Chống xâm lăng

(Thời buổi này mà đặt tựa Chống xâm lăng nghe như chậm tiến sáu bảy chục năm!)

Lê Học Lãnh Vân

Hổm rày nghe tin tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Lòng đau lắm, nhưng chán phè, không muốn lên tiếng.

1) Thông thường, một người dân bị nước ngoài ức hiếp hay giết, cả chính quyền lập tức lên tiếng. Một mảnh đất quốc gia bị xâm lấn, cả chính quyền lập tức lên tiếng. Cùng với toàn dân sục sôi! Cả hệ thống chính trị, chính quyền và dân chúng, đứng bên nhau phản đối, cùng chống xâm lăng. Từ “xâm lăng” ở đây được dùng theo định nghĩa của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1974 là: “Việc triển khai… những nhóm có vũ trang hoặc lực lượng không chính quy… chống lại một quốc gia khác… gây ra những thiệt hại đáng kể”. Đừng quên rằng một phần biển đảo của Việt Nam đã bị Trung Quốc tấn công hải chiến và chiếm giữ từ mấy chục năm nay!

Viết tới đây, chắc các anh chị hiểu tại sao chán phèo, không thèm nói nữa!

Trong phạm vi kiến thức của mình, tôi biết chính quyền Việt Nam cũng căm gan tụi bành trướng lắm. Nhưng mà chính quyền không đứng chung với dân chúng trong chống bành trướng, chính quyền chỉ muốn dân chúng phải đứng sau lưng chính quyền khi chống xâm lăng. Chính quyền hô thì dân giơ tay lên, chính quyền tập họp thì dân tham gia. Ước muốn đó không khả thi, vả lại chống xâm lăng có thể không đồng nghĩa với ủng hộ chính quyền. Cần phải hiểu rằng có biết bao nhiêu cách thức, bao nhiêu đường lối chống xâm lăng. Khi bắt mọi người phải chống xâm lăng cùng một cách thức, một con đường, có nghĩa là triệt tiêu tinh thần sáng tạo trong chống xâm lăng, triệt tiêu rất nhiều sức mạnh, nguồn lực chống xâm lăng. Rõ ràng, một nguồn năng lượng và nhiệt huyết lớn để chống xâm lăng bị triệt tiêu!

Do không đứng chung với người dân chống xâm lăng, chính quyền không thể mạnh mẽ chống xâm lăng. Chính quyền cứ phải nhường nhịn. Xin đừng hô khẩu hiệu, đường tự huyễn hoặc mình trong khẩu hiệu mà hãy nhìn thực tế. Trong nhiều năm dài, dân Việt bị đuổi, bị giết trên ngư trường truyền thống mà dân chúng không cảm thấy chính quyền điều tra kẻ phạm tội ác, trong nhiều trường hợp dân chúng biết chắc là tàu Trung Cộng đâm chìm hay bắn chết ngư dân Việt, thì tiếng nói chính thức của đất nước vẫn gọi tàu đó là tàu LẠ và thảm nạn bị chìm vào quên lãng. Các cuộc biểu tình, gọi là tụ tập, chống Trung Cộng xâm phạm chủ quyền bị ngăn chặn, cấm đoán, quấy nhiễu bằng nhiều hình thức. Tiếp theo kiểu hành xử lạ lùng đó, rất lạ so với ngàn năm sử Việt chống xâm lăng, nhiều việc đau lòng xảy ra như ngư dân bị bắn chết và xác ướp đá lênh đênh trên biển nhiều ngày trước khi cập bến. Đó có phải là một biểu hiện của nhường nhịn kẻ xâm lăng không?

2) Tuy nhiên, lần này, báo chính thống lên tiếng, đăng tin với các tiêu đề như “Ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa đã về đến đất liền” (báo Thanh Niên), hay “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc xử nghiêm, bồi thường vụ đâm chìm tàu cá ở Hoàng Sa” (báo Tuổi Trẻ). Phản ứng của chính phủ là trao công hàm phản đối. Cho dù chưa triệu hồi đại sứ Trung Quốc tới, cách giật tít của báo chính thống và công hàm phản đối của chính phủ Việt Nam cũng cho thấy một cách phản ứng khác hẳn những năm trước. Cùng với công hàm trước đó gởi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Việt Nam đang cho thấy một lập trường dần cứng rắn hơn.

Dù cho rằng các biện pháp đối phó chưa tương xứng với hành vi và hậu quả của việc Trung Quốc xâm phạm nước ta hiện nay và trong vòng vài chục năm qua, tôi ủng hộ cách phản ứng của chính phủ.

Nếu chính phủ cương quyết trong ý định chống xâm lăng của Trung Cộng, chắc chắn dân chúng sẽ hợp đồng hành động. Như lời Kêu Gọi Kháng Chiến Năm Xưa: Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Hiện nay, thời cuộc khác, lời kêu gọi nên là ai có bất kỳ sáng kiến nào phản đối Trung Quốc chiếm đóng lãnh thổ Việt, giết dân Việt đều được chính phủ hoan nghênh và hỗ trợ.

Các động thái như mít-tinh, biểu tình, viết xã luận vẫn có giá trị. Nhưng chỉ là ngắn hạn. Thời đại mới, việc chống xâm lăng hiện nay cần phương cách mới, nguồn lực mới… Quân sự vẫn còn quan trọng, nhưng kinh tế có vai trò rất quan trọng, từ năm 1968 thượng nghị sĩ Pháp Mitterand đã khẳng định điều đó. Kinh tế và quân sự cần được xây dựng trên nền dân trí không ngừng nâng cao, không có nền tảng dân trí tương xứng thì không nền kinh tế nào trụ vững và phát triển lâu dài…

Muốn dân trí cao, dân chúng phải được tiếp cận mọi loại kiến thức, giáo dục phải khai phóng. Mọi nguồn lực quốc gia tập trung vào đào tạo những thế hệ có tài năng, có tầm nhìn với những giá trị quốc tế, có tấm lòng phụng sự cộng đồng, xã hội, quê hương. Không khó lắm đâu, chỉ cần xây dựng Việt Nam là quốc gia của mọi người Việt Nam không phân biệt chủng tộc, vùng miền xuất thân, niềm tin tôn giáo, khuynh hướnh chính trị. Xây dựng một chính quyền phụng sự do dân chúng ứng cử và bầu lên, chính quyền liêm khiết trong đó tham nhũng được giới hạn tới cực tiểu!

Bài viết này tin rằng một Việt Nam như vậy sẽ phát triển nhanh mọi mặt, không kẻ bành trướng nào dám khinh lờn. Lòng dân hướng về, kinh tế vững mạnh, uy tín quốc tế cao, đời sống người dân no ấm. Theo cách người viết quan sát và cảm nhận, các biến chuyển tích cực đang dần tới…

Ngày 08 tháng 4 năm 2020

Comments are closed.