Bác sĩ gia đình và cảnh sát khu vực

Huỳnh Ngọc Chênh

Nhân chuyện Phó Thủ tướng Đam nói phấn đấu người dân ai cũng có bác sĩ riêng như ông mà sau đó có người diễn dịch lại là ông muốn nói đến hệ thống bác sĩ gia đình mà phần lớn các nước tiên tiến đã áp dụng rất hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, tui chợt liên tưởng đến một hệ thống quy mô lớn chỉ có ở Việt Nam và ở vài nước cộng sản, hiếm có ở các nước trên thế giới. Đó là hệ thống cảnh sát khu vực.

Sau ngày thống nhất đất nước, hệ thống cảnh sát khu vực quy mô lớn và vô cùng tốn kém được thiết lập ngay trên toàn miền Nam theo mô hình đã có từ rất lâu ở miền Bắc.

Quy mô lớn vì mỗi tổ dân phố có ít nhất một nhân viên cảnh sát khu vực (CSKV) phụ trách. Và hầu hết CSKV là sĩ quan, trong đó phần lớn mang hàm từ trung úy trở lên. Đọc báo công an còn thấy có những ông CSKV mang đến hàm trung tá. Lương của sĩ quan cảnh sát khá cao, cao hơn lương bác sĩ là điều chắc chắn. Do vậy để trả lương cho hệ thống CSKV trên toàn quốc, ngân sách chi ra số tiền không phải nhỏ.

Nếu ngoài chức năng gọi là bảo vệ trật tự trị an, CSKV còn quan tâm đến vấn đề dân sinh thì tốn kém cho họ cũng không sao. Trong khu vực quản lý, ai vi phạm những chuyện như tè bậy, đổ rác và chất thải ra đường và ra sông, mở nhạc ầm ĩ, gây ồn ào đêm khuya… thì CSKV phải ngăn cấm, nhắc nhở hoặc xử lý. Tuy nhiên sống qua 40 năm, cư trú nhiều nơi, tui chưa hề thấy một CSKV nào làm những chuyện đó. Ngay trong nhiệm vụ bảo vệ trị an, thì CSKV cũng chỉ chú tâm vào an ninh chính trị, để bảo vệ đảng, hơn là chú tâm vào tội phạm hình sự để bảo vệ dân.

Tóm lại là người dân đóng thuế để nuôi một bộ máy khổng lồ nhưng không giúp ích cho dân bao nhiêu.

Trở lại hệ thống bác sĩ gia đình mà ông Đam mơ ước sẽ phấn đấu xây dựng ra.

Hầu hết các nước tiên tiến đều áp dụng hệ thống bác sĩ gia đình từ khá lâu. Mô hình và lợi ích của hệ thống đó như thế nào trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân đã có thực tiễn ở các nước đó đúc kết, không cần phải nói ra đây dài dòng.

Điều chúng ta muốn nói là Việt Nam có khả năng xây dựng và triển khai hệ thống bác sĩ gia đình hay không. 

Thực ra nhà nước Việt Nam có đầy quyền lực và nắm tất cả tiền của, tài nguyên quốc gia thì để xây dựng ra một hệ thống bác sĩ gia đình không có gì khó khăn nếu muốn.

Nếu không được mỗi tổ dân phố một bác sĩ như CSKV thì có thể mỗi phường, mỗi thôn có từ 1 đến 3 bác sĩ phụ trách. Bác sĩ đa khoa lại dễ đào tạo hơn bác sĩ chuyên khoa. Nếu không đào tạo ra đủ bác sĩ thì thời gian đầu ta sử dụng y sĩ rồi dần dần hoàn thiện lên.

Lương bác sĩ thì thấp hơn lương sĩ quan công an. Thêm vào đó có thể theo công thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” nghĩa là mỗi lần tư vấn hay khám bệnh, bác sĩ gia đình ngoài lương của ngân sách ra, có thể thu thêm một khoản phí vừa phải theo quy định. Như vậy, chi phí cho hệ thống bác sĩ gia đình vận hành khá thấp so với chi phí hệ thống CSKV hiện hành.

Tóm lại, nhà cầm quyền không muốn làm chứ không phải không làm được. Và lẽ ra phải làm từ mấy chục năm về trước chứ không phải đến bây giờ mới nằm trong mơ mộng của ông Phó Thủ tướng Đam.

Nhà nước này có vì dân hay không thì qua chuyện CSKV và bác sĩ gia đình đã bộc lộ rõ.

clip_image001

Ảnh: Vì không có bác sĩ gia đình tư vấn hoặc khám chữa ban đầu nên bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải không đáng có.

Nguồn: FB Huỳnh Ngọc Chênh

Comments are closed.