Cảm tưởng về không khí buổi sinh hoạt khoa học của nhóm “CÁNH BUỒM”

Mạc Văn Trang

 

 

DSC05482

 

Mặc dù đang bị đau chân và bận việc, nhưng được nhà giáo dục Phạm Toàn cho biết tối 15/10/2014, Nhóm Cánh Buồm có hội thảo giới thiệu bộ sách giáo khoa Tiểu học tại L’ Espace – 24 Tràng Tiền, tôi vẫn háo hức ăn tối trước và bắt taxi lên dự.

Những buổi sinh hoạt khoa học kiểu không có giấy mời, chỉ nghe thông báo hoặc truyền tin cho nhau và biết trước là không có phong bì, không có ăn uống, quà cáp gì, không có “cấp trên chỉ đạo”… mà người ta cứ tự động đến xin được tham dự, đã là những tín hiệu mới đáng mừng, vì nó rất hiếm hoi trong cái xã hội “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở nước Việt Nam này. Thành phần tham dự đủ mọi tầng lớp, nhiều mái đầu tóc bạc, nhưng rất đông nam nữ sinh viên, mỗi người tự tìm lấy chỗ ngồi, không ai kiểm soát, sắp đặt. Hội thảo thì ai có ý kiến xuôi ngược gì, cứ tự do giơ tay, tự giới thiệu và nói đúng ý nghĩ trong cái đầu của mình, không cần liếc lên, ngó xuống, không cần bẩm báo, kính thưa dài dòng… Những người chủ trì hội thảo thì cứ tha thiết mong được phản biện, chỉ cho biết cái dở, cái chưa hoàn thiện trong công việc và trong các sản phẩm họ đã làm ra. Mọi câu hỏi, ý kiến khen, chê đều được trân trọng lắng nghe, bình tĩnh trả lời cặn kẽ, chả có gì là “nhạy cảm”, úp mở, ấp úng … Cái bình thường ở một xã hội dân sự như thế, lại thấy như một hiện tượng đẹp đẽ, mới mẻ trong cái xã hội cũ kỹ của chúng ta!

 

DSC05528(1)

Nhóm Cánh Buồm cũng chẳng coi họ là “điển hình” hay “quyết tâm thi đua” hoàn thành bộ sách giáo khoa… Họ thật thà, tự nhiên như người nông dân kể lại công việc đã “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bao tháng ngày cày bừa, chọn giống, gieo cấy, chăm sóc thế nào để gặt hái được những hạt thóc vàng như ngày hôm nay. Chỉ khác nông dân ở chỗ, ông “lão nông tri điền” Phạm Toàn cả một đời cày sâu, cuốc bẫm, đã ngẩng đầu nhìn lên Trời, “ngộ ra” một cách canh tác mới, bớt đi vất vả cực nhọc, làm việc nhẹ nhàng – vui thích mà hiệu quả hơn. Cái đó cũng có nhiều người biết, nói rất hay… Nhưng Phạm Toàn khác ở chỗ ông ít nói, nói cái gì, làm cái ấy, làm đi làm lại, chắt lọc lấy cách làm tinh túy nhất và trao truyền cho một nhóm đồ đệ tin cậy. Cái cách họ làm cứ như “truyền giáo” trong một xã hội còn nhiều cấm kỵ, ai giác ngộ thì tin theo, làm theo… Cứ như thế, nay nhóm Cánh buồm với những sản phẩm sáng tạo của họ đã như cái cây bám vào mảnh đất Việt giàu phù sa và tin rằng nó sẽ ngày một phát triển, tốt tươi.

Nói về tư tưởng, nền tảng tri thức và những cơ sở khoa học, kỹ thuật, các thủ pháp để làm nên những cuốn sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm, là câu chuyện lớn, còn nhiều bàn cãi, theo thời gian rồi sẽ rõ dần dần.

Tôi ấn tượng với những lời phát biểu sau đây:

– Có ai đó hỏi, tại sao nhóm Cánh Buồm làm việc hết lòng vì giáo dục, ra được bộ sách giáo khoa Tiểu học tốt vậy mà xã hội không quan tâm? Ông Chu Hảo, trong nhóm chủ trì hội thảo trả lời: Có thể các cơ quan quản lý không quan tâm, chứ xã hội thì có quan tâm, vẫn đang ngày càng quan tâm… Tôi thầm nghĩ “xã hội” tức là dân mình, còn “quản lý” tức là các quan đấy…

– Nhà Thơ, nhà giáo, dịch giả Hoàng Hưng có một tham luận hay. Ông nói, tôi đã nghiên cứu, so sánh sách giáo khoa môn “Tiếng” và “Văn” ở tiểu học của Pháp, Mỹ và của nhóm Cánh Buồm. Có thể nói nhóm Cánh Buồm đã lồng trong đó cả chương trình và sách gắn bó với nhau làm một, nhưng lại tách làm hai môn: Tiếng Việt và Văn. Đó là cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Còn nói về sách quá nặng, quá cao thì sách của tiểu học Mỹ, Pháp còn “cao” hơn, “nặng” hơn nhiều. Vấn đề là cách dạy, cách học như thế nào để học sinh tự chiếm lĩnh được đối tượng một cách nhẹ nhàng, chắc chắn. Tôi thật cảm động khi ông nói rằng, Phạm Toàn là một vốn quý của đất nước mà sao không được quan tâm tạo điều kiện cho ông cống hiến. Tại sao các doanh nhân có thể bỏ ra hàng tỉ đồng cho những việc vô bổ mà không ai tài trợ cho nhóm Cánh Buồm làm sách? “Tôi xin chắp tay lạy các doanh nhân, những ai bỏ ít tiền cho nhóm Cánh Buồm làm những việc giá trị thế này”! Tôi ngồi lặng đi, xót xa quá. Nghe nói có doanh nhân bỏ ra 150 tỉ đồng biếu một quan lớn xây nhà thờ họ; có doanh nhân đang sống khỏe mạnh đã xây lăng mộ 40 tỉ đồng… Còn các quan chức và những người lắm tiền đầu tư, lãng phí vào các việc làm vô bổ thì không biết cơ man nào mà kể. Thật xót xa, cay đắng cho dân ta, nước ta. Nhưng nghĩ lại cũng hay, từ trong khốn khó, miệt mài làm lụng mấy năm trời để ra bộ sách giáo khoa Tiểu học với chi phí 300 triệu đồng. Một thách thức mà giới “quan chức thầu sách giáo khoa”, không khỏi choáng váng.

– Một công chức làm sách giáo khoa xuất hiện, khen động viên nhóm Cánh Buồm mấy câu rồi nói đại ý: Làm sách giáo khoa là vô cùng khó, phải tuân theo nhiều yêu cầu nghiêm ngặt, nhưng chỉ hỏi một điều thôi, là nhóm biên soạn có biết những nguyên tắc về ngôn ngữ của sách giáo khoa không? Ái chà chà… Miệng nhà quan có gang có thép thật. Chưa cần đọc chúng mày viết gì, ta cũng biết phạm quy rồi, đe nẹt cho biết lễ độ! Chả khác gì một ông nông dân làm ra giống lúa mới, năng suất cao muốn đem giới thiệu cho bà con, thì ông ở sở nông nghiệp bảo “ai cấp phép cho anh nghiên cứu giống lúa mới? Quy trình canh tác của anh có đúng quy trình đã được trên duyệt chưa? Giấy phép đóng dấu đỏ đâu?”…

– Một cô giáo trẻ đứng dậy, hình như bức xúc với câu “đe nẹt” của ông nói trên, nên giọng cô có vẻ gay gắt: cháu từ Bắc Giang xuống đây, cháu đã dạy thử sách của nhóm Cánh Buồm, cháu thấy rất hay. Cháu sẽ quyết tâm theo đuổi việc này đến cùng! Tôi có cảm tưởng như một “con chiên xin tử vì đạo”!

– Nhưng ngay lúc ấy một ông “quan chức quản lý làm sách giáo khoa”, cũng bức xúc đứng lên, nói không kém gay gắt. Các anh làm sách thì cứ làm, nhưng đừng có tỏ ý phủ định các sách giáo khoa hiện hành. Cái đó không phù hợp với văn hóa phê bình của Việt Nam ta và cả ở phương Tây nữa, vì tôi cũng đi nhiều nước phương Tây rồi… Ô hay! Nếu không phủ định sách giáo khoa hiện nay thì làm sách mới với mấy chục nghìn tỉ đồng để là gì? Làm gì hả? Mà ngay vào đầu hội thảo, nhà giáo Phạm Toàn đã nói, vì có chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” nên chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của nhóm Cánh Buồm với những ai đang muốn làm sách giáo khoa…Tử tế như vậy mà lại bị người thế kia “dạy cho văn hóa phê bình” thì ai mà chẳng lộn ruột!

Ấy thế mà cái ông Pham Toàn vẫn cười hiền lành như ông Phật vậy. Hình như người ngoại tám mươi vẫn minh mẫn, sáng suốt như thế, người ta gọi là người Hiền.

Đêm 15/10/2014

Comments are closed.