VN nằm trong 10 nước kiểm duyệt thông tin khắt khe nhất thế giới

CPJ

Người dịch: Trần Văn Minh

baochi 

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Danh sách 10 nước kiểm duyệt thông tin gắt gao nhất thế giới của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo là một phần trong bản công bố hàng năm của chúng tôi về tấn công báo chí. Toàn bộ bản công bố này sẽ được phát hành vào thứ Hai, ngày 27 tháng 4, lúc 11 giờ sáng (giờ miền Đông, Hoa Kỳ).

Các quốc gia đàn áp, đe dọa bỏ tù, hạn chế Internet để bịt miệng báo chí

Eritrea và Bắc Triều Tiên là nước đứng nhất nhì trong số những nước có chế độ kiểm duyệt chặt chẽ nhất trên thế giới, theo một danh sách do Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo soạn thảo về 10 quốc gia với môi trường báo chí bị giới hạn nhất. Danh sách này dựa trên nghiên cứu về việc sử dụng các chiến thuật từ bắt bỏ tù và các luật lệ đàn áp đến sách nhiễu các nhà báo và hạn chế truy cập Internet.

Ở Eritrea, Tổng thống Isaias Afewerki đã thành công trong chiến dịch đè bẹp báo chí độc lập, tạo ra một bầu không khí truyền thông ngộp thở đến nỗi ngay cả các phóng viên của hãng tin nhà nước cũng sống trong nỗi lo sợ bị bắt giữ. Nỗi đe dọa bị tù tội đã khiến nhiều nhà báo chọn lưu vong hơn là nguy cơ bị bắt giữ. Eritrea là nhà tù tệ hại nhất Phi Châu đối với nhà báo, với ít nhất 23 người bị giam giữ – không ai trong số họ được xét xử tại tòa án hoặc thậm chí bị buộc tội.

Lo sợ sự lây lan của các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập, Eritrea đã bỏ kế hoạch cung cấp Internet di động cho người dân vào năm 2011, hạn chế khả năng tiếp cận thông tin độc lập. Mặc dù Internet có sẵn nhưng được kết nối với hệ thống đường dây điện thoại nhà chậm chạp và ít hơn 1% dân số lên mạng, theo số liệu của Liên minh Viễn thông Quốc tế Liên Hiệp Quốc. Eritrea cũng có số người sử dụng điện thoại di động thấp nhất thế giới, với chỉ 5,6% dân số sở hữu điện thoại di động.

Tại Bắc Hàn, 9,7% dân số có điện thoại di động, con số này không bao gồm điện thoại nhập lậu từ Trung Quốc. Ở thời đại Internet toàn cầu, mà chỉ có một số ít cá nhân có quyền thế mới có thể truy cập, một số trường học và các cơ sở chỉ có thể truy cập vào mạng nội bộ được kiểm soát chặt chẽ. Và mặc dù với sự xuất hiện của cơ quan thông tấn AP tại Bình Nhưỡng vào năm 2012, nhà nước nắm chặt chương trình tin tức đến nỗi bản tin đã phải bị sửa đổi lại để loại bỏ ông chú bị thất sủng của Kim Jong Un ra khỏi hồ sơ lưu trữ sau khi ông ta bị hành hình.

Các chiến thuật được Eritrea và Bắc Hàn sử dụng phản ảnh với những mức độ khác nhau ở các nước áp bức khác. Để nắm chắc quyền lực, chế độ áp bức kết hợp các phương tiện truyền thông độc quyền, sách nhiễu, theo dõi, đe dọa cầm tù nhà báo và giới hạn sự gia nhập của nhà báo vào các phong trào bên trong đất nước của họ.

Bỏ tù là hình thức hăm dọa và quấy rối hiệu quả nhất được sử dụng để đối phó với nhà báo.

Bảy trong số 10 quốc gia có chế độ kiểm duyệt khắt khe nhất – Eritrea, Ethiopia, Azerbaijan, Việt Nam, Iran, Trung Quốc và Myanmar – cũng nằm trong số 10 tên cai ngục tồi tệ nhất đối với các nhà báo trên toàn thế giới, theo cuộcđiều tra hàng năm về ngục tù của CPJ.

Hơn một nửa trong số các nhà báo bị giam cầm trên toàn cầu bị buộc tội chống nhà nước, gồm cả ở Trung Quốc, cai ngục tồi tệ nhất trên thế giới và nước đứng thứ tám về kiểm duyệt báo chí. Trong số 44 nhà báo bị bắt giam – con số lớn nhất đối với Trung Quốc kể từ khi CPJ bắt đầu cuộc điều tra ngục tù hàng năm vào năm 1990 – 29 người bị giam giữ dưới tội danh chống nhà nước. Các quốc gia khác sử dụng tội danh đó để đè bẹp những tiếng nói chỉ trích bao gồm Saudi Arabia (đứng thứ ba về kiểm duyệt), nơi chế độ quân chủ cầm quyền, không hài lòng với việc bịt miệng bất đồng chính kiến trong nước, đã hợp tác với các chính phủ khác trong Hội đồng Liên minh vùng Vịnh để bảo đảm rằng sự chỉ trích lãnh đạo trong bất kỳ nước thành viên nào sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Tại Ethiopia – thứ tư trong danh sách các nước có chế độ kiểm duyệt khắt khe nhất của CPJ – sự đe dọa tù tội đã góp phần làm gia tăng nhanh chóng số nhà báo lưu vong. Nghiên cứu của CPJ cho biết, trong một cuộc đàn áp rộng rãi các blogger và các nhà xuất bản độc lập vào năm 2014, hơn 30 nhà báo đã bị buộc phải bỏ chạy. Luật chống khủng bố năm 2009 của Ethiopia, hình sự hóa bất kỳ tường thuật nào mà chính quyền cho là “khuyến khích” hoặc “cung cấp hỗ trợ tinh thần” cho các nhóm bị cấm, đã giáng nặng lên 17 nhà báo đang bị giam giữ ở đó. Việt Nam (đứng thứ sáu về kiểm duyệt) sử dụng một điều luật mơ hồ chống việc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để bỏ tù các blogger, và Myanmar (đứng thứ chín về kiểm duyệt) dựa trên Đạo luật Bí mật Nhà nước năm 1923 để ngăn chặn các tường thuật chỉ trích quân đội.

Truy cập internet bị hạn chế dữ dội ở các nước dưới sự cai trị của đảng Cộng sản như Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Trung Quốc và Cuba.

Ở Cuba (đứng thứ 10 về kiểm duyệt), Internet chỉ dành cho một phần nhỏ dân số, mặc dù đầu tư từ bên ngoài để đưa đất nước nối mạng internet. Trung Quốc, mặc dù có hàng trăm triệu người sử dụng Internet, đã duy trì một “Vạn lý hỏa thành”, một sự pha trộn tinh tế giữa con người kiểm duyệt và công cụ công nghệ, để ngăn chặn các trang mạng chỉ trích và kiềm chế phương tiện truyền thông xã hội.

Ở những nước có công nghệ tiên tiến như Trung Quốc, hạn chế Internet được kết hợp với sự đe dọa tù đày để bảo đảm rằng những tiếng nói chỉ trích không được phổ biến trên mạng. Ba mươi hai trong số 44 nhà báo bị bắt giam của Trung Quốc đã làm việc trên mạng.

Ở Azerbaijan (thứ năm về kiểm duyệt), nơi có rất ít phương tiện truyền thông truyền thống độc lập, luật phỉ báng hình sự đã được mở rộng đến các phương tiện truyền thông xã hội và mang một án tù sáu tháng. Iran, nước thứ bảy về kiểm duyệt, có một trong các chế độ kiểm duyệt Internet khắt khe nhất trên thế giới với hàng triệu trang web bị chặn; Iran cũng là nhà tù tồi tệ thứ hai của các nhà báo, với 30 người sau song sắt. Nhà chức trách ở đó bị nghi ngờ về việc thiết lập các phiên bản giả của các trang web phổ biến và công cụ tìm kiếm như là một phần của các kỹ thuật giám sát.

Sự sách nhiễu của chính quyền là một chiến thuật được sử dụng ít nhất năm nước trong nhóm các quốc gia kiểm duyệt khắt khe nhất, bao gồm Azerbaijan, nơi văn phòng bị lục soát, các nhà quảng cáo bị đe dọa, và áp đặt cáo trạng để trả đũa như tàng trữ ma túy lên các nhà báo. Ở Việt Nam, nhiều blogger bị đặt dưới sự giám sát trong một nỗ lực để ngăn cản họ tham dự và đưa tin về các biến cố. Tại Iran, người thân của nhà báo bị nhà cầm quyền triệu tập và cho biết họ có thể bị mất việc làm và trợ cấp hưu trí vì việc làm của nhà báo. Và ở Cuba, nước đã có một số tiến bộ, gồm nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ và đề nghị chấm dứt sự cai trị của Castro vào năm 2018, một số ít nhà báo độc lập cố gắng đưa tin trong nước vẫn bị quấy rối và giam giữ ngắn hạn.

Hạn chế sự đi lại của các nhà báo và ngăn cấm phóng viên nước ngoài cũng là một thủ thuật thông thường được sử dụng bởi các chính quyền kiểm duyệt. Ở Eritrea, phóng viên quốc tế thực thụ còn lại cuối cùng đã bị trục xuất vào năm 2007, và một số ít các phóng viên bên ngoài thỉnh thoảng được mời để phỏng vấn tổng thống bị giám sát chặt chẽ; ở Trung Quốc, phóng viên nước ngoài phải chịu sự chậm trễ bất thường trong thủ tục đơn xin nhập cảnh.

Bốn quốc gia kiểm duyệt nặng nề gần lọt vào danh sách này là Belarus, Equatorial Guinea, Uzbekistan và Turkmenistan, tất cả đều có ít hoặc không có phương tiện truyền thông độc lập và được đóng chặt đến nỗi khó có thể tìm được thông tin về các điều kiện cho các nhà báo.

Danh sách các nước kiểm duyệt khắt khe nhất chỉ đề cập những chính quyền kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông. Ở một số nước, đặc biệt là Syria, điều kiện cực kỳ nguy hiểm và các nhà báo đã bị bắt cóc, giam cầm và giết chết, một số do lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad nhưng cũng do các nhóm chiến binh như Nhà nước Hồi giáo.

____

Danh sách 10 nước:

1. Eritrea

2. North Korea

3. Saudi Arabia

4. Ethiopia

5. Azerbaijan

6. Vietnam

7. Iran

8. China

9. Myanmar

10. Cuba

Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2015/04/23/3770-10-nuoc-kiem-duyet-thong-tin-khat-khe-nhat-the-gioi/

Comments are closed.