Có nỗi sợ mang tên Đồng Tâm…

Bùi Mai Hạnh

Tranh chấp quyền sử dụng đất dẫn đến khiếu kiện kéo dài không được phân xử minh bạch là lý do cơ bản dẫn đến cơn cuồng nộ Đồng Tâm, một sự kiện làm nức lòng dân oan mất đất.

Người dân Đồng Tâm cho rằng họ có quyền canh tác trên đất đai của tổ tiên. Quân đội bảo đó là đất quốc phòng, quân đội có quyền làm các dự án của quân đội. Sự nhập nhằng này đã tạo thời cơ cho các thế lực khác ngang nhiên đục nước béo cò, chiếm dụng đất đai của người dân. Giống như dân oan mất đất ở các nơi khác, dân Đồng Tâm hoàn toàn đơn độc trong cuộc chiến pháp lý vô vọng. Tuy nhiên, khác với dân oan các nơi khác, nhân dân Đồng Tâm đã tìm ra cách làm mới so với từ trước đến giờ.

Lần đầu tiên, người nông dân Việt Nam dưới chế độ XHCN dám bước qua “nỗi sợ truyền kiếp”. Họ đã bắt giữ ba mươi tám cảnh sát cơ động được phái đến để cưỡng chế, nhốt lại dùng làm con tin để “mặc cả” với chính quyền, đòi chính quyền lắng nghe tiếng nói của họ. Và sau đó sáu nghìn người dân Đồng Tâm đồng lòng rào làng nguyện sống chết cùng nhau để đòi công lý.

Tôi đến xã Đồng Tâm, Mỹ Đức một tuần sau khi “cuộc khủng hoảng” được tháo gỡ bằng một tờ giấy cam kết viết tay có chữ ký và điểm chỉ của ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội.

Làng quê hiền hòa có non có nước với những ngôi nhà xây bằng đá ong từ xa xưa, nơi có nguồn nước đặc biệt trong lành. Lúa xanh ngắt làm nền cho cờ đỏ sao vàng phấp phới trên bờ ruộng. Khẩu hiệu giăng khắp nơi. Bên cạnh khẩu hiệu thể hiện ý chí của chính quyền, nhắc người dân đời đời nhớ ơn Đảng Bác và tuân thủ pháp luật, là những khẩu hiệu bày tỏ ý chí của người dân như: Người Đồng Tâm không chống chính quyền, chỉ chống tham nhũng. Chống mua bán đất trái phép. Chống bắt người trái phép. Đất Đồng Tâm của người Đồng Tâm…

Những khẩu hiệu ngả nghiêng sau “cơn cuồng nộ” của lòng người đến nay vẫn còn nguyên hoang mang tơi tả.

Người Đồng Tâm đang chờ kết luận của thanh tra, họ chưa dám nói đến hai từ “chiến thắng”.

Kể lại bảy ngày đêm “chiến đấu” giữ đất giữ làng căng thẳng sợ hãi như trong thời chiến, những phụ nữ Đồng Tâm miệng cười tươi nhưng không giấu được ánh mắt lo lắng cảnh giác và chưa nguôi tức giận.

Họ luôn miệng nói: “Dân em sợ lắm. Họ bắt dân em thì dân em phải bắt lại họ để đòi người thôi”. Một số đàn ông trong làng bức xúc kể lại cảnh cụ Kình bị lừa cho xuất hiện rồi quật ngã bắt đi. Dân làng chạy theo đòi người thì bị đánh đập tàn nhẫn.

Câu chuyện của họ cho thấy sự ngạo ngược tham lam trắng trợn không có giới hạn của một số quan chức chính quyền đã thách thức lòng kiên nhẫn chịu đựng của người dân. Tuy nói rất mạnh miệng rằng họ đã không chết ở chiến trường thì về quê hương sao họ lại phải sợ chết, nhưng đêm đến, họ vẫn không dám ngủ trên chính chiếc giường của mình…

Và họ sẽ còn phải đi ngủ ngoài ruộng ngô đến bao giờ?

Bao giờ cảnh bình an thật sự mới trở lại với người dân Đồng Tâm?

Cơn cuồng nộ mang tên Đồng Tâm đã vượt đỉnh thăng hoa nay có phải đang dần trở lại nỗi sợ hãi cố hữu?

Tôi hỏi ông Lê Luân, một trong những luật sự được dân làng Đồng Tâm mời vào bảo vệ quyền lợi của họ ngay trong những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng, để tìm thêm thông tin.

Hỏi: Xét về mặt pháp luật, dân Đồng Tâm có sai không và nếu sai thì sai đến đâu?

Trả lời: Chúng ta thường lên án cơ quan chức năng nào đó về việc bắt giữ người không có lệnh, trừ trường hợp khẩn cấp. Trong trường hợp các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bị bắt giữ thì đương nhiên là trái pháp luật. Tuy nhiên, trong tình thế cấp thiết người ta có thể hành động như vậy. Hành vi của người dân không có bất kỳ sự xâm hại nào đối với những người bị bắt giữ, mà lại chăm sóc một cách bình thường. Như vậy, ở đây, có dấu hiệu của việc giữ người nhưng không có dấu hiệu của tội hình sự. Cho tới hôm nay, vấn đề này đã được giải quyết rồi, chẳng nên đào sâu nữa. Việc giữ người ở Đồng Tâm là mang tính khủng hoảng, và ông Chung Chủ tịch thành phố Hà Nội, đã cam kết không xử lý hình sự bất kỳ ai ở Đồng Tâm.

Hỏi: Liệu dân có sự lựa chọn nào khác trong tình huống đó mà không phải bắt giữ người?

Trả lời: Vấn đề lúc đó là xảy ra theo sự kiện. Những chiến sĩ này vào làng để cưỡng chế. Nhiều năm rồi người dân khiếu kiện, bức bách lắm rồi mà không đến tai ai, người đứng đầu đơn là cụ Kình thì lại bị bắt, rồi lại vẫn bị cưỡng chế lấy đất. Vì vậy họ đã có phản ứng ngay tức thời để tự bảo vệ và để truyền tải tiếng nói đến nơi cần thiết. Trong sự bất lực, thì đó là sự lựa chọn cuối cùng, hành động cuối cùng họ phải làm, để kêu kiện. Theo tôi họ không còn có lựa chọn nào khác trong tình cảnh đó.

Hỏi: Ông có thể dự đoán kết luận của thanh tra sẽ theo chiều hướng nào để không xảy ra những vụ Đồng Tâm khác?

Trả lời: Nếu theo chiều hướng tốt thì chính quyền Hà nội sẽ phải xử rốt ráo việc này. Phần 47 hec ta của dự án là của dự án còn 57 hec ta của người dân thì là của người dân, hoàn toàn không có liên quan gì. Chính vì việc này bị nhập nhằng nên người dân đang bị xâm hại quyền lợi về tài sản. Về kết luận cuối cùng thì cần có cơ sở pháp lý chứ tôi không thể phỏng đoán được vì chúng tôi chưa có đầy đủ hồ sơ. Chúng tôi đang chờ người dân cung cấp hồ sơ.

Hỏi: Ông có nhận xét gì về ý kiến cho rằng, cảnh sát cơ động không muốn chống lại dân nên đã cố tình để cho dân bắt dễ dàng?

Trả lời: Đó chỉ là câu chuyện của định hướng dư luận thôi. Vào tình huống đó, không ai biết được.

Hỏi: Thế còn ý kiến cho rằng có một thế lực nào đó “bật đèn xanh” cho người dân “nổi dậy”?

Trả lời: Nếu có đi chăng nữa thì cho dù nếu chúng ta là dân làng, chúng ta cũng không thể biết được. Chúng ta chỉ biết là, khi cụ Kình bị bắt đi, một số người chạy về làng loan báo, cơ động xuống để cưỡng chế, thì bị dân làng bắt nhốt. Chẳng có kế hoạch nào cho hành vi mang tính khủng hoảng bộc phát đó. Còn sau đó, khi đã bắt giữ con tin rồi, thì rõ ràng là người dân phải có kế hoạch hành động, phân công nhiệm vụ cho nhau đến từng chi tiết…

Hỏi: Tôi vừa từ Đồng Tâm về, có người bảo phải ra ruộng ngô ngủ, có người thì luôn sợ bị ghi âm khi nói chuyện với người lạ. Họ có cần thiết phải lo lắng như vậy không?

Trả lời: Chắc chắn là họ phải lo lắng vì bản thân họ bị lừa nhiều rồi. Họ đã đến bước đường cùng. Trong quá trình hơn chục năm, họ không được ai lắng nghe, không được giải quyết. Họ còn bị bắt một cách trái pháp luật, thì gây ra việc mất hết niềm tin. Khi mất niềm tin thì đương nhiên là họ mất phương hướng và sợ hãi. Ngay cả chúng tôi xuống để trợ giúp mà cũng phải mất khá lâu để tạo được niềm tin cho họ. Rằng là chúng tôi đang làm việc thực tâm, chúng tôi muốn giúp họ chuyển những thông điệp của họ đến cấp chính quyền cao hơn. Chúng tôi chỉ muốn giúp người dân để tránh xảy ra trường hợp xấu nhất là không kiểm soát được. Đối thoại để có được bản cam kết ba điểm đó cũng đã là một quá trình quá căng thẳng, trao đi đổi lại giằng co quá lâu. Sau nhiều đêm mất ngủ và đối diện với tình thế nguy hiểm, đương nhiên là họ phải lo lắng. Và họ còn lo lắng vì đành rằng chính quyền cam kết, nhưng kết luận chưa có, và nhỡ kết luận lại giống như trước đây thì sao, hoặc lại rơi vào im lặng thì sao? Khủng hoảng tức thời đã được giải quyết, cam kết của chính quyền đã được viết ra, nhưng bản thân người Đồng Tâm hiện nay không có gì cả ngoài sự chờ đợi.

Hỏi: Dường như là truyền thông nhà nước đã góp phần gây nên sự lo lắng cho người dân khi gọi họ là những kẻ bạo loạn hoặc gây rối? Nhận xét của riêng ông về người dân Đồng Tâm và sự kiện Đồng Tâm?

Trả lời: Một trong tám điểm mà người dân gửi ông Chung là yêu cầu truyền thông của xã, huyện không truyền thông trên loa rằng đấy là đất quốc phòng bị người dân lấn chiếm. Như vậy là họ không tin truyền thông. Như chúng ta biết, trong quá trình khủng hoảng, người dân không thông tin gì cho báo chí cả. bời họ mất niềm tin vào truyền thông báo chí. Có thể nói rằng vụ Đồng Tâm là bước trưởng thành của người dân trong việc chống lại bạo quyền mà không có đổ máu. Dân Đồng Tâm rất đoàn kết không nghe theo thế lực bên ngoài nào. Đừng kỳ vọng chính trị gì vào họ cả. Họ không có tầm nhìn xa, họ chỉ biết đấu tranh cho quyền lợi của chính họ thôi. Họ đấu tranh cho quyền lợi của họ như thế là quá tuyệt vời rồi. Mỗi người trong chúng ta chỉ cần biết bảo vệ quyền lợi của mình một cách dũng cảm thế là cả xã hội sẽ tốt đẹp lên.

Hậu Đồng Tâm, mỗi người dân đơn lẻ dường như đang chờ đợi trong sợ hãi. Tuy nhiên, họ đã được mở to mắt để nhìn thấy rõ một nỗi sợ khác: nỗi sợ hãi của chính quyền trước cơn cuồng nộ của lòng dân.

Kết thúc bài viết này, xin nhắc lại lời một viên chức cao cấp trong chính quyền, đại ý: nếu ta sai ta sẽ xin lỗi dân, nếu người dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, để thấy rằng: với tư duy bề trên và phát ngôn kiểu vô minh vô pháp thường thấy của “người nhà nước”, liệu người dân Đồng Tâm và nhân dân cả nước có nên tin vào những lời hứa của nhà cầm quyền, kể cả khi nó được thể hiện trên giấy trắng mực đen? Hi vọng nhân dân Đồng Tâm trắng án thật mong manh…

Nguồn: FB Bùi Mai Hạnh

Comments are closed.