“CẤM BÁO CHÍ TƯ NHÂN” LÀ CHÍNH SÁCH ĐI NGƯỢC CHIỀU TIẾN HÓA CỦA VĂN MINH

Trần Quí Cao

21-11-2015

Ngày 17/11/2015, trang điện tử báo Giáo Dục Việt Nam đăng bài “Nên hay không báo chí tư nhân, và hiểu thế nào cho đúng” giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Mạnh Hà, một người hành nghề luật (1). Ý chính của bài ông Hà có thể tóm tắt như sau:

Điều này đòi hỏi nhà báo phải là những người có tư cách đạo đức chuẩn mực, có kiến thức sâu rộng, nghiệp vụ lí luận vững vàng. Đó cũng là đồng nghĩa với việc phải có cơ quan báo chí chuyên ngành đạt tiêu chuẩn quốc gia, có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước

Và ông kết luận: “Không nên cho hoạt động báo chí tư nhân, vì tư nhân không thể đảm bảo được năng lực định hướng cho dư luận của báo chí”.

Tôi cho rằng quan điểm “Không nên cho hoạt động báo chí tư nhân” là quan điểm rất phản động theo nghĩa nó đi ngược chiều tiến hóa về tri thức xã hội của đa số các dân tộc trên thế giới, nó nghịch hẳn với quan điểm chính thống của đại đa số các quốc gia giàu mạnh, văn minh trên thế giới. Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Áo, Thụy Điển, Na Uy, Canada, Úc… trong những nước toàn thế giới xem là văn minh giàu mạnh nhất đó, nước nào cũng có báo chí tư nhân, và nhờ có báo chí tư nhân mà họ hùng mạnh lâu dài. Tại sao Việt Nam chọn hướng đi ngược lại?

Bài viết này xin nêu các lập luận phản bác các ý chính của ông Phạm Mạnh Hà. Các đoạn viết nghiêng được trích dẫn từ bài viết của ông Hà.

Điểm thứ nhất: “Cũng chính vì thế mà báo chí có hai chức năng chính là: thông tin và tuyên truyền” [trích bài]

Phát biểu này chỉ có tính chất mô tả. Tôi xin phép triển khai thêm như sau:

Chức Năng Thông Tin Của Báo Chí thì chắc hẳn nhiều người công nhận là một chức năng đương nhiên. Chỉ xin chú ý một thực tế rằng từ khi có báo mạng, báo mạng tư nhân đã thực thi chức năng này tốt hơn, nghĩa là trung thực hơn, báo chí của nhà nước nhiều.

Xin đưa vài thí dụ:

Ai đưa thông tin về tính mạng của em Đỗ Đăng Dự, từ khi nguy kịch trong đồn công an tới khi em chết? Báo mạng tư nhân; Ai đưa thông tin về các cái chết oan khuất trong đồn công an? Báo mạng tư nhân; Ai đưa thông tin về các án oan, án giả, án ngụy tạo chứng cứ? Báo mạng tư nhân; Ai đưa thông tin về tính mạng ông Nguyễn Bá Thanh nguy kịch bên Mỹ? Báo mạng tư nhân; Ai đưa thông tin về tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam? Báo mạng tư nhân; Ai đưa thông tin về các buổi biểu tình phản đối Trung Cộng? Về các hành động phá bĩnh, trấn áp, cho xã hội đen hung hãn tấn công các buổi tập họp ôn hòa này? Báo mạng tư nhân. Ai đưa thông tin về tàu Trung Cộng xâm chiếm chủ quyền lãnh hải Việt Nam (như cắt cáp tàu Bình Minh, như dàn khoan Hải Dương…)? Báo mạng tư nhân; Ai đưa thông tin về dân oan khiếu kiện? Báo mạng tư nhân; Ai đưa thông tin về các vụ tham nhũng động trời? Báo mạng tư nhân. Tất cả đều do báo mạng tư nhân!

Trong những vụ việc như vậy, báo nhà nước im lặng. Hoặc lên tiếng về chúng một cách qua loa sau khi báo mạng đã đưa tin. Hoặc lái thông tin theo hướng khiến nhiều độc giả cảm nhận không trung thực.

Điểm thứ hai: “Với chức năng thông tin, thì đòi hỏi nguồn tin phải chính xác, chịu trách nhiệm, và tiếp nhận rộng rãi trên toàn xã hội. Do đó nguồn tin phải được xác định nơi cung cấp, người cung cấp, người chịu trách nhiệm” [trích bài].

Chính vì điểm này mà cần phải có báo chí tư nhân. Nếu đã đồng ý nhau trên yêu cầu “nguồn tin phải được xác định nơi cung cấp, người cung cấp, người chịu trách nhiệm” thì không thể cấm đoán báo chí tư nhân, mà chỉ cần có các qui định để người đưa ra nguồn tin không đáp ứng yêu cầu nói trên, cho dù người đó thuộc về báo chí nhà nước hay báo chí tư nhân, đều phải chịu trách nhiệm, thậm chí trách nhiệm trước pháp luật. Sự cấm đoán báo chí tư nhân cho thấy ý muốn áp đặt thông tin một chiều, và từ đó là đàn áp tư tưởng. Ý muốn này xuất phát từ động cơ không muốn nhìn thẳng vào Sự Thật, chính là ý muốn Không Trung Thực đối với chức năng thông tin của báo chí.

Chẳng phải vì báo chí tư nhân bị đặt ngoài vòng pháp luật mà nền báo chí Việt nam không hoàn thành chức năng thông tin của mình sao? Những thí dụ kể trên là minh chứng quá rõ ràng về tính không trung thực của một nền báo chí quốc gia trong đó chỉ có báo chí nhà nước, không có báo chí tư nhân. Báo tư nhân do các trang mạng (dù đang không được sự chấp nhận của đảng) đã sửa đổi một phần lỗi lầm của báo nhà nước. Chúng ta cùng suy nghĩ, nếu Việt Nam chính thức có báo chí tư nhân thì bao nhiêu Sự Thật sẽ được cung cấp cho người dân, Sự Thật soi đường chỉ hướng, Sự Thật kiểm chứng đánh giá thành quả của chính quyền, của xã hội, Sự Thật giải phóng tư tưởng, xiển dương tinh thần học hỏi của toàn dân… thì dân tộc chúng ta sẽ có nguồn lực vô biên phục vụ sự phát triển đất nước. Còn thế lực tăm tối và ích kỷ nào chặn được đường tiến lên giàu mạnh, no ấm và tự chủ của dân tộc ta?  

Điểm thứ ba: “Một xã hội luôn có nhu cầu cần được biết nên đi theo hướng nào giữa muôn vàn ý kiến, quan điểm, tư tưởng trong dư luận. Vì vậy qua những tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, báo chí đã ra đời để đáp ứng cho nhu cầu cần được định hướng này

Tôi cảm thấy thoải mái hơn nếu dùng từ gợi ý thảo luận thay cho từ định hướng. Xã hội có nhu cầu biết các thông tin, các quan điểm trái chiều, rồi thảo luận một cách tự do và cầu thị trên các thông tin, quan điểm đó nhằm tìm một hướng đi mà đa số dân chúng đồng thuận. Tuy nhiên tôi không muốn đi sâu vào từ “định hướng” ở đây.

Chức Năng Định Hướng Của Báo Chí

Nhìn từ góc độ triết học, bất cứ thông tin nào đưa ra đều mang theo một hàm ý chủ quan, và do đó có thể hiểu là một dạng của định hướng, cho dù người đưa ra thông tin có thể có ý muốn “định hướng” hay không có. Bởi vì không một người nào, dù muốn, có thể bước ra ngoài cái vỏ bọc chủ quan tự nhiên được hình thành bởi xuất thân, giáo dục, vốn sống… của chính mình. Dù thực tâm và cố gắng để khách quan tới đâu đi nữa, cách thức đưa tin cũng có thể đã là một định hướng. Thí dụ khi bạn nghe kể về một tai nạn xe thuật lại bởi ba người khác nhau, người kể cùng chỉ nêu lên ngày giờ, địa điểm, hậu quả, nếu tinh ý bạn cũng cảm nhận 3 thái độ khác nhau. Một thái độ dững dưng. Một thái độ có ý tiếc về mặt an toàn giao thông. Một thái độ nghiêng về tính kỹ luật và quản lý xã hội.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cho dù giống nhau ở chỗ cùng không từ chối được cái vỏ bọc của chính mình, vẫn có sự khác biệt giữa hai nhóm người đưa thông tin: nhóm người quyết tâm bám vào cái chủ quan của mình, và nhóm người có ý thức về tính khách quan khoa học, sẵn sàng học hỏi, thảo luận với người khác để tiến tới điểm hợp lý nhất, hiệu quả nhất. Đây là khác biệt giữa một bên là người biết quan điểm của mình khác với đại đa số, vẫn tìm mọi cách, kể cả bạo lực, áp đặt quan điểm của mình lên đa số không đồng ý. Và một bên là người biết theo quan điểm của của đa số dù quan điểm của riêng mình không giống vậy.

Điểm thứ tư: “Điều này đòi hỏi nhà báo phải là những người có tư cách đạo đức chuẩn mực, có kiến thức sâu rộng, nghiệp vụ lí luận vững vàng. Đó cũng là đồng nghĩa với việc phải có cơ quan báo chí chuyên ngành đạt tiêu chuẩn quốc gia, có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước” [trích bài]

Có 2 điều cần làm rõ:

1) Không ai dám chắc những người thuộc “cơ quan báo chí chuyên ngành đạt tiêu chuẩn quốc gia, có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước” là “những người có tư cách đạo đức chuẩn mực, có kiến thức sâu rộng, nghiệp vụ lí luận vững vàng”.

Nếu xét trên quan điểm của các giá trị sống phổ quát và truyền thống như trung thực, bác ái, bình đẳng… thì báo chí nhà nước tệ hại hơn ai hết! Có tờ báo nào làm phóng sự về trên 200 con người chết oan khuất trong đồn công an, trại tạm giam? Có tờ báo nào làm phóng sự điều tra về những bản án bỏ túi, những bán án tử hình mà chứng cớ buộc tội do ngụy tạo? mà qui trình giam giữ và xét xử bị vi phạm công khai và ngang nhiên? Có tờ báo nào làm phóng sự về dân oan bị đuổi khỏi mảnh đất cha ông truyền đời khai phá, cơm đùm áo rách lặn lội đường trường đi khiếu nại trong đàn áp của chính quyền, của xã hội đen được giựt dây? Báo chí nhà nước đã thành trơ đá trước cảnh dân chúng yếu ớt bị giết hại, bị áp bức chăng?

Nếu xét trên quan điểm bảo vệ lãnh thổ và quyền tự chủ quốc gia thì báo chí nhà nước đã thành đồng lõa với Trung Cộng đang tiến chiếm biển đảo và giết hại dân Việt, đồng lõa với thế lực trong nước muốn nương nhờ Trung Cộng bảo vệ sự thống trị bất hợp pháp trên đất nước này nên nhượng đất cho Trung Cộng chiếm, bỏ dân cho Trung Cộng giết. Báo chí nhà nước chẳng những không đưa tin về các cuộc biểu tình chống Trung Cộng, mà còn “định hướng” đó là những thế lực phản động và thù địch muốn “lợi dụng tự do dân chủ” để gây rối xã hội! Hai từ “Tàu lạ” đã là dấu đóng ô nhục trên trán của nền báo chí nhà nước Việt Nam từ lâu rồi!

Nếu xét trên các quan điểm khác như quan điểm tôn trọng pháp luật và chống tham nhũng… xét trên quan điểm quốc kế dân sinh như các chính sách thuế má… thì chắc đa số người dân cho rằng báo chí nhà nước tệ hại hơn ai hết, vì nó đã hoàn toàn quay lưng lại với các “đạo đức chuẩn mực” của báo chí từ lâu rồi. Đã không có đạo đức chuẩn mực thì về lâu dài chỉ có thể tạo nên một tập thể cúi đầu nhận lệnh chứ không cần phải trau giồi để “có kiến thức sâu rộng, nghiệp vụ lí luận vững vàng”!

2) Nhân dân là tập thể rộng lớn, là người làm ra mọi của cải cho tổ quốc, là người chịu mọi đau thương mất mát do các chính sách bất hợp lý gây ra. Nhân dân là chủ chính thức của tổ quốc.

Nước có dân chủ là nước thực chất do dân làm chủ. Dân làm chủ nghĩa là dân quyết định. Đảng (và nhà nước của đảng) định hướng thông tin và quan điểm cho dân chúng chính là trồng cây lộn đầu! Chính ông Phạm Mạnh Hà có viết:

Một xã hội luôn có nhu cầu cần được biết nên đi theo hướng nào giữa muôn vàn ý kiến, quan điểm, tư tưởng trong dư luận. Vì vậy qua những tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, báo chí đã ra đời để đáp ứng cho nhu cầu cần được định hướng này

Điều này tôi đồng ý, và cũng chính qua điều này mà ông Hà tự mâu thuẫn với mình. Xã hội có nhiều quan điểm, khuynh hướng chính trị khác nhau, xã hội cần có những tổ chức chính trị-xã hội khác nhau đại diện cho những quan điểm, khuynh hướng chính trị khác nhau đó nêu lên quan điểm, khuynh hướng của mình để thuyết phục dân chúng –những người chủ thật sự của xã hội- chọn quan điểm, khuynh hướng chính trị nào.

Điều sai trái trong lập luận của ông Hà là đi từ nhận định trên, ông lại tiếp theo cho rằng sự định hướng cần phải trao cho đảng CSVN độc quyền (bởi vì đảng lãnh đạo toàn diện, quản lý toàn trị, và chỉ có báo chí nhà nước). Đảng CSVN chỉ đại diện cho một khuynh hướng chính trị, sao lại có thể đại diện cho các khuynh hướng chính trị khác? Việc trao độc quyền định hướng cho đảng CSVN thực chất là cấm cản thông tin về các khuynh hướng chính trị khác.

Việc đảng CSVN tiếm quyền chọn lựa của dân, dùng bạo lực lập chính thể độc đảng là truất quyền làm chủ thật sự của dân một cách phi pháp và phi lý. Việc đảng CSVN cấm đoán báo chí tư nhân là bịt mắt dân chúng, không cho họ nhìn, họ nghe những kiến thức rộng rãi trên thế giới, chỉ cho họ nhìn, họ nghe những điều đảng muốn. Đây đích thực là chính sách ngu dân làm tàn hại tri thức của dân tộc, tàn hại tương lai tổ quốc!

KẾT LUẬN:

Trong lập luận như trình bày trên, tôi nhận định rằng “Không nên cho hoạt động báo chí tư nhân” là một quan điểm, một khuynh hướng chính trị cực kỳ phản động.

Nó làm méo mó chức năng thông tin của báo chí. Độc quyền của báo chí nhà nước chỉ đem lại một nền báo chí bưng bít hay/và bóp méo Sự Thật, một nền báo chí Dối Trá.

Nó làm méo mó chức năng đưa ra các nhận định, quan điểm của báo chí cho công luận xem xét và thảo luận để đi đến các lựa chọn có tính đồng thuận xã hội cao nhất. Độc quyền của báo chí nhà nước chỉ đem lại một nền báo chí Ngu Dân, với các “định hướng” ru ngủ, mị dân, lừa đảo vì lợi ích riêng của phe đảng mà bất chấp lợi ích chung của tổ quốc, dân tộc.    

Nếu so với một trăm năm trước, năm 1915, khi chính quyền thực dân Pháp đang thời kiện toàn trên lãnh thổ Việt Nam, chính sách “Không nên cho hoạt động báo chí tư nhân” thực đã kéo người Việt Nam xuống hàng mất tự do ngôn luận hơn thời đó, đưa đất nước vào vòng tăm tối về tri thức hơn thời đó rất nhiều!

Chỉ cần so sánh trình độ tri thức tương đối của người Việt ta trên mặt bằng tri thức chung của các nước trong khu vực, thời đó và bây giờ!

____

Phạm Mạnh Hà – Nên hay không báo chí tư nhân, và hiểu thế nào cho đúng (GDVN).

Comments are closed.