Bản chất và mức độ

Kiến Văn

Tuần qua, hai sự kiện xảy ra, một được cả thế giới biết đến, một không mấy tờ báo quốc tế nói tới, báo Việt Nam có vài ba tờ đưa tin, có tờ đưa tin rồi rút lại.

Sự kiện thứ nhất là nhà văn Salman Rushdie bị Hadi Matar một thanh niên Mỹ Hồi giáo cuồng tín gốc Liban đâm trọng thương,  33 năm sau “giáo lệnh” (fatwa) của giáo chủ Khomeini kết án tử hình tác giả “Những vần thơ của quỷ” và kêu gọi tín đồ thi hành bản án. Suốt ba chục năm trời, nhà văn gốc Ấn Độ đã phải sống trong vòng bí mật, dưới sự bảo vệ 24g/24g của cảnh sát Anh. Sách của ông đã bị đốt nhiều lần ở nhiều nơi, nhưng nguyên tác tiếng Anh và bản dịch đã được phổ biến rộng rãi. Năm 1991, giáo sư Hitoshi Igarashi, tác giả bản dịch tiếng Nhật, đã bị đâm chết (31 năm qua vẫn chưa tìm ra thủ phạm).

Sự kiện thứ hai: ngày 9.8.2022, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP.HCM, ký quyết định (xem Văn Việt) xử phạt “vi phạm hành chính” nhà thơ Bùi Chát (Bùi Quang Viễn): 25 triệu đồng, và phải “tiêu hủy 29 bức tranh” đã triển lãm “mà không có giấy phép”. Toàn bộ các bức tranh đều vẽ theo lối trừu tượng, “tuyệt nhiên không thể ‘phiên dịch’ theo lối ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’, có ‘ẩn ý chính trị’ gì gì. Cần lưu ý rằng cuộc triển lãm đã kết thúc vào ngày 30/7, mà mãi đến ngày 9/8 mới có quyết định xử phạt”.

Tôi không muốn và không cần so sánh hai sự việc. Chỉ muốn nêu một câu hỏi: hai chủ trương man rợ và ngu muội đó khác nhau về bản chất hay chỉ khác nhau về mức độ? Một điều chắc chắn, nếu 29 bức tranh trừu tượng (độc bản) của Bùi Chát thực sự bị tiêu hủy, thì ông Khomeini ở Hà Nội hơn hẳn ông Khomeini ở Tehran, là đi vào lịch sử như tên tội đồ văn hóa đã thiêu hủy, mãi mãi, những tác phẩm hội họa.

Nguồn: https://www.diendan.org/giot-muc-giot-doi/ban-chat-hay-muc-do

Comments are closed.