các hậu quả vô chính phủ hơn là chịu đựng sự oán giận [retentissment] của ông Thượng, người chắc chắn sẽ trút mọi sự tức giận lên đầu giáo dân Da tô.
Tại đây, ai nấy đều run sợ cho tính mạng họ. Trong khi mà nếu các tỉnh bị tàn phá, và nếu có phương tiện đưa xuống đây 1 hay 2 chiến hạm, người ta chẳng mong gì hơn là ngăn chặn ăn cướp và mỗi làng sẽ có 1 cơ quan hành chính riêng, và nếu giáo dân Da tô [được ở lại làng cũ] thoát khỏi cảnh săn giết, thương mại sẽ bắt đầu trở lại và mỗi gia đình sẽ có khả năng sản xuất thực phẩm đủ dùng trong năm. Ngay đến những người lương cũng sẽ tri ơn Pháp. Tại đây, các làng xã không còn lúa [thóc] dự trữ nữa, người ta phải đi vay mượn. Và trong cả họ đạo người ta chỉ còn khoảng 400 hộc [mesures] lúa. Nếu có được 1 con đường khả dụng từ đây đến Gia Định, Đức Cha Pernot có thể lên tâm sự với Ngài vì tôi lo rằng vị thế của Ngài rất nặng nề, nhưng đó là điều chưa làm được cho tới khi Ngài [Đại nhân] đã chiếm được con Rạch Cắt, ở đó có 1 đạo quân [Việt]. Bến Lức, Sơn Cần Đốt, Vũng Già và Rạch Chanh Gò Đen. Tại tất cả các đồn trên đều có 1 đạo quân và 1 cây thánh giá để bước qua, như 1 điều kiện bắt buộc [sine que non] để đi qua. Tôi không rõ chú Ký (người thông ngôn) có thể đến được chỗ Ngài hay chăng nhưng tôi biết rằng chú ta suýt nữa đã bị bắt ở 1 trong những đồn trên và chú ta sẽ rất vui mừng khi người ta cho chú tiếp tục đi bằng đường bộ.
Thật may mắn là Chỉ huy trưởng Jauréguiberry, có lẽ do ông ta được đào tạo khá hơn [tout pourtant qu’ờil est soit de meilleure composition], và đối xử với Ngài dễ dãi [déférence] hơn là Đề đốc, điều này có thể có ích cho chúng ta trong các tỉnh dưới. Còn lại, Đức Cha có thể tin được rằng tôi đặt kỳ vọng trên sự đoàn kết chặt chẽ của tất cả thành viên khổ sở trong họ đạo. Vì tôi không chút hoài nghi rằng họ đạo chẳng bao giờ bỏ dân (cơ hội varsable (thuận tiện), …. Sự kiên nhẫn cho phép Ngài chỉ huy tàu đến cứu giúp chúng tôi.
Trong khi chờ đợi thượng đế chiếu cố sức khỏe Ngài và những phương tiện để bồi hoàn lại [de réparer in quantum], sự không hành động có nghĩa là sự kết án tất cả các thành viên của họ đạo…
Đức Cha cao cả
Kẻ tôi tớ hèn mọn và vâng lời nhất
H[enri] Borelle, Tổng Quản lý
Cha Thường vẫn bị đau và có thể chết trong tù nếu không sớm được phóng thích.
Cha Quí bị cướp [indisposé] khá nặng, nhưng đã khá hơn tất cả các cha [confesseurs] khác thuộc 3 tỉnh.
Những việc chối đạo [apostasies] xảy ra hàng ngày vì tất cả các tín đồ Da tô một khi bị bắt, hoặc ở trạm kiểm soát thuế, hoặc tại làng xã, đều bị ép chối đạo [faux pas, tức bước qua thập tự giá] vì sợ chết hay bị tra tấn trong những tình cảnh hiện nay.
Hai chú Bộ và Đính, tôi bắt buộc phải gửi trả về gia đình vì hai chú này không giữ được lời thệ [vocation]. Đây là 2 đối tượng bị mất.
(Chú Cam [?]cùng về với chú Ký năm ngoái [1858] hiện trở thành tay nghiện cờ bạc và ăn trộm lớn, và tôi cũng chẳng ngạc nhiên lắm. Chú ta đã từng bị trừng phạt ở trường Pinang vì tội trộm cắp).( Chữ in nghiêng của nguời dịch)
Tôi tin rằng 8 lá thư [đã] gửi ra ngoại quốc nhân dịp người đưa thư Khiêm, có phải vậy không thưa Đức Cha? Tất cả những họ đạo ở hai tỉnh trên họ có dịp tham gia vào việc người Pháp có mặt ở Cá Trê? Các giáo mục có được tham gia vào guồng máy hành chính như định trước?
Ở đây, tất cả chúng tôi đều bị kết án biệt lập tuyệt đối. Chẳng có 1 huyện nào ở đó người ta dám gọi giáo dân Ki-tô lên để sinh tế (?)
Ghi chú:
Tài liệu này có hai điểm đáng ghi nhận:
Năm 1858, Petrus Key đã về tới Cái Mơn, Vĩnh Long. Cùng từ trường Pinang về có ba “chú” khác bị sa thải vì hạnh kiểm.
Năm 1859, Borelle gọi Petrus Key là “chú Ký” mà không phải “Cha Ký” (như trường hợp “Cha Lựu.” Điều này có nghĩa Petrus Key chưa được thụ phong linh mục, và như thế không tốt nghiệp Chủng viện Pinang.
Phải chăng Petrus Key chính là loại “thày kẻ giảng bị trục xuất vì lý do hạnh kiểm” mà Đề đốc Rieunier sau này nhắc đến?
Tài Liệu III
Thư của Sứ đoàn Đại Nam gửi Phó Vương Alexandrie
Nội dung thư này chẳng có gì đặc biệt, và được nhắc đến trong một số tác phẩm đã ấn hành. Đáng chú ý là người thông dịch ký tên là Petrus Truong Vinh Key.
Hai chữ “Truong Vinh” đã được thêm vào giữa tên “Petrus” và họ “Key.”
Chữ “Key” vài tháng trước cũng đã được dịch qua chữ nho là “Kí.” Điều này chứng tỏ chậm lắm từ năm 1863-1864, “chú Kí” của Linh mục Borelle năm 1858-1859, đã tìm được phả mới–Trương Vĩnh.
Tài Liệu IV
Số tác phẩm Petrus Key đã ấn hành
Một trong những vấn nạn hiện nay là tổng số tác phẩm Petrus Key đã hoàn tất và xuất bản.
Theo tư liệu tại Kho Lưu trữ Quốc Gia II tại Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), năm 1878, Petrus Key xuất bản cuốn Tự điển Pháp-Việt, với tựa đề nguyên văn như sau: Dictionnaire Francais-Annamite / Tự vị tiếng Pha Lang Sa Giải nghĩa theo tiếng Annam. (GOUCOCH, IA-6, HS 223) [Làm copy, 12 trang]
Năm 1884, Petrus Key in một catalog sách đã xuất bản, gồm bốn mươi bảy tựa:
Gồm 12 tựa do chính phủ Nam Kỳ hoặc các cơ quan yêu cầu.
23 cuốn do các nhà xuất bản thương mại.
2 cuốn do nhà xuất bản Hội truyền giáo. [Làm copy, 4 trang]
Một danh sách viết tay khác ghi năm mươi ba [53] cuốn, kể cả 9 cuốn in thạch bản. (GOUCOCH, IA-6, HS 217 (3)) [Làm copy, 3 trang]
Ngày 31/3/1885, Pháp đồng ý trợ cấp cho Petrus Key Một ngàn năm trăm [1500] đồng để khuyến khích in Petit dictionnaire francais-annamite [Tiểu tự điển Pha Lăng Sa giải nghĩa qua tiếng Annam]. (GOUCOCH, IA-6, HS 217 (3)) [Làm copy, 4 trang]
7/7/1888, Petrus Key viết thư cho Thống soái Nam Kỳ về việc không có répétiteur người Miên cho lớp dạy tiếng Miên tại trường Chasseloup Laubat. (GOUCOCH, IA-6, HS 232 (5, 61)) Petrus Key được giao phụ trách lớp dạy tiếng Miên và tiếng Tàu. [Làm copy, 2 trang]
Năm 1889, Petrus Key xuất bản cuốn Tự điển Việt-Pháp, với tựa đề nguyên văn như sau: Dictionnaire Annamite-Francais / Tự vị tiếng Annam Giải nghĩa theo tiếng Pha Lang Sa. (GOUCOCH, IA-6, HS 217 (3), 223) [Làm copy, 6 trang]
Năm 1890, có mười ba [13] tựa sách của Petrus Key. (GOUCOCH, IA-6, HS 217 (3))
Ngày 12/12/1895, Petrus Key viết thư yêu cầu chính phủ Nam Kỳ mua giúp 2000 cuốn Cours d’Annamite parlé [Bài giảng tiếng An-nam-mít nói]. Giá hai đồng một cuốn. Ngày 13/1/1897, Hội đồng Quản hạt chấp thuận mua 1000 cuốn, với giá tiền Hai ngàn đồng. (GOUCOCH, IA-6, HS 231(12))
Năm 1896, Petrus Key yêu cầu mua 2000 bản Minh Tâm Bửu Giám [Le Précieux Miroir du Coeur].
Ngày 3 và 26/10/1898, Bà quả phụ Petrus Key gửi thư yêu cầu chính phủ Nam Kỳ mua giúp số sách tồn kho của Petrus Key.
Ngày 11/11/1898, Phòng 3 gửi Thông tư số 37 cho 18 tỉnh, yêu cầu mua sách Petrus Key. 8 tỉnh không mua (Rạch Giá, Trà Vinh, Sa Dec, Mỹ Tho, Bạc Liêu, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Gò Công). Ba tỉnh mua cao nhất là Tân An (7 tựa, $98.30), Cần Thơ (5 tựa, $94.40), Vĩnh Long (6 tựa, $93.30). Kế đến Bến Tre (2 tựa, mỗi tựa 100 cuốn, $60.00), Long Xuyên (12 tựa, $52.40), Hà Tiên (7 tựa, $31.50), Sóc Trăng (5 tựa, $31.40), Gia Định (1 tựa Vocabulaire annamite-francais, $27.00). Biên Hoà mua mỗi tựa một cuốn, Chợ Lớn mua 2 tựa.
Ngày 2/5/1899, Phòng 3 Ban Thư ký [3è Bureau du Secrétaire du Gouvernement] cho bà Petrus Key biết đồng ý mua hai mươi ba [23] tựa sách, với tổng số tiền Năm trăm chín mươi ba đồng, tám mươi xu [$ 593.80]. (GOUCOCH, IA-6, HS 223) [Làm copy, 5 trang]
Những tựa sách bán được có:
Thầy trò
Sơ học văn tân [Répertoire pour les nouveaux étudiants]
Tứ thơ No. 1
Bất cượng [Fais ce que dois, advienne que pourra]
Mắc bịnh cúm từ
Ngư tiều trường điệu
Bài hịch con qụa [Proscription des corbeaux]
Vocabulaire Annamite-Francais.
Học trò khó phú [Un lettré pauvre]
Alphabet francais
Thạnh suy bỉ thói phú [Caprices de la fortune]
Phan Trần
Kim Vân Kiều truyện
Trung Dung
Ước lược
Miscellanés
Manuel [des écoles primaires à l’usage des jeunes élèves des écoles de l’administration de la basse Cochinchine, 1er volume: 1. Syllabaire quốc ngữ, 2è histoire annamite; 3e histoire chinoise (1876), 2e volume: simples notions sur les sciences, n’a pas paru (1876)]
Minh Tâm [Bửu giám]
Thơ dạy làm dâu [La Bru]
Lục súc tranh công
Kiếp phong trần [Événements de la vie]
Trương Lương [Apologie de Truong Luong = Trương Lưu hầu phú]
Cờ bạc nha phiến. (GOUCOCH, IA-6, HS 223) [Làm copy, 5 trang]
Ngày 15/5/1899, tức một năm sau ngày Petrus Key từ trần, tại thư viện Nam Kỳ có 88 cuốn sách của Petrus Key. Không rõ đây là 88 đơn vị hay 88 tựa sách khác nhau. (GOUCOCH, IA-6, HS 223)
Trong số các tác phẩm của Petrus Key, có tập Prosodie et versification annamite [Phép văn thi Annam].
Cuốn này chỉ in thạch bản, còn lại bốn (04) bài, khoảng 80 trang:
Bài thứ hai: Phép làm văn, làm thơ. [Làm copy, 2 trang]
Bài thứ tư: Văn dùng trong việc thi học trò.
Bài thứ năm: Hoài cổ tự thuật phú
Bài thứ sáu: Phép làm văn (GOUCOCH, IA-7, HS 206 (3))