VŨ TRỌNG PHỤNG dịch NGUYỄN VĂN VĨNH:

NHỮNG THIÊN HÌNH VẠN TRẠNG CỦA NẠN HỐI LỘ

Nguyễn Văn Vĩnh

Vũ Trọng Phụng dịch từ chữ Pháp

NVVLỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI SƯU TẦM: Bài báo dài này đăng Đông Dương tạp chí ở Hà Nội cuối năm 1937, dưới nhan đề ghi rõ: “Nguyên văn chữ Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh viết từ năm 1932, Vũ Trọng Phụng dịch ra quốc văn”.

Lúc này, tức là khoảng nửa sau năm 1937, Vũ Trọng Phụng là Thư ký toà soạn phần tiếng Việt của Đông Dương tạp chí, đã cho đăng khá nhiều tác phẩm (ví dụ nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết Quý phái), nhiều bài viết của mình, trong đó có bài dịch này.

Ghi chú dưới nhan đề bài dịch cho biết bài báo chữ Pháp này Nguyễn Văn Vĩnh viết từ năm 1932, nhưng lại không cho biết đó là bản thảo hay bài đã đăng báo, và nếu đã đăng thì đăng trên báo nào.

Xin tạm dự đoán bài này có thể đã đăng trên L’ Annam nouveau, tờ báo chữ Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh là giám đốc chính trị từ số 1 (25/1/1931) đến số 527 (5/3/1935), sau chuyển sang những người khác và tồn tại đến tháng 4/1942 (theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Hà Nội, 2001: Nxb. VHTT, tr. 23-24).

Việc tìm thấy bản dịch bài báo này là đáng chú ý đối với việc nghiên cứu cả hai nhân vật: nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) và nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939).

Xin lưu ý rằng cho đến hiện giờ, di sản ngòi bút của nhà báo, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Văn Vĩnh vẫn chưa hề được sưu tập và biên soạn để tái công bố; hậu thế hầu như không còn biết ông viết những gì, về các vấn đề nào; và bài viết bằng chữ Pháp này của ông mà ta được đọc lại qua bản dịch của nhà văn Vũ Trọng Phụng, ít ra cho thấy ở ông một cách nhìn vào chiều sâu của xã hội người Việt để cắt nghĩa một trong những tệ đoan thâm căn cố đế là nạn hối lộ từ phía người dân và tệ tham nhũng từ phía giới quan trường.

Riêng đối với nhà văn họ Vũ, việc ông có đọc và dịch bài viết này hé cho ta thấy có những loại sự kiện và vấn đề của đời sống xã hội đương thời đã được nhà văn tiếp cận mô tả không chỉ nhờ sự chứng kiến trực tiếp mà còn thông qua các tài liệu khái quát, ví dụ về nạn quan lại tham nhũng, như thông qua bài báo này. Ta sẽ thấy có  những chi tiết trong tiểu thuyết Giông tố  (1936) của ông được viết dựa theo tài liệu khái quát ở bài này của Nguyễn Văn Vĩnh, rõ nhất là đoạn văn nói về “tiểu sử” viên tri huyện mới về trị nhậm huyện Cúc Lâm để xử vụ việc làng Quỳnh Thôn khởi kiện kẻ hiếp dâm con gái làng mình. Tư liệu về hiện tượng lễ trình (cadeau de présentation) mà Nguyễn Văn Vĩnh nói tới, theo nhận xét của tôi (LNÂ), đã được Vũ Trọng Phụng dựng thành một chi tiết trong “tiền sự” của viên quan mới về trị nhậm này (một đoạn thuộc chương VIII tiểu thuyết Giông tố, bản đăng báo lần đầu).   

Tất nhiên bản dịch này cũng có ích cho những ai muốn tìm hiểu chung về những căn cứ bề sâu của nạn hối lộ trong xã hội người Việt, những nguồn cội này chưa hẳn đã mất dấu trong đời sống hiện tại.

Xin trân trọng giới thiệu bài dịch này của nhà văn Vũ Trọng Phụng với đông đảo bạn đọc.

Tháng 8/2008

  LẠI NGUYÊN ÂN

——————————————————————————————–

Xã hội Việt Nam ta, muốn trừ cho tiệt nạn hối lộ thì phải biết cách bài trừ nó một cách thấu triệt, nghĩa là tùy theo cái can hệ của từng trường hợp một, không phải theo cái quan niệm Tây phương về sự thanh liêm của các quan tòa hay của những công chức, nhưng mà theo những thành kiến mà dân Á Đông có sẵn đối với những ngạch nhà nước, để mà trừng trị bằng cả mặt cai trị lẫn mặt tư pháp.

Ở những xã hội bên Âu Tây, những sở nhà nước được phân tách ra rất minh bạch, được chia ra rất có thống hệ, đến bậc bất cứ người dân nào, mỗi khi có việc với một người thay mặt nhà nước, thì đều có thể hoặc nghĩ thầm trong bụng, hay là nếu cần, thì nói thẳng ngay với người công chức ấy rằng: “Ông được ăn lương thì ông phải làm cho tôi”. Ấy vì đó mà người Tàu đặt ra cái danh từ dân bộc, để gọi những người công chức trong một nước dân chủ. Cố nhiên điều ấy phải ở một nước mà người dân nào cũng hiểu rõ những quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Người dân Việt Nam mình cũng có thể hiểu rất dễ dàng theo quan niệm ấy đối với nhà binh hay tòa án, vì lẽ đã mấy nghìn năm nay, chúng ta quen sợ cái oai (cái quyền bất khả xâm phạm và rất đáng sợ) của những người có binh khí để bắt thiên hạ phải tuân lệnh, và các quan tòa để phân phải trái cho bọn người đến công đường, vì lẽ những ông quan tòa ấy là được cái địa vị làm ông chúa tể xét xử kiện cáo, không phải theo luật pháp nó là một điều ước định ở những nước văn minh, nhưng mà là tùy nghi châm chước với trật tự và luân lý chung, theo cái ý định của quân quyền là một thứ quyền thiêng liêng, thế thiên hành đạo vậy.

Ở những nước Á Đông, nhà nước bao giờ cũng có cái quyền vô giới hạn. Mỗi một người công chức có thể kiêm đủ mọi chức tước được, miễn là cần dùng cho sự tỏ rõ cái oai quyền của nhà vua. Cái chế độ phân quyền trong nhưng ngạch này chỉ là một vấn đề tổ chức không hệ trọng mà những điều chi tiết thì chỉ có triều đình biết mà thôi, chứ quần dân không có thể tọc mạch được. Cho nên bất cứ một người thay mặt nào của nhà nước cũng là thay mặt cho cả chính quyền, và, do thế, có quyền và có phận sự bắt buộc thiên hạ không những phải kính trọng những điều luật pháp rõ ràng mà còn phải kiêng nể cái gì là cái thanh  thế của triều đình nữa.

Hai người dân An Nam đương cãi vã nhau, nếu không có thể xin một ông quan án ngồi ở công đường phân xử cho, thì liền đi mách người đội xếp thứ nhất mà họ gặp, hoặc là mách bất cứ một người nào có cái vẻ là thay mặt nhà nước. Đã phải mất bao năm trời mới giảng được cho những người dân quê thông minh vào bậc nhất hiểu được rằng người cảnh binh hay người lính tuần chỉ có phận sự giữ gìn trật tự mà thôi, và ông cẩm thì là người sếp của những người cảnh binh ấy, và cái quyền của một viên cẩm chỉ có thể to đến bậc cho phép ông cẩm ấy không đem một tội vi cảnh mà tư ra tòa, khi thấy không cần dùng nghiêm trị cho lắm, thế mà thôi. Và một cái đặc quyền của một viên cẩm, đối với ta, được thế, cũng đã là đáng thích lắm.

Cứ suy một điều ấy thì đủ hiểu có cái sự tờ mờ trong đầu óc người dân quê đối với những chức trách mà chính phủ mới đặt thêm cho các hạng công chức, hoặc Tây hoặc Nam, nhất là kể về những ông đáng tiếng gọi là “quan” nguyên là phụ mẫu chi dân, thay vua trị nước, những thứ “đèn trời” phải soi sáng khắp mọi chỗ để mà biết hết tất cả mọi sự, và, do lẽ ấy, về mặt nào thì cái oai quyền cũng như là vô hạn; sự chia việc mà chính phủ Pháp cắt đặt, nhất là khi chính phủ đã tính rằng không nên làm mất cái tôn ti trật tự đã sẵn có để cho các viên chức có đủ thế lực để có thể đem tình đoàn thể kết hợp lẫn nhau.

Cái điều ấy nó có thực một cách quá sâu xa, đến bậc muốn giữ một chút lễ độ rất cần thiết, ta là dân thì ta phải cho rằng bất cứ một ông “quan” nào trong một tỉnh nhỏ là cũng đủ thẩm quyền xét xử bất cứ việc gì, và một khi đã hiểu ra rằng ta đã vào hầu nhầm sở, thì ta phải vừa xin lỗi vừa tháo lui, nghĩa là phải làm ra cái bộ tuân theo mệnh lệnh là đi cửa khác, chứ không được nói rõ ràng ra rằng cái ngạch ta đã vào nhầm đáng lẽ không có quyền gì nói vào cái việc của ta. Bởi những lẽ ấy, thật là rầy rà biết bao là cái phong tục của những nơi tư thất. Và cứ càng nhận mãi cái sự lễ phép của người dân, thì một số quan trường lâu dần đi tưởng rằng mình đã quả thật có thẩm quyền về mọi việc một cách đích đáng nữa.

Như vậy thì ta phải biết phân biệt rằng trong những việc hối lộ thì có những vụ mà người công chức đem ra buôn cái quyền hạn của mình, với những vụ mà người công chức cứ việc nhắm mắt nhận liều một cách khoái chí những điều xin xỏ vô ý thức mà người đã vì ngu dốt mà đem đến cầu cạnh ở nơi họ, hay là làm ra bộ rằng có đủ thế lực vận động hộ người dân ấy ở những cửa công khác.

Đối với những ông quan đem ra buôn cái quyền hạn của mình hay là cái thanh thế của mình, đồng bào chúng ta đã có những ý kiến ra làm sao? Những ý kiến ấy đối với người Âu Tây, là kỳ quặc lắm, tuy rằng người Âu Tây cũng biết ứng dụng cái thói lạm quyền ấy, nhưng mà bằng những cách giản dị hơn.

Đối với những kẻ ăn hối lộ mà kiếm chác được nhiều, thì đó lại là một cái lợi tự nhiên, mà người làm việc nhà nước nào cũng có quyền được hưởng, nghĩa là một kẻ tốt số được Trời ban cho phấn vua lộc nước, vì rằng kiếp này đã làm nhiều điều từ thiện hay là kiếp trước đã khéo tu. Đó cũng là một sự phù hộ, một sự ân thưởng mà Hoàng Thiên ban cho tổ tiên ta khi ta may được làm quan, để ta làm giầu, và để cho bố mẹ ta được một cuộc dưỡng lão an nhàn, vinh hiển.

Đã đành ràng thế, nhưng mà cái luân lý phổ thông lại còn tách bạch ra những cái bổng lộc “phi pháp” với những bổng lộc “tự nhiên” − nghĩa là những bổng lộc nó khoan thai nó đến thì người ta từ tốn chìa tay ra nhận lấy, nghĩa là sự tạ ân của người dân về một việc chạy chọt thành công không có thiệt hại hại cho kẻ khác cũng như không phạm vào phong tục, pháp luật mấy tí − với những của đút kiểu khác mà người ta không có quyền ăn, hay là kiếm chuyện ra mà ăn.

Như vậy thì làm thế nào mà dung hòa cái bổng lộc “phi pháp” với cái thanh liêm thuần túy của ông quan xử kiện, và các lòng công minh chính trực của những ông quan thủ hiến? Ta phải biết rằng những dân tộc như dân Á Đông chúng ta, là vẫn có một quan niệm kỳ quái về những công đường, công sở, thật là tráỉ ngược hẳn với cái quan niệm của người Tây phương, mặc dầu mỗi khi đem phân tích hành vi, cử động của người đời, thì bất cứ ở xã hội nào, ta cũng thấy một thứ khuynh hướng về cái xấu, cuộc xung đột của tình và trí, cái nhu nhược bẩm sinh của cõi lòng người với sự nghiệt ngã của xã ước, cái lòng vị kỷ của mọi kẻ với cái nguyên tắc công bình và trật tự của mọi xã hội, tùy theo cái óc tổ chức hay những cổ truyền của tổ tiên.

Đó là một cái đặc ân mà người ta nên biết ứng dụng chứ đừng lạm dụng. Về cái bổng lộc Trời cho ấy, do lẽ ấy, mà có cả một cuốn sách luân lý dạy bảo mọi cách thức thực hành.

− Ăn của dân mà được việc cho dân,

− Ăn tiền có nhân có nghĩa;

− Ăn tiền phải chăng;

− Ăn cho có nhân từ;

− Ai cho thì lấy, đừng bóp nặn;

− Tài lộc nên để tự nhiên nó đến, đừng có bới móc ra

Ấy đó là những câu châm ngôn trong thứ sách luân lý thực hành ấy. Đối với những ông quan ăn hối lộ một cách đáng chê trách thì thiên hạ nói bằng những câu như dưới đây:

− Ăn sâu cay độc địa, tàn nhẫn;

− Bất cận nhân tình, chẳng từ ai;

− Bới việc ra mà ăn của người ta;

− Làm thợ quan  (être mandarin artiste)

Những thứ lợi tức mà pháp luật không công nhận thì gọi là bổng lộc . Những địa phương có nhiều bổng lộc thì gọi là tốt hay là tốt bổng. Ở những nơi dân gian ít lễ lạc thì gọi là không có gì, không xơ múi gì. Những thứ bổng lộc như thế tuy không được pháp luật công nhận nhưng cũng chẳng bị pháp luật hay là luân lý kết án, vì rằng quan trường vẫn công nhiên mong ước những bổng lộc ấy. Nó còn là một điều kiện để cho người ta chúc tụng nhau vào ngày tết Nguyên Đán nữa.

Trên đây là cái quan điểm của bọn người được nhận những thứ bổng lộc và lễ lạc ấy. Bây giờ ta thử xét đến cái phương diện của người dân đem vi thành những của ấy xem nó ra làm sao.

Dân chúng công nhận rằng có bổn phận phải để cho những quan phụ mẫu được hưởng những lợi lộc không có nói đến trong pháp luật hay trong luật lệ của ngạch cai trị. Đầu tiên thì nên kể đến vụ tết tháng năm, tháng mười và ngày tết đầu năm. Đồ lễ thì bằng thực phẩm: gạo, gà, ngỗng, trứng, các thứ hoa quả, chè hay những quý vật trong miền, để đem biếu những ông quan, họ nhận vì cho là điều thông thường trong thiên hạ và chỉ nhận của dân những thứ nhật dụng như thế thôi để tỏ rằng mình vẫn là thanh liêm, độc lập, đối với người dân biết cái gì là kính trọng người bề trên. Khi những kẻ đi lễ mà giầu có thì họ mua những thứ hàng hóa quý giá ở những hiệu tây, hoặc là khi ông quan tỏ cái ý không muốn nhận những thực phẩm kể trên, vì đã thừa dùng, và sợ nếu nhận thì lại phải cái phiền đem những thứ cồng kềnh, lặt vặt kia mà cho bớt họ mạc.

Có những ông quan trường bảo ngay người dân một cách trơ tráo rằng muốn nhận những thứ lễ vật ấy bằng tiền bạc thật, nhưng số tiền mà dân hàng tổng hàng xã gom góp lại rồi cử một kẻ tai mặt đem lên quan mà trao tay, chứ không phải bầy vẽ hành nghi gì nữa. Cái hình thức hối lộ ấy, dân chúng gọi là chè đen, vì chữ đen có nghĩa là hữu danh hữu thực, sờ mó được, và có nghĩa là tiền nữa, vì những đồng tiền kẽm, xưa kia thiên hạ vẫn gọi là tiền đen. Khi mà người ta muốn tránh cái tiếng ăn tiền, ăn chẳng hạn có một đồng bạc thôi, thì người ta gọi thác đi là nhận một nửa cân chè.

Cùng vào cái khoản bổng lộc ấy lại phải kể cả những thứ lễ mừng (cadeau de réjouissance) mà các hương lý, tổng lý phải đem dâng cho một ông quan mới đến nhậm chức hay là mới được thăng chức, hay là vào dịp có một sự hiếu, hỉ chi đó trong gia đình nhà ông quan, cưới xin, khao vọng ông bố, lục tuần bà mẹ, được phong sắc, hoặc có tang cớ, hoặc có giỗ tết… Ông quan tốt nhận những lễ vật ấy coi là sự tự nhiên, nhất là khi những lễ vật ấy lại có nghĩa lý, lại được việc, và có ngụ cái nghĩa kính cẩn bề trên rất cần cho tôn ty trật tự nữa. Vào những dịp có sự vui mừng, ông quan ấy chỉ cho mời mọc những kẻ thân cận dưới quyền của mình và bảo họ không nên đem gì đến cả và để cho những người ấy tự do có muốn đến thì đến, bằng không thì thôi. Cho nên cái việc mời mọc một kẻ dưới đến họp tiệc là một điều rầy rà, khó nghĩ. Cái việc mời mọc ấy chỉ được hoan nghênh những khi nào cái lòng thanh liêm của ông quan là không ai chối cãi nữa, và thiên hạ thấy hiển nhiên rằng quan mời là vì muốn vui lòng thết đãi kẻ dưới mà thôi, chứ không phải vì cái manh tâm bó buộc người ta phải đem lễ vật tốn kém đến, tùy theo cái sở thích của ông quan hay là cách đánh giá những lễ vật ấy ở nơi phòng kín. Phong tục có khi công nhận, có khi bó buộc những kẻ tùy thuộc phải họp mặt vào những dịp có đại sự ở cả nhà ông chánh tổng nữa: Tang lễ ông bố, bà mẹ, người vợ, ngày giỗ bố, giỗ mẹ, cưới xin của người trưởng nam hay trưởng nữ. (Đối với những nhà đông con thì người ta giữ cái nhã độ không phải đi mời mà để cho thiên hạ tự nhiên phải đến, khi cưới xin những con thứ).

Đối lại, nếu nhà nào nhiều công to việc lớn quá mà cứ hễ đụng bát là đủ có mời mọc những kẻ dưới quyền, thì sự ấy rất không được hoan nghênh, nhất là khi sự chủ lại là một tay thần thế, có nhiều người dưới quyền mình. Nếu cứ phải bày vẽ ra những sự chè chèn ấy, thì người ta đành phải làm ở nơi quê nhà, chứ không làm sờ sờ ngay ở nơi mà người ta đương trọng nhậm, và phải giấu kín những sự ấy cho kẻ dưới không biết đến. Hoặc là bần cùng không giấu được khắp mặt, thì người ta cũng có mời mọc dăm người và dặn bảo rằng nên đem cho thứ lễ vật này, khác, rẻ tiền, cho phải phép, ít nhiều có lễ thì thôi. Cái việc mời mọc tiệc tùng mà lại dặn những người được mời phải “chước cho” đồ lễ là một việc rất nhã nhặn, rất ý tứ, nhưng mà phải vì lòng thành thực cực điểm thì thiên hạ mới không dám làm trái lời dặn bảo. Không phải bất cứ ông quan nào mà cũng là có cái địa vị được người tùy thuộc đến ăn uống tin rằng mời là mời mà thôi, chứ không có ý cầu lợi đâu.

Lại còn một thứ quà lễ tết cũng đáng liệt vào hạng những lễ vật tâm thành, tự nhiên. Đó là những hoành phi câu đối, đồ thêu hay đồ sơn, mà người dân phải gom tiền của nhau để mừng quan trên, hoặc vào dịp khánh thành nhà mới, hoặc để dâng làm kỷ vật, tỏ bụng nhớ ơn. Tùy theo cái tình giữa người đem dâng lễ và người nhận lễ, cái thứ đồ biếu ấy có khi giá trị là ở văn chương hay dở chứ không ở đắt tiền hay rẻ tiền, mà cũng có khi thì trái hẳn lại. Khi mà câu văn là cao xa bay bướm, có giá trị văn chương thật sự, thì người nhận lễ có khi bỏ tiền túi ra mà trả thay cho bọn người dâng lễ cái giá trị tương đương với cái hào nhoáng bề ngoài của vàng son, để tỏ cái ý rằng nhận là nhận cái chữ, cái tinh thần câu văn mà thôi. Đó là những trường hợp mà người nhận lễ thành thực được vui lòng, cho là có hân hạnh vì cái đồ lễ. Nhưng mà muốn thấy sự đời tốt đẹp cho cả mọi người thì thiên hạ phải cư xử hành động một cách kín đáo và ý nhị lắm thay! Nhưng cái kỷ vật thành thực, những sự đền ơn đích đáng ở đời là hiếm lắm, và ở nhà một ông quan trên có nhiều kỷ vật quá, thì ta cũng phải nên ngẫm nghĩ một chút vào đấy mới được.

Lại có thứ đồ lễ tuy không đắt đỏ cho lắm, nhưng mà vì nó là thông dụng quá, và sự thâu nhận nó có tính chất “lem lém như máy” cho nên  người ta phải nhận rằng đích nó là một thứ bổng lộc mà người ta ước lượng được một cách dễ dàng hơn là cả sự tính lương tháng nhà nước nữa. Ấy là cái lễ trình (cadeau de présentation) nghĩa là cái tiền phải mất thì mới vào lọt cửa vậy. Xưa kia, cái thứ lễ trình ấy chỉ có là 2 bao chè cho mỗi buổi hầu không can hệ hay là 8 bao (nghĩa là 1 cân) cho những buổi hầu có việc khẩn cấp. Vì lẽ những quan trường chẳng hoài hơi lo sự làm giàu cho những chú khách buôn chè, nên chi mới có một cách “tổ chức” ở những nơi dinh thất, tư gia. Một đứa đày tớ chân tay được ủy thác vào cái việc nhận và kiểm điểm những bao thiếc ấy, những bao chè mà lâu dần thì người ta không để ý đến cái gì đựng ở trong nữa. Người ta lại đem bán lại cho người chủ hiệu ở trước cửa, cái người xin được phép dọn hàng là được một cái đặc ân, để mà mua lại bằng giá buôn, tính một lần cho xong xuôi công việc mãi mãi, mà cũng không cần xem xét đến giá trị cánh chè xấu tốt, hay bao thiếc có thủng, bẹp hay sao nữa cũng chẳng biết. Những bao chè ấy thì lại có người dân khác đến mua để lại đem vào lễ, cứ thế mãi mãi. Nó vào cửa trước rồi nó lại ra bằng cửa sau. Dần dần, người ta bỏ hẳn cái lối lễ trình ấy, vì nó cồng kềnh phiền nhiễu lắm, để mà thay vào bằng tiền. Vào lúc xã hội mới …cải cách xong thì người dân quê cũng còn đem một chút hình thức bề ngoài vào việc đi lễ lạc. Họ kiếm những đồng bạc mới tinh tươm để vào khay mà dâng trên trán sau khi lạy hai lạy lên gối xuống gối cẩn thận để nói về cái vi thành bằng chè đen như đã cắt nghĩa trên kia. Chắc vì thế mà người Tây mệnh danh cách đút lót ấy nơi cửa công là một cái lạy. Nhưng về sau người ta thấy cái khay là kềnh càng quá, và không trông được, vì có khi trong khay có 2 đồng bạc thì lại cũng nhiều khi trong khay chỉ có 5 hào con mà thôi; thế là người ta lại cải cách một lần nữa, vì cái lối ấy vừa nguy hiểm lại vừa khó coi. Cái đứa đầy tớ trước kia được cắt đặt vào việc nhận chè thì về sau nghiễm nhiên trở nên một tay viên chức thu thuế, ngay ở công đường − đã được lệnh cho vào hầu những kẻ nào đã nộp tiền vào rồi − và lại là ông thư ký kế toán của chủ nó, cái người tối đến thì sẽ khám két và tra soát sổ sách. Bằng cách ấy thì các quan phụ mẫu cũng đỡ muối mặt, vì cái tên đầy tớ ấy có cái vẻ là chính nó nặn bóp dân chứ không phải là chủ nó, mà tiền vào cửa kia chỉ là tiền diêm thuốc cho kẻ tôi tớ. Ông chủ nó lại còn được thể mắng mỏ và xua đuổi những anh dân khờ dại nào chưa biết cái lệ mới mà cứ đem những thực phẩm vào dinh. Bị đuổi ra, người dân quê bao giờ cũng được có ai chỉ bảo rõ ràng cái cung cách phong thể, kín đáo…

Tôi không cần nói nhiều về những chi tiết của sự tổ chức ấy nó có thể biến hoá ra thiên hình vạn trạng. Cái thống hệ kia đã đắc dụng rồi thì cái số bổng lộc của ông quan sẽ là nguyên động lực cho không biết bao nhiêu công việc, bất cứ là can hệ hay là nhỏ nhặt. Thế là, ông quan nào mà muốn có một số bổng lộc hàng tháng cho hậu, thì chỉ việc kiếm chuyện ra để làm cho cách ăn tiền đã nói, được hoạt động thêm lên. Muốn cho những người dân đi kiện cáo hay có công việc gì vào dinh thất phải đi qua khắp mặt nha lại theo thứ bực từ dưới lên trên để cho bọn này cũng được dự phần bổng lộc tuỳ theo cái ngôi thứ lớn nhỏ, người ta đã chẳng ngại bầy đặt ra cả một bộ luật lệ về giấy má phiền phức. Ông quan nào mà biết cắt đặt, vặn cho cái máy làm ra tiền ấy chạy được điều hòa thì, ngoài cái tiền vào cửa của dân đen mà cái quyền ông được nhận là không ai dám chối cãi, lại còn được nhận một phần vào cái số tiền mà kẻ tùy thuộc nhân có mình mà lấy được của dân. Tất cả những sự như thế họp lại thành một cách thức bóc lột rất tài tình, thật chẳng kém phương pháp lý hóa của người Mỹ (standardisation américaine) vậy. Dân gian ai cũng không thoát ra ngoài cái công lệ ấy, ông quan đánh thuế mãi lộ vào đầu họ một cách chẳng nguy hiểm gì cả, thật rõ như sở kiểm lâm đốn gỗ trên rừng, vì người dân quê vào dinh mà mất tiền thì không khi nào lại kêu ca. Đó là một khoản chi mà họ phải gánh vác một cách không lưỡng lự, và gánh vác xong thì mới biết rằng dây với quan lại là tốn tiền. Họ chỉ còn cách ghi vào ruột họ rằng từ rày thì xin kệch cái sự lui tới cửa công. Nhưng mà một ông quan tài giỏi thì lại thừa biết cách gây ra sự giao dịch lôi thôi, bắt dân phải năng đến với mình. Ấy chỉ vì nguyên nhân ấy mà đồng bào chúng ta tôn lên làm thần thánh những ông quan nào giản dị, dễ dãi, cố ý tránh cho dân gian cái việc phải lên hầu quan, nghĩa là tránh cho họ khỏi bị bọn nha lại bóc lột, vì rằng chung quanh công đường vẫn có hằng hà sa số những kẻ tùy thuộc: lính tráng, cai cú, mật thám, điềm chỉ, ưng khuyển, tay sai… thôi thì đủ thứ người sống vì cái nghề dọa nạt, vòi vĩnh, đánh mắng những người dân đen nào vô phúc có việc gì phải đến cái chỗ đáng ghê rợn ấy. Ông quan nhân từ phải là ông quan nào lưu tâm ngay đến cái sự kbủng bố mà kẻ dưới quyền mình reo rắc cho thường dân, và họ muốn được vào hầu mình, thì đã tốn kém như thế nào. Vẫn hay rằng sự cần thiết của một thứ thanh thế chi đó buộc ông quan đó vẫn phải giữ dưới quyền mình một kíp bộ hạ họ sống bằng những bổng lộc, chứ không thể bỗng chốc mà trừ cho tiệt… hay bãi bỏ hẳn… Cho nên, trái hẳn với một nhà buôn, một ông quan có đức phải hết sức tránh cho dân cái việc tiếp xúc với mình hay với bộ hạ của mình. Khi cần có kẻ bộ hạ cố nhiên phải để yên cách mưu sinh cho bọn bộ hạ nhưng mà chỉ để cho bọn ấy không đến nỗi thiếu thốn những cái thiết dụng mà thôi. Nói tóm một câu, đó là một hạng người chẳng đáng phải quan tâm lắm, vì cái đời của họ chính là một điều vô luân, phi lý. Bọn người ấy chỉ có thể sung sướng được nếu ông quan thầy của họ là tham nhũng khét tiếng, và họ sẽ kêu la, nhăn nhó, nếu quan thầy của họ cho dân đen được thì thọt vào với mình một cách dễ dàng.

Bây giờ ta thử bàn đến nạn hối lộ (corruption) mà người đời đã gọi nhầm là concussion (hà lạm, phù thu). Danh từ concussion đáng lẽ chỉ nên ứng dụng vào cái việc một công chức nào đã thâu nhận một số tiền cao quá cái số đáng phải nhận, hoặc là nhận cả hóa sản khác nữa, hay là nhận kém cái số đáng phải nhận, vì tư tình, hay là làm thiệt hại cho công quỹ, hay là trái hẳn với lẽ công bình. Còn danh từ corruption thì có thể gọi vào cái việc một công chức bắt người sự chủ phải trả tiền công mình tùy theo một việc định đoạt của nhà nước hay của luật pháp, khi người công chức ấy đã ăn lương của chính phủ để mà làm việc ấy. Muốn cho đầy đủ nghĩa lý, cải danh từ ấy thì lại phải kể cả rằng cái việc bắt người ta mất tiền cho mình để mình không làm cái việc đáng lẽ phải làm, vin cớ là quên, là sao nhãng hay là nhầm lẫn, cũng có thể đáng khép vào tội corruption. Cho cả đến cái việc nhận sự đền ơn bằng tiền bạc hay hóa vật của một người nào sau khi có một việc hợp công bình, hợp luật lệ mà thôi chứ không phải có mục đích thiên vị ai mà lại nhận sự đền ơn, thế cũng đáng bị buộc vào tội corruption.

Cái sự “hối lộ kiểu mẫu” (corruption type) [VV: có lẽ nên dịch là “kiểu hối lộ”] dễ cắt nghĩa hơn hết thảy thì là việc một ông quan án bó buộc người dân đi kiện cáo phải đút lót mình để rồi sẽ tuyên những bản án có lợi cho họ.

Kể về phạm vi hành chính thì sự hối lộ là: ăn tiền để thăng chức cho kẻ dưới quyền trong khi những kẻ dưới quyền khác không được thăng; ra những luật lệ ngang ngược cho dân để bóp nặn những kẻ nào không muốn tuân những luật lệ ấy; để cho người đút tiền hưởng những sự đặc ân, những sự miễn thứ này khác; man trá về kết quả những kỳ thi để cho đỗ hay ký bổ những thí sinh có đút lót tiền.

Ấy đó là những hình thể của cái thứ buôn bán ấy mà người đời dễ có cái “máu tham hễ thấy hơi đồng” một khi người ta quên mất cái trọng trách của kẻ trí thức hay là cái thiên chức thiêng liêng cầm cân nảy mực cho xã hội, khi mình là tai mắt, thượng lưu. Nói cho cùng ra, sự hối lộ ấy cũng chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên lắm cho loài người. Nhưng mà ta phải xét nét những hành vi phức tạp trong cái nghệ thuật bóp nặn ấy từng li từng tí một, thì mới có thể thấy rõ cái nham hiểm, cái tham lam của một vài kẻ. Thường ra, chỉ có những quan chức còn khờ dại thì mới để bị bắt quả tang hối lộ, chứ những kẻ tinh khôn, láu lỉnh, thì thừa biết cách tổ chức công cuộc bón nặn của họ một cách rất khôn ngoan. Không những bọn này chẳng bị tội bao giờ mà lại còn được quan trên cho là thông minh, hoạt động là khác nữa.

Nào, ta thử chịu khó khảo cứu về cái khoa học chuyên môn cực kỳ tinh xảo ấy xem sao. Trước hết mọi điều, chưa chi hay phải nhớ như chôn vào ruột, là cái nguyên tố, cái khởi điểm mà không bao giờ ta nên đứng chệch ra ngoài nếu ta không muốn thấy hỏng việc, mất chức, cho ta hay cho bọn tùy thuộc của ta.

Phải giữ sao cho nguyên vẹn cái lệ hễ cứ người dân nào vào hầu là cũng phải có tiền, và công việc chạy chọt thì bao giờ cũng phải có lãi chứ đừng để lỗ vốn. Nếu nói như các nhà buôn, thì thế nghĩa là: đừng nên giảm giá hay phá giá, đừng để cho khách hàng quen thói trả rẻ.

Nếu ông không làm được việc ấy thì nên giao phó nó cho một tay chuyên môn. Phải là rất khó khăn không cho dân đen được gần gụi mình. Không tiếp một người nào cả nếu chưa có sự ưng thuận của tay chuyên môn kia. Về mặt xã giao, thù tạc, đối với những người bạn chơi bời và không vụ lợi thì nên tiếp đãi cho rộng rãi, còn đối với những ông hay nhờ vả, hay xin xỏ cho bạn hữu riêng của các ông, thì nên tránh như ta phải đề phòng bệnh dịch hạch. Phải biết cái gì là tính cách duy nhất trong sự giám đốc công cuộc lớn lao! Phải trông cậy hẳn vào một tay cố vấn chuyên môn, việc gì cũng không để lọt khỏi quyền hạn!

Còn nếu ông thạo đời thì lại khác hẳn. Chỉ một mình ông là chủ động những mánh khóe mà thôi. Tự ông, ông sẽ biết cách phân chia mối lợi sao cho khỏi quân phân bất tề, sẽ biết cách ăn cái số tiền như đã nhất định muốn ăn, và lại phải thế nào cho đủ khôn ngoan để khỏi mắc bẫy hay bị quan trên ngờ vực.

Những nguyên tắc ấy, một khi đã thâm nhiễm rồi, thì chỉ còn phải lo sao công cuộc tiến hành cho nhất bản vạn lợi nữa mà thôi. Muốn thế, thì phải hiểu biết tất cả mọi sự xảy ra trong các làng, các xã, và nếu cần, thì phải có một ban… cảnh sát riêng, thám tử riêng để tra xét cho tường tận xem những biên bản của kẻ tùy thuộc có thật đúng sự thực không. Mỗi khi thiên hạ đã cho ông là việc gì cũng biết rõ, thì họ không dám giấu giếm ông điều gì nữa, thì bất cứ sự gì cũng phải qua tay ông, dẫu rằng có việc không thuộc quyền xét xử của ông vì cái chế độ phân quyền.

Sự biết rõ tin tức lặt vặt ấy còn có lợi cho ông, đối với quan trên nữa. Thôi, thế thì chẳng còn lo ngại gì những điều bất ngờ rủi ro, chẳng còn lo chi một vụ hội kín trong địa hạt của ông nó có thể khiến ông phải bị đổi đi, bị khiển trách, hay mất quan nữa, hay có khi bị truy tố là tòng đảng nữa. Đó là một sự tổ chức vừa rất cần thiết cho cái đời làm quan của ông lại vừa chỉ có lợi. Vì rằng một ông quan được tiếng là cái gì cũng biết thì cứ hỏi người nào một câu cũng đủ khiến cho người ấy lo sợ thất thần rồi, bởi cớ rằng nếu dưới quyền ông mà người nào cũng chăm lo cho đủ bổn phận, thì việc gì ông còn phải hỏi đến ai! Như vậy điều gì người ta cũng phải mách bảo, tâu nộp ông. Nếu một viên lý trưởng hay chánh tổng chậm thưa lên ông một điều gì mà để ông phải hỏi đến, thì đó cũng lại là một việc nảy ra tiền rồi, vì kẻ bị chộp kia thế nào cũng phải nhận lỗi và xin có lễ tạ. Và ông cứ việc tin vững rằng những kẻ phải biện lễ ấy chẳng đời nào dám than phiền với một ai đâu! Nếu ông tha tội hay bắt tội là tùy theo cái sự cẩn mật đáng lẽ phải có của những kẻ đã chót chểnh mảng kia là rất cần cho sự trị an lắm, hay là không cần, rằng ông là quan thì một sự soi xét và cẩn mật của ông thôi cũng đã là đủ hay chưa là đủ. Nếu phải cứ bắt tội, nghĩa là không nhận lễ, thì cũng vẫn có cách gỡ gạc, nghĩa là cái đứa đầy tớ chân tay bất cần mà bị trị tội, tất nhiên nó phải nhường chức cho một đứa khác. Thói đời là thế, người ta chẳng ngại gì đem tiền đến cho ông sơi để mà làm đầy tớ ông, khi ông là một vị thủ hiến sắc mắc biết cách ăn tiền, và biết cách gây ra cho bọn tôi tớ dưới quyền cũng được ăn.

Ai đi tưởng rằng cái kế hoạch bầu đại biểu bằng phiếu kín bỏ vào thùng mà lại không đem ra buôn bán được, thì người ấy nhầm to. Ở xứ này cũng như ở các nước có chính thể đại nghị, ấy là cái phái đương cầm quyền bao giờ cũng vẫn lạm dự vào cuộc công cử mà kết quả là đúng với cái ý muốn của ông quan thủ hiến biết cắt đặt, cai quản. Chỉ có nhưng kẻ được quan trên đỡ đầu thì mới ứng cử được cũng như chỉ những kẻ mà người ta ưng cho cầm lá phiếu đi bỏ thì mới được là cử tri. Cũng có khi bất thần xảy ra cái sự gở, là dân đi bầu đã giác ngộ, chẳng chịu bỏ phiếu theo ý quan trên. Tức thì người ta phải dùng đến cách lục lõi, hạch xách người ứng cử nào đó là bất hợp lệ bằng một nghìn lý luật bí hiểm. Ông quan địa phương phải là một kẻ vô tích sự đến bậc, thì mới phải chịu để cho một kẻ mình không ưa được bầu lên ngay ở hạt mình.

Một ông quan thạo nghề thì biết cách bán những chức vị không ai thiết mà cũng được bằng những giá rất đắt nữa. Riêng về phần tôi, tôi đã biết rõ một chân chánh tổng không ai thèm tranh mà quan bán được cao giá, và tôi rất khâm phục cái tài của ông quan ấy. Khi mới đến nhậm chức, biết cái tình thế đáng buồn mà những ông quan trước đã gây ra, ông quan này bèn cho gọi vào dinh một người ứng cử rất bất ngờ, nghĩa là một anh lý trưởng đốn mạt nhất trong số các lý trưởng ở tổng ấy. Ông quan ấy cho không cái chánh tổng cho tên lý trưởng ấy, và chỉ dặn hắn rằng phải làm cách nào cho bọn lý trưởng khác không phản đối thì là công việc xong xuôi… Chính đó là một cách khiêu khích, “ném xương cho chó cắn nhau” như ta nói nôm, vì rằng, 8 hôm sau, tất cả cái tổng ấy đã bỏ tiền ra chạy để cho hàng tổng tránh khỏi cái nhục nhã nếu có ông chánh tổng đốn mạt mà quan trên muốn cho ra, ấy là không kể đến người ứng cử bất đắc dĩ khác mà dân hàng tổng phải cắt cử ra tranh, để khỏi bị cái tên lý trưởng khốn kiếp kia lên cai trị cả tổng. Mà cái tiếng được quan trên cắt cử, cũng phải mất gì mới có được! Ấy đó, một ông quan có thiên tài, là như thế đó. Vì rằng ngoài cái lợi riêng mình được hưởng, lại còn được tiếng với quan tỉnh là thông thạo, biết cách tăng giá cho một món hàng ế ẩm không ai hỏi mua. Vả lại, với những thể lệ mới ban ra, thiên hạ ai cũng hiểu rằng tất cả những vụ bầu lý trưởng và chánh tổng đều phải qua tay ông quan đầu tỉnh và cho ông ấy kiếm chác được. Khi có một chân nào khuyết, tức thì bọn tranh cử phải khai, không phải ở phủ đường hay huyện đường, nhưng mà là khai quan tỉnh, để ông này chuyển giấy má cho các quan lại dưới quyền phải trông nom vụ bầu cử, nghĩa là phải bảo đảm cái số tiền mà bọn tranh cử sẽ phải vi thành sau. Vào trường hợp ấy phủ và tỉnh phải thỏa thuận nhau về cái “giá đổ đồng” nghĩa là tỉnh ưng cho phủ, huyện lấy cái số tiền hồ cháo để nha lại cũng được chấm mút, kiếm thêm… Sở dĩ chúng tôi để ý đến cái điều chi tiết trong cuộc tổ chức hối lộ ấy chính là vì có sự kêu ca của một số phủ, huyện vậy.

Xưa kia, theo thống hệ cũ, các viên phủ, huyện được tự do kiếm chác nhiều hay ít là tùy cái chân lý trưởng hay chánh tổng khuyết đó có béo bở hay là không, nhưng bây giờ, họ phải chịu với quan tỉnh bất cứ vụ bầu nào cũng vậy. Thế là, từ độ cải lương, những chân chánh, phó tổng hay lý trưởng lại do cái luật mới đánh giá. Và những quan phủ huyện, đem mệnh lệnh của quan tỉnh ra làm cớ, đã ở trong cảnh bó buộc phải sới móc cho ra tiền.

− Không phải do ở tôi; nếu chỉ kể có cái phần của tôi thì tôi sẵn lòng miễn cho anh ngay, nhưng mà, còn cụ lớn (tức là quan tỉnh vậy).

Ấy đó là cái câu thông dụng người ta rót vào tai những kẻ đã được bầu rồi mà lại toan vô ơn. Và ta phải công nhận rằng nhiều khi phủ huyện nói thế là đúng sự thực lắm. Do lẽ ấy, ta phải kết luận rằng, cứ như cách thức cai trị dân bản xứ và cái trình độ nhân tâm bây giờ, nếu một việc gì càng có nhiều người tham dự vào thì việc ấy lại càng đắt đỏ cho người lo việc. Cái điều mà chính phủ Pháp coi là sự đảm bảo cho công lý thì lại bị dân chúng coi là sự lôi thôi, vô ích, và đắt tiền cho họ. Chính ra, người dân quê thích thà rằng chỉ một quan phủ hay một quan huyện của họ là tiếp xúc với họ mà thôi, vì đối với phủ huyện thôi, họ phải chạy nhiều hay ít, hay có khi không phải chạy gì nữa, là tùy theo cái giá trị béo bở hay suông tình của cái danh phận.

Nhiều ông quan địa phương lấy làm bất mãn về cái thể lệ mới nói về việc bầu hương lý, tổng lý, vì thể lệ ấy làm cho dân hạt của họ không thuộc quyền kiếm chác của họ, trong khi quan tỉnh ngồi mát ăn bát vàng. Cho nên đa số các quan phủ huyện vẫn thích được tự ý đánh giá những chân tổng lý. Hình như có được thế thì họ mới giữ được chút ít công bình trong cái kỹ nghệ phát đạt ấy, là sự bầu cử ở chốn hương thôn.

                                                   ***

Bây giờ, ta nên nói đến những việc linh tinh khác, đại loại những việc trong các thôn xã mà quan trên phải can thiệp. Cướp bóc, trộm cắp, án mạng, trọng tội hoặc khinh tội, tai nạn bất ngờ hoặc mưu hại, ngần ấy sự đối với ông quan địa phương đều là có thể nảy ra tiền được cả, vì trước khi bẩm tỉnh, quan địa hạt tất phải mở cuộc điều tra. Ấy chính là nhờ ở cái lệ điều tra ấy mà người dân nào dính líu vào việc đều phải nghĩ cách hối lộ để quan trên lập những biên bản có lợi cho họ. Chỉ vì mục đích kiếm chuyện, người ta đã bầy ra những hình thức hệ trọng để cho dân gian phải khiếp đảm, và để rầy la bọn hương lý tùy theo cái trách nhiệm lớn nhỏ của họ. Theo những lề thói nghìn năm rất quý hóa, tất cả những nhân viên có phận sự đi điều tra đều được dây máu ăn phần vào cái việc sống trên lưng nhân dân cho mãi đến khi nào bảo là xong việc thì thôi. Thôi thì đủ mặt: thừa phái, lính lệ, lính cơ, mật thám, thảy đều tổng động binh khi nào có một vụ trộm, hỏa tai, án mạng, đến ăn ở và hạch sách tại nhà khổ chủ. Nếu sự chủ không đủ tư cách tiếp đãi bọn ấy thì ông lý trưởng sẽ phải nhân danh cả xã mà tiếp đãi bọn kia, để rồi sau, tính tiền ba ra tiền bảy cho cả làng phải chịu nữa. Nếu làng nào được quan thương, thì người ta thỏa thuận nhau ở chỗ phái ít người về làng thôi, và đừng trì hoãn công việc. Như thế, chúng ta phải nhận đó là một bước tiến bộ. Thảng hoặc cũng có những làng mà người dân cứng cổ không chịu để bóc lột: họ điều tra lấy và không nhận người phái của quan. Nhưng mà khó lòng mà từ chối tiền diêm thuốc của một anh lính đem giấy công văn, mỗi khi biết không thể hạch xách được thì kêu xin lè nhè. Ông quan phụ mẫu có thể chơi khăm mà cứ mỗi ngày lại có trát đòi ông lên hầu một lần, nếu ông không biết cách mua chuộc lòng quan hay là không biết thủ lễ mà lên hầu ngay khi mới xảy ra việc. Sau cùng, người dân có thể mặc cả trước được để khỏi bị nhũng nhiễu quá, bằng cách đem lên cái “lễ trình” hay cái món “chè đen” đã cắt nghĩa ở một bài trên.

Sau cuộc điều tra, thể nào quan địa phương cũng phải bẩm tỉnh, đó là sự không thể không làm được mỗi khi có một chuyện hơi hệ trọng. Nhà nước tưởng đó là một cách đảm bảo công lý cho dân gian nhưng sự thực, việc bẩm tỉnh ấy chỉ bảo đảm cái bổng lộc thêm cho các quan tỉnh nữa mà thôi. Xưa kia, ông quan huyện chỉ phải bẩm tỉnh những việc lôi thôi, và có quyền không xét xử những chuyện nhỏ nhặt xảy ra tại các thôn xã. Cho nên bậc dân chi phụ mẫu xứng đáng, là ông quan hết sức hòa giải mọi việc chứ không bẩm tỉnh. Bây giờ, đối với sự chủ không chịu biện cái lễ trình, người ta đem cái sự bẩm tỉnh ra mà dọa nạt. Thành thử chính phủ bắt bẩm tỉnh tất cả mọi việc, mục đích cốt là trừ nạn hối lộ, mà té ra, lại chỉ đến cái kết quả là ai cũng được ăn hối lộ, mà người dân càng thêm tốn tiền. Vì rằng một khi người dân đã phải lo đến cái biên bản về việc của mình sẽ đệ lên quan tỉnh, thì chẳng ngại gì về sự chạy chọt để làm cho những biên bản ấy có lợi hoặc vô hại cho mình, nghĩa là bỏ tiền ra… Kể về mặt ấy, sự tập trung quyền hạn vào quan tỉnh không những đã là tai hại cho lương dân, lại còn gây ra bao nhiêu cái lôi thôi về giấy má vô ích.

Tôi rất tán dương cái cách biên sổ nhật ký của các ông phủ, huyện cách đây 20 năm, để mỗi tháng hai kỳ trình lên ông sứ. Trong thứ nhật ký ấy, ông phủ hay ông huyện phải ghi chép rõ ràng những việc lặt vặt và cách khu xử của mình, trong cái nửa tháng ấy. Thôi thế thì cứ liệu mình cho những ông quan nào gian lận, vì nếu một việc kêu rằng đã xét xử xong rồi mà lại còn vỡ lên đến quan trên, thì các quan tỉnh đã có căn cứ để mà tìm tòi nguyên cớ tại sao người dân lại chưa chịu thôi đi. Không hiểu luật chăng? Điều tra chưa đủ kỹ chăng? Bất công, thiên vị chăng? Các quan phủ huyện tất phải rất thận trọng việc cai trị dân của mình. Như thế, các quan địa phương lợi được chỗ tỏ mình là có quyền hành, và nhân dân cũng đỡ phải chạy tiền, đỡ mất thời giờ lui lới công môn.

Bây giờ, ta nói đến các tòa Nam án. Với cách tổ chức mới mẻ chỉ hết giấy má này đến sổ sách khác như thế, thì chỉ những ngài lục sự là được béo bở. Chính ông quan án thì lại không có quyền gì nữa. Ông quan tư pháp có thể kiếm chác được khi ông biết ngón bắt những người lập hồ sơ phải xoay cán bút để đổi câu văn, hay là ông sẽ ở trong tay viên lục sự là người công chức của cái ngạch mới lập rất có thế lực vì phải thảo ra biên bản và biết cách ấy lắm… Như thế thì ông quan xử án chỉ còn có việc tuyên án theo hồ sơ biên bản của bọn người dưới mà thôi. Sự cải cách như vậy là chỉ có lợi cho một số rất ít dân thông thạo pháp luật lắm, chứ không ích gì cho cái đại đa số, là những người ù ù cạc cạc mở miệng không nên, không biết khai, phải chịu cho bọn lục sự làm gì thì làm, và phải nhờ cậy họ khai cho, hay là biên chép hộ cái gì có lợi trong sự cung khai. Đối với những người có lương tâm, đó là một việc rất khó khăn nó sai một ly thì đi một dặm, và đối với kẻ tham nhũng, thì đó là rất béo bở. Bọn tham ô làm cái sự ấy chẳng nguy hiểm gì cả, vì những lời khai báo tất nhiên là tự nó nó cũng mâu thuẫn lẫn nhau rồi, nhất là ở dưới đó lại có chữ ký của bên nguyên và bên bị, thì bọn lục sự chẳng còn có trách nhiệm gì nữa, dẫu rằng về sau có sự phản cung ở nơi tòa án. Theo cái phương diện nền nếp và phong tục, đó là một điều vô cùng láo lếu khi ta thấy tại một vài tỉnh, viên lục sự lại quyền thế hơn cả các quan. Các ông quan tỉnh phải nể nang người này, những khi muốn lấy tư tình can thiệp vào một vụ kiện. Vả lại, muốn cho công việc trôi chảy, cái người công chức mới ấy thường vẫn phải ăn ở sao cho thuận cảnh, nghĩa là họ biết cách ăn cánh với những ông quan tỉnh mà quyền thế là hữu danh vô thực như thế, một cách rất tinh ranh.

Trong nước này, có cả một đạo binh đông đúc những thầy cò đi kiếm việc hộ cho những quan lại hoặc công chức tham nhũng, và cho cả những phòng luật sư nữa. Đối với con mắt người dân quê An Nam chất phác, bọn thầy cò này là một bọn người thừa hành pháp luật theo một lề lối đặc biệt mà người Tây phương không bao giờ ngờ được, vì đối với người Tây phương, đã gọi là thừa hành pháp luật thì lẽ tự nhiên ai cũng đều tận tâm bênh vực cho lẽ phải cả.

Người dân quê An Nam lấy làm rất khó hiểu làm sao lại cần phải có một ông tai to mặt lớn lấy tiền của sự chủ rồi mới thay mặt họ đem những lý lẽ bầy tỏ được đắc thế trước tòa án; bởi vì đối với họ, đã có ông quan án xử án thì ông quan án tất phải là người minh mẫn, tự một mình mình cũng đủ phân phải trái được. Nếu trong việc xử kiện, ông quan án thể nào cũng phải nhờ có ông thầy kiện chỉ bảo cho lẽ phải mới xử được công bình, thì có phải rõ rằng ông thầy kiện lấy tiền của một người rồi biện hộ người đó, thì ông thầy kiện tức là một ông quan án đã được luật pháp cho phép đem tài trí và thanh thế ra buôn bán rồi không? Tóm lại một câu, đó là một nghề không thể dung thứ được, đối với cái óc dung dị của người dân An Nam xưa nay vẫn quen coi sự thực hành công lý như một việc mà người thực hành, đúng lý ra, không được nhận tiền của ai cả. Cho nên khi một người có việc phải đi thưa kiện mà lại mất liền, thì dẫu cho cái việc của người đó có khó khăn và đáng phải trả tiền công thật đi nữa, tiền công đó cũng liền bị coi là một thứ bổng lộc phi pháp ngay. Chính đó là một cái nguyên nhân nó làm cho dân An Nam bảo rằng những ông thầy kiện là những nhà buôn đã có đóng môn bài để buôn bán công lý. Họ bèn trộn lẫn lộn thầy kiện và thầy cò vào cùng một bị, tuy rằng cũng có phân biệt, là thầy kiện chỉ hơn thầy cò ở chỗ có quyền cãi trước tòa án mà thôi.

Tôi tin rằng tôi ghi ra đây cái tình thế đặc biệt ấy, là rất hợp ý với một số các ông thầy kiện nào rất có lương tâm về chức vụ, thấy nói như thế thì cũng lấy làm áy náy và sẽ lưu tâm đến cách phải làm làm sao cho cái dân An Nam còn  quê mùa này có thể hiểu được cái hay, cái tốt ở trong nghề mình. Nói như thế, chính là muốn bênh vực những điều tốt đẹp trong cái chính thể dân chủ nước Pháp, những điều mà, tiếc thay! một số luật sư khác đã chót làm ô danh, chỉ vì có óc thực tế quá, cho nên đối với người An Nam miễn là làm cách gì lấy được đông khách thì thôi, chứ không cần giữ tiếng.

Bây giờ ta lại nói thêm mấy câu về những ông kiếm việc, có nhiều ông phòng giấy lúc nào cũng đông khách, có thể làm cho những phòng luật sư có danh tiếng cũng phải thèm muốn được.

Phần nhiều, những ông kiếm được nhiều việc nhất lại không phải là những người làm việc quang minh chính đại, nghĩa là đã đóng môn bài hẳn hoi về nghề kiếm việc. Phái người này làm ăn cũng giống như một số nghệ sĩ, thợ kim hoàn hay thợ thêu, thường nhận làm khoán những món hàng to mà không cần mở cửa hàng. Cái chức nghiệp thật của họ chỉ là sự họ thường đi lại giao thiệp với tất cả mọi người có quyền thể hoặc lớn hoặc nhỏ, nên có thể lấy tư cách là chỗ “thân-tình” với các quan trên mà can thiệp hộ những người quen của họ, tức là các khách hàng vậy. Muốn gây ra những sự quen thuộc có lợi ấy, thì bất cứ những phương pháp hấp dẫn và quảng cáo nào họ cũng đem thực hành tuốt.

Thôi thì đủ thứ: cờ bạc, chè chén, giai gái, hút xách. Cờ bạc và thuốc phiện vừa là những nghề gá chứa có lãi lại vừa làm cho khách hàng thành ra những bạn hữu có ích. Bọn chủ gá dẫu cho có khi chưa làm được xiêu lòng những khách hàng có quyền thế của mình, nhưng một khi mà các ông có thế lực kia đã lai vãng nhà họ, đã để cho người khác trông thấy rằng họ có cơ chạy chọt được việc này việc nọ, thì là đủ cho họ có thể “làm tiền” được rồi, vì lẽ rằng bọn người đang có việc gì cần chạy chọt, cầu khẩn mà lại thấy có người được tiếp đãi trong nhà một vài vị tai mặt nào có thế lực trong sự quyết định của nhà nước hay của tòa án, thì họ không còn trù trừ gì nữa mà bỏ ngay tiền ra để nhờ chạy việc hộ. Vì lẽ ấy, những người có địa vị to trong xã hội cần phải chọn lọc sự giao du lắm, và đừng để cho chủ những nhà mình hay đến chơi bời có thể lợi dụng tiếng tăm mình được, ngay trong sự đi lại đó.

Chính những kẻ thường vẫn kiếm được cho các quan lại và các công chức tham  nhũng lại cũng là những kẻ hay tiến dẫn khách hàng của họ đến các phòng luật sư. Đối với các quan cũng như đối với các thầy kiện, có thể nói là quyền thế của họ rộng hơn, vì họ có thể săn sóc đến hết các thứ việc, việc nào nên đem ra trước pháp luật, việc nào nên vận động một cách mờ ám, đều là tự ý họ kén chọn lấy con đường tiện lợi nhất.

Tại các tỉnh nhỏ, đều có một số rất đông những tay thầy cò chạy việc như thế, họ ở vào những địa vị và có những lề lốỉ sinh nhai rất khó hiểu, thường thì họ sống bằng những việc mà thiên hạ đem đến cho họ, nhưng khi nào cần, thì họ bới móc cho ra việc cũng có. Hạng người này hoặc là những công chức đã về hưu, bị đuổi hay bị thải, hoặc là những kỳ mục có thế lực trong làng, hoặc là bọn cho vay lãi hút máu hút mủ dân trong những vụ đổ thuế, hoặc nữa là những chủ hàng cơm mà cửa hiệu dọn gần sát ngay bên công đường quan phủ, huyện, toàn là những người cả đời sống đụng chạm với dân quê, hiểu hết những mối ganh tị hay ưu tư của họ, và biết cách vận động cho họ nên công kia việc nọ. Nếu ta muốn dò xét quan nha ở những chỗ ấy xem là thanh liêm hay tham nhũng, thì ta chỉ cần quan sát kỹ cái hạng người đặc biệt này là hạng người xưa nay vẫn ăn bám vào quan nha và mưu lợi luôn thể cho quan nha nữa. Khi ta thấy những kẻ mối lái kia đông đúc và thịnh vượng, ấy tức là công việc vẫn sầm uất, trót lọt. Trái lại, khi các quan không đem oai quyền ra buôn bán, thì bọn mối giới này rơi ngay vào cảnh thất nghiệp, hoặc là kêu ca ta thán hoặc là đành phải bán sới mà đi.

Cũng có nhưng vị quan rất thanh liêm mà lại bị dân gian căm hờn, bởi cớ rằng cứ nghiêm quá, cẩn thận mọi sự quá, làm cho những việc rất tầm thường cũng hóa ra rắc rối, thí dụ như bó buộc người dân có việc vào hầu phải tốn rất nhiều tiền đi cầu khẩn bọn chạy việc kia chỉ đường chỉ lối cho trước đã. Đây là một thí dụ để cho ta biết rằng muốn làm ông quan tốt, không phải hễ cứ thanh liêm mà đã là đủ. Lại còn phải có trí sáng suốt, có lòng dễ dãi để mà tránh cho đám dân dưới quyền mình khỏi ở trong cái cảnh lúc nào cũng nơm nớp lo có điều gì trái luật.

Đối lại, trong hoạn trường lại có một số người đặc biệt họ biết tham nhũng một cách nhã nhặn, vừa phải, thật là một lối tham nhũng đắc sách lắm, vì nó làm cho tất cả mọi người đều sống được vì nó mà không làm cho dân phải khổ sở quá. Cái thái độ này, than ôi! đã sinh thành nên những ông quan lớn có danh tiếng với cả nhân dân cũng như được lòng cả chính phủ, vì những ông quan lớn ở bực trên nữa cũng có lợi vào cái cách thức ấy, mà lại được yên tâm, không bao giờ phải lo có điều gì phiền nhiễu đến mình, khi thấy những kẻ ở dưới quyền mình đã khôn khéo trăm khoanh như vậy.

Trước khi kết liễu thiên khảo cứu này, tôi còn muốn mời các ngài để ý đến một cái nguồn hối lộ mới mẻ nữa cho các quan lại và những chân tay của họ. Ấy là một trăm nghìn sáng kiến của chính phủ Pháp vừa có từ ít lâu nay, tức là những cuộc điều tra, đòi hỏi về những con số để lập những bản thống kê về nông nghệ, kỹ nghệ, nhân công, mục súc, dân số, cùng những sự di dịch của dân gian, toàn là những điều hữu ích mà nhà nước cần biết rõ, nhưng mà người dân ngu không sao hiểu nổi được, tổng lý cũng vậy. Nhà nước in ra những mảnh giấy, chằng chịt những cột những dấu để chia lớp, chia đoạn rất khó hiểu, rồi trao cho lý trưởng để viết vào cho đầy, thì mỗi một tờ giấy đó thường các lý trưởng phải tốn kém hàng một hai chục bạc, bỏ ứng ra trước để rồi tính cho cả làng phải chịu sau. Vì rằng muốn khỏi sợ làm hỏng mất mảnh giấy in trịnh trọng và đẹp đẽ của nhà nước như thế, bọn lý trưởng đã nghĩ thà rằng nhờ quách ngay cái ông phán, ông ký nào đó ở công đường viết hộ còn chắc chắn hơn, mà ông phán hoặc ông ký kia phần nhiều lại chính là người đã được quan cử ra để kiểm soát và nhận những giấy ấy. Số tiền chè lá của hàng trăm làng trong một địa hạt như thế không phải là nhỏ, cho nên ta chớ tưởng rằng số tiền ấy chỉ riêng một mình ông ký kia được xơi cả thôi đâu. Tất cả các nhân viên trong công đường thường thường được chia nhau chấm mút, trừ ra nếu ông quan lớn không chiếm lấy cả và chỉ để giành cho người ông cử làm việc ấy có một phần nhỏ.

Xem như vậy thì nếu chính phủ Pháp ở đây không muốn khuyến miễn cái sự những viên chức công sở bóc lột đám dân ngu như thế, tất phải tổ chức thế nào cho những cách thức điều tra, dò hỏi nói trên này được hoàn hảo hơn nữa. Có nhiều câu hỏi, nếu chỉ nhìn trên mặt giấy, thì thấy như là rất dễ, đứa trẻ con cũng làm xong được, vậy mà lý trưởng, chánh hội các làng không biết đàng nào mà đáp, vì rằng cuộc đời và mọi sự cần lao của người dân An Nam xưa nay không hề được có tổ chức phân minh như chính phủ vẫn tưởng lầm. Vì sự tưởng lầm đó mà các nhà cầm quyền coi như là rất tầm thường, rất tự nhiên việc hỏi nhà nông trong một mùa đã tốn bao nhiêu công cày, bao nhiêu công gặt, bao nhiêu công tát nước, việc hỏi một vụ ngô, một vụ đậu, một vụ mía, hoặc những nông sản nào khác nữa được tất  cả là bao nhiêu… Bao những điều khai báo của hương lý kia, toàn là phải mất nhiều tiền mới có được mà chẳng đúng sự thực một tí nào! Họa chăng phải có một ngạch chuyên môn gồm có những người vừa giàu trí khoa học vừa thấu rõ mọi cách làm ăn của người bản xứ, khi bấy giờ mới mong có thể lập nên những bản thống kê có những con số tiềm tiệm đúng, khả dĩ đem dùng làm tài liệu cho những sự nghiên cứu hoặc những công cuộc  tổ chức có ích lợi thật, về mai sau được.

Sau cùng, lại còn việc kiểm soát các công việc cải lương hương tục là những công việc đã gây ra biết bao nhiêu sự tranh giành ghê gớm về tư lợi, nhưng về việc này, chúng tôi sẽ nói rõ ràng kỹ lưỡng trong một thiên khảo cứu khác.□

● Nguồn: Đông Dương tạp chí, Hà Nội, s. 27 (13/11/1937), s. 28 (20/11/1937), s. 29 (27/11/1937), s. 30 (4/12/1937), s.32 (18/12/1937)

Bản điện tử: https://www.facebook.com/notes/10205112813038811/

Comments are closed.