Bàn lại về một mệnh đề

Lại Nguyên Ân

Hôm kia, 15.11.2021, dự hội thảo của Hội đồng Lý luận – Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. Mình có tham luận gửi đến từ trước, nhưng không được mời đọc. Không sao, tham luận đã in kỷ yếu, và chỉ kể chuyện ngồi tìm lại xem người ta đã tìm và in lại Nam Cao ra sao thôi.

Đến khi hội thảo dành vài chục phút để trao đổi, chung quanh chuyện làm tác phẩm văn nghệ nhắm tới những vụ việc khẩn cấp hay những sứ mệnh lâu dài, mình nghe chứ không lên tiếng.

Bữa ăn cuối hội thảo, nhân ngồi cùng Ngô Thảo và hai giảng viên ĐH sân khấu-điện ảnh Trần Trí Trắc và Phạm Duy Khuê, mình mới đưa ra bình luận về ý kiến ông Trí Trắc lúc thảo luận, theo đó, “sân khấu tinh hoa phải là sân khấu nhà nước”! Mình bảo: Ý ông hóa ra lại là trở về văn nghệ bao cấp, văn nghệ quốc doanh rồi? Ta đã qua đoạn ấy, đang hô nhau “xã hội hóa” tức là phi quốc doanh, tức là tư nhân hóa các tổ chức nghệ thuật kia mà?

Ông Trắc không phản đối “xã hội hóa”, nhưng ý ông là phải có một số đoàn do nhà nước nuôi dưỡng, nhưng phải gồm nghệ sĩ giỏi, đạo diễn giỏi, tức là tập hợp những nghệ sĩ xuất sắc, xuất chúng vào đó; như một số đơn vị nghệ thuật xuất chúng, tinh hoa ở các quốc gia khác.

Ngô Thảo bảo: Các sân khấu như Broadway vẫn là ưu tú, tinh hoa, người muốn xem phải đặt mua vé trước hàng năm…, mà nó vẫn là tư nhân đấy thôi!

Câu chuyện có lúc nhắc đến câu “văn hóa còn, dân tộc còn” người ta nêu lên ở hội nghị văn hóa toàn quốc. Nhân có uống tí bia, mình hăng lên, bảo: Tôi nghĩ nên nhận định ngược lại: Dân tộc còn, văn hóa còn! Con người tạo ra văn hóa. Cộng đồng dân tộc còn thì mới giữ được những sản phẩm văn hóa đã có, lại còn sáng tạo thêm được những sản phẩm văn hóa mới.

Chứ nếu nói “văn hóa còn, dân tộc còn” thì có khi những sản phẩm văn hóa còn lại đó, trơ gan cùng tuế nguyệt, mà cộng đồng tộc người tạo ra nó thì hoặc đã tan rã, biến mất, hoặc tản mác phân tán, do bị cộng đồng khác thôn tính, xen cư, xâm cư, làm mờ bản sắc. Như đô thị cổ Machu Picchu của người Inca trên đất Peru ngày nay, hay một số kim tự tháp của dân bản xứ da đỏ ở Mexico kia: sản phẩm văn hóa còn đó, mà dân tộc chủ thể của chúng đâu còn?

Các tháp Cham ở miền Trung Việt Nam hiện giờ cũng thuộc loại tương tự, bởi cư dân chủ thể của các sản phẩm văn hóa này chỉ còn rất thưa thớt, không còn là dân tộc-quốc gia, chỉ còn là tộc người thiểu số.

Lỗi lầm lớn cho sự thể này thuộc người Việt, nhưng đó là kết quả tiến trình lịch sử khách quan, không sao có thể đảo ngược! Trách nhiệm bảo tồn các sản phẩm văn hóa Cham hiện giờ thuộc về những người mang quốc tịch Việt Nam nói chung, chứ không thuộc riêng cư dân Cham hiện còn nữa!

Hai giảng viên sân khấu-điện ảnh bổ sung: có những văn hóa khảo cổ mà chủ nhân đã chết, ngày nay trở thành những sản phẩm phục vụ cho du lịch, cho nhu cầu thăm thú, chiêm nghiệm các thành tựu quá khứ của các dân tộc, tuy có khi chủ thể các văn hóa ấy không còn; quản lý các di chỉ khảo cổ ấy là quốc gia hiện tại sở hữu đất đai có di chỉ kia.

Vậy thì vấn đề của ý chí lịch sử phải là làm sao cho cộng đồng dân tộc trường tồn; khi đó các sản phẩm văn hóa dân tộc sẽ trường tồn cùng dân tộc, bên cạnh những sản phẩm văn hóa mới được các thế hệ mới của dân tộc sáng tạo ra.

Con người, cư dân là nhân tố thứ nhất, văn hóa là nhân tố thứ hai.

Tất nhiên, là sản phẩm sáng tạo theo nhu cầu chủ thể người, các sản phẩm văn hóa kết tinh các giá trị người, và có tác động nuôi dưỡng tư chất, phẩm chất, bản lĩnh người!

Có người nhắc: Cái mệnh đề “văn hóa còn, dân tộc còn” hẳn đã được gợi ý từ câu nói nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”!

Mình nói: câu của cụ Phạm hay thật, nó thấm đẫm một tình yêu đắm đuối đối với dân tộc mình, đối với giá trị văn hóa văn nghệ của dân tộc mình. Nhưng cũng nên thấy câu ấy thốt ra từ một tâm thức yếu đuối, do nỗi đau vì đất nước đang bị nước ngoài “bảo hộ”, “trực trị” gây nên.

Nỗi niềm ấy xui khiến người ngôn luận vin lấy một vài thứ vẫn đang còn là của dân mình, ở đây là tiếng Việt, là tác phẩm ngôn từ được dệt bằng tiếng Việt, để đoan chắc về sự trường cửu của căn cước dân tộc Việt. Lời đoan quyết này tuy có sở cứ nhưng không thật mạnh mẽ, quyết đoán.

Ngày nay, ngưởi mình cai quản lấy đất nước mình, có thể trầm tĩnh hơn để nói về liên hệ giữa văn hóa và dân tộc.

Dân tộc phải cường thịnh để trường tồn cùng nhân loại, văn hóa phải phát triển để làm giàu thêm những giá trị và thành quả mà dân tộc đã và sẽ đạt tới.

Mấy ông già ngoại thất tuần gật gù với nhau ít phút nữa rồi chia tay.

Comments are closed.