Asiad 2019: bỏ cuộc sớm còn hơn để dân oằn vai gánh nợ

Thiên Di

Theo Tuổi trẻ

696585

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trình bày tại phiên điều trần ngày 18-3 – Ảnh: Lê Kiên

Nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc về phiên điều trần ngày 18-3 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao & du lịch Hoàng Tuấn Anh xung quanh việc đăng cai tổ chức Asiad 2019, trong đó đề nghị sớm bỏ cuộc để người dân đỡ oằn vai gánh nợ.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh hiện đang rất “đau đầu” trước một loạt câu hỏi chất vấn về vấn đề cốt yếu nhất của việc đăng cai Asiad 18 là “Tiền”!

Quả là kinh phí tổ chức Asiad 18 tuy mới trên giấy từ hai năm nay, song đã cho thấy tốc độ leo thang phi mã rồi. Mới tháng 11-2012, Ủy ban Olympic VN còn dự trù kinh phí là 3.149 tỉ đồng (tương đương 150 triệu USD) và giới hữu trách thuyết minh đầy hãnh diện rằng Asiad 2019 sẽ trở thành kỳ đại hội “siêu tiết kiệm” nhất trong lịch sử các lần tổ chức.

Thế nhưng, nay thì Bộ Tài chính đã cập nhật lại các tính toán: ngân sách cho Asiad 18 lên đến 300 triệu USD, song dự toán này vẫn chưa bao gồm kinh phí đào tạo vận động viên; duy tu, nâng cấp, sửa chữa các công trình có sẵn hoặc xây mới… như vòng chảo đua xe đạp tốn 10.000 tỉ đồng mà nay nhà đầu tư Hàn Quốc đang dội ngược vì tình hình kinh tế, nhất là kinh doanh bất động sản đang “chết”…

Trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh quả là đáng quan ngại: “Chúng tôi nhận thức được kinh tế VN còn hết sức khó khăn nhưng khó khăn chỉ là tạm thời”.

Có đúng là khó khăn kinh tế chỉ là tạm thời hay không? Vụ vay 500 triệu USD để sửa quốc lộ 20 mãi không được, cuối cùng mới vừa được MIGA, Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương chuyên bảo hiểm rủi ro chính trị và tăng cường tín dụng của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), đứng ra bảo lãnh rủi ro khi ta không trả được nợ vay, cho thấy khó khăn này có là tạm thời hay không?

Vay chỉ 500 triệu USD mà cần phải được bảo lãnh rủi ro, e rằng “khó khăn tạm thời” mà Bộ trưởng VH-TT&DL khẳng định sẽ phải tính bằng đơn vị năm hay thập niên!

Mục đích mà Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đưa ra cho việc đăng cai Asiad cũng thiếu tính thuyết phục: “Đây sẽ là cơ hội lớn giúp VN nâng cao vị thế chính trị, thu hút đầu tư, khách du lịch, tạo niềm tin cho khu vực, thế giới”. Xin thưa, vị thế chính trị của ta cao tới đâu thế giới đã tường tận rồi, có cần đợi đến năm 2019 để nhờ Asiad mà “nâng cao vị thế thu hút đầu tư, khách du lịch”?

Cách giải thích đó chỉ phù hợp ở đầu những năm 1990. Về lập luận “Tổ chức Asiad 18 cũng là dịp để… nâng cao thể lực, tầm vóc cho người Việt. Thể lực của người VN đang rất có vấn đề nên từ sự kiện này sẽ được cải thiện…”, xin nhường cho các chuyên gia dinh dưỡng, y tế cộng đồng trả lời.

Chỉ xin mạn phép nhắc rằng mới đây, hôm 23-1-2014, WB khi phê duyệt 60 triệu USD tín dụng cho chương trình mang tên “Cơ hội thoát nghèo truyền kiếp” (từ ngữ của WB), giúp VN thử nghiệm cải tiến công tác quản lý và cung ứng dịch vụ xã hội tại bốn tỉnh, WB đã cảnh báo vấn đề ở VN bây giờ không phải xóa đói giảm nghèo theo số lượng, mà là làm sao để đừng “nghèo truyền kiếp”, tức nghèo cứ từ đời này sang đời khác. Câu chuyện cầu treo bị gãy tháng trước đã là thương đau rồi, và câu chuyện “qua suối trong túi nilông” tháng này còn khốn khổ hơn một bậc ở chỗ cây cầu treo “lắt lẻo, gập ghềnh “còn chưa có được là “truyền kiếp” hay “tạm thời”?

Nộp phạt 1 triệu USD sớm vì bỏ cuộc Asiad còn hơn là nợ “truyền kiếp”!

THIÊN DI

 

 

Coi chừng ngân sách quốc gia trở thành con tin

* Nhiều dự án khai ít vốn ban đầu để dễ được duyệt, được thông qua, nhưng sau đó lại kê đủ thứ hạng mục này, hạng mục kia vống lên cả núi tiền, bắt cái túi ngân sách quốc gia như trở thành “con tin”. Kinh tế thế giới suy giảm, thiên hạ né, sao chúng ta lại ôm Asiad vào? Hãy nhìn thẳng vào thực trạng thôi thì đành bị phạt, đề nghị Chính phủ xin rút lại việc đăng cai Asiad cho dân đỡ phải oằn vai ra gánh nợ.

 ĐỖ QUANG ĐÁN

Đã có tiền lệ

* Cưỡi lên lưng cọp không phải là chỉ một sự đã rồi, không thể thay đổi. Hãy xác định rõ nếu bây giờ ta leo xuống – từ bỏ quyền đăng cai Asiad, hay hợp tác với nước khác như Thái Lan, Lào… để đồng tổ chức thì những hệ quả có thể có là gì. Để an toàn, hãy nghĩ ra những hệ quả/hậu quả xấu nhất có thể. Sau đó so sánh nó với hậu quả của việc nếu chúng ta tiếp tục nhắm mắt đưa chân, để mặc con cọp lao đi đâu thì lao vì thể diện, vì cái tư tưởng “đã leo lên lưng cọp thì không bao giờ xuống”, hoang phí biết bao nhiêu tiền bạc, mồ hôi công sức của dân, trong khi đất nước đang có biết bao nhiêu việc khác cần lo. Số tiền đó có thể xây được biết bao nhiêu cây cầu chất lượng và an toàn, để cho những đứa trẻ không còn phải chui vào bịch nilông mà bơi qua sông?! Số tiền đó có thể lo được biết bao nhiêu bữa “cơm có thịt” cho những người nghèo?! Số tiền đó có thể xây thêm những bệnh viện lớn, để bệnh nhân và thân nhân không phải vạ vật chen chúc dưới gầm giường, hành lang.

Nếu ai đó lo sợ mất thể diện quốc gia thì hãy nghĩ lại cái gọi là thể diện quốc gia đó là gì. Việc một quốc gia đăng cai rồi xin rút cũng không phải chưa từng có tiền lệ. Ở Asiad năm 1970, Hàn Quốc sau khi được lựa chọn đăng cai đã xin rút vì những khó khăn trong nước. Thái Lan sau đó đã đứng ra nhận tiếp tục tổ chức. Đến bây giờ có ai chê trách gì người Hàn Quốc vì lựa chọn đó của họ không? Vì vậy, mong tất cả mọi người hãy sáng suốt xem xét, dũng cảm xuống khỏi lưng cọp nếu đó là việc cần làm. Đừng để thành tiền lệ rằng chỉ cần ai đó đặt mình lên lưng cọp thì coi như “chỉ có ngồi chờ chết!”.

blue1922@…

Be first to comment