Kỳ Duyên
Chả lẽ “cái lý người Kinh” nó tồn tại được bởi những giá trị xã hội đang rối loạn? Mà chế tài pháp luật lại treo ngược cành cây?
Xưa nay, trong dân gian, người ta thường nghe thành ngữ “Cái lý người Mèo”, ám chỉ một cách tư duy hồn nhiên nhưng độc đáo, đầy lý sự, khiến người nghe bật cười vì sự ngụy biện dễ thương.
Còn giờ, có khi người ta sẽ dần phải quen với thành ngữ mới: “Cái lý người Kinh”. Có điều, nó ám chỉ một cách tư duy đầy ngụy biện, đánh tráo khái niệm, lắt léo và chả… dễ thương tý nào.
Cũng phải nói rằng, nó thực ra chỉ là “năng khiếu” của một số người, nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh xã hội bởi biệt tài đánh tráo khái niệm của những người có “năng khiếu” ấy.
Dù không phải lúc nào, trước những vụ việc sai lè lè, xã hội cũng phải nghe. Mà có những vụ việc, ở đó, sự vật đã được gọi đích danh.
Tỉ như vụ việc xảy ra gần đây: Tối 29.9, trên các trang mạng xã hội xuất hiện đoạn video clip một cảnh sát túm lấy và giằng co, lôi kéo một người bán hàng rong ở hồ Con Rùa, P.6, Q.3, TP.HCM. Khỏi phải nói “phản ứng” của cư dân mạng trước những hình ảnh phản cảm đó ra sao.
Sự phản ứng của dư luận xã hội chỉ hạ nhiệt khi trung tướng Lê Đông Phong – Giám đốc Công an TP.HCM, sau khi xem đã thẳng thắn: “Hình ảnh phản cảm quá. Công an phải bảo vệ dân, làm như vậy là sai”. Ông chỉ đạo đình chỉ ngay công tác của sĩ quan kia để kiểm điểm làm rõ, đúng – sai, hạ hồi phân giải (TT, ngày 2.10).
Ngay lập tức, sự phản ứng trên các trang mạng xã hội cũng “giảm tông”, bớt đi những nghi ngờ ác í, thậm chí cực đoan, trước cách gọi đúng tên vụ việc của vị tướng công an. Một cách xử lý vừa trung thực vừa khôn ngoan, mang tính thuyết phục.
Nhưng không phải lúc nào “cái lý người Kinh” cũng chịu nằm im. Mà nó luôn xuất hiện đúng chỗ ở những lúc cần… đánh tráo khái niệm. Nó biết cách lập luận quanh co, dựa vào những chỗ giống nhau bề ngoài, hay hình thức sự vật, mà dùng thủ thuật để làm người khác hiểu sai sự thật bản chất vấn đề. Giả dối nhưng lại có lý có lẽ.
Và tiếc thay, cái lý sự kiểu ấy trong đời sống xã hội này không hiếm. Nó xuất hiện ở bất cứ tầng lớp người nào, và kể cả quan chức- những người phải chịu trách nhiệm trước mỗi vụ việc, sự cố xảy ra.
“Cái lý người Kinh” có khi hiển hiện ngay cả trong lập luận của một ông Phó chủ tịch huyện Chư Pả (Gia Lai), chẳng hạn. Đó là tháng 2.2012, trước hiện tượng mưa lũ khiến đế trụ giữa của cây cầu bị làm rỗng, dẫn đến cầu sập xuống lòng sông, trả lời báo chí, ông này ráo hoảnh: Cầu tạo hình chữ V chứ không sập.
Có lẽ chiếc cầu sập đang đau đớn cũng phát… đỏ mặt. Vì “kung fu” đánh tráo khái niệm đạt đến “đỉnh cao”.
Tương tự như ông Phó chủ tịch huyện Chư Pả, trả lời báo chí về vụ hai con trâu chọi nhau tại Hội thi trâu khỏe huyện Phúc Thọ 2016,ông Trần Mạnh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) khăng khăng: Hai con trâu đấu nhau chứ không phải là chọi trâu.
Mặc dù, theo VnExpress, ngày 5.9, hội thi được thiết kế với nhiều nội dung, nhưng phần lớn thời gian hội thi dành cho nội dung chọi trâu. Có những cặp trâu vì “không tích cực thi đấu” nên việc thắng thua được ban tổ chức quyết định qua bốc thăm.
Nếu con trâu bị chết có sống lại hẳn cũng… nhăn răng cười. Vì nó không phân biệt nổi “trâu đấu nhau” và “chọi trâu” khác nhau ở điểm nào.
Rồi trước đó nữa, năm 2010, một ông quan chức tại nghị trường Quốc hội, khi nhìn hình ảnh các bé em người dân tộc vùng cao nét mặt vô cùng căng thẳng phải đu dây vượt sông Pô Kô đi học, đã khen ngợi “Đó là sự sáng tạo không ngờ” khiến người xem truyền hình bất ngờ và nổi giận… không ngờ!
Vì sự ngụy biện “cao tay’ quá. Lấy cái sự khen ngoắt ngoéo che giấu lỗi trách nhiệm!
Ngụy biện, đánh tráo khái niệm là một đặc tính người. Nó xuất hiện khi con người có tư duy, thậm chí là sơ đẳng, kiểu: Tao tưởng giết người mới có tội, chứ làm ra người sao lại có tội?
Nhưng sự ngụy biện kiểu “cái lý người Mèo”, cùng lắm chỉ gây ra tiếng cười thiên hạ. Vì sự hiểu biết hạn chế với lối tư duy sơ đẳng, ngây thơ, trong thế giới…. lồi lõm.
Còn sự ngụy biện kiểu “cái lý người Kinh”, trong thế giới phẳng và thông tin ngay lập tức truyền đi khắp nhân gian chỉ bằng những cú nhấp chuột, có khi lại chỉ gây ra sự bất bình. Vì lối tư duy ngụy biện, đánh tráo khái niệm. Sự đánh tráo khái niệm kiểu đó khiến niềm tin con người bị tổn thương nặng nề. Nhưng vì sao, nó vẫn có đất.. dụng võ?
Đó là bởi sự rối loạn các giá trị có nguy cơ “bình thường hóa” trong thang giá trị sống, thậm chí ngang nhiên ngự trị. Trong khi đó sự xử lý những vụ việc đó cũng khiến xã hội thấy… ngang tai trái mắt. Thậm chí có những vụ việc khiến cho các quan chức, đại biểu quốc hội phải lên tiếng không đồng tình. Thậm chí theo báoDân trí, ngày 4.10 cử tri TP.HCM đã đề nghị Chủ tịch nước vào cuộc xử lý.
Đó là vụ việc gần đây, gây ồn ào dư luận trên cả các cơ quan truyền thông lẫn các trang mạng xã hội, kéo dài đến tận hôm nay. Xoay quanh vụ một nhà báo khi tác nghiệp theo phân công của tòa soạn, đã bị một cán bộ điều tra đánh, đá đến chảy máu mồm.Vậy nhưng, cứ theo “cái lý người Kinh”, đó chỉ là “cái gạt tay bị trúng má”.
Có thể nhà báo đó trong cách xử sự cũng chưa hay, nhưng “đánh, đá đến chảy máu mồm”, và cái “gạt tay bị trúng má” hẳn nó chẳng có… họ hàng gì với nhau. Nó khác xa nhau về bản chất hành động.
Câu chuyện của cơ quan chức năng cấp huyện ở thủ đô, mà khiến cử tri tại TP.HCM phải lên tiếng, đề nghị Chủ tịch nước vào cuộc xử lý. Đủ biết cử tri không tin.
Hay bởi đó là lý lẽ của người “có gang có thép”?
Vì sao, cùng là đô thị lớn, cùng ăn gạo trắng uống nước trong, cùng trong lực lượng chức năng xảy ra vụ việc “đụng chạm” thân thể người dân, nơi này cách xử lý lập tức được tâm phục khẩu phục. Nơi kia, khiến cả xã hội ồn ào, không chịu, cứ lây rây đàm tiếu. Hay bởi nơi kia, có lý luận, có “cái lý người Kinh” nên cái sự phải trái, trắng đen, xấu tốt, hay dở nó trở nên … lồi lõm giữa thời của thế giới phẳng?
Vì sao? Chả lẽ nó tồn tại được bởi những giá trị xã hội đang rối loạn? Mà chế tài pháp luật lại treo ngược cành cây?
Nguồn: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/cai-ly-nguoi-kinh-va-the-gioi-phang-44802.html