Xã hội học của sự cô đơn

Hamvas Béla

Người dịch: Nguyễn Hồng Nhung

1

Cách diễn đạt” Xã hội học của sự cô đơn” mang tính mâu thuẫn logic, bởi vì ở đâu có cộng đồng, không thể nói đến cô đơn, và nơi có sự cô đơn, không thể nói về cộng đồng. Nhưng trong thực tế, con người phải trải qua trạng thái mâu thuẫn này.

Byron từng cho rằng, giữa thiên nhiên, trong rừng cây, trên cánh đồng cỏ, bên cạnh hồ, ông không bao giờ cảm thấy cô đơn, chỉ trong thành phố, giữa những con người. Ý tưởng này dẫn đến một điều, như một thực thể sống, chỉ con người nhận biết sự cô đơn, và chỉ giữa cộng đồng mà thôi.

Không cần giải thích, con người của các đô thị lớn tự  nhận ra trạng thái  rối ren và ê chề này, trạng thái bị đánh mất: nó biết nó đang sống trong mâu thuẫn, bởi cảm giác cộng đồng mâu thuẫn với sự cô đơn, và sự cô đơn mâu thuẫn với cảm giác cộng đồng. Con người mâu thuẫn với chính bản thân nó. Và dấu hiệu của  trạng thái bị đánh mất: con người nằm giữa hai cái, không ở trong cái nào, chống lại cả hai và đứng ngoài cả hai.

Xã hội, sự lẩn tránh xã hội, sự chống lại xã hội; tình trạng xã hội xảy ra bên ngoài xã hội. Con người còn lại một mình ở nơi các mối quan hệ người mở ra các khả năng vô tận; sự tiếp xúc bị đứt đoạn ở nơi mọi thứ đều nhằm để xây dựng sự tiếp xúc. Đấy là trạng thái rơi ra khỏi cộng đồng: SỰ CÔ ĐƠN.

Cô đơn không phải là kinh nghiệm tâm lý một mình, bởi vì không có kinh nghiệm tâm lý một mình. Một cái gì đấy cần thức tỉnh, để thức tỉnh và mang đến hậu quả; đến từ đâu đấy và chỉ ra một hướng nào đấy. Các kinh nghiệm chỉ có thể hiểu và nhìn rõ từ những tương quan cuộc sống hiện thực. Bởi vậy giải thích bằng tâm lý luôn luôn khiếm khuyết. Nhất là khi sự cô đơn xuất hiện ngày càng ở trình độ cao hơn, bởi cô đơn không là một trạng thái chủ quan nữa, mà là một hoàn cảnh khách quan. Bằng việc giải thể kinh nghiệm, loại bỏ những mâu thuẫn bên trong, hay bằng sự can thiệp của tâm hồn vẫn không ai giải quyết nổi sự cô đơn của mình, thậm chí không ai hiểu nổi hoàn cảnh riêng của chính mình.

Chỉ khi con người đối chiếu hành vi liên quan của nó với những người thân, với bạn bè, gia đình, người quen, với cộng đồng gần và xa của nó, chỉ khi ấy nó nhìn rõ hoàn cảnh của nó. Thậm chí còn cần nhiều thứ khác: cần biết về thế giới quan của con người, thấy cái nhân tố là nó đang sống trong cộng đồng, trong một hệ thống xã hội có điều chỉnh, với các nhu cầu sống, nhu cầu tinh thần, với các bản năng tôn giáo, trí tuệ, xã hội, nhu cầu, với số phận riêng của nó, với những cá tính, những dị biệt di truyền, với những khả năng nhất định; Khi các nhân tố của một đời sống cụ thể cùng lúc bộc lộ, chỉ lúc đó con người đủ khả năng hiểu cái gì là ý nghĩa và tầm quan trọng hoàn cảnh sống của nó.

Giải thích bằng tâm lý những yếu tố đời sống đơn giản nhất cũng vẫn khiếm khuyết, vì thế giới nơi con người sống được coi như một tình cờ, và trọng tâm chĩa vào con người, cho dù không phải lỗi tại nó. Và quan điểm tâm lý học chưa bao giờ thất bại thảm hại đến thế khi nói về phân tâm học của cảm giác cô đơn.

Trong cô đơn con người còn lại với mình, biến thuần túy thành tâm hồn, mọi liên hệ khác đứt đoạn, nó đứng một mình, như một thực thể ngoài thế giới, toàn bộ cuộc sống của nó tuôn chảy bên trong: nó chỉ sống một đời sống tâm lý mà thôi. Nhưng toàn bộ khuynh hướng của đời sống tâm lý này liên quan đến thế gian. Toàn bộ tâm hồn nó quay ra ngoài, và vấn đề của cô đơn chính là sự quay ra thế giới bên ngoài này vô hiệu quả.

Con người đứng bên ngoài cộng đồng, nhưng toàn bộ chủ ý của nó tập trung về hướng, tại sao lại ở ngoài cộng đồng, và toàn bộ nghị lực của nó mong ước đứng vào cộng đồng lần nữa. Trong cô đơn con người biết rõ cuộc sống rút vào trong là bế tắc: vì số phận của nó là ở thế gian. Bằng con đường tâm lý học không thể giải quyết cũng như không thể hiểu được sự cô đơn. Số phận của con người chính là thế gian, là môi trường sống, và trước hết là cộng đồng. Bởi vậy sự cô đơn là vấn đề Xã hội học.

2

Nơi đâu có cô đơn, ở đó luôn có mối quan hệ bị tách rời khỏi cộng đồng, và sự còn lại một mình. Điều an ủi có vẻ là sau một giới hạn tạm thời của thời gian, con người sẽ lấy lại nghị lực sống và quay trở về với cộng đồng. Trong mọi trường hợp mối quan hệ bị đánh mất luôn luôn tiêu cực và đau đớn.

Sự thu mình, trạng thái cô đơn tự nguyện và cô đơn từng phần có thể mang đến sức mạnh, sự an toàn, sự yên tĩnh và sự cao quý: cô đơn từng phần mang đến sự tách biệt, nhưng các mối quan hệ vẫn còn nguyên. Còn trong trường hợp mối quan hệ bị đánh mất, trừ ngoại lệ, con người bao giờ cũng đau khổ. Đây là sự khác biệt giữa cô đơn cố ý, giữa sự biệt lập và sự từ bỏ.

Có thể hiểu, hình phạt bỏ tù, như một cách bảo toàn xã hội, nhưng trong hình phạt này ẩn náu cả hình phạt tâm lý. Nhà tù là trạng thái từ bỏ, nơi xã hội cắt đứt quan hệ với con người, xử phạt nó phải cô đơn. Tất cả những người tù đều là kẻ cô đơn, nếu có thể bàn đến xã hội của nhà tù, hoặc nói về xã hội học của nhà tù, nhưng chỉ có thể nói đến điều này, nếu đây là một xã hội, một cộng đồng dường như tồn tại. Bởi vì trong nhà tù không có những mối quan hệ thật sự mang tính chất tăng trưởng, những mối quan hệ con người hoạt động. Nhà tù là một hình thái nằm ngoài xã hội.

Sự cô đơn tự quyết của kẻ bất lương xác định vị trí của nó trên thế gian, vấn đề của kẻ bất lương luôn là vấn đề của kẻ cô đơn đứng bên ngoài xã hội. Kẻ bất lương muốn hoàn lương, tu tỉnh, quay về xã hội lần nữa, mang theo tội lỗi của mình, và cần phải thỏa mãn với vị trí mà cộng đồng muốn xác định cho nó. Hoặc nó đứng bên ngoài và bị tiêu diệt. Hoặc liên kết với những kẻ có số phận tương tự và tạo ra một xã hội chống đối, nơi có thể tạo ra các mối quan hệ đồng bọn, có thể còn khăng khít hơn cả trong cộng đồng lớn. Đấy là ý nghĩa danh dự của kẻ cướp. Trong sự dựa dẫm lẫn nhau của những kẻ sống bên ngoài cộng đồng lớn, sự cô đơn không bao giờ chấm dứt, bởi vậy họ cần duy trì nghiêm khắc và không điều kiện những mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau.

Từ quan điểm này có thể hiểu rõ hơn những vấn đề của người Do thái. Sự đoàn kết Do thái, sự hợp tác nghiêm khắc, không điều kiện của”nhóm thiểu số”, vị trí bắt buộc của những kẻ sống ngoài xã hội: chính là sự dựa dẫm vào nhau của những kẻ cô đơn. Ở họ vấn đề tồn tại cùng nhau quan trọng hơn cả, mọi giá họ cần duy trì điều này, bởi họ không có vị trí trong cộng đồng lớn, hoàn cảnh của họ nan giải, khiếm khuyết, hay nói cách khác nỗi nguy hiểm của sự cô đơn luôn luôn đe dọa họ.

Trong nỗi cô đơn của kẻ bị bệnh không có vai trò của xã hội, hay ngược lại: bên cạnh người bệnh sự chia xẻ của xã hội rất rõ. Hành động đến thăm bệnh nhân  là một cử chỉ xã hội. Ai bước đến bên cạnh giường người bệnh, kẻ đó mời gọi người bệnh trở lại cộng đồng.

Nhưng hoàn cảnh của kẻ mắc bệnh thần kinh lại khác về bản chất.  Những sợi dây liên hệ xã hội của kẻ này vẫn tồn tại, nhưng số phận bắt buộc họ sống trong một sự lưu đày tạm thời. Sự lưu đày này là hoàn cảnh bắt buộc bên trong của người mắc bệnh thần kinh, và để chạy chữa, người ta” kệ”,  không bắt họ tham dự vào những sự kiện của cuộc sống. Sự chiếu cố khiến họ được yên. Chỉ những kẻ mạnh khỏe có thể nhập vào cuộc sống cộng đồng: khả năng gia nhập cực kỳ cần thiết, còn ở những người bệnh thần kinh khả năng này bị hư hoại.

Đặc điểm của bệnh thần kinh là sự suy giảm sức sống một cách chủ quan. Nhìn từ quan điểm của cộng đồng: đấy là sự sợ hãi, sợ tiếp xúc với những người khác. Kẻ mắc bệnh thần kinh ngu ngơ, không dám, im lặng, hỗ loạn, sợ hãi, hay tưởng tượng và đầy lòng nghi ngờ. Mọi biểu hiện của nó đều tiêu cực đối với cộng đồng; đấy là sự cắt đứt, sự xa lánh, sự biệt lập.

Người bệnh thông thường còn gọi là người bệnh khách quan, còn sự tù đày bên trong của bệnh thần kinh là một cưỡng bức chủ quan. Khả năng tham dự vào cộng đồng hoàn toàn biến mất khi sự chủ quan này xảy ra thường xuyên: đấy là kẻ mắc bệnh thần kinh.

Từ những phân tích trên có thể thấy liên hệ họ hàng trong vai trò của nhà tù với nhà thương điên, trại giam, bệnh viện và khu điều dưỡng.

3

Tất cả những vấn đề cô đơn trên đây vẫn có thể giải quyết được trong xã hội, kể cả một xã hội nguyên thủy nhất. Kẻ bất lương, người bệnh, kẻ mắc bệnh thần kinh trong một ngôi làng của người da đen châu Phi, hay trong một thành phố thời phục hưng hoặc trong thời đại ngày nay, nói chung hoàn toàn giống nhau. Một cộng đồng lành mạnh có thể giải quyết mọi vấn đề bằng các khả năng của nó.

Vấn đề chỉ bắt đầu trong một xã hội không phương cứu chữa với các con bệnh cô đơn. Những biểu hiện biệt lập không nhất thiết nổi lên từ sai lầm của con người hay của cộng đồng: một số người không hề là người bệnh, kẻ bất lương, hay bị bệnh thần kinh mà vẫn bị bỏ rơi. Xã hội luôn có khuynh hướng xếp những kẻ cô độc này vào những sự phân chia đã có sẵn. Kẻ nào một mình, hoặc là kẻ bất lương, hoặc là người bệnh hoặc là kẻ điên. Sự kết án sai lầm càng làm cho tình cảnh nặng hơn. Kẻ cô đơn cảm thấy bản án vô lý bèn phản đối; cộng đồng không hiểu tại sao lại nảy sinh ra một tình cảnh  không tính đến, và thế là cộng đồng  áp dụng những phương cách đã có sẵn hoặc cưỡng chế. Con người và cộng đồng bắt đầu đối đầu với nhau.

Từ các biệt lập này cần dập tắt mọi xung khắc lợi ích. Trong các trường hợp xung khắc, quan điểm xã hội mọi giá cần xác minh. Một con người không đáng tin, kiêu ngạo, bất thường, hẹp hòi, muốn lợi dụng của chung để thu lợi ích về cho mình nhưng lại tuyên bố đây là” quyền dành” cho hắn, kẻ lợi dụng hoàn cảnh, muốn đạt đến những lợi thế vô luật bằng sự mất dạy, trơ tráo, kẻ đó cần phải bị bỏ rơi.

Thời nay mẫu người này có tên gọi thần đồng, kẻ tuyên bố mình đầy tài năng để đòi hỏi những hoàn cảnh ngoại lệ, vì thế hắn còn lại một mình. Xã hội ngầm hiểu mẫu người này là kẻ ăn bám: hành vi của hắn lập dị, trong sự kiêu ngạo của hắn ẩn náu những đòi hỏi thầm kín nhất, hắn xử sự bất thường, đòi sự ngưỡng mộ, chưa nói đến những đòi hỏi vật chất có lựa chọn và được khái niệm hóa rất tinh vi. Đây là một tình hình xã hội sai lầm thường xảy ra ở những kẻ có tên gọi” Kẻ thích gây gổ”, kẻ” Anh hùng ưa gây sự” và ở những người không có vị trí trong xã hội, vì cách đánh giá của họ thiên lệch.

Loại người này cho rằng của chung có để phục vụ cho một ai nhất định nào đó. Xác định giữa chung và riêng cái nào cao cả hơn, trong mọi trường hợp đều dẫn đến sự mơ hồ. Ở đây ta không có quyền xác định sự khác biệt giá trị và vị trí. Cái này không thể để phục vụ cho cái kia, hoặc để thấp dưới cái kia. Đánh giá quá cao cá nhân cũng nhầm lẫn cơ bản như đánh giá quá cao cộng đồng. Điều, một cá nhân đòi hỏi lợi ích vô điều kiện cũng vô luật như một xã hội biến cá nhân thành nạn nhân.

Giữa cá nhân và cộng đồng không thể có sự đối đầu bởi cả hai đều là một trạng thái sống cụ thể, tồn tại theo quan điểm sinh học và theo số phận. Nơi hai thứ này đối đầu ở đó khả năng rơi ra khỏi cái chung luôn luôn xuất hiện và hoàn cảnh sống cũng không bình thường. Hoàn cảnh sống không bình thường mang lại sự phán xét bất bình thường. Không có giá trị gia tăng của cá nhân đối với xã hội và ngược lại. Con người là một sinh vật sống, tất cả các sinh vật sống đều cùng nằm trong sự chung sống hữu cơ. Nếu trạng thái rối loạn tấn công và các cơ hội đánh giá phát sinh điều ấy có nghĩa là sự chung sống bị phá hoại. Cần điều chỉnh lại sự chung sống lành mạnh chứ không phải bàn đến một cuộc chiến đấu vì lợi ích

Cần chấm dứt xung khắc với một loại hành vi xã hội lập dị. Có một loại người thích phủ nhận các quan hệ. Những người này không bắt gặp các tâm điểm giao tiếp, nhưng cũng không tìm và không muốn tìm. Ở họ không phải là một ý đồ cố ý mà chỉ từ tính cách của họ. Tính cách, không như nhau về mặt tâm lý mà về mặt môi trường. Những người này sống ngoài xã hội như một kẻ chống đối thường xuyên.

Đây là sự cô đơn, nhưng là sự cô đơn ma quỷ: là sự tiêu cực với những ý đồ tối tăm, ác ý, hư hỏng và đối địch, kể cả khi nó chỉ là sự cô đơn câm lặng. Sự cô đơn ma quỷ làm tha hóa cộng đồng. Nó muốn tạo một cuộc sống sinh trưởng ngoài cộng đồng, đưa ra sự quyến rũ về trạng thái từ bỏ xã hội. Được coi như một sự bồi thường của đời sống, hình thức cô đơn ma quỷ này tuyên bố nó là sự mơ mộng. Mơ mộng là bản sao của một đời sống tích cực và khi có khuynh hướng áp đảo, nó gây nguy hiểm cho cả cá nhân lẫn xã hội vì nó tháo tung những sợi dây liên kết vô hình.

Từ đây có thể hiểu được tác dụng phá vỡ cộng đồng sâu sắc của những sản phẩm văn chương làm mê man và như một sự bồi thường của cuộc sống. Những cuốn tiểu thuyết lãng mạn ( văn học Gartenlaube) cũng như các tác phẩm khát vọng, những câu chuyện trinh thám đều phục vụ cho những nhu cầu thỏa mãn thầm kín,và bằng những con đường bí ẩn khiến con người xa lánh cộng đồng chung.

Loại văn học này làm thỏa mãn người đọc trong một lĩnh vực hoang tưởng, đánh thức những biểu hiện chống lại hiện thực và đặc biệt đánh thức sự bất mãn. Cái tình huống không hiện thực có thể trở thành tiêu cực khi sự cô đơn ma quỷ biến thành sự xâm nhập. Lúc đó không chỉ kẻ mơ mộng” đúng” mà „toàn thể xã hội” „hãy chết đi”, chỉ giấc mộng hãy ở lại và hãy biến thành hiện thực!

Mọi trạng thái đều ma quỷ nếu đặt không tưởng lên trên hiện thực, đưa cái bất thường lên trên cái bình thường, đưa ảo tưởng lên trên thực tế. Trạng thái này trong bản thân sự vô sinh của nó chỉ có một cách giải quyết: từ bỏ hoàn toàn.

4

Có một dạng cô đơn mà đặc điểm của nó là con người sống trong sự cô đơn ấy tự chứng minh mình đứng ngoài xã hội. Không hoàn toàn tự nguyện, nhưng cũng không hoàn toàn cần thiết phải như thế; có cả hai điều trên và nhiều hơn cả hai điều trên.

Tự nguyện, bởi nó có thể quay trở lại cộng đồng, nhưng nó từ chối điều này; Cần thiết, bởi nguyên nhân của việc tự tách mình ra không vì bệnh tật, vì xung khắc, vì chủ nghĩa ma quỷ, mà là một dạng của sự đòi hỏi đối mặt với cộng đồng, với những gì cộng đồng không đem lại; Nhưng so với cả hai nội dung trên, sự cô đơn này lớn hơn hẳn, bởi đây không phải một sự vụ cá nhân riêng lẻ, mà chính là việc của cộng đồng.

Cái cô đơn này bắt đầu từ những nhu cầu cao hơn hẳn, từ sự phản đối cái tinh thần thấp kém trong cộng đồng, từ chối sự thống trị của cái hời hợt, nông cạn, những thị hiếu tầm thường. Giữa đòi hỏi của các lý tưởng và cái chung luôn luôn có mâu thuẫn, bởi cái chung không xây dựng từ các lý tưởng mà từ các nhu cầu sống trong con người. Còn lý tưởng lại đòi hỏi chính sự từ bỏ các nhu cầu sống ấy.

Đây là một dạng hành vi muốn xây dựng xã hội từ tinh thần cao cả, sẵn sàng chọn lựa sự từ bỏ vì lợi ích chung, đây là hành vi của người anh hùng. Con người bước ra khỏi cộng đồng vì những nhu cầu cao cả hơn; đấy là sự cô đơn của người anh hùng.

Các nhà tiên tri thánh kinh trong lịch sử hay các tấm gương của thi nhân trong thời hiện đại đều chỉ ra ý nghĩa bên trong của sự cô đơn anh hùng này. Điều quan trọng nhất, ở đây kẻ chọn sự cô đơn anh hùng không phải vì quyền lợi của mình, mà chính là chống lại quyền lợi của mình, để vì quyền lợi của cộng đồng. Chính vì thế, giữa kẻ cô đơn anh hùng và cộng đồng hoàn toàn không có khả năng hòa giải.

Cộng đồng thừa hiểu kẻ cô đơn có lý và những đòi hỏi cùng nhu cầu của kẻ này  đúng. Sự thật nằm về phía kẻ cô đơn, và nhu cầu sống, hay đúng hơn khả năng nâng cấp sự phát triển nằm ở phía kẻ đó. Trong trường hợp này kẻ cô đơn  mang tính người tuyệt đối. Một sự cô đơn một thân một mình đối đầu với cộng đồng, thậm chí họ cần phải chứng minh bản thân trước cộng đồng nữa.

Sokrates, các nhà tiên tri, các tông đồ, Johannes Chrysostomos, Savonarola, các nhà nhân văn, các nhà châm biếm người Anh, các nhà tư tưởng kỷ Ánh sáng, một Hölderlin, một Nietzsche từng đòi hỏi lợi ích sống, lợi ích tinh thần vĩnh cửu cao cả,  hay đúng hơn, đòi hỏi quyền con người của chính họ.

Và cộng đồng không bao giờ muốn thừa nhận chân lý của các cá nhân đối mặt. Không phải vì họ không nhận ra các lý tưởng này, mà chỉ vì cộng đồng không bao giờ từ bỏ bản thân và không muốn thay đổi khuôn mẫu của họ. Bởi vậy sự chống đối CẦN phải có, còn người ra yêu sách cảm thấy họ có quyền đòi hỏi một cái chưa có. Khát vọng này là một biểu hiện chống đối, đứng ngoài và cao hơn cộng đồng, chỉ ra dấu hiệu của một lối sống khác.

Cộng đồng thừa nhận tất cả, chỉ trừ một điều: nếu thiếu cộng đồng không có cuộc sống. Trong thực tế quả là như vậy. Một cuộc sống con người hiện thực, sống động không tồn tại ngoài cộng đồng. Cô đơn dạng nào cũng là một hiện tượng xã hội dị giáo lớn nhất. Đặc biệt lý do để cô đơn  càng lớn càng không thể tha thứ. Vô ích kẻ đơn độc”có lý”, vô ích nó đơn độc vì”lợi ích chung”, sau rốt nó vẫn không phải là kẻ đúng. Nó cần phải thất bại trong sự lập dị này. Đối với nó đây là số phận, là ý chí,là sự bắt buộc, là sự kết án, là vị thế nó đã chọn lựa:  đây chính là ý nghĩa đời sống của nó.

Nhưng cũng vì thế cộng đồng không bao giờ hòa giải với nó. Cộng đồng tha thứ cho kẻ ác, nhưng một người, trong cái cô đơn anh hùng của mình xây dựng thành công một đời sống tinh thần cao hơn, tích cực hơn, kẻ đó không bao giờ được tha thứ. Lịch sử đầy rẫy những ví dụ về trường hợp này.

Thậm chí cộng đồng vẫn có thể kính trọng các nhà tiên tri và các nhà thơ lớn nhưng sẽ đối mặt với họ. Từ quan điểm của cộng đồng, sự cô đơn bao giờ cũng là tội lỗi. Và tội lỗi có thể tha thứ, nếu cộng đồng bằng lòng độ lượng giải tỏa cho sự cô đơn này và tiếp nhận lại kẻ cô đơn.

Nhưng khi lòng độ lượng không đến từ cộng đồng mà do kẻ cô đơn thực hiện,  té ra cản trở cùng chung sống không phải do cá nhân mà chính là do cộng đồng, lúc đó xã hội không tha thứ cho cá nhân nữa. Tội lỗi cần phải coi vẫn là tội lỗi, không chỉ về mặt đức hạnh nữa mà là chuẩn mực đạo đức. Sự chống đối cần phải loại bỏ.

Chớ nhầm lẫn sự cô đơn anh hùng với cái Jaspers gọi là sự cô đơn hiện sinh. Cô đơn hiện sinh thực ra  không bao giờ chấm dứt, bởi vì đấy là hậu trường vĩnh cửu của cộng đồng, là góc tiêu cực không thể thủ tiêu của mọi sự tiếp cận, giao tiếp, gặp gỡ. Cái gọi là”quan hệ” chỉ có thể hình dung trên nền tảng của cô đơn   cô đơn hiện sinh như một khả năng, luôn luôn rình rập trong bản thân con người, cộng đồng bất lực với nó, khi nó vượt lên và tan chảy trong các mối quan hệ. Cô đơn hiện sinh, tiêu cực siêu hình của cộng đồng, như một khả năng thông thường lúc nào cũng tồn tại nhưng không bao giờ biến thành phổ biến. Về sự cô đơn hiện sinh chỉ có thể diễn tả như sau: cô đơn như một khả năng của sự sống.

5

Từ những suy luận trên bắt đầu có thể hiểu cái Byron gọi là sự cô đơn đô thị, hay cô đơn hiện đại. Không là cô đơn của con bệnh, của kẻ bất lương hay bệnh thần kinh, không là sự cô đơn của kẻ xung khắc, hay cô đơn anh hùng hoặc cô đơn hiện sinh. Có sự khác biệt cơ bản, lúc Wordworth nói về” lonely place – nơi cô đơn” để bình yên thiền quán, là sự cô đơn mà Rousseau từng tả, lúc vợ giận giữ trong bữa ăn, ông đặt cuốn sách bên cạnh đĩa và vừa ăn vừa đọc.

Wordworth thống trị”nơi cô đơn-lonely place” ở bìa rừng, giữa những ngọn núi, tháo bỏ sự đơn độc, giao tiếp trực tiếp với bản thân  nói theo ngôn ngữ hiện sinh,  thông qua đấy gặp”sự sống” lớn trong vũ trụ. Rousseau bù đắp khát vọng tiếp xúc bằng việc đọc. Ngày nay chỉ cần liếc cái nhìn trên xe buýt, tàu điện, trong các quán cafe, các câu lạc bộ, và ngay trong bầu không khí gia đình cũng đủ thấy: toàn những Rousseau, vừa ăn vừa đọc sách. Vắng bóng giao tiếp, và vì không chịu nổi cô đơn, người ta chìm đắm vào sách. Con người trở nên đơn độc.

Đại đa số con người khi đi du lịch, lúc rảnh rỗi, nhưng ngay lúc ở trong gia đình cũng đọc sách; đây là cách thức tạm thời duy nhất tách rời sự cô đơn. Đặc điểm của cô đơn hiện đại chính là sự xuất hiện nỗi cô đơn một cách hàng loạt- một triệu chứng tổng quát-một hiện tượng xã hội. Chưa bao giờ kẻ cô đơn lại đông đến thế, như ngày nay trong các thành phố hiện đại. Cô đơn trở thành một trạng thái xã hội.

Kẻ nào biết, điều này sẽ chấm dứt trong tự nhiên”giữa những dãy núi, trong rừng và bên cạnh những dòng suối”, như Byron từng viết, kẻ đó sẽ đi ra thiên nhiên. Bởi vậy trong thời gian gần đây đi du lịch, tham gia thể thao trở thành một hiện tượng đám đông. Người nào không đi ra thiên nhiên, kẻ đó được gọi là tự ru mình bằng”sự giải trí”. Sự giải trí luôn luôn là ảo tưởng đang trộn vào cộng đồng.

Trong tuần cuộc sống đô thị còn tạm chịu đựng được, bởi khi lao động không ai gặm nhấm bản chất sinh tồn làm gì; nhưng trong ngày lễ, đặc biệt buổi chiều ngày lễ, thành phố lớn câm lặng như chết. Con người đô thị buồn chán trong các chiều chủ nhật. Sự buồn chán này là cái gì vậy?- sự đơn độc. Bầu không khí cô đơn ngột ngạt bao trùm thành phố. Tất cả mọi người còn lại với bản thân. Như thể sự tiếp xúc tập thể, các mối quan hệ, xã hội, nhà nước, gia đình, cộng đồng chưa hề tồn tại.

Cộng đồng hoàn toàn chia rẽ, các mối dây liên hệ hư hoại, con người cô độc. „Trong từng con người và với tất cả mọi người – Pannwitz nói- không gì có thể cứu giúp khi một biển các cá nhân đã làm phân hóa mối quan hệ họ hàng, truyền thống tinh thần lâu đời và biến những giá trị này thành những cá nhân chủ quan.” Hiện tượng này có thể thấy rất rõ trong các phong trào tập thể hiện đại. Nền dân chủ, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản được coi như một hiện tượng tập thể. Như thể cả đám đông chuyển động vì đang tập trung cùng nhau và thực hiện với nhau một cộng đồng chung.

Ngược lại thì đúng hơn. Dân chủ, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không phải là một phong trào tập thể, mà là phong trào của một khối cá nhân; Toàn bộ vấn đề của nó là cá nhân, chứ không phải cộng đồng. Một dạng cá nhân đã bị phân hóa, một dạng sống cá nhân bị tách rời hoàn toàn với nhau và biến thành kẻ cô đơn.

Từng xuất hiện những cuốn sách soi rọi sâu sắc vào sự khác biệt bản chất của chủ nghĩa tập thể, những cuốn sách viết về cách mạng Trung Quốc của André Malraux đã chứng minh điều này. Phong trào cách mạng không là viễn cảnh cộng đồng mới, chủ nghĩa cộng sản không là một hình thức sống của cộng đồng, không do khát vọng sinh trưởng bồi đắp mà là  sự tuyệt vọng của một con người cô đơn hóa, kẻ ném mình vào một nhiệm vụ đời sống không để tạo dựng một hiện thực dành cho nó, mà ném mình vào một nơi, từ sự cô đơn hóa nó sẽ phá sản và bị tiêu diệt.

„ Perdre sa personnalité”-„Mất nhân cách của mình”- đây là khẩu hiệu nội lực của khối cá nhân chủ nghĩa. Nó tưởng rằng cái nhân cách riêng của con người cản trở người ta bước vào cộng đồng. Đấy là cái nó muốn bỏ đi, muốn đánh mất.

„Tất cả những điều vì nó con người đảm nhận để giết chết bản thân họ- Malraux viết- ngoài các quyền lợi đều ít nhiều chỉ ra một cách rối ren rằng điều này chứng thực số phận xứng đáng của họ;  xứng đáng như với nô lệ là thiên chúa giáo, với thị dân là dân tộc và với công nhân ngày nay là chủ nghĩa cộng sản.”

Viễn cảnh xa xôi nhất cũng không thể chỉ ra rằng, khối cá nhân chủ nghĩa này tạo dựng nên một cộng đồng mới, mà bằng toàn bộ sự say mê họ muốn chứng thực số phận riêng của họ: một thứ chủ nghĩa cá nhân, một con người đã bị phân hóa, một thực thể cô đơn đã bị tách rời khỏi cộng đồng.

Chủ nghĩa cộng sản là khối say mê của những con người đã bị tách rời khỏi nhau, với niềm say mê trong cái mâu thuẫn của chính nó, trong cái thực thể tập thể hóa tuyệt đối,hay đúng hơn trong cái ý thức tuyệt đối dâng hiến cá nhân muốn nhìn thấy khát vọng của nó được chứng thực.

Cái chung của khối cá nhân này là sự chứng thực, không phải là nhân tố. Cái chung ở họ là tại sao đòi hỏi hành động như thế, tại sao cần gắng sức như thế để giải thoát bản thân. Tại sao cảm giác cô đơn này trong một khối cá nhân chủ nghĩa lại độc quyền và trung tâm, không nơi nào cảm thấy rõ hơn tại một nơi con người cảm thấy sự tập hợp mọi giới tính này tiêu cực đến thế.

„Sự nhận thức của một thực thể sống là một cảm giác tiêu cực- Malraux nói- đấy là hiện thực, là một cảm giác tích cực: sự sợ hãi, rằng con người luôn luôn chỉ là một kẻ xa lạ bên cạnh người nó yêu. Con người không bao giờ hiểu thật sự về một thực thể sống, nhưng đôi khi còn có cảm giác là nó không hiểu.”

Đây là sự thiếu hụt của mối quan hệ với một”sự sống” lớn hơn, đây là một kẻ  đọc sách khi ăn, là chiều chủ nhật cô đơn của đô thị, là sự đơn độc xã hội; không phải là kết quả của thế giới quan, không phải trạng thái thi ca, không là bệnh tật, không là sự xung khắc cũng chẳng phải trạng thái hiện sinh: đây là sự cô đơn sinh ra từ sự thiếu vắng xã hội: sự cô đơn như một hiện tượng đại chúng.

6

Chung sống biến mất, khi cô đơn xuất hiện, cô đơn chỉ biến mất nơi sự chung sống phục hồi. Đây là ý nghĩa của sự cô đơn đô thị của Byron,”lonely place- nơi cô đơn” của Wordworth, là trạng thái vừa ăn vừa đọc của Rousseau, cũng giống hệt như con người hiện đại luôn vùi đầu vào sách báo, sự chung sống đã chấm dứt, ngay cả trong cái cô đơn anh hùng cũng vậy.

Nhưng có một hiện thực nơi cô đơn mất hiệu lực. Hoàn cảnh này trước hết có trong thiên nhiên, hay nói đúng hơn trong các nguyên tử cổ đại, thông qua đó là một cộng đồng nguyên sơ. Trong lối sống nguyên thủy, trong một hiện thực du mục hoặc săn bắn chưa từng có nỗi đe dọa cô đơn. Khuynh hướng tách biệt ẩn náu trong các mối quan hệ sống hoàn toàn bị loại bỏ. Không phải quyền lợi chung loại bỏ điều này. Quyền lợi chưa bao giờ là nền tảng hiện sinh.

Đây là một tổ chức tự nhiên trong quá trình sống tổng quát: con người là một sinh vật của tổ chức quả đất lớn với trọng lượng, vai trò, sự sống riêng cùng chung sống với môi trường, bằng công việc, bằng gia đình, với cộng đồng người, với đất, không tranh chấp, tự bản thân nó hình thành ra một ý nghĩa tổ chức.

Chỉ nơi nào có sự chung sống hoàn thiện cả về mặt cụ thể lẫn siêu hình, ở đó khả năng cô độc mới chấm dứt. Cái Spengler gọi là” Kulturseele – Văn hóa tâm hồn”, Frobenius gọi là”Paideuma” là một tâm hồn cộng đồng được hình thành chung từ một lối sống, một môi trường, từ nghề nghiệp, từ phong cách nghệ sĩ, từ tập quán, từ tôn giáo, bản thân nó chứa đựng yếu tố nguyên thủy, loại trừ khả năng bị đứt đoạn, bởi sự chung sống hoàn toàn bao bọc nó, duy trì trực tiếp trong nó tất cả, những Kulturseele-Văn hóa tâm hồn, những paideuma, những thành phần của tâm hồn cộng đồng.

Trong xã hội hiện đại không có tâm hồn cộng đồng, và vì thế sự cô đơn có khả năng trở thành hiện tượng đại chúng. Ngày nay cá nhân và cộng đồng đối mặt, dù chiến đấu hay loại trừ nhau, hay đứt đoạn lẫn nhau, nhưng mọi giá không còn cùng nhau nữa.

Cộng đồng và mâu thuẫn cá nhân là một khả năng bị loại bỏ trong sự chung sống, bởi vì điều kiện của tâm hồn văn hóa là cá nhân hòa hợp với cộng đồng đến mức hãy đừng có ý đồ độc lập, nhưng cộng đồng cũng tạo ra một sự gắn bó cân bằng cho cá nhân để nó không thể trở thành khác ngoài chính nó.

Ngày nay chỉ có hai khả năng chung sống: trong thiên nhiên( Byron, Wordworth) và trong tinh thần( Rousseau, sách, tinh thần, lý thuyết, các phong trào tôn giáo). Nhưng cả hai điều này đều chứng tỏ sự thiếu hụt của văn hóa tâm hồn sống động. Trong văn hóa tâm hồn sự chung sống tự phát, suôi sẻ, không có vấn đề và hoàn thiện.

Ngày nay sự tiếp xúc trong thiên nhiên và trong tinh thần cũng đầy vấn đề, và tạm bợ, lỏng lẻo, phức tạp, thậm chí trong những sự tiếp xúc này luôn có một ý nghĩa”chạy trốn” nào đấy.

Con người từ sự cô đơn „chạy trốn” vào thiên nhiên, cũng như vào sách vở, cũng như ném cả cuộc đời một cách trốn chạy vào một nhà nước cộng sản chủ nghĩa tưởng tượng „đánh mất cá nhân”, nhưng,-đây cũng là điều đáng ngạc nhiên nhất- không tạo một cộng đồng cùng bản thân mình mà vứt bỏ số phận mình vào một cái không có gì.

Sự trốn chạy là một hành vi tiêu cực, không nảy sinh từ đấy một hiện thực đầy sức sống. Sự từ bỏ không phải hậu quả của chung sống, trái lại cùng chung sống được với nhau chỉ có các cá nhân, chứ không phải những thực thể phi cá nhân. Cộng đồng không có nghĩa con người trở thành sản phẩm nhà máy mà như sự kết hợp với tổng thể một cách hòa hợp.

(Trích: “33 tiểu luận triết học” của H. Béla)

Bản dịch tặng anh PHĐ

Dịch từ nguyên bản tiếng Hung

(Budapest. 2011.04.25)

Nguồn: http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/XaHoiHocCuaSuCoDon-HBela-NHNhung.htm

Comments are closed.