Các quan chức là “vị thanh niên” sao?

Mạc Văn Trang

Hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật làm việc miệt mài với nhóm học viên cao học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách Khoa, thấy hay hay. Các nhà kỹ thuật bây giờ lại hào hứng quan tâm đến Tâm lý học, đến kỹ năng mềm, phát huy các chức năng ưu trội của bán cầu não phải… Khi trao đổi về sự phát triển và vai trò của ý thức cá nhân, có một câu hỏi thú vị. Chả là theo Tâm lý học phát triển, trẻ em dưới 10 tuổi thường hành động cảm tính, thiếu ý thức đầy đủ về hành vi xã hội, do đó ở đâu cũng cần có người lớn coi sóc; khi các em có hành vi sai trái, phải trực tiếp chỉ bảo, uốn nắn nhẹ nhàng, cặn kẽ, theo mẫu hành vi đúng đắn, không bắt các em viết kiểm điểm.
Đối với vị thành niên (11 đến dưới 18 tuổi), các em khá phát triển tự ý thức về bản thân và ý thức xã hội đang hình thành, chưa chắc chắn, do vậy khi các em vi phạm những hành vi xã hội, thường được các cơ quan an ninh giữ lại, bắt viết tường trình, tự kiểm điểm và mời phụ huynh hoặc giáo viên chủ nhiệm đến bảo lãnh, có khi phải nộp phạt, rồi đón về. Ở tuổi này, các em đã phát triển tự ý thức, mới biết tự đánh giá, tự phân tích hành vi đúng, sai, phải trái, theo các chuẩn mực xã hội một cách xác đáng. Việc “kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm sâu sắc” đối với vị thành niên thực chất là một hình thức “tự phê bình, tự giáo dục” cần thiết và hiệu quả, trong quá trình các em đang hoàn thiện nhân cách xã hội…

Còn đối với người lớn, từ 18 tuổi trở lên đã được đi bầu cử, 21 tuổi đã có quyền ứng cử vào các cơ quan quản lý Nhà nước, tức là đã phát triển tự ý thức và ý thức công dân, ý thức xã hội đầy đủ; khi họ có hành vi sai trái, cứ theo luật mà xử: phạt hành chính, cách chức, đi tù …, không có “tự kiểm điểm” gì nữa.

Tất nhiên ở người lớn cũng có những hành vi vô thức trong lúc mơ ngủ, mộng du, mắc bệnh tâm thần, hay hành vi không cố ý, thì có thể được xét vô tội; hoặc hành động trong lúc say xỉn, mất kiểm soát của ý thức, sẽ được giảm tội… Còn những hành vi cố ý làm trái, tức là có ý thức, tự ý thức thì cứ theo luật mà xử. Có một ví dụ điển hình về hành vi không cố ý và hành vi cố ý giết người trong “Vụ án cầu Chương Dương” nổi tiếng. Đó là vào tối ngày 29 tháng 2 năm 1993, anh NVP chở bằng xe máy một bao tiền cho chủ từ Hà Nội sang Gia Lâm để chuyển cho một người. Anh bị cảnh sát giao thông NTD bắn chết. Sau nhiều lần điều tra, xét xử, Công an Hà Nội đã kết luận đây là vụ VÔ Ý (không cố ý) gây chết người trong khi thi hành công vụ. VTD trắng án và tất nhiên có đền bù cho gia đình nạn nhân… Nhưng gia đình nạn nhân kêu cứu khẩn thiết và dư luận làm dữ quá, nên Bộ Công an phải trưng cầu cơ quan giám định pháp y của Bộ Quốc phòng giám định lại các vết đạn trên tử thi của nạn nhân P. Kết quả giám định các đường đạn của pháp ý quân đội đã chứng minh thuyết phục để kết tội CỐ Ý giết người của cảnh sát NTD. Phiên tòa được mở lại để xét xử và Tòa tuyên án “tử hình” bị cáo NTD.
Qua đây ta thấy đối với người trưởng thành, nhất là khi đã giữ trọng trách xã hội, thì những hành vi có ý thức, tự ý thức, cố ý làm trái, thì tùy hậu quả mà xét xử, trừng trị, không có chuyện “kiểm điểm”, “phê bình”, “rút kinh nghiệm” như đối với vị thành niên…
Một bạn thắc mắc: Các quan chức ký các dự án trăm tỉ, ngàn tỉ, hay bổ nhiệm “đúng quy trình”, nhưng sai trái… thì có phải là có ý thức, cố ý không? Có thể nào lại coi đó là vô ý thức, vô tình?
Một bạn khác trao đổi: Chắc chắc là phải có ý thức, tự ý thức, cố ý chứ, vì trước khi ký phải bàn lên, bàn xuống, xét đi xét lại, mới hạ bút ký, sao lại có thể ngẫu nhiên, vô ý được!…
– Vậy sao nhiều vụ lại chỉ “phê bình”, “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Chả lẽ coi các quan chức là “vị thành niên” sao? Đề nghị thầy giải đáp cho!
– Về phương diện chuyên môn, Tâm lý học, thầy trình bày như vây. Còn các bạn là những người trưởng thành, có ý thức, sẽ tự liên hệ thực tế và mỗi người tự rút ra kết luận cho mình.
8/01/2017

Nguồn: FB Mạc Văn Trang

Comments are closed.